30.6.20

Quetelet Lambert-Adolphe-Jacques, 1796-1874

QUETELET LAMBERT-ADOLPHE-JACQUES, 1796-1874

Adolphe Quetelet (1796-1874)

Sau khoảng một năm ở Paris tìm hiểu về thiên văn học và thống kê, Quetelet quay về Bỉ, quê hương ông, cuối năm 1823. Là giáo sư toán tại trường Athénée de Bruxelles và sớm là thành viên của Viện hàn lâm hoàng gia của thành phố này, ông nghiên cứu, trong số những lĩnh vực khác, những đều đặn (quy luật) xã hội để xác nhận là chúng tồn tại và cố gắng giải thích vì sao chúng xảy ra. Ông làm việc này trong ba tác phẩm chính ([1835] 1991, 1846, 1848) và trong nhiều chuyên luận chủ yếu được xuất bản trước năm 1855, thời điểm mà những vấn đề sức khoẻ huỷ hoại năng lực làm việc của ông.
Những đều đặn xã hội là việc những hiện tượng xã hội, đặc biệt là những hiện tượng “đạo đức”, phụ thuộc nhiều nhất vào “ý chí tự do của con người” (hôn nhân, tội phạm, tự tử) lặp lại với thời gian, tuy là không bất tận, ở cùng một địa bàn, trong mức độ ta xét đến hành động của số đông các cá thể, nghĩa là theo “số lượng lớn”. Quetelet tìm thấy sự xác thực của điều này, vốn được biết từ lâu (được I. Kant trình bày trong phần đầu của tác phẩm “Idee zu einer allgemeinen Geschichte in welbürgerlicher Absicht” năm 1784) trong các thống kê quốc gia mà các nước châu Âu công bố lúc bấy giờ, trong đó có nước Pháp với số liệu của cơ quan tư pháp tội phạm. Cho tới thời điểm đó chưa bao giờ một tập dữ liệu như thế được thu thập, phân loại và không có những con số nào đầy ắp thông tin bằng: chúng cho thấy những tỉ suất thống kê là đặc biệt ổn định tuy không hoàn hảo, tất nhiên độ dài của chúng phụ thuộc vào độ dài của những tình huống của các hành động của con người. “Tính không đổi của các tỉ suất” chính là những đều đặn xã hội được phơi bày và đo lường.
Theo kiểu mẫu của những người đi trước ông là các nhà số học chính trị, Quetelet nối kết những đều đặn này với những quy luật tự nhiên cũng như với những đều đặn của những đặc điểm nhân trắc học mà chính ông ước lượng. Trật tự và tỉ lệ ngự trị khắp nơi. Chỉ cần không tính đến những trường hợp cá thể, bỏ qua cái riêng biệt để nhìn vào điều tổng quát.
Có thể tóm tắt như sau cách Quetelet giải thích những đều đặn xã hội: các hiện tượng xã hội lặp lại theo cùng một số lượng trên cùng một địa bàn vì những cá thể sống, và thường sinh ra tại những nơi đó có một xu hướng nhất định hành động cấu thành các hiện tượng này. Tại sao hành vi ăn cắp trong nước A lại phổ biến hơn bốn lần trong nước B? Đó là vì “thiên hướng” ăn cắp của dân chúng trong nước A cao hơn bốn lần thiên hướng này của dân chúng trong nước B, đặc tính cá thể (mỗi cá nhân có thiên hướng riêng của mình) có thể biến đổi thành đặc tính tập thể (thiên hướng của mỗi nước) đơn giản bằng cách chia số trộm cắp cho dân số.
Có thể đảo ngược những xu hướng của các cá thể chăng? Không, do các xu hướng này phản ánh lối sống của các dân tộc hay, cũng thế mà thôi, “trạng thái của xã hội”, vốn không ngừng thay đổi, cho dù thường là thay đổi rất chậm. Trạng thái này được xác định bởi hai cách mà hai loại nguyên nhân được kết hợp với nhau: những nguyên nhân “không đổi” (tôn giáo, nền kinh tế, nghề nghiệp) và những nguyên nhân “bất ngờ” (quyết tâm). Ở đây cũng thế, phân tích cũng phải được tiến hành trên một số lớn trường hợp, ta thấy là, trong dài hạn, những nguyên nhân bất ngờ tự triệt tiêu lẫn nhau và để chỗ trống cho các nguyên nhân không đổi tác động.
Quetelet đi đến việc giải thích những đều đặn bằng đường vòng sau: 1/ ông nhận thấy là những số liệu hành chính, tức là những độ đo các hiện tượng được ông xem xét, luôn luôn được phân phối một cách đối xứng chung quanh các trung bình của những hiện tượng này theo hình “chuông” của đường biểu diễn các sai số hay đường biểu diễn Gauss (sau này được gọi là “chuẩn”), và tương tự như thế với những quan sát nhân trắc học của ông; 2/ từ đó ông suy ra là mọi việc diễn ra trong xã hội (và trong vũ trụ) dưới dạng những khoảng cách so với những giá trị trung bình mà tính cố định chỉ một tính chất thực tế của các cá thể (trong khi, trước đó, viện đến trung bình là để xác định bằng một loạt những độ đo giá trị của một hiện tượng gần nhất có thể với giá trị thật của hiện tượng đó); 3/ ông gán những đặc tính của một tập những cá thể nhất định cho một “người trung bình” đại diện hay ngay cả tiêu biểu cho tập này mà “thật vậy, đối với một dân tộc nó như là trọng tâm đối với một vật thể”, tự bản thân nó đã tóm tắt những nét của đủ loại thành viên trong cùng một tập thể và do đó cũng của những xu hướng đạo đức của tập thể ấy. Con người trung bình là khuôn mẫu mà con người bình thường chệch khỏi ít nhiều, tuỳ theo tính chất được xem xét.
Do đó, nói rằng thiên hướng ăn cắp của dân chúng trong nước A cao hơn bốn lần thiên hướng này của dân chúng trong nước B quy lại là nói rằng xu hướng ăn cắp của con người trung bình của nước A lớn hơn bốn lần xu hướng ăn cắp của con người trung bình của nước B, các cá nhân và con người trung bình của hai nước chịu cùng một mức độ chi phối của các nguyên nhân xã hội quan trọng (các nguyên nhân không đổi). Tuy nhiên, theo Quetelet duy chỉ cách diễn đạt thứ hai mới là đúng đắn. Chính thông qua tính không đổi tương đối của những thiên hướng của con người trung bình (tương đối do trạng thái của xã hội thay đổi) mà tính không đổi của những nguyên nhân quan trọng mới xác định tính không đổi (tất nhiên cũng là tương đối) của các tỉ suất.
Augustin Cournot (1801-1877)
Émile Durkheim (1858-1917)
Là đối tượng của nhiều phê phán, bác bỏ và phục hồi (từ A. Cournot đến L.-A. Bertillon, từ É. Durkheim đến M. Halbwachs), lí thuyết con người trung bình của Quetelet rõ ràng là trung tâm của sự nghiệp của ông và phải được tách biệt với việc ông sử dụng các trung bình và phân loại của ông các nguyên nhân xã hội, hai sự kiện đã cấu trúc hoá thống kê đạo đức của thế kỉ XIX. Bị những ý tưởng về sự hài hoà và cân bằng quyến rũ, Quetelet hình dung một “cơ học xã hội” nhanh chóng được thay thế bằng một “vật lí học xã hội”. Cụm từ sau dành được ưu tiên trong tựa của lần xuất bản thứ hai ([1869] 1997) của tác phẩm Sur l’homme của ông, cuốn sách đã thúc đẩy A. Comte, nhà vật lí xã hội của những thời đầu, sáng tạo từ “xã hội học” vào năm 1838. Đóng góp của Quetelet vào việc định chế hoá thống kê ở châu Âu không có tương đương.

