2.11.18

Edmond Malinvaud, giải thích và giải quyết vấn đề thất nghiệp


EDMOND MALINVAUD, GIẢI THÍCH VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ THẤT NGHIỆP
Gilles Dostaler
Là nhà kinh tế toán học, người tạo cảm hứng cho trường phái mất cân bằng, Edmond Malinvaud kết hợp kinh tế học vi môkinh tế học vĩ mô, đặc biệt trong phân tích của ông về tình trạng thất nghiệp.
Đối với Edmond Malinvaud, nghiên cứu thực nghiệm cũng quan trọng như nghiên cứu lý thuyết.
Edmond Malinvaud thuộc thành phần một danh sách dài những lí thuyết gia người Pháp về kinh tế học, từng trước tiên học ngành kỹ sư. Ông được đào tạo vững chắc về toán học trước khi chuyển sang kinh tế học. Chính những vấn đề xã hội đã dẫn ông đến với bộ môn này. Ông nhớ lại, trong một văn bản có tính tự truyện, rằng bố ông đã có những ý tưởng xã hội chủ nghĩa và ông bị ấn tượng, từ thời còn trẻ, bởi sự đình trệ mà cuộc khủng hoảng năm 1930 đã nhấn chìm các ngành nghề đồ sứ và nghề đóng giày của Limoges, thành phố quê hương của ông. Tuy là nhà kinh tế toán học, ông cho rằng kinh tế học không được coi thường các vấn đề xã hội và chính trị, nếu không thì chính ta tự làm khó mình để hiểu được sự kết hợp phức tạp của các nhân tố tác động đến sự tăng trưởng và các cấu trúc của xã hội.
Là nhà nghiên cứu đồng thời vừa giảng dạy, là tác giả của rất nhiều bài viết, Malinvaud đã lần lượt cống hiến một phần quan trọng sự nghiệp của ông cho các nhiệm vụ quản lý công như là nhà thống kê, cố vấn kinh tế, điều hành nhiều định chế. Ông luôn tin vào tầm quan trọng của nghiên cứu thực nghiệm, quan sát, cũng như tầm quan trọng của nghiên cứu lý thuyết trên cơ sở của sự khái niệm hóa, mô hình hóa và tính chặt chẽ. Kinh tế học đối với ông là một khoa học, chắc chắn ít chính xác và hoàn thiện bằng các khoa học tự nhiên, nhưng có khả năng giúp cải thiện số phận của nhân loại. Tuy cảnh giác với các nhãn hiệu, ông vẫn tự cho mình gần với học thuyết Keynes hơn là gần với những người tin vào sự cân bằng liên tục và tức thì của thị trường. Ông cho rằng tính duy lý của các tác nhân kinh tế bị hạn chế lớn hơn nhiều so với những người tin vào dòng tư tưởng nói trên.
Marcel Boiteux (1922-)
Maurice Allais (1911-2010)
Trong hành trình dẫn ông đến kinh tế học, Maurice Allais có một vai trò quan trọng. Malinvaud gặp ông ấy vào năm 1947 khi Allais là giáo sư tại trường Ensae (École nationale de la statistique et de l'administration économique [Trường quốc gia thống kê và quản lý kinh tế]). Năm sau, ông gia nhập một nhóm các nhà kinh tế học trẻ, tập hợp quanh Allais để thảo luận về kinh tế học và thống kê; trong số đó có Gerard Debreu và Marcel Boiteux. Ông gặp lại Debreu tại Chicago, trong Ủy ban Cowles, nơi ông định cư một năm và có cơ hội tiếp xúc với những nhà tiên phong của kinh tế toán học và kinh trắc học hiện đại, Jacob Marschak, Tjalling Koopmans, Kenneth Arrow, Leonid Hurwicz và Leonard Savage. Đây là sự khởi đầu của một sự nghiệp, mà hai mươi năm sau, ông nổi danh như là nhà kinh trắc học và nhà kinh tế học vi mô. Bên cạnh rất nhiều bài báo, sách giáo khoa mà ông công bố về kinh trắc học (1964) và kinh tế học vi mô (1969), được dịch ra nhiều thứ tiếng, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, như tác phẩm gồm hai tập mà ông dành cho đề tài kinh tế học vĩ mô (1980-1981).
