13.9.17

Phỏng vấn Gregory Mankiw



Brian Snowdon, Howard R. Vane Peter Wynarczyk
Gregory Mankiw sinh tại Trenton, New Jersey năm 1958. Ông học xong đại học Princeton năm 1980 trước khi tốt nghiệp PhD kinh tế tại đại học Massasuchetts Institute of Technology vào năm 1984. Từ 1985, ông giảng dạy tại đại học Harvard và là giáo sư kinh tế tại đại học này.


Gregory Mankiw là một trong những nhà kinh tế hàng đầu của kinh tế học keynesian mới. Trong số những quyển sách ông đã công bố, có thể kể: New Keynesian Economics, Vol. I, Imperfect Competition and Sticky Prices (MIT Press, 1991), viết chung với David Romer, New Keynesian Economics, Vol. II, Coordination Failures and Real Rigidities (MIT Press, 1991), viết chung với David Romer và Macroeconomics (Worth Publishers, 1994). Những bài viết của ông được biết đến nhiều nhất là:Intertemporal Substitution in Macroeconomics”, Quarterly Journal of Economics (1985), viết chung với Julio Rotemberg và Laurence Summers, Small Menu Costs and Large Business Cycles: A Macroeconomic Model of Monopoly”, Quarterly Journal of Economics (1985),TheNew Keynesian Economics and the Output-inflation Trade-offs”, Brookings Papers on Economic Activity (1965), viết chung với  Laurence Ball và David Romer,Real Business Cycles: A New Keynesian Perspective”, Journal of Economic Perspectives (1969),International Evidence on the Persistence of Economic Fluctuations, Journal of Monetary Economics  (1989),  viết chung với John Campbell,A Quick Reresher Course in Macroeconomics, Journal of Economic Litterature (1990),The Reincarnation of Keynesian Economics, European Economic Review (1992), “A Contribution to the Empirics of Economic Growth”, Quarterly Journal of Economics (1992), viết chung với David Romer và David Weil, The Growth of Nations”, Brookings Papers on Economic Activity (1995), và The Inexorable and Mysterious Tradeoff between Inflation and Unemployment”, Economic Journal (2001).
Cuộc phỏng vấn giáo sư Mankiw diễn ra trong văn phòng ông tại đại học Harvard ngày 18 tháng hai 1993 và sau đó được bổ sung bằng thư từ trong tháng hai và ba năm 1998.
Những vấn đề tổng quát
Theo giáo sư, tại sao lại có nhiều cuộc tranh luận đến thế trong kinh tế học vĩ mô, nếu so sánh với kinh tế học vi mô?
Đây là một câu hỏi khó. Điều chắc chắn là những nhà kinh tế vi mô đồng ý với nhau nhiều hơn về cách tiếp cận vấn đề. Hầu hết các nhà kinh tế vi mô xuất phát từ việc tối đa hoá lợi ích và lợi nhuận được coi là những động cơ ẩn. Trong một nghĩa nào đó kinh tế học vĩ mô là khó hơn vì phải xử lí toàn bộ nền kinh tế. Do đó đòi hỏi nhiều tiên đề đơn giản hoá hơn cho dễ xử lí. Tôi nghĩ là có bất đồng ý kiến về việc đâu là những tiên đề đơn giản hoá có lợi nhất.
Giáo sư có nghĩ rằng việc kinh tế học vĩ mô phải có lí thuyết kinh tế vi mô về những lựa chọn làm cơ sở là một điều quan trọng không?
Quả thật là tất cả những hiện tượng kinh tế vĩ mô là sự tổng gộp nhiều hiện tượng kinh tế vi mô. Theo nghĩa này thì tất yếu kinh tế học vĩ mô được hình thành trên những cơ sở của kinh tế vi mô. Tuy nhiên tôi không chắc là toàn bộ kinh tế học vĩ mô nhất thiết phải được xây dựng trên những cơ sở kinh tế vi mô. [Để dùng một hình ảnh tương tự, trong một nghĩa nào đó sinh học là sự tổng gộp của nhiều hạt vật lí, vì tất cả những sinh vật là hợp thành từ những hạt. Điều này không có nghĩa là điểm xuất phát tự nhiên để xây dựng sinh học là từ những hạt vật lí và gộp chúng lại. Thay vào đó chắc là tôi khởi đầu lí thuyết ở mức sinh vật hay tế bào, chứ không ở mức hạ nguyên tử]*. Có rất nhiều mô hình, như mô hình IS-LM, rất có ích dù cho chúng không được xây dựng và phát triển từ những tác nhân riêng lẻ.
Theo giáo sư, bài hay sách nào đã có ảnh hưởng quan trọng nhất đến việc phát triển của kinh tế học vĩ mô trong 25 năm qua?
Không nghi ngờ gì đó là ảnh hưởng của Lucas. Ông ấy đã làm xáo trộn sự đồng thuận keynesian có được trong thập niên 1960. Quả thật là ông đã làm cho kinh tế học vĩ mô vỡ ra từng mảnh bằng cách đề xuất những ý tưởng mới và hấp dẫn. Những bất đồng hiện nay giữa các nhà kinh tế vĩ mô phần lớn xuất phát từ những phê phán của Lucas và của những môn đồ của ông. Như các bạn biết, tôi không đồng ý với những giải pháp của Lucas, nhưng tôi xem những vấn đề ông ấy nêu lên một cách vô cùng nghiêm túc. Một số những công trình của tôi và của những nhà keynesian mới khác là một câu trả lời cho những vấn đề mà những ý tưởng keynesian cũ gặp phải và được ông ấy nêu lên.
Franco Modigliani (1918-2003)
James Tobin (1918-2002)
Trong chừng mực nào đó giáo sư đã trả lời câu hỏi sắp tới của chúng tôi. Giáo sư đã lấy cảm hứng cho những công trình của mình từ đâu?
Đó là sự kết hợp của nhiều ảnh hưởng. Một phần đến từ thế hệ những nhà kinh tế vĩ mô lớn tuổi. Tôi cho rằng một phần lớn công việc của tôi là tiếp tục công trình của Tobin, ModiglianiFriedman. Tôi nghĩ là những quan điểm họ bảo vệ chứa đựng một phần sự thật. Tôi cũng xem xét rất nghiêm túc những vấn đề được Lucas nêu lên. Nhiều công trình của các nhà keynesian mới cố gắng diễn đạt lại những quan điểm của Friedman-Tobin trong thập niên 1960 về thế giới. Điều ngày nay được gọi là tổng hợp tân cổ điển có nhiều điểm xác đáng. Mặt khác tổng hợp này cũng có một số vấn đề được Lucas nhấn mạnh. Tôi nghĩ là phải tính đến những băn khoăn của Lucas, nhưng vẫn phải duy trì yếu tố chân lí của tổng hợp tân cổ điển.
Keynes và Lí thuyết tổng quát

