16.1.16

Tâm lí thị trường của chúng ta đã lỗi thời



Karl Polanyi (1886-1964)
Tâm lí thị trường của chúng ta đã lỗi thời: Nền văn minh phải tìm một mô hình tư duy mới[1]
Thế kỉ đầu của Thời đại Cỗ Máy kết thúc trong lo âu và sợ hãi. Những thành công vĩ đại của Thời đại này được giải thích bằng sự tự nguyện phục tùng, và phải nói là trong phấn khởi, của con người trước những nhu cầu của cỗ máy. Trong thực tế, chủ nghĩa tư bản tự do là câu trả lời đầu tiên trước thách đố của cuộc Cách mạng công nghiệp. Để nhường chỗ cho việc sử dụng một cỗ máy tinh vi và mạnh, chúng ta đã biến nền kinh tế con người thành một hệ thống những thị trường tự điều tiết và phóng chiếu những ý tưởng và giá trị của chúng ta trong khuôn mẫu của sự sáng tạo không có tiền lệ này.
Ngày nay chúng ta bắt đầu nghi ngờ tính chân lí của một số những ý tưởng và giá trị trên và đặt thành vấn đề một số những giá trị này. Ngoại trừ ở Hoa Kì, chủ nghĩa tư bản hầu như đã biến mất; bởi thế một lần nữa chúng ta phải đặt lại vấn đề tổ chức đời sống con người trong xã hội trong Thời đại Cỗ Máy. Ngoài hệ thống mòn cũ của chủ nghĩa xã hội cạnh tranh, ta thấy nổi lên một nền văn minh công nghiệp được đặc trưng bằng sự phân công lao động gây tê liệt, việc chuẩn hóa lối sống, tính ưu việt của cơ chế trên cơ thể và của tổ chức trên sự tự phát. Bản thân khoa học cũng bị sự tha hóa đe dọa. Đó là một vấn đề thật sự và thường xuyên gây âu lo.
Không thể tìm được lối thoát bằng cách hướng đến những lí tưởng của một thế kỉ khác. Chúng ta buộc phải đối mặt với tương lai, cho dù điều này kéo theo việc thử tính thay đổi vị trí của công nghiệp trong xã hội, nhằm làm chủ hiện thực xa lạ của cỗ máy. Ngược lại với một dư luận phổ biến, đi tìm một nền văn minh công nghiệp không giới hạn ở việc quan niệm một giải pháp cho những vấn đề của chủ nghĩa tư bản. Vấn đề là tìm giải pháp cho chính bản thân công nghiệp vì chính ở đây là sự được mất cụ thể của nền văn minh chúng ta.
Một chế độ kiểu này đòi hỏi một tự do nội tại mà chúng ta chưa được chuẩn bị tốt. Hiểu biết của chúng ta về thế giới bị cầm tù trong di sản thừa hưởng được từ một nền kinh tế thị trường với một cái nhìn quá đơn giản về chức năng và vai trò của hệ thống kinh tế trong xã hội. Nếu chúng ta phải khắc phục cuộc khủng hoảng, thì buộc phải quay về với một cách nhìn thực tế hơn về thế giới và xác định một cứu cánh chung dưới ánh sáng của quan điểm mới này.
Chủ nghĩa duy công nghiệp là một chồi ghép muộn màng và mong manh trong chiều dài của lịch sử nhân loại. Kết quả của thử nghiệm này vẫn còn chưa chắc chắn. Nhưng con người không phải là một sinh thể đơn giản và có thể chết bằng nhiều cách. Vấn đề tự do cá nhân, được thế hệ chúng ta đam mê thảo luận, chỉ là một khía cạnh của vấn đề gây lo hãi này. Thật ra đó chỉ là một phần của một nhu cầu rộng hơn và sâu hơn: sự cần thiết của một đáp trả mới trước thách thức tuyệt đối của cỗ máy.
Một d thuyết cơ bản
Karl Polanyi (1886-1964
Có thể mô tả thân phận của chúng ta như sau: có thể là nền văn minh công nghiệp sẽ hủy diệt con người. Nhưng do bước đi ngẫu nhiên đến một môi trường ngày càng giả tạo không thể, sẽ không thể và, để nói cho thật rõ, không được ngăn lại một cách có chủ ý thì, trong những điều kiện ấy, chúng ta phải tìm cách thích nghi đời sống với những đòi hỏi của sự tồn tại của con người, nếu còn muốn tiếp tục tồn tại trên trái đất. Không ai có thể nói là có thể thích nghi như thế được không hay là con người sẽ bị hủy diệt khi thực hiện điều đó, bởi thế mới có giọng văn báo động như trên.
Giai đoạn đầu của Thời đại Cỗ máy vừa mới kết thúc. Nó đã kéo theo một tổ chức xã hội mang tên của thể chế trung tâm của thời đại ấy: thị trường. Hệ thống này đang trên đường suy tàn. Tuy nhiên, triết lí thực hành của chúng ta đã được định hình một cách không thể cưỡng được bởi thời kì ấn tượng này. Những quan niệm mới về con người và xã hội trở thành thông dụng đến độ có cương vị như những tiên đề. Liên quan đến con người, chúng ta buộc phải chấp nhận dị thuyết sau: có thể mô tả động cơ của con người là có tính “vật chất” hay “lí tưởng”, những chất kích thích việc tổ chức đời sống hằng ngày chỉ xuất phát từ những động cơ thuộc kiểu “vật chất”. Quan niệm này là cách tiếp cận của những nhà tự do công lợi lẫn của những nhà marxist chính thống. Còn về xã hội, học thuyết có liên quan được nêu lên cho rằng các thể chế do hệ thống kinh tế “quyết định”. Quan niệm này ăn sâu vào các nhà marxist hơn là các nhà tự do.
Trong một nền kinh tế thị trường, hai khẳng định trên tất nhiên là đúng, nhưng chúng chỉ đúng trong khuôn khổ của một nền kinh tế thị trường. Áp dụng vào quá khứ, đó là một sai lầm về niên đại, còn về tương lai thì đó hoàn toàn là một thiên kiến. Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng của những trào lưu tư tưởng đương đại, được quyền uy của khoa học và tôn giáo, của giới chính trị và giới kinh doanh công nhận và hỗ trợ, các hiện tượng giới hạn nghiêm ngặt trong thời gian dần dần được xem là có tính phi thời gian, như thể là chúng vượt qua cả thời đại của thị trường.
