28.9.15

Phỏng vấn Olivier Blanchard



Olivier Blanchard (1948-)

Phỏng vấn Olivier Blanchard

Olivier Blanchard hiện nay là Class of 1941 Professor of Economics tại đại học Massachusetts Institute of Technology. Ông được biết đến nhất nhờ những công trình về một số vấn đề kinh tế vĩ mô bao gồm tính cứng nhắc của giá cả, những hiệu ứng của chính sách tài khóa, nguyên nhân của thất nghiệp tương đối cao ở Tây Âu, và gần đây hơn về những vấn đề kinh tế gắn với sự chuyển đổi của Đông Âu.
Chúng tôi phỏng vấn Giáo sư Olivier Blanchard trong văn phòng của ông tại đại học Harvard, ngày 30 tháng mười 1997, trong thời gian một năm ông rời khỏi MIT.

Thông tin căn bản

Giáo sư bắt đầu học kinh tế lúc nào và ở đâu?
Tôi bắt đầu học kinh tế ở Paris năm 1966. Nhưng phải đợi đến những biến cố năm 1968 tôi mới thật sự quan tâm đến kinh tế. Tôi ở Pháp đến năm 1973 và sau đó sang MIT để học PhD và đỗ bằng này năm 1977.
Giáo sư được biết đến đặc biệt nhờ những công trình về kinh tế học vĩ mô. Điều gì đã khơi lên mối quan tâm của giáo sư đối với kinh tế học vĩ mô?
Franco Modigliani (1918-2003)
Chủ yếu là do ngẫu nhiên. Tôi đến MIT với hai mục đích. Mục đích thứ nhất, khiêm tốn thôi, đơn giản là hoà giải và hợp nhất truyền thống lịch sử marxist và truyền thống tân cổ điển. Sau đôi ngày tôi kết luận là chắc hẳn nhiệm vụ này vượt quá khả năng mình (Cười). Mục đích thứ hai là để học kinh tế học phát triển. Nhưng tôi thấy là lĩnh vực này hoàn toàn lộn xộn -may thay gần đây đã có những thay đổi và lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ trở lại. Lúc bấy giờ kinh tế học vĩ mô là cực kì hứng thú - đặc biệt là ở MIT, với Franco Modigliani, Robert Solow, Stanley Fischer và một năm sau khi tôi đến đó, Rudi Dornbusch. Những dự kiến duy lí mới vừa được đưa vào kinh tế học vĩ mô và có gần như vô tận những vấn đề cần xem lại với những công cụ mới, một ước mơ cho các sinh viên cao học. Ex post, tôi thấy rằng kinh tế học vĩ mô là lí thú hơn (gần như thế) bất kì môn nào khác, mặc dù đôi lúc tự hỏi mức độ nào điều này là một sự tự biện minh -tôi không nghĩ là mình đủ kiên nhẫn để làm, ví dụ, một nhà kinh tế lao động! Tôi thích suy nghĩ lớn -mặc dù không quá lớn- và kinh tế vĩ mô học thoả mãn tốt yêu cầu này.
Robert Solow (1924-)
Những nhà kinh tế nào đã có ảnh hưởng đến những công trình của giáo sư?
Về mặt phong cách nghiên cứu, tôi chịu ảnh hưởng nặng của Bob Solow và Stanley Fischer. Cả hai người này đều đã cố vấn cho tôi và tôi đã cố gắng tiếp nhận phong cách tri thức khiêm tốn của họ. Về cách tiếp cận kinh tế vĩ mô, và ở một mức phương pháp luận hơn, tôi chịu ảnh hưởng của Rudi Dornbusch và gián tiếp của ông thầy ông ta, Robert Mundell. Thông điệp tôi nhận được từ họ là nhìn vào những vấn đề trung tâm và viết ra mô hình đơn giản nhất nắm bắt những vấn đề này: những mô hình để làm rõ ý tưởng của bạn và để giải thích chúng cho những người khác. Trong chiều hướng này, một tên nữa hiện lên trong trí tôi, đó là Jim Tobin.
Stanley Fischer (1943-)
Giáo sư có cho là được đào tạo ban đầu ở châu Âu đã khiến giáo sư có một cách nhìn khác với những nhà kinh tế Mĩ về những vấn đề kinh tế vĩ mô không?
Chắc là có thôi, nhưng không theo một lối đơn gian đâu. Tôi lựa chọn kinh tế học vì quan tâm đến xã hội. Động cơ này không chỉ được những biến cố năm 1968 ở Pháp định hướng mà còn vì một số vấn đề quan trọng ở châu Âu. Và khi nghiên cứu những vấn đề kinh tế vĩ mô, tự nhiên tôi nhìn xa hơn những gì xảy ra ở Hoa Kì.

