NGHIÊN CỨU HẬU THỰC DÂN (POST COLONIAL STUDIES) VÀ NGHIÊN CỨU THUỘC ĐỊA (COLONIAL STUDIES): THÁCH THỨC VÀ TRANH LUẬN
|
Emmanuelle Sibeud (1967-) |
Trong tất cả những sự phát triển mới đây của trào lưu Nghiên Cứu Văn hóa (Cultural Studies)[1], Nghiên Cứu Hậu Thực Dân có lẽ là bí mật nhất. Vậy Nghiên Cứu Hậu Thực Dân là gì? Phải chăng đó là một thể loại hiện tượng mới cần được nghiên cứu hay một dự án lý thuyết và có thể là chính trị? Những câu hỏi này còn rất là xa lạ ở Pháp, nhưng nó có một vị trí quan trọng trong các công trình nghiên cứu bằng tiếng Anh. Chẳng hạn như tại Hội Nghị thường niên vừa rồi của Society for French Historical Studies (ở Paris vào tháng 6 năm 2004) đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về công cuộc thực dân hoá của Pháp, tuy tất cả không gắn liền với trào lưu Nghiên Cứu Hậu Thực Dân, nhưng cũng nhấn mạnh đến tính chính đáng mà trào lưu này đã giành được trong các mạng lưới tương đối kinh điển của các nhà sử học.
Sự hâm mộ này có thể gây ngạc nhiên. Nghiên Cứu Hậu Thực Dân là liên ngành có chủ ý, với vô số những quy chiếu lý thuyết khá hỗn tạp và cũng đầy những biệt ngữ khó hiểu. Tuy nhiên nó cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng, đặc biệt cho các nhà sử học. Phải chăng ta có thể khẳng định rằng chúng ta đang sống trong một thế giới “Hậu Thực Dân”, tức là hoàn toàn được giải phóng về mặt chính trị, kinh tế và văn hóa khỏi những hình thức thực dân của sự thống trị, kể cả khỏi những sự biến đổi của nó, nhưng cùng lúc lại mang dấu ấn sâu sắc của sự thống trị này. Nếu điều đó đúng, thì làm sao thuật lại sự đa dạng của những trải nghiệm lịch sử của những người cựu dân thuộc địa và những cựu thực dân, mà vẫn tránh được cái khó khăn kép về một sự tan vỡ của lịch sử thành những câu chuyện trái ngược nhau, hay ngược lại, sự kềm hãm nó (lịch sử) trong cái logic nhị nguyên sẽ luôn luôn dẫn tới sự đối lập giữa “chúng nó” và “chúng ta”.
Nghiên Cứu Hậu Thực Dân đã có một sự phát triển vượt bậc vào những năm 1990. Nó cũng đã gây ra những luận chiến gay gắt. Ta cần trở lại sự năng động đã yểm hộ nó để rút ra một bản tổng kết mang tính phê phán. Những đóng góp của Nghiên Cứu Hậu Thực Dân chắc có lẽ là không tương xứng với những suy nghĩ mà nó đã khơi mào. Nhưng nó cũng đã gây ra một sự đổi mới của lịch sử về những công cuộc thực dân hoá và sự phát triển của Nghiên Cứu Thuộc Địa đã tiếp nối những câu hỏi của nó.
TỪ ĐÔNG PHƯƠNG LUẬN ĐẾN HẬU THỰC DÂN
|
Edward Said (1935-2003) |
Tác phẩm Đông Phương Luận. Đông phương được Tây Phương sáng tạo[2] của Edward Said được xuất bản ở New York năm 1978, dứt khoát được xem như là điểm khởi đầu của trào lưu Nghiên Cứu Hậu Thực Dân. Said nghiên cứu sự tiến hóa của những công trình nghiên cứu bác học của Tây Phương về Đông Phương, chủ yếu ở Pháp và Anh từ cuối thế kỷ thứ XVII. Tuy tài liệu gốc tương đối cổ điển, cái mới của cuốn sách nằm ở chỗ nó sử dụng ý tưởng diễn ngôn mà Said vay mượn của Michel Foucault và tính chính trị rõ ràng mà ông muốn gắn cho nghiên cứu của mình[3]. Thật vậy Said khẳng định rằng Đông Phương Luận là một hệ thống khoa học luận tích lũy kiến thức để sản xuất những sự hiểu biết, nhưng cũng là sự thể hiện về chính mình và người khác tương đồng với việc thực thi trực tiếp và gián tiếp sự thống trị của Tây Phương trên những không gian được xác định như là Đông Phương. Ông thực hiện mốt số đảo ngược. Một mặt, ông đề cập đến sự thống trị thực dân qua một trong những “thượng tầng kiến trúc” của nó: sự sản xuất những kiến thức đi kèm, tạo ra sự đứt đoạn với tính hiện thực không khoan nhượng của những phân tích mác xít về sự phụ thuộc chủ yếu đối với kinh tế và chính trị. Mặt khác, thay vì đi tìm kiếm trong nền văn hóa của những người bị đô hộ sự phản ánh hay sự thừa kế của sự thống trị, ông cho thấy rằng nền văn hóa của những kẻ thực dân cũng bị tác động một cách sâu sắc bởi sự thống trị này. Sau cùng, ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải gạt bỏ những cơ chế mang tính ý thức hệ mà phong trào phi thực dân hóa đã để lại gần như nguyên vẹn và, do đó cung cấp cho phong trào chống thực dân một tính thời sự mới.
