20.8.23

Adam Smith, người cha của chủ nghĩa tư bản tự do

ADAM SMITH, NGƯỜI CHA CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN TỰ DO

Trong tác phẩm “An Inquiry into the Nature and Causes of the Weath of Nations”, xuất bản năm 1776, Adam Smith phân tích sự phân công lao động đồng thời nhấn mạnh đến thị trường. Nhìn như thế ông là người đặt nền móng của kinh tế chính trị học.

(trang bìa của ấn bản London 1776)

Denis Clerc

Ông thường được gọi là “người cha của kinh tế chính trị học”: quả thật là có nhiều tác giả trước Adam Smith (từ Aristote đến Turgot) đã có nỗ lực viết những nhận định kinh tế nhưng không một ai nhấn mạnh đến thị trường bằng ông. Khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu nhân bội các vật dụng và sản sinh sự tăng trưởng kinh tế, Adam Smith cùng với việc xuất bản năm 1776 tác phẩm Của cải của các dân tộc[1] đặt nền móng cho một lí thuyết về chủ nghĩa tư bản tự do. Từ lí thuyết này, người ta giữ lại ẩn dụ nổi tiếng nhất của phân tích kinh tế, ẩn dụ “bàn tay vô hình”: người đứng đầu doanh nghiệp “bằng cách lãnh đạo [doanh nghiệp] tạo ra cho sản phẩm của mình một giá trị cao nhất; ở đây, cũng như trong nhiều trường hợp khác, anh ta được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình để thực hiện một mục đích hoàn toàn không có trong ý đồ của mình (...) Tôi chưa bao giờ thấy những ai, trong sự nghiệp kinh doanh của họ, làm việc vì lợi ích chung lại làm được nhiều điều tốt[2]”.

Adam Smith (1723-1790)

Chắc chắn rằng Adam Smith là một nhà tự do. Dưới mắt ông, miếng mồi của món lợi và sự kích thích của cạnh tranh là những nguyên tắc tổ chức tốt nhất có thể hình dung. Ông viết trong một đoạn nổi tiếng khác: “Ta không chờ đợi buổi cơm tối của mình từ lòng tốt của người bán thịt, bán bia hay bán bánh mì mà từ sự chăm chút họ dành cho quyền lợi của họ. Ta không kêu gọi lòng nhân từ của họ nhưng đến tính ích kỉ của họ và ta không bao giờ nói với họ về những nhu cầu của mình mà luôn luôn về điều có lợi cho họ[3]”. Do đó có sự nghi ngờ của ông đối với những gì có khả năng làm giảm sự cạnh tranh. “Hiếm khi những người cùng ngành nghề gặp gỡ nhau, cho dù vì một thú vui hay để giải trí, mà cuộc trao đổi giữa họ với khau không dẫn đến một âm mưu chống công chúng hay mưu mô nào đó để làm tăng giá cả[4]”.

Milton Friedman (1912-2006)

Tuy nhiên sẽ là lầm lẫn khi quy giản đóng góp của Adam Smith về sự ca tụng một cách cực đoan thị trường, theo kiểu của Milton Friedman. Điều có ý nghĩa là Của cải của các dân tộc mở đầu bằng một chương về phân công lao động. Không phải là phân công lao động về mặt xã hội, một sự phân công khiến cho có những người ra quyết định và những người thực hiện các quyết định và tạo cho mỗi người một vị trí chính xác trong thứ bậc xã hội: mặc dù ý thức rằng quyền lợi của người chủ và người phục vụ không giống nhau – ông viết không ảo tưởng “công nhân muốn hưởng lương cao nhất có thể, người chủ muốn trả lương thấp nhất có thể” – song Adam Smith không quan tâm quá mức đến các khía cạnh này. Ngược lại, dưới mắt ông, phân công kĩ thuật lao động, một sự phân công nhằm chia nhỏ công việc và chuyên môn hoá người lao động là cơ bản vì điều này kéo theo một lợi thế lớn lao về mặt năng suất.

