6.5.17

Tiền tệ phải chăng là hàng hoá?

Mác và kinh tế thị trường (I)

TIỀN TỆ PHẢI CHĂNG LÀ HÀNG HOÁ?

Trần Hải Hạc
Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, từ “chủ nghĩa tư bản” hình như cũng biến mất theo, nhường chỗ cho từ “kinh tế thị trường” để trở thành phạm trù đầu lưỡi của mọi người khi bàn luận về kinh tế. Tại Việt Nam, điều này rõ ràng hơn ở nơi nào hết.
Sự thay thế từ ngữ thường hàm ý một sự phân biệt: chủ nghĩa tư bản xem như là một phạm trù tiêu cực, còn kinh tế thị trường là một phạm trù, nếu không có tính tích cực, thì cũng trung tính. Với hàm ý đó, Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra khái niệm “kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa” (tương đương với khái niệm “kinh tế xã hội chủ nghĩa thị trường” của Đảng cộng sản Trung Quốc).
Song việc thay đổi từ ngữ không thể không có hậu quả trong nội dung lý luận: Chủ nghĩa tư bản phải chăng đồng nghĩa với khái niệm kinh tế thị trường hiểu theo nghĩa một nền kinh tế trong đó thị trường điều tiết tất cả? Hay đằng sau sự thay thế từ ngữ còn là sự thay thế lý luận về chủ nghĩa tư bản của Các Mác bởi lý luận về kinh tế thị trường của chủ nghĩa tự do kinh tế?
Luận điểm của bài viết dưới đây là. Những hạn chế của lý luận mácxít – đặc biệt trong phân tích về tiền tệ và về sức lao động – có nhiều điểm tương đồng với những giới hạn của kinh tế học tự do chủ nghĩa cổ điển và tân cổ điển. Cho nên một sự nhận thức phê phán lý luận về chủ nghĩa tư bản của Mác đồng thời cũng là sự phê phán nhận thức về kinh tế thị trường của kinh tế học thống trị. Đó còn là điều kiện để lý luận của Mác tiếp tục khẳng định tính chất của nó là “phê phán khoa kinh tế chính trị” – tiểu tựa của bộ Tư bản và của hầu hết các tác phẩm kinh tế khác của Mác.
Phân tích phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, Mác đặt vấn đề hình như không khác kinh tế học tự do chủ nghĩa cổ điển hay tân cổ điển: Nền kinh tế thị trường biến tất cả thành hàng hoá. Mọi quan hệ xã hội đều trở nên quan hệ mua bán. Từ hạt thóc đến đất đai, và ngay cả sức lao động, không một vật nào không có thị trường và giá cả của nó.
Đồng thời, cũng theo cách đặt vấn đề của Mác, không phải bất cứ vật nào được mua bán và có giá cả đều là hàng hoá. Phạm trù hàng hoá chỉ những sản phẩm xuất phát từ một hoạt động có tính tư nhân, được xã hội công nhận là có ích thông qua thể thức thị trường, tức thông qua khả năng của sản phẩm được trao đổi với tiền tệ.
Từ định nghĩa này, vấn đề được đặt ra là: đất đai, sức lao động hay tiền tệ có phải là hàng hoá hay không?
Trong trường hợp thứ nhất, câu trả lời của Mác dứt khoát: đất đai không thuộc phạm trù hàng hoá; giá cả của đất đai không biểu hiện giá trị của một hàng hoá, mà là một biểu hiện của địa tô (địa tô tư bản hoá), tức là của quan hệ giữa các nhà tư bản và các nhà địa chủ phân chia giá trị thặng dư xã hội.
Ngược lại, những phân tích của Mác về tiền tệ và sức lao động khá nhập nhằng, thiếu nhất quán. Trong điều kiện đó, có thể có hai cách đọc Mác, hai cách trả lời khác nhau câu hỏi ở trên.