|
Eric J. Hobsbawm (1917-2012) |
Hẳn Said không phải là người đầu tiên nghiên cứu về sự sản xuất kiến thức ở thuộc địa và về những hệ quả của nó về phương diện ý thức hệ[4]. Nhưng ông đã thiết kế được một chương trình hấp dẫn về mặt tri thức vào lúc mà những ước mơ cách mạng được thời điểm độc lập khởi dậy bị chùn xuống và giữ được một sự cân bằng giữa sự thông thái và sự dấn thân chính trị. Ông đưa ra một đối tượng mới: “diễn ngôn thực dân”, những phương pháp phân tích: sự phục dựng những cấu trúc và những cơ chế của diễn ngôn này và sự nghiên cứu văn bản những tài liệu cấu thành nó, và sau cùng và nhất là ông gắn một ý nghĩa chính trị cho công trình phê phán này vốn sẽ giúp xây dựng một diễn ngôn khác trong đó một chỗ đứng được dành cho những người mà diễn ngôn thực dân đã loại trừ hay đặt ra ở ngoài lề. Chương trình này lại cùng nhịp với những công trình mà trào lưu Nghiên Cứu Văn Hóa bắt đầu khai triển[5].
|
Terence Ranger (1929-2015) |
Những chuyên gia về văn học và văn học đối chiếu là những người đầu tiên tiến vào việc phá vỡ diễn ngôn thực dân một cách có hệ thống. Trong những người này, những nhà nghiên cứu những nền văn học tiếng Anh ở Châu Phi đã phải đối mặt với một sự tiến hóa phức tạp vào những năm 1980. Dự án xây dựng những nền văn học dân tộc vốn được xem như là sự hiện thân của độc lập bị kiệt quệ và những nhà văn Phi Châu thì lại yêu sách một sự bén rễ kép vào những nền văn hóa Phi Châu truyền thống và hiện đại, nhưng cũng vào văn hóa Tây Phương và tiếng Anh. Thuật ngữ “Hậu Thực Dân” được đề xuất vào cuối những năm 1980 để mô tả tính lai ghép được chấp nhận một cách tự giác nhằm tránh thuật ngữ “hậu độc lập” vốn có thể gợi ý là những sự độc lập đã thất bại[6]. Nhưng nó còn cho thấy có những điểm chung trên phương diện văn hóa giữa những xã hội đã đi qua hay đã sinh ra từ trải nghiệm về sự thống trị thực dân.
|
|
|
|
Như vậy việc xác định một lĩnh vực văn hóa hậu thực dân dẫn ngay đến việc khảo sát chu vi của thế giới hậu thực dân[7]. Định nghĩa rộng lớn của trào lưu hậu thực dân giúp cho sự bùng nổ của các Công Trình Nghiên Cứu Hậu Thực Dân trong những năm 1990. Trường nghiên cứu được nới rộng đến những công cuộc thực dân hoá hiện đại từ sự khám phá Châu Mỹ và bao gồm cả “những người thuộc địa nội bộ” là những người bị thống trị trong các xã hội tiến hành sự thực dân hoá.
Bản chất hậu thực dân của các xã hội được khảo sát hay khám phá thông qua những biểu hiện văn hóa của nó trong qua khứ và trong hiện tại. Sự bành trướng mạnh mẽ này tạo cơ sở cho yêu sách tự chủ và nhanh chóng được Nghiên Cứu Hậu Thực Dân, vốn vay mượn nơi tất cả các bộ môn và các vùng văn hóa và đi tìm kiếm trong các lý thuyết hậu hiện đại những công cụ cần thiết cho sự lật đổ những cấu trúc, những phạm trù và những logic được thừa kế từ sự thống trị (thực dân), giành lấy. Các công trình này nằm ở trung tâm của những cuộc tranh luận hàn lâm, được các câu hỏi của chúng nuôi dưỡng và kích thích, nhưng cùng lúc, chúng từ chối phục tùng cuộc đối chất mang tính đối kháng, nhân danh tính cấp tiến lý thuyết và chính trị của nó.
|
|
Tính không thể nắm bắt được của Nghiên Cứu Hậu Thực Dân, mà những bộ sưu tập dành cho sinh viên trình bày một cách khó tin như là một đặc tính của chúng[8] và sự lạm phát của những công trình tự cho là hậu thực dân, làm cho một tổng kết toàn bộ khó, thậm chí không thể thực hiện được[9]. Do đó, ta phải bằng lòng với việc ghi nhận những đóng góp đáng chú ý nhất và những vấn đề mà chúng vấp phải. Trên phương diện phương pháp luận, Nghiên Cứu Hậu Thực Dân đã phổ biến một cách mạnh mẽ sự phân tích văn bản các tài liệu để tìm kiểm hệ thống cá nhân của tác giả (của tài liệu) và cả trường ngữ nghĩa trong đó tài liệu được ghi nhận. Các nghiên cứu còn chứng minh rằng cần phải soạn thảo lịch sử văn hóa của sự thống trị thực dân. Nhưng chúng cũng đã thường giới hạn diễn ngôn thực dân trong một tập hợp những văn bản (cái “thư viện thực dân”) được nghiên cứu cho chính bản thân của văn bản, ở bên ngoài mọi sự phân tích về sự tiếp nhận và cách sử dụng diễn ngôn này. Sự đánh giá quá cao những văn bản thật sự đặt ra một vấn đề phương pháp luận trong những tình huống thống trị trong đó tài liệu bằng lời nói và tài liệu viết được chia sẻ một cách rất không đồng đều.