Để có thể vượt qua những học thuyết như thế, vốn giam hãm lí trí và tâm hồn chúng ta, và khiến cho sự điều chỉnh cần thiết cho sự sống còn của con người thêm khó khăn, chúng ta không thể không thay đổi thật sự triệt để nhận thức của chúng ta.
Chấn thương thị trường
Thời kì khởi đầu sự thống trị của tự do kinh doanh (laissez-faire) đã thô bạo đặt lại cách nhìn của con người văn minh về chính mình, đến độ con người chưa bao giờ hoàn toàn bình phục sau những hậu quả của sự đảo lộn này. Chỉ dần dần chúng ta mới ý thức những gì đã xảy ra cho mình, chỉ mới một thế kỉ nay.
Kinh tế tự do, phản ứng ban đầu này của con người trước sự lên ngôi của cỗ máy là một đứt đoạn thô bạo với tình hình trước đó. Đó là khởi điểm của một phản ứng dây chuyền: những thị trường cô lập ngày xưa biến đổi thành một hệ thống những thị trường tự điều tiết. Nền kinh tế mới này cho ra đời một xã hội mới.
Bước quyết định tiếp đó là: người ta biến lao động và đất đai thành hàng hóa, nghĩa là người ta xử lí chúng như thể là chúng được sản xuất để được bán đi. Tất nhiên, cả hai đều không thật sự là những hàng hóa trong chừng mực mà chúng hoàn toàn không được sản xuất (như đất đai) hay, nếu có được sản xuất thì cũng không phải để bán (như lao động). Thế mà, chưa bao giờ một hư cấu hiệu quả đến thế từng được tưởng tượng. Bằng cách tự do mua và bán lao động và đất đai, người ta áp đặt cơ chế thị trường lên chúng. Từ nay, có cung lao động và cầu lao động, cung đất đai và cầu đất đai. Hệ quả là có một giá thị trường cho việc sử dụng sức lao động, được gọi là lương, và một giá cho việc sử dụng đất, được gọi là tô. Các thị trường lao động và đất đai được hình thành theo mẫu hình của thị trường các hàng hóa mà hai nhân tố này góp phần sản xuất. Ta cảm nhận được tầm vóc thật sự của một thay đổi như thế khi nhớ rằng các từ lao động và đất đai không chỉ báo điều gì khác hơn là con người và thiên nhiên. Hư cấu về hàng hóa giam giữ số phận của con người và thiên nhiên trong sự vận hành theo lề thói của một automat và bị chi phối bởi những qui luật của automat này.
Chưa bao giờ người ta chứng kiến một hiện tượng như thế. Nguyên lí đối lập vẫn còn được áp dụng trong hệ thống trọng thương, cho dù hệ thống này khuyến khích có cân nhắc sự thành lập các thị trường. Lao động và đất đai không được giao cho thị trường; chúng là một thành phần của cơ cấu tổ chức xã hội. Nơi nào đất đai được thương mại hóa thì chỉ có việc xác định giá đất mới thường được giao cho các bên có liên quan. Khi lao động là đối tượng của một hợp đồng, bản thân lương thường do chính quyền ấn định. Đất đai được quản lí theo những tập quán của lãnh chúa, tu viện, địa phương và những giới hạn pháp lí liên quan đến sở hữu đất đai. Lao động được quy phạm hóa bởi những luật chống ăn xin và du đãng, những luật về người nghèo, những quy định người lao động và thủ công, cũng như những luật lệ của các địa phương và phường hội. Trong thực tế, tất cả những xã hội từng được các nhà nhân học và sử học biết đến chỉ dành thị trường riêng cho các hàng hóa.
Như vậy, kinh tế thị trường tạo ra một kiểu xã hội mới. Hệ thống kinh tế, chính xác hơn là hệ thống sản xuất, đã được giao cho một cấu trúc vận hành độc lập. Một cơ chế được thiết lập để kiểm soát con người trong hoạt động hằng ngày, cũng như những tài nguyên thiên nhiên. Công cụ phúc lợi vật chất này được đặt dưới sự kiểm tra độc nhất của những chất kích thích do cái đói và mối lợi sản sinh ra, hay chính xác hơn được sinh ra từ nỗi lo sợ rơi vào tình trạng thiếu cái tối thiểu cần thiết để sống và từ sự chờ đợi một mối lợi. Chừng nào một con người không có sở hữu chỉ có thể tìm miếng cơm mà không buộc phải bán đi trước đó sức lao động của mình, chừng nào một ông chủ có thể không gặp trở ngại trong việc mua ở giá thấp nhất và bán lại ở giá cao nhất thì công xưởng mù quáng tiếp tục cung cấp thêm nhiều sản phẩm cho nhân loại. Chính nỗi sợ chết đói của người lao động và miếng mồi lợi nhuận của người sử dụng lao động cho phép duy trì hệ thống rộng lớn này.
Như thế, “lĩnh vực kinh tế” hoàn toàn tách biệt với những thể chế khác của xã hội, đã xuất hiện. Do không có nhóm người nào có thể sống sót nếu không có một cấu trúc sản xuất vận hành được, nên sự hiện thân của cấu trúc này trong một lĩnh vực riêng và tách biệt khiến cho “phần còn lại” của xã hội phụ thuộc vào lĩnh vực trên. Bản thân lĩnh vực tách biệt này được điều tiết bởi một cơ chế kiểm soát sự vận hành của nó. Hệ quả là cơ chế thị trường xác định cuộc sống của cơ thể xã hội. Do đó không ngạc nhiên khi kiểu xã hội mới nổi lên lại là một xã hội “kinh tế” ở một cấp độ chưa từng được biết đến. Những “động cơ kinh tế” trị vì ở bậc tối cao trong thế giới riêng của chúng; con người buộc phải hành động theo logic của chúng, nếu không sẽ bị một thị trường có tính hủy hoại tiêu diệt. Sự cải biến bắt buộc này theo một cách nhìn duy lợi làm lệch tất cả hiểu biết của con người tây phương về chính bản thân mình.
Cái đói và mối lợi lên ngôi
Vũ trụ với những “động cơ kinh tế” này đặt cơ sở trên một ý tưởng sai. Về bản chất, cái đói và mối lợi không có tính “kinh tế” hơn tình yêu hay hận thù, sự kiêu ngạo hay thiên kiến. Không có động cơ con người nào tự thân nó có tính kinh tế. Không có kinh nghiệm kinh tế đặc thù (sui generis) theo nghĩa là con người có thể có những trải nghiệm tôn giáo, mĩ học hay sex, những trải nghiệm này sinh ra những động cơ thường có xu hướng tạo nên những trải nghiệm tương tự. Các thuật ngữ này không có ý nghĩa trực tiếp gì đối với sản xuất vật chất.   
