14.6.15

Qui luật tiêu trường


Qui luật tiêu trường

Says Law
Khái niệm theo đó cung tạo nên chính cầu của nó, hay chính xác hơn là theo đó để có một người yêu cầu thì phải có một người cung cấp, đã được biết đến trong lí thuyết kinh tế trước Jean-Baptiste Say. Có thể tìm thấy khái niệm này trong kinh văn trọng nông và trong Của cải của các dân tộc của Adam Smith (1776). Trong cách phát biểu đơn giản nhất của khái niệm này thì đó chỉ là một sự lặp trùng. Ta luôn có thể nói rằng mệnh đề này bao giờ cũng đúng, cũng như dễ dàng khẳng định rằng nó bao giờ cũng sai ít hay nhiều như đối với những phiên bản tầm thường của lí thuyết định lượng về tiền tệ (Blaugh, 1977, cho một quan hệ chặt chẽ giữa hai qui luật này). Còn đối với những phiên bản tinh tế hơn, vấn đề thật sự không phải là qui luật này là đúng hay sai, mà đúng hơn là xác định dưới những điều kiện nào qui luật này có hiệu lực. Vấn đề này đã gây nên những cuộc tranh luận lớn giữa các nhà kinh tế cổ điển. Trong thời kì đình trệ hậu Napoléon, khiá cạnh thực tiễn của cuộc tranh luận được biết đến như là cuộc tranh luận về sự tắt nghẽn đại trà. Sau này, trong thế kỉ XIX và vào đầu thế kỉ XX, qui luật rơi vào một sự lãng quên tương đối, nhưng được Keynes làm sống lại trong Lí thuyết tổng quát (1936) khi ông trình bày qui luật Say như một tóm tắt của tất cả những gì là sai lầm trong kinh tế học cổ điển (hay có lẽ ngay cả trong kinh tế học trước Keynes). Có lẽ Keynes chưa bao giờ nghiên cứu chính ngay Say một cách sâu sắc nhưng ông đề cập đến qui luật tiêu trường bằng một con đường vòng nhân nghiên cứu tiểu sử Malthus. Người ta nói là cả hai tác giả này (Keynes và Malthus ND) bác bỏ những học thuyết tự điều tiết và xu thế hướng đến cân bằng trên bình diện kinh tế vĩ mô. Những cuộc bàn luận gần đây hơn, như những bàn luận ta gặp trong cách Patinkin xử lí vấn đề trong Money, Interest and Prices, tập trung vào tính đúng đắn về mặt lí thuyết của qui luật trong khuôn khổ của cân bằng chung, và gần đây hơn vào những phiên bản mà ta có thể gán cho Say và cho những nhà kinh tế cùng thời với ông. Một tổng quan xuất sắc đã được Schumpeter (1954) cung cấp. Thomas Sowell (1972) đã viết một quyển sách có uy tín về chủ đề này và đặc biệt có ích về những phiên bản của qui luật trước J.-B. Say.
Don Patinkin (1922-1995)
Trong một nền kinh tế hiện vật, khi không có tích trữ, thì rõ ràng qui luật là áp dụng được: khi bạn không sản xuất được gì cả thì bạn không thể yêu cầu một sản phẩm khác, bất kể đó là sản phẩm gì đi nữa. Phiên bản này của qui luật thường được gọi bằng đồng nhất thức Say. Khi có thể có sự tích trữ, hay khi tiền tệ được đưa vào, rõ ràng là bạn có thể yêu cầu ở một thời kì sau thời kì bạn đã sản xuất. Trong trường hợp này, tại sao các thị trường buộc phải thải hết hàng hoá?
Adam Smith và Say tin là thị trường sẽ giải quyết vấn đề này: tại sao người ta lại để không sử dụng những nguồn lực bất kì, kể cả tiền tệ? Người nào nắm nhiều tiền hơn số họ thật sự chi tiêu thì sẽ cho vay số tiền thặng dư trên thị trường vốn, tại đó người này sẽ tìm ra những người đi vay muốn tiêu dùng, nhưng có khả năng lớn là họ muốn đầu tư và có lợi hơn nhiều. Trên điểm này có một sự bất đồng nhất định giữa các nhà kinh tế cổ điển. Smith và Say không nghi ngờ khả năng sinh lời của mọi đầu tư mới, trong lúc một số tác giả khác e ngại những khó khăn cố hữu của những lợi tức giảm dần.
William Baumol (1922-)
Baumol (1977) đã hoàn toàn phục hồi Say như là tác giả thật sự của qui luật. Tuy nhiên sự phục hồi này không dựa trên cách trình bày trong lần xuất bản đầu tiên của Traité déconomie politique (1803), một cách trình bày vẫn còn ở dạng của phiên bản trùng lặp. Chỉ đến lần xuất bản thứ hai (1814) một qui luật thật sự mới nổi lên, phát biểu rằng trong dài hạn, cầu có thể ở mức sản xuất có những gia tăng lớn. Bởi thế ta có thể loại bỏ như là lạc đề cuộc bàn luận xưa về vấn đề giữa Say và James Mill ai là người đầu tiên tìm ra qui luật, cho dù chắc chắn là Mill có những cách nhìn độc đáo.
