15.2.22

Jan Tinbergen, 1903-1994

TINBERGEN Jan, 1903-1994

Damien Gaumont

Jan Tinbergen sinh tại La Haye, Hà Lan, năm 1903 và qua đời tại đây năm 1994. Ông bắt đầu học vật lí toán học tại đại học Leyde. Cách đào tạo chặt chẽ này đã cho ông sở thích hình thức hoá những hiện tượng quan trắc được. Là một người tự học, bao giờ ông cũng giữ một khoảng cách nhất định với những nhà kinh tế đương thời. Ông trở thành tiến sĩ khoa học kinh tế năm 1929. Bốn năm sau ông được phong làm giáo sư đại học Rotterdam. Ông nổi lên như một lí thuyết gia và một nhà thực nghiệm cụ thể. Luôn từ chối mọi nhãn hiệu, ông để lại dấu ấn trên trường phái kinh tế Hà Lan. Từ 1936 đến 1938, ông là chuyên gia của Hội quốc liên ở Genève. Sau thế chiến thứ hai, ông lãnh đạo Văn phòng kế hoạch trung ương của Hà Lan cho đến năm 1956. Sau khi làm kế hoạch, ông từ bỏ chức vụ này để trở lại làm giáo sư đại học Rotterdam. Chức giáo sư này được trao cho ông để nghiên cứu sự phát triển kinh tế của những nước tiên tiến nhất cũng như của những nước nghèo nhất. Cùng năm đó ông được bổ nhiệm vào Hội đồng kinh tế và xã hội của Hà Lan. Cho đến năm 1973 ông tập trung vào công việc giáo sư, chuyên gia về kế hoạch hoá và chính sách kinh tế tìm kiếm sự phát triển tối ưu. Sau nhiều chuyến công tác cho Liên hợp quốc bên cạnh các chính phủ của một số nước đang phát triển, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch ủy ban kế hoạch hoá sự phát triển của Liên hợp quốc. Năm 1969, cùng với Ragnar Frisch, ông được trao giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel.

Nghiên cứu của ông chủ yếu xoay quanh ba hướng nghiên cứu lớn.

1)   Những phương pháp kinh tế áp dụng vào kế hoạch hoá phát triển. Tinbergen là một nhà kinh tế lí thuyết ủng hộ cách tiếp cận thống kê. Ông cũng phê phán mạnh mẽ những nhà kinh tế ch thuần tuý sử dụng lời văn, mà theo ông, là một phương pháp chỉ dành cho một số loại vấn đề có những quan hệ đan lồng nhau một cách cực kì phức tạp. Năm 1930, những công trình của ông nhằm vào việc phân tích những biến động kinh tế. Năm 1934, ông nghiên cứu ngành đóng tàu, một ngành rất quan trọng đối với Hà Lan. Ông chứng minh sự tồn tại của một chu kì kinh doanh nội sinh, mà tính định kì là khoảng tám năm (gần với chu kì Juglar).

Tinbergen thuộc loại những người nghĩ rằng khoa học kinh tế phải giải quyết những vấn đề ở một thời điểm nhất định. Chính vì thế ông tiến hành nhiều công trình quan trọng kiểm tra thống kê các chu kì kinh tế (1939) và tránh một cách hoàn toàn những tư biện trừu tượng không kiểm tra được. Để làm điều này ông đo bằng một hồi qui bội trọng số của những nhân tố ảnh hưởng đến chu kì. Ngay từ 1936, trong báo cáo của ông cho Hội kinh tế Hà Lan (1936), ông tìm cách xác định chính sách kinh tế như một chính sách toàn dụng lao động. Tính độc đáo của Tinbergen là đòi hỏi Nhà nước phải có một vai trò tích cực thông qua một chính sách những công trình lớn nhằm ổn định hoá tình thế. Có thể có được sự phục hồi kinh tế nhờ một chính sách đi vay cho phép tìm lại một cầu cao hơn và ngăn lương sụt giảm dưới tác động của suy thoái. Những khuyến nghị của ông với chính phủ dựa trên một trong những mô hình kinh tế vĩ mô đầu tiên về chính sách kinh tế trong đó có những quan hệ giữa những đại lượng tổng gộp tương tự như những quan hệ giữa những đại lượng của hệ thống tài khoản quốc gia. Như thế ông đo tác động của những chính sách kinh tế khác nhau bằng cách thay đổi những tham số của mô hình của ông. Đây thật sự là những mô phỏng cho phép dự báo tác động của một gia tăng của chi tiêu công cộng, của một sụt giảm của tiêu dùng hay của một gia tăng của đầu tư.

