MỘT TÍNH TRUNG LẬP QUÁ NGÂY THƠ
Chống lại sự trung lập ngây thơ của một số nhà kinh tế học, nhà xã hội học Ève Chiapello đưa ra một cách giảng dạy xuyên ngành hơn.
Ève Chiapello[*]
Trên khắp thế giới, đối mặt với đại dịch, hoạt động tự do của các thị trường đã bị đình chỉ để nhường chỗ cho một hỗn hợp đáng ngạc nhiên gồm các biện pháp hạn chế khắc nghiệt và các đợt đầu tư ồ ạt, từ Nhà nước và các ngân hàng trung ương. Đây là cơ hội để quay lại cuộc tranh luận do S. Naidu, D. Rodrik và G. Zucman khởi xướng, những người đã phát biểu vài tuần trước trong các chuyên mục của chúng tôi về một “nền kinh tế học hậu chủ nghĩa tân tự do”. Dưới đây, nhà xã hội học người Pháp Ève Chiapello, nổi tiếng với cuốn sách Le Nouvel Esprit du capitalisme /Tinh thần mới của chủ nghĩa tư bản (với Luc Boltanski, Gallimard, 1999) và là nhà phê bình lâu năm về chủ nghĩa tân tự do, đã phát hiện ra một sự “ngây thơ” nhất định trong bài của họ. Bạn cũng có thể tìm thấy trên trang này quan điểm của nhà kinh tế học Gilles Saint-Paul.
Cách đây hơn một năm, Suresh Naidu, Dani Rodrik và Gabriel Zucman đã xuất bản trên tạp chí Boston Review một bài, “Kinh tế học hậu chủ nghĩa tân tự do”, mà tạp chí Le Grand Continent/Đại lục mới dịch sang tiếng Pháp và đề nghị tôi bình luận. Mối quan hệ của tôi với tham luận này và các tác giả của nó không phải là mối quan hệ của một nhà kinh tế học hành động trong lĩnh vực khép kín của các cuộc thảo luận nội bộ trong ngành kinh tế học, như các tạp chí lớn của Mỹ thường tổ chức mà là tham luận của một độc giả quan tâm đến các vấn đề kinh tế và đến việc chuyển các ý tưởng kinh tế thành các chính sách công. Nghiên cứu của tôi nhằm mục đích đặc biệt là đặt câu hỏi về tác động của các kiểu hình thức hoá các khái niệm, các đóng khung nghề nghiệp, các định dạng định lượng và các “công cụ”[1] cả về mặt nghiên cứu và trong việc tạo ra các hiện tượng kinh tế như tổ chức các chuyển nhượng tài chính, thiết lập các giá cả, xác định một năng suất hay một hiệu ứng, quyết định đầu tư hay tài trợ cho một hoạt động. Vậy, tôi đã đọc văn bản này với cái nhìn đó: nó nói gì về các tác giả của nó, về quan niệm của họ về kinh tế học như một bộ môn, về mối quan hệ của họ với các “công cụ” của họ?