Một trong những cách kiến giải của tổng hợp tân cổ điển nổi lên vào cuối thập niên 1950 gợi ý rằng Lí thuyết tổng quát là một trường hợp đặc biệt của một mô hình cổ điển tổng quát hơn. Giáo sư có đồng ý với cách kiến giải này không?
Tôi sẽ nói là mô hình cổ điển và mô hình keynesian đặt những giả thiết khác nhau về sự điều chỉnh của giá. Tôi nghĩ rằng mô hình cổ điển là mô hình giả định tính linh hoạt hoàn toàn của giá và do đó mô tả một chân trời bắt đầu từ đấy có thể đặt một giả thiết như thế. Có khả năng phải tính chân trời bằng năm hơn là bằng tháng. Mô hình keynesian được áp dụng cho một chân trời mà lương và giá là tương đối không linh hoạt hoặc chậm chạp. Cả hai mô hình đều là những trường hợp đặc biệt của một mô hình tổng quát hơn cho phép mức độ linh hoạt và chậm chạp của giá thay đổi tùy theo chân trời chúng ta muốn nghiên cứu. Khi chúng ta nghiên cứu ảnh hưởng của những chính sách trên một quí hay một thập niên, chúng ta muốn đặt giả thiết khác nhau về độ linh hoạt của giá.
Theo giáo sư tại sao lại có nhiều kiến giải mâu thuẫn nhau đến thế về Lí thuyết tổng quát?
John M. Keynes (1883-1946)
Có nhiều cách kiến giải mâu thuẫn nhau này vì Keynes có rất nhiều ý tưởng khác nhau. Không nhất thiết phải gộp chung những ý tưởng này lại với nhau, cho nên một số nhà kinh tế đã lấy lại một phần những ý đó và nói rằng chúng mới tượng trưng thật sự cho cái lõi của tư tưởng Keynes, và một số nhà kinh tế lại lấy một phần khác. [Vấn đề là khi ta xét khiếm khuyết của thị trường được chúng ta gọi là chu kì kinh doanh thì đâu là tập những ý trong Lí thuyết tổng quát được coi là quan trọng nhất? Có quá nhiều điều trong Lí thuyết tổng quát nên khó mà hiểu hết được cùng lúc. Một số ý là vô cùng quan trọng nhưng một số khác là không đặc biệt quan trọng]* Những bất đồng ý kiến là do người ta chỉ dành ưu tiên và chỉ nhấn mạnh một phần thế giới quan của Keynes.
Giáo sư có nghĩ rằng nếu Keynes còn sống đến 1969, ông ấy đã nhận giải Nobel kinh tế?
Vâng, chắc chắn là thế. Tôi nghĩ là có rất ít những nhà kinh tế thật quan trọng trong thế kỉ chúng ta, và không nghi ngờ gì là Keynes thuộc vào nhóm đứng đầu trong danh sách của bất kì ai liệt kê số nhà kinh tế này.
Kinh tế học vĩ mô cổ điển mới
Giáo sư có xem kinh tế học cổ điển mới như một trường phái tách biệt khỏi học thuyết trọng tiền không?
Robert Lucas (1937-)
Vâng, tôi nghĩ thế. Tôi có cảm tưởng rằng học thuyết trọng tiền là một trường phái tư tưởng cho rằng những biến động của cung tiền là nguyên nhân chính của những biến động của tổng cầu và tổng thu nhập, trong lúc những nhà cổ điển mới có một lí thuyết đặc biệt theo đó những chuyển động không được dự kiến của giá cả khiến cho những biến động của tổng cầu có thể có một tác động thực tế. [Theo tôi quan điểm này về sự bất ngờ của giá cả do Lucas đề xuất]* thật sự là giai đoạn tiếp theo của học thuyết trọng tiền. Gần đây hơn, những nhà cổ điển mới đã quay sang chú ý đến lí thuyết chu kì kinh doanh thực tế, một phản đề của học thuyết trọng tiền.
Giáo sư có cho rằng nhìn chung đóng góp của những nhà cổ điển mới có ảnh hưởng tốt đến sự phát triển của kinh tế học vĩ mô?
Đây là một cuộc tranh luận lành mạnh, và trường phái keynesian mới một phần sinh ra để trả lời các nhà cổ điển mới. [Trong nghĩa này thì đây là một cuộc tranh luận mang lại nhiều sự thật lớn hơn và là một cuộc tranh luận quan trọng có ích]*. Nhiều đóng góp đặc biệt, nhất là lí thuyết chu kì kinh doanh thực tế, sẽ không vượt qua được thử thách của thời gian. Ngược lại, tôi nghĩ rằng kinh văn về tính tiền hậu bất nhất trong thời gian của những chính sách sẽ vượt qua kiểm định của năm tháng, và có lẽ là một trong những kinh văn quan trọng nhất của hai thập niên qua về phân tích chính sách kinh tế.
Đâu là tầm quan trọng của giả thiết những dự kiến duy lí?
Giả thiết này rất quan trọng trong nghĩa là hiện nay đó là giả thiết làm việc của tất cả những ai làm kinh tế học vĩ mô. [Các nhà kinh tế thường giả định rằng các tác nhân là duy lí khi ra quyết định: các tác nhân tối đa hoá lợi ích, tối đa hoá lợi nhuận, và v.v.]*. Đối với chúng ta điều khác thường là giả định rằng các cá nhân là duy lí ngoại trừ khi họ lập những dự kiến [và sau đó thì họ hành động một cách không duy lí ]*. Tôi không nghĩ rằng giả thiết những dự kiến duy lí là quan trọng đến độ có những hệ quả dữ dội mà lúc đầu đã được gán cho nó, như kết luận về tính không hiệu quả của chính sách tiền tệ.
[Phải chăng điều này có liên quan đến giả thiết thị trường cân bằng?
Đúng vậy, người ta cuối cùng nhận ra là những giả thiết khác, như giả thiết thị trường cân bằng, mới thật sự là quan trọng và bản thân các dự kiến duy lí không có những hệ quả như họ từng nghĩ]*
Giáo sư đã tra vấn ý tưởng cho rằng những kinh nghiệm giảm phát của đầu thập niên 1980, ở Hoa Kì cũng như ở Vương quốc Anh, đã trưng ra những chứng cứ quyết định chống lại khẳng định của việc giảm phát không đớn đau của các nhà cổ điển mới. Có phải vì là cuộc giảm phát này không được dự kiến trước?
Larry Ball
Paul Volcker (1927-)
[Có hai quan điểm cổ điển mới. Quan điểm thứ nhất là lí thuyết bất ngờ của giá của Lucas. Quan điểm thứ hai là lí thuyết chu kì kinh doanh thực tế ]*. Lí thuyết chu kì kinh doanh thực tế cho rằng tiền tệ, dù cho có được dự kiến hay không, là không quan trọng. Điều này hoàn toàn bị những sự kiện phủ nhận. Larry Ball (1994)[1] đã viết một bài cho thấy là trong phần lớn các nước, mỗi cuộc giảm phát chính gắn với một giai đoạn sản xuất thấp và thất nghiệp cao. Về điểm này những chứng cứ là hoàn toàn rõ ràng. Bạn đã rất có lí khi nói rằng giảm phát không được dự kiến trước, ngay cả ở Hoa Kì. Thiên hạ không tin là Volcker (nguyên Chủ tịch Hệ thống dự trữ liên bang Mĩ ND) sẽ gây nên cơn giảm phát nhanh như thế, và những dự kiến lạm phát không giảm trước khi cơn suy thoái đã hiện rõ. Tôi khá đồng ý với ý cho rằng cái giá của giảm phát được tính đáng tin ấn định.
