21.3.17

SHARPE William F., sinh năm 1934


William F. Sharpe (1934-)

SHARPE William F., sinh năm 1934

Damien Gaumont
William Forsyth Sharpe sinh tại Cambridge (bang Massachussetts), Hoa Kì năm 1934. Giáo sư ưu tú về tài chính tại Graduate School of Business của đại học Standford, là chủ tịch American Finance Association năm 1980, ông được Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương năm 1990.
William F. Sharpe là tác giả của mô hình định giá tài sản vốn (Capital Asset Pricing Model hay CAPM) nổi tiếng. Đây là một mô hình cân bằng những tài sản tài chính (tiếng Pháp là modèle déquilibre des actifs financiers hay MEDAF) vốn là một phiên bản của mô hình chuẩn tắc của Markowitz (1964). Nguyên lí của mô hình này là một nhà đầu tư duy lí có thể lựa chọn trong một tổ hợp những chứng khoán có rủi ro và một tài sản không rủi ro (ví dụ một trái phiếu kho bạc). Cơ cấu tối ưu của danh mục rủi ro này tùy thuộc vừa vào đánh giá của nhà đầu tư về giá trị tương lai của tài sản không rủi ro vừa vào thái độ riêng của nhà đầu tư đối với rủi ro. Tầm quan trọng tương đối nhà đầu tư gán cho những tài sản rủi ro và những tài sản không rủi ro hay khoản vay nợ (trọng số âm) trong danh mục của mình phản ảnh mức độ ngại rủi ro của nhà đầu tư. Nếu không có được thông tin riêng tốt hơn thông tin của các nhà đầu tư khác thì không có lí do gì để nhà đầu tư giữ một danh mục khác với danh mục của các nhà đầu tư khác. Danh mục này được gọi là danh mục thị trường. Sharpe chứng minh rằng đường biên hiệu quả của các danh mục là một tổ hợp tuyến tính của tài sản không rủi ro và danh mục (duy nhất) thị trường. Kết quả đáng ngạc nhiên này được gọi là định lí tách. Nó có nghĩa là một cá nhân bàng quan giữa việc đu tư vào một danh mục gồm n tài sản rủi ro và một tài sản không rủi ro và đầu tư vào một danh mục gồm có danh mục thị trường và tài sản không rủi ro (1963).
Đóng góp cận biên vào rủi ro của một danh mục là một giá trị Bê-ta, mà khi lớn hơn 1, làm tăng rủi ro toàn bộ của danh mục và làm giảm rủi ro này trong trường hợp kia (1970). Như thế, lợi tức và rủi ro của một danh mục biến thiên với giá trị Bê-ta của một chứng khoán được đưa thêm vào danh mục. Những quan hệ này được sinh ra từ việc hình thành những giá cân bằng trên những thị trường hiệu quả về vốn. Kết quả rất quan trọng là lợi tức kì vọng của một chứng khoán được xác định bởi giá trị của hệ số Bê-ta của chứng khoán, giá trị này cũng đo hiệp phương sai của chứng khoán này với danh mục thị trường. Mô hình CAPM cho thấy là rủi ro của thị trường vốn có thể bị thay đổi nếu ta có thể mua, bán hay định giá những rủi ro. Trong chiều hướng này, giá của những chứng khoán được điều chỉnh khiến cho những quyết định về danh mục là nhất quán. 
Merton H. Miller (1923-2000)
Harry M. Markowitz (1927-)
Lí thuyết CAPM được xem là hòn đá tảng của lí thuyết kinh tế vi mô hiện đại về các thị trường tài chính. Nó cũng được sử dụng rộng rãi một cách thực nghiệm, cho nên những dữ liệu tài chính có thể được sử dụng có hiệu quả. Tuy nhiên nên sử dụng những dữ liệu hàng tuần để loại bớt phần nào nhiễu thống kê. Tuy nhiên, để đánh giá những thành tựu của danh mục thị trường thường người ta dùng chỉ số chứng khoán của thị trường trên đấy chứng khoán được định giá (CAC 40, Dow Jones, Nikkei, v.v.). Năm 1990 (cùng với Harry M. Markowitz và Merton H. Miller) ông được giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel vì những công trình tiên phong của ông trong lĩnh vực lí thuyết kinh tế tài chính, và đặc biệt là những đóng góp cho lĩnh vực hình thành giá của những chứng khoán tài chính và mô hình CAPM rất nổi tiếng.

A simplified model for portfolio analysis [Một mô hình đơn giản cho việc phân tích danh mục đầu tư], Management Science, Jan. 1963, p. 277-293. Capital asset prices: a theory of market equilibrium under conditions of risk [Giá tài sản vốn: một lí thuyết cân bằng thị trường dưới điều kiện rủi ro], Journal of Finance, sept. 1964, vol. 19, p. 425-442. Portfolio Theory and Capital Markets [Lựa chọn danh mục đầu tư và những thị trường tài chính], New York, McGraw-Hill, 1970
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Les prix des sciences économiques à la mémoire d’Alfred Nobel” (Những giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel) của Damien Gaumont trong Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001, trang 1032-1033.
Print Friendly and PDF