Mất cân bằng và phân loại thất nghiệp
Đối với Malinvaud, nền kinh tế là một hệ thống mà Nhà nước là kết quả của các quyết định của các tác nhân tự chủ, nhưng bị ràng buộc bởi các thể chế và cấu trúc chi phối hành vi của họ. Vì vậy, kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô gắn chặt với nhau. Một hệ thống như vậy có thể được đặc trưng bởi những trục trặc vận hành phát sinh từ hành động của các tác nhân cũng như của các cơ quan công quyền. Tất nhiên tình trạng thất nghiệp là sự trục trặc vận hành nghiêm trọng nhất, khi xét đến những hậu quả thảm khốc đối với phúc lợi của người dân và nguy cơ gây ra đối với sự ổn định xã hội và chính trị.
Axel Leijonhufvud (1933-)
Robert W. Clower (1926-2011)
Khái niệm cân bằng có một vai trò quan trọng trong lập luận kinh tế, nhưng Malinvaud bác bỏ ý tưởng cho rằng người ta đạt được trạng thái cân bằng một cách tức thì, trong một thế giới không có ma sát, và có thể xem trạng thái cân bằng này là được trang bị những đặc điểm mang tính thường xuyên và tổng quát. Đối với ông, một cách tiếp cận bằng khái niệm cân bằng tạm thời với giá cả cố định (còn được gọi là cân bằng chung phi Walras) có vẻ phong phú hơn để phân tích và giải thích thực tế kinh tế. Cách tiếp cận này có mặt một cách ngầm ẩn ở Keynes và ở một số người kiến giải ông ấy, như John Hicks, Don Patinkin, Robert W. Clower hay Axel Leijonhufvud. Vấn đề là giải thích cách thức các hành vi kinh tế học vi mô có thể tạo ra những mất cân bằng kinh tế vĩ mô thường xuyên, trên thị trường sản phẩm cũng như trên thị trường lao động, những mất cân bằng được định nghĩa như là sự không bằng nhau giữa cung và cầu. Đó là lý do tại sao dòng tư tưởng này được đặt tên là “Trường phái mất cân bằng”. Kể từ những năm 1970, dòng tư tưởng này đã phát triển chủ yếu ở Pháp, dưới sự thúc đẩy của các công trình của Jean-Pascal Benassy, ​​Jean-Michel Grandmont, Jacques Drèze và Yves Younes. Malinvaud có thể được coi như là người truyền cảm hứng cho trường phái này.
Chính tại hội nghị được tổ chức tại Helsinki vào tháng Giêng năm 1976 mà Malinvaud lần đầu tiên trình bày lý thuyết cân bằng chung với giá cả cố định, làm nền tảng cho lý thuyết kinh tế học vĩ mô về thất nghiệp. Ông phân biệt ba trạng thái kinh tế học vĩ mô về thất nghiệp, mà ông đặt tên là “thất nghiệp keynesian”, “thất nghiệp cổ điển” và “lạm phát bị kiềm chế”.

Thất nghiệp keynesian được gây ra bởi dư thừa phổ biến của cung. Cung của những người bán sức lao động và sản phẩm bị hạn mức, người lao động không tìm được việc làm với mức lương hiện hành và người bán hàng không thể bán được tất cả những gì họ muốn theo mức giá hiện hành: “Có tình trạng khiếm dụng lao động và các doanh nghiệp không sản xuất được nhiều như họ mong muốn, do thiếu cầu thực tế. Đó là tình trạng thất nghiệp keynesian” (Réexamen de la théorie du chômage [Xét lại lý thuyết về thất nghiệp], trang 71-72).
Thất nghiệp cổ điển được đặc trưng bởi dư thừa cung lao động và dư thừa cầu sản phẩm, người tiêu dùng bị hạn mức với tư cách người bán sức lao động và người mua sản phẩm: “Khi lao động không được sử dụng hết, nhưng các doanh nghiệp thì bán được hết sản phẩm mong muốn, thì có thể nói đó là tình trạng khiếm dụng lao động cổ điển” (cùng tác giả, trang 72-73). Tình trạng khiếm dụng lao động này về cơ bản gắn với một lợi nhuận không đủ của các doanh nghiệp. Cuối cùng sẽ có lạm phát bị kiềm chế, khi cầu của người mua sản phẩm và cầu của người mua sức lao động bị hạn mức, dẫn đến dư thừa phổ biến của cầu.
