12.5.17

MERTON Robert C., sinh năm 1944

Robert Merton (1910-2003)

MERTON Robert C., sinh năm 1944

Damien Gaumont
Robert C. Merton sinh tại New York, Hoa Kì, năm 1944. Ông đỗ cử nhân toán cho các nhà kĩ sư của đại học Columbia năm 1966, rồi Master of Sciences về toán ứng dụng của California Institute of Technology năm 1967 trước khi tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế học của Massachussetts Institute of Technology năm 1970. Từ 1968 đến 1970 ông là phụ tá của Paul Samuelson (Nobel 1970) và là giảng viên tại khoa kinh tế của MIT từ 1969 đến 1970, rồi giảng viên về tài chính từ 1970 đến 1973, phó giáo sư từ 1973 đến 1974 rồi giáo sư tại Sloan School of Management tại MIT từ 1974 đến 1988. Giáo sư thỉnh giảng của đại học Harvard từ 1987 đến 1988, rồi tại đại học Nantes, Pháp, năm 1993, ông là giáo sư Harvard kể từ 1988. Song song với những văn bằng về tài chính, ông tốt nghiệp Master of Arts của đại học Harvard năm 1989, tiến sĩ luật của đại học Chicago năm 1991 là tiến sĩ danh dự của HEC ở Pháp năm 1995, của đại học Lausanne, Thuỵ Sĩ năm 1996, đại học Paris-Dauphine, Pháp năm 1997 và đại học quốc gia Tôn Dật Tiên ở Trung quốc năm 1998.
Paul Samuelson (1915-2009)
Bên cạnh sự nghiệp trong đại học, ông cũng còn nổi bật ở cương vị giám đốc Nova Fund từ 1980 đến 1988, thành viên Hội đồng quản trị ABT Growth and Income Trust từ 1982 đến 1988, rồi lần lượt giám đốc của ABT Utility Income Fund từ 1982 đến 1988, ABT Investment Series từ 1983 đến 1988, Travellers Investment Management Company từ 1987 đến 1991, thành viên Hội đồng quản trị College Retirement Equities Fund từ 1988 đến 1996, nhà nghiên cứu của National Bureau of Economic Research tại New York kể từ 1979, đồng sáng lập viên của Long-Term Capital Management, L. P kể từ 1993. Hơn nữa ông còn là giám đốc từ 1982 đến 1984 và từ 1987 đến 1988 và năm 1986 là chủ tịch của American Finance Association, thành viên của Hội kinh trắc kể từ 1983, của American Academy of Arts and Sciences kể từ 1986, phó chủ tịch của Society for Financial Studies năm 1993, thành viên của National Academy of Sciences kể từ 1993, thành viên của International Association of Financial Engineers kể từ 1994, thành viên của Institute for Quantitative Research in Finance. Mặt khác, ông còn là thành viên hội đồng biên tập của nhiều tạp chí khoa học và được nhiều giải thưởng. Ông được Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương năm 1997.
Vấn đề định giá chứng khoán bắt nguồn từ những công trình của nhà toán học Pháp, vùng Bordeaux, Louis Bachelier năm 1900. Luận án tiến sĩ của tác giả này đề nghị một công thức đầu tiên cho vấn đề này, nhưng mưu toan của ông có một số bất tiện. Những nghiên cứu sau đã tỏ ra có kết quả hơn, đặc biệt là về những chuyển động của giá các chứng khoán và của lãi suất. Tuy nhiên khuyết điểm của tất cả những lí thuyết này là việc không tính đến rủi ro, và nếu có thì theo một cách không đúng.  
Myron Scholes (1941-)
Fischer Black (1938-1995)
Cộng tác cùng với Myron S. Scholes và Fischer Black (mất năm 1995), Robert C. Merton đã phát triển một công thức tiên phong định giá những stock options, tức giá những quyền chọn (mua hay bán) các chứng khoán ở một giá ấn định trước. Phương pháp định giá của họ là áp dụng được vào nhiều lĩnh vực của khoa học kinh tế. Nó đã cho phép thiết kế nhiều loại sản phẩm tài chính mới và tạo điều kiện dễ dàng cho việc quản lí rủi ro trong các công ti.
Trên những thị trường kinh tế hiện đại, điều cơ bản là các doanh nghiệp, cũng như các hộ gia đình, có khả năng lựa chọn một mức độ rủi ro thích hợp với những giao dịch của mình. Do đó nhận xét này qui chiếu về thị trường tài chính và thị trường này chuyển những rủi ro sang cho những ai có thể gánh chịu chúng. Thị trường những quyền chọn là một thị trường cho phép những người tham gia bảo hiểm những rủi ro của thị trường tài chính với khả năng (tất nhiên phải trả phí) hôm nay mua hay bán một chứng khoán trong tương lai theo một giá được xác đinh trước ngày nay. Để cho loại công cụ tài chính này đảm bảo cho những nguời nắm giữ chúng một mức lợi nhuận chắc chắn và một rủi ro tối thiểu cần phải có một phương tiện đáng tin định giá và xác định giá của những chứng khoán. Do đó đây là một công trình lí thuyết trực tiếp áp dụng vào những quyền chọn. Robert Merton khái quát hoá công thức của Black & Scholes và áp dụng nó vào nhiều lĩnh vực khác (hợp đồng bảo hiểm, 1989; hợp đồng bảo hành, 1992; hay tính linh hoạt của những đầu tư vật thể, mùa thu 1993). Một phần nhờ những nghiên cứu của ông mà những thị trường chứng khoán phái sinh đã phát triển nhanh đến như thế trong những năm qua và một chuyên ngành mới đã ra đời: kinh tế học tài chính (1983). 
William F. Sharpe (1934-)
Công trình nghiên cứu của R. C. Merton cũng hướng vào tiêu dùng và đầu tư, trong đó ông hoàn chỉnh một phương pháp phân tích những quyết định liên thời gian trong các lĩnh vực này (1982). Ông khái quát hoá mô hình nổi tiếng định giá tài sản vốn (CAPM) của William Sharpe (Nobel 1990) bằng cách động hoá mô hình này (1973 và 1977). Ông cũng nghiên cứu vấn đề hoạt động và điều tiết của các thể chế (1993) kể cả những công trình về việc ngân sách hoá vốn (tháng chín 1977), sản xuất, quản lí rủi ro (1990, 1995 và 1999). Mặt khác ông triển khai nghiên cứu những quĩ hưu. Trong nhiều nước áp lực trên những kế hoạch hưu là do dân số già đi. Đồng thời người lao động, muốn giảm rủi ro là không có tiền hưu, đẩy lui những giới hạn được thiết kế trước trong những kế hoạch hưu liên quan đến những phần lời tương lai gắn với thu nhập tương lai. Trong thời buổi thất nghiệp dài hạn, cầu của những kế hoạch như thế giảm đáng kể. Bằng cách chuyển rủi ro của những kiểu đầu tư này sang cho các cá nhân, cách tiếp cận này làm tăng khả năng một quĩ hưu không thích ứng so với những đóng góp trong suốt chu kì sống của các cá nhân. Nhằm giải quyết vấn đề này R. C. Merton (cùng với những nhà nghiên cứu khác), tham gia vào việc xây dựng một kiểu kế hoạch quĩ hưu khác gần nhất có thể với những kiểu cũ (1987). Như thế, người lao động cũng như người sử dụng lao động có thể đóng một tỉ lệ của lương cho một trung gian tài chính và trung gian này đảm bảo một tiền lương nhất định, và như vậy giảm rủi ro trên đầu tư và rủi ro trên tử vong của người lao động. Một nghiên cứu thực nghiệm cho phép xác định cách các cá nhân quản lí đầu tư của họ trong kiểu qũy hưu được xác định trước này.
Năm 1997, cùng với Myron S. Scholes, ông được giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel vì đã phát triển những phương pháp mới cho phép xác định giá của những sản phẩm phái sinh”.


