NGUYÊN NHÂN VOLODYMYR ZELENSKY CHIẾN THẮNG TRONG CUỘC CHIẾN TRUYỀN THÔNG
Volodymyr Zelensky tại Kiev vào ngày 3 tháng 3 năm 2022. Sergei Supinsky/AFP |
Kể từ khi quân đội Nga tấn công Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 theo một quyết định hiếu chiến của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, được thực hiện một cách đơn phương và không có bất kỳ sự biện minh nào có thể chấp nhận được, cả thế giới đã sững sờ – thông qua các phương tiện truyền thông – trước một cuộc chiến tranh chiếm đóng thực sự, diễn ra gần như đồng bộ trên hai mặt trận: một mặt là quân sự và chiến lược, và mặt kia là truyền thông.
Petro Poroshenko (1965-) |
Nhân cuộc tấn công này, một nhân vật chính trị, cho đến nay hầu như không được biết đến bên ngoài đất nước ông, đã xuất hiện trên trường quốc tế, và đã thành công rất nhanh trong việc khẳng định bản thân với tư cách là một nguyên thủ quốc gia, hoàn toàn quan trọng trên bàn cờ thế giới.
Một anh hề trở thành vua
Là diễn viên kiêm nghệ sĩ hài, trong loạt phim truyền hình Người hầu của nhân dân, trong vai một giáo sư lịch sử trở thành Tổng thống một nước Cộng hòa, Volodymyr Zelensky đã bước vào chính trường mà không có bất kỳ kinh nghiệm chính trị nào trước đó, và đã được bầu, trước sự ngạc nhiên chung, với 73,2% số phiếu so với Tổng thống sắp mãn nhiệm Petro Poroshenko vào Tháng 5 năm 2019. Loạt phim truyền hình hư cấu đó đã báo trước một sự trỗi dậy chính trị như vũ bão của một ứng cử viên đầy thuyết phục ngoài phạm vi mọi hệ thống đảng phái.
Với việc Nga xâm lăng lãnh thổ Ukraine, Volodymyr Zelensky đã đạt được một tầm vóc mới, khi bất ngờ trở thành gương mặt đại diện cho cuộc kháng chiến của người dân Ukraine chống lại kẻ xâm lược Nga. Ông đã làm được điều đó, khi vận dụng phong cách của ông để xuất hiện như là nhà lãnh đạo, trong hình tượng “người tập hợp, người tập hợp số đông dân chúng, người đồng hành và người dẫn dắt, soi đường cho họ bằng một sự kiên trì bình thản”.
Phong cách lãnh đạo đó phản ánh khả năng của một chính trị gia trong việc lôi kéo người dân theo mình, chỉ ra con đường nên theo và đặt ra một mục tiêu cần giữ vững. Bởi vậy, phong cách lãnh đạo là biểu hiện của một quyền lực biểu tượng, mà theo đó người dân ít nhiều phục tùng một cách tự do.
Hướng đến công dân, phong cách lãnh đạo được thể hiện bằng các hình tượng của người dẫn đường, của người quyền lực tối cao và của người chỉ huy. Trong bộ quân phục, với vẻ mặt nghiêm nghị và dáng vẻ thượng võ, Tổng thống Zelensky đã nhân rộng, một cách mạnh mẽ và trang trọng trên các mạng xã hội, lời cổ vũ kháng chiến gửi đến người dân.
Thế nên, ông dựa vào phong cách đoàn kết, được đặc trưng bởi ý chí của một chính trị gia, và tất nhiên của một nguyên thủ quốc gia, để chứng tỏ là ông chia sẻ và bảo vệ ý kiến của người dân mà ông lãnh đạo và nơi mà ông thuộc về. Trong trường hợp này, Tổng thống Zelensky đứng về phía người dân Ukraine bị tấn công, bị xâm lược và bị bắn phá bởi nước láng giềng Nga.
Đặc trưng cho phong cách đoàn kết “là mong muốn được ở bên nhau, không tự thân nổi trội khỏi các thành viên khác của nhóm, và trên hết là hòa nhập với họ ngay khi tất cả bị đe dọa”. Đồng thời và trên hết, với tư cách là một tổng tư lệnh, ông đã ca ngợi những chiến thắng giành được trước kẻ tấn công người Nga, liệt kê những tổn thất gây ra cho kẻ thù.
