7.4.15

Turgot, lý thuyết gia của chủ nghĩa tư bản, người bảo vệ chủ nghĩa tự do



Turgot, lý thuyết gia của chủ nghĩa tư bản, người bảo vệ chủ nghĩa tự do
Lý thuyết gia của chủ nghĩa tư bản tiên phong, Turgot được vua Louis XVI bổ nhiệm làm Tổng thanh tra tài chính, đã thất bại trong nỗ lực áp dụng chương trình kinh tế tự do vào nước Pháp.
Turgot là một trong số ít các nhà lý thuyết gia kinh tế đạt được quyền lực chính trị.
Có rất nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng, từ thời trọng thương đến thời điểm hiện tại, giữ chức cố vấn cho bậc Quân vương. Thông thường, nhiệm vụ của họ là biện minh cho những quyết định chính trị đã được chuẩn y. Đây là cách hành động thận trọng nhất để duy trì một vị trí có lương cao. Rất hiếm khi, các nhà kinh tế học vươn tới được quyền lực chính trị. Anne Robert Jacques Turgot, thường được gọi là Turgot, là một trong số những người đó, và là một trong số ít những người toan thực hiện các ý tưởng của mình.
Chính trong thời kỳ của ông mà ở Pháp xuất hiện tên gọi "nhà kinh tế học" để chỉ những người trọng nông, môn đồ của Quesnay. Turgot chịu ảnh hưởng của những người trọng nông, trước hết thông qua Vincent de Gournay (1712-1759), quan toàn quyền ở bộ thương mại, thương gia và nhà cải cách chống học thuyết trọng thương, người mà ông tháp tùng trong các chuyến thanh tra ở các tỉnh nước Pháp năm 1756 và 1757. Giống như nhiều nhà tư tưởng vĩ đại của thời ông, Turgot là một học giả đa tài, từ thần học đến luật học trước khi phục vụ trong mười ba năm với chức danh quan toàn quyền vùng Limousin, và sau đó tham gia vào Hội đồng cố vấn nhà vua, đầu tiên với chức danh là Bộ trưởng Bộ hàng hải và sau đó là Tổng thanh tra Tài chính từ năm 1774 đến 1776.
Bản chất và sự vận hành của chủ nghĩa tư bản
Mặc cho nhiệm vụ hành chính của ông và cơn bệnh gút tái phát đã khiến ông dành ít thời gian để cầm bút, nhưng ông cũng đã viết về nhiều đề tài khác nhau, về nghệ thuật cũng như triết học, khoa học cũng như văn học. Là người biết nhiều thứ tiếng và thành thạo bảy ngôn ngữ, đam mê thơ ca, ông miệt mài dịch, trong số nhiều tác phẩm khác, các tác phẩm về kinh tế học chính trị của Anh. Các ý tưởng kinh tế của ông nằm rải rác trong rất nhiều bài viết hợp tình huống, nhưng, trước hết, trong một bài viết dành cho hai sinh viên người Trung Quốc, Suy ngẫm về sự hình thành và phân phối của cải.
Trong một bài luận văn viết khi đang là sinh viên thần học, Bảng triết học về những tiến bộ liên tiếp của trí tuệ con người, Turgot phác họa một luận điểm về sự tiến bộ của nền văn minh mà người ta có thể thấy lại, với nhiều biến thể, dưới ngòi bút của Jean Jacques Rousseau và Adam Smith. Đối với Turgot, xã hội loài người không tiến triển theo cùng cách với tự nhiên, theo những quy luật phổ quát: "Sự nối tiếp của con người từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, trái lại, tạo ra một cảnh tượng luôn biến đổi", trong đó lý trí, đam mê và tự do hòa quyện với nhau. Sau một giai đoạn thống trị bởi hoạt động săn bắn, là thời kỳ hoạt động chăn nuôi, rồi nông nghiệp và cuối cùng là công nghiệp. Chính trong giai đoạn cuối này đã hình thành nên các cơ chế thị trường, sự xác định các giá trị và giá cả, những vấn đề được Turgot đề cập trong vài đoạn, trong đó có một nghiên cứu dở dang, Giá trị và tiền tệ. Nó lý giải cách thức "giá trị ước tính" hay giá cả thị trường, được xác định bởi cung và cầu, xoay quanh một "giá trị cơ bản" vốn phải đảm bảo các chi phí sản xuất.
