29.11.21

“Lần đầu tiên đến Paris một mình, lúc đó tôi mười bảy tuổi”, trao đổi với Saskia Sassen

“LẦN ĐẦU TIÊN ĐẾN PARIS MỘT MÌNH, LÚC ĐÓ TÔI MƯỜI BẢY TUỔI”, TRAO ĐỔI VỚI SASKIA SASSEN

Tác giả: Felipe Bosch

Với cuộc phỏng vấn thứ tám này, loạt bài mùa hè Grand Tour của chúng tôi thực hiện một sự thay đổi quy mô nhằm tìm hiểu các thành phố lớn với một trong những chuyên gia lớn nhất về chủ đề này, nhà xã hội học và là nhà kinh tế học Saskia Sassen. Khởi đi từ cái nhìn của bà về Paris và Luân Đôn, bà nhận thấy sự mất dần sự thống trị của Nhà nước - quốc gia trong một kỷ nguyên mới, thời kỳ mà các thành phố có thể được đưa lên để giữ một vị trí quan trọng.

Bà sống và trải nghiệm thế nào trong hai thành phố tầm Châu Âu và Thế giới như Luân Đôn và Paris?

Saskia Sassen – Luân Đôn và Paris là hai thành phố tuyệt vời, không có nghi ngờ gì về điều đó, chúng mang những nét đặc trưng bởi phong cách quy hoạch đô thị rất đặc biệt mà chỉ Châu Âu mới có thể tạo ra được. Đó là điều gì đó thực sự nổi bật đối với tôi. Nhưng đồng thời bên cạnh đó, tôi có một phần cuộc sống không có gì lãng mạn hay đẹp đẽ cho lắm, nơi đó tôi nhìn thấy những quyết định tai hại đã được thực hiện, những lạm dụng, và cách chúng ta đánh mất một thứ gì đó từ quá khứ đã từng hoạt động tốt đối với nhiều người hơn so với những gì hiện tại.

Tôi nghĩ rằng chúng ta đang rơi vào một kiểu trượt dốc của sự hiện đại. Một trong những câu hỏi hướng dẫn tôi ngày hôm nay là: làm thế nào để chúng ta tìm ra những dấu hiệu thay đổi trong một đô thị mới vốn khác với một đô thị mà chúng ta đã biết mà chúng ta không biết điều đó sẽ tốt hơn hay tệ hơn? Lịch sử dạy chúng ta rằng những thay đổi này đang xảy ra và những thế hệ mới đang nhập cuộc. Đây là một dự án khiến tôi tò mò, mặc dù với độ tuổi của mình, tôi sẽ không thể nắm bắt đầy đủ về nó. Do đó, thách thức nằm ở một số chỉ báo, nhưng những chỉ báo này là gì?

Print Friendly and PDF

28.11.21

Đọng lại điều gì từ COP26?

ĐỌNG LẠI ĐIỀU GÌ TỪ COP26?

Christian de Perthuis

Các nhà hoạt động biểu tình vào hôm thứ Sáu ngày 12 tháng 11 năm 2021 tại Glasgow khi COP bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng. ANDY BUCHANAN/AFP

Tại Glasgow, COP26 đã bế mạc. Hội nghị đã thu hút một số đông kỷ lục [người tham gia].

Nhưng người ta đo sự thành công của COP không phải bằng số lượng người tham gia, cũng không phải bằng các tuyên bố được đưa ra. Sự thành công đó được đánh giá qua khả năng tăng tốc hành động về khí hậu trên thực tiễn.

Về vấn đề này, điều gì còn đng lại từ hội nghị lần thứ 26 này?