Tiến hoá của kinh tế học vĩ mô

Việc xuất bản Lí thuyết tổng quát của Keynes đã định hướng tiến hoá của phân tích kinh tế vĩ mô thời hậu chiến. Theo giáo sư đâu là thông điệp chủ yếu của Lí thuyết tổng quát?
Tôi không phải là chuyên gia về Lí thuyết tổng quát. Đối với tôi thông điệp chính là tầm quan trọng của tổng cầu. Trong ngắn hạn, nếu tổng cầu là thấp thì sản xuất và việc làm cũng ở mức thấp. Tôi luôn bị mê hoặc bởi cách tư duy của Keynes về quan hệ giữa tiết kiệm và đầu tư. Tôi nghi là tôi có thể nhìn mãi quan hệ này và nghĩ đến nó theo cách cổ điển -rằng lãi suất sẽ làm cân bằng thị trường quỹ cho vay. Tôi xem bước đột phá khái niệm của Keynes về quan hệ giữa tiết kiệm và đầu tư -rằng sản xuất sẽ tiến hành sự điều chỉnh- là cực kì cơ bản. Một khi bạn trông thấy mô hình IS-LM thì hiển nhiên là phân tích keynesian khác biệt biết mấy với cách suy nghĩ trước đó về những sự việc.
Lí thuyết tổng quát nổi lên từ cuộc Đại suy thoái. Trong nhiều cách giải thích cuộc Đại suy thoái, theo giáo sư cách nào là có sức thuyết phục nhất?
Một lần nữa, tôi không phải là chuyên gia về cuộc Đại suy thoái. Tôi có cảm tưởng rằng Đại suy thoái là kết quả của sự sụt giảm độc lập của tổng cầu, chắc hẳn cùng với một vai trò quan trọng của những bong bóng[1]g trên thị trường chứng khoán. Sau đó điều quan trọng là phải tính đến những những hiệu ứng tiêu cực của giảm phát -hiện tượng giá giảm không nhất thiết là một điều tốt. Những bài học chính tôi rút ra từ cuộc Đại suy thoái là tổng cầu có thể rớt không do một lí do ex ante hiển nhiên nào cả, và những cơ chế điều chỉnh được cho là đặt nền kinh tế trở lại trên đường ray thậm chí có thể có những hiệu ứng tai ác. Hai bài học này ngày nay vẫn còn giá trị như chúng từng là những bài học thích đáng trong thập niên 1930.
Tiếp theo cuộc tranh luận của Keynes chống các nhà cổ điển, kinh tế học vĩ mô chính thống dần dần biến thành điều được Samuelson (1955)[2] gọi là sự tổng hợp tân cổ điển. Tổng hợp này đã có gì sai trái?
Paul Samuelson (1915-2009)
Tổng hợp tân cổ điển cơ bản bị thất sủng vì hai lí do chính, một lí do tốt và một lí do xấu. Lí do xấu là tổng hợp này đã trở thành nhạt nhẽo -những đột phá của Keynes, mô hình IS-LM, mô hình MPS đều đã hoạt dộng tốt nên khi thế hệ chúng tôi bước lên sân khấu hoá ra tất cả những gì còn lại là dọn sạch những chi tiết chứ không phải là những triển vọng li kì. Tôi nghi là xu hướng này xảy ra cho nhiều hệ ý - chúng có thể chết vì già nua dù cho chúng đúng. Lí do tốt là sự căng thẳng tri thức ngày càng tăng do một mặt việc dựa vào hành vi tối ưu hoá để giải thích tiêu dùng và đầu tư và mặt khác chủ nghĩa thực nghiệm không nao núng và và việc thiếu lí thuyết đằng sau việc giải thích sự hình thành giá và lương.
Cuộc phản cách mạng trọng tiền, đặc biệt là những công trình của Milton Friedman, là quan trọng như thế nào cho sự phát triển của kinh tế học vĩ mô?
Milton Friedman (1912-2006)
Tôi có cảm tưởng là Milton Friedman bị dồn vào chân tường và buộc phải lập luận về độ dốc của những đường trong mô hình chuẩn và ông thật sự không muốn ở thế kẹt này. Ông thoát ra khỏi bằng bài diễn văn năm 1967 ở cương vị chủ tịch Hội kinh tế Mĩ về vai trò của chính sách tiền tệ, bài diễn văn này là thật sự quan trọng làm thay đổi kinh tế học vĩ mô. Không nghi ngờ gì là ông đã thành công trong việc biến đổi động thái trong lĩnh vực này và công trình này đã ảnh hưởng lớn dến thế hệ những nhà kinh tế sau, kể cả những người như Robert Lucas.
Nhưng chúng ta không còn nghe nói đến học thuyết trọng tiền nhiều nữa. Vì sao học thuyết này không còn là một lực quan trọng của kinh tế học vĩ mô nữa?
Có hai lí do chính. Thứ nhất học thuyết trọng tiền chủ yếu chỉ tập trung vào một vấn đề hơi giống như đảng Xanh (đảng bảo vệ môi trường - ND) trong chính trị. Nếu bạn chỉ tập trung vào tiền tệ bạn sẽ không có khả năng giải thích toàn bộ vô số những vấn đề kinh tế vĩ mô quan trọng khác. Thứ hai, thông điệp chính của học thuyết trọng tiền đã trở thành một bộ phận của lí lẽ thông thường và ở cương vị đó biến thành gần như vô hình. Điều gây cho tôi ấn tượng mạnh là, đặc biệt ở châu Âu, một chính sách tiền tệ ổn định và lạm phát thấp nay được xem như một điều tất yếu tuyệt đối cho sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Giáo sư có đồng ý là vào giữa thập niên 1970 một mô hình chính thống có sửa đổi, bao gồm một đường Phillips dài hạn thẳng đứng và ảnh hưởng của những cú sốc trên cung, có thể giải thích hiện tượng kinh tế vĩ mô chính của thời kì này, đặc biệt là hiện tượng lạm phát và đình đốn?
