11.8.21

Xếp hạng đại học: những thách thức địa chính trị đang bị xem nhẹ?

XẾP HẠNG ĐẠI HỌC: NHỮNG THÁCH THỨC ĐỊA CHÍNH TRỊ ĐANG BỊ XEM NHẸ?

Tác gi: Alessia Lefébure[*]

Ngày càng nhiều đại học và sinh viên rất chờ đợi các bảng vinh danh đại học. Emily Ranquist/PexelsCC BY

Từ nay, thế giới đại học và nghiên cứu đi theo nhịp của những thông báo định kỳ về các kết quả của “xếp hạng”. Từ năm 2003, thời điểm xuất hiện của bảng xếp hạng đầu tiên các đại học trên thế giới do một nhóm nghiên cứu của Đại học Giao thông (Jiaotong) của Trung Quốc ở Thượng Hải công bố, những cuộc “đến hẹn lại lên” này ngày càng gia tăng.

Bên cạnh những bảng xếp hạng tổng thể được thiết lập bởi nhóm báo chí Anh Quốc Times Higher Education (từ năm 2004), bởi công ty tư vấn QS- Quacquarelli Symonds (từ năm 2006) và bởi nhiều nhóm nghiên cứu, truyền thông và các công ty dịch vụ, đã xuất hiện những bảng xếp hạng chuyên biệt, theo vùng và theo ngành.

Ngày 26 tháng năm vừa qua, việc công bố bảng xếp hạng theo đặc thù chuyên ngành mang tên “Thượng Hải (Global Ranking of Academic SubjetsBảng xếp hạng theo chuyên ngành học thuật) đã gây ra, tại phần lớn các nước, những phát biểu của các bộ trưởng, hiệu trưởng đại học, lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu biểu lộ sự vui mừng trước những thành công mà tổ chức của họ đã đạt được. Trong mắt họ, vị trí trong bảng xếp hạng này trở thành một biến số thay thế để đo lường mức độ xuất sắc của trụ cột khoa học chuyên ngành của các đại học, thậm chí là của các hệ thống quốc gia.

Năm này qua năm khác, sự chinh phục vài vị trí giúp tiệm cận – nếu không được hội nhập – tốp đầu các đại học trên thế giới về một ngành nhất định nào đó được xem như là kết quả của những thành tích khoa học mới, của sự thừa nhận mức độ xuất sắc của những công trình của các nhà nghiên cứu, hay còn là sự thừa nhận tính thích đáng của các chiến lược quốc gia và của các đại học được thực hiện cho mục tiêu này.

Tầm quan trọng của nghiên cứu

Hai tháng trước khi xuất hiện bảng xếp hạng tổng thể (Academic Ranking of World Universities - Bảng xếp hạng Học thuật các trường Đại học trên Thế giới), bảng xếp hạng theo đặc thù chuyên ngành của Thượng Hải mang một tầm quan trọng đặc biệt tại Pháp. Được đặc trưng bởi sự chia tách mang tính lịch sử giữa các cơ quan nghiên cứu, đại học và trường trọng điểm (grande école), hệ thống giáo dục đại học của Pháp từ lâu đã thoát ra ngoài các chỉ báo về thành tựu khoa học do các nhà nghiên cứu của đại học Giao thông lập nên.

Chỉ mới gần đây thôi, sau một loạt cải cách dẫn đến sự xích lại gần nhau và hợp lực giữa các thực thể có các quy chế và sứ mệnh khác nhau, các đại học Pháp mới xuất hiện trong bảng vinh danh này.

