(TBKTSG) - Nếu trong giới kinh tế học mà cũng có ngôi sao như
trong giới điện ảnh, ca hát thì Thomas Piketty ắt sẽ là ngôi sao mới nổi, đang
được đón chào chẳng kém diễn viên Brad Pitt. Cuốn sách vừa xuất bản bằng tiếng
Anh của ông, “Capital in the Twenty-First Century - Tư bản trong thế kỷ 21”
tuần trước lọt vào danh sách sách bán chạy nhất của tờ New York Times.
Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman cho rằng cuốn
sách của Piketty sẽ “thay đổi cả cách chúng ta suy nghĩ về xã hội và cách chúng
ta nghiên cứu kinh tế học”.
Chủ đề cuốn sách đang gây xôn xao dư luận này là bất bình đẳng
trong thu nhập, một chủ đề quen thuộc, từng được đề cập trong hàng ngàn cuốn
sách hay hàng ngàn bài viết trước đây. Thế nhưng vì sao sách của Thomas Piketty
lại trở thành hiện tượng?
Trước tiên phải nói ngay sự bất bình đẳng trong thu nhập mà
tác giả đề cập chủ yếu không xoay quanh chuyện lương các CEO cao gấp mấy trăm
lần lương công nhân (có nhưng không phải là điểm chính). Sự bất bình đẳng này
thể hiện giữa hai xu hướng: thu nhập từ tư bản, có tốc độ tăng cao hơn nhiều so
với thu nhập từ sức lao động, thường thấp hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh
tế.