5.12.19

Khoa học luận


KHOA HỌC LUẬN

Epistemology
Giải Nobel: FRIEDMAN, 1976
Những bài viết khoa học luận về phân tích kinh tế có xu hướng mang tính cực kì phê phán vì bỏ qua những nhận định thiết yếu để hiểu phương pháp được chọn của bộ môn này. Có thể tập hợp những nhận định này chung quanh ba điểm sau.
Kinh tế học chính thống, một khoa học phê phán
Các nhà kinh tế can thiệp vào một vũ trụ chật ních những tư tưởng, mệnh đề và tranh luận. Một hệ quả của điều này là những kết quả của phân tích kinh tế phải được đánh giá một phần bằng những khái niệm thêm vào: tìm hiểu tính vững bền và phạm vi của tri thức đạt được hay không của khoa học kinh tế là chưa đủ; còn phải tự hỏi xem là đóng góp của bộ môn này có cải tiến hay không hiểu biết của xã hội về chính bản thân mình. Sự tồn tại của một tập lớn những ý tưởng được công chúng phát biểu cũng có tác động là cho phép khoa học kinh tế có đóng góp không nhằm trực tiếp vào hiện thực mà vào những gì được nói đến về hiện thực này: ngoài những mục đích theo truyền thống thường được gán cho khoa học (khám phá, giải thích, tiên đoán), các nhà kinh tế cũng còn có thể tự vạch ra mục tiêu là làm rõ hay sửa sai những ý tưởng có sẵn trước đó (đặc biệt bằng cách chỉ ra rằng những điều được coi là không thể hình dung được, bí ẩn hay chắc chắn không nhất thiết là không hình dung được, bí ẩn hay chắc chắn). Vị trí của hoạt động này trong tổng thể nghiên cứu là quan trọng hơn vẻ bề ngoài của nó vì việc hoàn chỉnh một luận chứng phê phán thường đòi hỏi nỗ lực kéo dài của nhiều nhà nghiên cứu trong một chương trình khoa học thật sự (đôi lúc những nỗ lực dành cho việc hoàn thiện lí thuyết cân bằng chung được biện minh theo cách này). Tuy nhiên cần nói rõ một điều. Đồng thời với những yếu kém, trong những cách nhìn được phát triển độc lập với các nhà kinh tế có một vốn to lớn những hiểu hiểu biết xác đáng. Trên nhiều phương diện, những nhà thực hành có những hiểu biết rộng hơn và chính xác hơn những tri thức được các nhà nghiên cứu khẳng định. Trong những điều kiện này, mang lại một điều gì có ích hay mới hoàn toàn không phải là một việc dễ dàng.
Adam Smith (1723-1790)
David Ricardo (1772-1823)
Khoa học kinh tế làm được điều ấy theo hai cách. Kinh tế học cung cấp một số lớn những thông tin và ước lượng có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc tranh luận trong công chúng. Đóng góp này là quan trọng nhưng còn quá mới để đặc trưng một phương pháp, trong những phần gây hoang mang nhất, ít có thay đổi kể từ những thuở ban đầu của bộ môn. Để tìm cho mình một chỗ đứng, khoa học kinh tế phải tìm được trong đối tượng xã hội liên quan đến bộ môn này một khía cạnh thiết yếu mà khoa học này là bộ môn tốt nhất có thể tính đến. Điều may mắn cho khoa học này, và biện minh cho việc phát triển của nó, là có một khía cạnh như thế (khía cạnh này có thể không tồn tại). Nếu ta tự hỏi điều gì đã không thay đổi trong phương pháp của các nhà kinh tế kể từ Smith hay Ricardo (hay Marx) nhưng vẫn còn nguyên thì đó là niềm tin cho rằng những hệ thống kinh tế hay xã hội quan sát được là kết quả của những tương tác hay cơ chế bị che giấu (cho dù đó chỉ là kết quả của cơ chế cung cầu, nằm bên dưới những biến thiên của giá cả và số lượng được quan sát). Tất cả mọi việc bắt nguồn từ niềm tin này. Khó có thể qui chiếu về một cơ chế hay một tương tác mà không viện đến một mô hình (bằng cách gán cho khái niệm này một nghĩa sẽ được làm rõ dưới đây). Thế mà, chính việc các nhà kinh tế tư duy bằng những khái niệm mô hình lại là cội nguồn của tất cả những điểm không hiểu nhau.
