31.5.15

Cân bằng



Cân bằng

Equilibrium
® Giải Nobel: ALLAIS, 1988 ARROW, 1972 DEBREU, 1983 HARSANYI, 1994 NASH, 1994 SAMUELSON, 1970 SELTEN, 1994
Cân bằng là một khái niệm trung tâm của phân tích kinh tế hiện đại. Khái niệm này mô tả những tình thế mà nhà kinh tế không khẳng định là bao giờ cũng xảy ra, nhưng được nhà kinh tế sử dụng làm điểm qui chiếu để đặt cơ sở cho những tình thế cụ thể. Như vậy khái niệm này là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của những lí thuyết khác nhau; đặc biệt là điểm phân biệt những lí thuyết này với nhau nằm ở khái niệm cân bằng được chúng chọn lựa. Do đó có nhiều khái niệm cân bằng, nhưng ta có thể qui chúng về hai khái niệm chính: cân bằng cạnh tranh và cân bằng không hợp tác.
Cân bằng cạnh tranh hay cân bằng walrasian
Cân bằng cạnh tranh mô tả những trao đổi sản phẩm được tiến hành trong một nền kinh tế thị trường trong đó cạnh tranh hoàn hảo ngự trị. Những cung và cầu do các tác nhân thể hiện phụ thuộc vào các giá. Cân bằng đạt được khi các giá được ấn định ở những mức đảm bảo sự bằng nhau của cung và cầu.
Có thể triển khai định nghĩa này trong một khuôn khổ cân bằng bộ phận, nghĩa là chỉ xem xét một thị trường duy nhất trong đó một sản phẩm được đổi lấy tiền bạc. Nhưng khái niệm này chỉ lộ hết ý nghĩa của nó khi ta xét một cân bằng chung của tất cả các thị trường. Như vậy các thị trường là những thị trường của những sản phẩm được sản xuất và tiêu dùng cũng như những thị trường của các nhân tố sản xuất. Các tác nhân là những nhà sản xuất nghĩa là những doanh nghiệp và những nhà tiêu dùng. Cân bằng được định nghĩa như một tập những giá và số lượng được trao đổi sao cho, với những giá được xem xét: 1) các nhà sản xuất tối đa hoá lợi nhuận của họ, dưới ràng buộc công nghệ là hàm sản xuất; 2) những người tiêu dùng tối đa hoá lợi ích của họ, dưới ràng buộc ngân sách; 3) cung bằng cầu trên tất cả các thị trường.
Print Friendly and PDF

29.5.15

Hyman Minsky và chủ nghĩa tư bản bị bào mòn bởi sự bất ổn tài chính



Hyman Minsky (1919-1996)

Hyman Minsky và chủ nghĩa tư bản bị bào mòn bởi sự bất ổn tài chính

Khi nghiên cứu sự tổng hợp độc đáo của Keynes và Schumpeter, Hyman Minsky đã phân tích vai trò của tiền tệ, ngân hàng và tài chính như là những nguồn bất ổn chính của chủ nghĩa tư bản.
Minsky quan tâm đến kinh tế học bắt nguồn từ những hoạt động chính trị và xã hội của ông.
Bố của Hyman Minsky là đảng viên một chi bộ của người Do Thái thuộc Đảng xã hội Mỹ ở Chicago. Sinh ra ở Nga, ông rời quê hương sau thất bại của cuộc cách mạng năm 1905. Mẹ ông, Dora Zakon, là một nhà hoạt động công đoàn. Họ gặp nhau trong một buổi liên hoan được tổ chức nhân kỷ niệm lần thứ một trăm ngày sinh của Marx. Cho đến cuối đời, Minsky giữ vững lập trường theo một định hướng chính trị thuộc cánh tả. Sự quan tâm của ông đối với kinh tế học bắt nguồn từ những hoạt động chính trị và xã hội của ông.
Là học sinh của trường trung học ở Chicago, ông là đoàn viên của một chi bộ thanh niên của Đảng xã hội Mỹ. Bị cuộc Đại khủng hoảng gây ấn tượng sâu đậm, ông sớm tin rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống bất ổn sâu sắc, rằng những biến động mang tính chu kỳ, những cuộc khủng hoảng tài chính và tình trạng thất nghiệp không phải là những rủi ro không lường trước được, mà là những giai đoạn tất yếu của sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, ông tiếp nhận thông điệp của Keynes một cách hết sức bình thường, khi thông điệp này được truyền tải đến Đại học Harvard vào cuối những năm 1930. Nhưng ở Chicago, ông cũng bị ảnh hưởng bởi những lời truyền giảng của Oskar Lange, Henry Simon, Jacob Viner và Frank Knight. Từ ba vị giáo sư cuối trên, đôi khi được coi là những người sáng lập trường phái Chicago và là những bậc thầy tư tưởng của Milton Friedman, Minsky đã viết rằng họ ít cứng nhắc hơn, ít giáo điều hơn và ít gắn bó hơn về mặt ý thức hệ so với những người kế thừa họ gắn liền với chủ nghĩa trọng tiền và chủ nghĩa tân tự do: "Kinh tế học ở Chicago vào cuối những năm 1930 và đầu những năm 1940 mang tính cởi mở, nghiêm khắc và nghiêm túc. Mọi khoa nào chấp chứa một phổ từ Knight đến Lange đều phải cởi mở về mặt trí tuệ"[*].
Print Friendly and PDF

