6.3.18

Đồng thuận Trung Quốc đối lại Đồng Thuận Washington



ĐỒNG THUẬN TRUNG QUỐC ĐỐI LẠI ĐỒNG THUẬN WASHINGTON
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là một cú sốc đối với niềm tin vào những thị trường tài chính hoàn toàn tự do. Nhưng nhiều bình luận của phương Tây về nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục dựa trên các giả định tân tự do thống trị của “Đồng thuận Washington” trước đây.
EDINBURGH - Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến nhiều nhà kinh tế học phương Tây phấn khởi khi cam kết một “vai trò quyết định” cho thị trường trong nền kinh tế Trung Quốc. Bốn năm sau, kỳ vọng cải cách theo định hướng thị trường đáng chú ý đã bị phá vỡ, và ảnh hưởng của nhà nước đối với nền kinh tế đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh chóng và có thể sẽ vẫn như vậy. Nếu thế, những giả định lâu đời về sự cân bằng tối ưu của cơ chế nhà nước và thị trường trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế sẽ bị thách thức nghiêm trọng.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là một cú sốc đối với niềm tin vào những thị trường tài chính hoàn toàn tự do. Nhưng nhiều bình luận của phương Tây về nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục dựa trên các giả định tân tự do thống trị của "Đồng thuận Washington"[1] trước đây. Người ta cho rằng việc tự do hóa thị trường tài chính sâu hơn có thể rèn luyện nền kinh tế thực tốt hơn và dẫn đến việc phân bổ vốn hiệu quả hơn. Tự do hóa tài khoản vốn sẽ ngăn chặn sự đầu tư lãng phí vào các dự án trong nước đem lại lợi nhuận thấp. Và việc giảm vai trò của các doanh nghiệp nhà nước chiếm ưu thế sẽ mở ra sự đổi mới và năng động kinh tế.
Joe Studwell

