6.9.14

Các triết gia đối mặt với khoa học

Rudolf Carnap (1891-1970) là một trong những nhà bảo vệ chủ nghĩa thực chứng logic bắt nguồn từ Câu lạc bộ Wien. Mặc dù quan niệm của ông đã tiến hóa kể từ “những năm Carnap” (những năm 1930), khi ông là một trong những thủ lĩnh của chủ nghĩa thực chứng logic, ông vẫn trung thành với một số nguyên tắc: đối với ông, ngôn ngữ khoa học khác với diễn ngôn “siêu hình” tư biện. Ngôn ngữ khoa học này viện đến hai loại phát biểu: những phát biểu thực nghiệm kiểm tra được bằng kinh nghiệm, và những phát biểu phân tích (những phát biểu của logic học) mà tính chặt chẽ duy nhất dựa trên tiêu chí hiệu lực (Les fondements philosophiques de la physique, 1948).
Williard van Orman Quine và Karl Popper không chia sẻ hình ảnh này về khoa học. Popper đối lập với luận điểm của Carnap trên một điểm mấu chốt. Đối với ông, không thực sự có sự “kiểm tra” và “chứng cứ khoa học”. Khoa học sản sinh những giả thiết được thử thách nhằm truy lùng những sai lầm (điều được ông gọi là “kiểm sai”). Nhưng việc một giả thiết thành công vượt qua sự kiểm tra không bao giờ tạo được cho nó tính hiệu lực hoàn toàn. Luận điểm “tất cả các con thiên nga đều màu trắng” đứng vững được mỗi khi gặp một con thiên nga trắng khác, nhưng không vì thế mà sự gặp gỡ này đủ để xác thực dứt khoát luận điểm này. Popper đã trình bày các luận chứng của mình trong tác phẩm lớn của ông Logic của sự khám phá khoa học, được viết từ năm 1934 (nhưng đến 1959 mới được dịch sang tiếng Anh).

Rudolf Carnap (1891-1970)
Karl Popper (1902-1994)
Williard van Orman Quine (1908-2000)










Williard van Orman Quine còn đi xa hơn nữa trong việc phê phán chủ nghĩa kinh nghiệm. Nhà triết học của đại học Harvard nổi tiếng nhờ một bài viết năm 1951: “Hai giáo điều của chủ nghĩa kinh nghiệm”, trong đó ông phủ nhận sự phân biệt của Carnap giữa những tri thức phân tích (đặt cơ sở trên logic) và những tri thức thực nghiệm (đặt cơ sở trên kinh nghiệm). Theo Quine, một mệnh đề thực nghiệm bao giờ cũng có một phần khái niệm hóa và do đó có phân tích. Mặt khác, không có bất kì thử nghiệm nào đủ thuyết phục để phủ nhận hay xác thực hoàn toàn một lí thuyết(*). Tóm lại, không có ranh giới rõ rệt nào giữa các sự kiện và các lí thuyết.

Thế hệ mới

Trong một hội thảo năm 1963, Carnap, Popper và Quine tranh luận về những tiêu chí chân lí của phương pháp khoa học. Nhưng cuộc bàn luận của họ đã lạc nhịp với những quan niệm của thế hệ mới có mặt ở London. Đó là trường hợp của Thomas S. Kuhn (1922-1996) một sử gia Mĩ về các khoa học, tác giả của Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học vừa xuất bản năm trước, một tác phẩm sẽ làm đảo lộn bộ môn.
Trong tác phẩm trên, T. S. Kuhn cho rằng khoa học không tiến triển một cách tuần tự nhi tiến và liên tục qua những thử nghiệm và sai lầm. Đối với ông, khoa học tiến triển nhờ những mô hình thống trị, hay paradigma. Một paradigma là một khuôn khổ tư duy mà một cộng đồng các nhà bác học tự nhận diện trong đó. Như vậy, “khoa học chuẩn định” vận hành cho đến khi mô hình này bị khủng hoảng và nhường chỗ cho một mô hình khác. Chính như vậy mà ta đã chuyển từ vật lí Newton sang vật lí tương đối trong thế kỉ XX. Lịch sử các khoa học tiến hóa bằng những bước nhảy cách mạng giữa hai thời kì ổn định. 
Imre Lakatos (1922-1974), một người Hung tị nạn ở Anh sau thất bại của cuộc nổi dậy Budapest năm 1956, là thư kí của hội thảo. Ông cũng phản bác các luận điểm của những bậc đàn anh. Ông đang xây dựng lí thuyết những “chương trình nghiên cứu khoa học” (SRP). Gần với paradigma của Kuhn, một SRP là một tập những giả thiết hướng dẫn khoa học vào một thời điểm nhất định. Như vậy, lí thuyết cơ giới của Descartes là một SRP “hình dung vũ trụ như một hệ thống đồng hồ khổng lồ”. Chính trên nền tảng những nguyên lí này mà Descartes đã dựa vào để tiến hành những nghiên cứu của ông về quang học hay về cơ học.
Một SRP gồm có một “hạt nhân rắn” những luận điểm bất khả xâm phạm hợp thành trung tâm của chương trình. “Hạt nhân rắn” này được bao quanh bởi một “vành đai bảo vệ” hợp thành bởi những giả thiết phụ trợ, có thể bị thay đổi mà không đe dọa trung tâm của lí thuyết. Vai trò của chương trình là định hướng các nghiên cứu và chọn lọc các trường nghiên cứu. Chương trình là “tiến bộ” nếu nó dẫn đến những khám phá mới, và là “thoái hóa” trong trường hợp ngược lại. Tuy nhiên, Lakatos ghi nhận rằng một chương trình nghiên cứu không bao giờ giải quyết tất cả những điều dị thường của nó. Chương trình có thể không đưa ra ánh sáng những yếu tố mâu thuẫn. Vì bao giờ cũng có nhiều phản bác. Trên điểm này, Lakatos đối lập với thầy ông là Popper, người cho rằng đặc trưng của khoa học là để cho những phát biểu của mình chịu sự thử thách của việc bác bỏ. Hai tác giả này sẽ xung đột với nhau và Popper cay đắng nhìn người trẻ thách thức mình kế vị chức trưởng khoa triết học ở đại học nổi tiếng London School of Economics khi ông về hưu năm 1969.
Thomas S.Kuhn (1922-1996)
Imre Lakatos (1922-1974)
Paul K. Feyerabend (1924-1994)
Sau này ý tưởng theo đó khoa học bao giờ cũng chứa đựng những giả thiết phần nào mâu thuẫn với một số sự kiện sẽ được người Mĩ Paul K. Feyerabend (1924-1994) hệ thống hóa và triệt để hóa. Tác giả này, dựa trên những ví dụ chính xác trong lịch sử các khoa học, sẽ chỉ ra rằng nhiều lí thuyết khoa học (lí thuyết của Galilée, Newton, thuyết tương đối) đã được thừa nhận, chống lại một số sự kiện thực nghiệm, đôi lúc cho dù có những mâu thuẫn nội tại và những yếu kém có thật. Từ nhận định này, người có tư tưởng chống chính thống như P. K. Feyerabend rút ra một “lí thuyết vô chính phủ về nhận thức”. Nếu những nhà vật lí vĩ đại nhất đã thoát ra khỏi những quy tắc của phương pháp thì do đó không có bất kì phương pháp lí tưởng nào có thể tự khẳng định để làm cho khoa học tiến triển. Về mặt phương pháp khoa học, “kiểu gì cũng được”.