Tương tự như vậy, những công trình nghiên cứu do Nghiên Cứu Hậu Thực Dân khởi xướng về phần thực dân của những bản sắc hiện đại là những công trình tiên phong, nhưng đã chịu một sự tác động khuynh tả khiến cho ảnh hưởng của chúng bị giới hạn. Các khái niệm về tính khác biệt (alterité) và tính lai tạp (hybridité) trở thành trục chính của những lập luận nhị nguyên biến “người thực dân” và “người thuộc địa” thành những bản thể[10] và xuất phát từ giả thuyết rằng quan hệ giữa họ vận hành như là một sự đối lập mang tính cấu trúc và có khả năng cấu trúc hóa. Do đó tính lai tạp chỉ có thể được xem như là biểu hiện của sự kháng cự. Sự sơ lược hóa này về sự vận hành của những xã hội thuộc địa vốn thật sự là phức tạp và mâu thuẫn lại càng rõ nét hơn nữa với những so sánh mọi khía cạnh của những người thuộc địa ở bên trong và ở bên ngoài và ý muốn xác định một bản thể thuộc địa (coloniality nên dịch bằng thuật ngữ “colonialitude”) mà cả hai đều chia sẻ một vài đặc tính. Rất xa việc đảo lộn những quan niệm của chúng ta về thế giới, Nghiên Cứu Hậu Thực Dân thật vậy đã củng cố một sự diễn giải tương đối đối kháng (manichéen) về lịch sử và hiện tại. Nó đã quỷ hóa sự thống trị thực dân khi gắn cho nó một ảnh hưởng và một hiệu năng cao hơn những gì nó thật sự có. Nhất là, nó đã giam hãm những người cựu thuộc địa trong một thời điểm đặc biệt trong lịch sử của họ, bằng cách mang lại một cách không cố ý một sức mạnh mới cho ý tưởng phi lý theo đó sự thống trị (thực dân) đã đưa họ vào lịch sử[11]. Do đó nó khó có thể thực hiện phần chính trị của chương trình của nó: làm cho tiếng nói của những người cựu thuộc địa có một âm vang mới với những thể thức hoàn toàn mới, bằng cách biến họ thành những “người hậu thực dân”[12]. Khoảng cách giữa tính cấp tiến chính trị được Nghiên Cứu Hậu Thực Dân trưng lên và những kết quả rốt cuộc cũng tương đối không có gì đặc biệt đã làm cho nó phải chịu những sự cáo giác rất gay gắt. Sự vươn lên của Nghiên Cứu Hậu Thực Dân ở các đại học Mỹ đã làm cho các công trình nghiên cứu về Thế Giới Thứ Ba bị thiệt thòi và tính cấp tiến phô trương của nó đã bị tố cáo như là một sự bịp bợm, khi mà sự mập mờ của thuật ngữ “Hậu Thực Dân” đã giúp loại bỏ một cách quá dễ dàng nghĩa vụ đoàn kết mà khái niệm Thế Giới Thứ Ba bao hàm[13]. Sự phê phán còn đi xa hơn nữa. Thật vậy Nghiên Cứu Hậu Thực Dân còn bị tố cáo bị sử dụng như là một mẹo lừa mang tính ý thức hệ để đối mặt với một sự toàn cầu hóa với những hậu quả rất nặng nề. Không những Nghiên Cứu Hậu Thực Dân làm cho sự chú ý bị chuyển hướng bằng cách gây ra những cuộc tranh luận giả, mà nó còn biện minh cho thuyết đa văn hóa được sử dụng giới hạn mà sự toàn cầu hóa rất cần để bành trướng[14]. Mặc dù không bước vào cuộc tranh luận này, có vẻ là hiện nay thuật ngữ “Hậu Thực Dân” đã mất đi phần lớn cái chiều kích (trọng lượng) phê phán mà nó được công nhận lúc ban đầu. Tuy nhiên sự chất vấn được Nghiên Cứu Hậu Thực Dân khai mở ra vẫn chưa chấm dứt. Nhưng nay cuộc tranh luận xảy ra ở bên ngoài nó và đặc biệt xung quanh những nhà nhân học và sử học về các xã hội Phương Nam, vốn đã triển khai những công trình nghiên cứu về công cuộc thực dân hóa bám chặt một cách vững vàng vào những viễn tượng lịch sử.
LỊCH SỬ THỰC DÂN, LỊCH SỬ TOÀN CẦU?
Họ cũng là những độc giả chăm chú của Said và, vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, họ cũng đã tham gia vào những công trình tập thể đánh dấu bước phát triển đầu tiên của Nghiên Cứu Hậu Thực Dân trước khi đi theo một con đường khác.
