27.8.14

Thống kê, công cụ giải phóng hay công cụ quyền lực?

Tác giả: Alain Desrosières

Thống kê, công cụ giải phóng hay công cụ quyền lực?[1]

Sự phê phán xã hội thường dựa trên những luận chứng thống kê. Các luận chứng này nhằm thể hiện và làm hiển lộ những yêu sách về tính bình đẳng và công bằng. Tuy nhiên trong thời kì gần đây, sự tin tưởng dành cho kiểu công cụ này bị làn sóng lớn mạnh của các chính sách tân tự do làm xói mòn. Thật vậy, các chính sách này sử dụng rộng rãi những “chỉ báo” định lượng để kiểm soát những tác nhân xã hội và du họ vào thế cạnh tranh lẫn nhau thông qua những kĩ thuật như benchmarking (Bruno, 2008). Thống kê là một công cụ giải phóng hay là một công cụ quyền lực? Câu hỏi có thể có vẻ kì lạ đối với ai từng biết thời kì lạc quan của những năm từ 1950 đến 1970, khi mà thông tin do thống kê công cộng cung cấp được xem như một trong những thành tố chủ yếu của một xã hội dân chủ.
Ngày nay sự lạc quan trên có thể được tra hỏi trở lại do những cách thực hành quản lí tân tự do cách sử dụng việc định lượng hóa, cũng như do tính đến đóng góp của những nghiên cứu lịch sử và xã hội học, được tiến hành từ ba thập niên qua, về việc định lượng hóa. Đôi lúc các công trình này, một cách sai lầm, có thể gieo cảm tưởng tương đối hóa, thậm chí tước bỏ giá trị, của những luận chứng thống kê, ví dụ thông qua sự nở rộ những bài viết về sự “kiến tạo xã hội điều này hay điều khác” như được Ian Hacking (1999) phân tích một cách tinh tế. Khi lịch sử hóa và xã hội hóa những sản phẩm thống kê, các nghiên cứu đó dường như làm yếu đi tầm quan trọng của các luận chứng thống kê, bằng cách tước đi tính hiệu quả gắn liền với hình ảnh khách quan và không thiên vị của những luận chứng ấy. Những cuộc tranh luận thường xuyên về thước đo thất nghiệp hay lạm phát chỉ có thể củng cố sự nghi ngờ đối với những gì thường được giới thiệu như là những “con số không thể bàn cãi”. Tuy nhiên, các công trình này đã cho phép giữ một khoảng cách đối với những sản phẩm thống kê mà việc bàn luận, do tính kĩ thuật biểu kiến của chúng, có vẻ như chỉ dành cho các chuyên gia, và đã tạo nên những không gian tranh luận công cộng về các sản phẩm ấy, mà ví dụ tốt là những cuộc hội thảo thường xuyên được các nghiệp đoàn của thống kê công cộng tổ chức.
Print Friendly and PDF

26.8.14

Là ông Thiện hay ông Ác?

Tác giả: Alain Desrosières

Là ông Thiện hay ông Ác?: Vai trò của con số trong việc cai quản của Nhà nước tân tự do

Một cố vấn [thuộc cơ quan đăng kí và hỗ trợ người thất nghiệp - ND] cuối cùng giải thích cho họ một “chỉ đạo” họ nhận được, ở đây và các nơi khác, và đã từ lâu: các con số về thất nghiệp phải được cải thiện, bất luận điều gì xảy ra. Buổi họp này là một trong những phương tiện để đạt mục đích trên. Người ta triệu tập một lớp người thất nghiệp, cán bộ hay những ai nhận lương tối thiểu để hội nhập (RMI), điều đó không quan trọng. Một số sẽ không đến, mà không có lí do, đó là thống kê. Số này sẽ bị loại khỏi danh sách. “Không có gì nghiêm trọng”, nhà cố vấn cố làm dịu vấn đề. Sau này họ có thể đăng kí lại, nếu họ muốn, song điều này cho phép làm giảm con số thất nghiệp, cho dù chỉ trong vài ngày. Nhà cố vấn bắt đầu miễn cưỡng nói, phơi bày tất tần tật, những tiểu xảo để ngụy trang con số, các hợp đồng với các địa phương nhằm giảm chi phí, những phương thức dối trá đối với người trẻ, hay những trợ giúp bán thời gian để khuyến khích người sử dụng lao động tuyển dụng hai người làm việc bán thời gian thay vì một người toàn thời gian. Ông ta nói lấy làm tiếc nhưng rằng đó không phải lỗi của các cố vấn. Không phải ông ta man trá, mà cả hệ thống muốn thế [chúng tôi nhấn mạnh].  
Florence Aubenas, Le quai de Ouistreham,
L’Olivier, Paris, 2010, trang 251-252
Trích dẫn trên từ quyển sách hay của Florence Aubenas cho thấy rõ cách mà những chính sách chỉ báo thống kê chiếm lĩnh xã hội. Chính sách này tác động ngược (rétroagit) đến các hành vi, độc lập với mong muốn của những người có liên quan. Bài viết dưới đây nhằm phác họa diễn tiến lịch sử thống kê, mới đây còn là một công cụ giải phóng, nay lại đưa nó đảm nhận một vai trò hắc ám đến thế.

