18.4.22

Chiến tranh Ukraine: mọi người đang chiến đấu và chết vì phiên bản lỗi của Vladimir Putin về lịch sử

CHIẾN TRANH UKRAINE: MỌI NGƯỜI ĐANG CHIẾN ĐẤU VÀ CHẾT VÌ PHIÊN BẢN LỖI CỦA VLADIMIR PUTIN VỀ LỊCH SỬ

Các tác giả: Félix Krawatzek George Soroka

Putin tự coi mình là ‘con người của định mệnh’ cho nước Nga thời hậu Liên xô. Ảnh: EPA-EFE/Sergei Guneyev/Sputnik pool

Vladimir Putin viện dẫn lịch sử để biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine của đất nước ông. Để củng cố thông điệp đó ở quê nhà, chế độ của ông đang mớm lời tuyên truyền cho công chúng trong nước nhấn mạnh rằng quân đội Nga chiến đấu “chống lại chủ nghĩa Quốc xã” trên toàn cầu.

Trong một nỗ lực để đảm bảo thông điệp này thấm sâu vào giới trẻ của đất nước, Bộ Giáo dục Nga gần đây đã công bố ý định tạo ra một khóa học về lịch sử đã được thống nhất thành một phiên bản duy nhất để “sửa lại cách trình bày lịch sử trong các trường đại học”. Khóa học bắt buộc đối với tất cả sinh viên, nhằm mục đích “khắc sâu trong giới trẻ niềm tự hào về lịch sử của chúng ta, tham gia vào nền văn hóa hơn một ngàn năm tuổi, nhận thức về việc kế thừa những di sản và thành tựu của tổ tiên”.

Nhưng việc tổng thống Nga sử dụng lịch sử một cách thiên lệch dựa trên việc đọc rất chọn lọc. Trong các bài phát biểu trước cuộc xâm lược, Putin đã tuyên bố rằng Ukraine là “một phần không thể tách rời của lịch sử, văn hóa và không gian tinh thần của chúng ta”. Chủ đề này, được phát triển về mặt chính trị ở Nga trong hai thập kỷ qua, nhấn mạnh di sản chung của cái gọi là “thế giới Nga”. Không gian lịch sử-văn hóa được tưởng tượng này tập trung vào bộ ba linh thiêng của Belarus, Ukraine và Nga, tất cả đều có nguồn gốc từ công quốc cổ đại Kyivan Rus.

Putin cũng cho rằng Lenin và những người Bolshevik đã hứa với người Ukraine rằng nhà nước của họ chỉ đơn giản là để củng cố quyền lực. Thật vậy, ông chỉ trích các chính sách của Liên Xô đối với Ukraine và các nước cộng hòa thành viên khác của Liên Xô bằng cách hỏi tại sao cần phải “tạo ra những món quà hào phóng như vậy, loại mà ngay cả những người theo chủ nghĩa dân tộc nhiệt thành nhất trước đây cũng chưa từng mơ tới”. Tuy nhiên, những luận điệu như vậy đã bỏ qua một thực tế rằng sự phát triển của bản sắc dân tộc và ý thức chính trị của người Ukraine đã có từ lâu trước khi Liên Xô hình thành.

Để củng cố tuyên bố của Nga là nhà vô địch của cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít, Putin cũng đã nhấn mạnh những hy sinh “thiêng liêng” của người dân Liên Xô để đánh bại chủ nghĩa Quốc xã và ngày nay cũng cần có những hy sinh tương tự: “Cha, ông và ông cố của các bạn đã không chiến đấu với Đức Quốc xã là những kẻ chiếm đóng và đã không bảo vệ tổ quốc chung của chúng ta vì thế cho nên những kẻ phát xít mới ngày nay mới có thể nắm chính quyền ở Ukraine”.

Khi xâm lược Ukraine, Putin cũng đang bác bỏ di sản của Hiệp định Belovezha năm 1991 giữa Nga, Belarus và Ukraine, dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và phân định biên giới của các quốc gia hậu Xô Viết. Đây là điều mà Putin đã gọi là “thảm họa địa chính trị lớn nhất” của thế kỷ trước. Mục đích của chủ nghĩa xét lại lịch sử của Putin là thách thức sự mất mát “nhục nhã” vị thế cường quốc do sự tan rã của Liên Xô.

Di sản đáng tự hào: Hồng quân chuẩn bị cho cuộc diễu hành Ngày tháng Năm[*] hàng năm, kỷ niệm chiến thắng của Nga trước Đức Quốc xã. Ảnh: EPA-EFE/Yuri Kochetkov

Cuối cùng, Putin khẳng định rằng sau khi giành được độc lập, các nhà chức trách Ukraine đã tận dụng lợi thế của Nga về mặt kinh tế trong khi “xây dựng nhà nước của họ bằng cách phủ nhận mọi thứ gắn kết chúng ta, bằng cách cố gắng phá hủy tâm lý và ký ức lịch sử của hàng triệu người, của toàn bộ nhiều thế hệ đang sống ở Ukraine”. Bất cứ ai quen thuộc với nền chính trị vô trật tự của Ukraine thời hậu Xô Viết, nơi quyền lực thường xuyên thay đổi giữa các lợi ích khu vực, có thể ít nhiều chấp nhận có mối quan hệ với Moscow, sẽ hiểu được sự dối trá của tuyên bố sau này.