Để minh hoạ xu hướng này, Adam Smith lấy ví dụ của một công trường thủ công sản xuất kim ghim (nhân tiện nói qua là ông không quan sát trực tiếp ví dụ này, vì nó nằm trong mục “công trường thủ công” của bộ Bách khoa). “Mặc dù công xưởng khá nghèo nàn và vì vậy thiếu dụng cụ”, với mười công nhân, “một khi họ cùng nhau bắt tay vào việc và mỗi ngày làm được khoảng sáu kí kim ghim; thế mà mỗi nửa kí kim ghim là hơn bốn nghìn kim ghim cỡ trung bình. (...) Do đó có thể xem là mỗi công nhân một ngày chế tạo một phần mười sản lượng cho ra mỗi ngày bốn nghìn tám trăm chiếc kim ghim. Nhưng nếu tất cả đều làm riêng biệt và độc lập với nhau (...) thì mỗi người chắc chắn không làm ra hai mươi kim[5].”

Có vẻ ví dụ trên (và các con số minh hoạ đi cùng) là quá đáng. Tuy nhiên Adam Smith đã thấy rõ là nhờ cho phép sản xuất hàng loạt nên việc sản xuất đại trà là nhân tố quyết định làm giảm chi phí sản xuất trong sản xuất công nghiệp, do làm giảm thời gian lao động cần thiết cho mỗi đơn vị được chế tạo. “Sự phân công lao động, càng sâu nhất có thể, dẫn đến một gia tăng tỉ lệ thuận với sức mạnh sản xuất của lao động” (trang 73). Không nên nhầm lẫn: chắc chắn là về mặt này Smith báo trước Taylor vì một phần gia tăng theo tỉ lệ này, theo ông, là do “thời gian tiết kiệm được mà bình thường bị mất đi khi chuyển từ kiểu vật dụng này sang một kiểu khác” và do “gia tăng của sự khéo léo ở mỗi cá nhân người công nhân”, hệ quả của việc chuyên môn hoá các công việc. Nhưng ông còn đi xa hơn vì còn nhìn thấy ở đây tác động của “việc phát minh một số lớn máy móc tạo điều kiện dễ dàng cho và rút ngắn thời gian lao động, điều này cho phép một người hoàn thành nhiệm vụ của nhiều người” (trang 74).

Alfred Marshall (1842-1924)

Trên đây Adam Smith mô tả điều mà hơn một thế kỉ sau Alfred Marshall sẽ gọi là “tính kinh tế theo quy mô” mà không dùng thuật ngữ này: người chỉ siết năm đinh ốc mỗi ngày có thể tự bằng lòng với một tuanơvít đơn giản nhưng nếu phải siết hàng trăm đinh ốc thì sẽ lợi hơn nếu phát minh một tuanơvít điện. Và Adam Smith tuy chẳng phải là một kĩ sư (ông là nhà đạo đức học) viết thêm: “một số lớn những khám phá nhằm cải tiến máy móc và công cụ là nhờ tài năng của những nhà chế tạo máy móc, từ khi nghệ thuật này là đối tượng của một nghề đặc biệt và một số những khám phá này là do sự khéo léo của những ai được gọi là nhà bác học hay lí thuyết gia, những người mà nghề nghiệp là không làm gì cả, nhưng quan sát mọi thứ” (trang 77). Sự phân công lao động về mặt kĩ thuật sản sinh ra sự phân công lao động về mặt xã hội...

Một nhà kinh tế rao giảng đạo đức

Adam Smith là một người Scotland đến tận chân tơ kẽ tóc. Tất nhiên là từ nơi sinh: năm 1723 tại Kirkaldy, không xa Glasow. Và cũng bằng sự đào tạo: thầy ông là Francis Hutcheson, giáo sư triết học đạo đức tại đại học Glasgow, mà ông sẽ nối nghiệp. Và cuối cùng bằng những thói tật của ông: một cách buồn cười, Marx tố ông là đã muốn áp dụng “cho những của cải tinh thần câu tục ngữ Scotland: thu lợi nhỏ, rồi sẽ thu lợi lớn”. Năm 1759, Adam Smith công bố tác phẩm Theory of Moral Sentiments (được vợ của hầu tước Condorcet dịch sang tiếng Pháp năm 1790) trong đó ông đặt cơ sở cho hành vi của mỗi người trên sự đồng cảm, nghĩa là khả năng tự đặt mình vào vị thế của người khác để hiểu hành vi của người đó. Tác phẩm này tạo cho ông một danh tiếng nhất định khiến ông được phong làm gia sư cho một vị công tước trẻ tuổi. Do đó ông rời chức vị giảng dạy và cùng học trò mình chu du một chuyến dài ngày trên lục địa (chủ yếu ở Pháp) qua đó gặp gỡ hầu hết những tên tuổi lớn của tư duy chính trị.