Alexandre Koyré, Gaston Bachelard và Georges Canguilhem

Không tác giả Pháp nào được mời tới hội thảo London. Phải nói là thời bấy giờ có một sự không hiểu nhau gần như hoàn toàn giữa các triết gia anglo-saxon và những người bảo vệ tư tưởng “lục địa” [lục địa châu Âu - ND]. Duy chỉ có Kuhn, người từng ở Pháp, là biết rõ các công trình của Alexandre Koyré hay của Gaston Bachelard, các khuôn mặt lớn của triết học về các khoa học thời ấy. Và lí thuyết các paradigma khoa học của Kuhn chịu ảnh hưởng nhiều của hai tác giả trên.
Alexandre Koyré (1892-1964) rời nước Nga sau Cách mạng để định cư ở Paris. Ông đã nghiên cứu những biến đổi của vật lí thời Galilée, rồi vũ trụ luận hiện đại trong Từ thế giới đóng kín đến vũ trụ vô tận (1957). Cả sự nghiệp của ông nhằm chỉ ra rằng tư tưởng khoa học tiến hóa trong những cấu trúc tâm trí khiến cho, ở mỗi thời kì, một số hiện tượng là ”tư duy được” và một số hiện tượng khác là “bất khả tư duy”.
Về phần mình, Gaston Bachelard (1884-1962) ngay từ 1938 đã khẳng định trong Sự hình thành tinh thần khoa học rằng khoa học bao giờ cũng chuyển tải những biểu trưng bắt nguồn từ sự tưởng tượng, những “hình ảnh đánh lừa” mà duy chỉ một “phân tâm học tư duy khoa học” mới làm lộ ra được. Song song với Popper, ông cũng phát hiện là khoa học nhằm truy tìm những sai lầm nhiều hơn là khám phá những chân lí: “Tinh thần khoa học được hình thành trên một số những sai lầm đã chỉnh sửa”.
Kế thừa ghế giáo sư lịch sử các khoa học ở đại học Sorbonne, Georges Canguilhem (1904-1995) áp dụng cách tiếp cận này vào lịch sử sinh học và y học với mục tiêu làm hé lộ những cơ sở khái niệm. Đến lượt ông, sự nghiệp của Canguilhem sẽ tạo cảm hứng cho lí thuyết épistémê của học trò mình là Michel Foucault.
Alexandre Koyré (1892-1964)
Gaston Bachelard (1884-1962)
Georges Canguilhem (1904-1995)
Từ những paradigma của Kuhn đến những épistémê của M. Foucault, từ những thémata của G. Holton đến những chương trình nghiên cứu của Lakatos, hiển nhiên là có những nét giống nhau: khoa học tiến hóa trong những khuông khổ tâm trí riêng cho một thời kì. Sự gần gũi về ý tưởng giữa các tác giả này há chẳng phải là sự xác thực những luận điểm của họ? 

Jean François Dortier
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Histoire et philosophie des sciences, Éditions Sciences Humaines, 2013.



(*) Nhận định này đã được tác giả Pháp Pierre Duhem xác lập vào đầu thế kỉ XX. Vì thế người ta nói đến giả thiết Duhem-Quine.

Print Friendly and PDF