Chắc hẳn ở Trung Quốc những thách thức còn quan trọng hơn, đã có sáu đại học nằm trong tốp 100 của bảng xếp hạng tổng thể toàn cầu (Các Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Chiết Giang, Giao Thông Thượng Hải, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Đại học Phúc Đán). Khi thực hiện xếp hạng theo nhóm ngành – Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, khoa học sự sống, y khoa và khoa học xã hội - rồi theo một trong 54 ngành được xác định, các đại học Trung Quốc chiếm các vị trí thứ nhất, thứ nhì hay thứ ba toàn cầu, trước cả các đại học như MIT – Massachussetts Institute of Technology – (Viện Công nghệ Massachussetts), Đại học Stanford, hay EPFL – École polytechnique fédérale de Lausanne – (Đại học Bách khoa liên bang Lausanne), chủ yếu trong các ngành khoa học kỹ thuật.

Một vài điểm mốc về các đại học Trung Quốc

Thái độ hoài nghi đã ngự trị lâu dài về các đại học Trung Quốc và các công bố của các nhà nghiên cứu của họ. Nhưng từ khoảng 20 năm nay, tình hình đã thay đổi một cách sâu sắc.

Đại học Thanh Hoa được xếp hạng nhất toàn cầu cho các ngành khoa học về năng lượng, hạng nhì về viễn thông, hóa kỹ thuật, khoa học và công nghệ nano, khoa học và kỹ thuật giao thông, trong khi Đại học Giao thông chiếm hạng nhất về kỹ thuật hàng hải và kỹ thuật y sinh. Trong số các lĩnh vực xuất sắc khác của đại học Trung Quốc có kỹ thuật xây dựng dân dụng, cơ khí và luyện kim, kỹ thuật mỏ.

Hơn cả các bảng xếp hạng theo đặc thù chuyên ngành, bảng xếp hạng Thượng Hải nhắm đến đo lường thành tích khoa học của các đại học từ một số chỉ báo định lượng như sau:

  • Số lượng các bài báo khoa học được công bố trong một ngành nhất định nào đó;
  • Ảnh hưởng (impact), nghĩa là số lượng trích dẫn trong các bài báo khác;
  • Số lượng các công bố trong các tạp chí khoa học có một chỉ số ảnh hưởng (facteur d’impact) cao;
  • Số lượng các nhóm nghiên cứu quốc tế tham gia các công bố;
  • Số lượng các giải thưởng khoa học đạt được bởi các nhà nghiên cứu của đại học đang được đánh giá.

Sự lựa chọn phương pháp luận không hoàn toàn vô tư. Xếp hạng các đại học theo các thành tựu khoa học cho thấy nghiên cứu đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc cạnh tranh quốc tế. Vào cuối những năm 1990, sự nổi lên của nền kinh tế tri thức (knowledge economy) đã dần dần đặt giáo dục đại học vào trung tâm của các chính sách kinh tế, vì sự tăng trưởng của các quốc gia được xem như lệ thuộc mạnh mẽ vào năng lực sản xuất ra tri thức của họ.

Cuộc chiến các tài năng

Trong suốt thập niên 1990, cuộc chiến các tài năng bao gồm thu hút các luồng sinh viên đến từ các nước khác. Cạnh tranh giữa các hệ thống đại học và các cơ sở đại học chủ yếu dựa trên tiếp thị, phần thưởng (nghĩa là các học bổng) và sự hấp dẫn của các điều kiện sống trong khuôn viên nhà trường.

Từ đó, cuộc chơi chuyển dịch qua lĩnh vực khoa học. Ngay cả trong diễn ngôn của các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu hay Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OCDE, định hướng xê dịch từ chuyển giao tri thức để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đến cuộc chạy đua đổi mới sáng tạo, mà chính nó lại liên quan chặt chẽ với chất lượng và sự nâng cao giá trị của nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Thách thức là thu hút các giáo sư, các nhà nghiên cứu và nghiên cứu sinh trình độ cao, có khả năng đóng góp vào đổi mới sáng tạo trong tương lai. Do đó, sự xác định và đánh giá chất lượng của các đại học trở nên bức thiết trong chiến lược tăng cường năng lực nghiên cứu của các đại học đang dấn thân vào cuộc cạnh tranh toàn cầu này. Chính trong lĩnh vực này mà Trung Quốc xác định vị trí của mình từ hơn hai mươi năm nay.