Ngay từ 1938, ông cho thấy là cần phải làm rõ những điều kiện ứng dụng và những giới hạn của nguyên lí gia tốc. Phê phán của ông là rất quan trọng: nguyên lí gia tốc có hiệu lực ngày nào nền kinh tế còn đối mặt với một gia tăng của cầu, nhưng hết hiệu lực khi cầu giảm. Nếu cuộc suy thoái là nhẹ thì sự mất giá của tư bản cho phép tự điều chỉnh với kho tư bản mong muốn. Ngược lại, khi cuộc suy thoái là trầm trọng thì đầu tư vấp phải một sàn vì không thể phá huỷ tư bản, nghĩa là không thể thực hiện một đầu tư âm. Chính vì lí do này mà có tư bản nhàn rỗi. Để cố gắng tự điều chỉnh, các doanh nghiệp có thể không thay thế tư bản bị mất giá trị. Bởi thế tổng đầu tư bị giới hạn bởi đầu tư thay thế (khấu hao).

Năm 1952, Tinbergen hoàn chỉnh một mô hình dự báo rất hiện đại và có tính thao tác từ 48 phương trình mà các tham số được ước lượng bằng kinh trắc học nhằm mô phỏng tác động của những quyết định chính phủ lên nền kinh tế.

Đối với Tinbergen, kế hoạch hoá là thu được những giá trị mong muốn từ những biến được chọn làm mục tiêu (như tỉ suất gia tăng tối đa của giá cả hay của lương để đạt đến một tỉ suất tăng trưởng nhất định của tổng sản phẩm quốc gia) bằng cách thao tác những biến công cụ (thuế thu nhập, thuế chi tiêu hay những can thiệp vào một số chi tiêu công cộng). Những mô hình kinh trắc của ông gồm có những biến được lượng hoá và như thế cho phép làm rõ những quan hệ định lượng mô tả ở một thời điểm nhất định cấu trúc của hệ thống kinh tế. Có ba loại quan hệ. Loại thứ nhất là những quan hệ định nghĩa (Tổng nguồn = Tổng sử dụng). Loại thứ hai có tính kĩ thuật (những hàm sản xuất thể hiện những quan hệ giữa những nhân tố sản xuất và sản lượng). Cuối cùng loại thứ ba là những quan hệ hành vi (hàm tiêu dùng phụ thuộc vào giá cả, được dự kiến hay không). Lí thuyết kế hoạch hoá của ông, mc dù là không đầy đủ, có lợi thế là mang tính hoạt động vì dựa trên thông tin cụ thể và thống kê. Lí thuyết này có tính đến rõ ràng những mục tiêu của chính phủ và cung cấp cho chính quyền một công cụ chính sách kinh tế làm yên lòng người có trách nhiệm chính trị, nhưng ngay từ đầu loại trừ việc bàn đến giá trị của những mục tiêu và thứ tự ưu tiên của chúng. Nếu viện đến kế hoạch hoá là cần thiết đó là vì thị trường tỏ ra không có khả năng đảm bảo một cách tự phát một phần lớn những chức năng kinh tế của một đất nước.

Kenneth Arrow (1921-2017)

