23.4.22

Khoa học coi thường ý kiến của bạn

KHOA HỌC COI THƯỜNG Ý KIẾN CỦA BẠN

Tác giả: Aurélie Jean[*]

THỜI LUẬN. Trước sự nghi ngờ của người Pháp đối với các phát biểu khoa học, cần nhanh chóng nhắc lại sự khác nhau giữa niềm tin và kiến thức.

Trong một phòng nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm. © DR

Điều đó đối với bạn dường như là một tiếng kêu giận dữ, nhưng tuyên bố này dù hơi nghiêm khắc nói lên mối quan hệ không mấy tốt đẹp của chúng ta với khoa học và các nhà khoa học. Dù sao, đó là phản ánh của một nghiên cứu mới đây kết luận rằng chỉ có một trên hai người Pháp xem các khoa học là một nguồn thông tin đáng tin cậy và tin tưởng vào các bác sĩ. Vậy mà khi ta nghĩ rằng khủng hoảng y tế đã làm rõ vai trò của khoa học và các tác nhân khoa học, ta lại có một cảm tưởng cay đắng là đang trở về thời kỳ mà những niềm tin thắng thế các kiến thức. Đến nỗi có hơn 80% người Pháp mong muốn thu thập nhiều ý kiến trước khi họ phác họa một ý kiến. Nhưng khoa học coi thường các ý kiến, vì khoa học dựa trên phương pháp khoa học.

Ngược lại với lập luận khoa học, một ý kiến không dựa trên các sự kiện một cách dứt khoát. Theo định nghĩa, ý kiến là chủ quan và có thể chịu ảnh hưởng của những thiên kiến do cảm xúc và những thiên kiến xác nhận, chúng định hướng, làm biến dạng, thậm chí làm sai lệch phán đoán của chúng ta – dù đúng hay sai. Phải phân biệt một giả thuyết và một lý thuyết chưa được chứng minh với một ý kiến. Một giả thuyết là một giả định chưa được làm rõ và tranh biện, dù là một phần; một lý thuyết là toàn bộ những điều kiện, quy tắc và nguyên lý để giải thích một hiện tượng. Ngay cả những lý thuyết đôi khi được chấp nhận rộng rãi nhưng còn chờ được chứng minh đều dựa trên những ý tưởng chặt chẽ, được xác nhận và có lý lẽ. Đáng lẽ qua sự phân biệt tuy đơn giản này ta có thể tránh được những lời lẽ của khá nhiều nhân vật – các nhà khoa học và các bác sĩ – khi họ cho ý kiến trên truyền thông từ đầu cuôc khủng hoảng y tế. Bởi vì các nhà khoa học, do vô ý hay do thiếu lương thiện trí thức, cũng có thể cho ý kiến mà quên đi phương pháp đã đào luyện họ.

Suy nghĩ chống lại mình

Platon (429-347)
Aurélie Jean (1982-)

Đồng ý là ta có thể có quan điểm đối với một lý thuyết, nhưng trong mọi trường hợp đó không phải là một ý kiến theo nghĩa ban đầu của từ này. Để được thuyết phục vì điều đó, phải đọc lại triết lý của Platon, ông đối chọi ý kiến với khoa học, và đồng hóa ý kiến với niềm tin và ảo tưởng. Trái lại, quan điểm khoa học là một suy tư được thúc đẩy bởi những lập luận và ý tưởng được đồng thuận trong một cộng đồng. Ta nói về các trường phái tư tưởng để phân biệt những suy nghĩ này. Chính từ đó mà nảy sinh những thảo luận về ý tưởng và những tiểu luận đào sâu và bảo vệ một luận đề, bằng cách phát triển một phản đề để suy nghĩ chống lại mình. Tuy nhiên, hình ảnh này trong một thế giới lý tưởng là rất xa với những quyển sách về ý kiến vốn tranh nhau xuất hiện vào mỗi mùa xuất bản, thế nhưng người ta giới thiệu chúng như là những phân tích khách quan.

Để chấm dứt, ta sẽ nói rằng ta không bù đắp một sự hoài nghi bằng một ý kiến, mà trái lại ta phải phát biểu: Tôi không biết. Và ngay cả khi phần lớn các cá nhân có cùng một ý kiến, điều đó không làm cho nó trở thành sự thât. Bạn suy nghĩ gì – chứ không phải ý kiến của bạn – về vấn đề này?

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:La science se moque de votre opinion”, Le Point, 27.3.2022.




Chú thích:

[*] Nhà báo

Print Friendly and PDF