Imre Lakatos (1922-1974)
Karl Marx (1818-1883)
Nếu quả thật là những tương tác bị che giấu vừa bị những ai không phải là nhà kinh tế coi nhẹ vừa là thiết yếu (ngay cả trên quan điểm thực tiễn), thì việc sử dụng các mô hình trong kinh tế học được biện minh ở đầu nguồn của mọi nhận định chính xác về phương pháp luận hay nhận thức luận. Các nhà thực hành thường phẫn nộ khi quan sát các nhà kinh tế xây dựng những lập luận rối răm trên một cơ sở có vẻ là hẹp và dễ gãy, dường như hợp thành từ vài giả thiết phi thực tế đến độ thô thiển. Chính ngay nhiều nhà kinh tế cũng cảm thấy khó chịu khi phải vận dụng phương pháp này hay buộc phải biện minh cho nó. Trong một thời gian dài, các nhà kinh tế đã tìm mọi thứ lập luận, ít nhiều lấy cảm hứng từ triết học các khoa học trong thời đại của họ. Nhưng để giải thích tính trung tâm tất yếu của mô hình hoá thì lập luận bằng bốn điểm sau là đủ: 1) coi nhẹ những tương tác hay cơ chế bị che giấu là nguồn gốc của những sai lầm quan trọng trên quan điểm nhận thức cũng như trên quan điểm hành động; 2) do đó phải có ai đó nghĩ đến những tương tác này (có một chức năng xã hội cần được đảm nhận); 3) cho đến nay phương pháp duy nhất để tư duy những tương tác này là xây dựng các mô hình; 4) các nhà kinh tế đảm nhận vai trò tư duy những tương tác bằng cách mô hình hoá. Tất nhiên điều nên có là hoạt động này phải có quan hệ với thực tế. Vấn đề cốt yếu này sẽ được đề cập dưới đây. Ở đây chỉ xin ghi nhận rằng điều này không độc lập với việc là khoa học kinh tế cũng là một khoa học phê phán: những lập luận dựa trên một mô hình hoá thường được cấy vào để phê phán những tương tác trên những tập kiến giải hay tiên đoán sẵn có. Trong cách nhìn này, việc chứng minh rằng cơ chế này là khả thi và có khả năng có những hệ quả bất ngờ có thể là có tính soi sáng và quí báu ngay cả khi không có một ước lượng thực nghiệm nào làm chỗ dựa cho nó.
Một khoa học luận có thiện cảm hơn với phương pháp của kinh tế học
Carl Hempel (1905-1997)
Daniel Hausman (1947-)
Những công trình gần đây về triết học các khoa học cung cấp phương tiện tính đến những cơ chế và mô hình, hai thực thể luôn được các nhà kinh tế qui chiếu về nhưng hầu như vắng mặt trong triết học các khoa học hiện còn thống trị cách đây mấy năm. Những công trình này, vả lại trong đó có một số bắt tay lại với những quan niệm xưa, khai phá những hướng khác nhau mà rất khó nói là chúng sẽ tỏ ra đối nghịch hay hội tụ với nhau. Trên cơ sở của hệ thống logic-thực chứng cực kì tham vọng được Câu lạc bộ Wien bảo vệ trong những năm 1930, một sự đồng thuận khá rộng rãi dần dần được xác lập, ít ra là trong thế giới anglo-saxon, chung quanh một số luận điểm tinh tế hơn mà sau này với cái nhìn hồi cố được gọi là những định kiến (received view) (gần với chủ nghĩa thực chứng logic mà có lẽ trình bày của Carl Hempel là có sức thuyết phục nhất). Sự đồng thuận này, nếu không muốn nói là chính bản thân những định kiến, đã sụp đổ vào cuối những năm 1960 và từ lúc ấy ta ở trong một tình thế khá rối răm khiến ta phải thận trọng. Còn đối với khoa học luận kinh tế, chính việc ý thức những giới hạn của việc áp dụng một cách máy móc những tư tưởng của PopperLakatos (những triết gia đã ảnh hưởng nhiều đến tư duy khoa học luận trong kinh tế học mà chỉ vài quan niệm của họ mới có thể gắn được với những định kiến) mới là nhân tố chính của sự thay đổi nhiều hơn là việc sụp đổ của sự đồng thuận chung quanh các định kiến. Mặc dù sự thay đổi này còn xa mới là không đáng kể (như có thể kiểm chứng bằng cách so sánh tác phẩm của Mark Blaug và tác phẩm của Daniel Hausman, hai tác phẩm tuy cách nhau mười hai năm song đều giữ một vị trí xuất sắc) chính những suy nghĩ hiện nay trong triết học các khoa học độc lập với những vấn đề của kinh tế học mới có vẻ là đầy hứa hẹn.
Frederick Suppe (1940-)
Mark Blaug (1927-2011)
Điểm xuất phát chung của những suy nghĩ này là việc thừa nhận tính phức hợp của đối tượng được khoa học nghiên cứu, đặc biệt là của vật lí học. Tính phức hợp này khiến cho khoa học phân tích thế giới tự nhiên (ngoài phòng thí nghiệm) một cách ít trực tiếp hơn như được các định kiến hay ngay cả theo cách kiến giải thông thường những tư tưởng của Popper (hay của Lakatos) ngầm giả định. Có lẽ, cùng với Nancy Cartwright, phải nói rằng những định luật của vật lí học nói dối hay, như với Frederick Suppe, rằng những giả thiết khoa học qui chiếu về những hệ thống thực tế đơn giản hoá, trong đó những lực tác động thật sự được giả định là vắng mặt. Tuy nhiên trên điểm này, chính quan điểm do Ray Bhaskar bảo vệ có vẻ có sức thuyết phục nhất, với điều kiện liệt kê những hệ quả của quan điểm này: những lực, tương tác, cơ chế, v.v. được khoa học nhận diện trong những hệ cách li hay đóng phải được giả định là tiếp tục tồn tại và ảnh hưởng đến những hiện tượng trong những hệ mở, những hệ mở này thường là những hệ duy nhất tồn tại ở ngoài các phòng thí nghiệm.
Nancy Cartwright (1944-)
Wesley Salmon (1925-2001)
Có thể đặt gần những xu thế trên hai phát triển của triết học, góp phần soi sáng cách đặt vấn đề của khoa học kinh tế. Phát triển thứ nhất nhằm vào việc giải thích. Thể theo những định kiến cũng như theo phân tích của Popper, giải thích cốt ở việc suy ra một cách logic vật được giải thích từ một hệ những phát biểu hợp thành bởi một hay nhiều qui luật và điều kiện ban đầu. Đó là mô hình suy diễn-định luật logic (hay tương đương của mô hình này trong vũ trụ không có bất trắc). Giống như phần còn lại của những định kiến, mô hình này vấp phải những phản bác logic khó vượt qua được và dường như ngày nay nếu ít ra không phải thay thế mô hình này thì phải bổ sung nó bằng những phân tích giải thích khác, trong số đó theo chúng tôi đáng chú ý nhất là phân tích đặt lên hàng đầu những cơ chế bị che giấu (Wesley Salmon). Tiến hoá này của tư tưởng về việc giải thích lúc đầu chủ yếu liên quan đến các khoa học tự nhiên nhưng cũng đáng được đón chào để tìm hiểu phương pháp khoa học trong kinh tế học. Thật thế, mô hình suy diễn-định luật logic, một mô hình đặc biệt kéo theo tính đối xứng của giải thích và tiên đoán, không phải bao giờ cũng là một trợ thủ lớn để trình bày những giải thích được các nhà kinh tế xem là thoả đáng.
Ronald Giere (1938-)
Karl Popper (1902-1994)
Phát triển thứ hai nhằm vào vai trò của các mô hình. Khái niệm này được gán cho những ý nghĩa rất khác nhau. Nghĩa lí thú nhất đối với điều đang bàn là nghĩa gán cho khái niệm này lấy cảm hứng từ quan niệm ngữ nghĩa của các lí thuyết khoa học (điểm này được Ronald Giere giải thích rõ). Như thế mô hình phải được quan niệm như một thực thể thuần tuý tưởng tượng, giả tạo, phi ngôn ngữ, có khả năng được mô tả bằng nhiều cách khác nhau (ví dụ bằng toán học hay không có toán học). Mô hình gắn với một khía cạnh của hiện thực bằng việc khẳng định một sự tương ứng nói chung là có điều kiện và không đầy đủ, và thường là có tính tương tự. Chính khẳng định này (mà ta có thể gọi là phỏng đoán, giả thiết lí thuyết hay đơn giản là lí thuyết), chứ không phải là bản thân mô hình, mới có khả năng là đúng hay sai.
Như nhiều tác giả khác nhau đã nhận xét, có một mối quan hệ giữa việc nhấn mạnh vai trò nhân quả của những cơ chế và việc viện đến các mô hình. Bản chất của mối quan hệ này là phức hợp và còn phải được làm rõ. Như đã ghi nhận, các mô hình là những thực thể được xây dựng để phân tích một vài khiá cạnh của hiện thực, trong số này tất nhiên phải kể đến các cơ chế. Nhưng các cơ chế cũng được đưa vào các mô hình và thường còn giữ cả một vai trò trung tâm trong những mô hình này. Bởi thế thường rất khó nói là sự mô tả của một cơ chế nhằm vào một khía cạnh của hiện thực hay một khía cạnh của mô hình. Một cách tổng quát hơn, việc mô hình lẫn cơ chế đều là hai thực thể phi ngôn ngữ tạo nên một sự nhập nhằng lặp đi lặp lại về thực thể trên đó qui chiếu về những phát biểu liên quan đến các đặc tính. Như thế, điều thường được xem là trình bày các giả thiết về thế giới hiện thực (ví dụ tính duy lí tối ưu hoá) thật ra thường thuộc về việc đặc trưng hoá một mô hình. Một vấn đề gây lúng túng hơn để tránh lẫn lộn giữa cơ chế và mô hình là do bản thân chính cơ chế thực tế nói chung chỉ là một khía cạnh của toàn bộ hiện thực hay của tính phức hợp. Ở bên ngoài các phòng thí nghiệm, thường một cơ chế tác động trong sự kết hợp với những cơ chế hay lực khác nữa. Do đó việc qui chiếu về một cơ chế (thực tế) hầu như bao giờ cũng giả định một quá trình trừu tượng hoá hay cách li trí tuệ hay lí thuyết. Điều này làm những cơ chế xích lại gần các mô hình hơn nhưng, theo chúng tôi, vẫn để nguyên vẹn sự cần thiết phải phân biệt hai thực thể này.
Một giá trị thực nghiệm với những chiều kích thay đổi
Những luận chứng vừa nêu có một hệ quả chung: những khẳng định của khoa học kinh tế có quan hệ với hiện thực và những quan hệ này không tránh khỏi là đa dạng và linh hoạt. Nói một cách nghiêm ngặt, không có điều gì được khẳng định về hiện thực khi chỉ định những đặc trưng của một mô hình (theo nghĩa được gán ở trên cho thuật ngữ này). Trong trường hợp của phê phán lí thuyết một định kiến (hay, ví dụ, việc xua tan một cảm giác bí ẩn) việc qui chiếu về hiện thức được tiến hành bằng những khái niệm khả năng, hay tới giới hạn, bằng những khái niệm khả năng chấp nhận được, nhiều hơn là dưới dạng của một khẳng định thật sự về điều gì xảy ra trong thực tế. Tất nhiên, có rất nhiều lí thuyết là những khẳng định hay phỏng đoán thật sự về những lực, cơ chế hay năng lực vận hành trong hiện thực nhưng thường là những khẳng định này không được vận dụng trực tiếp và chính xác vào những hiện tượng quan sát được, ở mức độ này có sự can thiệp của nhiều lực hay cơ chế khác. Ngoài tính da dạng này còn có thêm tính linh hoạt, trong nghĩa là quan hệ của một phân tích với hiện thực thường mặc nhiên và không cố định. Lúc khởi đầu những cách kiến giải khác nhau là có thể quan niệm được hay được cho là có khả năng đúng, cho dù quả thật là một số bị loại bỏ hoặc bị biến thành ít đáng tin tiếp sau cuộc bàn luận (đặc biệt là trong mối tương quan với quan sát).