Trợ cấp suốt đời trả cho ông sau công việc gia sư trên cho phép ông viết “Những nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân của sự thịnh vượng của các dân tộc”, được công bố năm 1778, sau mười năm lao động. Tác phẩm tuy dày cộm (bản dịch toàn văn tiếng Pháp của NXB Garnier-Flammarion có 1100 trang) nhưng chứa nhiều điểm lịch sử thường không đáng quan tâm. Ví dụ, qua đó ta biết là thể theo một đạo luật của nữ hoàng Elisabeth đệ nhất “ai xuất khẩu cừu cái, cừu non, cừu đực lần đầu tiên bị tịch thu vĩnh viễn mọi tài sản, chịu tù một năm và sau thời gian đó bị chặt tay trái nhân ngày họp chợ trong thành phố và để bàn tay đóng đinh ở chợ” (Richesse des Nations, éd. Garnier-Flammarion, t. 2, p. 265). Chính kiểu chi tiết này khiến Smith được Marx gán cho biệt danh “viên chức hải quan”.

Jean-Pierre Dupuy (1941-)

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là tác phẩm ngợi ca thị trường và Smith viết rõ là “không phải nhờ lòng tốt của người bán thịt, người bán bia hay người bán bánh mì mà chúng ta có được buổi ăn tối”, điều dường như hoàn toàn mâu thuẫn với quan điểm được bảo vệ trong Theory of Moral Sentiments. Mâu thuẫn biểu kiến này sẽ sản sinh ra vấn đề “Das Adam Smith Problem”, theo thuật ngữ đặc dụng. Jean-Pierre Dupuy dành một phần quan trọng trong cuốn sách của ông Le sacrifice et l’envie (NXB Calmann-Lévy, 1992) cho vấn đề này và kết luận là không có mâu thuẫn, nếu hiểu rằng việc tự đặt mình vào vị trí người khác cũng là nguyên lí hoạt động của thị trường: tất nhiên không phải vì các hành vi thương mại là vô vị lợi nhưng do chúng ta. Vì bắt chước nhau, đều mong muốn những gì người khác mong muốn. Qua việc mua hàng hay bằng ứng xử đạo đức, bao giờ ta cũng tìm kiếm sự ngưỡng mộ của người khác.

Đây chỉ mới là giai đoạn đầu trong lập luận của Smith. Vì sản xuất là chưa đủ, còn phải bán nữa, như cách chúng ta nói ngày nay. Sản xuất bốn mươi tám nghìn kim ghim mỗi ngày đòi hỏi là kim ghim đã trở thành vật tiêu dùng và doanh thu từ việc bán chúng cho phép những ai sống nhờ chúng – công nhân và các ông chủ –, đến lượt họ, mua những gì cần thiết để sống. Nói cách khác, sự phân công lao động không thể tồn tại nếu không có thiên hướng của mọi người cho việc trao đổi vật này lấy vật khác” (trang 81). Chính “thiên hướng” này giải thích việc mỗi người chuyên vào một hoạt động, và do đó làm việc sẽ có hiệu quả hơn. Chính sự phân công lao động sản sinh ra tăng trưởng kinh tế và quy mô của thị trường kích thích tăng trưởng: “Một khi sự phân công lao động được xác lập rộng rãi, bằng lao động của bản thân mỗi người chỉ sản xuất một phần rất nhỏ những gì cần để thoả mãn nhu cầu của mình. Phần lớn nhất của các nhu cầu chỉ được thoả mãn bằng việc trao đổi dư thừa của sản phẩm mình làm ra so với phần tiêu dùng cá nhân sản phẩm này với thặng dư lao động của những người khác. Như vậy, mỗi người trở thành một kiểu thương nhân và bản thân xã hội cũng là một xã hội thị trường” (trang 91).