Nhân tố kinh tế, làm chỗ dựa cho mọi đời sống xã hội, không sản sinh những kích thích nhất định nhiều hơn những kích thích sinh ra từ định luật vạn vật hấp dẫn. Hiển nhiên là nếu chúng ta không ăn chắc chắn chúng ta sẽ chết, cũng như khi chúng ta bị một tảng đá rơi đè chết. Nhưng sự dày vò của cái đói không sinh ra một cách có hệ thống sự kích thích để sản xuất. Sản xuất không phải là một vấn đề cá nhân mà là một vấn đề tập thể. Đối với một người đói, không có giải pháp nào hiển nhiên cho anh ta. Rơi vào tuyệt vọng, có thể anh ta sẽ đi ăn cắp, một điều khó có thể gọi là hành động sản xuất. Đối với con người, một động vật chính trị, tất cả xuất phát từ những điều kiện xã hội chứ không từ những điều kiện tự nhiên. Chính tổ chức sản xuất trong một nền kinh tế thị trường đã đưa đến việc, trong thế kỉ XIX, quan niệm cái đói và mối lợi là có tính “kinh tế”.
Trong trường hợp này, cái đói và mối lợi gắn liền với sản xuất thông qua sự tất yếu phải “nhận một thu nhập”. Thật vậy, trong một hệ thống như thế, con người muốn tồn tại buộc phải mua sản phẩm trên thị trường bằng một thu nhập có được qua việc bán những sản phẩm khác. Cái tên được gán cho thu nhập này, lương, địa tô và tiền lãi, thay đổi theo điều gì được bán đi, tức là việc sử dụng sức lao động, đất đai hay đồng tiền. Thu nhập gọi là lợi nhuận, tức là thù lao của doanh nhân, có được từ việc bán những sản phẩm mà giá bán cao hơn giá những sản phẩm đã góp phần tạo ra chúng. Do đó, tất cả thu nhập là từ tiền bán, và tất cả tiền bán, trực tiếp hay gián tiếp, góp phần vào sản xuất. Sản xuất, thật thế, phụ thuộc vào việc có được một thu nhập. Ngày nào một người còn “có thu nhập” thì tự động người đó còn góp phần vào sản xuất.
Hiển nhiên là hệ thống chỉ hoạt động nếu các cá nhân có lí do chính đáng để tiến hành một hoạt động nhằm “có thu nhập”. Cái đói và mối lợi, một cách riêng lẻ và cùng nhau, cung cấp cho họ lí do này; hai động cơ trên, được thích nghi như thế với cơ chế sản xuất, vì vậy được nhận diện là có tính “kinh tế”. Như vậy dường như cái đói và mối lợi là các kích thích mà mọi hệ thống kinh tế, bất kì là hệ thống nào, đều phải dựa trên đó. Khẳng định này là không có cơ sở. Quan sát các xã hội con người cho thấy là cái đói và mối lợi không được sử dụng như chất kích thích cho sản xuất và trong trường hợp có sử dụng thì chúng thường đi cùng với những động cơ chủ yếu khác.
Aristotle đã có lí: con người không phải là một hữu thể kinh tế, mà là một hữu thể xã hội. Bằng cách sở hữu những sản phẩm vật chất, mục đích con người không phải là để bảo toàn lợi ích cá nhân mà đúng hơn để đảm bảo cho mình một cương vị và những lợi thế xã hội. Con người xem những vật sở hữu được là có giá trị chủ yếu như những phương tiện để đạt đến các cứu cánh trên. Do đó những điều kích thích con người có tính “đa dạng” được chúng tôi nối kết với nhu cầu được thừa nhận về mặt xã hội; chính như thế mà ta có thể giải thích nỗ lực sản xuất của con người. Kinh tế của con người nói chung được lồng kết trong những quan hệ xã hội của nó. Trái lại, biến đổi dẫn đến một xã hội được lồng kết trong hệ thống kinh tế là một sự phát triển hoàn toàn mới.

Các sự kiện

B. Malinowski (1884-1942)
R. Thurnwald (1869-1954)
Đến lúc này phải viện đến chứng cứ bằng các sự kiện. Thứ nhất, xét những khám phá của kinh tế học về xã hội sơ khai: hai tên tuổi nổi lên là Bronislaw Malinowski và Richard Thurnwald. Cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác, họ đã đảo lộn quan niệm của chúng ta trong lĩnh vực này, từ đó lập nên một bộ môn mới. Từ lâu huyền thoại về người dã man cá nhân chủ nghĩa đã bị phá hủy. Không có bất kì chứng cứ nào về tính tự ngã thô lỗ, khuynh hướng đáng ngờ trao đổi hàng đổi hàng, và khuynh hướng tự cung tự cấp của người này. Nói một cách đơn giản, người ta đã khám phá là con người vẫn hầu như là thế qua các thời đại. Nếu xét các thể chế, không phải một cách riêng lẻ mà trong mối tương quan giữa chúng với nhau, nói chung ta có thể hiểu được hành vi trong quá khứ của con người. Điều được kiến giải như “chủ nghĩa cộng sản” (nguyên thủy – ND) đơn giản chỉ là việc hệ thống sản xuất hay kinh tế thường được tổ chức sao cho không ai bị nạn đói đe dọa. Vị trí bên đốm lửa và phần mỗi người trong tài nguyên chung được đảm bảo, bất luận vai trò của mình trong các hoạt động săn bắn, chăn nuôi, cày cấy hay trồng trọt.
Lấy thử vài ví dụ. Trong hệ thống kraaland của người Cafre (Nam Phi – ND), “không thể tồn tại sự khốn khổ vì bất kì ai cần trợ giúp đều nhận được sự trợ giúp không điều kiện” (L. P. Mair, An African People in the Twentieth Century, 1934). Người Kwakiutl (Canada – ND) “chưa bao giờ có nguy cơ bị đói” (E. M. Loeb, The Distribution and Function of Money in Early Society, 1936). “Không có nạn đói trong những xã hội có vừa đủ để tồn tại” (M. Herskovits, The Economic Life of Primitive Peoples, 1940). Thật vậy, cá nhân không bao giờ bị nạn đói đe dọa, trừ phi cả cộng đồng rơi vào tình trạng này. Việc không có mối đe dọa khốn cùng cá nhân này khiến cho, theo một cách nào đó, các xã hội nguyên thủy là nhân bản hơn xã hội của thế kỉ XIX, và đồng thời khiến cho các xã hội ấy ít “kinh tế” hơn.
