3.6.19

Fernand Braudel, 1902-1985


Fernand Braudel (1902-1985)

FERNAND BRAUDEL, 1902-1985

Immanuel Wallenstein
Senior Research Scholar tại Yale University
Nhà sáng lập và cựu giám đốc Trung Tâm Ferdinand Braudel của Binghamton University
Nhà nghiên cứu tại Maison des Sciences de l’Homme (Braudel F.)
Fernand Braudel là đại diện nổi bật của thế hệ thứ hai của truyền thống Annales (Biên niên sử), một truyền thống đặt cơ sở trên việc nghiên cứu “lịch sử toàn diện”. Braudel phát triển bốn chủ đề lớn: nền kinh tế-thế giới, thời gian dài, khoa học liên ngành, sự phân biệt đậm nét giữa thị trường và chủ nghĩa tư bản.
Nền kinh tế-thế giới (économie-monde)
Braudel không muốn sử dụng thuật ngữ chuẩn của các nhà kinh tế học, économie mondiale (kinh tế thế giới), vì ông nghĩ rằng mình không phân tích nền kinh tế của thế giới nhưng là phân tích một nền kinh tế vốn là một thế giới, một cấu trúc chỉ có thể bao phủ một phần của trái đất (cho tới gần đây điều này là bình thường). Chính một nền kinh tế-thế giới như vậy mà ông có tham vọng phân tích trong tác phẩm lớn đầu tiên của mình là La Méditerranée (Địa Trung Hải) ([1949], 1999). Đây là một biến đổi sâu sắc của đơn vị phân tích của thuật viết sử cho phép chỉ ra bằng cách nào đời sống thường nhật của các dân tộc và những cách thực hành chính trị và văn hoá phụ thuộc vào sự tiến hoá chậm của nền kinh tế-thế giới như một thực thể được định nghĩa như trên.
Thời gian dài

Ông tổ chức phân tích Địa Trung Hải theo ba thời tính xã hội có thời lượng khác nhau: theo thời gian ngắn hạn hay theo biến cố, thời gian trung hạn hay thời vận và thời gian dài hạn hay cấu trúc. Ông muốn chỉ ra là đến mức độ nào lịch sử thế kỉ XVI đan xen với và được giải thích bởi hai thời tính kia. Trong một bài viết sau này, “L’histoire et la longue durée (Lịch sử và thời gian dài)”, ông lí thuyết hoá khái niệm dài hạn của mình. Braudel cho rằng phép viết sử truyền thống chỉ quan tâm đến thời gian ngắn hạn của biến cố, trong khi, trong các khoa học nhân văn khác, người ta chỉ nói đến cái “thời gian rất rất dài”, một thời gian mà ông cho rằng, nếu tồn tại, “phải là thời gian của những nhà hiền triết”.
Đối với Braudel, những thời lượng mấu chốt là thời vận và nhất là thời lượng cấu trúc của thời gian dài. Thời gian dài tất nhiên có thời lượng lớn, nhưng hoàn toàn không phải là vĩnh cửu; thời gian dài vẫn diễn tiến, mặc dù rất chậm. Nó tạo ra những khuôn khổ ràng buộc hành động. Những thời vận với thời lượng trung bình là những quá trình chu kì nằm trong những cấu trúc chứ không phải là những chu kì xuyên lịch sử. Nhận diện những biến cố diễn ra trong những pha nào của thời vận cho phép nhà phân tích hiểu được điều gì giải thích chúng lẫn ý nghĩa của chúng.
Tuy không có thời lượng vĩnh cửu nhưng quả thật có những biến cố. Nhưng trong một phát biểu nổi tiếng, Braudel hóm hỉnh nói rằng: “các biến cố là những hạt bụi”. Hạt bụi có hai nghĩa. Hạt bụi dễ dàng và nhanh chóng bị phân tán, và do đó là không quan trọng. Nhưng hạt bụi cũng có thể vướng vào mắt và khiến cho tầm nhìn khó nhìn nhận sự việc. Đối với Braudel, hạt bụi có cả hai ý nghĩa đó.
Khoa học liên ngành
Hệ quả của việc đồng thời bác bỏ cái rất dài hạn (các khái niệm phổ quát) và cái nhất thời (các khái niệm cá biệt) là nhà phân tích phải ở mọi lúc vừa có tính lịch sử và vừa có tính hệ thống – điều được Braudel gọi là khoa học liên ngành. Braudel cố gắng tạo điều kiện về mặt định chế cho khoa học này. Ông đã không thành công trong việc lập một phân khoa khoa học xã hội ở đại học Sorbonne. Sau đó, ở cương vị chủ tịch ban 6 của trường EHESS, ông tìm cách kết nạp những ai trong số các sử gia, nhà nhân học, xã hội học và kinh tế học thật sự sẵn sàng làm việc với nhau trong một khoa học liên ngành. Đó cũng là ý tưởng trung tâm của việc thành lập Maison des sciences de l’homme, mà ông là người lãnh đạo đầu tiên.
Thị trường và chủ nghĩa tư bản