Lúc đó, những nhà nhân học đã dấn thân vào một cuộc suy nghĩ tập thể về những hệ quả chính trị của những kiến thức mà họ sản xuất ra. Giữa lịch sử của ngành của họ và các thực tiễn cá nhân trên thực địa, những cuộc khảo sát dân tộc học thực dân được xem như là giai đoạn trung hạn và là điểm tựa cho sự suy nghĩ của họ[15]. Việc đọc Said đã khuyến khích họ phát triển việc nghiên cứu văn bản những tài liệu dân tộc học và giải kiến tạo (déconstruire) sự phối cảnh về điều tra thực địa[16]. Đối với các nhà sử học nghiên cứu các xã hội Phương Nam, việc đọc Said vừa làm cho họ bối rối, vừa kích thích họ. Nó đưa ra một sự thay đổi kép đối tượng nghiên cứu: từ lịch sử kinh tế và chính trị đến lịch sử văn hóa của chủ nghĩa thực dân[17], từ những cuộc đấu tranh của những người thuộc địa đến diễn ngôn của những người thực dân. Phân tích một hiện tượng rõ ràng là xuyên quốc gia, nó đã giúp họ xem xét lại cái khung của một lịch sử bị đột ngột quốc hữu hóa sau thời độc lập bởi các Nhà Nước mới vốn muốn cho nó (lịch sử quốc hữu hóa) xây dựng một quá khứ bảo đảm cho sự thống nhất và tương xứng với tương lai của các nhà nước này, nhưng cũng do các chính quốc mong muốn hạ thấp giá trị của những cuộc phiêu lưu của họ ở bên ngoài.[18]
|
|
|
|
Thế thì các nhà sử học và nhân học đã sử dụng lập luận của Said như là bước khởi đầu để tái đầu tư vào một lịch sử xã hội chính trị về sự thống trị (thực dân) đột nhiên đã bị lãng quên trong những năm 1960 với cái cớ là nó bị vượt qua rồi và nó che khuất lịch sử “đích thực” hơn của những dân tộc bị đô hộ[19]. Dự án xây dựng một sự phân tích “hậu thực dân”, sự quan tâm mới đối với sự vận hành và những cấu trúc của diễn ngôn thực dân đã cung cấp cho họ những phương tiện mà vẫn bảo đảm sự dấn thân phê phán của họ. Nghiên Cứu Thuộc Địa (Colonial Studies) sinh ra trong những năm 1990 từ sự hội tụ của các công trình nghiên cứu của họ, nhưng cũng từ ý muốn lịch sử hóa những Công Trình Nghiên Cứu Hậu Thực Dân vốn không mang tính lịch sử, nếu không phải là hoàn toàn phủ nhận tính thích đáng của những phân tích lịch sử[20]. Nó còn tạo ra sự liên kết với những cách đặt vấn đề đã có trước về những xã hội bị thuộc địa hóa và chia sẻ vài cách đặt vấn đề của nó với những nhà sử học thuộc những lĩnh vực khác. Nói một cách khác, nó tách ra khỏi sự cấp tiến được Nghiên Cứu Hậu Thực Dân phô trương, nhưng lại thuần hóa cách đặt vấn đề của các nghiên cứu này một cách thành công trong những mạng nghiên cứu bằng cách trình bày chúng một cách chặt chẽ hơn[21]. Đóng góp đầu tiên của các nghiên cứu này giống như một sự trở lại quá khứ: thật vậy sự phân tích diễn ngôn thực dân đòi hỏi một lịch sử về những người diễn đạt và những người tiếp nhận diễn ngôn này, điều làm cho sự quan tâm đến lịch sử về những người thực dân tăng trở lại. Tuy nhiên sự trở lại cũng giới hạn: lịch sử về những tác nhân của sự thống trị, về những định chế và những mạng đã đưa đẩy lịch sử này vẫn còn đang bị bỏ hoang và cần phải được viết ra. Thêm nữa, xa vời với việc nối lại giọng điệu anh hùng ca của lịch sử ca tụng công cuộc thực dân hoá, các nhà sử học và các nhà nhân học đã chứng minh rằng những kẻ thực dân đã không quản lý sự thống trị một cách hợp lý và có hiệu quả như những gì chúng viết khẳng định.
|
|
Do đó, họ đã kết hợp lịch sử của ý thức hệ thực dân với một lịch sử xã hội về công cuộc thực dân hóa vốn là phương cách duy nhất cho phép hiểu được tốt cách vận hành và những trục trặc của sự thực dân hoá. Họ đã đề cập lịch sử xã hội này qua chiều kích văn hóa, tức là qua những dự án đã quy định, song hành cùng sự thực thi của sự thống trị, đôi khi chỉ thêm những lời bình luận ít nhiều thích đáng.
Các nhà nhân học đã nghiên cứu nhiều hơn các nhà truyền giáo vốn là hiện thân của một dự án văn hóa rất nhất quán (sự quy thuận tôn giáo đồng thời cũng là chuyển đổi văn hóa và xã hội) có tiếng vang lớn ở chính quốc[22]. Những học giả này còn có sự tương tác rất lớn với người bản địa. Như vậy lịch sử của các chuyên gia này mở ra một lịch sử xã hội, văn hóa và chính trị toàn diện về sự thống trị.
|
|
|
|
Các nhà sử học đã lựa chọn những lối vào khác. Xuất phát từ những đoạn được giới hạn một cách chặt chẽ trong diễn ngôn thực dân, đặc biệt là các thực tiễn và các sản phẩm khoa học và ý niệm về sứ mệnh khai hóa[23], họ đã nghiên cứu sự triển khai và tiến hóa của diễn ngôn này trên những mạng ở chính quốc hay ở thuộc địa. Sự gắn chắc của diễn ngôn thực dân (với những mạng này) cho phép đề cập đến câu hỏi cốt yếu về sự tiếp nhận nó. Điều này còn khơi mở cho việc so sánh văn bản của những dự án với những thành tựu vốn có thể phù hợp hay không với diễn ngôn. Sự nghiên cứu sâu này về ý thức hệ thực dân gắn liền, ở thượng nguồn, với những nghiên cứu lấy cảm hứng từ thuyết mác xít về sự vật thể hóa (réification) quyền lực thực dân[24] và thiết lập sự liên kết với những nghiên cứu của các nhà sử học về các khoa học. Thật vậy những thực tiễn khoa học thực dân nằm ở tụ điểm của những kiến thức rất khác nhau và ở trong một mối tương quan thường tương đối căng thẳng với những thực tiễn ở chính quốc. Đây là một vấn đề được mất về quyền lực ở cấp độ địa phương và đế chế thực dân, nhưng không vì thế mà từ bỏ cái biên độ tự trị vốn là cơ sở cho tính khoa học của những thực tiễn thực dân này. Do đó, chúng là một đối tượng được ưu tiên và chia sẻ, cho phép đặt vấn đề mối tương quan giữa kiến thức và quyền lực về mặt lịch sử, vượt qua quan niệm thường là quy giản về sự thao túng của thực dân đối với tất cả những kiến thức.