Print Friendly and PDF

26.11.21

Lô-gic học và tâm lý học (H. Reichenbach, 1947)

Từ khóa: Lô-gic học và Tâm lý học; Reichenbach, Hans – Trích đoạn

LÔ-GIC HỌC VÀ TÂM LÝ HỌC (1947)

Tác giả: Hans Reichenbach[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Hans Reichenbach (1891-1953)

Lô-gic học thường được định nghĩa là thứ khoa học liên quan tới các quy luật của tư duy. Đây là một lối đặc trưng hóa mơ hồ, trừ phi chúng ta phân biệt quy luật tư duy của tâm lý học với quy luật tư duy của lô-gic học. Quá trình tư duy hiện thực không phân tích rõ rệt khác biệt này; một phần của nó được xác định một cách lô-gic, một phần là tự động, một phần là thất thường; và những gì chúng ta quan sát được như các bộ phận của nó phần lớn đều là những kết tinh biệt lập của các dòng tiềm thức ẩn dưới lớp bụi mù từ những cuộc diễu hành của cảm xúc. Trong chừng mức là có các quy luật nào ta có thể quan sát được, thì chúng đều đã được công thức hóa bởi khoa tâm lý học; chúng bao gồm mọi quy luật tư duy, cả đúng lẫn sai, bởi vì cái xu hướng mắc vào một số ngụy lý nào đó phải được xem là một quy luật tâm lý, trong cùng một nghĩa với các thói quen may mắn hơn của tư duy đúng đắn. Còn bản thân sự phân biệt này – sự phân biệt giữa tư duy đúng với tư duy sai – thì nó không thể được thực hiện trong khuôn khổ của phân tích tâm lý học

Nếu chúng ta muốn nói rằng lô-gic học liên quan tới tư duy, thì tốt hơn nên nói thế này: lô-gic học dạy chúng ta tư duy PHẢI được tiến hành như thế nào, chứ không phải tư duy diễn tiến ra sao trên thực tế. Tuy nhiên, công thức này vẫn dễ vướng vào một hiểu lầm khác. Tin rằng ta có thể cải tiến tư duy của ta bằng cách bắt nhốt nó trong bộ quần áo nịt cứng tay chân của các thao tác lô-gic được sắp xếp chặt chẽ là điều hết sức vô lý. Chúng ta đều biết rất rõ rằng tư duy hiệu năng có nhiều nẻo tối tăm riêng mà nó buộc phải theo, và sự kiến hiệu không thể nào được bảo đảm bằng thứ huấn lệnh nhằm kiểm soát những bước chuyển từ cái đã biết sang cái chưa biết. Đúng hơn, chỉ những kết quả của tư duy, chứ không phải bản thân quá trình tư duy, mới là cái phần mà lô-gic học kiểm soát được. Lô-gic là nền móng của tư duy, không phải là bệ phóng của nó, là kẻ điều chỉnh tư duy hơn là động lực của nó; lô-gic học xây dựng thứ quy luật qua đó chúng ta đánh giá những sản phẩm của tư duy xem chúng là đúng hoặc sai, chứ không phải là thứ quy luật mà ta muốn áp đặt lên quá trình tư duy. Ngay cả đối với những bộ óc được đào tạo, các quá trình tư duy sáng tạo cũng không di chuyển dọc theo những ngả đường đã được sắp xếp, mà tuân theo thứ phương pháp làm thử và sửa sai (trial and error), qua đó lô-gic học tách biệt những kết quả đúng khỏi những cái sai. Nếu quả thật là, tới một mức độ nào đó, chúng ta có thể nâng cấp tư duy của mình bằng cách nghiên cứu lô-gic học, thì thực tế này cần được giải thích như một cách điều kiện hóa các thao tác tư duy của ta, sao cho số lượng tương đối những kết quả đúng tăng lên.

Print Friendly and PDF

25.11.21

Các nhà khoa học đã hiểu vật lý về biến đổi khí hậu vào những năm 1800 – nhờ một người phụ nữ tên là Eunice Fooote

CÁC NHÀ KHOA HỌC ĐÃ HIỂU VẬT LÝ VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀO NHỮNG NĂM 1800 - NHỜ MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ TÊN LÀ EUNICE FOOTE

Tác giả: Sylvia G. Dee

Eunice Foote đã mô tả hiệu ứng khí nhà kính của carbon dioxide vào năm 1856. Ảnh: Carlyn Iverson / NOAA Climate.gov

Rất lâu trước khi có sự chia rẽ chính trị hiện nay về biến đổi khí hậu và thậm chí trước Nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865), một nhà khoa học người Mỹ tên là Eunice Foote đã ghi lại nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu ngày nay.

Đó là vào năm 1856. Bài báo khoa học ngắn gọn của Foote là bài báo đầu tiên mô tả sức mạnh phi thường của khí carbon dioxide (CO2) trong việc hấp thụ nhiệt - động lực của sự nóng lên toàn cầu.