Học thuyết Keynes và những nhà keynesian mới
Giáo sư có coi mình là một nhà keynesian không?
Milton Friedman (1912-2006)
Vâng, nhưng tôi luôn ngại thuật ngữ “keynesian” vì nó có thể chỉ nhiều điều quá khác nhau cũng giống như nhiều người khác nhau đọc Lí thuyết tổng quát và rút ra những yếu tố quan trọng khác nhau. Dạo sau này, tôi cố gắng không sử dụng nó tí nào, vì tôi nghĩ là từ này dễ đánh lạc hướng hơn là soi sáng. Tôi tự xem là một người keynesian trong nghĩa là tôi tin rằng những chu kì kinh tế hiện thực tượng trưng cho một khiếm khuyết của thị trường trên bình diện lớn. Trong nghĩa này thì Milton Friedman cũng là keynesian. Một số người gọi bằng “keynesian” những ai tin tưởng vào việc lèo lái một cách tinh vi nền kinh tế [nên chính phủ có thể kiểm soát những chuyển động lên xuống của nền kinh tế]*. Đối với một số khác, thì đó là những ai nghĩ rằng những thâm hụt ngân sách không phải là một điều xấu. Tôi không chia sẻ bất kì quan niệm nào như trên. Tôi nghĩ rằng chủ đề cơ bản của Lí thuyết tổng quát là: những chu kì kinh tế là một khiếm khuyết của thị trường mà chúng ta cần phải nghiêm túc quan tâm. Trong nghĩa này tôi là một nhà keynesian. Nhưng như tôi đã nói ở trên thì Milton Friedman cũng thế.
Việc xét lại đường Phillips phải chăng là một đòn trí mạng cho những nhà keynesian chính thống?
Điều này đã làm nổi bật sự thiếu vắng một lí thuyết tốt về tổng cung. Với mô hình IS-LM, những nhà keynesian chính thống có một lí thuyết tương đối tốt về tổng cầu. Vấn đề là, một khi bạn đã có tổng cầu một đường giảm trong mặt phẳng (P -- Y) thì còn phải tìm một câu chuyện nhất quán cho đường tổng cung. Đường Phillips đến từ hư không, nó chỉ là một tóm tắt những số liệu. Chưa bao giờ có một lí thuyết tốt cho quan hệ thực nghiệm này: chính việc xét lại đường Phillips đã làm nổi lên điều này. Phê phán tổng quát hơn của Lucas đã theo ngã này mà luồn vào. [Sự thiếu phân tích phía bên cung luôn luôn là một yếu kém nhưng không được chú ý cho tới lúc đường Phillips sụp đổ]*.
Giáo sư tóm tắt như thế nào những mệnh đề chính của kinh tế học keynesian mới?
Những mệnh đề trung tâm chủ yếu có tính lí thuyết hơn là thực tiễn. Các nhà keynesian mới chấp nhận thế giới quan như đã được tổng hợp tân cổ điển tóm tắt: trong ngắn hạn, nền kinh tế có thể chệch khỏi mức cân bằng, và những chính sách tiền tệ và tài khoá tác động quan trọng đến hoạt động kinh tế thực tế. [Các nhà keynesian mới cho rằng tổng hợp tân cổ điển không đến nỗi yếu kém như Lucas và nhiều tác giả khác đã lập luận]*. Trường phái keynesian mới đã thử giải quyết những vấn đề lí thuyết được Lucas nêu lên và cũng chấp nhận ý là chúng ta cần phải có những mô hình có những cơ sở kinh tế vi mô tốt hơn.
Do đó giáo sư không chấp nhận luận đề của các nhà hậu keynesian chủ trương những chính sách thu nhập?
Không, hoàn toàn không. Khi Nhà nước xen vào việc ấn định lương và giá thì đó thật không phải chỗ của Nhà nước. Ấn định lương và giá là việc của các thị trường.
Do đó giáo sư không phải là một nhà galbraitian?
Hoàn toàn không [Cười].
Đâu là tầm quan trọng của lí thuyết cạnh tranh không hoàn hảo đối với kinh tế học vĩ mô keynesian mới?
Một phần lớn kinh tế học keynesian mới cố gắng giải thích phương thức ấn định giá của các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào có mức tự do nhất định trong việc ấn định giá có một sức mạnh trên thị trường: đó là những doanh nghiệp không cạnh tranh hoàn hảo. Do đó cạnh tranh không hoàn hảo nằm ở trung tâm của kinh tế học keynesian mới.
Tuy Joan Robinson và Keynes đều có mặt ở Cambridge vào thập niên 1930, tại sao phải mất đến hàng bao nhiêu năm để đưa cạnh tranh không hoàn hảo vào kinh tế học vĩ mô?
Joan Robinson (1903-1983)
Paul Davidson (1930-)
Tôi nghĩ là Keynes không quan tâm như chúng ta ngày nay để xây dựng một mô hình đặt nền tảng trên kinh tế học vi mô. Joan Robinson xây dựng kinh tế học vi mô sau này tỏ ra rất hữu ích để làm tiến triển kinh tế học vĩ mô của Keynes. Keynes do chưa đọc Lucas, đã không chú ý phát triển kinh tế học vi mô của tổng cung [Cười].
Những nhà hậu keynesian phải chăng là đã đi trước giáo sư trên vấn đề này? Những người như Paul Davidson từ nhiều năm nay đã lấy cạnh tranh không hoàn hảo làm cơ sở kinh tế vi mô. [ Như thế phải chăng các nhà keynesian mới chỉ đơn giản đuổi kịp những gì mà các nhà hậu keynesian đã làm từ lâu? ]*
Vâng, họ chấp nhận chủ đề chung về cạnh tranh không hoàn hảo, nhưng vào chi tiết thì không giống nhau. Nhưng tôi nghĩ là dù sao thì kinh tế học keynesian mới vẫn gần với tổng hợp tân cổ điển hơn là các nhà hậu keynesian.
[Hiển nhiên là giáo sư biết rõ những cuộc điều tra mới đây của Alan Blinder (1991). Những cuộc điều tra này có hỗ trợ cho những quan điểm keynesian mới không?
Alan Blinder (1945-)
Alan cung cấp một cách đánh giá nhiều quan điểm keynesian mới. Có một số lí thuyết mới về những cứng nhắc của giá và lương cứng nhắc. Ông ấy cố gắng phân loại đâu là đúng và sai bằng cách phỏng vấn các doanh nghiệp về cách họ ấn định giá và lương. Đây là một việc làm tuyệt vời nhưng cuối cùng điều ta biết được là không rõ ràng. Ông vẫn tiếp tục viết bài và chưa thấy hết tất cả những kết quả. Mục đích là cung cấp cách quyết định xem lí thuyết nào được ta ưa thích hay không. Đây là một dự án rất lí thú.]*
Hình như các nhà keynesian mới có một phân biệt quan trọng giữa những cứng nhắc danh nghĩa và những cứng nhắc thực tế. Tại sao phân biệt này là quan trọng?
David Romer (1958-)