|
|
Đóng góp thứ hai của Nghiên Cứu Thuộc Địa gắn trực tiếp với những thành tựu của lịch sử xã hội chặt chẽ này về sự thống trị. Khi nghiên cứu về những biên giới và những kẽ hở ngay trong các thuộc địa và giữa các thuộc địa với chính quốc[25], các nhà nhân học và sử học đã khôi phục lại cái thực tế của các xã hội thuộc địa và kéo nó khỏi vùng vô chốn (non lieu) mà sự khác biệt giữa các lịch sử dân tộc đã kìm hãm chúng. Họ đã thay thế cái thế đôi ngả đơn giản cộng tác/kháng cự bằng những phân tích đặt trọng tâm vào khả năng sáng tạo và hành động của những người bị thống trị (agency trong tiếng Anh), đề xuất một sự hiểu biết tinh tế hơn nhiều về những chiến lược thích hợp hay tạo khoảng cách của cá nhân và tập thể đối với một sự thống trị tàn nhẫn nhưng không có khả năng kiểm soát mọi chuyện về mặt vật chất và văn hóa. Như vậy Nghiên Cứu Thuộc Địa kêu gọi thực hiện một sự tái cấu thành lịch sử thuộc địa bằng cách nhấn mạnh đến sự phức tạp của cái lịch sử được chia sẻ và phải được viết lên từ nhiều quan điểm và với nhiều giọng nói. Với thách thử này lại còn có thêm thách thức mới, đó là một đối tượng gần như mang tính thử nghiệm: những xã hội đã tồn tại trong nhiều thập kỷ và sau đó đã tan rã, toàn bộ hay từng phần. Để nắm bắt sự không ổn định của các xã hội thuộc địa, Nghiên Cứu Thuộc Địa đã sử dụng khái niệm “tình huống thuộc địa” được mượn của Georges Balandier. Quy chiếu lý thuyết triệt để này[26], có thể được xem như là quy chiếu Pháp độc đáo mà Nghiên Cứu Thuộc Địa dùng để đối lại với cả một nhóm tác giả Pháp mà Nghiên Cứu Hậu Thực Dân đã triệu tập, thật sự tạo ra một đường phân cách rõ ràng giữa hai trào lưu nghiên cứu này. Thật vậy, nó ghi nhận Nghiên Cứu Thuộc Địa trong một logic để mô tả và thông hiểu, quen thuộc với các nhà sử học, nhưng lại không tương hợp với những sự ngoại suy xuất sắc của những tổng hợp hậu hiện đại. Tuy nhiên, thật quá giản lược nếu xem Nghiên Cứu Thuộc Địa như là một sự hỗn hợp những nghiên cứu địa phương (cục bộ) nhỏ biểu lộ sự dấn thân thực dụng của những nhà nhân học và sử học từ chối xem xét những gì vượt quá thực địa hay tài liệu lưu trữ của họ. Nếu Nghiên Cứu Thuộc địa khẳng định sự cần thiết phải bắt đầu với những cuộc khảo sát tỉ mỉ để nắm bắt những phương thức vận hành của sự thống trị, nó cũng đề nghị những cấp độ phân tích khác. Một mặt, nó tổ chức sự hội tụ theo chủ đề trên sân khấu của thuộc địa này đến thuộc địa khác, và do đó cung cấp một sức sống mới cho những sự so sánh giữa các công cuộc thực dân hóa.
Mặt khác, Nghiên Cứu Thuộc Địa còn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thay đổi góc nhìn đặc biệt bằng cách phân biệt một chiều kích thuôc địa, được thể hiện trong các bản chuyên khảo và một chiều kích mang tính đế chế được các chính quốc và các thuộc địa chia sẻ và bao gồm những trao đổi giữa chính quốc và thuộc địa, chính quốc này với chính quốc khác, thuộc địa này với thuộc địa khác, một đế chế này với một đế chế khác. Khác với Nghiên Cứu Hậu Thực Dân nhìn thấy chủ nghĩa thực dân khắp mọi nơi, Nghiên Cứu Thuộc Địa cố gắng đo lường một cách chính xác những hậu quả của chủ nghĩa thực dân trên các xã hội thuộc địa và thực dân và cả trên cộng đồng quốc tế mà các xã hội này hợp thành. Nghiên Cứu Thuộc Địa chứng minh rằng chủ nghĩa thực dân đã đóng một vai trò quyết định trong việc xây dựng những bản sắc hiện đại, nhưng lại phủ nhận giả thuyết bông lông (fantaisiste) rằng đó là nguyên lý lý giải phổ cập.
Nhưng cái trò thay đổi cấp độ phân tích rất khó triển khai. Nó xáo trộn sự phân cắt thành những khu vực văn hóa khi khuyến khích sự so sánh và sự phân tích chéo từ khu vực này đến khu vực khác. Và nhất là nó không thể nào dung hòa được với một thứ bậc ngầm tồn tại dai dẳng giữa cái lịch sử “thực”, lịch sử của những xã hội Tây Phương, và những lịch sử ít nhiều lạ kỳ của những xã hội “không Tây Phương” buộc phải xoay xở với những tài liệu gốc ít hợp lệ và những mô hình hay những khái niệm được cấu tạo cho những xã hội khác. Nghiên Cứu Thuộc Địa đối lại sự lưỡng phân ngầm này bằng những lát cắt theo chiều ngang trong tất cả các lãnh vực; tóm lại, các phân tích này thực thi một loại toàn cầu hóa đấu tranh về lịch sử đương đại. Do đó cần phải đánh giá cao việc xác định đối tượng (thực dân/thuộc địa) mà họ xem như là đích thực: sự phản kháng chống một hoạt động sử học ép buộc vài đối tượng – đặc biệt là chủ nghĩa thực dân – vào không gian những điều không thể trông thấy hay, trong trường hợp tốt nhất, là không chính đáng.
