Trò chuyện với Williamson về kinh tế học thể chế mới
Philippe Frémaux phỏng vấn Oliver Williamson E.
Olivier Williamson E.[1] là đại diện lỗi lạc nhất của kinh tế học thể chế mới. Tiếp nối và phát triển các công trình của Ronald H. Coase[2], tác giả từng lưu ý ngay từ trước thế chiến thứ II đến vai trò của những chi phí giao dịch, ông đề xuất một cách nhìn nền kinh tế khác hẳn với cách nhìn của kinh tế học tân cổ điển. Cuộc phỏng vấn được thực hiện nhân hội thảo “Kinh tế học về những chi phí giao dịch” diễn ra tại Paris ngày 23 tháng năm năm 1994, theo sáng kiến của ATOM thuộc đại học Paris I, dưới sự điều khiển của giáo sư Claude Ménard.
Người phỏng vấn là Philppe Frémaux, giáo sư quản trị kinh doanh, kinh tế và luật tại đại học Berkeley, California. Các tác phẩm chính của Olivier Williamson E. là “Market and Hierarchies”và “The Economic Institutions of Capitalism”. Thế nào là một doanh nghiệp?
Doanh nghiệp là một tổ chức được điều khiển để đảm bảo việc sản xuất hay phân phối những sản phẩm và dịch vụ. Nhưng định nghĩa này che khuất một sự đa dạng rất lớn về quy mô cũng như tư cách pháp lí. Nếu tất cả những doanh nghiệp hợp thành những thứ bậc thì hình thái của chúng cũng có thể rất đa dạng. Tóm lại, có nhiều doanh nghiệp khác nhau và giữ một vị trí thiết yếu. Bởi thế, ta không thể có một lí thuyết duy nhất, đa năng, về doanh nghiệp.
Mặc dù có nhận xét trên, trong kinh tế học chỉ có hai cách lớn để trả lời thế nào là một doanh nghiệp. Cách thứ nhất là của lí thuyết chính thống hay tân cổ điển. Trong lí thuyết này, doanh nghiệp được tư duy chủ yếu một cách kĩ thuật, như một hàm sản xuất. Hàm này biến đổi các đầu vào, như lao động và tư bản, thành sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ. Cách tiếp cận này không dành bất kì vị trí nào cho ý tưởng rằng việc tổ chức có một tầm quan trọng nào đó. Lí thuyết này có ích cho những gì liên quan đến việc ổn định giá cả và mức sản xuất. Lí thuyết thứ nhất này về doanh nghiệp không phải là đối tượng nghiên cứu của tôi. Đối với tôi, đối chọn lí thuyết cho cách nhìn tân cổ điển do lí thuyết chi phí giao dịch cung cấp. Thay vì mô tả hãng như một hàm sản xuất, lí thuyết chi phí giao dịch nhìn nó như một cấu trúc điều hành, cấu trúc này quản lí và phối hợp các giao dịch. Phải đánh giá cấu trúc này so với những cách quản lí khác về các giao dịch mà đối chọn chính là thị trường. Cụ thể, vấn đề là so sánh hiệu quả của những tổ chức đặt cơ sở trên việc cầu viện đến thị trường và hiệu quả của những tổ chức ưu tiên cho những giải pháp nội bộ. Do đó, vấn đề trung tâm không phải là kĩ thuật, mà là tối thiểu hóa những chi phí giao dịch. Đối tượng của lí thuyết chi phí giao dịch là phân tích cách quản lí tốt nhất các giao dịch vốn có những thuộc tính khác nhau, biết rằng ta có thể cầu viện những cấu trúc điều hành khác nhau: thị trường, hệ thống thứ bậc và những hình thái lai ghép, như các hợp đồng. Một điều khó hơn nhiều những gì lí thuyết tân cổ điển đề xuất và đòi hỏi một cách tiếp cận đa ngành, vận dụng cả luật học, kinh tế học và lí thuyết tổ chức.