Mùa xuân 2009: các nhà thống kê Pháp âu lo cho tương lai hoạt động của mình. Trước đó hai năm, một cuộc khủng hoảng trầm trọng nổ ra giữa chính phủ và những người có trách nhiệm theo dõi thống kê thất nghiệp. Viện trưởng Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE, tức Tổng cục thống kê Pháp - ND) bị bãi nhiệm vì đã “xử lí không tốt” cuộc khủng hoảng này. Rồi vào mùa thu 2008, quyết định di dời một số bộ phận của Viện về Metz, ở miền tây nước Pháp được công bố. Cuối cùng một số cắt giảm mạnh tay ngân sách được thông báo. Thế mà thống kê công cộng này vẫn được những người sử dụng nó là các tác nhân kinh tế, nhà báo, nhà hoạt động nghiệp đoàn, nhà giáo, nhà nghiên cứu đánh giá cao. Báo chí đăng tải nhiều tiếng nói lấy làm tiếc cho điều được cảm nhận như là một đe dọa giải thể INSEE. Ẩn dụ thông dụng là “sự cám dỗ đập phá nhiệt kế để không nhìn thấy gia tăng của nhiệt độ”.
Print Friendly and PDF

19.8.14

Lịch sử hóa hành động công: Nhà nước, thị trường và thống kê

Tác giả: Alain Desrosières

Lịch sử hóa hành động công: Nhà nước, thị trường và thống kê[1]