François Quesnay (1694-1774)

Đây gần như là một cuộc cách mạng tư duy: trước Smith, hầu hết các nhà kinh tế – ít ra là các nhà trọng nông, theo sau François Quesnay[6], tự gọi mình là “nhà kinh tế” – cho rằng duy chỉ nông nghiệp mới sinh lợi. Điều này là dễ hiểu trong chừng mực là tiền lương chỉ cho phép mua vừa đủ ăn: do đó chỉ có sự tồn tại của một thặng dư nông nghiệp – lúc bấy giờ được gọi là “quỹ lương” – mới cho phép tuyển dụng thêm người lao động. Các nhà trọng nông có cảm giác là kết quả của một thặng dư nông nghiệp cuối cùng chỉ là sự biến đổi của thặng dư nông nghiệp này.

Adam Smith gạt bỏ các quan niệm xưa này: điều quan trọng không phải là bản chất của những gì ta sản xuất mà là năng lực bán được cái được sản xuất ra. Hơn thế nữa: trong nông nghiệp sự phân công lao động là giới hạn, vì tính vụ mùa của hoạt động kéo theo là cùng một người lao động lần lượt đảm đương những công việc khác nhau nên “có lẽ việc không thể tách biệt toàn bộ và đầy đủ các công đoạn khác nhau của lao động áp dụng trong nông nghiệp là nguyên nhân khiến cho, trong lĩnh vực này, năng lực sinh lời của lao động không có những tiến bộ nhanh chóng bằng trong các công xưởng thủ công” (trang 73).

Phân tích này cho phép Adam Smith giải quyết một cách khéo léo một vấn đề đạo đức gai góc: vấn đề những bất bình đẳng. Thời bấy giờ, những bất bình đẳng là cực kì to lớn: trong khi một tỉ lệ quan trọng và có lẽ là đa số dân chúng đạt sát nút mức sinh tồn tối thiểu thì một thiểu số lại sống trong xa hoa. Là giáo sư đạo đức học, Adam Smith không thể không quan tâm đến một vấn đề đã kích thích nhiều bài viết. Một trong những văn bản này, nổi tiếng nhất là Ngụ ngôn loài ong được Bernard de Mandeville (con của một gia đình Pháp theo đạo Tin lành di cư sang Anh) công bố năm 1705[7]. Ông sử dụng hai lập luận để biện minh cho hiện tượng này. Trước tiên, “trong một quốc gia tự do mà chế độ nô lệ bị nghiêm cấm, của cải chắc chắn nhất gồm có vô số những người nghèo cần cù (...). Để một quốc gia được hạnh phúc và nhân dân hài lòng, ngay cả về số phận cực nhọc của họ, thì đại đa số phải dốt nát lẫn nghèo nàn.”

Thomas Malthus (1766-1834)

Ta gặp lại ở Malthus chủ đề xem sự khốn cùng là một động cơ. Ông viết trong tác phẩm nổi tiếng Tiểu luận về nguyên lí dân số: “Sự trợ giúp phải đi cùng với sự hỗ thẹn, sự hỗ thẹn là động cơ để lao động, cần thiết cho điều thiện chung trong xã hội”. Nhưng đối với Mandeville, để người nghèo trong nghèo khó là chưa đủ, còn phải để cho người giàu được giàu. Thử tưởng tượng – đây là nội dung ngụ ngôn của ông – là người giàu ngưng tiêu dùng một cách phô trương và, vì lí do đạo đức, giảm bớt mức sống của họ: “Ngành xây dựng sẽ ngưng hoàn toàn, thợ thủ công không còn việc làm, hội hoạ không vẽ ai hết nữa, không ai nhắc đến bất kì thợ điêu khắc nào nữa”.

Và Mandeville bình luận tiếp: “Có người nghĩ là người Anh có thể giàu hơn hiện thời nếu họ cũng tiết kiệm bằng một số nước láng giềng. Theo chúng tôi, đó là một sai lầm (...) Tất cả nghệ thuật để làm cho một dân tộc được hạnh phúc và thịnh vượng là tạo cho mọi người khả năng có được việc làm. Để làm được điều này, mối quan tâm đầu tiên của một chính phủ là tạo điều kiện dễ dàng cho mọi kiểu công trường thủ công, kĩ thuật mà con người có thể phát minh (...) Chính bằng một chính sách như vậy chứ không phải bằng một qui định vớ vẩn về sự hoang phí và tiết kiệm mà ta có thể gia tăng quyền lực và hạnh phúc của các dân tộc”. Tiết kiệm có thể là một phẩm hạnh cá nhân, nhưng đó là một thói hư tật xấu công cộng. Tuyên bố của Mandeville là chớ nên lẫn lộn đạo đức và kinh tế.