Milton Friedman (1912-2006)
Đến lượt chúng, những đặc điểm này của tính đa dạng và tính linh hoạt khuyến khích ta phải cảnh giác với những câu giải đáp đơn giản hay phổ cập cho vấn đề kiểm tra thực nghiệm. Vả lại những luận chứng khác (đặc biệt là trong khuôn khổ của những suy nghĩ về kinh trắc học) cũng dẫn đến cùng một kết luận như trên. Tuy nhiên có thể nêu một vài nhận xét ngắn. Trước hết rõ ràng là từ những trình bày ở trên, không thể đòi hỏi là tất cả những phân tích đều phải đưa đến những mệnh đề kiểm định được (cho dù, như Friedman gợi ý, ta giới hạn đòi hỏi này chỉ ở những kết luận của chúng). Tiếp đấy, ngược lại, những phân tích kinh tế thường được kiểm định hay ngay cả bị phủ định nhiều hơn là thiên hạ tưởng. Để cảm nhận tính chất này, cần phải ý thức các sự kiện sau. Thứ nhất nếu ta thay thế một quan niệm tĩnh của diễn ngôn kinh tế bằng một cách nhìn trong đó các phân tích hỗ trợ hay bổ sung cho nhau một cách động thì việc giới hạn tham vọng của một lí thuyết chỉ ở việc trình bày những sự kiện nổi cộm, được xác lập rõ ràng, không thật sự đối lập với lí tưởng về tính kiểm định được hay tính phủ định được. Nếu đến một lúc nào đó một lí thuyết có thể dễ dàng tính đến một số sự kiện thì cuộc bàn luận sẽ nhận diện hay đưa lên hàng đầu những sự kiện mới, không kém phần xác đáng và thường là khó tương hợp với lí thuyết. Như vậy, việc phủ định bộc lộ ex post sự tồn tại, không được phát hiện ex ante, của tính phủ định được. Thứ hai, những khẳng định liên quan đến những cơ chế được cô lập trong đầu hay về mặt phân tích nhưng không tách biệt trong thực tế là khó phản bác bằng những dữ kiện phi thực nghiệm nhưng có thể được kiểm định trên những dữ kiện thực nghiệm, và đây chính là điều hiện nay đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực của kinh tế học. Thứ ba, ngay cả ở cấp độ những hiện tượng hiển nhiên, sẽ là không đúng khi cho rằng đặc trưng của kinh tế học là sự không tồn tại của những qui luật và tiên đoán có thể phủ định được hay kiểm định được; để tránh sai lầm này, và cảm nhận sự phong phú của các qui luật và tiên đoán có những đặc tính trên, chỉ cần nhận thấy là các qui luật và tiên đoán này qui chiếu một cách chính đáng (và đôi lúc một cách mặc nhiên) về những biến định tính, những cấp độ định lượng hay những nghiêm cấm quan sát.
Trong chừng mực mà quan hệ giữa những phân tích của nhà kinh tế với hiện thực không được hoàn toàn xác định thì nhà kinh tế, bằng cách chỉ định quan hệ này, có thể lựa chọn, ít ra là vào lúc đầu, những kiểu kiểm tra mình chấp nhận kinh qua. Sau đó, thường thì lựa chọn của nhà kinh tế bị ràng buộc. Đặc biệt là nếu hiếm khi sự can thiệp của quan sát cho phép loại bỏ hoàn toàn hay xác minh một lí thuyết thì quan sát có thể làm thay đổi cương vị hay vị trí phân bố được gán cho lí thuyết này: từ thế giới những hiện tượng đến thế giới những những cơ chế thuần tuý nằm bên dưới, và từ thế giới sau này đến, ví dụ, thế giới những luận chứng phê phán hay những mô hình phát hiện. Theo tinh thần của triết học đương đại, một quá trình như thế, cho dù thu hẹp tính đa dạng của những mục tiêu, kết quả hay kiến giải có thể của phân tích có liên quan không tất yếu là một sự xuống cấp.