Cùng một sơ đồ trên được áp dụng cho nhân tố kích thích lợi nhuận cá nhân. Lại thêm vài trích dẫn nữa: “Nét đặc trưng của kinh tế các xã hội nguyên thủy là sự thiếu vắng của ham muốn tìm mối lợi từ sản xuất và trao đổi” (R. Thurnwald, Economics in Primitive Communities, 1932). “Mối lợi, vốn thường là nhân tố kích thích lao động trong các xã hội văn minh hơn, không bao giờ là một chất kích thích lao động trong các xã hội nguyên thủy” (B. Malinowski, Argonauts of the Western Pacific, 1922). Nếu những nhân tố kích thích mạo xưng là kinh tế là những điều vốn có trong bản tính con người thì chúng ta phải xem tất cả các xã hội nguyên thủy đều hoàn toàn phản tự nhiên.
Thứ nhì, cần nhấn mạnh là về mặt này không có sự khác biệt giữa các xã hội nguyên thủy và các xã hội văn minh. Hệ thống kinh tế bao giờ cũng lồng kết trong xã hội, dù cho đó là trường hợp của Thành quốc thời cổ đại, đế chế chuyên quyền, chủ nghĩa phong kiến, đời sống đô thị của thế kỉ XIII, hệ thống trọng thương ở thế kỉ XVI, hay của hệ thống qui định hóa vào thế kỉ XVIII. Nguồn gốc của những khuyến khích đặc biệt đa dạng: phong tục và truyền thống, nghĩa vụ công cộng và dấn thân cá nhân, thực hành tôn giáo và trung thành chính trị, nghĩa vụ pháp lí và quy định hành chính như được xác lập bởi quân vương, thị xã hay phường hội. Chính thứ bậc và cương vị, ràng buộc của pháp luật và nỗi sợ bị trừng phạt, vinh dự và danh tiếng đảm bảo rằng cá nhân góp phần vào sản xuất. Điều đó không có nghĩa là nỗi lo sợ sự thiếu thốn hay việc yêu thích lợi nhuận phải hoàn toàn vắng bóng. Có những thị trường trong tất cả các kiểu xã hội và khuôn mặt người buôn bán là quen thuộc trong nhiều nền văn minh. Nhưng những thị trường cô lập không tự cấu trúc để hình thành một nền kinh tế. Không bao giờ ý tưởng cho rằng có thể phổ cập hóa động cơ lợi nhuận thoáng qua đầu các bậc tiền nhân. Chưa bao giờ trước phần tư thứ nhì của thế kỉ XIX các thị trường lại giữ một vị trí nào khác hơn là bị phụ thuộc vào xã hội.
Thứ ba, phải nhấn mạnh tính chất cực kì đột ngột của sự biến đổi. Việc các thị trường nổi lên thành thống trị không phải là một vấn đề về cường độ mà có tính bản chất. Các thị trường trên đó các hộ gia đình vốn tự cung tự cấp bán được thặng dư sản phẩm của mình không trực tiếp định hướng sản xuất và không là cội nguồn thu nhập của nhà sản xuất[2]. Trường hợp này chỉ xảy ra trong một nền kinh tế thị trường, khi tất cả thu nhập đều bắt nguồn từ việc bán buôn và khi người ta chỉ có thể có được hàng hóa bằng cách mua chúng. Thị trường lao động tự do chỉ mới xuất hiện ở Anh cách đây một thế kỉ. Đạo luật cay đắng Poor Law Reform (1834) bãi bỏ việc các chính phủ gia trưởng cung cấp nhu yếu phẩm cơ bản cho người nghèo. Nhà cứu tế người nghèo, trước đây tiếp nhận những người cùng khổ nhất, được biến thành những chốn đáng hỗ thẹn và tra tấn tinh thần khiến cái đói và bần cùng là điều mong muốn hơn. Chết đói hay lao động, đó là lựa chọn được đặt ra cho người nghèo. Và như thế người ta tạo ra một thị trường lao động quốc gia có tính cạnh tranh. Trong vòng mười năm, luật Bank Act (1844) thiết lập nguyên tắc của hệ thống bản vị vàng; chính phủ bị tước đi trách nhiệm tạo sinh tiền tệ mà không tính đến những hậu quả trên mức việc làm. Song song đó, cuộc cải cách luật về đất đai làm cho sở hữu là chuyển nhượng được và việc bãi bỏ các luật về lúa mì (1845) và sản sinh ra thị trường thế giới về hạt, qua đó để cho người lĩnh canh trên lục địa (châu Âu – ND) gánh chịu những bất ổn của thị trường.
Ba trụ cột của chủ nghĩa tự do kinh tế được thiết lập như thế đó, những nguyên lí dựa trên đó nền kinh tế thị trường được xây dựng: lao động phải có một giá do thị trường ấn định; cung tiền tệ phải phụ thuộc vào một cơ chế tự điều tiết; hàng hóa phải được tự do lưu thông giữa các nước mà không cần quan tâm đến những hệ quả của sự tự do này. Tóm lại, là thị trường lao động, bản vị vàng và tự do mậu dịch. Một quá trình tự củng cố được khởi động với kết quả cuối cùng là mô hình thị trường vô hại ngày xưa đột biến thành một điều khủng khiếp về mặt xã hội.
Sự ra đời của một ảo tưởng
Các sự kiện trên xác định những nét lớn trong phả hệ của một xã hội “kinh tế”. Trong bối cảnh này, thế giới phải hiện ra như bị chi phối bởi những động cơ “kinh tế”. Lí do là vô cùng đơn giản: hãy chọn một động cơ, động cơ nào mà bạn thích, rồi tổ chức sản xuất sao cho động cơ này trở thành chất kích thích để sản xuất cho cá nhân: bạn thật sự sẽ tạo nên chân dung một người hoàn toàn bị động cơ ấy nuốt chửng. Hãy chọn một động cơ tôn giáo, chính trị, hay mĩ học, hãy chọn sự tự hào, thành kiến, tình yêu, thậm chí sự ham muốn: con người sẽ hiện ra dưới mắt bạn chủ yếu có tính tôn giáo, chính trị, duy mĩ, hãnh diện, đầy thành kiến, thấm đẫm tình yêu hay sự ham muốn. Ngược lại, những động cơ khác có vẻ xa vời và mơ hồ vì ta không thể dựa vào tính hiệu quả của chúng trong vấn đề thiết yếu này là sản xuất. Động cơ bạn chọn sẽ biểu trưng con người “hiện thực”.