Mặt trái của phân công lao động

Phân công lao động không chỉ có những lợi thế và Adam Smith ý thức điều này: “Một người suốt đời chỉ làm một thao tác đơn giản (...) sẽ không có cơ hội phát triển trí thông minh (...) Thường anh ta thành ngớ ngẩn và dốt nát nhất mà một con người có thể trở thành. Các năng lực đạo đức đờ đẫn khiến anh không thể trải nghiệm bất kì cảm xúc cao thượng, hào phóng hay dịu dàng nào (...) Thế mà, đây là trạng thái mà công nhân nghèo, tức là đám đông nhân dân tất yếu rơi vào trong mọi xã hội văn minh” (Của cải của các dân tộc, q.2, trang 406).

Jean Baptiste Say (1767−1832)

Jean-Baptiste Say trong tác phẩm Cours d’économie politique/Giáo trình kinh tế chính trị học (xuất bản lần đầu tiên năm 1828) không có những đắn đo trên. Ông đảo ngược chiều hướng của nhân quả: “Có lẽ có sự thoái hoá những năng lực của con người khi tất cả các năng lực, sự chú ý, chăm chút của anh ta đều hướng đến một thao tác tiểu tiết luôn lặp đi lặp lại. Tuy nhiên sẽ là sai lầm khi tin là một thao tác kiểu này tất yếu kéo theo trạng thái bị đần độn hoá (...). Những ai, trong các ngành kĩ thuật, chuyên tâm vào những thao tác máy móc nhất thường không phải là những người ưu tú nhất” (trang 179 của lần xuất bản thứ ba do Guillaumin xuất bản năm 1852).

Gần một thế kỉ sau, F. Taylor càng không cần nhẹ tay khi đồng nhất người thợ đúc đồng với một con bò: theo hướng của Say, Taylor cho là những người kém thông minh đã được định sẵn những vị trí ít được ham muốn nhất trong xã hội. Vào thế kỉ XIX, Auguste Comte mở rộng vấn đề “nếu trong trật tự vật chất người ta đã đúng đắn lấy làm tiếc là người công nhân suốt đời chỉ chế tạo những cán dao hay đầu kim ghim thì nghĩ cho cùng triết học lành mạnh cũng nên, trong trật tự trí tuệ, lấy làm tiếc cho việc sử dụng độc nhất và liên tục bộ não con người để giải vài phương trình hay phân loại vài con côn trùng: tác động đạo đức, trong cả hai trường hợp, khốn nổi là tương tự nhau (dẫn theo E. Durkheim, De la division du travail social, PUF, 1930/1991, trang 364).

Một tuyên bố như thế là không mấy phù hợp với nhà đạo đức học Smith. Phát kiến độc đáo của ông là chuyển từ cặp nghèo/giàu sang cặp người làm công ăn lương/nhà tư bản (hay “người chủ” trong ngôn ngữ của Smith). Các “ông chủ” làm gì với lợi nhuận thu được từ việc sử dụng lao động làm thuê? Họ tích luỹ và đó là điều tốt cho xã hội: “nền kinh tế, khi tăng quĩ dành cho việc nuôi dưỡng người làm công ăn lương có năng suất, có xu hướng gia tăng số người làm thuê này, mà lao động của họ làm tăng giá trị của đối tượng bị tác động vào (...); nền kinh tế huy động thêm một lượng hoạt động thủ công khéo léo khiến cho giá trị của của cải sản xuất trong năm tăng lên” (trang 425). Smith đối lập tư sản kinh doanh, tầng lớp đầu tư lợi nhuận thu được, với giới quý tộc đốt tiền một cách phô trương lợi nhuận này.