· An intertemporal capital asset pricing model [Một mô hình định giá liên thời gian tài sản vốn], Econometrica, Sept. 1973, vol. 41.   A Reexamination of the Capital Asset Pricing Model [Xem lại mô hình định giá tài sản vốn], Cambridge (MA), (Ballinger, 1977 BISKLER J. & FRIEND L. ed., Studies in Risk and Return). On the pricing of contingent claims and the Modigliani-Miller theorem [Về việc định giá bồi thường có điều kiện và định lí Modigliani-Miller], Journal of Financial Economics, nov. 1977, vol. 5. On the Microeconomic Theory of Investment Under Uncertainty [Về lí thuyết kinh tế vi mô về đầu tư trong tình thế bất trắc], Amsterdam, North-Holland, 1982 (K. Arrow & M. Intrigliator ed., Handbook of Mathematical Economics, vol 2). Paul Samuelson and Modern Economic Theory [Paul Samuelson và lí thuyết kinh tế hiện đại] trong BROWN E. C & SOLOW R. M. ed., Financial Economics [Kinh tế học tài chính], New York, McGraw-Hill, 1983. On the application of continous-time theory of finance to financial intermediation and insurance”, [Về việc áp dụng lí thuyết thời gian liên tục vào trung gian tài chính và bảo hiểm],  The Geneva Papers on Risk and Insurance, July 1989, vol. 14. Continuous-Time Finance [Tài chính trong thời gian liên tục],  Basil Blackwell, Inc. 1990.  “Operation and regulation in financial intermediation” [Tác vụ và điều tiết trong trung gian tài chính], Operation and Regulation of Financial Markets, Stockholm, 1993 (vol. The Economic Council). Cases in Financial Engineering: Applied Studies of Financial Institutions [Những trường hợp trong công trình tài chính: những nghiên cứu ứng dụng về các thể chế tài chính], Prentice-Hall, 1999. The Global Financial System: A Functional Perpsective [Hệ thống tài chính toàn cầu: một cách nhìn về chức năng], Harvard Business School Press, 1995 Finance [Tài chính], Printice-Hall, 1999.   BODIE Z., MARCUS A. J. & MERTON R. C., Pension Plan Integration as Insurance Against Social Security Risk [Hợp nhất kế hoạch tiền hưu như một bảo hiểm rủi ro bảo hiểm xã hội], Chicago, Chicago University Press, 1987 (Z. Bodie, J. B. Showen & D, A. Wise ed. Issues in Pension Economics. BODIE Z. & MERTON R. C., On the management of financial guaranties [Về việc quản lí những bảo hiểm tài chính], Financial Management, Winter 1992, vol. 14.   MERTON R. C.& PEROLD A, Theory of risk capital in financial firm [Lí thuyết vốn rủi ro trong công ti tài chính], Journal of Applied Corporate Finance, Autumn 1993.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Les prix des sciences économiques à la mémoire d’Alfred Nobel” (Những giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel) của Damien Gaumont trong Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001, trang 1041-1042.
Print Friendly and PDF