Vâng. Mặc dù mô hình chính thống lúc đầu bị tấn công do không có khả năng giải thích đình đốn và lạm phát thì sự bất lực này không phải do một nhược điểm cơ bản của mô hình này. Vấn đề liên quan nhiều hơn đến sự kiện không dễ chịu tí nào là hiếm khi chúng ta có đủ tưởng tượng để đoán điều gì sẽ xảy ra. Và chúng ta đã không suy nghĩ đến những tác động của một gia tăng của giá dầu lửa trước khi điều này xảy ra. Một khi những cú sốc của cung và những dự kiến duy lí được đưa vào thì mô hình chính thống hoạt động khá tốt, và vẫn còn hoạt động tốt cho đến nay. 
Robert Lucas (1937-)
Nay nhìn trở lại, giáo sư đánh giá như thế nào tầm quan trọng của những đóng góp của Robert Lucas và của nhiều nhà cổ điển mới trong thập niên 1970 vào sự phát triển của kinh tế học vĩ mô?
Đóng góp đặc biệt -đưa những dự kiến duy lí vào kinh tế học vĩ mô- là quan trọng vì hai lẽ: nó khiến ta đặt lại vấn đề tất cả những mệnh đề trước đó và mức độ những mệnh đề này liên quan đến những dự kiến không duy lí. Tuy nhiên Lucas ít thành công hơn khi cung cấp một cách nhìn khác với cách nhìn chính thống. Về điểm này tôi không nghĩ là quan điểm chu kì kinh doanh thực tế của Prescott nổi lên trong thập niên 1980 gặt hái được thành công hơn.
Trong giáo trình kinh tế học vĩ mô trung cấp (Blanchard, 1997a)[3] giáo sư nói là trong lúc phần lớn các nhà kinh tế không tin rằng cách tiếp cận chu kì kinh doanh thực tế cung cấp được một giải thích có tính thuyết phục cho những biến động chính của sản xuất; tuy nhiên cách tiếp cập này đã chứng tỏ là một cách tiếp cận có ích”. Theo giáo sư bằng cách nào cách tiếp cận này đã củng cố hiểu biết của chúng ta về kinh tế học vĩ mô?
Điều này kéo ta trở lại một số vấn đề mới vừa bàn ở trên. Lucas đã thuyết phục được giới kinh tế về sự cần thiết phải quay trở lại những nguyên lí ban đầu. Cách tiếp cận chu kì kinh doanh thực tế cung cấp cho chúng ta một xuất phát điểm tự nhiên. Rõ ràng là chúng ta không thể dừng lại ở đây nhưng nay chúng ta có được một cấu trúc và có thể đưa vào đó những điểm không hoàn hảo, dù cho đó là trên các thị trường sản phẩm, lao động hay tín dụng và tài chính và xem những điều không hoàn hảo này sẽ đưa chúng ta đến đâu. Trong khi Keynes cung cấp cho chúng ta một cách tư duy về thế giới nhưng không cho những công cụ kĩ thuật đặc biệt thì những người đề xuất cách tiếp cận chu kì kinh doanh thực tế đã làm điều ngược lại. Họ đã cho chúng ta những công cụ đẹp. Còn sử dụng những công cụ này để rút ra những điều lí thú là việc của chính chúng ta.
Robert Gordon (1940-)
Một số công trình của giáo sư có vai trò nổi bật trong bài tổng quan của Robert Gordon (1990) đăng trên tạp chí Journal of Economic Literature về kinh tế học keynesian mới, cũng như trong tuyển tập những bài viết về kinh tế học keynesian mới do Greg Mankiw và David Roemer (1991)[4] chủ biên. Giáo sư có nhận mình là một nhà kinh tế keynesian mới không?
Không. Nói chung tôi không thích những nhãn hiệu. Hơn nữa trong lúc phân tích keynesian mới làm sáng tỏ hiểu biết của chúng ta về việc thiết lập giá danh nghĩa và lương, ngoài ra nó không đi xa hơn. Thông điệp tổng quát hơn của nó nói là những điều không hoàn hảo là quan trọng. Nhưng trong lúc lí thuyết này cho ta những lí thuyết đáng tin hơn về cách mà những giá riêng lẻ đưa đến trạng thái sức ì của giá cả thì nó chưa cung cấp được một cách nhìn nhất quán về kinh tế học vĩ mô.
Giáo sư có nghĩ là những chi phí thực đơn có thể thành công trong việc giải thích tính cứng nhắc của giá danh nghĩa không?