Carbon dioxide là một chất khí không mùi, không vị, trong suốt, được tạo thành khi con người đốt cháy nhiên liệu, bao gồm than, dầu, xăng và gỗ.

Khi bề mặt Trái đất nóng lên, người ta có thể nghĩ rằng nhiệt sẽ tỏa trở lại không gian. Nhưng, nó không đơn giản như vậy. Bầu khí quyển vẫn nóng hơn dự kiến, chủ yếu do các khí nhà kính như carbon dioxide, mêtan và hơi nước trong khí quyển, tất cả đều hấp thụ nhiệt từ bên ngoài. Các khí này được gọi là “khí nhà kính” bởi vì, không giống như thủy tinh của nhà kính, các khí này giữ nhiệt trong bầu khí quyển của Trái đất và bức xạ nó trở lại bề mặt hành tinh. Ý tưởng rằng bầu khí quyển giữ nhiệt đã được biết đến, nhưng không phải là nguyên nhân.

Print Friendly and PDF

23.11.21

Phương thuốc cho sự bất trắc

Những sự thật và dối trá nhân danh khoa học
Tạp chí “Manière de voir” #179 • Tháng 10 – 11 2021

PHƯƠNG THUỐC CHO SỰ BẤT TRẮC

Philippe Descamps

Michael Waraksa ///// “The Star-Crossed Astronomer” (L’astronome maudit), 2017

Cho đến cuối mùa hè năm 2021, đại dịch Covid-19 đã làm cho 4,5 triệu người chết trên thế giới[*]. Mặc dù có những cuộc phong tỏa ít nhiều nghiêm ngặt và đã tiêm gần sáu tỷ liều vắc xin, một làn sóng dịch mới đang làm u ám chân trời. Sự nghi ngờ của dân chúng nảy sinh do những chính sách y tế bất nhất không còn miễn trừ các chuyên gia, những sai lầm của họ thường được cung cấp cho mục tin thời sự. Hiếm khi sự bất trắc về y tế nặng nề đến thế, không khí trí thức lộn xộn đến thế.

Hơn bao giờ hết, những thời gian khủng hoảng thôi thúc sự khước từ lẽ thông thường, chọn thử thách các sự kiện, thử nghiệm, kiểm chứng qua quan sát. Nhưng những mong chờ đối với khoa học vượt khỏi những nền tảng và giới hạn của nó khi ta đòi hỏi những điều hoàn toàn chắc chắn, những dự báo chính xác hay khi đánh giá quá cao tầm nhìn của những “vĩ nhân”, thậm chí là những “người khoác lác”. “Tách rời lý trí khỏi những cảm nhận” như René Descartes đã từng kêu gọi đòi hỏi không chỉ khước từ một cách giải thích duy nhất, mà còn là hiểu sự gia tăng tốc độ của tri thức. Giống như Vũ trụ, tri thức bành trướng ra với một nhịp độ ngày càng gia tăng. Chúng ta càng học thì những câu trả lời lại càng gợi ra những câu hỏi mới còn rộng hơn nữa.

Print Friendly and PDF

22.11.21

“Tài chính xanh”: Liệu có nên tin vào những cam kết mới của các ngân hàng lớn tại COP26 hay không?

“TÀI CHÍNH XANH”: LIỆU CÓ NÊN TIN VÀO NHỮNG CAM KẾT MỚI CỦA CÁC NGÂN HÀNG LỚN TẠI COP26 HAY KHÔNG?

Paul David Richard Griffiths

Mark Carney, đồng chủ tịch của liên minh Gfanz, phát biểu tại hội nghị COP26 khi trình bày sáng kiến ​​quy tụ hơn 450 ngân hàng trên khắp thế giới. Daniel Leal-Olivas / AFP

Ngày 3 tháng 11, tại hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, COP26, hơn 450 ngân hàng trên thế giới đã cam kết đối với một sáng kiến ​​mới nhằm phi carbon hóa các đầu tư của họ. Dưới sự lãnh đạo của cựu Chủ tịch Ngân hàng Anh Quốc Mark Carney, các ngân hàng và các định chế tài chính khác thuộc Liên minh Tài chính Glasgow vì mức phát thải ròng bằng 0 (Gfanz - Glasgow Financial Alliance for Net Zero) đã cam kết, từ nay, sẽ báo cáo hàng năm về lượng phát thải khí carbon gắn với những dự án mà họ cho vay.