Tiền tệ là hàng hoá

1. Đó là cách đọc thông thường nhất, trở thành quan điểm chính thống trong các sách giáo khoa Mác-Lênin. Nói rằng tiền tệ là hàng hoá có nghĩa là tiền tệ, như mọi hàng hoá, có hai thuộc tính giá trị sử dụng và giá trị. Nếu vàng, chẳng hạn, là hàng hoá được chọn làm tiền tệ, đặc tính của hàng hoá tiền tệ này nằm ở giá trị sử dụng của nó, vừa có công dụng của một kim loại, vừa có công dụng của vật ngang giá chung. Còn giá trị của tiền tệ, giống như giá trị của mọi hàng hoá khác, do hao phí lao động cần thiết để sản xuất ra vàng quyết định. Tuy nhiên, đã là vật ngang giá chung, vàng không thể biểu hiện giá trị trong bản thân nó. Do đó không thể có một phạm trù “giá cả tiền tệ”. Tiền tệ chỉ có thể biểu hiện giá trị của nó trong toàn bộ những hàng hoá khác hơn là vàng: đó là hình thái giá trị tương đối của tiền tệ.
Lập luận này dẫn đến hai hệ luận:
1. Quan hệ giữa hàng hoá và tiền tệ được quan niệm như là quan hệ giữa hai hàng hoá với nhau. Nói cách khác, tiền tệ chỉ là một hình thái bề mặt của hàng hoá, cho nên có thể để nó qua một bên mà chỉ phân tích quan hệ giữa hàng hoá với nhau. Từ đó nền kinh tế thị trường được quan niệm như một nền kinh tế trao đổi hiện vật, tiền tệ chỉ giữ vai trò – không thiết yếu – của một trung gian trong quan hệ trao đổi hàng hoá. Đó là cách tiếp cận tiền tệ của kinh tế học cổ điển và tân cổ điển thuần tuý, không phải là phân tích của Mác.
2. Nếu tiền tệ là hàng hoá, hoạt động tạo lập tiền tệ, như mọi hoạt động sản xuất hàng hoá, là hoạt động có tính tư nhân. Tiền tệ là sản phẩm của một qui trình tạo ra giá trị, tức một qui trình xã hội hoá lao động thông qua thị trường, bằng sự trao đổi tiền tệ với hàng hoá. Quan niệm này đi ngược lại phân tích của Mác.

Tiền tệ, cực đối lập với hàng hoá

2. Theo những phân tích của Mác về hình thái giá trị, tiền tệ không phải là hàng hoá, nhưng cũng không phải là phi hàng hoá, mà là cực đối lập với hàng hoá. Trong hình thái giá trị, quan hệ giữa hàng hoá và tiền tệ là quan hệ đối cực (Tư bản, Quyển I, tập 1, nxb Sự thật, trang 74).
Nếu vàng là hàng hoá được chọn làm tiền tệ thì cần phân biệt rõ vàng-hàng hoá và vàng-tiền tệ. Vàng là hàng hoá, nhưng khi trở thành tiền tệ thì vàng không còn là một hàng hoá, mà là cực đối lập với hàng hoá. Nói cách khác, khi cử vàng vào địa vị vật ngang giá chung của hàng hoá thì đồng thời cũng là loại vàng ra khỏi thế giới hàng hoá (Tư bản, I, 1, trang 100).
Phân tích này có hai hệ quả là vàng-tiền tệ từ bỏ giá trị sử dụng lẫn giá trị riêng của vàng-hàng hoá:
1. Với tính cách là vật ngang giá chung, vàng phải để qua một bên công dụng kim loại của nó thì mới có thể đóng vai đại biểu giá trị của giới hàng hoá.
2. Vàng, tất nhiên, phải có giá trị thì mới làm vật ngang giá chung. Nhưng đã là vật ngang giá chung, vàng biểu hiện giá trị của các hàng hoá, chớ bản thân không có giá trị phải biểu hiện. Tiền tệ đối lập với hàng hoá ở chỗ nó là sản phẩm có tính xã hội trực tiếp, không phải thông qua thị trường. Do đó, hoạt động tạo lập tiền tệ, khác với hoạt động sản xuất hàng hoá, không phải là một qui trình sản xuất giá trị. Vì vậy mà không có một phạm trù “giá trị tiền tệ”: cái được gọi là giá trị tiền tệ thật ra là giá trị mà tiền tệ đại biểu; cũng như cái được gọi là hình thái giá trị tương đối của tiền tệ thật ra chỉ sức mua của tiền tệ.
Ngược lại, có một phạm trù “giá cả tiền tệ”: đó là lãi suất, song đây không phải là hình thái biểu hiện giá trị của một hàng hoá, mà là hình thái biểu hiện quan hệ phân phối giá trị thặng dư giữa các nhà tư bản tài chính và các nhà tư bản công thương nghiệp (Tư bản, III, 2, trang 28).
Quan điểm cho rằng tiền tệ là cực đối lập với hàng hoá dẫn đến hai nhận định mấu chốt:
1. Tiền tệ và hàng hoá là một thể thống nhất, vừa đối lập, vừa làm tiền đề cho nhau. Không thể quan niệm hàng hoá mà không có tiền tệ, đồng thời hàng hoá chỉ tồn tại trong sự đối lập với tiền tệ. Nền kinh tế thị trường phải được nhận thức từ quan hệ đối cực hàng hoá-tiền tệ chớ không phải từ những quan hệ trao đổi hàng hoá trực tiếp với nhau. Đó là điểm khác nhau chính giữa Mác và kinh tế học cổ điển và tân cổ điển.
2. Sự khác biệt cơ bản giữa tiền tệ và hàng hoá ở chỗ tiền tệ là sản phẩm của lao động xã hội trực tiếp, trong khi hàng hoá là sản phẩm của lao động xã hội gián tiếp: hàng hoá xuất phát từ một qui trình lao động có tính tư nhân, cho nên lợi ích xã hội của nó còn phải được thị trường thừa nhận qua sự trao đổi với tiền tệ. Quan hệ đối cực hàng hoá-tiền tệ biểu hiện tính chất hai mặt tư nhân-xã hội của nền kinh tế thị trường. Ưu điểm của học thuyết Mác là đã vạch ra được điều đó.