Patrick Charaudeau (1939-) |
Volodymyr Zelensky, một nhà lãnh đạo chính trị trở thành một nhà lãnh đạo quân sự, đối với người Ukraine và cộng đồng quốc tế, đã trở thành một tổng tư lệnh tập hợp các nguồn lực vượt ra ngoài biên giới của Ukraine, vừa là người chăn dắt vừa là người tiên tri, như Patrick Charaudeau đã chỉ ra: “‘người tiên tri dẫn đường’ giống như ‘người chăn dắt dẫn đường’ trong vai trò người tập hợp, nhưng người chăn dắt dừng lại ở hạ giới này nhiều hơn, trong khi người tiên tri thì ở trên thượng giới. Chính nhờ hình tượng ‘người tiên tri dẫn đường’ này mà một nhà lãnh đạo chính trị có thể xuất hiện giống như người có khả năng ‘truyền cảm hứng’, giống như người có khả năng ‘nhìn xa trông rộng’”.
Cuộc chiến về hình ảnh
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Nga-Ukraine, Volodymyr Zelensky đã nổi bật, một cách mạnh mẽ, so với đối thủ trực tiếp, cả về thái độ lẫn các chiến lược truyền thông của ông, khác biệt rõ so với thái độ lẫn các chiến lược truyền thông Vladimir Putin.
Đây còn là một cuộc chiến thế hệ, hơn là một cuộc chiến về hình ảnh và truyền thông. Khi tổng thống Ukraine xuất hiện như là một nhà lãnh đạo quân sự trong bộ quân phục để chỉ huy cuộc chiến và hiện thân hóa nó, thì về phần Vladimir Putin, ông áp dụng một phong cách trang phục cổ điển và nghiêm nghị nhiều hơn (trong trường hợp này là một bộ com-lê và cà vạt, và một tính cách thản nhiên/không nao núng có hệ thống, khi đề cập tình huống này). Sự tương phản là phần nổi bật nhất giữa hai hình ảnh đối lập nhau về quyền lực chính trị, giữa hai cách diễn xuất trên sân khấu quyền lực chính trị, giữa hai tầm nhìn về quyền uy và sức thu hút của các nhà lãnh đạo chính trị.
Vladimir Putin chủ trì một
cuộc họp trực tuyến ở Moscow với các thành viên của chính phủ Nga, ngày 10
tháng 3 năm 2022. AFP
Vladimir Putin ngự trị trong bộ com-lê trong một căn phòng khổng lồ (phòng Saint Catherine ở Điện Kremlin), ở đó có khoảng cách đáng kể về mặt không gian và biểu tượng giữa ông với các cố vấn và bộ trưởng, chỉ có thể làm ngạc nhiên và đặt câu hỏi từ góc độ không gian giao tiếp. Sự xa cách mang tính giao tiếp, xã hội và biểu tượng này là dấu hiệu của một quyền uy, giữ khoảng cách ngay cả với những người cộng tác gần gũi nhất của mình. Nó giống như quay trở lại những giờ phút tồi tệ nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh thời Liên Xô cũ. Một số người sẽ nhìn thấy ở đó, một cách chính đáng, sự cô lập của một nguyên thủ quốc gia, khép mình trong “cuộc chiến của ông” và trong tầm nhìn đối chọn của ông về thực tế.
Emmanuel Macron gặp Vladimir
Putin vào ngày 7 tháng 2 năm 2022 tại Moscow, trong cuộc hội đàm nhằm tìm kiếm một
điểm chung về vấn đề Ukraine và NATO. AFP
Về phần Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, để áp đặt tính cách đặc biệt và sự chăm chút trong việc chọn lựa lời nói của mình, ông đã nhân rộng các tư thế và diễn xuất, cho thấy ông hòa nhập với những người xung quanh ông, trong tư thế một tổng tư lệnh được binh lính kính trọng và ngưỡng mộ.