Trong thực tế, con người lao động vì nhiều lí do đa dạng ngày nào sự việc còn được tổ chức vì mục đích đó. Các tu sĩ từng buôn bán vì những lí do tôn giáo, và các tu viện trở thành những trung tâm thương mại lớn nhất châu Âu. Thương mại Kula của thổ dân Trobiandais (Papouasie Nouvelle Guinée - ND), một trong những hệ thống hàng đổi hàng phức tạp nhất được biết đến, chủ yếu có một ý đồ mĩ thuật. Nền kinh tế phong kiến bị chi phối bởi hệ thống tập quán. Đối với người Kwakiutls, mục đích chủ yếu sản xuất dường như là để thỏa mãn thể diện. Dưới chế độ chuyên quyền trọng thương, công nghiệp thường được kế hoạch hóa để thỏa mãn quyền lực và danh vọng. Theo cùng logic đó, người ta thường xem các tu sĩ hay người nông nô, người Tây Melanesie, người Kwakiutls và các chính khách của thế kỉ XVIII là bị chi phối bởi, theo thứ tự, tôn giáo, cái đẹp, tập quán, danh dự và chính trị.
Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, mọi người phải có được thu nhập. Làm người lao động, cá nhân phải bán sức lao động của mình theo giá hiện hành; là người chủ sở hữu, cá nhân phải nhắm đến lợi nhuận tối đa, do vị thế của mình trong số những người đồng cảnh phụ thuộc vào thu nhập. Cái đói và cái lợi, ngay cả một cách gián tiếp, khiến cá nhân phải cày bừa và gieo trồng, xe sợi và dệt, khai thác than và điều khiển máy bay. Bởi thế những thành viên của một xã hội như thế tưởng rằng mình bị hai động cơ này chi phối.
Thật ra con người chưa bao giờ ích kỉ như lí thuyết đòi hỏi. Mặc dù cơ chế thị trường hiển lộ sự phụ thuộc của con người đối với những nhu cầu vật chất, nhưng với con người, các động cơ kinh tế chưa bao giờ là những nhân tố duy nhất kích thích lao động. Các nhà kinh tế cũng như các nhà đạo đức duy lợi hoài công hô hào con người chỉ nên xét đến các động cơ “vật chất” không thôi. Nếu quan sát cặn kẽ hơn hành vi con người, ta thấy số động cơ của con người là “đa diện” và bao gồm những ý niệm như ý thức trách nhiệm đối với bản thân và người khác; ngay cả có thể con người có hạnh phúc ngầm ẩn khi lao động vì niềm vui lao động.
Tuy nhiên điều chúng ta quan tâm ở đây không liên quan đến những động cơ thật sự mà đến những động cơ giả định của con người; điều đáng quan tâm không phải là tâm lí học mà là hệ tư tưởng thống trị trong kinh doanh, vì quan điểm về bản chất con người đặt cơ sở trên hệ tư tưởng này chứ không trên tâm lí học. Thật vậy, một khi xã hội chờ đợi từ các thành viên một kiểu ứng xử nhất định và khi những thể chế thống trị thường có khả năng áp đặt kiểu ứng xử ấy thì những ý tưởng liên quan đến bản chất con người thường có xu hướng phản ảnh lí tưởng này, cho dù nó tương ứng hay không với thực tế. Do đó, cái đói và cái lợi được xác định như những động cơ kinh tế và con người được giả định hành động theo hai nhân tố này trong cuộc sống hằng ngày, trong lúc những động cơ khác của con người được trình bày như là cao cả và xa vời hơn những sự kiện tầm thường của cuộc sống. Ý thức danh dự và tự hào, ý thức công dân và trách nhiệm đạo đức, ngay cả lòng tự trọng và việc tuân thủ lề thói từ nay được xem như không thuộc lĩnh vực sản xuất và được tóm tắt một cách có ý nghĩa bằng từ “lí tưởng”. Như vậy người ta đã tin rằng con người có hai thành tố: một phần liên quan đến cái đói và cái lợi, phần kia liên quan đến danh dự và quyền lực; một phần “vật chất” và một phần “lí tưởng”; một phần có tính “duy lí” và một phần “không duy lí”. Các nhà duy lợi đi xa đến độ đồng nhất cả hai vế, từ đó gán sự hiện thân của tính duy lí cho vế kinh tế. Như thế ai từ chối thừa nhận là mình hành động chỉ vì hám lợi sẽ được xem không chỉ như một người vô đạo đức mà còn là như một kẻ điên.
Quyết định luận kinh tế
Cơ chế thị trường cũng đã tạo nên ảo tưởng quyết định luận là một quy luật tổng quát cho mọi xã hội con người.
Ferdinand Tönnies (1855-1936)
Đương nhiên rằng quy luật này đúng trong một nền kinh tế thị trường. Thật vậy, hệ thống kinh tế như nó đang vận hành không chỉ “ảnh hưởng” đến phần còn lại của xã hội; nó cũng còn xác định phần còn lại này, cũng giống như các cạnh của một tam giác không chỉ ảnh hưởng đến mà cũng còn xác định các góc. Xét sự phân tầng thành giai tầng: cung và cầu trên thị trường, theo thứ tự, giống hệt với tầng lớp người lao động và tầng lớp người sử dụng lao động. Các giai tầng xã hội của nhà tư bản, chủ đất, chủ lĩnh canh, người môi giới, nhà buôn, người hành nghề tự do, v.v. cũng được những thị trường tương ứng với đất đai, tiền tệ, tư bản và dịch vụ khác nhau xác định. Thu nhập của các tầng lớp khác nhau này do thị trường ấn định, còn thứ bậc và vị thế trong xã hội của các tầng lớp này do thu nhập của họ xác định. Đây là sự đảo lộn trong một cách thực hành cả trăm năm. Theo thuật ngữ nổi tiếng của de Maine, contractus đã thay thế status, hay như cách nói ưa thích của Tönnies, “cộng đồng” nhường chỗ cho “xã hội”. Về phần mình, chúng tôi nói rằng từ nay các quan hệ xã hội được lồng kết trong hệ thống kinh tế trong lúc trước đây hệ thống kinh tế được lồng kết trong các quan hệ xã hội.
