27.4.22

Các biện pháp trừng phạt Nga sẽ hiệu quả?

CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT NGA SẼ HIỆU QUẢ?

Ngày 31 tháng 3 năm 2022

Chào mừng bạn đến với The Big Question, một tính năng thường xuyên mới trong đó các nhà bình luận của Project Syndicate đưa ra những câu trả lời thuyết phục cho một câu hỏi đúng lúc.

Phương Tây đã ngay lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có về tài chính, thương mại và đầu tư chống lại Nga nhằm đáp trả cuộc xâm lược của Tổng thống Vladimir Putin đối với Ukraine vào cuối tháng Hai. Trong một động thái đáng chú ý, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các đồng minh đã đóng băng phần lớn dự trữ ngoại hối của Nga, và các biện pháp có khả năng xảy ra khác vẫn còn đang được thảo luận.

Trong Big Question lần này, chúng tôi yêu cầu Jayati GhoshRicardo HausmannHarold James và Shang-Jin Wei đánh giá các mục tiêu và tác động có thể có của các biện pháp trừng phạt.

JAYATI GHOSH

Jayati Ghosh (1955-)

Các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn và sâu rộng hơn bất kỳ ai đã dự đoán có khả năng sẽ làm tê liệt nền kinh tế Nga và gây ra tổn thất to lớn cho người dân nước này. Nếu đây là mục tiêu, thì họ có lẽ sẽ “thành công”. Nhưng nếu mục tiêu là để ngăn chặn cuộc chiến ở Ukraine hay để tạo tác động dẫn đến sự sụp đổ của Putin và sự thay đổi chế độ ở Nga, hoặc thậm chí chỉ để gây thiệt hại cho các nhà tài phiệt giàu có của Nga bằng những lợi ích vật chất ở phương Tây, thì kết quả sẽ khó dự đoán hơn nhiều.

Hoa Kỳ có một lịch sử lâu dài về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt vốn phá hủy các nền kinh tế và giết chết con người, kể cả trẻ em, bằng cách từ chối để họ (có được) thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác. Ngay cả bây giờ, phụ nữ và trẻ em ở Afghanistan đang chết vì đói. Chính phủ Taliban không thể nhập khẩu lương thực, bởi vì Hoa Kỳ đang ngăn chặn ngân hàng trung ương của nước này tiếp cận dự trữ đồng đô la của chính họ. Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ hiếm khi thậm chí chưa bao giờ thành công trong việc thúc đẩy những thay đổi mong muốn. Thay vào đó, chúng kéo dài hơn thời gian cần thiết, đôi khi trong nhiều thập kỷ, mà không chỉ vì sức ì.

Đây có thể là lý do tại sao nhiều nước - bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, hầu hết các nước đang phát triển khác, và thậm chí cả các đồng minh thân cận của Mỹ như Israel - không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga nhiều hơn so với hiện tại. Trên thực tế, danh sách các nước - chủ yếu là các nền kinh tế tiên tiến về địa chính trị của phương Tây - hiện đang trừng phạt Nga rất giống với danh sách đã tham gia vào vụ tiêu diệt Libya năm 2011. Năng lực của các cường quốc phương Tây trong việc chọn lọc các trường hợp có xúc phạm về đạo đức không phải là chưa từng được nhận biết ở những nơi khác.

Các nước khác cũng không có rủi ro ngày càng tăng do dự trữ đồng đô la bị mất đi. Việc đóng băng phần lớn tài sản nước ngoài của ngân hàng trung ương Nga, sau các biện pháp tương tự đối với Venezuela và Afghanistan, đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo trên toàn thế giới. Vì sức mạnh của đồng tiền dự trữ toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức về rủi ro, chính phủ Hoa Kỳ có thể vô tình làm suy yếu bá quyền của đồng đô la.

RICARDO HAUSMANN

Ricardo Hausmann (1956-)

Các biện pháp trừng phạt có thể cố gắng đạt được các mục tiêu khác nhau. Một là thay đổi chế độ, trong đó hiếm có bằng chứng cho thấy chúng hiệu quả, như những ví dụ của Iraq trong những năm 1990 và Venezuela gần đây hơn đã chỉ ra. Điều này có thể là do một thực tế rằng, trong khi các biện pháp trừng phạt làm suy yếu chế độ, chúng có thể làm suy yếu xã hội nhiều hơn, ngăn cản một sự thay đổi trong cán cân quyền lực.

Mục tiêu thứ hai của các biện pháp trừng phạt là làm giảm khả năng bộc lộ quyền lực của một chế độ. Ở đây, bằng chứng cho thấy chúng có hiệu quả thì thuyết phục hơn. Trong mọi trường hợp, với các ưu tiên và sở thích chiến lược của Nga, như đã được tiết lộ qua các cuộc xâm lược Gruzia, Crimea và giờ dây là phần còn lại của Ukraine, việc cho phép nước này sản xuất 11 triệu thùng dầu mỗi ngày đơn giản là quá tốn kém nếu Điện Kremlin dành thu nhập này để dồn vào sức mạnh quân sự của nước này.

Tốt hơn là làm suy yếu Nga về mặt kinh tế thông qua các biện pháp trừng phạt, ngay cả khi những người áp đặt các biện pháp trừng phạt đó phải chịu một chút phí tổn kinh tế.