Một cứng nhắc thực tế [vốn là một cứng nhắc của một giá tương đối ]* không kéo theo là không có tính cứng nhắc của tiền tệ. Ví dụ, các nghiệp đoàn có thể ấn định những lương thực tế một cách cứng nhắc và đưa ta rời khỏi cân bằng. Họ gây nên thất nghiệp nhưng không đặt lại vấn đề tính trung lập của tiền tệ. Để không có tính độc lập của tiền tệ, một thách thức chính cho các nhà lí thuyết kinh tế vĩ mô, thì phải cần đến những cứng nhắc danh nghĩa, như tốc độ điều chỉnh chậm của giá cả. Nhưng rồi hình như có nhiều loại cứng nhắc thực tế trong đời sống kinh tế [như việc các nghiệp đoàn ấn định giá ở trên mức cân bằng là một ví dụ]*. Vấn đề cũng là phải biết cách tương tác giữa những cứng nhắc danh nghĩa và những cứng nhắc thực tế. Công trình của Larry Ball và David Romer [1990][2] cho thấy là dường như hai loại cứng nhắc này củng cố lẫn nhau.
Những phê phán đối với kinh văn về những chi phí thực đơn gợi ý rằng đây là một mắc nhỏ để có thể neo vào đấy một sự giải thích về chu kì kinh doanh thực tế. Làm sao những chi phí thực đơn thấp có thể có những tác động thực tế lớn đến thế?
Rõ ràng là những chi phí thực đơn là khá yếu: các doanh nghiệp không gánh chịu những chi phí lớn khi thay đổi giá. Tuy nhiên, cũng rõ là những cơn suy thoái là những biến cố đắt tiền. Kinh văn này cho thấy là việc điều chỉnh giá của các doanh nghiệp có những tác động bên ngoài. Khi một doanh nghiệp quyết định không thay đổi giá, có thể rằng điều này có một giá đối với nền kinh tế, nhưng không có chi phí nào cho doanh nghiệp.
Bằng cách nào những lí thuyết về lương hiệu quả và về những người trong cuộc-người ngoài cuộc có thể hợp nhất vào khuôn khổ của tư tưỏng keynesian mới?
Những lí thuyết này đem đến một lối giải thích đặc biệt cho những cứng nhắc thực tế, như là giải thích vì sao lương thực tế không làm thay đổi mức cân bằng của những thị trường lao động. Như tôi đã nói ở trên, những cứng nhắc thực tế và danh nghĩa có thể bổ sung cho nhau. Nói cách khác, những giải thích về tính cứng nhắc của lương thực tế được những lí thuyết người trong cuộc-người ngoài cuộc, cũng như của những lí thuyết lương hiệu quả, trong một nghĩa nào đó, bổ túc cho kịch bản tính cứng nhắc của giá những chi phí thực đơn.
Ý tưởng hiện tượng trễ có phải là then chốt cho các nhà kinh tế vĩ mô keynesian mới không?
Tôi không nghĩ rằng hiện tượng trễ là then chốt. Ý cho rằng một cơn suy thoái có thể có những tác động kéo dài trên nền kinh tế lâu sau khi những nguyên nhân ban đầu đã biến mất là một ý lí thú. Ví dụ, thất nghiệp cao ở châu Âu trong thập niên 1980 đã kéo dài lâu hơn là bất kì mô hình chuẩn nào có thể dự đoán được. [Nhưng nếu ý tưởng này hoá ra là sai thì nó cũng không kéo theo sự sụp đổ của những phần còn lại của lí thuyết chúng tôi. Đây là một vấn đề lí thú, nhưng là một vấn đề tương đối tách biệt]*
Giáo sư có cho rằng khái niệm NAIRU và khái niệm tỉ suất thất nghiệp tự nhiên đều xuất phát từ một ý chung không?
Tôi cho rằng về cơ bản chúng giống nhau. Hầu hết những mô hình keynesian mới đều có một kiểu tỉ suất tự nhiên. Trong nghĩa này, thì Milton Friedman đã thắng trong cuộc tranh luận. Ngoại trừ đối với một nhóm nhỏ những nhà kinh tế làm việc với giả thiết hiện tượng trễ, hầu hết những nhà keynesian mới tin vào giả thiết tỉ suất tự nhiên. Giả thiết tỉ suất tự nhiên là khá vững chắc.
[Còn khái niệm toàn dụng lao động thì như thế nào? Mười lăm, hai mươi năm trước, khó mà nghĩ là có thể làm kinh tế học vĩ mô mà không đặt khái niệm này ở vị trí trung tâm. Chúng ta phải làm gì với những vấn đề như thất nghiệp không tự nguyện? ]*. Lucas [1978][3] đã gợi ý là nên từ bỏ khái niệm thất nghiệp không tự nguyện. Giáo sư nghĩ như thế nào?
Tôi nghĩ là có một thất nghiệp không tự nguyện. Một phần của kinh văn keynesian mới quan tâm đến những mô hình của thị trường lao động giải thích vì sao có thất nghiệp không tự nguyện, và vì sao lương thực tế không tự điều chỉnh để cân bằng những thị trường lao động. Ví dụ, có rất nhiều điều đúng trong những lí thuyết lương hiệu quả và trong những lí thuyết người trong cuộc-người ngoài cuộc.
[Các nhà keynesian mới có nghĩ đến toàn dụng lao động như một tỉ suất tự nhiên không?
Tôi tránh thuật ngữ toàn dụng lao động vì nó gợi ý rằng tỉ suất tự nhiên theo một nghĩa nào đó là điều đáng mong muốn. Tôi nghĩ là có tỉ suất tự nhiên nào đó là tỉ suất thất nghiệp dài hạn mà nền kinh tế hướng tới và tỉ suất này không thể bị chính sách tiền tệ trong dài hạn tác động. Điều này không có nghĩa là nó không thay đổi trước bất kì sự can thiệp nào của chính sách. Có nhiều điều tác động vào thị trường lao động làm tăng hay giảm tỉ suất tự nhiên, như lương tối thiểu, luật về bảo hiểm thất nghiệp, chính sách đào tạo lao động. Có nhiều việc mà chính phủ có thể làm để thay đổi tỉ suất tự nhiên. Tôi không thích gọi đó là toàn dụng lao động vì các chính sách tốt về thị trường lao động có thể làm tăng việc làm cao hơn mức này].
George Akerlof (1940-)
Janet Yellen (1946-)
Đâu là tầm quan trọng của khái niệm công bằng trong phân tích thị trường lao động? Những nghiên cứu của George Akerlof và Janet Yellen (1990)[4] và của Robert Solow (1990)[5] hình như gợi ý là những nhà keynesian mới phải bắt đầu nghiên cứu kĩ hơn kinh văn về tâm lí học và xã hội học.
Một số bài viết của họ là cực kì lí thú, nhưng chưa có những chứng cứ đảo lộn khiến ta phải từ bỏ những tiên đề tân cổ điển. Tôi đã không làm điều đó trong công việc của mình, nhưng tôi sẽ rất hạnh phúc được đọc công trình của những ai làm việc đó. [Cười]
Mới đây giáo sư đã chủ biên việc ấn hành một tuyển tập những bài về kinh tế học keynesian mới. Giáo sư viết trong đó là kinh tế học vĩ mô keynesian mới cũng có thể được coi là kinh tế học trọng tiền mới. Chính xác là giáo sư muốn nói đến điều gì? (Xem Mankiw và Romer, 1991).
Thách thức của trường phái chu kì kinh doanh thực tế nhằm vào vấn đề tính trung lập của tiền tệ. Và nếu tiền tệ là không trung lập thì do vì sao? Friedman và Tobin đã đồng ý với nhau rằng Hệ thống dự trữ liên bang là một tác nhân quan trọng của nền kinh tế, và hoạt động của Hệ thống quả là thật sự quan trọng. Trường phái chu kì kinh doanh thực tế đã xét lại ý này bằng cách đề nghị những mô hình trong đó chính sách tiền tệ không có những ảnh hưởng thực tế. Các nhà keynesian mới đã thử xác lập rằng tiền tệ là không trung lập và nêu rõ những khiếm khuyết kinh tế vi mô giải thích được là không có trung lập tiền tệ ở cấp độ vĩ mô. Trong nghĩa này, những mô hình đó tìm cách xác thực cả quan điểm keynesian lẫn quan điểm trọng tiền.
Allan H. Meltzer (1928-2017)
Karl Brunner (1916-1989)
[Giáo sư có đồng ý với ý kiến của Stanley Fischer cho rằng quan điểm của Friedman, Brunner và Meltzer gần với những quan điểm của các nhà keynesian hơn là với những quan điểm của các lí thuyết gia về chu kì kinh doanh cân bằng không?
Vâng, hoàn toàn đồng ý. Thực chất của những mô hình chu kì kinh doanh thực tế là sự thiếu vắng của bất kì vai trò nào cho Hệ thống dự trữ liên bang trong lúc tôi nghĩ là Brunner, Meltzer và Friedman sẽ đồng ý với Tobin rằng vai trò đó là vô cùng quan trọng. Không một ai trong họ cho rằng tiền tệ là trung lập theo lối của các lí thuyết gia chu kì kinh doanh thực tế cả.]*
James Tobin [1988][6] có viết rằng những bài kinh tế tốt là những bài có những bất ngờ. Đâu là những bất ngờ mà những bài keynesian mới đã mang lại?
Một trong những bất ngờ lớn là bạn có thể giải thích nhiều điều với những mô hình chi phí thay đổi thực đơn hơn là thiên hạ đã tưởng. [Nhiều người có thói quen xem những mô hình này như một cách ngây ngô để tư duy về tính cứng nhắc của giá cả. Điều mới là kinh văn này cố gắng nói: không, có thể bạn phải xem những mô hình chi phí thực đơn một cách nghiêm túc hơn]* Tôi cho rằng tính bổ sung của những cứng nhắc danh nghĩa và những cứng nhắc thực tế là một điều bất ngờ. Nhưng như tôi đã nói ở trên, điều thất vọng của kinh văn keynesian mới là, cho đến nay, nó chưa hướng nhiều đến những ứng dụng. Đây là một vấn đề mà một số nghiên cứu hiện nay cố gắng giải quyết. [Cuối cùng thì đây là hướng mà kinh văn phải nghiên cứu. Cần có nhiều nghiên cứu thực nghiệm hơn]*
Peter Howitt (1946-)
Stanley Fischer (1943-)
Peter Howitt đã nói đến việc phục hồi lại Keynes và Alan Blinder nói về việc phục hưng keynesian. Hình như giáo sư chuộng từ đầu thai. Việc sử dụng những từ khác nhau có quan trọng không?
Tôi lựa từ “đầu thai” vì nó chỉ việc tái sinh lại trong một thân thể mới. Nếu có rất nhiều điểm giống nhau giữa kinh tế học keynesian mới và cũ, thì cũng có rất nhiều khác biệt, và tôi muốn nhấn mạnh điều này. Ở một số khía cạnh nào đó, linh hồn của Keynes đã trở về, nhưng nó không giống với Keynes cũ. Thực ra cũng có thể là Keynes không công nhận các nhà keynesian mới là những nhà keynesian. [Thường thì người ta có thể không nhận ra chính mình nữa sau khi đã đầu thai. Đó là lí do vì sao tôi chọn từ đầu thai ]* [Cười].
[Phải chăng giáo sư muốn nói là công trình của giáo sư trung thành với tinh thần của Keynes, nhưng vào chi tiết là có tính phê phán?
Nói như thế là công bằng. Công trình này cố gắng đi xa hơn Keynes trong nghĩa là nó xem những cơ sở vi mô một cách nghiêm túc hơn. Alan Blinder đã viết bài “Keynes After Lucas” và tôi nghĩ là tựa này mô tả đúng các nhà keynesian mới. Bài này xem xét một số tư tưởng của Keynes một cách nghiêm túc đồng thời cũng xem xét một cách nghiêm túc một số phê phán của Lucas]*
Giáo sư có nghĩ rằng Keynes có thể là một nhà keynesian mới?
Tôi không rõ. Tôi nghĩ rằng Keynes là một tay khá bất ngờ. Theo tôi thì ông ấy có thể thích một số điều và không thích một số điều khác.
Lí thuyết kinh doanh thực tế
Gần đây giáo sư biện luận rằng lí thuyết chu kì kinh doanh thực tế đã có một vai trò quan trọng trong việc kích thích và châm ngòi cuộc tranh luận khoa học nhưng giáo sư tiên đoán là cách tiếp cận này cuối cùng sẽ bị loại bỏ. Đâu là những phản bác chính của giáo sư đối với lí thuyết chu kì kinh doanh thực tế? Điểm yếu của lí thuyết này là về mặt lí thuyết hay thực nghiệm hay ở cả hai mặt này?
Những phản bác chính của tôi là về mặt thực nghiệm. Về mặt lí thuyết đó là những mô hình rất gọn, và điều này góp phần rất nhiều vào sức quyến rũ của chúng. [Đây là những mô hình rất chi li. Nhưng khi tôi nhìn vào thế giới hiện thực tôi thấy cùng những điều mà Milton Friedman và James Tobin cũng thấy, đó là có một Hệ thống dự trữ liên bang ở Hoa Kì hay Ngân hàng Anh, hai ngân hàng trung ương đầy quyền lực. Có nhiều chứng cứ ở nhiều nước cho thấy là những thời kì giảm phát là những thời kì sản xuất thấp và thất nghiệp cao. Những tác động này hoàn toàn vắng bóng trong những mô hình chu kì kinh doanh thực tế. Tôi nghĩ là những lực chủ đạo của chu kì kinh doanh mà những mô hình này làm nổi bật những cú sốc công nghệ là không mấy quan trọng]*
Tiến hoá thuận chu kì của lương thực tế có phải là một xác nhận cho các lí thuyết chu kì kinh doanh thực tế không? Những nhà keynesian giải thích như thế nào những chuyển động của lương thực tế trong một chu kì kinh tế?
[Mặc dù tôi không xem xét một cách cẩn thận các mô hình về vấn đề này song]* Theo chỗ tôi hiểu, những lí thuyết kinh tế thực tế cho rằng lương thực tế là rất thuận chu kì. Nhưng theo tôi thì chúng chỉ thuận chu kì một cách vừa phải. [Việc những lí thuyết này cho rằng lương thực tế là cực kì thuận chu kì và các số liệu cho thấy là lương thực tế chỉ thuận chu kì một cách vừa phải cho nên]* Do đó tôi thấy khó hòa giải mô hình với những sự kiện. Vả lại những sự kiện liên quan đến lương thực tế không mấy khó giải thích. Nếu bạn tin vào một thế giới trong đó lương và giá tự điều chỉnh một cách khó khăn thì tính chu kì của lương thực tế qui về vấn đề vận tốc điều chỉnh ít nhiều nhanh hay chậm của lương và giá.
Những nhà keynesian giải thích như thế nào tính chất thuận chu kì của năng suất? Một số những nhà keynesian mới gợi ý rằng đấy là do tích trữ lao động.
Tiến hoá thuận chu kì của năng suất là một trò chơi ghép hình cho những ai không tin vào những cú sốc công nghệ. Giải thích truyền thống là do tích trữ lao động. Trong những thời kì suy thoái, các doanh nghiệp vẫn giữ nhân viên lại dù thật ra họ không cần. Nhưng như thế thì họ có sẵn nhân viên khi giai đoạn bành trướng trở lại. Điều này cho được dáng thuận chu kì của năng suất. [Đối với tôi những lí thuyết này là rất có ý nghĩa. Tôi biết là thư kí của tôi làm việc nhiều khi tôi có nhiều công việc phải làm, do đó năng suất của cô ta là thuận chu kì. Tôi biết là tôi làm việc nhiều khi có nhiều việc phải làm (Cười). Tôi nghĩ là có nhiều chứng cứ không đều cho thấy rằng tích lũy lao động và nỗ lực thuận chu kì là quan trọng ]*
Chính sách kinh tế vĩ mô
[Một trong những ý tưởng trung tâm của kinh tế học keynesian là một gia tăng của tổng cầu sẽ kích thích nền kinh tế. ]* Trong hoàn cảnh nào thì giáo sư nghĩ là chính phủ phải thật sự kích cầu?
[Ở đây có hai câu hỏi. Thứ nhất lúc nào chính phủ phải hành động? Thứ hai là hành động bằng cách nào, bằng cách vận dụng chính sách tiền tệ hay chính sách tài khoá? Về câu hỏi thứ nhất thì]* Chính phủ phải kích tổng cầu khi tổng cầu là quá yếu để bảo đảm toàn dụng lao động hay khi có những lí do để nghĩ rằng thất nghiệp là cao hơn mức thất nghiệp tự nhiên. [Những hệ quả của một số lí thuyết keynesian mới thật ra bắt nguồn từ một số hệ quả về mặt chính sách của tổng hợp tân cổ điển vào thập niên 1960. Một vài giới hạn về mặt chính sách được tranh luận thời đó nay vẫn còn xác đáng]*. Nhưng, ngay cả khi bạn chấp nhận tất cả những gì các nhà keynesian mới nói về việc chậm điều chỉnh của giá, thì cũng còn một vấn đề: đâu là khả năng của chính phủ để phản ứng đúng đắn và đúng lúc trước những cú sốc. Phần tôi, tôi khá hoài nghi ích lợi của chính sách tài khoá như một phương tiện để quản lí tinh vi nền kinh tế. Trong cuộc tranh luận này, phần lớn tôi đứng về phía Milton Friedman. Chính phủ không có khả năng nhận ra những cú sốc và khi chính phủ phản ứng thì thường là quá trễ và phản tác dụng. Tôi nhìn chu kì kinh tế như một dạng khiếm khuyết của thị trường mà chính phủ ít có phương tiện để làm giảm nhẹ đi. Tuy nhiên, trong một cơn suy thoái trầm trọng, như trong đại khủng hoảng, thì chắc chắn là chính phủ có một vai trò.
[Giáo sư có nghĩ rằng Keynes ngây thơ về mặt chính trị khi nghĩ rằng các nhà chính trị phải được các nhà kĩ trị cố vấn để có những quyết định đúng đắn? Ở đây chúng tôi nghĩ đến kinh văn về những lựa chọn công cộng và chu kì kinh doanh chính trị ]* Chúng ta có thể tin tưởng vào các nhà chính trị để họ sử dụng tốt những đòn bẫy ngân sách và tiền tệ không?
Đây là một mối quan ngại nghiêm túc, nhưng có nhiều cách để đối phó. [Ví dụ, có một kinh văn to lớn cho thấy là bình quân những nước có ngân hàng trung ương độc lập hơn có lạm phát thấp]*. Những nước có một ngân hàng trung ương độc lập hơn thường có một lạm phát yếu hơn. Khi ngân hàng trung ương ít độc lập thì những áp lực chính trị có xu hướng ưu đãi một chính sách quá lạm phát hơn. Trong chừng mực mà ta muốn làm kinh tế một cách tỉ mỉ, thì một ngân hàng trung ương độc lập ở một vị thế làm tốt hơn là một chính sách tài khoá trong tay quyền lực chính trị.
Giáo sư đã viết là những công trình về tính không nhất quán trong thời gian cung cấp những lập luận nghiêm túc cho việc thiết lập những chuẩn về chính sách tiền tệ. Giáo sư có nghĩ như thế chăng đối với những chuẩn tài khoá?
Cần phải quan niệm cho tốt những chuẩn tài khoá. Việc thông qua một ngân sách cân đối quá ngặt có thể đưa đến thảm hoạ. Trong một số giai đoạn, suy thoái hay chiến tranh, cần phải chấp nhận thâm hụt. Bởi thế mọi chuẩn tài chính phải tính đến những tình thế đặc biệt khi mà thâm hụt ngân sách là chính sách kinh tế thích hợp. [Tự bản thân nó một chuẩn tài chính không phải là một ý tưởng xấu, nhưng nó phải được quan niệm tốt và tới nay tôi chưa thấy một chuẩn như thế ]*.
Một trong những vấn đề của việc thiết lập những chuẩn phải chăng là nếu nền kinh tế chịu một cú sốc bất ngờ, thì chính phủ có thể mong muốn được rảnh tay hơn là bị ràng buộc bởi những chuẩn cứng nhắc? [Phải chăng quan niệm một qui tắc có tính rằng buộc là một việc khó khăn?]*
[Có hai phần trong câu hỏi trên. Thứ nhất làm thế nào để cho một qui tắc có được tính ràng buộc? Thứ hai, bạn muốn có một qui tắc có tính ràng buộc không? Một cách để làm cho qui tắc có tính ràng buộc là uy tín. Nhiều qui tắc là qui tắc chỉ vì truyền thống lâu dài đã xác lập chúng thành chuẩn và thiên hạ không muốn phá vỡ truyền thống. Một cách hợp pháp hơn để áp đặt những qui tắc là đưa chúng vào trong hiến pháp. Tôi nghĩ là câu hỏi khó hơn bạn nêu lên là ta có muốn rằng những qui tắc có tính ràng buộc không? Vấn đề là bạn có thể viết ra một qui tắc hoạt động tốt ngay cả để ứng phó với những biến cố không được dự liệu trước hay không. Nếu phải trả giá quá đắt do bị qui tắc ràng buộc thì người ta sẽ không mãi tuân thủ nó nữa. Điều ta muốn là viết ra một qui tắc tốt để đối phó với những loại cú sốc bình thường. Có nghĩa là bạn không biết sẽ có những cú sốc như thế nào nhưng bạn biết là kiểu cú sốc nào có khả năng xảy ra. Bạn có những cú sốc dầu lửa, những cú sốc cầu tiền tệ và v.v.. Trên cơ sở những cú sốc mà nền kinh tế đã chịu phải trong quá khứ, bạn vạch ra một qui tắc tốt để đối phó với những cú sốc mà bạn chờ đợi là nền kinh tế sẽ gặp phải. Do đó, trừ khi một điều gì không hoàn toàn tiên liệu được xảy ra bạn phải tuân thủ qui tắc]*
Leijonhufvud từng lập luận là có thể quan niệm rằng nền kinh tế đi qua một hành lang và chừng nào nền kinh tế còn ở trong hành lang đó thì để nó yên, nhưng nếu nó đi chệch ra khỏi hành lang và rơi vào một cơn suy thoái nghiêm trọng thì đến lúc phải can thiệp. Phải chăng đó là điều giáo sư muốn nói? (Xem Leijonhufvud, 1981[7])
Axel Leijonhufvud (1933-)