Tiền tệ, một hình thái thể chế hoá

3. Song cũng chính ở điểm mấu chốt nói trên những phân tích của bộ Tư Bản lại không hoàn chỉnh. Tiền tệ xuất phát, theo Mác, từ một qui trình lao động tư nhân được xã hội công nhận không thông qua thị trường: vậy thì thông qua thể thức cụ thể nào? Điều này học thuyết Mác không nói rõ.
Câu trả lời không thể tìm thấy trong những quan hệ giữa các tác nhân tư nhân trao đổi hàng hoá với nhau. Mặc dù đó là giải thích thông thường nhất, không thể cho rằng tiền tệ là kết quả phát triển tự phát của quan hệ trao đổi hàng hoá trực tiếp giữa nhau, bởi vì hàng hoá mang từ đầu hình thái tiền tệ. Mác đã phủ định kinh tế học cổ điển trên điểm này: quan hệ hàng hoá-tiền tệ không xuất phát từ những trao đổi hiện vật. Nói cách khác, không thể quan niệm hàng hoá tách rời khỏi tiền tệ; vấn đề nguồn gốc của tiền tệ và nguồn gốc của hàng hoá là một: đó là một thể thống nhất. Lập trường của Mác, vì vậy, là từ chối hai thái độ phiến diện:
– một mặt, thuyết tiền tệ-ký hiệu (bao gồm thuyết tiền tệ nhà nước) cho rằng tiền tệ chỉ là ký hiệu có tính qui ước xã hội, không quan hệ gì với giới hàng hoá;
– mặt khác, thuyết tiền tệ-hàng hoá (bao gồm thuyết tiền tệ kim loại) cho rằng tiền tệ chỉ là một hàng hoá không hơn, không kém, tức là không nhìn thấy sự khác nhau, đối lập giữa tiền tệ và hàng hoá.
Theo tác giả bộ Tư bản, chỉ có một hành vi xã hội mới đưa được một hàng hoá lên địa vị vật ngang giá chung và đồng thời loại nó khỏi thế giới hàng hoá. Nhưng Mác không xác định hành vi xã hội đó là gì.
Câu trả lời có thể tìm thấy trong mối tương quan mà Mác vạch ra giữa tiền tệ và nhà nước: như là mối tương quan giữa quyền lực của tiền tệ và quyền lực của nhà nước tập quyền; hoặc là mối tương quan giữa quan hệ hàng hoá-tiền tệ và quan hệ xã hội công dân-nhà nước pháp quyền; hoặc một chỉ dẫn khác theo đó, một hàng hoá trở thành tiền tệ thông qua việc xác lập tiêu chuẩn giá cả và việc đúc tiền là hai công việc mà nhà nước độc quyền đảm nhận. Do đó, Mác xác định: đằng sau quyền lực của tiền đúc là quyền lực của nhà nước. (Phê phán khoa kinh tế chính trị, nxb Editions Sociales, các trang 181, 189-190, 193-194, 236).
Trên cơ sở đó, có thể đưa ra luận điểm như sau:
1. Hành vi xã hội lựa chọn một hàng hoá lên làm vật ngang giá chung là hành vi nhà nước với tư cách là đại biểu của xã hội. Tiền tệ là một hình thái thể chế hoá thuộc phạm vi chính quyền.
2. Ấn định giá chính thức của vàng (bao nhiêu vàng có thể qui đổi thành bao nhiêu tiền đúc) là thể thức cụ thể qua đó sản phẩm của một lao động tư nhân (vàng) được hợp thức hoá bởi một quyết định của nhà nước, và bằng cách đó được xã hội công nhận là vật ngang giá chung.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là thể thức tiền tệ hoá vàng không phải là một quan hệ trao đổi: người mang vàng thoi đến ngân hàng trung ương không làm hành vi bán vàng cho nhà nước, mà qui đổi vàng thành tiền đúc. Cần phân biệt rõ hành vi mua bán hàng hoá là một quan hệ giữa những tác nhân tư nhân với nhau, với hành vi đúc tiền, tức tạo lập tiền tệ, là một quan hệ giữa một tác nhân tư nhân và nhà nước. Trong trường hợp của tín dụng, việc tiền tệ hoá kỳ phiếu tư nhân được thực hiện qua thể thức tái chiết khấu của ngân hàng trung ương.