Béraud (1992) phân biệt đồng nhất thức Say, đẳng thức Say và một phiên bản yếu tạo thành một điều kiện cân bằng. Đồng nhất thức Say làm tổng cung và tổng cầu bằng nhau trong một nền kinh tế chủ yếu là kinh tế hàng đổi hàng. Đẳng thức Say là mệnh đề theo đó tổng giá trị của dư cung những hàng hoá, trong nghĩa chặt chẽ, bằng không trong tình thế cân bằng. Phiên bản yếu của qui luật Say khoác cho đẳng thức cung cầu sản phẩm vẻ bề ngoài của một điều kiện cân bằng. Béraud còn đi xa hơn Baumol khi cho rằng Say có một cái nhìn về vai trò của tiền tệ trong những quá trình co thắt và bành trướng hoặc bằng những thay đổi của vận tốc lưu thông, hoặc bằng tính linh hoạt của giá cả.
Qui luật Say được Ricardo hoàn toàn chấp nhận. Trong số những người cùng thời với Say, Sismondi và Malthus là hai tác giả phê phán cay độc nhất qui luật này. Bàn luận của hai tác giả này tập trung vào 1) tính cơ động của những nhân tố sản xuất (tư bản lao động) trong ngắn và dài hạn, và 2) vai trò của dân số như là nhân tố của cung và cầu. Sismondi nhấn mạnh đến tính bất động của những nhân tố sản xuất làm cản trở quá trình điều chỉnh cung và cầu. Những mệnh đề của Malthus nhấn mạnh đến tính cứng nhắc tương đối của những lương danh nghĩa trong cuộc suy thoái, và điều này là một cản trở cho việc làm của dân số đang thất nghiệp.
Tác phẩm Nouveaux principes của Sismondi (1819) khẳng định là trong một xã hội thương mại, trong đó các nhà sản xuất làm việc cho những khách hàng mình không biết thì mọi sản xuất trở thành đầu cơ. Như thế cầu là không chắc chắn và kết quả thường là sản xuất thừa. Mặt khác Say bao giờ cũng cho rằng việc phân bổ lại tư bản và lao động sẽ sớm sinh ra sản xuất và do đó sinh ra thu nhập trong những khu vực khác của nền kinh tế, và điều này là liệu pháp cho sản xuất thừa.
Tương phản với quan điểm trên, Sismondi không chỉ chia sẻ cách nhìn của Ricardo theo đó máy móc là quá chuyên biệt hóa để ta có thể chuyển dịch chúng từ ngành này sang ngành khác. Ông cũng nhìn thấy khó khăn này trong trường hợp của lao động: sau một tập huấn dài và tốn kém, chuyên môn của người lao động thuộc về vốn của họ và không thể sử dụng chuyên môn này trong một nghề khác được. Bởi thế, tính cơ động của những nhân tố sản xuất không bù đắp được mấy một sự mất cân bằng sau một thời gian dài điều chỉnh. Ngược lại, đối với Say, nếu tiêu dùng giảm so với sản xuất thì đó là vì nơi khác trong nền kinh tế người ta không sản xuất một khối lượng cho phép sinh ra đủ một cầu thực tế. Say tin tưởng nhiều hơn vào các doanh nhân để giải quyết khó khăn này nhờ việc phân bổ lại tư bản và lao động. Tuy nhiên ông còn mơ hồ trên vấn đề là doanh nhân sẽ sử dụng những nhân tố sản xuất dư thừa hay phân bổ chúng lại giữa việc sử dụng chúng vào những công việc hiện nay và việc sử dụng chúng vào những việc khác.
Những Lettres à Malthus (1820) mà Say viết và được dịch và công bố rộng rãi, đánh dấu một bước quan trọng trong cuộc tranh luận lí thuyết cũng như trong cuộc tranh luận về sự tắt nghẽn đại trà (của sản xuất - ND). Để chữa trị điều giống với một siêu tồn kho của tất cả các thị trường trong vũ trụ, Say khuyến nghị một gia tăng của sản xuất. Ông viện đến Malthus, nhà kinh tế dân số học trong Tiểu luận về nguyên lí dân số, người chứng minh là luôn có đủ những người tiêu dùng. Điều này không nhất quán với sự bi quan của ông trên vấn đề tắt nghẽn, do ông tiên đoán là sẽ thiếu người tiêu dùng.
Khi bảo vệ qui luật của ông chống lại Malthus, Say dường như loại trừ, theo định nghĩa, sản xuất thừa, vì ông từ chối xem hàng không bán được như những sản phẩm (và như nguồn gốc của thu nhập).
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là ông chấp nhận những quan điểm của Sismondi. Trong Lettres à Malthus của ông, tác giả này cũng là đối tượng của nhiều phê phán. Còn về tính linh hoạt của tư bản và lao động, Say sẵn sàng thừa nhận là có những cản trở tự nhiên và xã hội cho tính cơ động không giới hạn của những nhân tố, cũng như cho sự tăng trưởng kinh tế không có giới hạn. Khái niệm vô cùng hiện đại về tập huấn cũng là một khái niệm trung tâm trong các lí thuyết hiện đại về tăng trưởng nội sinh là ví dụ được Say nêu về một cản trở tự nhiên vì nó làm chậm đi việc thiết lập sự phân công tối ưu trong một nền kinh tế và giữa các dân tộc. Phải mất nhiều năm mới có được tri thức và trình độ chuyên môn mà từ vựng của Say gộp chung thành một từ duy nhất: công nghệ (Arts). Trên điểm này những phân tích của Say và Sismondi về những cản trở ma sát cho việc phân bổ lại lao động trong một nền kinh tế và giữa các dân tộc tương đồng với nhau, nhưng cuối cùng những kết luận của Sismondi là bi quan trong lúc những kết luận của Say là lạc quan.
Còn về những cản trở xã hội trong quá trình kinh tế, Say cho là áp lực của thuế và thuế hải quan có thể là một gánh nặng đối với sản xuất nếu một phần của giá trị gia tăng bị những giới chức địa phương nuốt lấy. Và cuối cùng một hình thức tập huấn mới là cần thiết, để vượt qua sự thiếu hiểu biết của các nhà kinh doanh trong việc tìm hiểu cần sản xuất những gì và đâu là thị trường cho sản phẩm của họ. Điều này kéo theo là Say không chia sẻ sự bi quan của Malthus về tính bảo hoà của những nhu cầu. 
Trong lần tái bản thứ năm của Traité (1825), Say điều chỉnh đôi chút quan điểm của ông để tính đến những phê phán của Malthus và của Sismondi. Ông còn gợi ý là có thể là cần thiết phải viện đến những công trình công cộng để khuất phục thất nghiệp do việc đưa những máy móc mới vào gây nên.
Tuy nhiên, nhìn chung, rõ ràng là sự lạc quan của Say và niềm tin của ông vào tiến bộ là những nhân tố cũng quan trọng (nếu không nói là quan trọng hơn) không kém phân tích kinh tế của ông để tiên đoán sự kết thúc của nạn tắt nghẽn. Ông chia sẻ những do dự của Sismondi về tính linh hoạt của lao động, nhưng chỉ trong ngắn hạn. Trong một chừng mực lớn, Say, Malthus và Sismondi đều nằm trong một khuôn khổ phân tích chung. Cuối cùng những kết luận của họ về mặt tăng trưởng, đình đốn, dân số (hay nhân mãn) và thất nghiệp công nghệ do những hệ thống giá trị của bản thân và vị thế của họ trong xã hội ấn định.
Ở cương vị một môn đồ của Condorcet, một nhà kinh tế cổ điển, Say nguyên là chủ nhân nhà máy sợi, không bi quan trước những tác động của việc đưa máy móc vào, những máy móc sản xuất nhưng không ăn uống, hay ít ra là có thể có được chúng rẻ hơn là con người”. Bởi thế ông là một người biện hộ nhiệt tình cho tiết kiệm và sự hình thành tư bản. Về mặt này ông đáng được xem là một nhà kinh tế cực kì cổ điển, xem vấn đề tăng trưởng kinh tế là một trong những chủ đề trung tâm. Baumol nhấn mạnh rằng qui luật Say là hài hoà với những ý tưởng khác của ông về dân số và máy móc. Những ý tưởng của Say (và của Sismondi) về dân số không phải là những ý malthusian trong nghĩa bi quan thông thường. Những ý của Say về dân số và tắc nghẽn là nhất quán hơn những ý của Malthus; thật thế một dân số tăng trưởng bao giờ cũng cung cấp nhiều nhà tiêu dùng hơn cho một sản xuất tăng dần. Tuy nhiên Say không chứng minh là luôn có đủ tư bản và lao động cơ động để tiến hành những điều chỉnh nhanh chóng với một sản xuất mà cơ cấu là mất cân bằng. Ông cần đến những giả thiết lạc quan, nhưng trong trường hợp này, nói như Baumol, lập luận của ông hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa đi kèm cuộc cách mạng công nghiệp non trẻ.
BAUMOL W. J., Says (at least) eight laws, or What Say and James Mill may really have meant, Economica, 1977, 44, p. 145-162 (bài viết chỉ đề cập có 7 phiên bản). BÉRAUD & FACCARELLO éd., Nouvelle histoire de la pensée économique, vol 1. p. 365-508. BLAUGH M., Economic Theory in Retrospect, Cambridge, 5th ed., 1997. SCHUMPETER J. A., History of Economic Analysis, New York, Oxford University Press, 1954, p. 615-625. SOWELL T., Says Law: A Historical Analysis, Princeton, Princeton University Press, 1972.
Evert SCHOORL
Giáo sư đại học Groningue (Hà Lan)
(bản dịch của Claude Jessua
Giáo sư ưu tú đại học Panthéon-Assas (Paris2))
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001

® Chủ nghĩa tư bản; Trường phái cổ điển; Khủng hoảng kinh tế; Qui luật cung cầu; Tập huấn.
Print Friendly and PDF