Ứng dụng chính của cách tiếp cận bằng khái niệm chi phí giao dịch là câu hỏi cơ bản mà mọi doanh nghiệp tự đặt cho mình mỗi ngày: ta phải tự làm lấy sản phẩm hay dịch vụ này hoặc mua nó từ ai khác trên thị trường? Trả lời câu hỏi trên đòi hỏi phải tách bạch các giao dịch này, phân tích những thuộc tích của chúng và những liên hệ phụ thuộc có thể giữa người mua và các nhà cung cấp. Trên thị trường tân cổ điển, các liên hệ phụ thuộc là không đáng kể: chỉ cần ra thị trường, đặt hàng và hàng sẽ được giao hôm sau. Nhưng nếu ta xét một thị trường như, chẳng hạn, thị trường thiết bị xe ôtô thì phải đặt hàng trước thật lâu do việc thỏa mãn nhu cầu của bạn kéo theo những đầu tư nơi nhà cung cấp.
Xuất phát từ phân tích nghịch lí cổ điển của việc “tự mình làm lấy hay giao người khác làm”, chúng tôi đã mở rộng việc ứng dụng khái niệm chi phí giao dịch vào một loạt những giao dịch khác. Chúng tôi đã phân tích thị trường lao động, những vấn đề qui định hóa và giải quy định, những vấn đề tài trợ bằng cách tìm hiểu trong trường hợp nào thì nên phát hành trái phiếu và trong trường hợp nào thì tăng vốn. Lí thuyết chi phí giao dịch cũng quan tâm đến những lí do giải thích sự tồn tại của những tập đoàn hay những công ti đa quốc gia. Tóm lại, đóng góp chính của cách tiếp cận này là có thể áp dụng nó vào mọi vấn đề có khả năng được quy về một vấn đề hợp đồng.
Thật ra, lí thuyết tân cổ điển và lí thuyết chi phí giao dịch bổ sung cho nhau trong chừng mực mà cả hai giải đáp những câu hỏi khác nhau. Nhưng chúng cũng có thể cung cấp những giải pháp đối lập nhau cho cùng một vấn đề. Đặc biệt, đó là trường hợp của những vấn đề liên quan đến việc bãi bỏ các quy định, khi mà lí thuyết chi phí giao dịch qua sự phân tích sâu sắc hơn những phương thức tổ chức và bản chất của các hoạt động, dẫn đến những khuyến nghị khác với các khuyến nghị do lí thuyết tân cổ điển đề xuất.
Giáo sư dành cho thị trường vai trò nào?
Cũng như có hai lí thuyết về doanh nghiệp thì cũng có một quan niệm thị trường tân cổ điển và một quan niệm thị trường bằng khái niệm chi phí giao dịch. Giao dịch lí tưởng, đối với luật học và kinh tế học, giả định một tình thế có một số lớn người mua và người bán đề nghị những sản phẩm thuần nhất và có thông tin tối đa. Người mua và người bán gặp nhau trên một thị trường trong một thời khắc và trao đổi sản phẩm lấy tiền, trao đổi sức mua. Lí thuyết tân cổ điển về thị trường đã được phát triển để cố gắng tìm hiểu cung và cầu và cách hình thành giá cả giữa người cung và khách hàng của họ. Đây là một sự được mất hoàn toàn quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tế, ta quan sát có những hình thái thị trường vô cùng khác nhau: thị trường thành phẩm khi người tiêu dùng cuối cùng mua từ nhà phân phối, thị trường sản phẩm trung gian, thị trường tài chính, thị trường lao động…
Một số các thị trường trên là đơn giản và trong trường hợp này có thể áp dụng phân tích chuẩn. Nhưng một số thị trường khác là phức tạp. Thế mà, khi tính phức tạp càng tăng thì những quan hệ phụ thuộc cũng gia tăng. Như vậy, phải tìm hiểu những vấn đề có thể nảy sinh trên các thị trường này, suy nghĩ cách phòng ngừa và giảm bớt hiệu ứng của tất cả những vấn đề nảy sinh do tính bất toàn của các hợp đồng. Làm thế nào tái lập sự đồng ý giữa các bên nhằm giảm thiểu các chi phí sinh ra từ các tranh chấp này? Do đó theo quan điểm của lí thuyết chúng tôi, vấn đề là phải cải tiến những cấu trúc điều hành để khắc phục các khó khăn trên và tránh để cho chúng trở thành nguồn gốc của những khó khăn về mặt pháp lí.