Quan hệ đối cực tư nhân-nhà nước

4. Cách đọc Mác trình bày trên đây, nếu có cơ sở, cho phép kết luận rằng thị trường không phải là tổng thể những quan hệ tư nhân mua bán hàng hoá. Những tác nhân tư nhân chỉ là một cực của nền kinh tế thị trường. Cực thứ hai là nhà nước, là cơ cấu thể chế hoá và quản lý tập trung tiền tệ. Nói cách khác, cơ cấu tản quyền tư nhân và cơ cấu tập quyền nhà nước là hai cực đối lập trong thể thống nhất cấu tạo thị trường.
Kết luận này cho phép nêu hai nhận định sau cùng:
1. Những thiếu sót trong lý luận về tiền tệ đã làm cho Mác không triển khai được quan hệ đối cực tư nhân-nhà nước cơ cấu hoá nền kinh tế thị trường. Điều đó có thể giải thích những thành kiến trong chủ nghĩa Mác-Lênin, theo đó kinh tế thị trường là một nền kinh tế mang tính thuần tuý tư nhân, phi tập trung, vô chính phủ, tự điều tiết một cách mù quáng và vô thức bằng giá cả. Một cách nhìn về cơ bản không khác quan điểm của kinh tế học cổ điển và tân cổ điển. Đó là một cách nhìn phiến diện: bởi vì, nếu nhận thức rõ được mặt kia của thị trường (mặt đối lập với hàng hoá, tức là tiền tệ; và mặt đối lập với các tác nhân tư nhân, tức là nhà nước), thì nền kinh tế thị trường chứa đựng ngay trong khái niệm một phương thức xã hội hoá trực tiếp, có tính tập trung – cụ thể hoá trong chế độ tiền tệ –, và những khả năng điều tiết vĩ mô, có ý thức – là những chính sách tiền tệ.
2. Với sự tan rã của chủ nghĩa xã hội hiện thực, ở các nước hoặc đã chính thức từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, hoặc còn duy trì nó trong hình thức, chủ nghĩa tự do kinh tế – mà học thuyết tân cổ điển hiện là đại biểu chính – đang thống trị và hoành hành. Khái niệm “quá độ từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường” thường chỉ tải một nội dung giản đơn: phi nhà nước hoá nền kinh tế, tư nhân hoá các doanh nghiệp, thiết lập giá cả tự do, bãi bỏ những chế độ hạn chế tự do của các thị trường vốn, lao động, đất đai... Song đây mới chỉ là một mặt của nền kinh tế thị trường. Mặt còn lại, cần được hình thành song hành, bao gồm bộ máy nhà nước trung ương với hệ thống tiền tệ và tín dụng (trong đó ngân hàng trung ương giữ vai trò cấp cho vay cuối cùng). Vấn đề, như vậy, không phải là chuyển quyền quyết định kinh tế từ tay nhà nước sang tay tư nhân, mà là cấu tạo lại những quan hệ giữa các doanh nghiệp – phải là những đơn vị quyết định thực sự tự chủ –, và nhà nước trung ương – là cấp phải có quyền lực xác lập chế độ tiền tệ và có năng lực đề ra và áp dụng những chính sách tiền tệ. Nói cách khác, vấn đề, đối với các doanh nghiệp, là thay thế chế độ ràng buộc vi mô bởi quan hệ hành chính bằng một chế độ ràng buộc vĩ mô bởi quan hệ tiền tệ.
Thực tế của nhiều nước đang chuyển sang nền kinh tế thị trường còn cho thấy: Khi những ràng buộc cũ đã tan rã mà những ràng buộc mới chưa hình thành, thay vì vận động theo qui luật thị trường, nền kinh tế vận động theo luật rừng(1). Những nơi không có một nhà nước trung ương thực sự thì cũng không có thị trường đúng nghĩa của nó.
Trần Hải Hạc*
* Đồng tác giả với Pierre Salama của Introduction à l’Economie de Marx, nxb La Découverte, Paris 1992.
Chú thích:
(1) Trong những kinh nghiệm của Việt Nam, không thể không nhắc tới hệ thống hợp tác xã tín dụng hình thành bất chấp mọi quy tắc và kiểm tra của nhà nước trung ương; và sự sụp đổ dây chuyền của toàn bộ hệ thống đó vào năm 1991. Cũng có thể nhắc đến tình trạng các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu dành quyền quản lý ngoại tệ theo lợi ích riêng của mỗi đơn vị; chỉ từ tháng 10 năm 1994, nhà nước trung ương mới quyết tâm nắm lại quyền quản lý tập trung ngoại tệ thông qua hệ thống ngân hàng.
Kỳ sau: Mác và kinh tế thị trường (II):