Không, vì có thể tiên đoán được một cách hợp lí những cuộc suy thoái. Mặc dù bạn không nhất thiết biết được lúc nào sẽ diễn ra một cuộc suy thoái nhưng bạn biết là nó có khả năng xảy ra. Một cuộc suy thoái là một trong những bất ngờ mà bạn muốn qui tắc của bạn phải xử lí.]*. Thật ra chúng ta mong muốn có một chuẩn tốt trong những tình thế có các cú sốc bình thường, dựa trên kiểu những cú sốc chúng ta đã gặp trong quá khứ. Trừ khi có một điều gì hoàn toàn bất ngờ xảy ra thì phải giữ vững chuẩn này. [Bởi thế]* Tôi không nghĩ rằng một cơn suy thoái, tự bản thân nó, là một trong những yếu tố đặc biệt khiến bạn phải từ bỏ một chuẩn. Nhưng một số biến cố là hoàn toàn bất ngờ: ví dụ, trước 1973, người ta chưa bao giờ hình dung được một cú sốc trên cung như cú sốc do OPEC gây ra. Chính trong những tình thế như vậy mà bạn có thể buộc phải xét lại chuẩn. Nhưng bây giờ khi ta đã biết khả năng của OPEC, thì ta có thể quan niệm một chuẩn có tính đến khả năng này.
[Thế nào là vai trò của chính sách thuế khoá trong kinh tế học vĩ mô keynesian mới?
Trong một mức độ lớn kinh tế học keynesiam mới liên quan đến lí thuyết tổng cung và những lí do vì sao giá cả chậm điều chỉnh. Về vấn đề điều gì ấn định tổng cầu, đặc biệt là vấn đề giữa chính sách tài khoá và tiền tệ thì đòn bẩy nào là có ích nhất kinh tế học này là tương đối trung tính. Như đã nói lúc nãy, bản thân tôi hoài nghi tính hữu ích của chính sách tài khoá trong việc tinh chỉnh nền kinh tế vì, ít ra là ở Hoa Kì, Quốc hội phản ứng rất chậm. Khi chúng ta tiến hành cuộc phỏng vấn này [18 tháng hai 1993], Quốc hội đang tranh luận luận về một gói kích thích tài khoá, mặc dù sự phục hồi đã bắt đầu từ một năm nay rồi. Trước khi gói kích thích này thật sự tác động đến nền kinh tế tôi đoán là chúng ta lại đến gần tỉ suất tự nhiên. Chính sách tiền tệ là một công cụ có ích hơn để ổn định tổng cầu]*
Những thâm hụt ngân sách có quan trọng không?
Tôi nghĩ chúng rất là quan trọng, không phải vì những lí do kinh tế vĩ mô ngắn hạn, nhưng về dài hạn vì những lí do mà các mô hình tăng trưởng giải thích tốt hơn. Theo tôi, những sự kiện cho thấy là những thâm hụt ngân sách quan trọng thu nhỏ tiết kiệm quốc gia và một tiết kiệm nhỏ dẫn đến một tăng trưởng yếu. Đây là một vấn đề lớn hiện nay ở Hoa Kì.
Nếu giáo sư phải cố vấn cho tổng thống Clinton về chính sách kinh tế vĩ mô cho ba hay bốn năm tới, những chính sách nào được giáo sư coi là cần thiết?
Riêng về diễn văn của tổng thống Clinton [17 tháng hai 1993], tôi thấy là chúng ta không cần đến một kích thích ngân sách quan trọng đến mức như được ông ấy đề nghị. Sự phục hồi đã bắt đầu. Tôi vui khi thấy là ông quan tâm đến thâm hụt ngân sách, vì tiết kiệm yếu kém là một vấn đề quan trọng trong dài hạn cho Hoa Kì, nhưng tôi hơi thất vọng là ông quá nhấn mạnh đến việc tăng thuế hơn là giảm bớt chi tiêu. Ý kiến này không nhằm vào kinh tế học vĩ mô mà vào tỉ trọng của Nhà nước. Do đó đánh giá của tôi là khá nhẹ nhàng.
Tiến bộ hiện tại và trong tương lai của kinh tế học vĩ mô
Một phần lớn những nghiên cứu trong thập niên 1980, kể cả những công trình của giáo sư, đã thử cung cấp những cơ sở kinh tế vi mô chặt chẽ hơn cho những thành tố trung tâm của kinh tế học keynesian. Giáo sư có nghĩ rằng những nghiên cứu này đã thành công không?
Vâng, về mặt lí thuyết. Bây giờ các nhà kinh tế có thể xếp hàng nhiều mô hình kinh tế vi mô về tính cứng nhắc của giá và lương. Thách thức của Lucas và những môn đồ của ông đã được chấp nhận. Nhưng thành công trên mặt thực nghiệm là ít hiển nhiên hơn. [Ví dụ, trong chừng mực nào những nghiên cứu này đã thu được những kết quả sâu sắc giúp ta hiểu những biến động kinh tế hiện nay? Những nghiên cứu này có cung cấp những cách xem xét mới các dữ liệu và chính sách không?]*. Về điểm này, ban giám khảo vẫn chưa thảo luận! Đã bắt đầu có một số nhỏ kinh văn thực nghiệm, [và chắc là tôi có thể đếm những bài nghiên cứu thực nghiệm trên mười đầu ngón tay]* nhưng cho đến nay những nghiên cứu chưa được dồi dào như tôi mong muốn.
[Giáo sư có nghĩ là ý kiến cho rằng hiện nay ta có quá nhiều lí thuyết chứa đựng một phần sự thật không?
Vâng, tôi có nhiều thiện cảm với quan điểm này. Giới kinh tế dành một phần thưởng quá lớn cho việc xây dựng những lí thuyết mới thông minh. Nhưng tôi không biết cách nào giải quyết vấn đề này. Hiển nhiên là tôi tin vào những điều tôi tin và tôi không thể buộc thiên hạ phải tin vào những điều tôi tin. Sẽ là một điều tốt đẹp nếu các nhà kinh tế vĩ mô đạt đến một sự đồng thuận và họ có thể làm nhiều công trình chi tiết hơn và ít sáng tạo những nhãn hiệu lí thuyết mới về chu kì kinh doanh hơn. Cho tới khi chúng ta đạt đến một sự đồng thuận một cách tự nhiên thì không có cách nào ra lệnh buộc mọi người phải đồng ý]*
Giáo sư có tin vào sự nổi lên của một đồng thuận trong kinh tế học vĩ mô không?
Olivier Blanchard (1948-)
Tôi thay đổi ý kiến rất nhiều trên vấn đề này, tùy theo buổi diễn thuyết nào tôi được dự [Cười]. Chắc chắn là trong giới, có những nhóm nhà kinh tế đồng ý với nhau, đó là trường hợp của những nhà keynesian mới như Olivier Blanchard, Larry Ball, David Romer, George Akerlof, Alan Blinder, v.v. Khó mà nói là, như một nhóm, trong chừng mực nào chúng tôi sẽ đồng ý với những lí thuyết gia của chu kì kinh doanh thực tế. Tôi cảm thấy thoải mái khi thấy có những lí thuyết gia mà những nghiên cứu trước đây gắn liền với chu kì kinh doanh thực tế nay cố gắng đưa thêm những hiệu ứng tiền tệ vào các mô hình của họ. Điều này cho phép hi vọng là đến một lúc nào đó những mô hình keynesian mới và những mô hình chu kì kinh doanh thực tế sẽ hợp nhất trong một tổng hợp lớn bao gồm những yếu tố tích cực của mỗi loại mô hình. Điều này chưa xảy ra. Đó chỉ là một niềm hi vọng.
Nguồn: La pensée économique moderne. Guide des grands courants de Keynes à nos jours của Brian Snowdon, Howard R. Vane và Peter Wynarczyk, nhà xuất bản Edíscience, Paris, 1997, trang 359-369.