Cuộc chiến về truyền thông
Phong cách trang phục nghiêm nghị của Vladimir Putin là phong cách của các nguyên thủ quốc gia, nhưng cũng là phong cách của “kẻ xấu” trong các phim hành động hoặc gián điệp. Để tạo sự khác biệt, ngay từ đầu cuộc xung đột này, Volodymyr Zelensky đã chọn những cảnh tự quay ông đứng giữa người dân Kiev, mặc chiếc áo phông kaki mà ông luôn mặc trong nhiều cảnh quay video được phát trên các mạng xã hội kỹ thuật số.
Volodymyr Zelensky là một diễn viên giàu kinh nghiệm, biết tận dụng lợi thế nghề cũ của mình để đạt được “cách thu hút thiện chí [captatio benevolentiae]” (tìm kiếm thiện chí của khán giả). Để làm được điều đó, ông tự quay phim theo chế độ selfie, ở tầm cao của một người, nói chuyện với những người can dự, qua các phương tiện kỹ thuật số, giống như một cuộc trò chuyện trực tiếp (mặt đối mặt) một mặt với người dân, và mặt khác với cộng đồng quốc tế.
Người xem hoàn toàn bị thu hút bởi cách giao tiếp của tổng thống/người kháng chiến/tổng tư lệnh Volodymyr Zelensky, tạo ra một cảm giác như thể ông đang nói chuyện với chính mình, và chỉ riêng mình thôi, qua các video ở chế độ chân dung bán thân hoặc toàn thân. Các video ở chế độ selfie tạo ra một sự kết nối và gần gũi về mặt cảm xúc với người xem, vừa là người nhận thông tin ngay lập tức vừa là chứng nhân được ưu đãi của các thông điệp. Việc chọn khung các video này giúp đưa người xem vào một cộng đồng các giá trị đạo đức và lợi ích (tự do, chủ quyền quốc gia, lợi ích vượt trội của châu Âu, v.v.).
Régis Debray (1940-) |
Ở cấp độ truyền thông, sự đối lập về phong cách là toàn diện giữa tổng thống hai nước láng giềng, Nga và Ukraine, và trước hết ở cấp độ thế hệ và truyền thông đại chúng, nói theo thuật ngữ của Régis Debray.
Trong khi một người (Vladimir Putin) đặc biệt thích các bài diễn văn được truyền hình một cách trang trọng, ghi lại từ phòng họp báo của Điện Kremlin, thì về phần người kia (Volodymyr Zelensky), ông nổi bật với lựa chọn quay video, với khung cảnh và bối cảnh quay phim thường xuyên được thay đổi (đôi khi từ dinh tổng thống, đôi khi trên đường phố cùng với những binh lính canh gác ở các trạm kiểm soát, v.v.).
Nếu hai tổng thống tự đặt mình, một cách rõ rệt, vào cái mà Régis Debray gọi là videosphere, kỷ nguyên của hình ảnh động, thì các công cụ được lựa chọn để thể hiện bản thân chứng minh cho sự khác biệt cơ bản về tính thời gian, tương ứng với cách truyền thông của Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky. Nếu Vladimir Putin thích các bài diễn văn được truyền hình một cách trang trọng và được ghi hình từ trước, thì Volodymyr Zelensky lại thích cách truyền thông theo thời gian thực, gần như đồng bộ, và một sự hiện diện thường nhật hoặc gần như thế trên các mạng xã hội. Nếu chúng ta không thể đoán trước được kết quả của cuộc xung đột này ở cấp độ thuần túy quân sự, thì có một điều chắc chắn là: từ nay, Tổng thống Ukraine đã chiến thắng trong cuộc chiến truyền thông và hình ảnh, đối lập ông với Tổng thống Nga.
Tác giả
Alexandre Eyries |
Alexandre Eyries, Giảng viên-nghiên cứu HDR về Khoa học Thông tin và Truyền thông, Đại học Burgundy – UBFC, chuyên gia về truyền thông chính trị, văn hóa và xã hội sử dụng công nghệ kỹ thuật số.
Tuyên bố công khai
Alexandre Eyries không làm việc, không tư vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có bất cứ quan hệ nào khác ngoài công việc mang tính học thuật.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Pourquoi Volodymyr Zelensky est en train de gagner la guerre de la communication, The Conversation, ngày 10/03/2022.