Việc “duy lí hóa” hành động công được trình bày, ví dụ kể từ Max Weber, như một thuộc tính của các Nhà nước hiện đại thường được tóm tắt bằng vài nét luôn giữ nguyên nghĩa: tính nặc danh và chuẩn hóa của việc quản lí thế giới xã hội, sự phát triển của bộ máy quan liêu, vai trò ngày càng tăng của các nhà kĩ thuật và các kĩ sư. Như vậy, trong thời gian đầu, việc duy lí hóa được đề cập từ bên ngoài, như một đóng góp đến từ một “nơi khác”, từ khoa học, kĩ thuật, rồi từ các khoa học xã hội hay từ kinh tế học, theo một cách nhìn “tiến bộ”. Qua đó, “lịch sử”, nếu có, của việc “duy lí hóa”, trong trường hợp tốt nhất, có tính tuyến tính, nhìn từ bên trong, cộng dồn và không có bề dày riêng. Việc “lịch sử hóa” công cuộc duy lí hóa trên, theo nghĩa được thăm dò trong tác phẩm này, kéo theo việc “nội sinh hóa trở lại” việc cầu viện đến những ngôn ngữ về tính duy lí, theo cách nhìn của xã hội học đương đại về các khoa học. Điều này đòi hỏi không chỉ tái hiện lịch sử này theo nghĩa cổ điển nêu ở trên nhưng cũng là tái hiện tính đa dạng, những mâu thuẫn, tranh luận, đứt đoạn. Thật vậy, lịch sử các công cụ duy lí hóa, đôi lúc bất chấp những tham vọng của các nhà muốn duy lí hóa, là sôi động và phi tuyến không kém gì lịch sử những cách tư duy về xã hội và về các chính sách nhằm tác động đến xã hội này. Có thể nhìn ba chiều kích trên như là được xây dựng đồng thời, trong những cấu hình chặt chẽ, dù cho đan chéo nhau và điều này khiến cho việc phân tích chúng trở thành khó khăn. Giả thiết này được phát triển dưới đây nhân xem xét những quan hệ giữa các lịch sử thống kê, tư tưởng kinh tế và các chính sách kinh tế, như chúng được nghiên cứu trong những công trình gần đây.
Kể từ thế kỉ XVIII, lịch sử khoa học kinh tế được đánh dấu bằng những cuộc tranh luận về các quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Những học thuyết và chính sách, ít nhiều gắn liền với nhau, đã nối tiếp nhau xuất hiện. Những tương tác của chúng được phân tích trên quan điểm của những ý tưởng và thực hành thể chế liên kết với vài cấu hình lịch sử đuợc cách điệu hóa: thuyết trọng thương, thuyết duy kế hoạch, thuyết tự do, thuyết Nhà nước phúc lợi, thuyết Keynes, thuyết tân tự do. Mặt khác, bất luận định hướng thống trị là định hướng nào đi nữa, các Nhà nước khác nhau đã xây dựng dần dần những hệ thống quan sát thống kê. Nhưng sự tăng trưởng của các hệ thống thống kê này thường được trình bày như một kiểu tiến bộ tất yếu mà ý nghĩa gần như bất biến, ít được nối kết với diễn tiến của các học thuyết và các cách thực hành (vô cùng đa dạng) của Nhà nước trong việc  lãnh đạo và định hướng nền kinh tế. Những tác phẩm về lịch sử tư tưởng kinh tế, hay ngay cả chính xác hơn, lịch sử những tương tác giữa Nhà nước và tăng trưởng kinh tế ít nhấn mạnh đến các đặc điểm của những phương thức mô tả thống kê đặc thù cho những cấu hình lịch sử khác nhau của những quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Tóm lại, hai lịch sử này, lịch sử các chính sách kinh tế và lịch sử thống kê hiếm khi được trình bày và nhất là hiếm khi được đặt thành vấn đề nghiên cứu chung.
Print Friendly and PDF

16.8.14

Các cuộc khủng hoảng kinh tế và thống kê, từ 1880 đến 2010

Tác giả: Alain Desrosières
Các cuộc khủng hoảng lớn đương nhiên là những thời điểm được viện dẫn mạnh mẽ để phác họa tính nghiêm trọng của tình thế. Nhưng đó cũng là những thời điểm của những cuộc tranh luận lớn, qua đó vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết và lèo lái nền kinh tế được suy nghĩ lại một cách sâu sắc. Ứng với mỗi cuộc khủng hoảng là sự nổi lên của những cách lượng hóa mới thế giới xã hội. Những mô hình hành động mới kéo theo những biến mới và những hệ thống quan trắc mới.
Lịch sử kinh tế và chính trị của những năm 1880 cho đến nay cung cấp ít nhất ba (nếu không phải là bốn) ví dụ của những cấu hình như thế, kết hợp những cách tư duy xã hội, những cách tác động đến xã hội và những thống kê phù hợp với các tình thế này. Cuộc khủng hoảng những năm 1880 đã cho ra đời thống kê lao động và việc làm. Cuộc khủng hoảng 1929 nằm ở cội nguồn của các chính sách kinh tế vĩ mô keynesian và của hệ thống tài khoản quốc gia. Cuộc khủng hoảng những năm 1970 được tư duy bằng những phạm trù tân tự do của kinh tế học vi mô và đã dẫn đến những cải cách Nhà nước, đặc biệt đặt trọng tâm vào những chỉ báo thành tích. Cuối cùng hai cuộc khủng hoảng, sinh thái và tài chính, của những năm 2000 có thể sẽ ở cội nguồn của những cách tư duy và lượng hóa triệt để mới hành động công cộng. Nhắc lại cách mà vài cuộc khủng hoảng ít nhiều xa xưa đã từng trải qua, và những hệ quả của chúng đến những cách sử dụng thống kê công, có thể là có ích để suy nghĩ về tầm sâu rộng của những biến đổi có thể sẽ là kết quả của hai cuộc khủng hoảng gần đây.
Print Friendly and PDF

Có thể tin tưởng các cuộc điều tra chọn mẫu không?