Xác định chất lượng các đại học là một công việc đầy khó khăn do sự không thuần nhất của các quy chế, các mô hình kinh tế, những bó buộc và nhu cầu của mỗi ngành. Ta không thể lượng hóa giá trị nội tại của các sản phẩm khoa học mà phần lớn được tạo ra dựa trên những nghiên cứu đã có trước đó và chúng lại đóng góp cho những sản phẩm trong tương lai, có khi là nhiều năm sau đó. Thế là những tiêu chí và chỉ báo về chất lượng của nghiên cứu bị tranh cãi, nghĩa là chúng luôn luôn là đối tượng của các cuộc tranh luận.

Các xếp hạng đại học để làm gì?

Lợi dụng khung cảnh thảo luận này, nghĩa là sự thương lượng nhằm tiến đến một sự đồng thuận quốc tế, Trung Quốc đã xác định thế đứng của mình bằng cách đưa ra một phương pháp luận mới có lợi cho họ. Thật vậy, khi Đại học Giao thông công bố bảng xếp hạng toàn cầu đầu tiên vào năm 2003, không có một đại học Trung Quốc nào nằm trong bảng này. Lúc đó, sáng kiến của Thượng Hải được nêu ra như một đóng góp về phương pháp luận cho bối cảnh quốc tế của giáo dục đại học, có mục đích tạo điều kiện cho các đại học Trung Quốc so sánh với những đại học tốt nhất trên thế giới (lúc đó chủ yếu là các đại học Bắc Mỹ và Anh Quốc) và như vậy là tạo thuận lợi cho họ được tăng thứ hạng. Như vậy, lúc đầu đó là một dạng công cụ điều hành nội bộ của Trung Quốc, với mục đích quốc gia trước hết.

Gần hai mươi năm sau, không những các đại học Trung Quốc chiếm giữ những vị trí cao ngày càng rõ ràng trong bảng xếp hạng, mà phương pháp của Đại học Giao thông còn được khẳng định như là một trong những chỉ báo có uy tín của chính các thể chế học thuật tốt nhất trên thế giới. Khi đề ra những tiêu chuẩn của riêng mình về đánh giá chất lượng, Trung Quốc, thông qua đại học Giao Thông, đã thực hiện một cuộc chiến quốc tế thực sự về các tiêu chuẩn.

Tương tự như với lĩnh vực công nghệ và kỹ nghệ, phân tích bảng xếp hạng Thượng Hải như là công cụ của một tiến trình tiêu chuẩn hóa sẽ giúp hiểu được con đường đi lên quá sức nhanh chóng và độc đáo của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học cũng như những tham vọng quốc tế của họ.

Cạnh tranh về tiêu chuẩn

Quá trình ấn định một tiêu chuẩn so với một tiêu chuẩn khác mang tính cạnh tranh rất cao. Cho đến những năm 2000, ta không đo lường chất lượng của các đại học, chất lượng này chủ yếu tùy thuộc vào danh tiếng của đại học, mà danh tiếng đó lại dựa trên uy tín và thâm niên. Không có một bảng xếp hạng nào so sánh các đại học của những nước khác nhau, cho dù mỗi nước đã có hệ thống thứ bậc ít nhiều chính thức của họ.

Như vậy, do lịch sử của sự di chuyển sinh viên và khoa học, một sự đánh giá chất lượng như thế đã đi đến sự tăng cường uy tín và ảnh hưởng của những đại học nổi tiếng nhất và tiếp nhận nhiều sinh viên từ nước ngoài nhất, đó là các đại học nghiên cứu lớn của Mỹ, cũng như Oxford và Cambridge của Vương Quốc Anh. Trung Quốc đã không thể cạnh tranh với các nước anglo-saxon trong lĩnh vực này, vì Trung Quốc chưa phải là một nước tiếp nhận sinh viên nước ngoài mà vẫn còn là một nơi cung cấp sinh viên du học.