Trong số những ý tưởng sáng tạo của ông, có lẽ ý tưởng được nêu trong tác phẩm lớn thứ hai của ông Civilisation matérielle, économie et capitalisme (Văn minh vật chất, kinh tế và chủ nghĩa tư bản) ([1979], 1997) là ý tưởng triệt để nhất. Trong khi La Méditerranée được xây dựng trên ba thời tính, Civilisation matérielle được kết cấu trên ẩn dụ một căn nhà có ba tầng: tầng trệt với các cấu trúc của đời sống hằng ngày, tầng hai nơi có thị trường và tầng ba của chủ nghĩa tư bản. Cuộc sống hằng ngày gồm tất cả những gì là vật chất (thức ăn, áo quần, nhà cửa của chúng ta) cũng như những thực hành văn hoá (hệ thống gia tộc, tôn giáo, giải trí của chúng ta). Thị trường là nơi chúng ta tiến hành những cuộc trao đổi, lớn và nhỏ, cho phép chúng ta tối đa hoá những tiêu dùng của cuộc sống hằng ngày. Thị trường là một thực tế dai dẳng, tự nhiên, không thể xoá bỏ.
Nếu thị trường là tự nhiên thì, trái lại, chủ nghĩa tư bản là một sản phẩm của lịch sử và phải được xem như là một phản thị trường. Các nhà tư bản thu lợi bằng cách chống lại thị trường khi tạo ra các độc quyền, xem nhẹ những tất yếu của cuộc sống hằng ngày. Đây là một quan niệm về chủ nghĩa tư bản trái ngược với khái niệm truyền thống, của Adam Smith lẫn của Karl Marx.    
Braudel tiếp tục nghiên cứu bốn chủ đề hợp thành một thể chặt chẽ này, thông qua những tác phẩm (được dịch ra hơn hai mươi ngôn ngữ) và những thiết kế về mặt định chế của ông (ở trong và ngoài nước Pháp), trong số các sử gia và rộng hơn trong số những người thực hành các khoa học về con người. Vào cuối đời, ông nổi tiếng trên toàn thế giới và có ảnh hưởng quan trọng trong lĩnh vực tư tưởng. Ông trở thành hình mẫu của khoa học liên ngành. Tầm quan trọng trí thức của ông được thể hiện qua sự có mặt mọi nơi của những khái niệm then chốt, nhất là khái niệm nền kinh tế-thế giới và thời gian dài. Vẫn còn có sự kháng cự đối với khái niệm khoa học liên ngành và tầm nhìn chủ nghĩa tư bản như là một phản thị trường – hai ý tưởng đảo lộn cần thêm thời gian để bắt rễ.

  • Méditerranée et le monde méditerranéen à l’époque de Philippe II (1949), Paris, Flammarion “Champs”, 1999. – Civilisation matérielle, économie et capitalisme,  XVe-XVIIIe siècle (1979), Paris, Armand Colin, 1997. – La dynamique du capitalisme (1985), Paris, Flammarion “Champs”, 1993. – L’identité de la France. Espace et histoire (1986), Paris, Armand Colin, 1999.
AGUIRRE ROJAS C. A., Fernand Braudel et les sciences humaines (1996), trad. Johansonn et F. Minaudier, Paris, L’Harmatan, 2004.
® Biến cố, Chủ nghĩa tư bản và tính hiện đại, Lịch sử, Nhân học kinh tế, Quà tặng, Thị trường, Thuật chép sử, Trao đổi, Trường phái Annales
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Dictionnaire des sciences humaines, Sylvie Mesure và Patrick Sevidan (chủ biên), 2005, Paris, PUF.
Print Friendly and PDF