Họ cũng đặt ra mục tiêu tài trợ hàng nghìn tỷ US$ cho các dự án xanh, đồng thời cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 từ nay đến năm 2050. Trong số các bên ký kết chính đối với sáng kiến nói trên, được công bố vào tháng 4, người ta thấy có các ngân hàng Citi, Morgan Stanley và Bank of America.

Mặc dù rất đáng khích lệ khi thấy các ngân hàng lớn nhất thế giới cam kết cung cấp các khoản vay lâu bền, nhưng thật khó để không e ngại [về tính thực tiễn]. Đây chắc chắn không phải là cơ hội đầu tiên mà các ngân hàng đã cam kết phi carbon hóa các khoản cho vay của họ, và cho đến nay, kết quả đạt được cũng không mấy ấn tượng.

Print Friendly and PDF

20.11.21

Trò chuyện với Christophe Gaudin: “Lần đầu tiên, các nền dân chủ phương Tây phải đối mặt với một mô hình chuyên chế quản lý cuộc khủng hoảng tốt hơn họ”

TRÒ CHUYỆN VỚI CHRISTOPHE GAUDIN: “LẦN ĐẦU TIÊN, CÁC NỀN DÂN CHỦ PHƯƠNG TÂY PHẢI ĐỐI MẶT VỚI MỘT MÔ HÌNH CHUYÊN CHẾ QUẢN LÝ CUỘC KHỦNG HOẢNG TỐT HƠN HỌ”

Christophe Gaudin[1]Marie-Christine Lipani[2]

Sự chi phối của quyền lực Trung Quốc đã cho phép nước này đối mặt với đại dịch, xúc tiến một mô hình đối lập với các giá trị phương Tây. Hector Retamal / AFP

Phát biểu tại Hội nghị Báo chí năm 2021 ở Bordeaux, Christophe Gaudin, nhà xã hội học và hiện là phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Kookmin ở Seoul, phân tích mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vào thời điểm mà các quân bài đang bị cuộc khủng hoảng y tế xáo trộn lại.

Giữa hăm dọa quân sự, trừng phạt kinh tế và tuyên bố ngoại giao long trọng, tình hình quan hệ Trung - Mỹ hiện này như thế nào?

Christophe Gaudin
Marie-Christine Lipani

Christophe Gaudin: Ý tưởng về sự xấu đi trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, câu hỏi không được đặt ra ở cấp độ ngoại giao. Sau cuộc bầu cử của Joe Biden, trong một vài tuần, nhiều nhà bình luận cho rằng ông sẽ quay lại cách tiếp cận đa phương hơn. Nhưng sự việc này đã không diễn ra. Hoa Kỳ đang tự khép mình trong khối nói tiếng Anh, trong một liên minh chống lại Trung Quốc. Có nhiều sự liên tục hơn là sự khác biệt với chính sách bảo hộ của Donald Trump.

Đọc thêm: Ngoại giao: Nước Mỹ của Joe Biden thể hiện cái gì?

Những gì cần phải được quan sát là những gì diễn ra trong dài hạn. Lần đầu tiên, các nền dân chủ phương Tây phải đối mặt với một mô hình chuyên chế quản lý cuộc khủng hoảng tốt hơn họ. Quyền lực của Trung Quốc đã đạt đến một mức độ kiểm soát mà không ai ngờ đến và họ tự hào về điều này trong sự tuyên truyền của họ. Đồng thời, các xã hội phương Tây, trước hết là Hoa Kỳ, đang bị sự chia rẽ ngày càng mạnh mẽ hơn đầu độc. Do đó, chúng ta phải đối mặt với một quyền lực không ngừng lớn mạnh nhưng trở nên độc tài hơn bao giờ hết đối mặt với một khối phương Tây, trong đó Hoa Kỳ là trung tâm, đang trong tiến trình suy tàn.

