Từ khóa: Toán học – Bản chất; Lô-gic luận – Toán học; Phát minh luận – Toán học; Hình thức luận – Toán học; Trực giác luận – Toán học; Kiến tạo luận – Toán học; Platōn (Chủ thuyết) – Toán học; Không thể quyết định (Khái niệm) – Toán học; Không thể tính (Khái niệm) – Toán học; Gödel (Định lý); Mã hoá (Khái niệm); Hàm bẫy (Khái niệm) – Toán học
BẢN CHẤT CỦA TOÁN HỌC (1991)
Tác giả: John David Barrow[1]
Bản tiếng Pháp: Béatrice Propetto Marzi
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
“Công thức “hai với hai là năm” không thiếu phần hấp dẫn”.
DOSTOÏEVSKI
*
Để độc giả có thể theo dõi dễ dàng và lý thú hơn bài thuyết trình khá dài này của tác giả, chúng tôi đã phân đoạn, và thêm vào bản dịch dưới đây các tiểu tựa, và một số chú thích đặt ở cuối bài.
*
1 - TRI THỨC VÀ TRI THỨC TOÁN HỌC
John D. Barrow (1952-2020) |
Có một lô quan điểm triết học về bản chất tri thức và sự tiếp thu tri thức nói chung, và tri thức toán học nói riêng[2]. Hãy xem xét bốn quan điểm phổ biến nhất. Trước tiên là chủ nghĩa kinh nghiệm, theo đó mọi tri thức của chúng ta đều là những thu nhận từ kinh nghiệm; đối với những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm, không có những chân lý tất yếu. Tiếp đến là chủ nghĩa duy tâm, nó tưởng tượng ra một thế giới bên ngoài tinh thần của chúng ta, nơi mọi sự vật đều tồn tại độc lập với ta, và khẳng định rằng những tri thức mà ta có được đều là kết quả của một quá trình khám phá[3]. Sau đó là thao tác luận, gần đây hơn vì chỉ thịnh hành vào khúc quanh giữa hai thế kỷ 19-20: nó tìm cách xác định ý nghĩa của mọi sự vật bằng một chuỗi giai đoạn hay “thao tác” phải thực hiện để đo đạc chúng[4]. Cuối cùng, lô-gic luận truyền thống; nó có cùng xu hướng hạn chế, và tìm cách quy giản mọi tri thức của chúng ta vào một hệ thống tiên đề và quy tắc suy luận, đến nỗi nó được định nghĩa là tập hợp của mọi diễn dịch có thể suy ra từ mọi giả định ban đầu có thể được đề xuất, và chặt chẽ về mặt lô-gic.