Quan điểm của tôi, được trình bày trong một cuốn sách viết chung với Stanley Fischer (Blanchard và Fischer, 1989[5]) là nếu bạn xét một nền kinh tế tân cổ điển thông thường và đưa vào đấy những chi phí thực đơn thì bạn không đi đến đâu cả. Trên nhiều phương diện, những nền kinh tế hiện đại là không hoàn hảo và những điều không hoàn hảo này, vốn không dính dáng gì đến những chi phí thực đơn, là thiết yếu cho việc hiểu các thị trường sản phẩm, lao động và tín dụng. Một trong những triệu chứng của những điều không hoàn hảo này là trên những thị trường này những giá tương ứng dường như không điều chỉnh nhiều với những thay đổi của cầu - có những cứng nhắc “thực tế”. Triệu chứng đặc biệt này là quan trọng vì khi bạn kết hợp nó với sự điều chỉnh rời rạc của những giá riêng biệt thì bạn sẽ có một loạt những tác động. Nhưng bạn thật sự cần đến cả hai loại không hoàn hảo; nếu bạn chỉ có loại thứ hai, những chi phí thực đơn, thì chúng không đưa bạn đến đâu cả.
Tôi cũng nghĩ là về mặt quan hệ đại chúng thuật ngữ “chi phí thực đơn“ là một tai hoạ. Có một điều cơ bản hơn trong việc xác lập giá danh nghĩa, vượt xa khỏi những chi phí thực đơn. Lí do thực sự sử dụng một đơn vị đo lường để niêm yết giá là vì nó cực kì thuận tiện; cũng vì lí do cơ bản này nên chúng ta không muốn mỗi năm phút thay đổi những giá niêm yết này. Hai điều này đi cùng với nhau và là phần thiết yếu của một nền kinh tế tiền tệ. Hệ quả là không phải tất cả các giá đều luôn thay đổi, cho nên bất kì thay đổi nào của giá của tiền tệ sẽ can dự đến hàng triệu, nếu không phải là hàng tỉ quyết định cá thể. Do đó không có bí ẩn nào lớn hơn là trong một nền kinh tế tiền tệ gần như ổn định những chuyển động của mức giá sẽ chậm chạp và những chuyển động của tổng cầu sẽ ảnh hưởng đến lãi suất và sản xuất.
Robert Gordon (1990)[6] đã nhận diện lí thuyết lương hiệu quả như là một lĩnh vực quan trọng của kinh tế học keynesian mới. Quan điểm của giáo sư về lí thuyết lương hiệu quả là như thế nào?
Lí thuyết này không đem tới thêm gì cho toàn bộ lí thuyết xác định lương, nó chỉ là một trong những thành tố quan trọng của toàn bộ bí ẩn. Lí thuyết lương hiệu quả đã dịch chuyển nhiều người từ hệ ý thị trường lao động hoàn hảo sang một mô hình đối chọn quyến rũ hơn và có nhiều hệ quả kinh tế vĩ mô quan trọng. Nhưng còn nhiều cách khác để tư duy việc ấn định lương, từ thương thảo cá nhân và thương thảo tập thể; những cách này có khả năng là không kém phần xác đáng.
Trong những năm qua có vẻ như là ít có sự chia rẽ trong kinh tế học như đã từng có, ví dụ, cách đây năm năm. Theo giáo sư ngày nay đâu là cái lõi của quan điểm đồng thuận trong kinh tế học vĩ mô?
Rudi Dornbusch (1942-2002)
Do tôi đã viết về điểm này trong chương kết luận của quyển sách giáo khoa của tôi nên ở đây không có nguy cơ tôi tự mâu thuẫn với bản thân (Cười). Tôi có cảm tưởng là có một sự đồng thuận cho rằng trong ngắn hạn những chuyển dịch của tổng cầu tác động đến sản xuất và trong trung và dài hạn thì những yếu tố bên phiá cung là thống trị. Phần lớn các nhà kinh tế thừa nhận là những chuyển động của tiền danh nghĩa tác động đến sản xuất một thời gian, mặc dù một số nhà kinh tế sẵn sàng thừa nhận là họ không hiểu vì sao lại như thế.
Về mặt phương pháp luận cũng có một sự đồng tình khá phổ biến là chúng ta sẽ không hiểu những biến động nếu không đưa vào một số điều không hoàn hảo trên một số thị trường. Nay chúng ta đã vượt qua sự đối lập. Ví dụ, Cambridge (Mĩ) đã chấp nhận nhiều gợi ý phương pháp luận của Trung Bắc Mĩ và Trung Bắc Mĩ đã rời xa khỏi mô hình Ramsey-Prescott. Tất cả những điều này càng làm cho kinh tế học vĩ mô thêm rối loạn (Cười). Nhưng một sự hợp nhất hoàn toàn, thành công và dứt khoát đang đến gần (Cười).
Vài năm trước đây (Blanchard, 1992)[7] giáo sư đã yêu cầu quay về một kinh tế học vĩ mô thực tiễn hơn, gợi ý là các nhà kinh tế vĩ mô đã tạo nên một loạt những quái vật rắc rối gây hoang mang” đưa bộ môn kinh tế vĩ mô xa khỏi những nghiên cứu hướng về dữ liệu”. Giáo sư có nghĩ rằng sự phát triển này là kết quả không thể tránh được của việc khuyến khích sự khác biệt hoá trong giới đại học không?
Vào lúc bấy giờ quả thật tôi nghĩ là có quá nhiều mê hoặc đối với việc mô hình hoá và quá ít chú ý đến những sự kiện. Tình hình đã được cải thiện. Cuối cùng quá trình thải hồi đã hoạt động và cuối cùng những điều không xác đáng và được quan niệm dở biến mất. Nhưng thường quá trình này là chậm.