Sức lao động phải chăng là hàng hoá?

Hàng hoá và giá trị

Trần Hải Hạc (1945-)

Theo định nghĩa của Mác, chủ nghĩa tư bản, trước tiên, là một nền kinh tế hàng hoá, một nền kinh tế trong đó hoạt động sản xuất do những nhà doanh nghiệp tự chủ tiến hành theo những dự đoán và tính toán riêng; không biết chắc xã hội cần gì và cần bao nhiêu, mỗi nhà doanh nghiệp phải đánh cuộc, từ quyết định loại và lượng sản phẩm họ sản xuất ra. Trong điều kiện đó, hao phí lao động sản xuất, tiên khởi, không có tính xã hội, mà mang tính tư nhân. Lao động tư nhân đó còn phải được hợp thức hoá: xã hội thừa nhận tính cần thiết, có ích của lao động thông qua thị trường, tức là qua thể thức trao đổi sản phẩm lao động làm ra với tiền tệ. Lượng lao động tư nhân được chuyển hoá thành lao động xã hội (tức là lao động cần thiết, có ích cho xã hội) do tỷ lệ trao đổi sản phẩm lao động với tiền tệ quyết định.
Mác gọi là giá trị, tỷ lệ lao động xã hội mà các hàng hoá là đại biểu. Nói cách khác, giá trị là lao động xã hội vật thể hoá trong các sản phẩm của lao động tư nhân.
Thuộc tính giá trị này định nghĩa phạm trù hàng hoá. Hàng hoá không đồng nghĩa với sản phẩm có ích – có giá trị sử dụng –, cũng không đồng nghĩa với sản phẩm của lao động nói chung: hàng hoá là sản phẩm xuất phát từ lao động có tính tư nhân mà lợi ích cho xã hội phải được thị trường hợp thức hoá. Trong nghĩa đó, hàng hoá không phải là vật thể mà là quan hệ xã hội.