Nếu các giai tầng xã hội là kết quả trực tiếp của cơ chế thị trường thì cơ chế này xác định một cách gián tiếp những thể chế khác. Nhà nước và chính phủ, hôn nhân và dạy dỗ con cái, tổ chức khoa học và giáo dục, tôn giáo và nghệ thuật, chọn nghề, hình thức nhà ở và kiểu dân cư, cho đến những lựa chọn mĩ thuật cá nhân, tất cả đều phải phù hợp với mô hình duy lợi hay ít nhất là không giao thoa với hoạt động của cơ chế thị trường. Thế mà, rất ít hoạt động của con người có thể thực hiện được trong chân không: do ngay cả kẻ ẩn sĩ trên cột cũng còn cần đến cột trụ, hệ thống thị trường cuối cùng gián tiếp xác định hầu như toàn bộ xã hội. Gần như không thể tránh được kết luận sai lầm theo đó hệ thống kinh tế “thật sự” là xã hội, cũng như con người kinh tế là con người “hiện thực”.
Sex và cái đói
Tuy nhiên có lẽ đúng hơn khi cho rằng các thể chế cơ bản của con người ghét cay ghét đắng tính đơn nhất của các động cơ. Giống như việc cung cấp nhu yếu phẩm cơ bản cho cá nhân và gia đình thường không phụ thuộc vào cái đói như động cơ, thể chế gia đình cũng không dựa trên động cơ sex.
Sex, giống như cái đói, là một trong những chất kích thích mạnh nhất, khi nó không còn đặt dưới sự kiểm soát của những kích thích khác. Chắc chắn đây là lí do vì sao gia đình dưới tất cả các hình thái chưa bao giờ được phép chỉ tập trung vào bản năng sex, vốn theo từng cơn và thất thường, nhưng được tập trung vào một tổ hợp những động cơ có hiệu quả ngăn cản sex hủy hoại một thể chế đảm bảo một phần lớn hạnh phúc con người. Tự nó sex không sản xuất gì tốt hơn là nhà thổ và, ngay cả trong trường hợp này, đôi lúc nó buộc phải cầu viện đến những chất khuyến khích thuộc về cơ chế thị trường. Một hệ thống kinh tế chỉ dựa thật sự trên cái đói là đồi bại không kém gì một cơ cấu gia đình chỉ đặt cơ sở trên xung năng sex.
Toan tính áp dụng quyết định luận kinh tế vào tất cả các xã hội con người gần như là một điều huyễn tưởng. Với những ai nghiên cứu nhân học xã hội, hiển nhiên là có một số lớn thể chế vô cùng khác nhau tương thích với những tư liệu sản xuất gần như giống nhau. Tính sáng tạo thể chế của con người chỉ bị đình hoãn khi người ta cho phép thị trường đè bẹp mạng lưới xã hội để khoác lên nó bộ mặt đồng nhất và đơn điệu như hình ảnh sự xói mòn của mặt trăng. Trong những điều kiện đó không ngạc nhiên là tưởng tượng của con người có những triệu chứng mệt mỏi. Có thể đến ngày nào đó con người sẽ không còn khả năng tìm lại sự mềm dẻo, phong phú và năng lực tưởng tượng của những thuộc tính ban đầu của mình.
Tôi ý thức là sẽ vô ích khi tự biện minh trước con mắt của ai xem tôi là một người “lí tưởng”. Thật vậy, ai đặt lại vấn đề tầm quan trọng của những động cơ “vật chất” được giả định là dựa trên sức mạnh của những động cơ được coi là “lí tưởng”. Tuy nhiên đây là một diễn giải sai lầm. Cái đói và cái lợi không có gì đặc biệt có tính “vật chất” cả. Ngược lại, sự tự hào, danh dự và quyền lực không nhất thiết là những động cơ “cao thượng” hơn cái đói và cái lợi.
Richard H. Tawney (1880-1962)

Tôi khẳng định rằng chính sự phân đôi trên là tùy tiện. Ta lấy lại phân tích về sex. Chắc chắn là có một sự khác biệt thật sự giữa những động cơ ít nhiều “cao thượng”. Tuy nhiên liên quan đến cái đói hay sex, sẽ là nguy hại khi thể chế hóa sự phân chia giữa những thành phần “vật chất” và “lí tưởng” của con người. Về sex, cái chiều kích cốt tử cho sự phát triển toàn diện của con người đã luôn được thừa nhận như một chân lí; đó là cơ sở cho thể chế hôn nhân. Tuy nhiên trong lĩnh vực có tính chiến lược không kém là kinh tế, dữ kiện này đã bị coi nhẹ. Lĩnh vực này đã bị “tách biệt” khỏi xã hội và được xác định như là vương quốc của cái đói và cái lợi. Sự phụ thuộc có tính động vật đối với thực phẩm đã được nêu bật và người ta đã cho phép nỗi sợ cái đói tác động nhưng thiếu chỉ định và giới hạn. Sự nô lệ nhục nhã này, cấu thành bởi sự phụ thuộc của chúng ta đối với “vật chất”, một điều mà mọi nền văn hóa của con người được giả định là phải góp phần giảm bớt, đã được củng cố một cách cố ý. Nó là gốc rễ của “căn bệnh của một xã hội sở đắc” mà Tawney[3] đã cảnh báo chúng ta; một thế kỉ trước Robert Owen, trong những bài viết hay nhất của ông, mô tả động cơ vì lợi nhuận như “một nguyên lí đi ngược lại hạnh phúc cá nhân và công cộng”.
Thực tế xã hội
Ở đây tôi biện hộ cho tính đa dạng tìm lại được của những động cơ vốn phải tạo cảm hứng cho con người trong hoạt động hằng ngày của người sản xuất, vì sự tái hấp thụ hệ thống kinh tế vào trong xã hội và vì sự thích nghi sáng tạo của các lối sống của chúng ta với môi trường công nghiệp.
Hệ quả logic của những nhận định trên là sự sụp đổ của triết lí laissez faire và hệ luận của triết lí này là xã hội thị trường. Triết lí này chịu trách nhiệm của việc tách biệt sự thống nhất sống còn của con người thành, một mặt, con người “hiện thực” rơi vào những giá trị “vật chất” và, mặt khác, con người “lí tưởng” được xem như cao thượng hơn. Ít nhiều không ý thức, triết lí này làm tê liệt tưởng tượng xã hội của chúng ta bằng cách nuôi dưỡng định kiến về quyết định luận kinh tế. Triết lí ấy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của nó trong giai đoạn đó của nền văn minh công nghiệp mà nay đã là quá khứ. Với cái giá phải trả là sự làm nghèo con người, hệ thống này đã làm giàu xã hội. Thách thức sống còn ngày nay là trả về cho cá nhân tính trọn vẹn của cuộc sống hữu thể ấy, cho dù điều này có thể có nghĩa là một xã hội ít hiệu quả hơn về mặt kĩ thuật. Hiện nay trong nhiều nước và theo nhiều cách khác nhau người ta tìm cách loại bỏ chủ nghĩa tự do cổ điển. Phe tả, phe hữu và khối giữa người ta dò dẫm những con đường mới. Những nhà dân chủ xã hội Anh, những nhà bảo vệ New Deal ở Hoa Kì, nhưng ngay cả những nhà phát xít Âu châu và những đối thủ của New Deal thuộc những trường phái “quản lí” khác nhau bác bỏ không tưởng tự do. Thật là đáng tiếc để cho không khí chính trị hiện nay, vốn loại bỏ tất cả những gì là của Nga và có thể ngăn chúng ta đánh giá cao những thành tựu của người Nga về mặt điều chỉnh sáng tạo đối với vài khía cạnh cơ bản của một môi trường thuộc kiểu công nghiệp, làm cho mù quáng.