Thất nghiệp

Theo giáo sư sự phân biệt nhiều nhà kinh tế quen dùng giữa thất nghiệp tự nguyện và không tự nguyện có còn hữu ích không?
Không. Về điểm này tôi đồng ý với Lucas. Thị trường lao động là một thị trường phi tập trung, với nhiều việc làm và nhiều người lao động không có việc làm. Trên một thị trường như thế, nếu bạn hết sức muốn một việc làm, bất kể việc làm nào thì bạn có thể có việc làm.  Nhưng tôi cũng tin là khi thất nghiệp lên đến 13 phần trăm, như hiện nay ở Pháp, phần lớn người ta không thích bị thất nghiệp và một tỉ suất thất nghiệp cao như thế phản ảnh một số thất bại của thị trường. Nhưng điều này dựa trên lập luận trừu tượng, chứ không dựa trên việc thử đo đạc thất nghiệp không tự nguyện.
Có sự khác biệt có ý nghĩa nào không giữa khái niệm thất nghiệp tự nhiên và khái niệm NAIRU?
Ngữ nghĩa riêng của tôi là như sau. Tôi nghĩ đến thất nghiệp tự nhiên, hay tỉ suất thất nghiệp cân bằng như một thiết kế có tính khái niệm, cụ thể là tỉ suất thất nghiệp phổ biến nếu không có những cứng nhắc danh nghĩa. Tôi nghĩ đến NAIRU như một thiết kế có tính thực nghiệm, như tỉ suất thất nghiệp mà ở mức đó lạm phát là không đổi. Với những giả thiết đáng tin, nay NAIRU tương ứng với tỉ suất tự nhiên, do đó cung cấp cho ta cách đo tỉ suất tự nhiên bằng cách xem quan hệ thất nghiệp-lạm phát.
Larry Summers (1954-)
Trong thập niên 1980 giáo sư viết một số bài sử dụng khái niệm hiện tượng trễ[8] để giải thích sự gia tăng của thất nghiệp ở châu Âu (xem Blanchard và Summers, 1986, 1987)[9]. Giáo sư còn cảm thấy phấn khởi với cách tiếp cận này không?
Bạn tóm tôi không đúng lúc rồi. Công trình mới đây của tôi đã khiến tôi phần nào thay đổi quan điểm, một điều tôi rất ghét -ít ra là một khi những quan điểm trước đã được đăng tải rồi (Cười). Quan điểm hiện nay của tôi là bạn hoàn toàn giải thích được sự gia tăng của thất nghiệp ở châu Âu mà không cần đến khái niệm hiện tượng trễ, rất xa với điều tôi nghĩ lúc tôi viết những bài này với Larry Summers. Tôi có cảm tưởng là bạn có thể giải thích phần lớn sự gia tăng của thất nghiệp tại châu Âu ít nhất là từ giữa 1980 bởi sự không tương hợp giữa những khát vọng của người lao động với những thực tế của thời buổi đó. Mặc dù tăng trưởng của năng suất giảm nhưng những yêu sách tăng lương vẫn tăng, kết quả là thất nghiệp tăng đều. Vấn đề lí thú là tại sao thất nghiệp vẫn cao đến thế: những khát vọng về lương nay đã phải điều chỉnh rồi và giá dầu đã hạ. Chính ở đây tôi có thói quen cho rằng hiện tượng trễ là câu giải đáp tự nhiên. Gần đây hơn tôi đi đến kết luận là còn có điều gì khác hơn nữa mà về nhiều phương diện có vẻ là khá marxíst! Cũng giống như người lao động đã đẩy lương lên cho đến giữa thập niên 1980, dường như cũng từ giữa thập niên này các doanh nghiệp đã kéo lương lại. Tôi vẫn còn vật lộn với cách tốt nhất để tư duy điều này. Một cách là, từ giữa thập niên 1980, các doanh nghiệp đã giảm tích trữ lao động, sa thải lao động và tạo thêm nhiều thất nghiệp cũng như sinh ra lợi nhuận cao hơn (ngày nay ở châu Âu lợi nhuận là rất cao: chưa bao giờ kể từ thế chiến thứ hai tỉ phần lợi nhuận lại cao đến thế). Nếu tôi đúng thì những lợi nhuận cao này cuối cùng phải đưa đến thêm nhiều tư bản và nhiều việc làm hơn; nhưng điều này có thể phải mất một thời gian.
Vì thế nay tôi tin là có thể giải thích được vì sao thất nghiệp ở châu Âu vẫn còn cao mà không cần viện đến những hiệu ứng trễ. Đồng thời tôi tiếp tục tin là một khi bạn đã từng có thất nghiệp trong một thời gian dài thì, về nhiều mặt, xã hội thay đổi, và những biến đổi này kéo theo một tỉ suất thất nghiệp cân bằng cao hơn. Có những thay đổi về mặt xã hội và tâm lí: người ta chấp nhận bị thất nghiệp, chấp nhận sử dụng mạng lưới an toàn. Thường còn có một phản ứng chính trị: đối mặt với mức thất nghiệp cao, các chính phủ cảm thấy buộc phải cung cấp một mạng lưới an toàn hào phóng hơn. Tất cả những điều này là những kênh tiềm tàng cho những hiện tượng trễ.
Xavier Sala-i-Martin (1962-)
Từ sự phân tích của giáo sư, giáo sư chủ trương những chính sách nào để giảm mức thất nghiệp cao ở châu Âu?
Trong nhiều nước, cần phải siết chặt những trợ cấp thất nghiệp hơn, cần giảm bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, cố gắng tiến hành những cải cách kiểu này khi xuất phát từ một mức thất nghiệp cao vừa không chấp nhận được về mặt xã hội, vừa không có tính khả thi về mặt chính trị trong những nền dân chủ của chúng ta. Giải pháp đúng đắn là phải dùng những chính sách cầu để khởi động tăng trưởng và sử dụng tăng trưởng để hỗ trợ cải cách. Tiếc thay, đối với một nước như Pháp, với những ràng buộc của hiệp ước Maastrich, quả thật không có biên độ sử dụng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Hi vọng là tăng trưởng tự nó sẽ đến và cho phép một chu kì đức hạnh với tăng trưởng nuôi dưỡng cải cách và cải cách nuôi dưỡng tăng trưởng. Điều này có thể xảy ra: dù sao đi nữa lợi nhuận là cao, các doanh nghiệp có tính cạnh tranh cao và nếu người tiêu dùng trở nên lạc quan thì tăng trưởng sẽ công nhận giá trị của nỗi lạc quan này. Nếu không thì không thể.
Trong những năm gần đây thất nghiệp ở Anh đã giảm một cách hết sức có ý nghĩa từ đỉnh điểm 10,5 phần trăm năm 1993 trong lúc thất nghiệp ở phần lớn những nước châu Âu khác vẫn bướng bỉnh ở một mức cao. Giáo sư có nghĩ là việc thất nghiệp giảm gần đây ở Anh là kết quả của những chính sách làm tăng tính linh hoạt của thị trường lao động không?
Không. Quan điểm của tôi về kinh nghiệm mới đây của Anh chủ yếu là một quan điểm keynesian. Tại Anh, khác với những nơi khác ở châu Âu, có một sự bành trướng theo kiểu lỗi thời, kết quả của sự tụt giảm của thất nghiệp. Trong khi có những khác biệt giữa Anh và những nước khác trên lục địa châu Âu về mặt cấu trúc cuả thị trường lao động, lí do xấp xỉ của sự tụt giảm mới đây của thất nghiệp ở Anh là chính sách bành trướng kinh tế vĩ mô. Điều lí thú là những tình huống này đã cho phép tiến hành những thay đổi cơ cấu, theo đúng hướng, của thị trường lao động và của những chương trình phúc lợi. Đó chính là loại chính sách hỗn hợp mà tôi muốn thấy xuất hiện ở phiá bên kia eo biển.