Đã đến lúc các câu hỏi do Nghiên Cứu Hậu Thực Dân và đặc biệt là Nghiên Cứu Thuộc Địa đặt ra phải không còn xa lạ nữa đối với các nhà sử học Pháp.
|
Richard Hoggart (1918-2014) |
Không làm cho sử học bị đảo lộn, những câu hỏi này khuyến khích tra vấn lại có tính phê phán quan trọng về những thực tiễn nghiên cứu cá nhân và tập thể. Khi mà chủ nghĩa thực dân, vốn là một trong những yếu tố quyết định lịch sử gần đây của chúng ta, hoàn toàn bị những khung thông thường của những thực tiễn chuyên môn của chúng ta hòa tan, đặc biệt là sự phân chia thành những khu vực văn hóa tương đối bít kín đối với nhau, thì điều đó tất nhiên đặt thành vấn đề. Và cũng chính là việc thiếu một sự quan tâm sử học giải thích những thành công ở Pháp của một trào lưu chống thực dân lỗi thời, rất giống với một sự du nhập Nghiên Cứu Hậu Thực Dân trong chiều kích lừa phỉnh nhất của nó.
Phạm Như Hồ dịch
Chú thích:
[*] Giáo sư sử học, Đại học Paris 8 (ND)↩
[1] Nghiên Cứu Văn Hóa (Cultural Studies) là một trào lưu nghiên cứu thành hình ở Anh trong những năm 1960. Cha đẻ của nó là Richard Hoggart (đặc biệt với cuốn Văn Hóa của Người Nghèo/The Uses of Literacy). Đặc tính của trào lưu này là tính liên ngành – huy động những công cụ của các khoa học xã hội, triết học, nghệ thuật, v.v. – và sự tập trung vào những đối tượng thường bị gạt bỏ trước đây – văn hóa dân gian, văn hóa các thiểu số, văn hóa phản kháng. Trào lưu này được du nhập rất nhanh vào các đại học Mỹ, và ở đây nó còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng và phương pháp hậu hiện đại của các nhà tư tưởng Pháp như Foucault, Derrida và Deleuze. Ta có thể phân biệt 4 tổ hợp chủ đề trong Nghiên Cứu Văn Hóa: ý thức hệ, sự thống trị, sự phản kháng, vấn đề của bản sắc và cộng đồng gắn liền. Với sự nới rộng trường nghiên cứu, Nghiên Cứu Văn Hóa sau này được chia thành nhiều nhánh nhỏ trong đó có Nghiên Cứu Hậu Thực Dân, và cả Nghiên Cứu Giới Tính. Nhưng cũng chính sự nới rộng cũng làm cho cơ sở của nó cũng bị lung lay về mặt khoa học luận, phương pháp luận, gây ra nhiều cuộc tranh cải trong nội bộ và giữa nó và các trào lưu nghiên cứu khác, thậm chí đặt lại vấn đề của tính khoa học/chính trị của nó và các nhành nghiên cứu mà nó đã khơi mở. (ND)↩
[2] Tựa của bản dịch tiếng Pháp, tựa của nguyên tác chỉ là Orientalism (ND)↩
[3] Edward SAID đã tiếp tục sự phê phán diễn ngôn thực dân trong Văn hóa và Đế quốc, Paris, Fayard – Le Monde Diplomatique, do Paul Chemia dịch từ tiếng Anh, 2000 [1993]. Để có một quan điểm mới hơn, xem D. RIVET, “Culture et impérialisme en débat” (“Tranh luận về Văn Hóa và Đế Quốc”), Revue d’histoire moderne et contemporaine, tập 48, số 4, 2001, trg. 209-215.↩
[4] Tập Le Mal de voir do Henri MONIOT xuất bản năm 1976 đề nghị một bản kiểm kê phê phán về khoa học thực dân nhưng lại được phân chia trong sự ngăn vách giữa các ngành và các khu văn hóa. Do đó, cuốn này chỉ là một không gian gặp gỡ mang tính thời cuộc hơn là điểm xuất phát của những nghiên cứu hội tụ với nhau. Xem H. MONIOT (chủ biên), Le mal de voir. Ethnologie et orientalisme: politique et épistémologie, critique et autocritique (Le Mal de voir. Dân tộc học và Đông phương học: chính trị và khoa học luận, phê phán và tự phê phán), Paris, UGE – 10/18, Cahiers Jussieu, số 2, 1976.↩
[5] Nó đặc biệt bắt tréo với những nghiên cứu về “Sự sáng tạo các truyền thống” xung quanh Eric HOBSBAWN và Terence RANGER. Xem Eric HOBSBAWN và Terence RANGER (chủ biên), The Invention of Tradition (Sự Sáng tạo các truyền thống), Cambridge, Cambridge University Press, 1983.↩
[6] Bill ASHCROFT, Gareth GRIFFITHS, Helen TIFFIN, The Empire writes back. Theory and Practice in Post-Colonial Literatures (Viết lại về đế chế. Lý thuyết và thực tiễn trong các nền văn học hậu thực dân), Londres – New York, Routledge, 1989.↩
[7] Ngược lại, trong một thời gian dài, những nhà chuyên môn về các nền văn học Pháp ngữ đã có thái độ nghi ngờ với thuyết hậu thực dân và chỉ mới bắt đầu khám phá những sự đóng góp của nó; xem Jean-Marc MOURA, Littératures francophones et théorie postcoloniale (Các nền văn học Pháp ngữ và lý thuyết hậu thực dân), Paris, PUF, 1999 và Adèle KING, “Une joute verbale: le postcolonialisme”, ( “Một cuộc đấu tranh bằng lời nói: thuyết hậu thực dân”), “Thuyết hậu thực dân: bản kiểm kê và tranh luận”, Africultures, số 28, tháng 5, 2000, trg. 23-29.↩