Tác giả: Alain Desrosières
Năm 1998, trong khuôn khổ một vụ án đối lập Hạ viện Hoa Kì, có đa số dân biểu thuộc đảng Cộng hòa, với bộ Thương mại thuộc chính quyền dân chủ của Clinton, một tòa án Mĩ đã tham khảo một nhóm các sử gia về khoa học. Câu hỏi đặt ra cho các sử gia là khác thường: có hay không khả năng Thomas Jefferson, một trong những người cha của Hiến Pháp Mĩ năm 1787, lúc làm đại sứ ở Pháp vào cuối triều đại vua Louis XVI đã từng gặp tại Paris nhà toán học Pháp Pierre-Simon Laplace? Làm sao một điểm uyên bác như thế về lịch sử lại khiến một tòa án, hai thế kỉ sau, quan tâm đến độ yêu cầu một sự thẩm định bác học? Để trả lời câu hỏi này, phải tái hiện lịch sử của một phương pháp đo đạc, ngày nay được xem là thông thường nhưng trong một thời gian dài từng bị lên án, đó là phương pháp điều tra chọn mẫu.
 Liệu có chính đáng không khi khái quát hóa cho cả tổng thể thống kê từ những kết quả thu được trên một “mẫu” bắt nguồn từ tổng thể ấy? Tất cả sự khó khăn là do tính nhập nhằng của từ “chính đáng”: từ này được hiểu theo nghĩa khoa học hay nghĩa pháp lí? Sự căng thẳng giữa hai hình thức trên về tính chính đáng là thiết yếu để kiến giải câu chuyện của chúng ta… Hiến pháp Hoa Kì năm 1787 là kết quả của một thỏa hiệp giữa những người muốn giao nhiều quyền cho Nhà nước liên bang và những người muốn duy trì càng nhiều quyền lực có thể cho mười ba bang cấu thành “Hợp chúng quốc” (những cuộc tranh luận như thế cũng đã diễn ra tại châu Âu vào năm 2005 về dự án Hiến pháp châu Âu). Do đó các thể chế mới phải tôn trọng “tầm quan trọng tương đối” của các bang, ví dụ trong tính đại diện ở Quốc hội liên bang hay trong việc phân phối các nghĩa vụ tài chính. Các tầm quan trọng tương đối này cần phải được biểu trưng bằng một con số, là số dân đếm được trong cuộc tổng điều tra dân số. 
Print Friendly and PDF

15.8.14

Khi kinh tế học phát triển được thử thách trên thực địa

Giáo dục, tín dụng nhỏ, chính sách y tế, … 
Làm thế nào kiểm định thật sự hiệu quả của một chính sách công? Esther Duflo trình bày những nguyên lí của phương pháp thực nghiệm được bà tinh chỉnh trên thực địa ở nhiều nơi trên thế giới.
Esther Duflo, sinh năm 1972, cựu sinh viên Trường đại học sư phạm Paris (ENS) và tiến sĩ kinh tế, hiện là giáo sư kinh tế học phát triển tại đại học MIT, đồng sáng lập và giám đốc Abdul Latif Jameel Poverty Action Lab. Năm 2010 bà được giải John Bates Clark của Hội kinh tế Mĩ dành cho nhà kinh tế làm việc ở Hoa Kì dưới 40 tuổi, và giải Calgo-Armengol về những đóng góp của bà cho lí thuyết và sự hiểu biết các cơ chế tương tác xã hội.
Trong cuộc trò chuyện dưới đây, Esther Duflo đề cập lại cách tiếp cận ngẫu nhiên trong kinh tế học, bản chất những dự án đã tiến hành và cách quản lí chúng; bà cũng trả lời những băn khoăn mà đôi lúc một cách tiếp cận như thế gợi lên.
Esther Duflo là nhà kinh tế phát triển tại đại học Masachussets Insititute of Technology. Tháng giêng 2009, bà giảng dạy chuyên ngành Kiến thức chống nghèo khó tại Pháp quốc học viện. Là nhà đồng sáng lập tổ chức Abdul Latif Jameel Poverty Action Lab, bà bảo vệ việc tiến hành thử nghiệm in vivo (trong cuộc sống) trong kinh tế. Theo khuôn mẫu của những thử nghiệm lâm sàng được tiến hành trong các khoa học cứng, các thí nghiệm ngẫu nhiên này có những lợi thế nhất định, đặc biệt là trong việc kiểm tra các tham số có thể làm chệch việc phân tích các cơ chế được nghiên cứu. Tuy nhiên các thử nghiệm này cũng đặt ra những vấn đề đạo đức và khoa học luận.  
Florian Meyneris
Phó giáo sư kinh tế học tại Đại học công giáo Louvain (Bỉ)