Nhưng, như Joe Studwell của China Economic Quarterly đã lập luận thuyết phục trong cuốn sách của ông How Asia Works (Tạm dịch: Châu Á vận hành như thế nào), những câu chuyện thành công độc đáo của Đông Á - Nhật Bản và Hàn Quốc - đã trở nên giàu có bằng cách bỏ qua hầu hết các khuyến nghị về chính sách trên. Tài chính được giữ một cách chặt chẽ; tín dụng được chỉ đạo hoặc hướng dẫn để hỗ trợ các mục tiêu công nghiệp cụ thể do chính phủ xác định; và ngành công nghiệp trong nước được nuôi dưỡng đằng sau sự bảo hộ của thuế quan, trong khi buộc phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường nước ngoài.
Trung Quốc đang cố gắng theo đuổi con đường phát triển kinh tế nhanh chóng của Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng bằng cách này hay cách khác nước này phải đối mặt với một thách thức khó khăn hơn, bởi vì kích thước của nó khiến nó cần phải thoát khỏi một mô hình tăng trưởng vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu ở giai đoạn phát triển ban đầu. Để vượt qua thử thách này, Trung Quốc phải cố gắng kết hợp một cách thực dụng giữa các động lực thị trường với chỉ đạo của nhà nước.
Doanh nghiệp tư nhân cũng đóng một vai trò quan trọng. Các công ty khổng lồ như Tencent và Alibaba đi đầu với khả năng sáng tạo. Các ứng dụng chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc hiện đang được sao chép ở các nền kinh tế tiên tiến. Và những công ty tư nhân đang dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo và xe điện. Một phần, Trung Quốc là một nền kinh tế tư bản sôi động.
Tuy nhiên, việc nhà nước đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng - ví dụ như các hệ thống tàu điện ngầm và đường sắt cao tốc vượt trội- tạo ra một nền tảng mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế hiện đại trong các thành phố đang mở rộng nhanh chóng và có kết nối tốt. Và thông qua chương trình "Xuất xứ Trung Quốc năm 2025", các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng sử dụng các mục tiêu của nhà nước để thúc đẩy nền công nghiệp Trung Quốc theo hướng công nghệ cao hơn và nhiều giá trị gia tăng hơn.
Các lĩnh vực có mức độ ưu tiên cao như chế tạo người máy, máy bay, xe điện và thiết bị y tế tiên tiến đã được xác định; các mục tiêu tăng chi cho nghiên cứu và phát triển đã được thiết lập; và các công ty thuộc sở hữu nhà nước hàng đầu sẽ đóng một vai trò quan trọng, cùng với các công ty tư nhân. Điều này khác xa với các khuyến nghị chính sách của Đồng thuận Washington, nhưng không khác với chính sách hỗn hợp do Hàn Quốc triển khai trong thời kỳ bùng nổ tăng trưởng kinh tế trong những năm 1960 và 1970 của nước này.
Trong khi đó, sau năm 2009, mức đầu tư cao hơn do các ngân hàng quốc doanh tài trợ đóng một vai trò kinh tế vĩ mô quan trọng, duy trì tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Và việc duy trì một khu vực tài chính được tự do hoá một phần - hướng dẫn tiết kiệm đầu tư theo mức lãi suất dưới mức thị trường, đã giúp dễ dàng duy trì mức đầu tư cao cần thiết để giữ vững sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững.
Những ưu điểm của chính sách kết hợp này chắc chắn đi kèm với những rủi ro đáng kể. Nếu vai trò của các doanh nghiệp nhà nước được mở rộng quá nhiều, khu vực tư nhân sẽ bị bóp nghẹt và chiến lược “Made in China” rất dễ dẫn đến những đầu tư sai lệch.
Việc đầu tư vào bất động sản bằng tín dụng chắc chắn dẫn đến sự xây dựng ồ ạt quá mức ở một số thành phố hạng nhì và hạng ba, tài sản được nắm giữ như phương tiện đầu cơ hơn là để đáp ứng nhu cầu nhà ở thực. Thực tế là ngành ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ đã thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong các hoạt động ngân hàng “ngầm”[2], tạo ra các công cụ và cấu trúc tài chính phức tạp gợi nhớ một cách kỳ lạ và đáng sợ đến những yếu tố đã giúp tạo ra cuộc khủng hoảng năm 2008. Và sự gia tăng đòn bẩy khổng lồ - nợ phi tài chính đã tăng từ dưới 150% GDP trong năm 2008 giờ đây đã lên hơn 250% - như Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên vừa cảnh báo, có thể sẽ dẫn tới “khoảnh khắc Minsky[3] làm nhà đầu tư mất lòng tin và bị căng thẳng tài chính nghiêm trọng.
Do những rủi ro này, bất kỳ dự báo tăng trưởng dài hạn nào cũng không chắc chắn, và sự suy thoái ngắn hạn đáng kể có thể xảy ra. Thật vậy, với việc Hội nghị Quốc gia thứ 19 sắp kết thúc, các nhà chức trách Trung Quốc có thể cố tình tạo ra sự suy thoái như một chiến lược nhằm hạn chế sự tăng trưởng đòn bẩy tiếp theo. Sự suy thoái như vậy sẽ có tác động làm suy yếu đối với nền kinh tế toàn cầu.
Nhưng không nên đánh giá thấp những công cụ Trung Quốc có sẵn để quản lý suy thoái trong một “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” và để duy trì tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn. Thực tế hầu hết các khoản nợ công ty của các doanh nghiệp nhà nước đối với các ngân hàng quốc doanh, với sự liên kết hạn chế giữa hệ thống ngân hàng của Trung Quốc và nước ngoài, sẽ giúp dễ dàng thực hiện một chương trình tái cơ cấu nợ xấu mà không gây nên một cuộc khủng hoảng tự nó ngày càng trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Tương tự như vậy, vì diễn tiến của dân số của Trung Quốc làm cho thị trường lao động thắt chặt, việc tăng lương thực tế nhanh chóng sẽ làm cho nhu cầu trong nước tăng nhanh hơn mà không tạo ra tín dụng quá mức.
Vì vậy, bất kể triển vọng ngắn hạn, vẫn có một cơ hội tốt cho nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng lên mức trung bình và sau đó là mức thu nhập cao nhờ mô hình phát triển hỗn hợp thị trường và nhà nước. Nếu Trung Quốc đã chấp nhận một cách rộng rãi hơn các quy định chính sách hàm ý bởi Đồng thuận Washington trong 10 hoặc 20 năm qua, tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ chậm hơn đáng kể. Các lý thuyết kinh tế làm cơ sở cho những quy định này phải tính đến thực tế đó và với sự thành công có khả năng là liên tục của Trung Quốc.
Nguyễn Mai Hạ dịch
Nguồn:China vs. the Washington Consensus”, Project Syndicate, Oct 23, 2017.
----
Adair Turner, cựu chủ tịch Cơ quan dịch vụ tài chính (United Kingdom’s Financial Serviecs Authority) và cựu thành viên của UK's Financial Policy Committee của Anh Quốc, nay là chủ tịch Institute for New Economic Thingking (INET). Cuốn sách mới nhất của ông là Between Debt and the Devil.




[1] Đồng thuận Washington: là một thuật ngữ do John Williamson đưa ra tại Viện Kinh tế Quốc tế năm 1990, đề xuất một loạt các chính sách để giải quyết các vấn đề kinh tế của Mỹ Latinh, bao gồm cải cách thuế, tự do hóa lãi suất, một cơ chế tỉ giá hối đoái cạnh tranh, tự do hóa thương mại, tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài, và phi điều tiết hóa. Kể từ đó Đồng thuận Washington đã trở nên đồng nghĩa với các chính sách “tân tự do” phản ánh quan điểm của Hoa Kỳ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, v.v.. (ND)

[2] Ngân hàng “ngầm”: các định chế tài chính trung gian hoạt động như ngân hàng nhưng không chịu sự ràng buộc của các quy định ngân hàng truyền thống, không có người gửi tiền thông thường và cũng không thể vay mượn tiền từ ngân hàng trung ương trong trường hợp khẩn cấp. (ND)

[3] Khoảnh khắc Minsky: Theo nhà kinh tế học Hyman Minsky, đó là một khoảnh khắc mà hệ thống tài chính di chuyển từ trạng thái ổn định sang trạng thái khủng hoảng. (ND)

Print Friendly and PDF