[8] B. J. MOORE -GILBERT, Gareth STANTON, Willy MALEY, Postcolonial Critiscism (Hậu Thực dân phê phán), Londres, Longman, 1997.↩
[9] Cho bản tổng kết mang tính văn học của Adèle KING, ta còn có thể cộng thêm bản tổng kết mang tính lịch sử của Dane KENNEDY: “Imperial History and Post-Colonial Theory” (“Lịch sử của Đế chế và Lý thuyết Hậu Thực Dân”), The Journal of Imperial and Commonwealth History, tập 24, số 3, 1996, trg. 345-363.↩
[10] Sự lạm dụng các thuật ngữ bản địa để chỉ bản sắc những người thuộc địa biểu lộ xu hướng bản chất hóa này.↩
[11] Anne MC LINTOCK, “The Angel of Progress: Pitfalls of the Term “Post-Colonialism”” (“Tính kỳ diệu của sự tiến bộ: Cạm bẫy của thuật ngữ “Hậu thực dân”), Social Text, số 31-32, 1990, trg. 84-98.↩
[12] Trên phương diện này, nó khó có thể so sánh với trường phái lịch sử Ấn Độ về Subaltern Studies (Nghiên Cứu Thứ Yếu) mà nó cho rằng là nguồn cảm hứng của chính mình. Về Nghiên Cứu Thứ Yếu, xem Mamadou DIOUF, L’historiographie indienne en débat. Colonialisme, nationalisme et sociétés postcoloniales (Tranh luận về thuật biên soạn lịch sử Ấn Độ. Chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc và xã hội hậu thực dân), Karthala-Sephis, 1999, và số đặc biệt “Intellectuels en diaspora et théories nomades” ( “Trí thức ở nước ngoài và lý thuyết du cư” ), L’Homme. Revue Francaise d’anthropologie, số 156, tháng 10-12 năm 2000.↩
[13] Xem A. MC CLINTOCK, “Tính kỳ diệu của sự tiến bộ…”, bài đã được trích dẫn ở trên và Frederick COOPER, “Decolonizing Situations. The Rise, Fall, and Rise of Colonial Studies, 1951-2001” (“Các tình huống phi thực dân hóa. Sự thăng hoa, sự suy sụp và sự thăng hoa của Nghiên Cứu Thuộc Địa, 1951-2001”) French Politics, Culture and Society, tập 20, số 2, 2002, trg. 47-76. Cùng tác giả, “Development, Modernization, and the Social Sciences in the Era of Decolonization: The Examples of British and French Africa” (“Phát triển, Hiện Đại Hóa vá các khoa học xã hội vào thời đại Phi thực dân hóa: trường hợp của Phi Châu thuộc quyền cai trị của Anh và của Pháp”), Revue d’histoire des sciences humaines, số 10, 2004, trg. 9-38.↩
[14] “Sự đồng lõa của chủ nghĩa hậu thực dân đối với sự thống trị nằm ở chỗ nó đã làm cho sự quan tâm bị chuyển hướng khỏi những vấn đề hiện đại về sự thống trị xã hội, chính trị và văn hóa và làm lu mờ chính mối quan hệ của nó với cái vốn là điều kiện của sự thành hình (xuất hiện) của chính nó, tức là chủ nghĩa tư bản thế giới, tuy bề ngoài có vẻ là bị xé nhỏ, nhưng vẫn là nguyên lý cấu trúc hóa các mối quan hệ toàn cầu.” Arif DIRLIK, “The Postcolonial Aura: Third World Criticism in the Age of Gobal Capitalism” (“Hào quang hậu thực dân: Phê phán Thế Giới Thứ Ba vào thời đại của chủ nghĩa tư bản toàn cầu”), Critical Inquiry, số 20, 1994, trg. 328-356, trích dẫn trg. 331. Dirlik còn khẳng định rằng Nghiên Cứu Hậu Thực Dân phản ánh trước hết tâm thế của những trí thức của Phương Nam đã được tuyển lựa vào các đại học tốt nhất của Mỹ và nói cho cùng cũng chỉ biết một ngôn ngữ - hậu cấu trúc – xa lạ với những người dân mà họ cho rằng họ là những người đại diện. Sự vươn lên của Nghiên Cứu Hậu Thực Dân hiển nhiên gắn liền với sự có mặt của những người này nhưng những cuộc tranh luận bị bẫy bởi tính đúng đắn về mặt chính trị vốn đặt ra một sự cấm chỉ về dữ liệu này, trừ khi chính họ là trí thức của Phương Nam (đó là trường hợp của Dirlik vốn là người gốc Thỗ Nhĩ Kỳ).↩
[15] Johannes FABIAN, Times and the Other: How Anthropology Makes Its Object (Thời gian và kẻ khác: Nhân học xây dựng đối tượng của mình như thế nào), New York, Columbia University Press, 1983; James CLIFFORD và George MARCUS (chủ biên), Writing Culture: The Politics and Poetics of Ethnography (Văn hóa viết: Chính sách và thi pháp của nhân học), Berkeley, University of California Press, 1986.↩
[16] Clifford GEERTZ, Ici et là-bas. L’anthropologue comme auteur (Ở đây và ở đó. Nhà nhân học như là tác giả), [1998], do Daniel Lemoine dịch từ tiếng Anh, Paris, NXB Métaillié, 1996.↩