Liên minh tiền tệ châu Âu và chính sách kinh tế

Giáo sư có nghĩ rằng Liên minh tiền tệ châu Âu sẽ được hoàn thành đúng lịch dự định không? Nếu có thì khả năng là liên minh này sẽ có hình dạng nào và những hệ quả kinh tế có thể là ra sao?
Cảm tưởng của tôi là liên minh chắc sẽ được hoàn thành đúng thời hạn. Do các chính phủ trên lục địa châu Âu nhân danh liên minh tiền tệ châu Âu đã đòi hỏi nhiều sự hi sinh nên họ không thể chuyển hướng và từ bỏ liên minh được. Tôi gần như chắc chắn là dạng của Liên minh tiền tệ châu Âu (EMU) sẽ là rộng chứ không phải hẹp vì những nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia đều đam mê muốn gia nhập - đây là một câu lạc bộ họ muốn gia nhập.
Một khi nói điều này rồi, ở cương vị một nhà kinh tế tôi không giúp được gì nhưng lo ngại đến những hệ quả của EMU. Liên minh châu Âu dứt khoát không phải là là một vùng tiền tệ tối ưu. Trong công trình của tôi về các vùng ở Hoa Kì tôi thấy là lí do khiến Mĩ hoạt động tốt như là một địa bàn tiền tệ chung -một địa bàn gồm có 50 bang- là vì lao động có tính di động. Tại châu Âu hiện còn chưa có tính cơ động này. Như thế trên cơ sở kinh tế vĩ mô tôi chống lại EMU (European Monetary Union). Đồng thời tôi nghi ngờ là những lập luận kinh tế vi mô ủng hộ EMU đã bị bán rẻ. Việc nhiều doanh nghiệp tính chi phí bằng cùng một đồng tiền sẽ làm họ suy nghĩ khác đi việc định vị trong thị trường châu Âu. Doanh nghiệp sẽ năng nổ hơn trong việc định cắm dùi nơi này và chuyển sang nơi khác. Kết quả là sẽ có một áp lực lớn trên các chính phủ để thống nhất các luật lệ nhằm tránh mất đi ngành này hay ngành khác. Đây chủ yếu là một điều tốt.
Giáo sư có nghĩ là liên minh tiền tệ tất yếu sẽ dẫn đến sự hợp nhất chặt chẽ hơn về mặt tài chính không?
Không. Hơn nữa nếu bạn nghĩ đến việc hợp nhất chặt chẽ hơn về mặt tài chính những chuyển nhượng cho các nước yếu kém thì không chắc là điều này sẽ xảy ra. Tất cả tùy thuộc là những cú sốc là tạm thời hay là thường xuyên. Một lần nữa lấy trường hợp của những bang ở Hoa Kì. Phần lớn những cú sốc tác động đến các bang ở Hoa Kì là những cú sốc thường xuyên, chứ không phải là những cú sốc tạm thời - ví dụ, một sản phẩm được sản xuất trong một vùng trở nên lỗi thời và không còn được yêu cầu nữa. Nếu chính phủ liên bang dùng chuyển nhượng tài chính để bù đắp cho sụt giảm của thu nhập trong bang này thì chính phủ cũng ngăn cản sự điều chỉnh cần thiết mà bang có thể phải tiến hành: hoặc lao động phải di dời hoặc lương phải giảm xuống để làm cho bang có tính cạnh tranh. Những chuyển nhượng tài chính có hệ thống để về cơ bản sẽ đưa bạn đến những chương trình phúc lợi cho những bang đang suy sụp. Cũng có thể áp dụng giống như thế bài học này cho những nước của Liên minh châu Âu: những chuyển nhượng tài chính là một công cụ nguy hiểm và không thay thế cho tính linh hoạt của lương và tính cơ động của lao động. Nhưng ít có lí do để lo ngại: thực tế chính trị là ở Âu châu những chuyển nhượng giữa các nước sẽ là giới hạn!
Ngày nay một số ít những nhà kinh tế chủ trương một vai trò tùy nghi tích cực cho chính sách tài khóa để ổn định những biến động ngắn hạn. Giáo sư có đồng ý là chính sách tài khóa phải được hướng vào việc hoàn tất những mục tiêu dài hạn thay vì để ổn định hoá không?
Khi xét đến chính sách tài khóa, các nhà kinh tế vĩ mô có ý thức hơn về những vấn đề tài chính công. Giống như các bạn, điều gây ấn tượng cho tôi là ít có bàn luận về cách dùng chính sách tài khóa cho những mục tiêu ổn định. Ở Hoa Kì điều này một phần là do thành công của chính sách tiền tệ, một chính sách dễ vận dụng hơn là chính sách tài khóa. Lí do khác là mức không tín nhiệm cao hơn bình thường vào các chính phủ trong giới kinh tế. Đây là một phần của một tiến hoá rộng lớn hơn trong kinh tế. Khi tôi học cao học, sự tập trung nhắm vào những điều mà các chính phủ phải làm. Ngày nay có nhiều tập trung hơn vào những gì các chính phủ hiện đang làm và cách thiết kế những khuyến nghị về chính sách có tính đến những thực tế chính trị này.
Chính phủ mới của đảng Lao động ở Anh ngay khi thắng cử đã tức thì nới rộng quyền độc lập cho ngân hàng trung ương. Tính độc lập của ngân hàng trung ương có phải là một điều quan trọng để thiết lập uy tín của chính sách chống lạm phát không?
Tính độc lập là quan trọng, nhưng điều cũng quan trọng là cách xác lập uy tín một khi bạn đã có độc lập. Tôi bất đồng với quan điểm phổ biến ở châu Âu cho rằng cách duy nhất bạn có thể thiết lập uy tín là phô trương rằng bạn cực kì cứng rắn, chỉ quan tâm đến lạm phát và chẳng cần để tâm đến sản xuất và việc làm. Đã phải trả giá cực kì đắt cho quan điểm này. Ngược lại với châu Âu, ở Hoa Kì Alan Greenspan (chủ tịch Hệ thống dự trữ liên bang, tức ngân hàng trung ương của Hoa Kì - ND) đã chứng minh là uy tín vẫn có thể được xác lập trong lúc vẫn theo đuổi một chính sách tiền tệ linh hoạt và có trách nhiệm.
Giáo sư đánh giá như thế nào kinh văn về chu kì chính trị kinh doanh do những nhà kinh tế như Alberto Alesina khởi xướng (xem Alesina, 1989)[10]?
Tôi học được nhiều từ kinh văn về chu kì chính trị kinh doanh. Kinh văn này đã đưa đến nhiều công trình mang tính mô tả tốt. Chắc chắn là nó đã khiến cho nhiều người trong chúng ta ý thức hơn cách nào định hướng những khuyến nghị để tính đến những ràng buộc thuộc về quá trình chính trị.

