1.8.15

Xã hội học có phải là một khoa học không?

Xã hội học có phải là một khoa học không?

Xã hội học hoàn toàn là một khoa học, nhưng là một khoa học khó. Trái ngược với các khoa học được xem là cứng (thuần túy), xã hội học thật sự tiêu biểu cho khoa học bị nghi ngờ không phải là một khoa học. Có một lý do cho sự việc này: xã hội học làm cho người ta sợ. Chính vì nó vạch trần những điều bị che dấu, thậm chí bị dồn nén.
La Recherche: Chúng ta hãy bắt đầu với những câu hỏi hiển nhiên nhất: khoa học xã hội, và đặc biệt xã hội học, có thật sự là những khoa học không? Tại sao ông lại cảm thấy cần phải khẳng định tính khoa học?
Pierre Bourdieu: Tôi nghĩ xã hội học có đầy đủ những đặc tính của một khoa học. Nhưng ở mức độ nào? Câu trả lời có thể có tùy thuộc rất nhiều vào các nhà xã hội học. Tôi chỉ xin nói rằng có nhiều người tự cho mình hay nghĩ rằng mình là nhà xã hội học, nhưng riêng tôi rất khó công nhận điều này, và đây cũng là trường hợp ở tất cả các khoa học, ở những mức độ khác nhau. Dù sao thì xã hội học cũng đã thoát khỏi thời tiền sử từ lâu rồi, thời của những chủ thuyết triết lý xã hội mà những người ngoại đạo thường hay đồng nhất hóa với nó. Toàn thể các nhà nghiên cứu xứng đáng được gọi là nhà xã hội học đều nhất trí về một vốn chung đã được xây dựng bao gồm những khái niệm, những phương pháp, những thủ tục kiểm tra. Tuy nhiên, vì nhiều lý do xã hội học rõ ràng, và đặc biệt vì xã hội học thường đảm nhiệm vai trò của một môn để trú ẩn, nó là một môn học rất bị phân tán theo nghĩa thống kê của từ này và trên nhiều phương diện khác nhau. Chính điều này giải thích vì sao ta có cảm tưởng xã hội học là một môn học bị chia rẽ, gần với triết học hơn các khoa học khác. Nhưng vấn đề không nằm ở đó: nếu người ta tỉ mẩn như thể về tính khoa học của xã hội học là vì nó quấy rầy.
Như vậy, phải chăng các nhà xã hội học là nạn nhân của một sự nghi kỵ đặc biệt?
Pierre Bourdieu (1930-2002)
Đúng vậy, tính khoa học là một vấn đề mà xã hội học luôn luôn phải đối phó. Những đòi hỏi đối với sử học hay nhân chủng học, hay cả địa lý, ngữ văn học hay khảo cổ học ít hơn cả ngàn lần. Không ngừng bị hạch hỏi, nhà xã hội học phải luôn luôn tự vấn mình và điều tra. Điều này làm cho ta nghĩ đến một thứ đế quốc xã hội học: cái khoa học mới bập bẹ, còn non choẹt mà dám khám xét các khoa học khác là thế nào? Ở đây tôi nghĩ đến xã hội học về khoa học. Thật ra xã hội học chỉ đặt ra cho các khoa học khác những câu hỏi mà nó tự đặt cho chính mình một cách rất gay gắt. Nếu xã hội học là một khoa học phê phán, chắc có lẽ là vì nó ở trong một tư thế nguy kịch. Như người ta thường nói, xã hội học có vấn đề.
L R: Phải chăng xã hội học làm cho người ta sợ?
Đúng vậy, vì xã hội học vạch trần những điều bị che dấu và đôi khi bị dồn nén. Chẳng hạn nó tiết lộ sự tương liên giữa sự thành công trong học đường mà người ta thường đồng hóa với “sự thông minh”, và thành phần xã hội, hay đúng hơn vốn văn hóa thừa kế từ gia đình. Đó là những sự thật mà những nhà kỹ trị, những học phiệt về khoa học luận, tức là số đông những người đọc xã hội học và những người tài trợ xã hội học không muốn nghe đến. Một thí dụ khác; xã hội học cho thấy giới khoa học là không gian của một sự canh tranh hướng tới sự tìm kiếm những lợi nhuận đặc thù thí dụ như giải Nobel và những giải khác, với ưu tiên dành cho sự khám phá, uy tín, v.v., một sự tìm kiếm được triển khai nhân danh những lợi ích đăc thù, không thể bị đồng hóa với những lợi ích kinh tế trong những hình thái bình thường của nó và do đó được xem như là “vô vụ lợi”. Sự phân tích này đương nhiên đặt lại vấn đề của sự tôn vinh khoa học thường có sự tham gia của các nhà khoa học và cần thiết cho họ để họ tin vào những gì mà họ làm.
