Marshall Steinbaum và Bernard Weisberger
Katherine Streeter cho tờ The Chronicle Review |
Vào ngày 1 tháng 5 năm 1886 – cùng ngày với việc tổ chức Knights of Labor [Các Hiệp sĩ lao động] kêu gọi cuộc tổng đình công dẫn đến cuộc bạo loạn Haymarket ở Chicago, một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về bạo lực lao động trong lịch sử nước Mỹ – một giáo sư trẻ về kinh tế chính trị tại Đại học Yale tên là Arthur Hadley đã gửi một lá thư cho đồng nghiệp Henry Carter Adams tại Đại học Michigan để bày tỏ sự miễn cưỡng gia nhập Hiệp hội Kinh tế nước Mỹ (AEA, American Economic Association) vừa mới được sáng lập, trong đó Adams là thành viên của ủy ban chấp hành.
AEA đã được quan niệm như là một thách thức mới nổi đối với giới kinh tế chính thống cổ điển. Cương lĩnh sáng lập của nó tuyên bố rằng, “Chúng tôi coi nhà nước là một cơ quan giáo dục và đạo đức mà sự hỗ trợ tích cực là một điều kiện không thể thiếu của sự tiến bộ của con người” – một quan điểm gây tranh cãi làm cho Hadley lo lắng. Ông viết cho Adams:
Việc cho rằng các nguyên lý là đúng, chỉ làm cho nguy cơ hiểu sai càng nghiêm trọng hơn. ... Sự thông cảm của tôi đã thể hiện rất mạnh mẽ ở nhiều khía cạnh với phong trào. Những khuynh hướng của tôi đã dẫn tôi đến việc tham gia phong trào ngay từ đầu. Nhưng tôi sợ, và vẫn còn sợ, việc vướng vào một quan điểm có thể gây hại cho tôi và cả cho người khác, khi mà tôi có vẻ như bênh vực những biện pháp và châm ngôn mà tôi không thể không coi là cực đoan nguy hiểm.
Nói cách khác, sẽ không thành vấn đề nếu một mệnh đề là đúng đắn. Điều phải được xem xét là những hàm ý triệt để không hay có thể có – và cách thức mà chủ nghĩa cấp tiến đó có thể làm hoen ố phần còn lại của giới kinh tế khi tập hợp lại thành hiệp hội.