28.5.15

Lý giải một nền tảng của Lý thuyết trò chơi: Cân bằng Nash



Lý giải một nền tảng của Lý thuyết trò chơi: Cân bằng Nash

John F. Nash Jr. tại một buổi lễ vào tuần trước tại Oslo, Na Uy, nơi ông đã được trao giải thưởng Abel Prize. CreditBerit Roald/ NTB SCANPIX
John F. Nash Jr. nổi tiếng vì những tiến bộ trong lý thuyết trò chơi, vốn chủ yếu là việc nghiên cứu cách thức xây dựng một chiến lược thắng lợi trong trò chơi của cuộc sống — đặc biệt khi không biết được những gì đối thủ mình đang làm và những lựa chọn thì không phải lúc nào cũng đầy hứa hẹn.
Tiến sĩ Nash không phát minh ra lý thuyết trò chơi; nhà toán học John von Neumann là người tiên phong thiết lập lãnh vực này trong nửa đầu thế kỷ 20. Nhưng Tiến sĩ Nash đã mở rộng phân tích xa hơn, kiểu trò chơi tổng bằng không, “tôi thắng bạn thua” thành những tình huống phức tạp hơn, trong đó mọi người chơi đều có thể thắng, hoặc mọi người chơi đều có thể thua.
Khái niệm trung tâm là cân bằng Nash, được định nghĩa đại thể là một trạng thái ổn định, trong đó không có người chơi nào có thể đạt được lợi thế qua việc đơn phương thay đổi chiến lược, giả định rằng những người chơi khác không thay đổi những gì họ đang làm.
Print Friendly and PDF

27.5.15

Walras, người sáng lập kinh tế học tân cổ điển



Léon Walras (1834-1910)

Walras, người sáng lập kinh tế học tân cổ điển

Khi làm cho cung và cầu trở thành cơ chế trung tâm của nền kinh tế, Léon Walras đã cách mạng hóa lý thuyết kinh tế.
Léon Walras muốn thực hiện một tác phẩm về kinh tế học chính trị thuần túy.
Là tác giả của lý thuyết cân bằng chung, Walras là một trong những người truyền cảm hứng chính của kinh tế học hiện đại chính thống. Tuy thường được xem là người đánh bóng chủ nghĩa thị trường và là môn đồ của chủ nghĩa tự do triệt để, nhưng ông tự xác định là một "người theo chủ nghĩa xã hội khoa học tự do và nhân đạo". Ông đối lập với chủ nghĩa tự do chính thống của các nhà kinh tế Pháp cũng như với chủ nghĩa xã hội của Marx và của Proudhon. Ông mong muốn dung hòa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa đạo đức và chủ nghĩa công lợi, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa cá nhân trên cơ sở một nguyên tắc công bằng được kế thừa từ những lý tưởng của cuộc Cách mạng Pháp.
Trong phần đầu sự nghiệp của ông, trước khi có được chức danh giáo sư kinh tế học tại Lausanne, ông cống hiến cho các hợp tác xã và những cơ hội mà chúng có thể mang lại để cải thiện xã hội, một chủ đề quan tâm của ông đến cuối đời[*]. Tin rằng tác phẩm của mình góp phần, có tính quyết định, làm bình ổn các mối quan hệ giữa con người với nhau, ông vận động vào cuối đời ông để được trao giải thưởng Nobel mới thành lập và vì mục đích đó viết cuốn La paix par la justice et le libre-échange (Hòa bình bằng sự công bằng và tự do mậu dịch), một vài năm trước khi qua đời.
Nhà lý thuyết và nhà cải cách xã hội
Walras trước hết là một nhà lý thuyết. Nhiều tác phẩm của ông mang tính khô khan, khó đọc đối với hầu hết những người đương thời ông. Tuy nhiên, ông tự xem như là một nhà cải cách tha thiết mang lại những giải pháp hiệu quả cho vấn đề xã hội, với mục đích nhằm cải thiện đáng kể hoàn cảnh thương tâm của đại đa số giai cấp lao động, những người thừa kế của giai cấp nông nô và nô lệ. Vả chăng trước đó ông đã mượn con đường văn học để truyền đạt thông điệp của mình. Chỉ sau sự thất bại của cuốn tiểu thuyết của ông, Francis Sauveur (Francis đấng cứu thế), ông mới quyết định cống hiến cho kinh tế học để cải thiện xã hội.
Print Friendly and PDF