Ví dụ, ta đang có một quan hệ dài hạn và cả hai chúng ta đều chuyên biệt hóa đầu tư của mình nhằm đáp ứng nhu cầu của mỗi bên. Chúng ta thừa nhận rằng hợp đồng giữa chúng ta là không đầy đủ, với những điều thiếu sót và bị bỏ quên. Nếu một biến cố không được dự trù xảy ra thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải cập nhật tất cả thông tin liên quan đến hợp đồng nhằm làm rõ vấn đề. Như vậy, chúng ta có thể chọn một thủ tục giải quyết, và chọn hoặc là thỏa thuận với nhau, hoặc là cầu viện đến một bên thứ ba. Một cách tổng quát, chúng ta thích giải quyết vấn đề với nhau vì biết rõ đâu là những vấn đề thật sự và vì chúng ta muốn tìm ra một giải pháp. Hủy hợp đồng để được bồi thường bao giờ cũng là một lựa chọn cấp hai. Cuối cùng, nếu biện pháp hợp đồng không cho phép thu được kết quả mong muốn thì chúng ta sẽ thoát ra khỏi những giao dịch thị trường để tổ chức chúng trong nội bộ, trong khuôn khổ của một hệ thống thứ bậc.
Do đó chúng ta có ba nhóm hoạt động, những thị trường tân cổ điển, những quan hệ hợp đồng dài hạn do những cấu trúc điều hành tư nhân thiết lập và, cuối cùng, những tổ chức nội bộ. Trong cách nhìn này, ta có thể xem những hình thái tổ chức thứ bậc như một hình thái tổ chức tột cùng, dành riêng cho những giao dịch không thể quản lí thành công bằng cách trao đổi trên thị trường.
Giáo sư phân tích thế nào về sự chuyển đổi ở Nga?
Khó lắm. Hiểu biết của chúng ta về những định chế kinh tế của chủ nghĩa tư bản, cho dù được cải thiện, vẫn còn rất sơ khải. Và ngay cả khi ta có một lí thuyết tốt thì cũng không thể triển khai nó trong một đất nước nhất định mà không hiểu biết sâu sắc những đặc điểm kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước này. Cuối cùng, tôi không phải chuyên gia về Nga, do đó sẽ là tự phụ nếu tôi phán rằng “Đây là cách tốt để triển khai các cải cách ở Nga”!
Tuy nhiên, tôi ghi nhận là hai tác giả gần đây được giải Nobel, Ronald Coase và Douglas North, trong các thuyết trình tại lễ trao giải[3] đã nhấn mạnh là những vấn đề triển khai các cuộc cải cách ở Nga và Đông Âu là những vấn đề trong đó các thể chế giữ một vai trò then chốt. Tiếc rằng chúng ta, ở cương vị các nhà kinh tế, đã không mấy đầu tư vào việc nghiên cứu các thể chế. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định một số điều, có giá trị cho trường hợp của Nga, liên quan đến các thể chế. Điều thứ nhất đưa chúng ta quay lại năm 1938, với bài viết nổi tiếng về “Lí thuyết kinh tế của chủ nghĩa xã hội” của Oscar Lange. Phần lớn bài viết này được dành cho việc suy tưởng những điều kiện của một tổ chức có hiệu quả để ấn định giá những đầu vào và giá sản phẩm, và đề ra những quyết định tốt theo quan điểm của hàm sản xuất. Đây là một cách tiếp cận hoàn toàn tân cổ điển. Cũng trong bài viết này, Lange nêu một nhận xét không bình thường. Ông quan sát rằng nguy cơ lớn nhất đối với chủ nghĩa xã hội không phải là việc phân bổ không hiệu quả các nguồn lực mà là hiện tượng quan liêu hóa. Ông nhận xét tiếp là việc nghiên cứu hệ thống quan liêu nằm ngoài trường của kinh tế học và thuộc về lĩnh vực của xã hội học. Và Lange kết luận rằng hãy quay về với những gì ta biết làm và nghiên cứu việc phân bổ nguồn lực.
Trong suốt năm mươi năm sau đó, hầu hết các nhà kinh tế chuyên việc nghiên cứu so sánh các hệ thống kinh tế đã tìm hiểu các điều kiện của một phân bổ hiệu quả các nguồn lực và những hệ thống động viên, và họ không biết đến những vấn đề quan liêu hóa của Liên bang xô viết. Thế mà, theo tôi, chính gánh nặng của hệ thống quan liêu, hơn bất kì nhân tố nào khác, đã làm cho hệ thống xô viết trở nên tốn kém kinh khủng và buộc các nhà lãnh đạo nó phải thừa nhận là không thể tiếp tục cuộc cạnh tranh với phương Tây nữa.
Nếu cơ chế dẫn đến việc quan liêu hóa nằm ngoài trường suy tưởng về việc phân bổ nguồn lực thì, ngược lại, cơ chế này nằm trong trường của một cách tiếp cận theo quan điểm tổ chức. Chính vì thế mà kinh tế học thể chế là một cách tiếp cận tốt để hiểu tình hình ở Nga.
Một số nhà tư vấn nước Nga cho rằng vấn đề thiết yếu là vấn đề một mức tốt cho các giá tương đối, một số khác lại cho rằng là phải xác lập quyền sở hữu. Về phần mình, tôi nghĩ rằng xác lập một mức tốt cho các giá tương đối, các lãi suất hay quyền sở hữu là quan trọng, nhưng có một vấn đề còn quan trọng hơn là thiết lập những thể chế phù hợp. Điều này đòi hỏi xem xét cụ thể các cuộc đầu tư được tiến hành như thế nào và các hợp đồng được thiết lập ra sao, rồi phân tích những điều cần làm để những ai dự kiến đầu tư hay kí kết hợp đồng có thể yên tâm tiến hành.
Có thể thiết lập những thể chế cần thiết cho hoạt động của nền kinh tế bằng cách tiến hành từ bên dưới lên hay từ bên trên xuống. Hầu hết những ai làm việc trên cuộc cải cách Nga đã chọn cách tiến hành từ đỉnh. Cách tiếp cận của kinh tế học thể chế là phân tích sự việc diễn ra như thế nào trong thực tiễn, trên thực địa. Một không khí thuận lợi cho đầu tư và hợp đồng không chỉ phụ thuộc vào những quy tắc chính thức của luật chơi, mà còn phụ thuộc vào luật chơi trong thực tế. Nhất là trong một đất nước mà, trong một thời gian dài, những quy tắc hiến định có tính thuần túy lí thuyết. Hiển nhiên là ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định chính trị có một vai trò lớn, nhưng trong mọi trường hợp sự ổn định này không thể giải quyết tất cả những vấn đề của sự chuyển đổi (từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường – ND).
Philippe Frémaux
Nguyễn Đôn Phước dịch.
[1] Sinh năm 1932, cùng với Ealinor Ostrom, được giải kinh tế học của Ngân hàng Thụy Điển năm 2009 để tưởng nhớ Alfred Nobel, nhờ “phân tích của ông về sự điều hành kinh tế, đặc biệt là những ranh giới của hãng” (ND).↩
[2] Có thể tham khảo http://nxbtrithuc.com.vn/Danh-muc-tu-sach/2654749/116/Kinh-te-hoc-doanh-nghiep.html, http://nxbtrithuc.com.vn/Danh-muc-tu-sach/2654749/112/Nhung-ly-thuyet-moi-ve-doanh-nghiep.html và http://nxbtrithuc.com.vn/Danh-muc-tu-sach/2654749/119/Giai-Nobel-kinh-te.html, (ND).↩
[3] Xem “Cấu trúc thể chế của sản xuất” của Coase trong Các thuyết trình tại lễ trao giải thưởng Nobel về khoa học kinh tế, tập 3 (1991-1995), trang 12-40, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000 và “Động thái kinh tế qua thời gian” của North, nt., trang 187-206 (ND).↩