· (1835), Sur l’homme et le développement de ses facultés ou essai de physique sociale, Paris, Fayard, 1991; Lettres [...] sur la théorie des probabilités, appliquée aux sciences morales et politiques, Bruxelles, Hayez, 1846; Du système social et des lois qui le régissent, Paris, Guillaumin, 1848; (1869), Physique sociale ou essai sur le développements des facultés de l’homme, Bruxelles, Académie royale de Belgique, 1997; Anthropométrie ou mesure des différentes facultés de l’homme, Bruxelles, Muquardt, 1871.
DROESBEKE J.-J. (éd.), Actualité et universalité de la pensée scientifique d’Adolphe Quetelet, Bruxelles, Académie royale de Belgique, 1997. - HACKING I., The Timing of Chance, Cambridge, University Press, 1990. - HALBWACHS M., La théorie de l’homme moyen ou essai sur Quetelet et la statistique morale, Paris, Alcan, 1913. - LOTTIN J. (1912), Quetelet, statisticien et sociologue, New York, B. Franklin, 1969. - STIGLER S.M., The History of Statistics: The Measurement of Uncertainty before 1900, Cambridge (MA), Belknap Press of Harvard University Press, 1986.    
Massimo Borlandi
Đại học Turin
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Dân số học và xã hội học; Durkheim; Thống kê đạo đức; Toán học xã hội; Tội ác và tội phạm.
Nguồn: Dictionnaire de la pensée sociologique, Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui và Bernard Valade (chủ biên), Paris, PUF, 2005.
Print Friendly and PDF