Chính phân tích của mình về tư bản mà Turgot là người đi trước thời đại nhất. Trong tác phẩm nổi tiếng Biểu kinh tế, lần đầu xuất bản vào năm 1758, Quesnay giải thích cách thức quá trình sản xuất được thực hiện qua phương tiện tiền ứng trước. Chỉ có hoạt động nông nghiệp, trong đó giá trị sản xuất vượt trội giá trị tiền ứng trước, mới tạo ra sản phẩm ròng; những hoạt động thương mại và sản xuất, vào lúc ấy, được coi là những hoạt động vô bổ, chuyển hóa vật chất mà không tạo ra của cải mới. Turgot, ngược lại, tin rằng các ngành công nghiệp và thương mại cũng tạo ra của cải như hoạt động nông nghiệp. Tiền ứng trước, nhờ đó người ta tạo ra sản phẩm và có thể là dưới dạng phương tiện sinh tồn, gia súc, công cụ và nhà xưởng, tạo thành tư bản; sản phẩm ròng là lợi nhuận. Tiền ứng trước được tạo ra bằng cách tiết kiệm trên tiền lời. Chúng được chuyển hóa thành đầu tư thông qua các cơ chế ấn định lãi suất. Được Adam Smith trình bày lại, quan điểm về các mối quan hệ giữa tiết kiệm, đầu tư, tư bản và lãi suất chiếm ưu thế trong kinh tế học chính trị trong vòng một thế kỷ rưỡi trước khi được Keynes đặt lại vấn đề.
Đối với Turgot, có nhiều cách để sử dụng tư bản, mỗi cách đều tạo ra lợi tức, gắn với rủi ro, và giữa chúng phải có một sự cân bằng. Cách thứ nhất là mua đất. Đây là cách ít rủi ro nhất và do đó lợi tức, địa tô, là thấp nhất. Kế đến là cách cho vay tiền, tạo ra một lợi tức tất yếu vượt trội so với địa tô. Chủ sở hữu tư bản có thể đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp, công nghiệp và thương mại, tỷ suất lợi nhuận tăng từ khoản đầu tư trong lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.
Thiết lập một chương trình kinh tế tự do
Phân tích kinh tế của Quesnay dẫn ông đến việc đề xuất một cấu trúc xã hội với ba giai cấp, giới chủ bao gồm giới quý tộc, bộ máy nhà nước và giới tăng lữ. Giai cấp sản xuất bao gồm tất cả những người làm ruộng. Giai cấp vô bổ bao gồm những người hoạt động trong ngành công nghiệp, thương nghiệp và tài chính. Thay vì cấu trúc ba tầng này, Turgot lại chọn phân loại thành hai tầng, tầng lớp thứ nhất bao gồm các nhà tư bản-doanh nhân, những người sống dựa vào tiền ứng trước của họ, bất luận lĩnh vực ứng dụng, và tầng lớp thứ hai là "giai cấp của những người [...] không có tài sản ngoài lao động và sự khéo léo của họ". Đây là định nghĩa mà sau này được các nhà vô sản như Jean Sismondi và Karl Marx sử dụng. Quan tâm đến vấn đề nghèo đói và thất nghiệp, ủng hộ công lý xã hội, Turgot đã viết trong bài báo của ông “Fondation (Nền tảng)" trong bộ Bách khoa toàn thư: "Người nghèo có những quyền không thể phủ nhận trên sự sung túc của người giàu."
Turgot là một trong những người biện hộ đầu tiên và mạnh mẽ nhất cho quyền tự do kinh tế. Dưới ngòi bút của ông xuất hiện thuật ngữ "tự do kinh doanh" (laisez-faire), mà ông cho rằng tác giả là Legendre, một nhà buôn, khi trả lời một câu hỏi của Jean-Baptiste Colbert. Ông tin rằng trong lãnh vực kinh tế, cũng như trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người, quyền tự do hành động toàn diện nhất không chỉ là đường lối duy nhất đáng mong muốn về mặt đạo đức, mà c̣òn hiệu quả nhất. Vì vậy, ông trực tiếp đối đầu với học thuyết trọng thương ở Pháp đã tồn tại lâu đời hơn bất kỳ nơi nào khác. Liệu chúng ta có nên xem là một dấu hiệu của định mệnh khi mà Antoine de Montchrestien, một nhân vật lớn của chủ nghĩa trọng thương Pháp, bị một cụ tổ của Turgot sát hại ngày 7 tháng 10 năm 1621 tại khách sạn des Tourailles ở Normandie, trong bối cảnh những cuộc chiến tranh tôn giáo?[1]
Vùng Limousin, vào thời điểm Turgot làm quan toàn quyền, bao gồm một số tỉnh nghèo nhất nước Pháp. Ông quy nguyên nhân của tình trạng ấy cho các chính sách trọng thương mà ông quyết tâm loại bỏ. Đó là chương trình kinh tế mà ông đề ra khi, trước sự bất ngờ chung của mọi người, vua Louis XVI, vừa lên ngôi, bổ nhiệm ông làm Tổng thanh tra tài chính. Mặc dù có mâu thuẫn với nhau trên rất nhiều vấn đề, các nhà bách khoa (trong đó có Voltaire) và các nhà trọng nông (trong đó có Dupont de Nemours) đón nhận cuộc bổ nhiệm này với một sự ngạc nhiên thích thú. Quyền hạn của Tổng thanh tra là rất lớn, thời ấy bao gồm cả quyền hạn của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Tài chính và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày nay. Turgot thông báo với nhà vua ngay từ đầu rằng cơ quan của ông sẽ hành động với phương châm tiết kiệm và chặt chẽ, điều đó sẽ kéo theo việc kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu của nhà nước.