Có rất nhiều lý do phức tạp khiến giá cả, và đặc biệt là tiền lương, không thay đổi để khôi phục trạng thái cân bằng; chúng phát sinh từ những nhân tố xã hội và chính trị, nếu không muốn nói là nhiều hơn từ các nhân tố kinh tế thuần túy. Chính kinh tế học lao động có nhiệm vụ làm sáng tỏ, trong số những nhiệm vụ khác, ví dụ qua việc nghiên cứu cách thức các hợp đồng lao động được xác định.
Malinvaud cho rằng, kể từ năm 1965, nền kinh tế Pháp đã trải qua cả ba kiểu cân bằng mà ông đã mô tả. Tình hình phức tạp hơn khi thất nghiệp cổ điển và thất nghiệp keynesian có thể cùng tồn tại. Tuy nhiên các chính sách cần triển khai để giải quyết các loại thất nghiệp thì khác nhau. Chẳng hạn, việc gia tăng các chi tiêu công chỉ hiệu quả để giải quyết tình trạng thất nghiệp keynesian. Và các biện pháp cần thiết để giải quyết tình trạng thất nghiệp cổ điển có thể làm trầm trọng thêm tình hình thất nghiệp keynesian. Việc giảm tiền lương có thể có tác dụng kích thích khả năng sinh lợi, nhưng không kích thích tiêu dùng và cường độ thâm dụng tư bản.
Vấn đề với các cách tiếp cận kinh tế học vĩ mô mới, như học thuyết trọng tiền, những dự kiến duy lý hay kinh tế học trọng cung, là chỉ nhấn mạnh đến các hiện tượng dài hạn, trong khi trong các nền kinh tế hiện đại, tình trạng thất nghiệp keynesian lại phổ biến hơn nhiều. Trước những phát triển gần đây nhất về kinh tế học vĩ mô, đặc biệt tại Hoa Kỳ, Malinvaud biểu lộ một sự vỡ mộng nào đó. Thật vậy, hầu hết các đồng nghiệp của ông có vẻ tin rằng từ nay không có nhiều việc phải làm để tiêu trừ tình trạng thất nghiệp mà họ bác bỏ bản chất không tự nguyện. Tình trạng thất nghiệp có tính tự nguyện hay có tính ma sát.
Một chính sách kinh tế mới (new deal) của châu Âu
Trong một bài viết được biên soạn cùng với mười hai nhà kinh tế học khác vào năm 1993, ông đề xuất một sáng kiến ​​phục hồi kinh tế châu Âu mà ông so sánh, trong một cuộc phỏng vấn được công bố trên tờ Le Monde ngày 16 tháng 11, như một chính sách kinh tế mới (new deal) của châu Âu. Sáng kiến đó bao gồm ba việc: nhanh chóng giảm lãi suất thực xuống gần bằng không, giảm chi phí lao động không có tay nghề bằng việc miễn trừ mọi khoản đóng góp bảo hiểm xã hội của chủ lao động đối với tiền lương tối thiểu và khởi động các chương trình đầu tư vì mục đích tập thể tương đương với 4% tổng sản phẩm trong khối (GDP) của châu Âu. Ông nói trong cuộc phỏng vấn: “Ở tuổi của tôi, và cho đến khi qua đời, tôi sẽ vẫn trung thành với ý tưởng cho rằng các nhà kinh tế học có thể gây ảnh hưởng đến việc làm”. Chính sách kinh tế phải nhằm giải quyết những biến động mang tính tình thế để đảm bảo toàn dụng lao động và ổn định giá cả, nhưng trong dài hạn, còn để đảm bảo một sự tăng trưởng cho phép đạt được các mục tiêu phát triển mà một cộng đồng quốc gia chọn lựa.
*
*     *
Edmond Malinvaud qua vài năm tháng
1923: Sinh tại Limoges, ngày 25 tháng 4.
1942: học tại Trường bách khoa.
1946: học tại Trường Thống kê và Quản trị Kinh tế Quốc gia (Ensae) thuộc Viện Insee (Institut national de la statistique et des études économiques - Viện Quốc gia Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế), ban đầu với tư cách là sinh viên, rồi lần lượt là quản trị viên, Tổng thanh tra và Tổng giám đốc của Insee.
1950-1951: là nhà nghiên cứu khách mời tại Ủy ban Cowles, tại Đại học Chicago.
1953: Capital Accumulation and Efficient Allocation of Resources (Tích lũy tư bản và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực).
1954: Aggregation Problems in Input-Output Models (Những vấn đề tổng gộp trong các mô hình đầu vào-đầu ra).
1954-1964: Đồng Giám đốc của tạp chí Econometrica.