Giá trị và tiền tệ

Theo quan niệm của Mác, giá trị, trước hết, là một hình thái xã hội có tính lịch sử, là hình thái biểu hiện của các quan hệ xã hội trong chế độ tư bản. Học thuyết Mác định nghĩa giá trị như là sự thống nhất của một thực thể xã hội và một hình thức vật thể hóa.
Thực thể xã hội của giá trị được Mác phân tích qua phạm trù lao động trừu tượng. Tức là không phải lao động theo nghĩa người ta thường hiểu: không phải lao động như là sức sản xuất, như là hoạt động kỹ thuật tạo ra một sản phẩm có ích nhất định (giá trị sử dụng); lao động này, Mác gọi là lao động cụ thể. Phạm trù lao động trừu tượng chỉ tính xã hội của lao động trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, lao động như là biểu hiện của quan hệ xã hội của nền kinh tế hàng hóa. Lao động trừu tượng là hình thái đặc thù tư bản chủ nghĩa của lao động xã hội, là lao động tái sản xuất những quan hệ xã hội nhất định.
Với tính cách là một thực thể xã hội, lao động chỉ có thể là trừu tượng, không nhìn thấy hay sờ thấy được. Song cũng như mọi quan hệ xã hội, lao động trừu tượng có hình thái biểu hiện vật chất, cụ thể: đó là tiền tệ.
Tiền tệ là một thứ hàng hóa được cử ra và tách ra tổng số hàng hóa để đóng vai trò vật ngang giá, tức là làm đại biểu chung cho giá trị của hàng hóa. Mác xây dựng phạm trù tiền tệ qua lý luận về hình thái giá trị, xuất phát từ sự phân biệt giữa giá trị và giá trị trao đổi. Giá trị trao đổi không phải là giá trị mà là hình thức biểu hiện của nó: đó là giá trị của một hàng hoá biểu hiện trong hình thức giá trị sử dụng của một hàng hóa khác được chọn làm vật ngang giá.
Giá trị của hàng hóa biểu hiện bằng tiền tệ gọi là giá cả. Nếu vàng là hàng hóa được chọn làm vật ngang giá chung, mọi hàng hóa biểu hiện giá trị bằng những đơn vị vàng. Còn vàng thì không biểu hiện giá trị của nó, mà làm vật biểu thị giá trị của thế giới hàng hoá. Hàng hóa và tiền tệ là hai hình thái đối lập của giá trị: hàng hóa là hình thái tương đối của giá trị, còn tiền tệ là hình thái ngang giá chung. Quan hệ giữa thế giới hàng hóa và tiền tệ, do đó, là quan hệ đối cực.
Đặc điểm của tiền tệ là ở chỗ giá trị sử dụng của vật ngang giá dùng để biểu hiện giá trị của hàng hóa; do đó lao động cụ thể tạo ra vật ngang giá làm hình thức biểu hiện cho lao động trừu tượng; và lao động tư nhân chứa dựng trong vật ngang giá chung mang hình thức lao động xã hội trực tiếp. Điều này cũng có nghĩa là hàng hóa không thể trực tiếp trao đổi với hàng hóa, mà phải quan hệ với tiền tệ để có được hình thái trao đổi. Ngược lại, là vật ngang giá, tiền tệ có thuộc tính trao đổi trực tiếp với mọi hàng hóa.