2)   Suy nghĩ của ông về những lựa chọn công cộng để đạt đến tối ưu xã hội không dựa trên, như đối với Arrow, những sở thích cá nhân. Đối với ông mục tiêu là đạt đến một tỉ suất tăng trưởng cao nhất có thể, đảm bảo được toàn dụng lao động. Muốn thế thì sự phân phối phải hiệu quả và Nhà nước phải theo dõi sự phân phối lại loại trừ được vừa sự nghèo đói vừa những bất bình đẳng. Đối với Tinbergen vấn đề thiết yếu là vấn đề lựa chọn hệ thống kinh tế tốt nhất. Chính vì thế, kể từ năm 1960, không còn trách nhiệm nào trong nền kinh tế Hà Lan, ông dành hai tác phẩm cho vấn đề này (1962 và 1968): làm thế nào định nghĩa phúc lợi xã hội và làm thế nào tối đa hoá nó? Kinh tế học phúc lợi chỉ ra những điều kiện nào cấu trúc tối ưu của xã hội phải thoả mãn. Đối với Tinbergen không chỉ có tự do kinh doanh do những thị trường cạnh tranh kiểm soát mới đạt được kết quả này. Còn có một hệ thống xác định giá cả do Nhà nước kiểm soát cũng làm được điều này. Thể theo những kết quả của kinh tế học phúc lợi, giá cả phải bằng với những chi phí cận biên của chúng. Phân tích trên dựa trên việc quan sát là một số hoạt động có đặc điểm là có những chi phí cố định cao và có dư thừa năng lực kĩ thuật. Bởi thế những doanh nghiệp tư nhân này không thể tượng trưng cho hệ thống thực hiện được phúc lợi tối đa, trừ khi chọn một hệ thống giá cực kì phức tạp. Ngược lại, một sự liên hợp những doanh nghiệp kiểu này có thể thực hiện được phúc lợi xã hội tối ưu. Chính vì thế Tinbergen hình dung là chúng thuộc về khu vực dịch vụ công để tránh mọi khả năng siêu độc quyền. Khi nghiên cứu đầu tư, ông cho thấy là một số đầu tư lớn có tính không thể chia cắt như đường xá thì tư bản cho những doanh nghiệp cần đến những trang thiết bị nặng. Chương trình của ông ủng hộ việc xã hội hoá, một xã hội hoá cụ thể tượng trưng cho giải pháp tốt nhất đối với tất cả những hoạt động kiểu này, nhờ một kế hoạch hoá tập trung.

Một sự phân phối công bằng thu nhập là một phân bổ tối ưu các nguồn lực tất yếu phải thông qua một mối quan hệ chặt chẽ giữa thù lao, năng lực và hiệu quả. Do đó đạt được công bằng xã hội bằng những chuyển nhượng xã hội chứ không phải bằng một chính sách độc đoán và kế hoạch hoá những thu nhập ban đầu. Phải sửa chữa sự phân phối bất bình đẳng của thu nhập mà thị trường sinh ra bằng việc qui định hoá gia tài và thuế thu nhập. Nhưng điều quan trọng nhất là nâng cao mặt bằng giáo dục để cho đại đa số có thể tăng giá trị của thù lao trực tiếp của mình vì Tinbergen nghĩ là các tác nhân kinh tế tương đối cận thị về mặt thuế.

Ông nhận thấy là không thể thực hiện tối ưu xã hội trong nội bộ một đất nước vì nền kinh tế chịu những ràng buộc áp đặt lên nó. Chính vì thế ông hình dung đạt đến tối ưu này bằng cách thực hiện một kế hoạch hoá toàn cầu.

3)   Dự án về một nền kinh tế thế giới được hình dung để giải quyết vấn đề chậm tiến. Một nền kinh tế như thế sẽ có mục tiêu là việc phân bổ tối ưu những nguồn lực hiếm hoi và mục tiêu này vừa là một giải pháp có hiệu quả cho vấn đề phát triển. Ông đi dọc ngang thế giới cho Liên hợp quốc, đi Iran, Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kì, Mehico, Venezuela và Pakistan. Danh tiếng quốc tế của ông khiến ông được bầu làm chủ tịch ủy ban kế hoạch hoá sự phát triển, và điều này ngược lại củng cố cho hành động của ông về những chính sách được triển khai trong những nước được ông tư vấn. Trong thời gian này ông viết hai tác phẩm (1962 và 1969) về vấn đề phát triển. Giáo dục, bằng chất xám mà nó tượng trưng, là lực lượng sản xuất chính cho phép có được một phát triển cân bằng. Ông gợi ý phương pháp sau cho việc kế hoạch hoá kinh tế giáo dục: 1) ước lượng cho mỗi thời kì khối lượng sản xuất của mỗi ngành của nền kinh tế. 2) tiếp đấy giả định là ta biết được kĩ thuật sản xuất tối ưu của mỗi ngành, nghĩa là vào mọi lúc, cho mỗi trình độ của người lao động, số lượng lao động cần thiết để sản xuất. 3) cũng giả định là ta biết được số người ngưng hoạt động, bất kể vì lí do gì. 4) như thế tính được nhu cầu về người lao động có trình độ cho mỗi thời kì, của mỗi loại nhân công. 5) biết được số ngành đào tạo hiện có và số tốt nghiệp mà các ngành này cung cấp thì có thể suy ra số học sinh cần có cho mỗi ngành.