1957: Initiation à la comptabilité nationale (Nhập môn hệ thống tài khoản quốc gia).
1957-1993: Giám đốc nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu cao cấp về Khoa học Xã hội.
1962-1966: Giám đốc trường Ensae.
1963: Chủ tịch Hội kinh trắc học.
1964: Méthodes statistiques de l’économétrie (Các phương pháp thống kê trong kinh trắc học).
1969: Leçon de théorie microéconomique (Bài giảng về lý thuyết kinh tế vi mô).
1969-1972: Giáo sư tại Đại học Paris I.
1972: đồng tác giả với Jean Jacques Square và Paul Dubois, La croissance française. Un essai d’analyse économique causale de l’après-guerre (Tăng trưởng của Pháp. Một tiểu luận phân tích kinh tế nhân quả thời hậu chiến).
1972-1974: Vụ trưởng vụ dự báo tại Bộ Kinh tế và Tài chính.
1974-1977: Chủ tịch Hiệp hội các khoa học kinh tế quốc tế.
1974-1987: Tổng giám đốc viện Insee.
1977: The Theory of Unemployment Reconsidered (Xét lại lý thuyết về thất nghiệp).
1980: Profitability and Unemployment (Lợi nhuận và thất nghiệp).
1980-1981: Chủ tịch Viện thống kê quốc tế.
1981-1982: Théorie macroéconomique (Lý thuyết kinh tế vĩ mô).
1983: Essais sur la théorie du chômage (Các tiểu luận về lý thuyết thất nghiệp).
1984: Mass Unemployment (Thất nghiệp đại trà).
1986-1987: Chủ tịch Hiệp hội các khoa học kinh tế của Pháp.
1988: Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế châu Âu.
1988-1993: Giáo sư tại trường Collège de France.
1991: Voies de la recherche macroéconomique (Các hướng nghiên cứu kinh tế vĩ mô).
1993: Equilibre général dans les économies de marché. L’apport de recherches récentes (Cân bằng chung trong các nền kinh tế thị trường. Sự đóng góp của các nghiên cứu gần đây).
1996: Pourquoi les économistes ne font pas de découvertes (Tại sao các nhà kinh tế học không có được những khám phá).
2000: Il n’y a pas de frontières fixes entre les disciplines (Không có ranh giới cố định giữa các bộ môn).
2015: mất ngày 7.3 tại Paris.

Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Malinvaud
Capital Accumulation and Efficient Allocation of Resources, Econometrica, 1953.
Aggregation Problems in Input-Output Models, trong The Structural Interdependence of the Economy, của Tibor Barna (chủ biên), John Wiley, 1954.
Initiation à la comptabilité nationale, Imprimerie nationale.
Méthodes statistiques de l’économétrie, Dunod, 1964.
Leçon de théorie microéconomique, Dunod, 1969.

La croissance française. Un essai d’analyse économique causale de l’après-guerre, đồng tác giả với Jean Jacques Carré và Paul Dubois, Le Seuil, 1972.
Réexamen de la théorie du chômage, Calmann-Lévy, 1980.
Profitability and Unemployment, Cambridge University Press, 1980.
Théorie macroéconomique, 2 vol., Dunod, 1981-1982.
Essais sur la théorie du chômage, Calmann-Lévy, 1983.
Mass Unemployment, Basil Blackwell, 1984.
Voies de la recherche macroéconomique, Odile jacob, 1991.
Equilibre général dans les économies de marché. L’apport de recherches récentes, Economica, 1993.
Pourquoi les économistes ne font pas de découvertes, Revue d’économie politique, vol. 106, no 6, novembre-décembre 1996.
Il n’y a pas de frontières fixes entre les disciplines, L’économie politique no 6, 2e trimestre 2000.
Những tác phẩm viết về Malinvaud

Mélanges économiques. Essais en l’honneur d’Edmond Malinvaud, par Margaret Mead et Paul Byers, Economica, 1988.
Malinvaud, Edmond, Réexamen de la théorie du chômage, của Pierre Dehez, trong Dictionnaire des grandes œuvres économiques, của Xavier Greffe, Jérôme Lallemend và Michel de Vroey (chủ biên), dalloz, 2002.
Malinvaud et la théorie macroéconomique, của Georges Molins-Ysal, dans L’actualité économique, partie I, 1983, vol. 59, pp 89-107 et partie II, 1984, vol. 60, pp 95-105.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn:Edmond Malinvaud, expliquer et combattre le chômage của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012
Print Friendly and PDF