Tiền tệ và tín dụng

Tiền tệ và tín dụng hợp thành một hệ thống hình tháp gồm ba cấp: tín dụng thương mại, tín dụng ngân hàng, tiền tệ nhà nước. 1) Đáy hình tháp do tín dụng thương mại tạo thành, tức tín dụng giữa các nhà doanh nghiệp mua bán chịu hàng hoá với nhau. Công cụ của nó là các kỳ phiếu luân chuyển từ tay người này sang tay người khác bằng cách ký tên vào mặt sau của chứng phiếu. 2) Tín dụng thương mại có thể chuyển hoá thành tín dụng ngân hàng. Các ngân hàng thương mại mua lại các kỳ phiếu qua thể thức chiết khấu, và trao cho các nhà doanh nghiệp những phương tiện thanh toán dưới dạng giấy bạc ngân hàng hay séc. Tín dụng ngân hàng là một thứ tiền tệ tư nhân do một ngân hàng thương mại tạo ra, và chỉ có tác dụng làm phương tiện thanh toán trong giao dịch giữa khách hàng của ngân hàng đó. Còn trong những quan hệ giữa các ngân hàng thương mại thì mỗi ngân hàng đòi hỏi được thanh toán bằng tiền lệ chính thức do nhà nước phát hành. 3) Khả năng hoán đổi của tiền tệ tư nhân do các ngân hàng thương mại tạo ra được ngân hàng trung ương thực hiện với thể thức tái chiết khấu kỳ phiếu; qua đó, ngân hàng trung ương ứng cho các ngân hàng cấp hai những phương tiện thanh toán pháp định – dưới dạng tiền giấy và séc ngân hàng nhà nước – khả dĩ khép kín hệ thống tạo lập phương tiện thanh toán tư nhân.
Đằng sau quan hệ giữa tín dụng và tiền tệ là quan hệ giữa hàng hoá và tiền tệ. Tính đặc thù của nền kinh tế hàng hoá thể hiện trong ràng buộc tiền tệ, tức là hàng hoá nhất thiết phải chuyển hoá thành tiền tệ. Nếu không, hao phí lao động tư nhân không được xã hội hợp thức hoá, và người sản xuất hàng hoá đã đánh thua cuộc. Từ đó, chỉ cần một số doanh nghiệp không trả nợ đúng hạn, tác động dây chuyền có thể làm gián đoạn việc thanh toán lẫn nhau, đưa đến phá sản hàng loạt. Trong nghĩa đó, quan hệ hàng hoá-tiền tệ chứa đựng khả năng khủng hoảng.
Tín dụng có tác dụng nới lỏng ràng buộc tiền tệ, song không thể xoá bỏ qui tắc hao phí lao động tư nhân phải được xã hội hoá, tức hàng hoá phải đổi thành tiền tệ. Một ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho một nhà doanh nghiệp trên cơ sở dự đoán sản phẩm lao động làm ra sẽ được xã hội hợp thức hoá; tức là ngân hàng đánh cuộc nhà doanh nghiệp sẽ bán được hàng hoá và sẽ có khả năng trả nợ. Có thể nói rằng ngân hàng thương mại tiến hành, ở đây, một hành vi “tiền hợp thức hoá tư nhân” đối với lao động tư nhân. Trong trường hợp hàng hoá không tiêu thụ được, khủng hoảng thể hiện qua hiện tượng hàng hoá giảm giá và ngân hàng mất khả năng chi trả.
Nếu các ngân hàng thương mại có thể trông nhờ vào ngân hàng trung ương như cấp cho vay cuối cùng, thể thức xã hội hoá lao động mang hình thức khả năng chuyển đổi tiền tệ ngân hàng thành tiền tệ nhà nước, với một giá phải trả khả biến là lãi suất; qua đó, những dự đoán của các ngân hàng thương mại và của các nhà doanh nghiệp được ngân hàng nhà nước hợp thức hoá. Song, đó vẫn là một hành vi “hợp thức hoá xã hội giả định”; bởi vì hàng hoá không thể tránh khỏi sự phê chuẩn của thị trường. Nếu hàng hoá không tiêu thụ được, khủng hoảng thể hiện qua hiện tượng tiền tệ nhà nước mất giá, tức là lạm phát.
Trong mọi trường hợp, có thể nói rằng những cuộc khủng hoảng nhắc nhở tính chất tư nhân của tín dụng và tính đối cực của quan hệ giữa tín dụng và tiền tệ.

Tín dụng và chế độ tiền tệ

Tính mâu thuẫn của quan hệ giữa tín dụng và tiền tệ – tức cũng của quan hệ giữa hàng hoá và tiền tệ – hoàn toàn độc lập với chế độ tiền tệ. Thay thế chế độ bản vị vàng bởi một chế độ tiền tệ lưu hành cưỡng bách (không còn khả năng chuyển đổi ra vàng) chỉ có nghĩa là ngân hàng trung ương, tức nhà nước, đứng ra tổ chức khả năng chi trả của hệ thống ngân hàng thương mại bằng cách qui định những điều kiện phát hành tiền tệ nhà nước và hoán đổi tiền tệ ngân hàng. Trong một chế độ bản vị vàng, ngân hàng thương mại, khi cấp tín dụng, đứng ra thay thế chủ nợ ban đầu. Trong chế độ tiền tệ lưu hành cưỡng bách, ngân hàng trung ương giữ vai trò đó.
Cho nên, các chế độ tiền tệ chỉ khác nhau ở những qui tắc (về tạo lập tiền tệ nhà nước và hoán đổi tiền tệ ngân hàng) xác lập quan hệ giữa ngân hàng nhà nước và ngân hàng cấp hai. Nói cách khác, đó chỉ là những hình thái khác nhau của quan hệ giữa tiền tệ nhà nước và tiền tệ tư nhân. Về mặt lịch sử, đó là những chế độ tiền tệ thuộc hai phương thức điều tiết khác của chủ nghĩa tư bản trước và sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Print Friendly and PDF