Hồ sơ: Tại sao những bất bình đẳng xã hội gia tăng trong thế kỷ XXI?
SỰ TRỞ LẠI MẠNH MẼ CỦA NHỮNG BẤT BÌNH ĐẲNG VỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI
Tác giả: Richard Robert
Phóng viên
Tóm tắt
|
“Vấn đề xã hội”, vấn đề những bất bình đẳng về kinh tế và xã hội, cũng như vấn đề nghèo khó đã xuất hiện cùng với Cách mạng công nghiệp. Nó vẫn là trung tâm của các cuộc thảo luận trong hơn một thế kỷ, gợi ra những tư tưởng triệt để, nhưng cũng đem lại những giải pháp giúp cho sự tiến triển của chủ nghĩa tư bản. Hai trình tự kinh tế rất khác nhau đã xem vấn đề này là phụ.
Những lý do của sự vắng bóng (vấn đề bất bình đẳng)
Trình tự thứ nhất là sự biến đổi keynesian của nền kinh tế, theo kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng năm 1929. Như vậy, tái phân phối và tăng trưởng hòa nhập đem đến cho các nền kinh tế phát triển một làn sóng rộng lớn về tiêu trừ những bất bình đẳng về kinh tế và xã hội qua việc kiến tạo các tầng lớp trung lưu.
Trình tự thứ hai diễn ra tiếp theo các cuộc khủng hoảng trong những năm 1970, lúc đó ta thấy như một sự kiệt quệ của mô hình keynesian. Lúc đó, vấn đề quan trọng nhất là sự tăng trưởng, và để tạo ra sức mạnh cho nó, người ta chấp nhận bất bình đẳng gia tăng. Hơn nữa, với quá trình toàn cầu hóa, phương Tây tiếp cận được một loạt các sản phẩm giá rẻ chưa từng có.
Lúc đó, vấn đề bất bình đẳng về kinh tế được lọc qua vấn đề phân biệt đối xử: trong thế giới keynesian cũng như trong thế giới “reaganian” (liên quan đến chính sách của cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan – ND -) đã nối tiếp nó trong những năm 1980, sự ngăn cách rõ rệt nhất không phải giữa người giàu và người nghèo, mà giữa đa số áp đảo của tầng lớp trung lưu và một thiểu số đang vất vả để hội nhập vào. Sự phân biệt đối xử tích cực[1] là một trong những lời đáp cho những bất bình đẳng “mang tính xã hội” này vốn tập trung ở màu da và nguồn gốc dân tộc.
Chính sau cuộc khủng hoảng năm 2008 mà vấn đề bất bình đẳng về kinh tế xuất hiện trở lại hàng đầu, và cùng với nó là cuộc khủng hoảng của các tầng lớp trung lưu.
Tư bản của Piketty và con voi của Milanovic
Thomas Piketty (1971-) |
Vào năm 2014, một quyển sách về kinh tế dày 900 đã được bán chạy nhất trên Amazon. Capital in the Twenty-First Century (Tư bản Thế kỷ XXI), của Thomas Piketty, đã bắt kịp tâm thế của thời đại, cung cấp một nền tảng lý thuyết cho sự phê phán tỷ lệ “1%” (những người giàu có nhất), được thực hiện bởi phong trào Occupy Wall Street (Chiếm lấy Phố Wall). Dưới ngập tràn các dữ liệu, lập luận của Piketty là đơn giản: “một khi tỷ suất lợi tức của tư bản vượt quá một cách lâu dài tỷ suất tăng trưởng của sản xuất và thu nhập - đó là trường hợp cho đến thế kỷ XIX, và rất có nguy cơ trở lại thành chuẩn mực trong thế kỷ XXI -, thì chủ nghĩa tư bản sản sinh một cách máy móc những bất bình đẳng không thể chấp nhận được, tùy tiện, phản bác một cách triệt để những giá trị dựa trên sự xứng đáng vốn là những giá trị trên đó các xã hội dân chủ của chúng ta được xây dựng”.