Nhìn chung, niềm hi vọng cộng sản về sự “tiêu vong của Nhà nước” theo tôi vừa thuộc về không tưởng tự do vừa thuộc về một sự thờ ơ trong thực tế đối với những tự do thể chế. Liên quan đến sự tiêu vong của Nhà nước, ta không thể làm ngơ tính phức tạp của xã hội công nghiệp, và hiển nhiên là một xã hội phức hợp không thể tồn tại mà không có một quyền lực được tổ chức tập trung. Tuy nhiên điều này hoàn toàn không phải là một biện minh cho việc người cộng sản vi phạm trong thực tế các tự do thể chế.
Ta phải đề cập vấn đề tự do cá nhân với tinh thần thực tế ấy. Không thể có xã hội con người mà không có quyền lực và ràng buộc và không có thế giới nào không có chức năng của sức mạnh. Triết lí tự do đã định hướng lí tưởng chúng ta theo chệch đường khi có vẻ hứa hẹn đáp ứng những chờ đợi về bản chất ảo tưởng đến như vậy.
Nhưng trong hệ thống thị trường, vắng bóng xã hội như một tổng thể. Mỗi cá nhân có thẻ lầm tưởng mình được miễn trừ mọi trách nhiệm đối với những hành động cưỡng chế của Nhà nước mà, với tư cách cá nhân, ta không tán thành; tương tự như thế, không thể quy trách nhiệm cho cá nhân về sự thất nghiệp và bần cùng nếu cá nhân không có được lợi thế cho mình từ tình trạng đó. Trên bình diện cá nhân, bản thân cá thể không dính dáng tới những căn bệnh của quyền lực và của giá trị kinh tế. Với lương tâm yên ổn, cá nhân có thể phủ nhận thực tế của những căn bệnh này nhân danh cái gọi là tự do.
Thật vậy, quyền lực và giá trị kinh tế là một hệ ý của thực tế xã hội. Quyền lực lẫn giá trị kinh tế không phải là sản phẩm của ý chí con người; trong lĩnh vực này sự thiếu vắng hợp tác là điều không thể. Chức năng của quyền lực là đảm bảo mức độ phù hợp cần thiết cho sự sống còn của nhóm. Thế mà, như Hume đã chỉ ra, nguồn gốc tối hậu của quyền lực là ý kiến, và ai có thể ngăn cản ý kiến tồn tại, bất luận là ý kiến nào đi nữa? Trong mọi xã hội, giá trị kinh tế đảm bảo lợi ích của những sản phẩm được sản xuất; đó là dấu ấn đóng vào sự phân công lao động. Nó bắt nguồn từ những nhu cầu của con người: làm thế nào ta không muốn một vật nào đó hơn một vật khác? Mọi ý kiến hay mong muốn của ta trong bất kì xã hội nào ta sống biến ta thành tác nhân của sự tạo lập quyền lực và định nghĩa giá trị. Không thể quan niệm là có một tự do hành động khác. Lí tưởng nhằm ngăn cấm quyền lực và ràng buộc trong xã hội là không có cơ sở. Cách nhìn thị trường về xã hội không tính đến những giới hạn mà những ham muốn trong chiều sâu của con người gặp phải; đây là bằng chứng của tính không chín muồi căn bản của cách nhìn này.
Vấn đề tự do
Sự sụp đổ của nền kinh tế thị trường đe dọa hai loại tự do, một số tự do là tốt và một số là xấu.
James Burnham (1905-1987)
Tự do bóc lột đồng loại, tự do thu những lợi nhuận quá đáng mà không có lợi nào sờ mó được cho xã hội, tự do tịch thu những sáng chế kĩ thuật mà công chúng có thể thụ hưởng, tự do cho phép tận dụng những thảm họa xã hội bị bí mật tạo ra để hưởng lợi cá nhân, tất cả những tự do này có thể biến mất đồng thời với thị trường tự do; tất cả những điều này là tích cực. Nhưng nền kinh tế thị trường từng cho phép các quyền tự do này phát triển cũng đã sinh ra những quyền tự do mà chúng ta đánh giá cao: tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do hội họp và lựa chọn nghề nghiệp, tất cả những quyền tự do mà chúng ta yêu chuộng vì bản thân chúng. Tuy nhiên, phần lớn các quyền này là những thứ phẩm cũng của nền kinh tế phải chịu trách nhiệm về những quyền tự do độc hại.
Friedrich Hayek (1899-1992)
Sự tồn tại của một lãnh địa kinh tế tách biệt xã hội đã tạo ra áng chừng một kiểu không gian trung tính, một no man’s land, giữa lĩnh vực chính trị và lĩnh vực kinh tế, giữa chính phủ và công nghiệp. Cũng giống như việc phân chia chủ quyền giữa giáo hoàng và hoàng đế đã để cho các công tử thời Trung cổ một không gian tự do đôi lúc gần với sự vô chính phủ, sự phân chia chủ quyền giữa chính phủ và nền công nghiệp đã cho phép, ngay cả đối với những người nghèo nhất, hưởng những quyền tự do như một hình thức bù trừ một phần cho thân phận cùng khổ của họ. Nỗi bi quan hiện nay về tương lai của tự do chủ yếu dựa trên quan sát này. Một số tác giả, như Hayek[4], khẳng định rằng những thể chế tự do, do là sản phẩm của nền kinh tế thị trường, phải nhường chỗ cho chế độ nô lệ khi nền kinh tế này biến mất. Một số khác, như Burnham, nhận thấy tính tất yếu của một hình thức nông nô mới gọi là “chủ nghĩa quản lí”[5].