Print Friendly and PDF

19.11.21

COP26: Thế giới đồng ý xoá bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hoá thạch và giảm lượng than đá

TIN NÓNG của tạp chí Nature ngày 13.11.2021

Thỏa thuận cuối cùng đạt được từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26)

Các nhà lãnh đạo của gần 200 quốc gia đã đạt được đồng thuận tại COP26. Tên của thỏa thuận cuối cùng là Hiệp ước Khí hậu Glasgow. Đối với một số người, đó là một bước đột phá, mặc dù là một bước đột phá không hoàn hảo. Ông John Kerry, Đặc phái viên Hoa Kỳ về khí hậu cho biết vào sáng nay: “Tất cả chúng ta đều biết câu ngạn ngữ cũ, bạn không thể để sự hoàn hảo trở thành kẻ thù của điều tốt đẹp”. Đối với những người khác, thỏa thuận này không phù hợp một cách đáng buồn.

Các cụm từ chính cần chú ý bao gồm “tăng tốc nỗ lực hướng tới việc giảm dần điện than chưa ngưng khai thác và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”. Đây là những đề cập rõ ràng đầu tiên về than đá và nhiên liệu hóa thạch trong một thỏa thuận về khí hậu của Liên Hợp Quốc. Nhưng các từ ‘chưa ngưng khai thác’ và ‘không hiệu quả’ là một cái nút thắt gây tranh cãi đối với những quốc gia có nền kinh tế hiện đang dựa vào những nguồn lực đó - hoặc những quốc gia cảm thấy những nguồn lực đó là điều cần thiết để đưa người dân của họ thoát khỏi đói nghèo.

Tina Stege
Frans Timmermans (1961-)

Trong những giây phút cuối cùng, nhiều quốc gia đã lên tiếng phản đối sự thay đổi, dẫn đầu là Ấn Độ, để thay đổi cụm từ “xóa bỏ dần” thành “giảm dần”. Bà Tina Stege, người đại diện của Quần đảo Marshall, cho biết việc hoán đổi sẽ loại bỏ “một trong những điểm sáng” của thỏa thuận. Tuy nhiên, họ đã chấp nhận thay đổi để cố gắng hoàn thành buổi họp.

Ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phát biểu: “Tất cả chúng ta đều biết rằng sự giàu có của châu Âu được xây dựng trên than đá. Và nếu chúng ta không loại bỏ than đá, thì cái chết của châu Âu cũng sẽ được xây dựng trên than đá”. “Chúng ta đã nói hết tất cả rồi… không thể ngăn cản chúng ta quyết định vào ngày hôm nay về những điều gì đó… là một quyết định lịch sử, mang tính lịch sử.”

Điều quan trọng là các quốc gia hứa sẽ “xem xét lại và củng cố” các mục tiêu của họ về khí hậu đề ra vào năm 2020 vào trước cuối năm 2022. Họ cũng bày tỏ “sự hối tiếc sâu sắc” trong tài liệu về lời thất hứa của các quốc gia giàu là sẽ cung cấp 100 tỷ đô la Mỹ mỗi năm vào trước năm 2020 để giúp những vùng khó khăn hơn thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu sự gia tăng nhiệt độ hơn nữa, đồng thời nhất trí đưa ra mục tiêu mới về thích ứng toàn cầu trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

Antonio Guterres (1949-)

Chủ tịch COP26 Alok Sharma đã tỏ ra vô cùng xúc động và được các đại biểu đứng dậy hoang nghênh nhiệt liệt, khi ông gõ búa để khép lại thỏa thuận đầy tranh cãi và cam go này.

Ông Sharma đã nói vào đầu giờ ngày hôm nay: “Đây là thời điểm của sự thật đối với hành tinh của chúng ta, và con cháu chúng ta.”

António Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, đã viết: “Kết quả này là “một bước quan trọng nhưng vẫn chưa đủ”. “Đã đến lúc chuyển sang chế độ khẩn cấp. Trận chiến khí hậu là cuộc chiến của cuộc đời chúng ta và cuộc chiến đó phải giành được thắng lợi”.