BACKHOUSE R. E., chủ biên, New Directions in Economic Methodology, London, Routledge, 1994. BHASKAR R., A Realist Theory of Science, 1975 (in lần thứ nhì, Harvester Press, Sussex, 1978) BLAUGH M., The Methodology of Economics: or How Economists Explain, Cambridge, Cambridge University Press, (bản dịch tiếng Pháp theo lần xuất bản thứ hai của A. và C. Alcouffe, La méthodologie économique, Paris, Economica, 1994). BUNGE M., Mechanism and Explanation, Philosophy of the Social Sciences, 1997, vol. 27, n0 4, p. 410-465. CARTWRIGHT N., How the Laws of Physics Lie, Oxford, Oxford University Press, 1983.  FRIEDMAN M., The Methodology of Positive Economics, Essays in Positive Economics, Chicago University of Chicago Press, 1953, p. 3-43 (bản dịch tiếng Pháp của G. Millière, La méthodologie de léconomie positive, trong FRIEDMAN M., Essais déconomie positive, Paris, Litec, 1995, p. 3-32 và p. 257-261). HAUSSMAN D. M., The Inexact and Separate Science of Economics, Cambridge, Cambridge University Press, 1992. HEMPEL C. G., Philosophy of Natural Science, Englewood Cliffs (NJ), Prentice Hal, 1966 (bản dịch tiếng Pháp của B. Saint-Sernin, Éléments dépistémologie, Paris, A. Colin, U2, 1972.  LAKATOS I., Falsification and the Methodology of Scientific Research Programmes, trong LAKATOS I. & MUSGRAVE A. E., chủ biên, Criticism and the Growth of Knowledge, Cambridge, Cambridge University Press, 1970, p. 91-196 (bản dịch tiếng Pháp của C. Malamoud & J. F.. Spitz dưới sự điều phối của L. Giard, La falsification et la méthodologie des programmes de recherche scientifique  trong LAKATOS I., Histoire et méthodologie des sciences, Paris, PUF, 1994, p. 1-146) LITTLE D. chủ biên, On the Reliability of Economic Models, Dordecht, Kluwer, 1995. MAKI U., On the Method of Isolation in Economics, trong DILWORTH C., chủ biên, Idealization IV: Intelligibility in Science (Poznan Studies in the Philosophy of the Sciences and the Humanities, vol. 26), Amsterdam/Atlanta (Georgia), Rodopi, 1992, p. 317-351. MEIDINGER C., Science économique: question de méthode, Paris, Vuibert, 1994. MINGAT A., SALMON P. & WOLFELSPERGER A., Méthodologie économique, Paris, PUF Thémis, 1985. POPPER K. R., Conjectures and Refutations: the Growth of Scientific Knowledge, London, Routledge & Kegan Paul, 1963 (bản dịch tiếng Pháp của M.-I. Và M. B. de Launay, Conjectures et réfutations: la croissance du savoir scientifique, Paris, Payot, 1985. SALMON P., Outrageous Arguments in Economics and Public Choice, European Journal of Political Economy, 1994, vol. 10, n0 3, p. 409-426; Free Riding as Mechanism, trong BACKHOUSE R. et al., chủ biên, Economics and Methodology: Crossing Boundaries, London, Macmillan, 1998, p. 62-87 (62-119 discussion incl.). SALMON W. C., Four Decades of Scientific Explanation, Minneapolis, University of Minnesota Press, 1990. SUPPE F., The Semantic Conception of Theories and Realism, Urbana và Chicago, University of Illinois Press, 1989 WALLISER B., Lintelligence de léconomie, Paris, O. Jacob, 1994.
Pierre SALMON
Giáo sư đại học Bourgogne (Dijon)
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001
Print Friendly and PDF