Những khẳng định như trên làm nổi bật đến độ nào định kiến duy kinh tế còn gây tác hại; thật vậy, như chúng tôi đã nhận xét, một quyết định luận như thế là một tên gọi khác của chính cơ chế thị trường. Bàn luận về những hiệu ứng của sự vắng mặt của cơ chế thị trường bằng cách dựa trên sức mạnh của một tất yếu kinh tế bắt nguồn từ sự có mặt của cơ chế ấy là không logic. Và chắc chắn là trái ngược với kinh nghiệm anglo-saxon. Bất kì nhà quan sát nào từng sống ở Hoa Kì trong giai đoạn quan trọng những năm 1940-1943 có thể làm chứng là việc đóng băng thị trường lao động lẫn việc đăng kí nghĩa vụ quân sự đã không đe dọa các quyền tự do cơ bản của nhân dân Mĩ. Cũng trong giai đoạn này, Anh đã tiến hành kế hoạch hóa chung nền kinh tế và do đó chấm dứt việc tách biệt giữa chính phủ và công nghiệp từng cho phép sự ra đời của tự do trong thế kỉ XIX. Thế mà chưa bao giờ các quyền tự do được bảo vệ tốt hơn là trong thời kì khẩn cấp này. Trong thực tế, muốn có và muốn gìn giữ bao nhiêu quyền tự do thì có bấy nhiêu các quyền ấy. Trong xã hội con người không chỉ tồn tại một nhân tố quyết định duy nhất. Những đảm bảo thể chế của tự do tương thích với mọi hệ thống kinh tế. Chỉ có trong xã hội thị trường thì cơ chế kinh tế mới quyết định cái gì là chuẩn.
Con người chống nền công nghiệp
Điều gì hiện ra với thế hệ chúng ta như là vấn đề của chủ nghĩa tư bản thật ra là một vấn đề rộng lớn hơn của nền văn minh công nghiệp; đó là điều mà người ủng hộ chủ nghĩa tự do từ chối nhìn nhận. Khi bảo vệ chủ nghĩa tư bản như một hệ thống kinh tế, anh ta không tính đến thách thức riêng của Thời đại Cỗ máy, trong lúc hiện nay những mối đe dọa làm run sợ những người táo bạo nhất vượt quá vấn đề kinh tế. Những mối quan tâm tình tứ liên quan đến việc tháo bỏ các trust và việc áp dụng hệ thống tổ chức khoa học quản lí của Taylor đã bị Hiroshima truất ngôi. Sự dã man khoa học đã đến trước cửa chúng ta. Người Đức từng lên kế hoạch để hoàn chỉnh một thiết bị cho phép mặt trời phát ra những tia sáng giết người. Thế mà chúng ta đã thật sự tạo ra một sự bùng nổ tia sáng chết người làm sầm tối ánh sáng mặt trời. Thế mà người Đức có một triết lí ma qủy và chúng ta có một triết lí nhân văn. Điều này đáng lí phải dạy chúng ta phát hiện dấu hiệu của nguy cơ đang đe dọa chúng ta.
Trong số những ai ở Hoa Kì ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, có thể nhận diện hai khuynh hướng. Một số tin tưởng vào các giới tinh hoa và quý tộc, vào chủ nghĩa quản lí và các công ti lớn. Họ tin tưởng rằng toàn xã hội phải thích nghi chặt chẽ hơn với hệ thống kinh tế hiện có mà họ mong muốn duy trì hiện trạng. Đó là lí tưởng của Brave New World[6], trong đó cá nhân bị điều kiện hóa để ủng hộ một trật tự được những ai minh triết hơn họ thiết lập. Trái lại, một số khác tin là, trong khuôn khổ một xã hội thật sự dân chủ, ta có thể giải quyết vấn đề công nghiệp bằng sự can thiệp có kế hoạch của chính các nhà sản xuất và các nhà tiêu dùng. Thật vậy, một hành động có cân nhắc và có trách nhiệm như thế là một trong những thể hiện có thể của tự do trong một xã hội phức tạp. Nhưng như chúng tôi đã chứng minh trong bài viết này, người ta chỉ có thể hoàn thành một sứ mệnh như thế nếu nó nằm trong một tầm nhìn chung về con người và xã hội khác với tầm nhìn mà nền kinh tế thị trường đã truyền lại cho chúng ta.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Our obsolete market mentality”, Commentary, vol. III, n02, 1947.




[1] Karl Polanyi xem bài viết này là một bước tiến triển mới nhất có ý nghĩa trong nghiên cứu của ông sau các luận điểm đã được ông trình bày trong The Great Transformation (1944), một tác phẩm được quốc tế chú ý như một phân tích độc đáo của thế lưỡng nan của chủ nghĩa tư bản tự do kinh doanh do nó tác động đến toàn bộ xã hội phương Tây của chúng ta. TS. Karl Polanyi sinh năm 1886 tại Wien, thành viên của Oesterreichische Volskwirt, một tuần báo tài chính hàng đầu từ năm 1924 đến năm 1934. Khi chế độ độc tài tăng lữ được thiết lập, ông di cư sang Anh, giảng dạy tại đại học Oxford và London, đồng chủ biên Christianity and Social Revolution và viết The Essence of Fascism. Ông công tác tại Bennington College từ năm 1940 đến năm 1943 và sẽ quay lại Hoa Kì tháng này như Giáo sư thỉnh giảng của đại học Columbia. Đây là bài viết thứ mười một trong loạt bài “The Crisis and the Individual”.

[2] Liên quan đến những thị trường ngoại vi hay quy mô nhỏ như thế, như chúng đang hoạt động ở châu Phi, xem Paul Bohannan và George Dalton, “Introduction”, trong Paul Bohannan và George Dalton (chủ biên), Markets in Africa, New York, Natural History Press, 1965 [chú thích của G. Dalton trong tập do ông tuyển chọn và có in lại bài viết này của Karl Polanyi, Primitive, Archaic and Modern Economics, Garden City, N. Y., Doubleday & Co., 1968, p.67].

[3] Richard H. Tawney, The Acquisitive Society, New York, Harcourt, Brace & Co., 1920

[4] Xem Friedrich Hayek, The Road to Serfdom, London, Rutledge, 1944 (Đường về nô lệ, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 – ND).

[5] James Burnham, The Managerial Revolution. What is Happening in the World, New York, The John Day Company, 1941 (ND).

[6] Tên cuốn tiểu thuyết của Aldous Huxley (1894-1963) xuất bản năm 1932 (ND).

Print Friendly and PDF