Biện pháp chính đầu tiên được công bố vào ngày 13 tháng 9 năm 1774. Đó là vấn đề tái lập quyền tự do lưu thông ngũ cốc, bị gián đoạn từ năm 1770 sau khi được ban hành lần đầu vào năm 1764. Nghị định này kích hoạt cùng lúc phong trào thứ nhất chống đối Turgot. Giá bánh mì tăng, bị quy cho biện pháp này, vào năm 1775 gây ra một loạt các vụ bạo loạn, cuộc "chiến tranh bột mì", mà Turgot thẳng tay đàn áp bằng vũ lực. Dần dần, ông thấy dựng lên một liên minh gồm nhiều thành phần hỗn tạp chống lại ông, đại diện cho lợi ích của giới quý tộc, tăng lữ, tài chính và giai cấp tư sản, cũng như những người nghèo và người lao động. Vào đầu năm 1776, cùng với những thành phần đó còn có thêm các nghệ nhân và thương gia, có quyền lợi bị bởi sáu dự án sắc lệnh đe dọa, mà khi được thông qua vào tháng năm, thúc đẩy nhanh hơn sự sụp đổ của Turgot. Ban đầu là các thợ cả, các ban quản lí phường hội thời trung cổ khác nhằm bảo vệ ngành nghề của mình. Turgot cũng muốn loại bỏ chế độ lao dịch. Một trong những biện pháp cuối cùng của ông là thành lập Quỹ chiết khấu, tiền thân của Ngân hàng quốc gia Pháp. Địch thủ của ông, ngày càng nhiều hơn, kể cả vợ của nhà vua, Marie Antoinette, thật vậy Turgot đã thực sự đi ngược lại, chống lại sự ban ân huệ cho bạn bè của nữ hoàng.
Đúng như dự đoán của Ferdinando Galiani[2], người bạn và đối thủ của ông, khi làm cho tất cả những lợi ích vững chắc dứt khoát chống lại ông, Turgot thất bại trong nỗ lực thiết lập một chương trình kinh tế tự do ở Pháp. Trong một bức thư gửi cho vua Louis XVI ít lâu trước khi bị cách chức, gợi lại nỗi cay đắng của ông trước các thủ đoạn của địch thủ và sự thiếu quan tâm hỗ trợ của nhà vua, Turgot viết: "Xin Bệ hạ chớ quên rằng chính sự yếu đuối đã đưa cái đầu của vua Charles 1er lên đoạn đầu đài. [...] người ta nghĩ Ngài yếu, và thỉnh thoảng tôi lo rằng tính cách của Ngài có điều thiếu sót." Không đến hai mươi năm sau, ngày 21 tháng 1 năm 1793, vua Louis XVI bị đưa lên máy chém tại quảng trường Cách mạng, sau đổi tên thành quảng trường Concorde.
Turgot qua vài năm tháng
1727: sinh ngày 10 tháng năm ở Paris; cha ông, Michel Etienne, là quan giám sát các nhà buôn ở Paris từ năm 1729-1740.
1746: nhập học Khoa Thần Học.
1748: gia nhập chủng viện Thánh Sulpice ở Paris. Tableau philosophique des progrès successifs de l’esprit humain (Bảng triết học về những tiến bộ liên tiếp của trí tuệ con người).
1749: thường trú tại nhà Sorbonne, nơi ông được bổ nhiệm làm trưởng tu viện. Lettre à l’abbé de Cité sur le papier-monnaie (Thư gửi cha de Cité về vấn đề tiền giấy).
1751: Plan de deux discours sur l’histoire universelle. Réflexions sur les langues (Kế hoạch hai bài diễn văn về lịch sử phổ quát. Những suy ngẫm về ngôn ngữ).
1752-1753: được bổ nhiệm làm thẩm phán thay biện lý và cố vấn, và cuối cùng là phúc trình viên của Nghị viện Paris.
1753-1754: Lettres sur la tolérance (Những bức thư về sự khoan dung).
1756-1757: năm bài viết cho bộ Bách khoa toàn thư.