Sự phát triển cân bằng có nghĩa là phải thích nghi sản xuất với những nhu cầu tiêu dùng và tồn kho tuỳ theo tuổi thọ của đầu tư. Do đó phải đào tạo bao nhiêu số học trò cho bấy nhiêu việc làm sẵn có vào cuối thời gian đào tạo. Do giáo dục vô cùng mất thời gian nên phải hình dung một kế hoạch hoá ít ra là trên hai mươi năm.

Do đó Tinbergen nghĩ là các nước giàu phải đóng góp vào sự phát triển của những nước nghèo, bằng cách ưu tiên cho việc nâng cao đầu tư vào những nước nghèo. Để làm việc này, ông đòi hỏi các nước giàu tăng những luồng vốn và các nước nghèo phải tăng tiết kiệm và thực hiện việc thay thế những sản phẩm nhập khẩu bằng những sản phẩm nội địa. Sự phát triển của thế giới đòi hỏi sự thối lui của chủ nghĩa bảo hộ kết hợp với một sự hỗ trợ kĩ thuật và những đầu tư vào việc sản xuất tại chỗ những sản phẩm thích hợp nhất với năng lực của những nước nghèo. Những cái lợi do trao đổi hoàn toàn không đối lập với những cái lợi mà viện trợ mang lại, một viện trợ được xem là bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ cho sự phát triển của những nước nghèo. Ông tố cáo những tầng lớp ưu tú bất tài và tham nhũng của những nước đang phát triển nhưng không bao giờ rút ra kết luận là phát triển chỉ là vấn đề riêng của các nước này.

Tuy nhiên ông xét lại tính lạc quan của chủ nghĩa tự do về mặt thương mại quốc tế, vì chỉ những lợi thế so sánh không thôi không cho phép chuyển tư bản và cung cấp nguồn lực cho các nước nghèo. Ông bảo vệ ý tưởng một thế giới đoàn kết không biên giới, ủng hộ một phân công lao động tối ưu trong nền kinh tế thế giới. Ông phát triển thái độ của nhà kế hoạch hoá khi cho rằng công xưởng toàn cầu phải phân bổ nghiêm ngặt các nhiệm vụ tùy theo những nguồn lực địa phương và những lợi thế so sánh. Để làm việc này ông chia các nước thành mười một nhóm, từ những nước nghèo nhất đến những nước giàu nhất và xếp loại chúng theo tư bản hữu hình và vốn con người trên đầu người. Ông tạo ra mười một trung tâm công nghiệp. Một trung tâm có một định vị tối ưu trong mỗi nhóm nước. Như vậy mỗi nước có một sự đa dạng hoá rất cao vừa phải phát triển những ngành công nghiệp tương ứng với mình trên bình diện quc gia (xây dựng, năng lượng, vận tải, thương mại) vừa phải phát triển những ngành được phân bổ về mặt quốc tế do thuộc về một trong mười một trung tâm công nghiệp chuyên ngành.

Nếu cần phải cầu viện đến kế hoạch hoá, vì chỉ bản thân thị trường không phân phối được của cải thì vấn đề lựa chọn tối ưu xã hội là một vấn đề mở. Lựa chọn này là cơ bản vì trật tự xã hội dựa trên đó. Chính trong tinh thần này mà Tinbergen đề nghị một chủ nghĩa xã hội kinh tế thực dụng và tự do hoà giải chính sách cung với công bằng xã hội. Như thế ông tự khẳng định như một nhà xã hội phi marxist trên đường đi tìm một trật tự kinh tế thế giới mới.

Une politique économique pour 1936 [Một chính sách kinh tế cho năm 1936], Hội kinh tế Hoà Lan, 1936. Business Cycles in the United States of America, 1919-1932 [Những chu kì kinh doanh tại Hoa Kì, 1919-1932], Genève, Société des Nations. Shaping the World Economy: Suggestions for An International Economic Policy [Định hướng nền kinh tế thế giới: Những gợi ý cho một chính sách kinh tế quốc tế], New York, Twentieth Century Fund, 1962. Development Planning [Kế hoạch hoá phát triển], New York, McGraw-Hill, 1967. Development Planning [Kế hoạch hoá phát triển], London, Weidenfeld & Nicolson, 1968.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: “Les prix des sciences économiques à la mémoire d’Alfred Nobel” (Những giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel) của Damien Gaumont trong Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001, trang 997-1000.

Print Friendly and PDF