Kenneth Arrow (1921-2017) |
ARROW Kenneth Joseph (1921-2017)
Kenneth Joseph Arrow sinh năm 1921 tại New York, Hoa Kì. Trong cuộc đại suy thoái cha ông bị sạt nghiệp nên ông sống mười năm trong nghèo khó. Ông đỗ văn bằng đầu tiên về toán năm 1940 của City College of New York. Ông tiếp tục học tại đại học Columbia nơi ông đỗ cử nhân toán năm 1941 rồi tiến sĩ kinh tế học năm 1951. Ông phải ngưng học trong bốn năm (1942-1946) để đi nghĩa vụ quân sự. Năm 1947 rồi năm 1949 ông nghiên cứu ở Ủy ban Cowles, tại Chicago và làm tư vấn cho Rand Corporation từ 1948. Song song đó, ông là giảng viên tại đại học Chicago (1948-1949). Chỉ đến năm 1949 ông mới được một ghế tại đại học Standford cho đến năm 1968, khi trở thành giáo sư tại Harvard (1968-1979). Kể từ năm 1979, ông trở về làm giáo sư ở Standford. Ông từng là thành viên của Hội đồng tư vấn kinh tế của tổng thống Hoa Kì năm 1962. Ông được huy chương John Bates Clark (dành cho một nhà kinh tế trẻ dưới 40 tuổi) của American Economic Association -mà ông là chủ tịch năm 1963- và ông được Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương năm 1972.
Đóng góp đầu tiên của ông, xuất phát từ luận án tiến sĩ của ông, là về lí thuyết những lựa chọn xã hội (1954). Arrow vừa khám phá trở lại nghịch lí bỏ phiếu của Condorcet vừa khái quát hoá nó. Điều hoàn toàn có thể xảy ra là, bất kể phương thức bỏ phiếu nào, A có đa số hơn B, B có đa số hơn C và C cũng được đa số hơn A. Tính bắc cầu đặc trưng cho những lựa chọn có thể là không thể tổng gộp được. Quá trình những lựa chọn xã hội là không có tính bắc cầu. Định lí bất khả, còn được gọi là định lí Arrow, phát biểu rằng không có cơ chế nào cho phép chuyển từ những lựa chọn cá thể duy lí sang những lưạ chọn xã hội duy lí. Kết quả này khơi nguồn cho một kinh văn dồi dào và đã buộc phải sửa đổi định lí của ông vào năm 1987, song định lí này chưa bao giờ bị phản bác một cách có sức thuyết phục.
Gérard Debreu (1921-2004) |
Một đóng góp chủ yếu cho khoa học kinh tế là bài viết chung với Gérard Debreu (1954) về sự tồn tại của một cân bằng chung. Mang nặng tính toán học, bài viết này đặc trưng một cân bằng chung bằng một số ít giả thiết về tính duy lí của người tiêu dùng và của doanh nghiệp. Chứng minh của họ là tinh vi hơn chứng minh của Walras, người chỉ đơn giản đếm số phương trình để đảm bảo là có tồn tại một cân bằng. Arrow chứng minh là mọi cân bằng chung là một tình thế tối ưu Pareto và, ngược lại, mọi tình thế tối ưu Pareto là một cân bằng chung (có thể là sau khi có phân phối lại). Ông phát triển lí thuyết cân bằng chung bằng cách đưa bất trắc vào (1963).
Arrow cũng can thiệp vào nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là vào sản xuất. Ông nghiên cứu việc kết hợp những nhân tố sản xuất bằng cách đưa vào một hàm sản xuất có độ co dãn thay thế không đổi (còn được gọi là hàm CES), một hàm có lợi thế là có thể xem xét tất cả những dạng thay thế có thể giữa tư bản và lao động, kể cả -đến giới hạn- tính bổ sung cho nhau của hai nhân tố sản xuất này. Tìm cách đánh giá ảnh hưởng của tiến bộ kĩ thuật trong hàm sản xuất, ông chứng minh là trong dài hạn tiến bộ này có thể là nguyên nhân cũng như là hệ quả của tăng trưởng kinh tế. Như thế hiệu ứng của tập huấn (1962) là phục hồi lại vai trò của đầu tư như là phương tiện chuyển tải tiến bộ kĩ thuật và nguồn gốc của những tính kinh tế ngoại lai, và cho phép đưa vào một hàm sản xuất có hiệu suất tăng dần chứ không phải là có hiệu suất không đổi.
John R. Hicks (1904-1989) |
Arrow là một trong những tác giả của thế kỉ XX đã đóng góp nhiều nhất cho việc toán học hoá lí thuyết kinh tế đương đại. Nhưng, trong nhiều dịp khác nhau, ông đã nhấn mạnh rằng toán học chỉ là một công cụ không thể thay thế được cho lí luận kinh tế, nhấn mạnh đến tính chất trừu tượng và giới hạn của mô hình cân bằng chung mà nhiều tác giả đã phê phán. Ông có can dự vào phương pháp luận kinh tế, chính sách kinh tế, lưu ý đến tầm quan trọng của lịch sử, của tính thay đổi của những điều kiện kinh tế và thể chế tuỳ theo các nước và các thời đại.
Năm 1972, ông được giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel cùng với John Richard Hicks “nhờ những công trình đổi mới của họ về lí thuyết cân bằng chung và lí thuyết phúc lợi cũng như do đã xây dựng và áp dụng những mô hình động về những quá trình kinh tế”.
· Social Choice and Individual Values [Lựa chọn xã hội và những giá trị cá thể], New York, Willey, 1951. – “Le rôle des valeurs boursières pour la répartition la meilleure des risques” [Vai trò của những giá trị chứng khoán trong việc phân bổ tốt nhất các rủi ro], Econométrie, 1953, vol. 11, trang 41-47. – “The economic implications of learning by doing” [Những hệ quả kinh tế của việc vừa học vừa hành], Review of Economic Studies, 1962, vol. 29, trang 265-290. – Collected Papers of Kenneth J. Arrow [Tuyển tập bài viết của Kenneth J. Arrow], vol. 1: Social Choice and Justice [Lựa chọn xã hội và công lí], vol. 2: General Equilibrium [Cân bằng chung], Massachussetts, Harvard University Press, 1983. – ARROW K. J. & DEBREU G., “Existence of an equilibrium for a competitive economy” [Sự tồn tại của một cân bằng cho một nền kinh tế cạnh tranh], Econometrica, 1954, vol. 22, trang 265-290.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Những giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel của Damien Gaumont trong Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001, trang 1004-1005.
----
Bạn đọc có thể tham khảo những bài khác về các đóng góp của Arrow mà PTKT đã đăng tại đây.