L R: Đúng là xã hội học thường bị xem là hung hăng và hay gây phiền hà. Nhưng tại sao diễn ngôn xã hội học lại phải mang “tính khoa học”? Các nhà báo cũng đặt ra những câu hỏi khó chịu, nhưng họ đâu có dựa vào khoa học. Vậy tại sao việc xác định một ranh giới giữa xã hội học và một nền báo chí phê phán lại mang tính quyết định như vậy?
P B: Vì có một sự khác biệt khách quan. Đây không phải là một việc liên quan đến danh dự. Có những hệ thống giả thuyết gắn bó chặt chẽ, những khái niệm, những phương thức kiểm tra, tất cả những gì thường gắn liền với ý niệm khoa học. Do đó tại sao không nói xã hội học là một khoa học khi mà nó đúng là một khoa học. Vì lẽ thật sự đây là vấn đề rất quan trọng: một trong những cách để loại bỏ những sự thật khó chịu chính là nói nó không mang tính khoa học, nói một cách khác nói nó là “chính trị”, tức là nó được gây nên bởi “lợi ích”, sự “đam mê”, tức là nó chỉ là tương đối và có thể bị tương đối hóa.
L R: Nếu người ta tra hỏi xã hội học về tính khoa học của nó, phải chăng là vì nó phát triển chậm trễ hơn so với các khoa học khác?
P B: Có thể là vậy, nhưng sự “chậm trễ” này là do xã hội học là một khoa học đặc biệt khó. Môt trong những khó khăn lớn nhất nằm ở chỗ đối tượng của nó lại là những điều bị tranh chấp: những điều mà người ta muốn giấu, muốn kiểm duyệt; những điều khiến cho người ta sẵn sàng chết cho nó. Điều này cũng đúng cho chính nhà nghiên cứu vốn cũng gắn liền với những đối tượng của mình. Và khó khăn đặc biệt để nghiên cứu xã hội học thường chính là do người ta sợ những gì mà người ta sẽ khám phá. Xã hội học luôn làm cho nhà nghiên cứu buộc phải đối phó với những thực tại khó khăn, xã hội học làm cho ta tỉnh ngộ. Chính vì vậy mà, ngược lại với những gì mà người ta thường nghĩ, ở trong cũng như ở ngoài bộ môn, xã hội học không cung cấp bất cứ thỏa mãn nào mà thanh niên thường trông đợi vào sự dấn thân chính trị. Trên phương diện này, xã hội học ở một tư thế đối lập với những khoa học “thuần túy” hay những nghệ thuật “thuần túy”, một phần nào, là những nơi trú ẩn để giúp con người quên đi cái thế giới, là những vũ trụ đã được thanh lọc để loại đi những gì có thể tạo nên vấn đề như tình dục hay chính trị. Chính vì vậy mà những đầu óc quá hình thức hay chuộng hình thức thường lại là những nhà xã hội học tồi.
L R: Ông cho thấy là xã hội học can thiệp vào những vấn đề xã hội quan trọng. Điều này đặt ra vần đề về “tính trung lập”, “tính khách quan” của nó. Nhà xã hội học có thể đứng trên những cuộc đấu tranh trong tư thế của một nhà quan sát vô tư (không thiên vị) được không?
Emile Durkheim (1858-1917)
P B: Đặc điểm của xã hội học là lấy những trường đấu tranh làm đối tượng: không chỉ trường của những đấu tranh giai cấp mà cả trường của những đấu tranh khoa học. Và nhà xã hội học cũng có một vị trí trong những cuộc đấu tranh đó: trước hết là vì nhà xã hội học có được một vốn kinh tế và văn hóa nhất định trong trường giai cấp; và sau là vì có một vốn đặc thù với tư cách là nhà nghiên cứu trong trường sản xuất văn hóa, hay đúng hơn trong tiểu trường xã hội học. Nhà xã hội học phải thường xuyên ý thức về điều đó để có thể phân biệt và làm chủ tất cả những hệ quả mà địa vị xã hội của mình có thể có trên hoạt động khoa học của bản thân. Chính vì vậy mà đối với tôi xã hội học về xã hội học không phải là một chuyên ngành trong số bao nhiêu chuyên ngành mà chính là một trong những điều kiện hàng đầu của một xã hội học thật sự khoa học. Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân chính của sự sai lầm trong xã hội học nằm trong mối quan hệ không được kiểm soát với đối tượng của mình. Như vậy việc tối quan trọng là nhà xã hội học phải có một ý thức rõ ràng về vị trí của mình. Khả năng đóng góp vào việc sản xuất ra chân lý theo tôi tùy thuộc vào hai yếu tố chính, gắn liền với vị trí đang được chiếm giữ: lợi ích mà ta có để biết về sự thật và phổ biến sự thật hay, ngược lại, để che giấu nó hay che giấu nó với chính mình và khả năng mà ta có để sản xuất ra sự thật. Mọi người đều biết câu nói của Bachelard: “Chỉ có khoa học về những gì bị che giấu.” Nhà xã hội học càng có nhiều vũ khí để khám phá những gì bị che giấu khi càng có nhiều công cụ khoa học, khi sử dụng tốt hơn vốn những khái niệm, phương pháp, kỹ thuật đã được những bậc tiền bối tích lũy, Marx, Durkheim, Weber và biết bao nhiêu người khác, khi càng có óc “phê phán”, khi mà động lực thúc đẩy nhà xã hội học  một cách có ý thức hay vô ý thức lại có xu hướng lật đổ, khi mà lợi ích của bản thân lại là vạch trần những gì bị kiểm duyệt, bị đè nén trong thế giới xã hội. Và nếu xã hội học, cũng như khoa học xã hội nói chung, không phát triển nhanh hơn, một phần chắc có lẽ vì hai yếu tố có xu hướng biến hóa theo chiều hướng ngược nhau.