Đánh giá các chính sách phát triển

Bà là nhà kinh tế phát triển, giáo sư môn Kiến thức chống nghèo khó tại Pháp quốc học viện, nơi bà trình bày các nghiên cứu đang tiến hành về kinh tế học phát triển. Thế nào là phương pháp thực nghiệm, hay như bà gọi là những thử nghiệm ngẫu nhiên?
Print Friendly and PDF

11.8.14

Lời kêu gọi vì tính đa nguyên trong kinh tế học của sinh viên quốc tế

Nguồn: http://www.isipe.net/
Không chỉ có nền kinh tế thế giới đang bị khủng hoảng. Việc giảng dạy kinh tế học cũng đang bị khủng hoảng, và cuộc khủng hoảng này có những hệ quả vượt ngoài phạm vi các bức tường của nhà trường đại học. Những gì được giảng dạy sẽ định hình tư duy của các nhà hoạch định chính sách thuộc thế hệ sau, và do đó định hình xã hội mà ta đang sống. Chúng tôi, hơn 65 hiệp hội các sinh viên ngành kinh tế từ hơn 30 quốc gia, tin rằng đã đến lúc nên xem xét lại cách giảng dạy kinh tế học. Chúng tôi không hài lòng với nội dung chương trình học ngày càng bó hẹp đến mức thảm hại đã diễn ra trong hai thập niên qua. Sự thiếu tính đa dạng trí tuệ không chỉ hạn chế công tác giáo dục và nghiên cứu, mà còn hạn chế khả năng của sinh viên khi đối mặt với những thách thức đa chiều của thế kỷ 21 - từ vấn đề ổn định tài chính, đến vấn đề an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Thế giới thực phải được đưa trở lại vào lớp học, cùng với các cuộc tranh luận và một sự đa nguyên về lý thuyết và phương pháp. Có thay đổi như vậy sẽ giúp làm mới môn học và để cuối cùng tạo ra một không gian sáng tạo các giải pháp cho những vấn đề của xã hội.
Trong tinh thần đoàn kết xuyên biên giới, chúng tôi kêu gọi một sự chuyển hướng. Chúng tôi không yêu cầu một giải pháp hoàn hảo, nhưng chúng tôi tin chắc rằng sinh viên ngành kinh tế sẽ hưởng lợi từ việc tiếp cận nhiều quan điểm và ý tưởng khác nhau. Tính đa nguyên không chỉ giúp làm phong phú thêm công tác giảng dạy và nghiên cứu, mà còn tiếp thêm sinh lực cho môn học. Ngoài ra, tính đa nguyên còn giúp đưa kinh tế học phục vụ trở lại xã hội. Ba hình thái đa nguyên phải là cốt lõi trong các chương trình: lý thuyết, phương pháp luận tính liên ngành.
Print Friendly and PDF

8.8.14

Quyền Được Sai Và Hoài Nghi …


Điều mà ông chú trọng nhất khi tiến hành chuyển ngữ những tác phẩm kinh điển sang tiếng Việt, là gì?
Đó là ý kiến của dịch giả Nguyễn Đôn Phước khi bàn về việc làm thế nào để cải thiện phương pháp luận khoa học - một "gót chân Achille"  của đa số sinh viên Việt Nam.