26.5.15

Cân bằng Nash



Cân bằng Nash

Nash equilibrium
® Giải Nobel: HARSANYI, 1994 NASH, 1994 SELTEN, 1994 
Cân bằng Nash là một trong những khái niệm được sử dụng nhiều nhất trong các ứng dụng của lí thuyết trò chơi trong kinh tế học khi phải nghiên cứu những hành vi tương tác lẫn nhau của những tác nhân có những mục tiêu mâu thuẫn nhau. Đó là khái niệm trung tâm của lí thuyết trò chơi không hợp tác với thông tin hoàn hảo. Khái niệm này do J. Nash (1951) đề xuất dưới dạng hình thức hoá ngày này nhưng A. A. Cournot một thế kỉ ruỡi trước đã dự kiến trước ý tuởng này trong phân tích của ông về độc quyền hai người.
Print Friendly and PDF

25.5.15

Bất bình đẳng và internet


Bradford DeLong (1960-)

Bất bình đẳng và internet

Về J. Bradford DeLong
J. Bradford DeLong là giáo sư kinh tế học của trường Đại Học California ở Berkeley và là chuyên gia nghiên cứu cộng tác với National Bureau of Economic Research (NBER – Phòng Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Gia). Ông từng là Phó Trợ Lý cho Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Hoa Kỳ trong suốt nhiệm kỳ của Tổng Thống Clinton, vị trí mà công việc của ông có liên quan mật thiết đến ngân khố và đàm phán thương mại. Vai trò của ông trong việc thiết kế chương trình giải cứu Mexico thoát khỏi cuộc khủng hoảng đồng peso diễn ra suốt năm 1994 đã đặt ông vào vị trí tiên phong trong công cuộc chuyển đổi Châu Mỹ La Tinh thành khu vực của những nền kinh tế mở, và đã củng cố thêm vị trí của ông với vai trò tiếng nói hàng đầu trong các cuộc tranh luận về chính sách kinh tế.

Bất bình đẳng và internet

BERKELEY – Kết luận cho rằng Hoa Kỳ đã ngày càng trở nên vô cùng bất bình đẳng trong 35 năm qua là không còn nghi ngờ gì nữa. Từ năm 1979, mô thức đã rất rõ ràng: nếu lúc bấy giờ bạn đã giàu, thì nay bạn càng trở nên giàu hơn. Và nếu bạn từng nghèo túng, có khả năng là bạn vẫn tiếp tục nghèo mãi.
Print Friendly and PDF

23.5.15

Marx, người ngưỡng mộ và đối thủ của chủ nghĩa tư bản



Karl Marx (1818-1883)

Marx, người ngưỡng mộ và đối thủ của chủ nghĩa tư bản

Là nhà phân tích và là nhà phê bình phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, Karl Marx đưa lý thuyết vào phục vụ cho sự cải tạo xã hội. Ảnh hưởng của ông là rất đáng kể trong suốt thế kỷ XX.
Karl Marx tin rằng ông sẽ chứng kiến sự hấp hối của chủ nghĩa tư bản. Hơn một thế kỷ sau, bệnh nhân vẫn còn sống khỏe.
Trong số các tác phẩm của các nhà nhà kinh tế lớn trong lịch sử, chính tác phẩm của Karl Marx đã dấy lên nhiều đam mê nhất. Bị một số nhà kinh tế gièm pha và ghét bỏ, được một số nhà kinh tế khác tôn sùng và ca ngợi, tên của ông đã được đặt cho một thế giới quan, cho những trào lưu tư tưởng và cho những phong trào chính trị. Những bài viết của ông đã khơi mào cho một kho văn liệu bao la, từ lời chú giải bí hiểm đến những lời phê bình cay độc nhất, ngang qua một cuộc đời được tô hồng. Và đó là điều xảy ra cho chủ nghĩa Marx cũng như cho hầu hết các trào lưu tư tưởng lớn gắn với tên một tác giả: thường người ta không còn nhận ra người thầy ở các môn đồ mà hầu hết đều không đọc sách của thầy. Khi sống đã là một người quan trọng, ảnh hưởng của tư tưởng ông là rất lớn trong suốt thế kỷ XX. Tư tưởng đó đã phần nào tồn tại sau sự sụp đổ của nhiều chế độ chính trị từng viện đến ông. Thật vậy, người ta còn lâu mới ngưng tự hỏi Marx muốn nói điều gì.

Cải tạo thế giới

Là một tiến sĩ triết học, là người ham đọc sách và viết văn, với những lĩnh vực quan tâm vô cùng đa dạng, Marx là một nhà trí thức theo nghĩa đầy đủ của từ này. Nhưng ông cũng là một người hành động, mà theo ông tư tưởng phải phục vụ cho việc cải tạo xã hội. Khi còn trẻ, trong các cột báo của tờ Gazette rhénane, tờ báo của phe đối lập tự do tiến bộ chống lại chính thể chuyên chế Phổ, ông viết bài phê phán những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội, những thuật ngữ hoán đổi cho nhau lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ông ngày càng bị ấn tượng nhiều bởi các vấn đề xã hội phát sinh từ sự công nghiệp hóa. Đến Paris năm 1843, ông tham gia các nhóm xã hội chủ nghĩa trong đó có Liên đoàn những người chính nghĩa, một tổ chức bí mật được thành lập năm 1836, ông gặp Proudhon, Bakunin và các nhà tư tưởng cấp tiến khác, và từ lúc ấy tự tuyên bố là người cộng sản. Ông nhanh chóng tự khẳng định mình như là một trong những người thúc đẩy có nhiều ảnh hưởng nhất của một phong trào xã hội chủ nghĩa đang phát triển nhanh vào đêm trước các cuộc khởi nghĩa cách mạng năm 1848.
Print Friendly and PDF

22.5.15

Ba hình thức kháng cự thống kê: Say, Cournot, Walras



Jean Baptiste Say (1767−1832)

Ba hình thức kháng cự thống kê: Say, Cournot, Walras

Nhân dịp tôn vinh công việc mà Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE) đã làm từ ba mươi năm nay, chúng tôi muốn suy nghĩ về một hiện tượng đáng kinh ngạc và đầy nghịch lí. Một công cụ toán học mới được rèn dũa vào cuối thế kỉ XVIII, đặc biệt cho những khoa học xã hội đang trong quá trình hình thành -kể cả cái "khoa học về hạnh phúc" lúc bấy giờ là khoa kinh tế chính trị- bị ba nhà kinh tế Pháp nổi tiếng nhất của thế kỉ XIX: Say, Cournot và Walras công khai phản bác hay buộc nó phải chịu phụ thuộc vào những cách tiếp cận khác. Thay vì chiếm lĩnh lấy phương pháp độc đáo và đặc thù này, lúc đó được gọi là khoa học thống kê, các tác giả này lại thích vay mượn những phương tiện điều tra được thiết kế trong những lĩnh vực khác và cho những đối tượng khác.    
Tra hỏi cụ thể những hình thức của sự chống đối lại việc sử dụng những thống kê trong kinh tế học, là soi sáng một điểm lịch sử: đâu là những luận cứ được viện ra? Những biểu trưng nào về nền kinh tế và của tính khoa học đã sinh ra sự từ chối hay ngại ngừng này? Và theo những phương thức nào những trở ngại sẽ được tháo gỡ? Nhưng làm như thế cũng là quan tâm đến những gì, trong những phân tích này, tiếp tục tra hỏi chúng ta: đâu là những vấn đề xác đáng mà việc phê phán những thống kê kinh tế của J. B. Say hay việc Cournot và Walras gạt bỏ rõ ràng môn này ra ngoài lề? Như thế những khó khăn được nêu lên không phải là tầm thường: chúng liên quan đến việc phân cắt hiện thực xã hội, nghĩa là liên quan đến chính ngay vị thế của đối tượng kinh tế và phương pháp mà đối tượng này đòi hỏi. 
Print Friendly and PDF

19.5.15

Say, người tiên phong của kinh tế học trọng cung



Jean–Baptiste Say (1767–1832)

Say, người tiên phong của kinh tế học trọng cung

Jean–Baptiste Say cho rằng cung tạo ra cầu riêng của chính nó. Một quan niệm đã gây ra, và sẽ còn gây ra nhiều tranh luận nữa.
giáo sư đầu tiên ở Pháp của bộ môn kinh tế học chính trị, Jean–Baptiste Say (1767–1832), trong phần lớn thế kỷ XIX, là nhà kinh tế học nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất của nước Pháp. Là giảng viên và nhà văn, Say còn là một chính trị gia và doanh nhân, điều không phải phổ biến ở các nhà kinh tế học. Gần gũi với nhóm Girondins trong cuộc Cách mạng Pháp, ông ủng hộ cuộc đảo chính Bonaparte, nhưng từ chối việc đăng quang của Hoàng đế Napoleon.
Từ góc nhìn con người và xã hội, ông xây cho mình một tầm nhìn định hướng những bài viết và hành động của ông. Tầm nhìn đó là tầm nhìn của cái gọi là nhóm những "nhà tư tưởng", triết gia và nhà tư tưởng chính trị tự do, những người đóng một vai trò quan trọng vào đầu thế kỷ XIX. Trong nhóm đó có thể kể đến Destutt Tracy, Cabanis, và Volney Daunou.
Print Friendly and PDF

17.5.15

Khoa học nhân văn A-rập


Khoa học nhân văn A-rập
Nền văn minh rực rỡ đi kèm với chinh phục đất đai trong những thế kỷ đầu tiên của đạo Hồi đã biến tiếng A-rập thành chuyển ngữ của nhiều lĩnh vực tri thức. Cùng với những lần mở rộng và thu hẹp lãnh thổ của đế quốc Hồi giáo rộng lớn ấy, với những cuộc xâm lăng định kỳ, những tranh chấp quyền lực, việc chấp nhận A-rập như ngôn ngữ văn hoá chung đã cho phép sự biểu hiện những tri thức ấy đạt tới tầm phổ quát. Nó cũng cho phép sự truyền bá một hệ thống những quy chiếu chung và một tập hợp những điều kích thích sự tò mò, nhờ ở sự chuyển dịch những con người và sách vở. Điều này vẫn đúng ngay cả khi tiếng Ba Tư, từ thế kỷ X và nhất là trong thế kỷ XIII, và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ từ thế kỷ XV, cũng đạt tới vị trí của ngôn ngữ văn hoá, đặc biệt trong lĩnh vực bao gồm các khoa học nhân văn của chúng ta hiện nay.
Mỗi nền văn minh lại tương ứng với một biểu đồ các tri thức mà những thế hệ tiếp nối sẽ sửa đổi hay làm cho tinh tế hơn. Nền văn minh được thiết lập trong những thế kỷ sau khi đạo Hồi ra đời đã tạo ra nhiều chuyên ngành mới, cùng với việc chiếm hữu những thứ cũ hơn, được thể hiện trước đó trong các vùng Hy Lạp – Byzance hay Ấn Độ - Ba Tư. Do đó, cần một phân loại đầu tiên dưới góc nhìn này.

Khoa học tôn giáo, khoa học của người xưa

Avicenne (980-1037)
Các khoa học tôn giáo, truyền thống hay Hồi giáo, bao gồm ngoài sự đọc và chú giải kinh Coran, việc nghiên cứu ngôn ngữ A-rập, với vai trò chuyển ngữ thiêng liêng của Mạc khải, cũng như “(giáo) luật”. Liên kết những suy tưởng lý thuyết về Giáo Luật – hay char’ia – với sự hiệu chỉnh những quy định cụ thể, địa hạt pháp lý này vừa dính tới những giới luật tôn giáo vừa dính tới nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Những chia rẽ có tính tôn giáo, chính trị hay lý thuyết dẫn tới các trào lưu hay trường phái pháp lý khác nhau.
Print Friendly and PDF

16.5.15

John Stuart Mill, nhà đạo đức, nhà bảo vệ nữ quyền và bảo vệ môi trường


John Stuart Mill (1806-1873)
John Stuart Mill, nhà đạo đức, nhà bảo vệ nữ quyền và bảo vệ môi trường
Khi đặt lên hàng đầu quyền tự do cá nhân, John Stuart Mill làm mới những lý thuyết tự do cổ điển. Keynes là một trong những người thừa kế của ông.
John Stuart Mill là nhà tư tưởng bậc thầy của một chủ nghĩa tự do mới sẽ thống trị ở Anh vào đầu thế kỷ XX.
John Stuart Mill là một gương mặt đáng ngưỡng mộ ở nước Anh thời nữ hoàng Victoria. Bố ông, James Mill, một nhà triết học và nhà kinh tế, là bạn của RicardoBentham, nhà tiên phong của thuyết công lợi, theo đó hành động của con người phải nhắm đến việc đạt được "hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất". Đối với Bentham, hạnh phúc đồng nhất với niềm vui, mà người ta có thể định lượng được. Một dòng tư tưởng chính trị được kết hợp với tầm nhìn đạo đức này, trong đó bố của John Stuart là kiến ​​trúc sư chính: ch nghĩa cp tiến triết hc, t định v là cánh t ca đảng Tự do Anh. Là những người ủng hộ thuyết tự do kinh doanh, những người cấp tiến đặt lại vấn đề về thẩm quyền của Giáo hội Anh, của giai cấp điền chủ quý tộc và của một thế lực chính trị gắn với sự giàu có và được hình thành trên một cơ sở bầu cử rất hẹp. John Stuart Mill tự khẳng định mình như là nhà trí thức chính của dòng tư tưởng trên.

Một tuổi thơ rất đặc biệt

Bentham và bạn bè ông có những ý tưởng rất dứt khoát về giáo dục. Giáo dục phải đào tạo con người sao cho họ có khả năng thực hiện được những mong muốn của họ một cách tự do và hiệu quả, mà vẫn đóng góp vào lợi ích và sự tiến bộ của nhân loại. Hệ thống giáo dục Anh, bị Giáo hội thống trị, không có khả năng thực hiện chức năng trên. Đó là lý do tại sao James Mill đã khước từ để con trai ông học trong mọi hệ thống giáo dục công và bản thân ông đã tự tay chăm sóc việc giáo dục con mình theo một phương pháp khác thường mà John Stuart kể lại trong chương đầu cuốn tự truyện của ông.
Print Friendly and PDF

13.5.15

Giảng dạy sự năng động trong kinh tế



Giảng dạy sự năng động trong kinh tế

Edmund S. Phelps (1933-)
Về Edmund S. Phelps
Edmund S. Phelps, chủ nhân của giải Nobel kinh tế, là Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu về Chủ nghĩa tư bản và Xã hội thuộc trường Đại học Columbia và là Trưởng Khoa Kinh doanh trường Newhuadu. Một trong những chuyên gia hàng đầu về căn nguyên của sự năng động trong kinh tế, ông là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm Rewarding Work (Công Việc Vinh Quang) and Mass Flourishing (Phồn Vinh Đại Chúng).

Giảng dạy sự năng động trong kinh tế

NEW YORK – Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường cho rằng hố cách trong giáo dục ngày càng được nới rộng ra – sự lệch pha giữa kiến thức người trẻ tuổi lĩnh hội được và những kỹ năng mà thị trường lao động đòi hỏi – là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng thất nghiệp cao và tăng trưởng chậm ở nhiều quốc gia. Về phần mình, chính phủ các nước dường như tin rằng giải pháp tốt nhất nhằm lắp hố cách này là tăng cường số sinh viên theo học các ngành được gọi là “STEM” (science, technology, engineering, and mathematics – khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Liệu rằng họ có đúng không?
Câu trả lời ngắn gọn là không. Thực vậy, hai luận điểm chính làm cơ sở cho những lời cáo buộc giáo dục không đáp ứng được nhu cầu của xã hội khiến cho nền kinh tế hoạt động yếu kém là, trong trường hợp tốt nhất, không vững chắc.
Print Friendly and PDF

11.5.15

Malthus: một nhà luận chiến bẩm sinh

Thomas Malthus (1766-1834)

Malthus: một nhà luận chiến bẩm sinh

Malthus chống lại nhà nước phúc lợi, nhưng hình dung trước những phê phán của Keynes đối với kinh tế học trọng cung của Say và Ricardo.
Thomas Robert Malthus. Phân tích kinh tế của ông vẫn còn gây nên nhiều tranh cãi cho đến ngày nay.
Daniel Malthus, bố của Thomas, một luật sư và một quý ông chủ trang trại, là bạn của David Hume và Jean-Jacques Rousseau, người mà ông rất ngưỡng mộ. Ông ủng hộ những lý tưởng bình đẳng và không tưởng của một trong những người cha đẻ chủ nghĩa vô chính phủ, William Godwin, với niềm tin rằng con người có thể hoàn thiện và ông chủ trương, giống như Godwin, mở rộng các luật đối với người nghèo. Được ban hành từ thế kỷ XIV, các đạo luật này nhắm đến việc làm giảm bớt những khó khăn của người nghèo ở nước Anh.
Thomas lớn lên vào một thời kì mà cuộc cách mạng công nghiệp tạo ra cùng lúc sự tăng trưởng kinh tế, sự tập hợp lại của quần chúng lao động mà điều kiện sống ngày càng bấp bênh hơn và sự gia tăng nghèo khổ. Được xuất bản nặc danh, cuốn sách đầu tiên và nổi tiếng nhất của ông, An Essay on the Principle of Population (Tiểu luận về nguyên lý dân số), ra đời từ những cuộc thảo luận đầy sóng gió giữa người bố và người con trai về những vấn đề trên. Tiểu tựa kết thúc bằng câu "với lời nhận xét về những lý thuyết của ông Godwin, của M. Condorcet và của các tác giả khác". Những lời nhận xét trên mang tính rất phê phán. Thật vậy, Malthus chống lại một cách triệt để những ý tưởng xã hội mà bố ông ủng hộ. Ông cho rằng đạo luật mới về người nghèo của Chính phủ Pitt, được ban hành ở Anh năm 1796 và hào phóng hơn đạo luật trước, là một sai lầm. Chính để chứng minh điều đó mà ông đã viết cuốn sách của mình.
Print Friendly and PDF

9.5.15

Tổ chức trong quá trình hiện đại hóa



TỔ CHỨC TRONG QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA[*]

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tầm quan trọng và ý nghĩa của chủ đề tổ chức đối với thực tiễn và nghiên cứu ở Việt Nam đã được nhất trí thừa nhận. Vấn đề chỉ là ở chỗ hiểu ("đọc") và đưa ("dùng") nó vào thực tế như thế nào. Theo quan điểm xã hội học, khi đặt ra mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá một cách rút ngắn, thì vai trò của ý tưởng, tổ chức và con người trở nên có tính quyết định. Điều ngạc nhiên là trong bối cảnh đó, vấn đề nghiên cứu tổ chức chưa được chú ý đầy đủ trong giới học thuật ở Việt Nam.
2. BỐI CẢNH QUỐC TẾ
Tài liệu quốc tế cho thấy song hành với cuộc cách mạng công nghiệp tư bản chủ nghĩa là những đợt sóng cách mạng và biến đổi tổ chức/quản lý. Phong trào cách mạng do Lê Nin lãnh đạo ở nước Nga cũng đã đòi hỏi một sự tìm tòi và cách mạng trong lĩnh vực tổ chức, điều đã được xem là một trong những nguyên nhân của thành công trong việc thiết lập một hệ thống xã hội kiểu mới. Tuy nhiên, khuôn khổ xã hội/văn hoá kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp sau đó trong hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện thực đã không cho phép diễn ra những biến đổi và cách mạng thường xuyên và linh hoạt trong vấn đề tổ chức/quản lý, điều được xem là một trong những nguyên nhân của sự sụp đổ của hệ thống. Trong khi đó, tại các nước công nghiệp phát triển, từ đầu thế kỷ XX người ta chứng kiến hàng loạt "cuộc cách mạng tổ chức/quản lý".
Print Friendly and PDF

7.5.15

Jeremy Bentham, người sáng lập chủ nghĩa công lợi



Jeremy Bentham, người sáng lập chủ nghĩa công lợi

Jeremy Bentham (1748-1832)
Là người ủng hộ việc bãi bỏ các đặc quyền, Bentham phân tích những niềm vui và nỗi khổ của con người. Ban đầu là môn đồ của chủ nghĩa tự do của Adam Smith, ông xa dần học thuyết tự do kinh doanh và trao cho nhà nước một vai trò hàng đầu.
Jeremy Bentham, những chính sách về các công trình công cộng có khả năng kích thích công ăn việc làm.
Là luật gia, nhà tội phạm học trước khi có thuật ngữ và khoa học này, nhà triết học, nhà tư tưởng xã hội, chính trị và kinh tế, Jeremy Bentham là người ham viết. Ông đã để lại hàng chục ngàn trang viết tay mà chỉ có một phần nhỏ được xuất bản. Bentham thực sự không quan tâm đến việc được xuất bản, nhưng ông vẫn muốn thuyết phục, không mệt mỏi, những người đương thời thực hiện những cải cách mà ông cho là cần thiết để đạt được "hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất". Chính vì vậy mà ông đã tiếp xúc với những người có quyền quyết định ở nước ông, với những người gây dựng nên cuộc Cách mạng Pháp, với nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia châu Âu - trong đó có những "bạo quân sáng suốt" như Frederick II của nước Phổ, Catherine II của nước Nga và Joseph II của nước Áo -, với Tổng thống Hoa Kỳ và với nhà lãnh đạo của các quốc gia khác thuộc châu Mỹ. Bằng một động thái cuối cùng và Không hi vọng thành công, ông tiếp xúc thẳng với người dân Mỹ qua một bức thư ngỏ được công bố vào năm 1817.
Mặc dù bị thất bại nhiều lần, ông có được danh tiếng lớn, đặc biệt trong số các nhà kinh tế nổi tiếng khác như Adam SmithDavid Ricardo, và trong hai mươi lăm năm, ông là người được Thủ tướng Anh Lord Shelburne che chở. Việc ông gặp James Mill, nhà kinh tế học và sử học vào năm 1808, người đã chuyển hóa ông theo chủ nghĩa cải cách dân chủ, là một bước ngoặt mang tính quyết định. Nó đánh dấu sự ra đời của cái mà người ta gọi là "chủ nghĩa cấp tiến triết học", mà chương trình hành động bao gồm những vấn đề như phổ thông đầu phiếu, bỏ phiếu kín, phân phối công bằng hơn các khu vực bầu cử, bãi bỏ các đặc quyền của giai cấp quý tộc và sở hữu đất đai, quyền tự do ngôn luận và báo chí, hợp pháp hóa các tổ chức công đoàn, lên án chế độ nô lệ và thuộc địa, phổ cập hóa nền giáo dục công. Một chiến thắng chính trị đầu tiên của chủ nghĩa cấp tiến là Đạo luật cải cách (Reform Bill), năm 1832, ít lâu sau cái chết của Bentham, mở rộng quyền bầu cử và bãi bỏ một số hành vi tham nhũng.
Print Friendly and PDF

5.5.15

Vì sao sự tiến bộ xã hội là quan trọng



Vì sao sự tiến bộ xã hội là quan trọng

CAMBRIDGE – Sự tăng trưởng kinh tế đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo và cải thiện đời sống của nhiều triệu người hơn nữa trong nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, ngày càng rõ rằng một mô hình phát triển con người chỉ dựa trên sự tiến bộ kinh tế không thôi là chưa đủ. Một xã hội mà không giải quyết được các nhu cầu cơ bản của con người, trang bị cho người dân để họ nâng cao chất lượng đời sống, bảo vệ môi trường, và tạo ra nhiều cơ hội cho người dân thì không thể thành công. Sự tăng trưởng toàn diện đòi hỏi sự tiến bộ cả về kinh tế lẫn xã hội.
Những cạm bẫy của việc chỉ tập trung vào GDP đã được chứng minh qua những phát hiện của 2015 Social Progress Index (Chỉ số tiến bộ xã hội năm 2015), ra mắt vào ngày 9 tháng 4. Chỉ số SPI, kết quả từ sự hợp tác giữa Scott Stern của MIT và tổ chức phi lợi nhuận Social Progress Imperative, đo lường hiệu suất hoạt động của 133 quốc gia trên nhiều chiều kích hoạt động xã hội và môi trường khác nhau. Đó là khung toàn diện nhất được phát triển để đo lường sự tiến bộ xã hội, và là khung đầu tiên đo lường sự tiến bộ xã hội độc lập với GDP.
Dựa trên 52 chỉ báo về hiệu suất hoạt động xã hội của một quốc gia, SPI cung cấp một công cụ thiết thực cho chính phủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đối sánh hiệu suất hoạt động của quốc gia và ưu tiên cho những lĩnh vực xã hội cần cải thiện nhất. Do đó SPI cung cấp một cơ sở mang tính hệ thống, thực nghiệm để hướng dẫn xây dựng chiến lược vì sự phát triển toàn diện.
Print Friendly and PDF

3.5.15

Cân bằng chung


Cân bằng chung

General equilibrium
® Giải Nobel: ALLAIS, 1988 ARROW, 1972 DEBREU, 1983 HICKS, 1972 SAMUELSON, 1970

Lí thuyết cân bằng chung

Những đặc điểm chính của lí thuyết cân bằng chung là: 1) việc mô tả hai loại tác nhân kinh tế, người tiêu dùng và người sản xuất, những tác nhân này mua, bán và sản xuất tuỳ theo giá của những sản phẩm có mặt trên thị trường; 2) việc biểu hiện tính tương hợp của toàn bộ những quyết định cá thể như là đẳng thức giữa tổng cung và tổng cầu. Mô hình này là xác đáng nếu giá cả đủ linh hoạt để có thể cân bằng tổng cung và tổng cầu và nếu mỗi tác nhân có thể mua hay bán những số lượng tuỳ tiện sản phẩm theo những giá niêm yết và không đổi, chỉ chịu có những ràng buộc ngân sách và sản xuất. Đẩy đến tận cùng thì những giả thiết này là mâu thuẫn. Bất kì tác nhân nào đều tác động đến giá cả bằng những mua sắm hay bán buôn đủ quan trọng. Nhưng thực tế nằm đủ xa những thái cực để cho lí thuyết cân bằng chung đề nghị được một biểu trưng thoả đáng về mặt khái quát của những nền kinh tế và thị trường cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. Mặc dù việc sử dụng toán học không phải là điều tối cần thiết nhưng rõ ràng là toán học giúp ta tiết kiệm được phương tiện trong việc giải bày những giải thiết và đặc tính chính của lí thuyết.
Print Friendly and PDF

1.5.15

Duncan Foley và Lance Taylor được Giải thưởng Leontief 2015



Duncan Foley và Lance Taylor được Giải thưởng Leontief 2015

Thuyết trình của các khôi nguyên trên chủ đề:
"Kinh tế học vĩ mô trong thời đại biến đổi khí hậu"
Thứ Hai ngày 23 tháng 3, 2015
ASEAN Auditorium, Cabot Intercultural Center, 160 Packard Ave., Medford, MA

Năm 2015, Viện GDAE sẽ trao Giải thưởng Leontief vì việc mở rộng biên giới của tư tưởng kinh tế (Leontief Prize for Advancing the Frontiers of Economic Thought) cho Duncan Foley và Lance Taylor. Giải thưởng thừa nhận những đóng góp mà các nhà nghiên cứu trên đã thực hiện về sự thông hiểu các mối quan hệ giữa chất lượng môi trường và kinh tế vĩ mô. Buổi lễ và bài thuyết trình của những người đoạt giải thưởng sẽ diễn ra vào ngày 23 tháng 3 năm 2015 tại trường Đại học Tufts ở Medford.
“Các công trình của Viện chúng tôi đã chịu nhiều ảnh hưởng, và đã hưởng lợi rất nhiều, bởi cách thức mà TS. Foley và TS. Taylor đã vượt qua ranh giới giữa kinh tế học và các ngành học khác để tạo ra một kiểu công trình phân tích nghiêm ngặt mà giải thưởng Leontief được thành lập để thừa nhận”, Neva Goodwin, Đồng Giám đốc của GDAE cho biết. "Nghiên cứu của TS. Taylor đã tích hợp các mối quan hệ xã hội xác đáng vào các mô hình kinh tế vĩ mô, có tầm quan trọng then chốt để thông hiểu các thực tiễn và thách thức về môi trường hiện tại và tương lai. Phương pháp tiếp cận độc đáo của TS. Foley khi kết hợp nghiên cứu về kinh tế chính trị với những tiến bộ về thống kê và thế mạnh rộng rãi của các dữ liệu có liên quan đã tạo ra một sự đánh giá sâu sắc hơn về những hệ quả của sự lựa chọn chính sách của các nhà kinh tế trong các lý thuyết và mô hình."
Print Friendly and PDF