Những câu trả lời bổ sung qua thư từ trong tháng hai, tháng ba 1998[*]:
Mike Woodford (1955-)
Julio Rotemberg (1953-2017)
Trong buổi nói chuyện với giáo sư vào tháng hai 1993, giáo sư bày tỏ hi vọng là đến một lúc nào đó những mô hình keynesian mới và những mô hình chu kì kinh doanh thực tế sẽ hợp nhất trong một tổng hợp lớn bao gồm những yếu tố tích cực của mỗi loại mô hình”. Những phát triển của nghiên cứu kinh tế vĩ mô trong vòng năm năm qua có đi theo chiều hướng đồng thuận mà giáo sư kì vọng không?
Trong một chừng mực nào đó, có. Ngày càng có nhiều nhà kinh tế (như Bob King, Julio Rotemberg và Mike Woodford) cố gắng hợp nhất những hiểu biết sâu sắc của kinh văn keynesian mới và của kinh văn về chu kì kinh doanh thực tế. Và điều không ngạc nhiên là việc này khơi lên một loạt những vấn đề khó khăn về mặt kĩ thuật. Chúng ta biết là rất khó giải những mô hình giá cứng nhắc động, ngoại trừ trong một số trường hợp đặc biệt. Nhưng đã có một số tiến bộ trong lĩnh vực này.
Giáo trình mới của giáo sư Những nguyên lí của kinh tế học (Mankiw, 1997)[8] đón nhận được nhiều quan tâm và bình luận. Ví dụ trong bài điểm sách trên tờ Wall Street Journal (9 tháng 10 1997), Mark Skousen kiến giải thông điệp của giáo sư rằng kinh tế học cổ điển nay là lí thuyết tổng quát” và kinh tế học keynesian nay là trường hợp đặc biệt. Skousen còn viết rằng toàn bộ quyển sách được dành cho kinh tế học cổ điển để mô hình keynesian như một phần thêm vào những chương cuối”. Phải chăng đó là một cách nhìn chính xác về sự cân đối của quyển sách và về quan điểm hiện nay của giáo sư?
Mark Skousen (1947-)
Tôi rất vui mừng trước những phản ứng đối với quyển sách giáo khoa mới của tôi. Một số bình luận, như của Skousen trên tờ Wall Street Journal, đã phóng đại những gì tôi làm trong quyển sách đó, và tờ báo này đã đăng thư trả lời của tôi cho bài viết trên. Trong quyển sách này, tôi cố gắng trình bày một cách cân đối những tư tưởng keynesian và những tư tưởng cổ điển. Phân tích keynesian được trình bày trong ba chương đầy, giải thích và áp dụng mô hình tổng cầu và tổng cung. Có lẽ phần trình bày ít bao quát bằng nhiều giáo trình truyền thống khác nhưng điều này không hề có nghĩa là kinh tế học keynesian chỉ “được thêm vào sau”. Tôi bắt đầu với những ý tưởng cổ điển kể cả tăng trưởng dài hạn, lí thuyết định lượng tiền tệ và v.v.  nhưng đến cuối sách thì sinh viên hoàn toàn quen thuộc với tầm quan trọng và vai trò của lí thuyết keynesian.
Trong lần phỏng vấn trước, giáo sư bình luận rằng giả thiết tỉ suất tự nhiên là khá vững chắc” hầu hết những nhà keynesian mới tin vào giả thiết tỉ suất tự nhiên”. Giáo sư giải thích như thế nào sự kết hợp giữa một thất nghiệp thấp và lạm phát thấp hiện nay của nền kinh tế Mĩ?
Hình như ngày càng rõ là tỉ suất thất nghiệp tự nhiên ở Hoa Kì đã giảm xuống. Ở một mặt nào đó, điều này không có gì là quá sửng sốt vì về nguyên tắc không có lí do để nghĩ rằng tỉ suất tự nhiên phải là bất biến. Những thay đổi khác nhau trên thị trường lao động có thể làm biến đổi tỉ suất tự nhiên. Nhưng tôi chưa thấy được một giải thích tốt về sự sụt giảm này, một sụt giảm gây lúng túng. Có người có thể phản ứng bằng cách bác bỏ toàn bộ khuôn khổ của tỉ suất tự nhiên, nhưng phần tôi thì chưa sẵn sàng làm điều đó, một phần vì chưa thấy có đối chọn nào tốt hơn.
Robert Solow (1924-)
Những năm gần đây giáo sư quan tâm nghiên cứu nhiều đến tăng trưởng kinh tế hơn là đến những vấn đề của những biến động tổng gộp trong ngắn hạn. Khác với Paul Romer và những lí thuyết gia về tăng trưởng nội sinh khác, giáo sư bảo vệ mạnh mẽ một mô hình Solow sửa đổi trong bài viết Tăng trưởng của các quốc gia” (1995)[9]. Giáo sư đánh giá như thế nào những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu mới phát triển nhanh này kể từ 1986?
Kinh văn về tăng trưởng kinh tế là một phát triển vô cùng tích cực cho giới kinh tế. Dù sao đi nữa tăng trưởng dài hạn ít ra cũng quan trọng cho phúc lợi con người không kém gì chu kì kinh doanh, do đó việc lĩnh vực này được nghiên cứu trở lại một cách nghiêm túc là một điều tốt. Trong quyển sách mới của tôi về các nguyên lí, cũng như trong giáo trình vĩ mô trung cấp, tôi đưa chủ đề tăng trưởng dài hạn vào khá sớm. Điều này chủ yếu phản ảnh xu hướng nghiên cứu do Paul Romer và nhiều tác giả khác khởi xướng.  
Adam Smith (1723-1790)
Về vấn đề đã có những tiến bộ như thế nào trên lĩnh vực này, tôi hơi lưỡng lự. Hiện nay ta có nhiều mô hình lí thuyết về tăng trưởng và nhiều nghiên cứu thực nghiệm hơn là những số liệu. Lúc này khó tìm ra những vấn đề trước đây chưa trả lời được mà nay ta có thể trả lời một cách tự tin. Adam Smith từng nói: “đưa một nước từ mức dã man thấp nhất đến mức độ giàu có cao nhất không đòi hỏi gì nhiều khác hơn là hoà bình, thuế dễ dãi và quản lí pháp luật dễ chịu”. Dường như đây vẫn còn là lời khuyên tốt nhất về chính sách. Trong nghĩa này thì ta không tiến triển nhiều so với 200 năm trước. Mặt khác, có lẽ ta hiểu tốt hơn vì sao trực giác của Smith là đúng, và điều này là một tiến bộ.
Đâu là những khác biệt chính giữa giáo sư và Paul Romer về tiến bộ công nghệ?
Tôi không có bất đồng với Paul Romer về tiến bộ kĩ thuật. Điểm xuất phát chính của tiến bộ kĩ thuật là sự sáng tạo ý tưởng, những ý tưởng này chủ yếu nhưng không hoàn toàn là những sản phẩm công cộng. Cả hai chúng tôi sẽ đồng ý là điều này giải thích vì sao phần lớn các quốc gia ngày nay giàu hơn cách đây một thế kỉ.
Điểm mà Romer và tôi có vẻ không đồng ý với nhau là tầm quan trọng của quan điểm cũ này để hiểu những khác biệt giữa các nước. Tôi biện luận rằng phần lớn những khác biệt quốc tế của mức sống có thể được giải thích bằng những khác biệt về số lượng vốn con người và vốn hữu hình. Theo như tôi hiểu quan điểm của Paul Romer thì ông ấy hoài nghi khả năng này. Ông lập luận rằng những khác biệt trong hiểu biết kĩ thuật giữa các nước là quan trọng; về thực chất ông đòi hỏi là những nước khác nhau với được tới những kĩ thuật khác nhau. Vấn đề trong việc kiểm định hai quan niệm này là vốn con người (giáo dục) và vốn hữu hình có thể đo đạc và ước lượng được, điều mà tôi đã thử làm trong một bài viết cùng với David Romer và David Weil trên tạp chí Quarterly Journal of Economics (1992)[10], trong lúc những “ý tưởng” được Paul Romer nhấn mạnh là khó đo lường hơn. Tôi tin chắc là đều có một phần sự thật trong “quan điểm vốn” và  “quan điểm vốn ý tưởng” và cũng có nhiều yếu tố khác chính sách thương mại, quyền sở hữu và v.v. là quan trọng. Tầm quan trọng tương đối của những yếu tố khác nhau này cuối cùng là một vấn đề thực nghiệm khiến cho khó kết luận dứt điểm.   
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Additional Questions Answered by Correspendence: Janyary/February 1998” trong Conversations with Leading Economists. Interpreting Modern Macroeconomics của Brian Snowdon và Howard R. Vane, nhà xuất bản Edward Elgard, Cheltenham, 1999, UK, trang 121-123.




[1] What Determines the Sacrifice Ratio”, in N. G, Mankiw (ed.), Monetary Policy, Chicago, Chicago University Press.

[2] Real Rigidities and the Non Neutrality of Money”, Review of Economic Studies, April.

[3] On the Mechanics of Development”, Journal of Monetary Economics, July.

[4] “The Fair Wage-Effort Hypothesis and Unemployment”, Quarterly Journal of Economics, May.

[5] The Labor Market as an Institution, Oxford, Basil-Blackwell.

[6] “Comment” on David Roemer on “What Are the Costs of Excessive Deficits”, NBER Macroeconomics Annual.

[7] Information and Co-ordination: Essays in Macroeconomic Theory, Oxford, Oxford University Press.

[*] Dịch từ Conversations with Leading Economists. Interpreting Modern Macroeconomics của Brian Snowdon và Howard R. Vane, nhà xuất bản Edward Elgar, Chettenham, 1999, UK, trang 121-123 [ND].

[8] Macroeconomics, 3rd edition, New York, Worth.

[9] The Growth of Nations”, Brooking Papers on Economic Activity.

[10] A Contribution to the Empirics of Economic Growth”, Quarterly of Economics, May.

Print Friendly and PDF