Cho dù số tiền chi tiêu là giống nhau nhưng trong trường hợp đầu kéo theo sự tăng trưởng còn trường hợp sau là sự hoang phí: “Phần thu nhập này mà một người giàu có chi tiêu hằng năm thường rơi vào những miệng ăn vô tích sự và vào những đầy tớ không để lại gì sau khi tiêu dùng. Phần người giàu có này tiết kiệm hằng năm khi được dùng tức thì làm tư bản nhằm có được lợi nhuận cũng được tiêu dùng gần như cùng lúc như phần thu nhập trên, nhưng bởi một lớp người khác là công nhân, nhà chế tạo và thợ thủ công, những người tái sản xuất có lời giá trị tiêu dùng hằng năm của họ (...) Nếu sự tiêu hoang của vài người không được bù đắp bằng sự thanh đạm của những người khác thì mọi tay tiêu hoang, bằng hành động của mình, khi nuôi dưỡng như vậy sự lười biếng bằng miếng ăn của hoạt động thủ công có xu hướng làm đất nước anh ta nghèo đi” (trang 425-426). Hoang phí là sự phí phạm, tiết kiệm là một phẩm hạnh: đạo đức không bị suy suyển.

John M. Keynes (1883-1946)
David Ricardo (1772-1823)

Ta thấy Adam Smith là lí thuyết gia của chủ nghĩa tư bản ở điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa này: sự tôn sùng hàng hoá, tích luỹ tư bản đến vô tận, nỗi khát khao lợi nhuận... Marx, tất nhiên, lấy làm thích thú (trong bộ Tư bản, ông cho rằng Adam Smith và David Ricardo là “những đại diện tốt nhất của kinh tế chính trị học cổ điển”) trong lúc Keynes khinh thường Adam Smith: không một lần được ông trích dẫn trong Lí thuyết tổng quát... và ông chỉ dành những lời mỉa mai cho các nhà “cổ điển” được ông xem là đã giả định rằng “mọi hành động cá nhân nhn tiêu dùng dẫn đến việc đu tư vào sản phẩm tư bản, lao động và hàng hoá không cần thiết nữa cho tiêu dùng” (Lí thuyết tổng quát, NXB Payot, 1969, trang 47). Nếu ta đánh giá một tác giả theo hậu thế của tác giả đó thì Keynes đã sai và Marx đúng. Nhưng nếu đánh giá theo tính thời sự của những phân tích của tác giả đó thì cần đảo ngược đánh giá vì ngay cả chính phủ Pháp cũng lên án ảnh hưởng gây suy thoái của tiết kiệm.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Adam Smith, le père du capitalisme libéral, Alternatives Economiques, Le 01 Novembre 1994

----

Bài có liên quan




Chú thích:

[1] Cuốn sách nhanh chóng được dịch ra tiếng Pháp vì Adam Smith, bạn của David Hume, rất gần với những nhà Bách khoa (d’Alembert, Holbach, Helvetius) và với Voltaire mà ông đã quen biết vào năm 1766-1767, nhân chuyến thăm dài ngày ở Pháp. Bản dịch của bá tước Germain Garnier (1821) do Adolphe Blanqui (anh của nhà cách mạng Auguste Blanqui), người kế nhiệm Jean-Baptiste Say tại Conservatoire national des Arts et Métiers, hiệu đính vẫn còn là bản dịch tham chiếu. Bản dịch này đã được NXB Garnier Flammarion tái bản toàn bộ (với lời dẫn nhập của D. Diatkine) và cũng được NXB Gallimard (tủ sách Idées) trích dẫn lại.

[2] Q.2, trang 42-43 trong ấn bản của Diatkine.

[3] sđd., q.1, trang 82.

[4] sđd., q.1, trang 205.

[5] sđd., q.1, trang 72.

[6] Xem bài viết về Quesnay trên tạp chí Alter Eco tháng sáu năm 1994. Khi Jean-Baptiste Say buộc phải đề cập đến các nhà trọng nông, ông không gọi họ như thế mà gọi là những “nhà kinh tế” (les Économistes). Ví dụ, xem tác phẩm của ông Traité d’économie politique, éd. Tapinos, NXB Calmann-Lévy.

[7] Tựa ban đầu là The Grumbling Hive. Có một bản dịch tiếng Pháp của Lucien et Paulette Carrive (éd. Vrin, 1974). Một số đoạn được Marx trích dẫn (Le Capital, livre III, 7e section, p. 1 124 du tome 1 de l’éd. de La Pléiade, Gallimard) và ông nhầm tên (Bernard) của Mandeville (“một nhà văn can đảm và cứng đầu”) thành Bertrand. Một số đoạn khác được Keynes trích dẫn trong Lí thuyết tổng quát... (p. 356, éd. Payot, 1969).

Print Friendly and PDF