Branko Milanovic (1953-) |
Hai năm trước đó, một nhà kinh tế học khác đã gây ấn tượng mạnh, bằng cách tóm tắt chỉ trong một biểu đồ số phận kinh tế của xã hội toàn cầu. Branko Milanovic đã trình bày trên trục hoành của biểu đồ sự phân bố của cư dân trên Trái Đất theo thu nhập của họ (những người nghèo nhất bên trái, những người giàu nhất bên phải), và trên trục tung diễn tiến của thu nhập từ 1988 đến 2008. Kết quả là đường biểu diễn với hình dạng con voi, gợi ý rằng toàn cầu hóa đã làm lợi cho những nước nghèo nhất ở châu Á và cho những người giàu nhất ở phương Tây, thiệt hại cho các tầng lớp nghèo và trung lưu tại các nước giàu.
Những công trình này đã có tiếng vang trong thảo luận công cộng, nhưng chúng cũng đã gợi ra nhiều công trình nghiên cứu học thuật. Trong chính trị, người ta sử dụng chúng để giải thích sự tăng vọt của các chủ nghĩa dân túy và sự thành công của Donald Trump chẳng hạn. Trong kinh tế, các công trình của Piketty đã đưa lên hàng đầu những vấn đề như chế độ thuế khóa đối với tài sản và sự tái phân phối. Trong những năm gần đây, những hiện tượng mà Piketty mô tả đã bành trướng thêm nữa. Một trong những hiệu ứng của việc ồ ạt phát hành tiền tệ bởi các ngân hàng trung ương sau khủng hoảng năm 2008 là một sự lạm phát rất mạnh trên một số thị trường, đáng chú ý là các tài sản tài chính và bất động sản: từ đó nảy sinh sự tăng trưởng mạnh các khối tài sản tư nhân lớn nhất. Ngay cả đại dịch cũng đã đẩy nhanh sự vận động này: World Wealth Report 2021 (Báo cáo về sự thịnh vượng của thế giới năm 2021) của Capgemini đã chú ý đến các “High Net Worth Individuals” (HNWI) - Những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao -, chừng hai chục triệu người trên thế giới sở hữu một tài sản trên một triệu đô la không tính giá trị nơi cư trú chính. Vào năm 2008 số HNWI giảm 13% và tài sản của họ giảm gần 20%. Thế nhưng, sau một năm khủng hoảng y tế, không những có nhiều triệu phú hơn (+6,3%) trên thế giới, mà sự giàu thêm của họ còn gia tăng nhanh hơn, tăng 7,6% - tăng gần 2 điểm (phần trăm) so với thời kỳ 2013-2019.
Daniel Waldenström |
Chủ đề bất bình đẳng cũng đã được kết hợp với khủng hoảng khí hậu. Theo Báo cáo 2022 của Phòng Nghiên cứu về bất bình đẳng trên thế giới (Paris School of Economics – Trường Kinh tế Paris) công bố vào tháng 12 năm 2021[2], riêng 10% những người giàu nhất hành tinh đã tạo ra gần một nửa tất cả khí thải carbonic được thống kê vào năm 2019 (47,6%).
Nhưng đã xuất hiện các phê phán. Daniel Waldenström đã nêu rõ những khác biệt giữa lộ trình của Mỹ và lộ trình của các nước châu Âu, hơn nữa còn chỉ ra rằng với hệ thống hưu trí mới, tất cả chúng ta đều có tiềm năng trở thành những người thực lợi, ngay cả khi chúng ta không có tư bản do mình đứng tên.