Trích dịch: “Quan chức thời 2.0. Một bộ máy hành chính Trung Quốc được đào tạo theo phong cách Mỹ” bit.ly/3jiUzcz

Thế thì phải nghĩ ra những tiêu chuẩn mới mà các tác nhân Trung Quốc có thể nắm vững và dần dần xây dựng chất lượng đại học của họ. Chính vì vậy mà các nhà nghiên cứu của Đại học Giao Thông đã xây dựng những chỉ báo định lượng thích hợp hơn với những ưu thế của hệ thống Trung Quốc.

Quả thực những kết quả của xếp hạng Thượng Hải thể hiện được những thế mạnh của mỗi nước xét về các phương tiện tài chính dành cho nghiên cứu. Nói một cách khác, bằng cách đi từ đánh giá định tính chất lượng dựa trên danh tiếng và giảng dạy tính chung cho tất cả các ngành, chuyển qua đánh giá định lượng của sản xuất khoa học trong các ngành khoa học “cứng” và công nghệ, Trung Quốc đã tự trao cho mình những phương tiện để cạnh tranh với các nước khác trên một thị trường mà lịch sử đầy sóng gió của thế kỷ XX đã khiến cho Trung Quốc cho đến lúc đó không tiếp cận được. Trung Quốc đã trông cậy vào những đầu tư ngày càng tăng, đặt trọng tâm vào một số ít đại học, và vào năm 2018, chi tiêu của Trung Quốc cho nghiên cứu và phát triển chiếm 2,2% tổng sản phẩm quốc nội.

Bằng cách đặt các đại học tinh hoa của mình vào bức tranh của “các đại học đẳng cấp toàn cầu”, Trung Quốc sẽ có thể tiếp tục đi theo động thái đã được khởi đầu với những cải cách trong những năm 1990. Trung Quốc đã tạo ra một hệ thống đại học rất phân hóa với hai tốc độ, để trở thành “một siêu cường quốc về khoa học và thu hút nhân tài (sinh viên và các nhà nghiên cứu) từ các vùng khác trên thế giới, đem lại lợi ích cho nền kinh tế và công nghiệp của Trung Quốc.

Alessia Lefébure

Sự tham gia của các nước khác vào các tiêu chuẩn của chính Trung Quốc về chất lượng đại học ngày nay đã mở ra cho Trung Quốc những viễn cảnh địa chính trị mới. Các xếp hạng, với tư cách là các tiêu chuẩn, quả thật là những véc-tơ biến đổi và thích nghi xuyên quốc gia. Như vậy, bằng phép đẳng cấu, giáo dục đại học toàn cầu đang tuân thủ không chỉ các chỉ báo đánh giá hiệu suất được thiết lập tại Trung Quốc, mà là các chuẩn mực ngầm bên dưới, trong thực tế chúng được thừa nhận và chính đáng hóa ở mức độ toàn cầu. Với vẻ bề ngoài trung lập về mặt hệ tư tưởng, phương pháp luận đánh giá chất lượng giảng dạy và nghiên cứu chuyển tải một tầm nhìn về phương diện xã hội, cho dù không quy chiếu rõ ràng về hệ hình chính trị đã sản sinh ra nó.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Classements d’universités: des enjeux géopolitiques sous-estimés?”, The Conversation, 27.6.2021.

----

Bài có liên quan:

Trích dịch: “Quan chức thời 2.0. Một bộ máy quan liêu của Trung Quốc được đào tạo theo phong cách Mỹ”




Chú thích:

[*] Giám đốc đào tạo, nhà xã hội học về tổ chức, Trường Cao học sức khỏe công cộng (EHESP - École des hautes études en santé publique)

Print Friendly and PDF