Max Weber (1864-1920)
Nếu nhà xã hội học sản xuất được sự thật dù chỉ là một tí thôi, thì đó không phải là vì ông có lợi để làm việc này mà vì đó chính là lợi ích. Điều này hoàn toàn trái ngược với diễn ngôn ngu xuẩn về “tính trung lập”. Lợi ích này có thể là, như ở tất cả nơi khác, sự ham muốn là người đầu tiên phát minh ra một điều gì và chiếm được tất cả những lợi nhuận đi kèm, hay là sự phẫn nộ đạo đức hay sự nổi dậy chống lại một số phương thức thống trị và những kẻ bảo vệ cho nó trong trường khoa học, v.v. Tóm lại không có cái gì phát sinh từ số không. Và cũng sẽ không có nhiều sự thật khoa học nếu ta phải lên án phát minh này hay phát minh kia vì động lực hay cách thức của người phát minh không được trong sáng cho lắm, ta có thí dụ của “đường xoắn ốc kép”.
L R: Nhưng trong trường hợp của các khoa học xã hội, “lợi ích”, sự “đam mê”, sự “dấn thân” có thể dẫn đến sự mù quáng?
P B: Thật ra, và điều này tạo nên cái khó khăn đặc thù của xã hội học, những “lợi ích” này, những “đam mê” này, cao thượng hay đê tiện, chỉ dẫn đến sự thật khoa học nếu nó đi kèm với một kiến thức khoa học về những gì quyết định nó và những giới hạn được ấn định cho sự hiểu biết. Thí dụ, mọi người đều biết mối oán giận gắn liền với sự thất bại chỉ làm cho ta sáng suốt hơn về thế giới xã hội nếu nó làm cho ta bị mù quáng về chính nguyên tắc của sự sáng suốt này. Nhưng chưa hết. Một khoa học càng tiên tiến, số vốn kiến thức được tích lũy càng quan trọng và những chiến lược để lật đổ, để phê phán, bất kể những “động lực” là gì đi nữa, càng phải huy động một khối kiến thức quan trọng để có hiệu quả. Trong vật lý học, rất khó đánh bại một đối thủ mà chỉ dựa trên uy quyền mà thôi hay, như vẫn còn xảy ra trong xã hội học, bằng cách lên án nội dung chính trị của lý thuyết của đối thủ. Những vũ khí của sự phê phán cần phải mang tính khoa học mới hiệu nghiệm. Ngược lại, trong xã hội học mọi đề xuất chống lại những ý niệm đương thời đều bị nghi ngờ là mang tính ý thức hệ hay gắn kết với một đảng phái chính trị. Nó đụng chạm đến những lợi ích xã hội: những lợi ích của kẻ thống trị thường gắn với sự im lắng và với “lý lẽ thông thường”, lợi ích của những kẻ phát ngôn, những ống loa cần đến những ý tưởng đơn giản, những khẩu hiệu. Chính vì vậy người ta đòi hỏi ở xã hội học muôn ngàn chứng cứ, điều chỉ làm thỏa mãn những kẻ phát ngôn cho “lý lẽ thông thường”. Mọi sự phát minh của khoa học đều khởi động một khối lượng lao động “phê phán” khổng lồ và lạc hậu được sự hậu thuẫn của toàn bộ trật tự xã hội: ngân sách, chức vụ, phần thưởng, trong đó có niềm tin với mục đích là che lắp những gì mới được phát minh.
PIERRE BOURDIEU
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “La sociologie est-elle une science?”, số đặc biệt 30 năm nguyệt san La Recherche, n0 331, Mai 2000.
------
Những bài có liên quan trên PTKT:
-          Pierre Bourdieu
Print Friendly and PDF