HAROLD JAMES

Harold James (1956-)

Các biện pháp trừng phạt đã khiến Nga bất ngờ và khiến Tổng thống Vladimir Putin bối rối, nhưng không thay đổi được diễn biến của cuộc xung đột. Cuộc tấn công của Nga đang gây xáo trộn như là hệ quả của nhiều nhân tố riêng biệt. Chúng bao gồm chủ nghĩa anh hùng và động lực siêu việt của người Ukraine thuộc tất cả các cộng đồng ngôn ngữ trong việc bảo vệ đất nước của họ khỏi sự xâm lược; sự lãnh đạo đầy lôi cuốn của Tổng thống Volodymyr Zelensky; sự chuẩn bị và huấn luyện kém cỏi của quân đội Nga; và các loại vũ khí chống tăng và vũ khí phòng không hiệu quả do Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp.

Mặc dù các biện pháp trừng phạt đang làm suy yếu nền kinh tế Nga khá nhanh chóng, nhưng các kết quả bất lợi sẽ chậm gây ảnh hưởng lên quân đội, vốn đã khá tự chủ về mặt kinh tế. Các lực lượng vũ trang của Nga không cần phải lo lắng về nguồn cung cấp nhiên liệu, và thiết bị của họ phần lớn được sản xuất tại Nga.

Sự lựa chọn của phương Tây đối với các biện pháp trừng phạt chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến tốc độ sụp đổ kinh tế của Nga. Việc nhắm vào lượng nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, và khả năng một lúc nào đó châu Âu có thể cắt đứt hoàn toàn lượng dầu và khí đốt nhập khẩu này, có thể làm gia tăng sự bất mãn trong nội bộ nước Nga (nhưng cũng có thể thúc đẩy sự ủng hộ của chủ nghĩa dân tộc đối với Putin).

Các biện pháp trừng phạt mạnh hơn của phương Tây, và việc cung cấp viện trợ tái thiết sau chiến tranh cho Ukraine, sẽ giúp khích lệ người dân Ukraine; điều tối quan trọng là họ không cảm thấy mình đang chiến đấu một mình. Các biện pháp khắc nghiệt hơn cũng sẽ nói lên điều gì đó về việc các nước phương Tây sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của các giá trị mà họ liên tục khẳng định là đã gắn kết họ. Cuối cùng, một sự thể hiện mạnh mẽ về tình đoàn kết sẽ ảnh hưởng đến tính chất của các cuộc đàm phán hòa bình cuối cùng và giúp đảm bảo một cuộc dàn xếp mà không chỉ dừng lại ở một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm kéo dài.

SHANG-JIN WEI

Shang-Jin Wei

Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ có hiệu quả nếu sự thành công được định nghĩa là việc gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga và gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Putin và những người ủng hộ ông rằng bất kỳ hành động xâm lược quân sự nào trong tương lai sẽ phải chịu một hình phạt khắc nghiệt tương tự.

Chúng ta đã thấy lạm phát của Nga tăng mạnh, các nỗ lực tích cực của ngân hàng trung ương Nga để hỗ trợ đồng rúp, và việc tịch thu nhiều tài sản ở nước ngoài của các nhà tài phiệt Nga. Việc không tham gia vào các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Mexico và Brazil sẽ không triệt tiêu những tác động này, vì hai lý do.

Thứ nhất, Liên minh châu Âu cho đến nay vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm 36,5% nhập khẩu và 37,9% xuất khẩu của Nga trong năm 2020. Các quốc gia khác không thể bù đắp cho sự thâm hụt thương mại của Nga với EU trong ngắn hạn. Tất nhiên, châu Âu có thể khiến các biện pháp trừng phạt của phương Tây mạnh mẽ hơn nữa bằng cách lựa chọn tự mình chịu đựng thêm một chút tổn thất và bằng cách đưa dầu và khí đốt của Nga vào cấm vận thương mại.

Thứ hai, Hoa Kỳ thống trị các hệ thống tài chính và thanh toán toàn cầu. Các thỏa thuận tài chính đối chọn sẽ không cho phép Nga bù đắp hoàn toàn sự cô lập tài chính khắc nghiệt do Hoa Kỳ áp đặt. Với nền kinh tế trong nước đang sa sút và dự trữ ngoại hối có thể sử dụng được bị hạn chế, Nga có vẻ ngày càng có khả năng bị vỡ nợ ngoại tệ.

Nổi bật trong phần Big Question này

JAYATI GHOSH

Jayati Ghosh, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst, là thành viên của Ban Cố vấn Cấp cao về Chủ nghĩa Đa phương Hiệu quả của Tổng Thư ký Liên hợp quốc.

RICARDO HAUSMANN

Ricardo Hausmann, cựu bộ trưởng kế hoạch của Venezuela và là cựu kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, là giáo sư tại Trường Chính phủ John F. Kennedy của Harvard và Giám đốc Phòng thí nghiệm Tăng trưởng Harvard.

HAROLD JAMES

Harold James là Giáo sư Lịch sử và Các vấn đề Quốc tế tại Đại học Princeton. Một chuyên gia về lịch sử kinh tế Đức và toàn cầu hóa, ông là đồng tác giả của Euro và Cuộc chiến của các ý tưởng, và là tác giả của Sự sáng tạo và Phá hủy Giá trị: Chu kỳ Toàn cầu hóaKrupp: Lịch sử về một Công ty Huyền thoại của ĐứcThành lập Liên minh Tiền tệ Châu Âu, và Cuộc chiến ngôn từ.

SHANG-JIN WEI

Shang-Jin Wei, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, là Giáo sư Tài chính và Kinh tế tại Trường Kinh doanh Columbia và Trường Các vấn đề Công và Quốc tế thuộc Đại học Columbia.

Nguyễn Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Will the Russia Sanctions Work?, Project Syndicate, ngày 31 tháng 03 năm 2022

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF