26.9.14

Đọc "TƯ BẢN Thế kỷ XXI" của Thomas Piketty


Đọc công trình của Thomas PIKETTY

TƯ BẢN Thế kỷ XXI
Nguyễn Quang
Trái ngược với mọi dự đoán, năm nay cuốn sách best-seller ăn khách nhất thế giới lại là một cuốn sách về kinh tế học chính trị dầy cộm và chi chít những bảng số và biểu đồ. Bản in tiếng Pháp gần một nghìn trang, cộng thêm khoảng một trăm trang phụ lục kỹ thuật công bố trên mạng, hiện nay đã được dịch ra 25 thứ tiếng. Bản tiếng Pháp đã bán được 120.000 cuốn, đứng đầu loại sách tài liệu – tiểu luận; bản tiếng Anh 450.000 cuốn: trong mấy tuần lễ liền, đó là tác phẩm bán chạy nhất so với tất cả các loại sách, kể cả cuốn Game of Thrones! Song song với thành công về xuất bản, là cuộc lưu diễn rất ư là siêu sao nhạc rock của tác giả tại các trường đại học lớn nhất nước Mỹ, giảng đường nào cũng chật ních, với những lời ca ngợi của những giải Nobel kinh tế học (Krugman, Solow, Stiglitz), và cũng như Alexis de Tocqueville (Về nền dân chủ Mỹ), Thomas Piketty đã được mời tới Nhà Trắng. Do tính kỹ thuật giả định của tác phẩm (về tư bản đầu thế kỷ XXI) và sự khô khan (cũng) giả định của luận đề cơ bản (là sự tái hiện những bất bình đẳng xã hội ở thế kỷ XXI), có thể nói không ngoa rằng cái mốt pikettymania quả là một hiện tượng trí thức của thập niên này. Có lẽ đây chuyện Zeitgeist – tinh thần của thời đại – có sự trùng hợp giữa tác phẩm và tâm trạng xã hội của thời đại: với cuộc khủng hoảng 2008 và những hậu quả của nó, trước những quá trớn của chủ nghĩa tư bản tài chính và sự bất cẩn của một tập đoàn tài phiệt thiểu trị, người dân bình thường cảm thấy một cách mơ hồ mà sâu đậm rằng sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, đe dọa phá vỡ khế ước xã hội của nền dân chủ. Điều này không hề làm suy suyển chất lượng tác nghiệp của một công trình nghiên cứu đã phân tích tới mức cạn kiệt (khiến người đọc cũng kiệt lực luôn) sự bùng phát những bất bình đẳng về tài sản và thu nhập diễn ra trong 25 năm cuối của thế kỷ XX ở các nước phát triển, với nguy cơ đưa thế kỷ XXI quay trở lại tình trạng man rợ của chủ nghĩa tư bản vào cuối thế kỷ XIX. Đối với nhiều người, đây là một sự phát hiện. Thậm chí Bill Moyers, một nhà báo Mỹ, còn dùng danh từ epiphany, tức là sự linh hiện, mặc khải theo nghĩa tôn giáo!
Diễn biến của sự phân phối của cải, liên quan tới sự tích lũy và tập trung tư bản, vốn là đối tượng nghiên cứu ưu tiên của Piketty từ khi ông bắt đầu bước vào kinh tế học. Nhưng trước ông, có những người, lại là những học giả tầm cỡ (Galbraith, Krugman, Stiglitz) đã viết về bất bình đẳng rồi. Cái mới của Tư bản thế kỷ XXI thể hiện ở ba cấp độ:
Print Friendly and PDF

21.9.14

Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế

Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế học

Giả định là đã giải quyết xong vấn đề kinh tế học có phải là một khoa học không. Ví dụ, chúng tôi mời bạn tham khảo những nhận xét cuối cùng của G. G. Granger trong bài “Khoa học luận kinh tế” trong bộ Bách khoa kinh tế[2] này. Hay là ta chấp nhận rằng bản thân câu hỏi trên là thứ yếu. Dù sao thì trong công việc nghiên cứu của nhà kinh tế, vẫn phải có một số quyết định về phương pháp luận hay khoa học luận để có thể tiến triển trong quá trình nhận thức. Những quyết định này bị những câu trả lời cho câu hỏi sau chi phối: đâu là những công cụ cho phép xác định rằng một lí thuyết, một lối giải thích là đúng hay sai? Đó là vấn đề đánh giá (appraisal) hay là vấn đề những tiêu chí của tính khoa học.
Bằng cách này đương nhiên là ta gặp vấn đề tính khoa học hay không của những diễn ngôn kinh tế, vì chỉ có thể mượn những “tiêu chí” trong phương pháp luận khoa học, do chỉ có phương pháp này mới có, ít ra là trên nguyên tắc, những phương tiện để phân biệt giữa chân lí và sai lầm.
Mục tiêu này, bề ngoài đơn giản và đương nhiên, thật ra là đầy tham vọng. Nếu ta lướt nhìn trạng thái của kinh văn thì ta thấy nhiều dấu hiệu của một bộ môn không hoạt động như một khoa học. Trước hết bộ môn này có nhiều rạn nứt ý thức hệ: chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa marxist, thể chế luận ... , những rạn nứt đó có vẻ làm cho những người có cảm tình với những chủ nghĩa này miễn nhiễm đối với mọi ý muốn thảo luận.
Vả lại ngay cả cộng đồng khoa học những nhà kinh tế dường như cũng chia thành nhiều trường phái cạnh tranh nhau, không quyết định được kết cuộc của những cuộc tranh luận lớn: đó là trường hợp của cuộc tranh luận giữa học thuyết trọng tiền và học thuyết Keynes. Còn cuộc tranh luận giữa những người bảo vệ và chống lại lí thuyết kinh tế vi mô về doanh nghiệp tuy đã không còn gay gắt nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Có nhiều trường phái đối lập với nhau hoặc khác nhau: có một học thuyết Keynes chính thống (hay đúng hơn là - ND) phiên bản thủy động lực học của học thuyết này[*], một học thuyết Keynes về mất cân bằng, một kinh tế học tân cổ điển (hay cổ điển “mới”), một trường phái tân Áo, v.v ... Tất nhiên trong khoa học luôn có những cuộc tranh luận, và sự thống nhất tư tưởng chỉ đạt được sau nhiều cuộc đối đầu lâu dài và chỉ trong một thời gian giới hạn. Nhưng dường như trong kinh tế học, các nhà nghiên cứu có xu hướng từ bỏ sự đối nghịch để tự giam mình trong những quan điểm của bản thân, bằng cách đi vào chi tiết tinh vi hay trình bày hình thức mà không thật sự quan tâm đến những phản bác có thể nêu lên đối với họ. Như thế đôi lúc người ta có thể đi đến một kết luận làm nản lòng và thật sự phản khoa học là trong kinh tế học có thể bảo vệ đồng thời những ý kiến trái ngược nhau, và những nhà nghiên cứu không phải lúc nào cũng có những phương tiện để quyết định ý kiến nào là đúng đắn nhất (ví dụ xem Klamer, 1988). Tuy nhiên không có bộ môn nào lại có thể không cần đến những tiêu chí phân biệt cái sai và cái đúng nếu không muốn trở thành không nhất quán. Do đó ta phải điểm qua những phương pháp khác nhau hoặc được các nhà kinh tế vận dụng hoặc được các nhà triết học hay những sử gia của các khoa học thiết kế nhằm liệt kê những tiêu chí rõ ràng hay ngầm ẩn về tính khoa học và xem xét sự tương thích của những tiêu chí này với những vấn đề đặc biệt của kinh tế học.                     
Print Friendly and PDF

19.9.14

Khoa học luận kinh tế

Khoa học luận kinh tế

Trong tất cả những bộ môn nhằm mô tả và giải thích những sự kiện trong đó con người trực tiếp tham gia, có lẽ Kinh tế học là ứng viên tốt nhất để được danh hiệu khoa học. Bộ môn này có một bộ máy mạnh để thu thập và xử lí thống kê những sự kiện cũng như một tính phong phú lí thuyết mà tinh thần và những công cụ luôn được đổi mới từ hai hay ba thế kỉ nay. Tuy nhiên nếu xét đến tính không chắc chắn của những dự báo bộ môn này cho phép có được và tính đa dạng của những giải thích được những môn đồ xuất sắc nhất của bộ môn đề xuất, đôi lúc một cách đồng thời, thì ta không khỏi hoài nghi, hay ít ra là dè dặt. Tuy vậy, nên chăng phải hiểu đúng nghĩa của nó nhận định khôi hài và chua cay của bà Joan Robinson (1962: 26): “Như thế, kinh tế học tiếp tục con đường của nó, vừa đi vừa cà thọt, một chân trong những giả thiết không được kiểm tra và chân kia trong những khẩu hiệu không thể kiểm tra được”? ... Ở đây nhà triết học không có chủ ý quyết định như một luật gia về tính chính đáng của tham vọng bộ môn muốn trở thành một khoa học mà chỉ phác thảo một phân tích về những lí do để có được niềm tin và hi vọng ấy. Đây chỉ là việc nhận diện những mục tiêu của bộ môn kinh tế và những cách khác nhau mà bộ môn này tiếp cận đối tượng của nó. Không phải là triết gia muốn thế chỗ nhà kinh tế để bàn vào chi tiết những phương thức và chỉ dạy phương pháp cho nhà kinh tế. Hẳn là không thể tư duy triết học đúng cách về một khoa học mà không xem xét kĩ những cách tiếp cận thật sự của khoa học này; và sẽ là một việc phù phiếm khi ngẫm nghĩ về hình ảnh một khoa học lí tưởng và không có da có thịt. Nhưng nếu một tư duy khoa học luận phải nhắm vào một khoa học cụ thể, được xác định một cách lịch sử, thì tư duy này chỉ nhằm kiến giải ý nghĩa của khoa học ấy, làm rõ những khái niệm, vấn đề và có thể phát hiện những hướng bị che giấu. Quan tâm đến những công cụ và khám phá, suy nghĩ này tuy vậy không thể được lẫn lộn với một lịch sử hay một công nghệ, và càng không thể lẫn lộn với một tương lai học.      
Print Friendly and PDF

18.9.14

Lịch sử phân tích kinh tế

Lịch sử phân tích kinh tế

Để có thể hoàn thành công việc được giao cho chương này trong bộ Bách khoa kinh tế, chúng tôi đã theo một cách tiếp cận có chọn lọc và mang tính cá nhân. Trong số lớn những nhà kinh tế, chúng tôi chỉ giữ lại những khuôn mặt nổi bật, Smith, Ricardo và Marx cho các nhà cổ điển; Marshall, Walras, Hayek và Keynes cho các nhà kinh tế hiện đại. Không có một tác gia nào trước Smith được nghiên cứu. Tương tự như thế đối với những tác gia sau đó, như Malthus, Say, J. S. Mill, Cournot, Jevons, Wicksell và Sraffa, cũng như những phát triển hiện đại khác nhau, như lí thuyết trò chơi, kinh trắc học, lí thuyết thể chế.
Hai phần đầu của bài này có tính phương pháp luận. Phần thứ nhất bàn về đối tượng và những thách thức của lí thuyết kinh tế, phần thứ hai đề cập đến tính thống nhất của khoa học này. Phần thứ ba và là phần chính vạch ra tiến hoá của những lí thuyết kinh tế thông qua những đóng góp của các tác giả được lựa chọn. Phần này kết thúc bằng việc xem xét nhanh cuộc tranh luận đương đại về đóng góp của Keynes và việc Lucas và những nhà “cổ điển mới” xét lại đóng góp này. Toàn bài sẽ nhấn mạnh đến những ý đồ lí thuyết của các tác giả hơn là đến nội dung của các lí thuyết và ưu tiên sẽ được dành cho khía cạnh so sánh.    

1. Đối tượng và những được thua của lí thuyết kinh tế
1.1 Đối tượng
Cứ chấp nhận rằng mục đích của lí thuyết kinh tế là tìm hiểu cơ chế vận hành “tự phát” của một nền kinh tế thị trường (hay phi tập trung) để rút ra những bài học về tính thích hợp của một sự can thiệp của Nhà nước trong cơ chế này. Một đề tựa như vậy tất nhiên là quá tổng quát và cần phải chia nhỏ ra. Chúng tôi đặt khả năng đứng vững của nền kinh tế phi tập trung hay việc phối hợp những quyết định trong nền kinh tế này ở trung tâm của vấn đề: làm thế nào quan niệm được là một xã hội, trong đó tất cả các quyết định được lấy một cách độc lập với nhau, lại có thể tồn tại mãi? Bằng cách nào khi không có kế hoạch những quyết định độc lập có thể tương hợp với nhau? Việc xác lập những luận điểm này phải thông qua những bước trung gian, đặc biệt là việc thay thế khả năng đứng vững của hệ thống bằng khái niệm cân bằng như một đặc điểm của một sự phối hợp tối ưu. Đến lượt nó khả năng cân bằng được chia thành hai câu hỏi nhỏ, một câu hỏi về khả năng logic của cân bằng và việc đặc trưng trạng thái này, và một câu hỏi về cơ chế xã hội nhờ đó cân bằng được thực hiện, một cách thật sự hoặc chỉ là có xu hướng thực hiện. Nhiều câu hỏi khác đến ghép thêm vào cái lõi trung tâm này. Một số liên quan đến toàn bộ nền kinh tế và nhằm vào tính hiệu quả của nền kinh tế thị trường, những triển vọng phát triển hoặc đình trệ, những biến động mang tính tình thế, vai trò của chế độ làm công ăn lương và cuối cùng là sự phân phối của thu nhập, sự tồn tại và nguyên nhân của những bất bình đẳng, nghèo khó và bóc lột. Một số câu hỏi khác liên quan đến những tác nhân của một hệ thống như thế. Ở đây là việc đề ra những tiêu chí trên đó các tác nhân phải dựa vào, trong những bối cảnh khác nhau, để hành động một cách tối ưu. Cả hai khiá cạnh này không hoàn toàn tách rời nhau vì, từ thời Adam Smith, một trong những trực giác chính của kinh tế chính trị học là việc điều tiết của hệ thống phải được hiểu như là kết quả bất ngờ của những hành vi tối ưu hoá.                 
Print Friendly and PDF

13.9.14

Gaston Bachelard, một triết học hai mặt

Là một nhà tư tưởng phi chính thống và là người tự học, Gaston Bachelard đã đảo lộn triết học về các khoa học. Được hướng dẫn bởi quyết tâm tìm hiểu tinh thần con người, ông để lại một sự nghiệp kép, gồm một phần có tính khoa học luận và một phần có tính văn chương, mà sự cố kết không phải bao giờ cũng hiển nhiên.
Chỉ việc gợi tên ông đủ để làm sống lại hình ảnh một ông già dễ mến, cười bằng mắt, bị chôn vùi dưới một bộ râu trắng bất tận. Ngày nay Gaston Bachelard vẫn còn biểu tượng cho một vị giáo sư đáng mơ ước, khiêm tốn và ân cần. Mẫu hình của một nhà bác học. Thế mà sự nghiệp của ông là không giống ai. Lộ trình đại học không điển hình cho phép ông thiết lập một triết học chưa từng có về các khoa học, vận dụng những lí thuyết tiên phong thời bấy giờ như phân tâm học hay lí thuyết tương đối. Nhưng G. Bachelard cũng còn là khuôn mặt, hai cách tiếp cận triết học. Một mặt là một nhà duy lí dấn thân và mặt kia là nhà đam mê thơ, ông lập nên một tư duy hai mảng, vừa đối lập nhau vừa không thể tư duy mặt này mà không có mặt kia. Khoa học chống tưởng tượng của thơ, animus chống anima[1], đó là hai diện của tinh thần con người mà G. Bachelard đã nỗ lực khai phá, với cùng một quyết tâm và tính chặt chẽ. Như chính ông nói “chắc chắn là giáo viên hơn là triết gia”, G. Bachelard tìm lí thuyết của ông về tinh thần khoa học trong ngành sư phạm và đặc biệt là trong định chế học đường mà bản thân ông là hiện thân của sự thành công của nhà trường thế tục và bắt buộc do nền Đệ tam cộng hòa thiết lập.
Print Friendly and PDF

8.9.14

Giả thiết lí thuyết và dữ kiện không quan sát



Wassily Leontief

Giả thiết lí thuyết và dữ kiện không quan sát

[1]
Uy tín của kinh tế học ngày nay đang ở đỉnh cao tri thức và được công chúng tán đồng. Nỗi quan tâm mà công chúng, các nhà chính trị dày dạn và cả những doanh nhân hoài nghi nhất, thể hiện đối với mỗi phát biểu của chúng ta chỉ có thể so sánh với sự chú  ý, những năm trước đây, họ dành cho các nhà vật lí và chuyên gia không gian khi mục đích quan trọng nhất của đất nước dường như là đưa người lên cung trăng và trở về trái đất. Hàng loạt bài khảo luận bác học, chuyên khảo và sách giáo khoa là những đợt sóng thần; Econometrica, tạp chí hàng đầu về kinh tế toán học, vừa nâng nhịp độ xuất bản định kì từ 4 lên 6 số một năm.
Và dù vậy, một số trong chúng ta từng chứng kiến sự phát triển chưa từng có của kinh tế học suốt ba thập niên qua vẫn ngày càng cảm thấy có điều bất ổn trước hiện tình của ngành mình. Điều này hình như còn được chính những người đã có đóng góp vào sự “bùng nổ“ ấy chia  sẻ. Họ nhập vào cuộc chơi với tất cả sự khéo léo và tài tình của nhà chuyên nghiệp song có những hoài nghi nghiêm trọng về luật chơi này.
Phần lớn các nghiên cứu và giảng dạy ở đại học bị phê phán vì thiếu tính thích đáng nghĩa là không có ảnh hưởng cụ thể tức thời. Để đáp lại chỉ trích này, gần như lập tức nhiều đề án nghiên cứu, hội thảo và giáo trình cơ bản được tiến hành về các chủ đề như nghèo đói, các khu ổ chuột ở đô thị, ô nhiễm nước và không khí trong lành. Mỗi một khi có lời phàn nàn thì, theo một phản ứng Pavlov, tổng thống Nixon bổ nhiệm một hội đồng chuyên trách và các đại học mở một khoá học mới. Tôi không hề nghĩ rằng không cần phải điều chỉnh tầm bắn khi mục tiêu đã di chuyển. Tuy nhiên khó khăn không phải ở chỗ lựa chọn mục tiêu không thích hợp mà ở việc chúng ta không có khả năng nhắm trúng tâm bất kì mục tiêu nào. Nỗi bất ổn tôi đề cập ở trên không phải là do việc thiếu tính thích đáng của các vấn đề cụ thể gây nên, những vấn đề mà các nhà kinh tế hiện đang dồn nỗ lực giải quyết. Nỗi bất ổn là do những thiếu sót trông thấy được của những phương tiện khoa học không phù hợp được các nhà kinh tế vận dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể.
Print Friendly and PDF

7.9.14

Khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng trong kinh tế (học)


Trần Hữu Dũng
(TBKTSG) - Vào ngày 5-11-2008, trong lúc viếng thăm trường Kinh tế Luân Đôn (London School of Economics) nổi tiếng, nữ hoàng Anh Elizabeth II hỏi các nhà kinh tế hiện diện: “Tại sao không ai tiên đoán được cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay?”. (Nghe đâu hoàng gia đã mất ít nhất 50 triệu bảng Anh vì cuộc khủng hoảng này).
Câu hỏi của nữ hoàng - và có lẽ cũng của nhiều người khác - đã làm các giáo sư hiện diện vô cùng bối rối. Thực vậy, trong các “bong bóng” bị vỡ vì cuộc khủng hoảng tài chính hai năm nay, thì cái bị vỡ một cách “ngoạn mục” nhất có lẽ là “uy tín” của các nhà kinh tế vĩ mô. (Nên nói cho rõ: những chỉ trích này thường nhắm vào kinh tế học vĩ mô (macroeconomics) và kinh tế tài chính (financial economics), còn kinh tế vi mô (microeconomics) thì được xem như “vô can”!). Điều này không chỉ được nhận thấy từ người ngoài ngành, gay gắt nhất lại chính từ các nhà kinh tế. Paul Krugman (Nobel 2008) chẳng hạn, thẳng thắn cho rằng môn kinh tế học vĩ mô trong 30 năm qua “nhẹ lời nhất thì có thể nói là cực kỳ vô ích, còn thật nặng lời thì phải nói là thật sự có hại!”.
Sự “thất vọng” này thường nhắm vào ba điểm. Thứ nhất, kinh tế học là một phần “nguyên nhân” của cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại. Thứ hai, đại đa số các nhà kinh tế, dù có trách nhiệm gây ra khủng hoảng hay không, đã không dự báo được nó. Và thứ ba, các nhà kinh tế đã không có một kế sách hữu hiệu nào để “chữa trị” cuộc khủng hoảng này khi nó đã xảy ra.
Print Friendly and PDF

6.9.14

Câu lạc bộ thành Wien và tinh thần mới về khoa học

Quan niệm khoa học về thế giới là tựa một tuyên ngôn công bố ở Wien năm 1929. Văn bản này xuất phát từ một nhóm nhỏ các nhà bác học quyết định tuyên chiến với tinh thần tư biện và siêu hình mà, theo họ, đang ngự trị trong tư duy. Trong số những người kí tên vào tuyên ngôn này, sau này sẽ được xác định như “Câu lạc bộ thành Wien”, có những triết gia – như Moritz Schlick (1882-1936), người hoạt náo nhóm hay Rudolph Carnap – và cả những nhà logic học Kurt Gödel, Otto Neurath, Heins Reichenbach, cũng như những nhà vật lí.
Đối với Câu lạc bộ thành Wien, duy chỉ có khoa học, đặt cơ sở trên chứng minh chặt chẽ và cầu viện đến những sự kiện quan sát, mới làm cho nhận thức tiến triển. Có hai loại tri thức khoa học: có những mệnh đề logic và toán học vốn tự bản thân là chặt chẽ và không gắn với kinh nghiệm; và có những mệnh đề thực nghiệm, đặt cơ sở trên các sự kiện, và do đó phải chịu thử thách của những tiêu chí kiểm tra để có thể được xác nhận là chân lí. Bất kì diễn ngôn nào khác về thế giới bị tố cáo là vô nghĩa hay quy về những vấn đề giả tạo.

Chung quanh quyển “Tractatus logico-philosophicus”
Để viết tuyên ngôn của mình, các thành viên Câu lạc bộ lấy cảm hứng từ một tiểu luận được xuất bản vài năm trước đó ở Wien, quyển Tractatus logico-philosophicus (1921). Tác giả trẻ tuổi, Ludwig Wittgenstein, là một nhân vật kì lạ. Xuất thân từ một danh gia vọng tộc thuộc giai cấp tư sản Wien, ông sống tách xa thế giới. Sau khi học kĩ sư mà ông rời bỏ để theo học với triết gia và nhà logic học Anh Bertrand Russel ở Cambridge, ông tòng quân vào quân đội Áo vào đầu thế chiến thứ nhất. Chính trong thời gian này ông viết Tractatus logico-philosophicus.
Tractatus logico-philosophicus
Bố cục tác phẩm là kì lạ: nó được viết như một dãy những công thức nối kết nhau như những định lí toán học. Sách bắt đầu như sau: “Thế giới là những gì xảy ra”, và sau đó L. Wittgenstein làm rõ điều ông muốn nói. Ông quy thế giới về một tập những sự kiện. Mục đích của ngôn ngữ là thử mô tả các sự kiện này. Quan hệ của ngôn ngữ với hiện thực cũng giống như quan hệ tồn tại giữa một bức tranh và hình mẫu của nó. Ngôn ngữ cũng được hợp thành bởi những mệnh đề logic có thể đúng hay sai nhưng không nói được gì hết về thế giới. Những mệnh đề dựa trên những sự kiện là có ý nghĩa và có thể được kiểm tra. Những mệnh đề siêu hình hay đạo đức không thể đòi hỏi đạt được một chân lí nào đó, vì chúng không nói gì cả về thế giới hiện thực.

Ludwig Wittgenstein (1889-1951)
Một khi viết xong sách, Wittgenstein cho rằng mình không còn gì để nói nữa, rằng triết học không còn gì để làm nữa, ngoại trừ việc kiểm tra tính hiệu lực của những mệnh đề ngôn ngữ. Ông rời bỏ thành Wien và hiến tặng gia tài đồ sộ của cha ông. Ông thành người làm vườn, thầy giáo tiểu học rồi lang thang vài năm trước khi đến Cambridge, theo lời mời gọi của thầy ông là Bertrand Russel.

Print Friendly and PDF

Các triết gia đối mặt với khoa học

Rudolf Carnap (1891-1970) là một trong những nhà bảo vệ chủ nghĩa thực chứng logic bắt nguồn từ Câu lạc bộ Wien. Mặc dù quan niệm của ông đã tiến hóa kể từ “những năm Carnap” (những năm 1930), khi ông là một trong những thủ lĩnh của chủ nghĩa thực chứng logic, ông vẫn trung thành với một số nguyên tắc: đối với ông, ngôn ngữ khoa học khác với diễn ngôn “siêu hình” tư biện. Ngôn ngữ khoa học này viện đến hai loại phát biểu: những phát biểu thực nghiệm kiểm tra được bằng kinh nghiệm, và những phát biểu phân tích (những phát biểu của logic học) mà tính chặt chẽ duy nhất dựa trên tiêu chí hiệu lực (Les fondements philosophiques de la physique, 1948).
Williard van Orman Quine và Karl Popper không chia sẻ hình ảnh này về khoa học. Popper đối lập với luận điểm của Carnap trên một điểm mấu chốt. Đối với ông, không thực sự có sự “kiểm tra” và “chứng cứ khoa học”. Khoa học sản sinh những giả thiết được thử thách nhằm truy lùng những sai lầm (điều được ông gọi là “kiểm sai”). Nhưng việc một giả thiết thành công vượt qua sự kiểm tra không bao giờ tạo được cho nó tính hiệu lực hoàn toàn. Luận điểm “tất cả các con thiên nga đều màu trắng” đứng vững được mỗi khi gặp một con thiên nga trắng khác, nhưng không vì thế mà sự gặp gỡ này đủ để xác thực dứt khoát luận điểm này. Popper đã trình bày các luận chứng của mình trong tác phẩm lớn của ông Logic của sự khám phá khoa học, được viết từ năm 1934 (nhưng đến 1959 mới được dịch sang tiếng Anh).

Rudolf Carnap (1891-1970)
Karl Popper (1902-1994)
Williard van Orman Quine (1908-2000)










Print Friendly and PDF

5.9.14

TS Tô Văn Trường phỏng vấn TS Vũ Quang Việt về GDP

TS Vũ Quang Việt
Ở Việt Nam, phải thấy là rất tốn kém khi phải chi cho hơn 60 cục thống kê, và hàng loạt thống kê quận huyện cấp dưới, nhưng những con số là kết quả của công việc khi đưa ra thì không ai tin nổi.
Tại hội nghị của ngành kế hoạch – đầu tư tổ chức ở TP. Đà Nẵng ngày 7.8.2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn chỉ ra rằng cách tính tổng sản phẩm quốc nội GDP của Việt Nam không giống bất kỳ quốc gia nào trên thế  giới. Thủ tướng chỉ thị phải sửa đổi cách tính GDP cho phù hợp với thông lệ chung của quốc tế.
Người dân biết rất rõ, cách tính GDP  từ trước đến nay là sản phẩm của tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích, và hạn chế về chuyên môn của những người có trách nhiệm nhưng khó hiểu vì sao Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng phải chờ đến tận năm 2018 mới thực hiện đề án “Đổi mới quy trình tính biên soạn chỉ tiêu GDP cho các địa phương”?
Để rộng đường công luận, Một Thế Giới giới thiệu bài phỏng vấn tiến sĩ Vũ Quang Việt (ảnh trên), nhà kinh tế gốc Việt đã từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Liên hiệp quốc, đã có nhiều công trình nghiên cứu và đóng góp cho tư duy kinh tế Việt Nam. Bài phỏng vấn  này do tiến sĩ Tô Văn Trường thực hiện.
Print Friendly and PDF

4.9.14

Phỏng vấn Leontief


Wassily Leontief

Phỏng vấn Leontief 

Mục lục
1. Từ Saint-Pétersbourg đến New York: hành trình tri thức
2. Tại Harvard: việc khám phá phân tích đầu vào-đầu ra và những áp dụng đầu tiên của phân tích này
3. Những vấn đề phương pháp: về lí thuyết, hình thức hoá, bài toán gộp, thời gian, thay đổi công nghệ ...
4. Về những vấn đề phát triển kinh tế và vũ trang
5. Về chính sách kinh tế Mĩ

1. Từ Saint-Pétersbourg đến New York: hành trình tri thức
Bằng cách nào giáo sư đã đi đến kiểu nghiên cứu và khám phá này? Hành trình giáo sư là như thế nào kể từ lúc giáo sư rời Nga đến Đức, nơi giáo sư theo học và đặc biệt là hoàn tất luận văn tiến sĩ ở Berlin, đến việc xuất bản tác phẩm lớn đầu tiên về cơ cấu của nền kinh tế Mĩ ?
Điều này bắt đầu từ trước khi tôi rời Nga. Tôi bắt đầu học ở Nga. Lúc bấy giờ tôi mới mười lăm tuổi và vào đại học sau khi được phép của bộ. Đó là vào năm 1921, ngay trong cuộc cách mạng.
Tôi bắt đầu học triết học và nhận ra đó không đúng là điều tôi tìm kiếm. Do đó tôi đổi sang học xã hội học và thấy rằng phần xã hội học không phải là phần tốt nhất của bộ môn này ...
Sau đó tôi chuyển “xuống” học kinh tế. Với bộ môn này tôi có cả nghìn ý mà tôi nghĩ là có thể đeo đuổi một ít. Tôi theo học các giáo trình và cũng đọc rất nhiều. Thư viện quốc gia Nga, ở Leningrad, gần giống với thư viện ở Kiel. Có một kho sách mênh mông và rất đầy đủ, với những sách cổ. Tôi đọc rất nhiều sách kinh tế chính trị học tiếng Pháp, tất cả những tác giả xưa kể từ Boisguilbert ... Do tôi có thể đọc tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Nga nên quả thật là tôi đã đọc rất sâu những tác phẩm kinh tế chính trị học quan trọng nhất kể từ thế kỉ XVIII. 
Print Friendly and PDF