[17] Từ năm 1992, một công trình tập thể làm đảo lộn các viễn tượng và tập trung vào các mối liên hệ giữa chủ nghĩa thực dân và văn hóa khi khẳng định ngay từ đầu rằng ta không thể hiểu được sự thống trị mà không phân tích các thách thức văn hóa vì “chủ nghĩa thực dân trước hết là vấn đề văn hóa” (“culture was what colonialism was about”), Nicholas DIRKS, Colonialism and Culture (Chủ nghĩa thực dân và văn hóa), Ann Arbor, Michigan University Press, 1992, trg. 3.↩
[18] M. DIOUF, L’historiographie indienne en débat. Colonialisme, nationalisme et sociétés postcoloniales (Thuật biên soạn lịch sử của Ấn Độ …, sđd).↩
[19] Frederick COOPER, “Divergences et convergences: vers une relecture de l’histoire africaine” (“Những bất đồng và những hội tụ: tiến tới việc đọc lại lịch sử của Phi Châu”), trong M. DIOUF, Thuật biên soạn lịch sử của Ấn Độ …, sđd, trg. 433 – 482.↩
[20] Viện cớ là sử học cũng chỉ là diễn ngôn trong bao diễn ngôn khác, điều cũng đúng cho tất cả các công trình nghiên cứu bác học, và nó đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong ý thức hệ thực dân, một điều còn cần phải chứng minh.↩
[21] Một thư mục tương đối đầy đủ về Nghiên Cứu Thuộc Địa có thể được tìm thấy trong dẫn nhập của F. COOPER và ANN STOLER (chủ biên), Tensions of Empire. Colonial Cultures in a Bourgeois World (Những căng thẳng trong Đế chế. Văn hóa thuộc địa trong một thế giới trưởng giả), Berkeley University of California Press, 1997. Một bản đầu tiên của bài này đã được xuất bản năm 1989 và sự so sánh cho thấy các nhà sử học và nhân học lúc đầu đã tán đồng cách đặt vấn đề của Nghiên Cứu Hậu Thực Dân vốn đáp ứng phần nào chính những câu hỏi của họ, trước khi lánh xa nó; xem Idem, “Introduction: Tensions of Empire: Colonial Control and Visions of Rule” (“Dẫn nhập: Những căng thẳng trong Đế Chế: Sự Kiểm soát Thực dân và các cách Diễn giải Quy tắc”), American Ethnologist, tập 16, số 4, 1989, trg. 609-621.↩
[22] Jean và John COMAROFF, Of Revelation and Revolution: Christianity, Colonialism and Consciousness in South Africa (Về sự Thiên Khải và Cách Mạng: Cơ đốc Giáo, Chủ Nghĩa Thực Dân và Ý Thức ở Nam Phi), tập 1, Chicago, Chicago University Press, 1991.↩
[23] Michael OSBORNE, Nature, the Exotic, and the Science of French Colonialism (Thiên nhiên, Cái Xa Lạ, và Khoa học của chủ nghĩa thực dân Pháp), Bloomington, Indiana University Press, 1994 và Alice L. CONKLIN, A Mission to Civilize. The Republican Idea of Empire in France and West Africa, 1895-1930 (Sứ mệnh khai hóa. Ý tưởng Cộng hòa về Đế Chế ở Pháp và Tây Phi, 1895-1930), Stanford, Stanford University Press, 1997.↩
[24] Sự tương phản thật rõ ràng giữa nhân học này về chủ nghĩa thực dân vốn khảo sát những mối quan hệ với thuật cai trị hiện đại, xem Peter PELS, “The Anthropology of Colonialism: Culture, History, and the Emergence of Western Governementality” (“Nhân học về chủ nghĩa thực dân: Văn hóa, Lịch sử và sự hình thành của thuật Cai Trị của Tây Phương”), Annual Review of Anthropology, tập 26, 1997, trg. 163-183, hay lịch sử các lý thuyết và các thực tiễn thực dân theo chủ đề, xem F. COOPER, Decolonization and African Society. The Labor Question in French and Colonial Africa (Phi thực dân hóa và xã hội Phi Châu, Vấn đề lao động ở các thuộc địa của Pháp ở Phi Châu), Cambridge, Cambridge University Press, 1996, và các những điều sáo do các chuyên gia mới về sự tuyên truyền thực dân phổ biến nhưng lại không đề cập đến vấn đề của sự tiếp nhận nó.↩
[25] Do đó tầm quan trọng dành chẳng hạn cho sự quản lý thực dân về bản năng giới tính vốn mang tính chính trị rõ ràng; xem Ann L. STOLER, Race and the Education of Desire: Foucault’s History of Sexuality and the Colonial Order (Chủng tộc và sự giáo dục về tình dục: Lịch sử của tình dục và trật tự Thực Dân của Foucault), Durham, Duke University Press, 1995.↩
[26] Lễ kỷ niệm thứ 50 của bài của ông về tình huống thuộc địa được xuất bản năm 1951 đã được tổ chức ở New York; xem Emmanuelle SAADA (chủ biên), “Regards croisés: Transatlantic Perspectives on the Colonial Situation” (“Cái nhìn chéo: Viễn tượng xuyên Đại tây dương về tình huống thuộc địa”), French Politics, Culture and Society, tập 20, số 2, 2002.↩