Sự chuyển đổi của Đông Âu

Giáo sư đã rút được những bài học quan trọng nào từ công trình của giáo sư về sự chuyển đổi của Đông Âu (xem Blanchard, 1997b)[11].
Trước nhất điều gây ấn tượng cho tôi là bạn có thể có những biến động lớn của sản xuất không dính dáng gì đến những biến động của tổng cầu hay của những chính sách tiền tệ và tài chính. Tôi còn bị ấn tượng bởi để hiểu được những tiến hoá kinh tế vĩ mô tôi đã phải bắt đầu từ những vấn đề kinh tế vi mô như việc cai quản những doanh nghiệp quốc doanh, quá trình và đặc điểm của tư nhân hoá, vai trò của doanh nghiệp trong sự tăng trưởng của khu vực tư nhân, dạng của quá trình tái phân bổ và những hệ quả đối với tính chất của thất nghiệp, v.v.
Trong bài viết đăng trên American Economic Review (Blanchard, 1996)[12] về những khiá cạnh lí thuyết của sự chuyển đổi giáo sư lập luận rằnggiải thích kiểu dáng hình chữ U của sản xuất là thách đố lí thuyết chủ yếu mà các nhà kinh tế làm việc trong lĩnh vực này phải đối mặt”. Giáo sư giải thích như thế nào kiểu dáng hình chữ U này?
Trong các sách giáo khoa, loại bỏ tất cả những méo mó sẽ tự động đưa đến một gia tăng của sản xuất. Trong thực tiễn, không phải tất cả những méo mó được loại bỏ. Việc loại bỏ một số những méo mó khiến cho một số vấn đề trở thành xấu hơn. Việc điều chỉnh cần thiết của một số giá hay lương tương đối là không thể chấp nhận được về mặt xã hôị hoặc chính trị. Tất cả những điều này là những lập luận chuẩn về tối ưu cấp hai[13]. Nhưng chúng đã tỏ ra cực kì xác đáng để giải thích sự sụt giảm của sản xuất trong thời kì chuyển đổi.
Theo giáo sư thế nào là một trình tự tối ưu của các chính sách nhằm đảm bảo một sự chuyển đổi nhẹ nhàng từ một nền kinh tế kế hoạch hoá sang một nền kinh tế thị trường?
Paul Romer (1955-)
Những mô hình tối ưu cấp hai rõ ràng điển hình phát ra những thông điệp nhập nhằng. Hiếm khi chúng cung cấp những khuyến nghị có tính vụ nổ vũ trụ. Ví dụ, đừng bỏ những trợ cấp ngay lập tức nếu kết quả là mức độ gián đoạn giết chết đi mầm mống mới nở của khu vực tư nhân. Đừng có thử ổn định hoá nếu, về mặt chính trị, bạn không đủ quyền lực để ngưng trợ cấp cho các doanh nghiệp. Đừng tư nhân hoá nếu những tín hiệu giá vẫn còn bị nhiễu. Vân vân và vân vân. Nhưng trong thực tiễn, có những nhận định khác khống chế trình tự. Các chính phủ thường có những thời cơ rất ngắn. Sẽ là sáng suốt nếu biết tận dụng những thời cơ này trong chừng mực có thể sử dụng chúng. Chính sự căng thẳng này khiến cho việc khuyến nghị trình tự hoặc thời điểm chính sách là lí thú nhưng cũng là khó khăn đến thế.