VÌ NGƯỜI TRẺ CẦN PHƯƠNG PHÁP LUẬN…

Nếu ai đó tò mò rằng, cơn cớ nào mà ông Nguyễn Đôn Phước lại lao vào dịch sách hàn lâm. Ông sẽ giải thích thế nào?
Dịch giả Nguyễn Đôn Phước: Tôi nghĩ mình chỉ là người dịch nghiệp dư vì tôi không được đào tạo về dịch thuật qua trường lớp bài bản. Đó cũng là tình trạng chung của việc dịch sách học thuật, vì chỉ có những người trong ngành, nghiên cứu mới có điều kiện thuận lợi để hiểu sâu, rõ hầu dịch sao cho không quá sai.
Thật ra, tôi không chọn việc này mà nó đã chọn tôi, một cách rất tình cờ. Khi tôi cần tìm hiểu một vấn đề nào đó, và thấy rằng sách báo Việt Nam chưa đề cập nhiều, thì tôi dịch. Dịch thuật với tôi là một cách tự học hiệu quả nhất. Những hiểu biết tiếp thu ở đại học chỉ là nền, còn lại phải tự mình cập nhật và nâng cấp qua việc dịch sách. Có những kiến thức tôi tưởng như đã hiểu hết nhưng khi bắt tay vào dịch mới “ngộ” thêm nhiều điều.
Hơn nữa, xã hội luôn tồn tại nhu cầu về các sách phổ biến khoa học, sách dẫn nhập – những thứ rất thiếu ở nước ta. Khi tôi còn trẻ, Việt Nam đã từng có những bản dịch sách kinh điển rất hay như Toán xác suất của H. Cramer nhưng bây giờ không có những loại sách như thế nữa. Tôi thấy những gì ngày xưa tôi được hưởng mà bây giờ các bạn trẻ lại không có thì tôi làm, lý do rất đơn giản như vậy thôi.
Khi chọn sách để dịch tôi luôn chú ý đến hoàn cảnh bạn đọc Việt Nam. Được ưu tiên là những quyển sách trình bày rõ ràng những cơ sở, nền tảng kiến thức và có chú trọng về  phương pháp luận. Dù có nhắc đến hay định nghĩa thế nào là phương pháp luận hay không, các sách này đều thể hiện một tính sư phạm cao, trình bày khá trung thành những cách tiếp cận khác nhau.


Print Friendly and PDF

7.8.14

Thomas d’Aquin (Tôma Aquino)

Nhà trí thức cấp tiến, tu sĩ và quân sư cho Quân vương, Thomas d’Aquin quan tâm đến những vấn đề kinh tế. Những suy tưởng của ông về sự công bằng, giá cả và thương mại đã tạo cảm hứng cho nhiều nhà kinh tế lớn như Keynes và Schumpeter.
Thomas d’Aquin là tác giả đại diện chính cho tư tưởng kinh viện , một tư tưởng đạt đến đỉnh điểm vào thế kỉ XIII, đồng thời với nghệ thuật gotich. Thời Trung Cổ, học thuyết kinh viện được giảng dạy trong các đại học châu Âu, những hội đoàn tự quản các giảng viên và sinh viên được phát triển trong thế kỉ XII và XIII được các quân vương và giám mục dành cho nhiều tự do. Thomas d’Aquin được phong linh mục và thi hành sứ vụ linh mục của ông. Nhưng trước hết và trên hết, ông là một nhà trí thức, một nhà văn và một nhà giáo không ngừng đi khắp châu Âu và để lại một sự nghiệp khổng lồ mà việc sáng tạo ra nó chắc chắn đã làm ông mất sức và góp phần làm ông mất sớm.
Tranh của Diego Vélazquez.[*]
Tổng luận thần học (Summa theologiae), mà Schumpeter đánh giá rằng tác phẩm này đối với lịch sử tư tưởng như là mũi tên chỉ hướng tây nam của thánh đường Chartres đối với lịch sử kiến trúc, là một giáo trình bắt nguồn từ các bài giảng của Thomas d’Aquin. Năm 1265 ông từ chối tổng giáo phận Naples để có thể tiếp tục tập trung vào giảng dạy và viết sách. Cũng giống như nhiều nhà trí thức khác, ông còn tư vấn cho những người quyền uy của thế gian, kể cả giáo hoàng. Ông tham gia tích cực vào nhiều cuộc tranh luận, trong giáo hội, ví dụ giữa các dòng Phan Sinh và Đa Minh, cũng như ngoài giáo hội, với các nhà triết học Hồi giáo như Averroès. Việc ông gia nhập dòng hành khất và thuyết giảng của các tu sĩ Đa Minh khiến gia đình ông nổi giận và giam ông hơn một năm. Người ta kể rằng, các anh của ông nhằm làm ông đồi bại đã giới thiệu cho ông một ả làng chơi nhưng bị ông đuổi đi bằng que sắt cời lò. Phẩm hạnh của ông khiến ông có biệt danh là “Tiến sĩ thiên thần”.
Print Friendly and PDF