Bất động và thăng tiến xã hội
Về phía các nhà kinh tế học của OCDE (Organisation de coopération et de développement économique – Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế ), họ kêu gọi chú ý đến sự phân biệt cần thiết giữa những bất bình đẳng về thu nhập trước và sau tái phân phối, nhấn mạnh rằng phần lớn các nước phát triển đã thiết lập một chế độ thuế lũy tiến, nó tạo ra những tác dụng san bằng thu nhập rất có hiệu quả. Nhưng họ thêm trong báo cáo năm 2018 Equity in Education: Breaking down barriers to social mobility[3] (Công bằng trong giáo dục: phá bỏ những rào cản đối với sự thăng tiến xã hội) tại những nước có tái phân phối thu nhập rất mạnh như nước Pháp, vấn đề thực sự của bất bình đẳng nằm ở tái sản xuất xã hội và bất bình đẳng khi sinh ra, những điều này có vẻ đặc biệt bất công.
Vấn đề là, nếu các chính sách công có thể sửa chữa phần nào những bất bình đẳng này, bằng cách đầu tư vào giáo dục chẳng hạn, thì một phần của những nỗ lực này bị triệt tiêu bởi những đầu tư vừa tài chính vừa cá nhân cao hơn nhiều của tầng lớp thượng lưu và nhất là của nhóm tinh hoa với quá nhiều bằng cấp mà từ nay ta gọi là “the aspirational class” (Tầng lớp khát vọng). Trong tác phẩm The Sum of Small Things: A Theory of the Aspirational Class (Princeton University Press, 2017), nhà xã hội học nữ Elizabeth Currid-Halkett chỉ ra rằng từ 1996 đến 2014 phần tiêu dùng cho giáo dục đã tăng thêm 60% tính cho toàn bộ dân số Mỹ, nhưng nó đã tăng lên 300% đối với những người giàu nhất. Bà nói thêm rằng, nhất là những bậc cha mẹ có bằng cấp cao từ nay dành một khoảng thời gian rất lớn cho giáo dục. “Các bậc cha mẹ thuộc các môi trường ưu đãi ngày càng dành nhiều thời gian cho con cái họ, nhất là tạo thuận lợi cho biểu đạt của trẻ em để trẻ phát triển sự tự chủ, rèn luyện khả năng lập luận, làm phong phú vốn từ ngữ và thử nghiệm các kỹ năng xã hội của trẻ.” Và như thế, đó là những tinh hoa phát triển trong môi trường khép kín.
Một cách đối xứng, nhiều công trình xã hội học chỉ ra rằng bất bình đẳng có xu hướng tích tụ và trầm trọng thêm. Khủng hoảng Covid có lẽ đã tăng cường các tác động này, như Yann Coatanlem et Antonio de Lecea ghi nhận trong phần tham gia của họ vào hồ sơ này.
Như thế, tầm nhìn đương đại về những bất bình đẳng về kinh tế và xã hội đang được xác định rõ. Các xã hội của chúng ta chấp nhận bất bình đẳng về kinh tế và cũng cố gắng sửa chữa, với ít nhiều thành công. Nhưng trong khi các xã hội được xây dựng trên một hứa hẹn rõ ràng về một sự bình đẳng của những điều khả dĩ, chúng đang bị đe dọa bởi một sự cố định các số phận xã hội. Đó là nghịch lý của thời đại chúng ta: những bất bình đẳng làm ta lo lắng được hình dung và trải nghiệm dưới dấu hiệu của những năng động cá nhân và sự thăng tiến của các cá nhân. Nhưng cuối cùng thì những năng động này kết tụ với nhau để hình thành một xã hội hai tốc độ, phân cực và bất động.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Le grand retour des inégalites économiques et sociales”, Polytechnique Insights, 9.2.2022.
Chú
thích: [1] Phân
biệt đối xử tích cực là dẫn đến việc thực hiện một loạt các hành động nhằm giảm
sự phân biệt đối xử mà một người hoặc nhóm liên tục gặp phải, điều này với mục
đích đảm bảo đối xử bình đẳng và giảm tỷ lệ phân biệt đối xử -ND- Theo Google)