Việc sử dụng lịch sử của Putin

Những xuyên tạc lịch sử của Putin thật hỗn loạn và lộn xộn. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine được coi một cách đồng thời vừa là “lỗi” của phương Tây - hay của Lênin, hoặc của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine. Nhưng không bao giờ là lỗi của Nga. Đúng hơn, những tuyên bố này nhấn mạnh mức độ tham vọng của Putin sâu sắc đến thế nào trong việc khôi phục nước Nga trở lại vị thế “xứng đáng” trong cộng đồng các quốc gia. Tuy nhiên, Tổng thống Nga dường như sẵn sàng sử dụng bất kỳ tài liệu tham khảo lịch sử nào cần thiết để biện minh cho các chính sách bất chấp đạo lý của mình.

Giờ đây, Putin muốn những thông điệp này được đưa vào chương trình giáo dục của Nga. Nhưng, như nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra, mức độ những diễn ngôn như vậy thực sự tồn tại trong xã hội vẫn chưa chắc chắn. Cuộc khảo sát của chúng tôi từ năm 2021 cho thấy có một sự đa dạng về quan điểm lịch sử vẫn tiếp tục tồn tại ở Nga.

Nhưng việc đặt câu hỏi về diễn ngôn lịch sử chính thức ở Nga ngày nay có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Ngay từ năm 2014, một luật đã quy định việc chỉ trích các hành động của Hồng quân trong Chiến tranh thế giới II là bất hợp pháp. Liên quan đến lệnh này, một luật được thông qua vào đầu tháng 3 năm 2022 có nguy cơ trừng phạt những lời chỉ trích về hành động của quân đội Nga ở Ukraine với mức án lên đến 15 năm tù.

Những cuộc chiến về lịch sử

Sergei Shoigu (1955-)

Nỗi ám ảnh của giới lãnh đạo Nga với lịch sử là một phần của cuộc chiến ở Ukraine. Trong vài tuần qua, người ta đã thấy rõ ràng rằng các diễn ngôn lịch sử phổ biến của hai quốc gia đã đối nghịch nhau hoàn toàn như thế nào và chúng đang bị thao túng ở mức độ nào. Thật vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, gần đây đã thông báo một “hội nghị quốc tế chống chủ nghĩa phát xít” sẽ được tổ chức tại Nga vào tháng 8 này để “thống nhất những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại hệ tư tưởng Quốc xã và chủ nghĩa tân Quốc xã trong tất cả các biểu hiện của nó ở thế giới hiện đại”.

Đối thoại về cách giải thích các di sản của thời kỳ Xô Viết vẫn có thể xảy ra trước khi xâm lược Ukraine. Nhưng luận điệu về chiến tranh của Điện Kremlin, thúc đẩy quan điểm về “nạn diệt chủng” đang được đưa ra chống lại những người nói tiếng Nga ở phía đông Ukraine và nhu cầu “phi quốc xã hóa” nền chính trị Ukraine đã làm tổn hại nghiêm trọng đến triển vọng hòa giải lịch sử giữa hai xã hội.

Việc tham khảo các di sản trong quá khứ để biện minh cho các quyết định chính trị ngày nay thường có hiệu quả - những lời kêu gọi như vậy kích hoạt phản xạ cảm xúc và góp phần suy nghĩ về chính trị dưới góc độ cạnh tranh và phòng vệ. Điều trớ trêu trong bi kịch của tình hình hiện nay là Putin chắc chắn sẽ đi vào lịch sử với tư cách là nhân vật đã làm nhiều việc để thống nhất người dân Ukraine (mặc dù chống lại Nga) hơn bất kỳ người nào khác trong ký ức gần đây.

Vài nét về các tác giả

Félix Krawatzek
George Soroka

Félix Krawatzek là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu và Quốc tế và cũng là thành viên liên kết của Cao đẳng Nuffield, Đại học Oxford.

George Soroka là giảng viên về Chính phủ và Trợ lý Giám đốc Nghiên cứu Đại học, Đại học Harvard.

Tuyên bố công khai

Các tác giả không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào được hưởng lợi từ bài báo này và không đề cập đến chi nhánh nào có liên quan ngoài công việc học thuật.

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn:Ukraine war: people are fighting and dying for Vladimir Putin’s flawed version of history, The Conversation, ngày 22.03.2022

----

Bài có liên quan:

----

Có thể tham khảo:

Tuyên bố của các chuyên gia về chủ nghĩa quốc xã




Chú thích:

[*] Ngày tháng Năm là một ngày lễ hội cổ xưa ở châu Âu, thường được tổ chức vào ngày 1 tháng Năm hoặc thứ Hai đầu tiên của tháng Năm, đánh dấu ngày đầu tiên của mùa hè, và là một kỳ nghỉ xuân truyền thống (Wikipedia - ND).

Print Friendly and PDF