Tăng trưởng kinh tế

Robert Barro (1944-)
Giáo sư có đồng ý với quan điểm của Robert Barro và Xavier Sala-i-Martin (1995)[14] cho rằng tăng trưởng kinh tế là một bộ phận thật sự quan trọng của kinh tế học vĩ mô?
Không ai không đồng ý với việc là nếu bạn muốn tăng sản xuất thì làm tăng tỉ suất tăng trưởng một phần trăm sẽ áp đảo ảnh hưởng của việc giảm những biến động. Trong khi điều này luôn được biết đến, trong quá khứ các nhà kinh tế nghĩ là khả năng làm giảm nhẹ chu kì chủ yếu tốt hơn là khả năng của họ để tạo ra một tăng trưởng một phần trăm. Cho đến nay những công trình về tăng trưởng không đưa đến những kết luận rõ ràng về chính sách nhằm đưa đến tăng trưởng cao hơn trên thế giới. Thời gian này nếu ai có ý tưởng sâu sắc về những nhân tố chi phối tăng trưởng thì người đó sẽ nghiên cứu về tăng trưởng hơn là nghiên cứu về những biến động. Từ giữa thập niên 1980 Paul Romer và Robert Lucas đã khơi lên nhiều nghiên cứu cực kì lí thú về lĩnh vực này.
Gần đây một số tác giả những giáo trình trung cấp (ví dụ Hall và Taylor, 1997[15]; Mankiw, 1997a[16]) đã chuyển việc bàn luận về tăng trưởng kinh tế lên phần đầu trong giáo trình của họ. Điều gì khiến giáo sư quyết định giữ phần trình bày của giáo sư ở vị trí cổ điển hơn, tức vào phần cuối của giáo trình của giáo sư (xem Blanchard, 1997a)[17]
Tôi đang suy nghĩ nhiều là nên trình bày tăng trưởng trước hay sau khi trình bày ngắn và trung hạn. Tôi nghi ngờ là cách tôi đã làm khiến tôi mất đi một số doanh thu (Cười). Nhưng tôi đã làm như thế vì lí do giống như lí do tôi đã nêu khi trả lời câu hỏi trước của bạn. Trong khi tăng trưởng là một vấn đề cơ bản, mẹ tôi dạy tôi là bạn chỉ nói đến một vấn đề nếu bạn có điều gì đó để nói về nó. Khi bàn đến những biến động ngắn hạn chúng ta có những mô hình tốt và mạnh lạ lùng - mô hình IS-LM và mô hình Mundell-Fleming chỉ là những cỗ máy khó tin, và một người ngoài phố không thể làm tốt như chúng ta làm với những mô hình này. Khi bàn đến tăng trưởng chúng ta có một mô hình đẹp, mô hình tăng trưởng của Solow, tuy nhiên phần lớn mô hình này là vô ích vì nó xem tiến bộ kĩ thuật là không giải thích được. Là những nhà kinh tế chúng ta có thể nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục và nghiên cứu và triển khai đối với tăng trưởng, nhưng điều này không khác mấy với điều mà một người ngoài phố cũng có thể nói được! Do đó tôi quyết định bắt đầu bàn về kinh tế học vĩ mô ở điểm mà ta biết chút ít, cái ngắn hạn, rồi chuyển sang trung hạn và chỉ sau đó mới nói đến dài hạn, một vấn đề cực kì lí thú nhưng ta còn có quá ít những cách nhìn sâu sắc về vấn đề này.
Robert Mundell (1932-)

Những bài có liên quan trên PTKT:





[1] Xem mục “bong bóng” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND).

[2] Macroeconomics, 3rd edn, New York: McGraw-Hill.

[3] Macroeconomics, New Jersey: Prentice Hall.

[4] New Keynesian Economics, Cambridge, Ma: MIT Press.

[5] Lectures on Macroeconomics, Cambridge, MA: MIT Press.

[6] What Is New-Keynesian Economics, Journal of Economics Literature, September 1990.

[7] “For a Return to Pragmatism”, trong M. Belongia và M. Garfinkel (chủ biên), The Business Cycle: Theories and Evidence, London: Kluwer Academic Publishers.

[8] xem mục “Hiện tượng trễ“ trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND).

[9] Hysteresis and the European Unemployment Problem”, National Bureau of Economic Research Macroeconomic Annual, 1987. “Hysteresis in Unemployment”, European Economic Review, February/March.

[10] Politics and Business Cycles in Industrial Democraties”, Economic Policy, April.

[11] The Economics of Post-Communist Transition, Oxford: Oxford University Press.

[12] “Theoretical Aspects of Transition”, American Economic Review, May 1996.

[13] Xem mục “Tối ưu cấp hai” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế (ND).

[14] Economic Growth, New York: McGraw-Hill.

[15] Macroeconomics, 5th edn, New York: W. W. Norton.

[16] “Foreword” to R.J. Barro and X. Xavier-i-Martin, Economic Growth, New York: McGraw-Hill.

[17] Macroeconomics, New Jersey: Prentice Hall.

Print Friendly and PDF