1759: Eloge de Vincent de Gourmay (Ca tụng Vincent de Gourmay). Bắt đầu tham dự các buổi họp của các nhà trọng nông do Quesnay tổ chức tại Versailles và trong giới thượng lưu ở Paris. Ở đây, ông gặp, trong số những người khác, Adam Smith và David Hume.
1760: gặp Voltaire ở Ferney, tháng Mười.
1761: tháng tám được bổ nhiệm làm quan toàn quyền vùng Limousin, một vị trí mà ông đã tại vị trong mười ba năm, và đã tiến hành nhiều cuộc cải cách ở đó.
1763: Plan d’un mémoire sur les impositions (Kế hoạch một bản phúc trình về việc đánh thuế).
1764: Mémoire sur les mines et carrières (Phúc trình về mỏ và công trường đá). Gặp Dupont de Nemours, Giám đốc tòa báo Ephémérides du citoyen, người trở thành người bạn, người cộng sự và người đầu tiên viết tiểu sử ông.
1766: Réflexions sur la formation et la distribution des richesses (Suy ngẫm về sự hình thành và phân phối của cải), xuất bản lần đầu trong Ephémérides du citoyen vào năm 1769 và 1770.
1769: Valeurs et monnaies (Giá trị và tiền tệ (bản thảo chưa hoàn thành)).
1770: Mémoire sur les prêts d’argent. Lettres au contrôleur général sur le commerce des grains (Phúc trình về cho vay. Những bức thư gửi Tổng thanh tra về giao dịch thương mại ngũ cốc).
1771: Bắt đầu trao đổi thư từ với Condorcet, trở thành người thừa kế trí tuệ và viết tiểu sử của ông.
1774: ngày 20 tháng Bảy được bổ nhiệm làm Bộ trưởng hàng hải. Ngày 24 tháng Tám, ông trở thành Tổng thanh tra Tài chính. Ngày 13 tháng Chín, ông ký một sắc lệnh tự do hóa lưu thông ngũ cốc.
1775: mất mùa gây nên sự tăng giá ngũ cốc và cuộc "chiến tranh bột mì", những cuộc bạo loạn mà Turgot thẳng tay đàn áp.
1776: vào tháng Giêng, Turgot trình cho nhà vua sáu nghị định, trong số đó một nghị định nhắm đến việc bãi bỏ lao dịch, và một nghị định khác liên quan đến các ban quản lý phường hội và các thợ cả. Buộc phải từ chức vào ngày 13 tháng năm, ông lui về nghỉ hưu ở lâu đài của nữ công tước xứ Enville, ở Roche-Guyon. Ông dành những năm cuối đời để nghiên cứu văn học và khoa học.
1777: được bổ nhiệm Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Minh văn và Văn chương.
1779: mua khách sạn de Viarmes ở Paris (nay là số 121 đường rue de Lille).
1781: mất ngày 18 tháng 3 ở Paris, sau một cơn bệnh gút.
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Turgot
Formation et distribution des richesses, những bài được chọn lọc và trình bày bởi Joël-Thomas Ravix et Paul-Marie Romani, coll. GF, Flammarion, 1997.
Ecrits économiques, Calmann-Lévy, 1970.
Œuvres de Turgot et documents le concernant, G. Schelle, Alcan, 5 vol., 1913-1923.
Những tác phẩm viết về Turgot
Turgot, économiste et administrateur, Christian Bordes et Jean Morange (chủ biên), PUF, 1981.
Turgot et l’économie politique sensualiste”, Gilbert Faccarello, trong Nouvelle histoire de la pensée économique. Des scolastiques aux classiques, Alain Béraud và Gilbert Faccarello (chủ biên), La Découverte, vol. 1, 1993.
La disgrâce de Turgot, Edgar Faure, Gallimard, 1961.
The Economics of A. J. Turgot, Peter D. Groenewegen, martinus Nijhoff, 1977.
Turgot on Progress, Sociology and Economics, Ronald L. Meek, Cambridge University Press, 1973.
La prise de conscience du capitalisme. Economie et philosophie chez Turgot, Claude Morilhat, Klincksieck, 1988.
Turgot. Laissez-faire et progrès social, Jean-Pierre Poirier, Perrin, 1999.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch.
Nguồn: “Turgot, théoricien du capitalisme, avocat du libéralisme” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012



[1] Xem "Antoine de Montchrestien, inventeur de l’économie politique (Antoine de Montchrestien, nhà phát minh kinh tế học chính trị)", trang 26.

[2] Xem "Ferdinando Galiani contre le dogmatisme économique (Ferdinando Galiani chống lại chủ nghĩa giáo điều kinh tế)", trang 58.

Print Friendly and PDF