5.8.14

Aristote và sức mạnh xói mòn của đồng tiền




Những suy tưởng của Aristote về kinh tế, xã hội và chính trị là phong phú đến kinh ngạc. Cho dù đó là về sự phân công lao động, xác định giá trị, hay sự nổi lên và những chức năng của tiền tệ, các lí thuyết của ông báo hiệu kinh tế học hiện đại.
Aristote, được xem một cách có cơ sở như một trong những nhà tư tưởng lớn nhất trong lịch sử nhân loại, tất nhiên không phải là một nhà kinh tế. Nghề nghiệp này chỉ ra đời hơn hai nghìn năm sau ngày mất của “Stagirite”, biệt danh được gán cho người sinh trưởng ở Stagire, Macedoine. Tuy nhiên, ông là tác giả của những suy tưởng phong phú và hiện đại đáng kinh ngạc về kinh tế cũng như chính trị, xã hội và nhiều lĩnh vực khác của hoạt động con người. Hơn bao giờ hết, những lời nguyền rủa của ông chống lại sức mạnh xói mòn của tiền bạc vẫn còn tính thời sự. Diễn ngôn của ông về sự phân công lao động, việc xác định giá trị hay sự nổi lên và những chức năng của tiền tệ báo trước kinh tế học hiện đại.
 Bản thân cũng là một triết gia và độc giả của Aristote, Adam Smith lấy lại những luận điểm của ông trong các chương đầu của Của cải của các dân tộc (1776), tác phẩm tạo lạp kinh tế học chính trị thành một bộ môn độc lập. Một thế kỉ sau, để xác lập lí thuyết giá trị của mình, Karl Marx dựa trên “nhà tư tưởng vĩ đại, người đầu tiên đã phân tích hình thái giá trị, cũng như nhiều hình thái khác, hoặc là của tư tưởng, hoặc là là của xã hội hay của tự nhiên”.  Đọc lại tác phẩm Đạo đức của “Aristote tuyệt vời”, Keynes viết cho bạn mình, ngày 23 tháng giêng 1906, là Lytton Strachey: “Chưa từng có ai nói một cách minh triết đến thế - trước nay hay sau này”. Gần chúng ta hơn, Amartya Sen lấy cảm hứng từ Aristote để nghiên cứu những quan hệ giữa đạo đức và kinh tế.

Print Friendly and PDF

Williamson và kinh tế học thể chế mới



Trò chuyện với Williamson về kinh tế học thể chế mới 


Philippe Frémaux phỏng vấn Oliver Williamson E.

Olivier Williamson E.[1] là đại diện lỗi lạc nhất của kinh tế học thể chế mới. Tiếp nối và phát triển các công trình của Ronald H. Coase[2], tác giả từng lưu ý ngay từ trước thế chiến thứ II đến vai trò của những chi phí giao dịch, ông đề xuất một cách nhìn nền kinh tế khác hẳn với cách nhìn của kinh tế học tân cổ điển.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện nhân hội thảo “Kinh tế học về những chi phí giao dịch” diễn ra tại Paris ngày 23 tháng năm năm 1994, theo sáng kiến của ATOM thuộc đại học Paris I, dưới sự điều khiển của giáo sư Claude Ménard.
Người phỏng vấn là Philppe Frémaux, giáo sư quản trị kinh doanh, kinh tế và luật tại đại học Berkeley, California. Các tác phẩm chính của Olivier Williamson E. là “Market and Hierarchies”và “The Economic Institutions of Capitalism”.

Thế nào là một doanh nghiệp?

Doanh nghiệp là một tổ chức được điều khiển để đảm bảo việc sản xuất hay phân phối những sản phẩm và dịch vụ. Nhưng định nghĩa này che khuất một sự đa dạng rất lớn về quy mô cũng như tư cách pháp lí. Nếu tất cả những doanh nghiệp hợp thành những thứ bậc thì hình thái của chúng cũng có thể rất đa dạng. Tóm lại, có nhiều doanh nghiệp khác nhau và giữ một vị trí thiết yếu. Bởi thế, ta không thể có một lí thuyết duy nhất, đa năng, về doanh nghiệp.
Print Friendly and PDF