COP26: THẾ GIỚI ĐỒNG Ý XÓA BỎ TRỢ CẤP CHO NHIÊN LIỆU HÓA THẠCH VÀ GIẢM LƯỢNG THAN ĐÁ

Adam Vaughan

Gần 200 quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Glasgow cũng đã cam kết xem lại và củng cố kế hoạch năm 2030 của họ về việc giảm thiểu khí thải vào năm tới, để dọn đường cho mục tiêu quan trọng về mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5°C.

Các đại biểu COP26 đã đàm phán trong hai tuần tại Glasgow, Vương quốc Anh. Ảnh: Jonne Roriz/Bloomberg via Getty Images

Gần 200 quốc gia đã đưa ra một cam kết lịch sử và chưa từng có tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 nhằm thúc đẩy việc chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và giảm sử dụng than đá, sau khi Ấn Độ thúc đẩy can thiệp trong suốt 11 giờ để thông qua việc giảm nhẹ ngôn từ về than.

Điều quan trọng là mặc dù các cuộc đàm phán kéo dài gần hai tuần, và kết thúc trễ hơn dự kiến hơn 24 giờ, 196 quốc gia nhóm họp tại Glasgow đã cam kết sẽ ban hành kế hoạch khí hậu cho năm 2030 mạnh mẽ hơn vào năm tới nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu nguy hiểm.

Print Friendly and PDF

18.11.21

Não bộ của bạn không phải là một củ hành với một loài bò sát tí hon bên trong

NÃO BỘ CỦA BẠN KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CỦ HÀNH VỚI MỘT LOÀI BÒ SÁT TÍ HON BÊN TRONG

Current Directions in Psychological Science 2020, Vol. 29 (3) 255 –260

© (Các) Tác giả, 2020

Hướng dẫn tái sử dụng bài nghiên cứu:

https://us.sagepub.com/en-us/nam/journals-permissions

DOI: 10.1177/0963721420917687

http://www.psychologicalscience.org/CDPS

Joseph Cesario[1], David J. Johnson[2] Heather L. Eisthen[3],[4]

Thông tin liên lạc của một đồng tác giả:

Joseph Cesario, Đại học bang Michigan, Khoa Tâm lý học,

East Lansing, MI 48823

E-mail: cesario@msu.edu

Tóm tắt

Một quan niệm sai lầm phổ biến trong rất nhiều bộ môn trong ngành tâm lý học là (a) khi các loài động vật có xương sống tiến hóa, các cấu trúc não “mới hơn” được thêm vào các cấu trúc não “cũ” hiện có, và (b) những cấu trúc mới hơn, phức tạp hơn này lại tạo cho các loài động vật có các chức năng tâm lý mới hơn và phức tạp hơn, cũng như có tính linh hoạt trong hành vi và ngôn ngữ. Mặc dù được phổ biến rộng rãi trong các sách giáo khoa tâm lý học nhập môn, song niềm tin này từ lâu đã bị mất uy tín trong mắt những nhà sinh học thần kinh và trái ngược với sự nhất trí hiển nhiên về các vấn đề này giữa những người nghiên cứu về sự tiến hóa của hệ thần kinh. Qua bài nghiên cứu này, chúng tôi đem lại những tri thức mới nhất của các nhà tâm lý học về vấn đề này bằng cách mô tả mô hình chính xác hơn về sự tiến hóa thần kinh, và chúng tôi đưa ra các thí dụ minh họa về vấn đề quan điểm không chính xác này có thể làm cản trở như thế nào sự tiến bộ trong ngành tâm lý học. Chúng tôi kêu gọi các nhà tâm lý học hãy từ bỏ quan điểm sai lầm này về não bộ của con người.

Từ khóa: sự tiến hóa của hệ thần kinh, não tam phần, tính tự động, mối liên kết nhận thức – hành vi, hai quá trình

Print Friendly and PDF

17.11.21

Sau COP26, hướng tới một sự hoà hoãn giữa TQ và Hoa Kỳ?

SAU COP26, HƯỚNG TỚI MỘT SỰ HOÀ HOÃN GIỮA TRUNG QUỐC VÀ HOA KỲ?

Pierre-Antoine Donnet

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Joe Biden. (Nguồn: I24News)

Thỏa thuận về khí hậu được thông qua tại Glasgow vào hôm thứ Bảy ngày 13 tháng 11 đã dấy lên nhiều thất vọng. Không có cam kết về loại bỏ nguồn năng lượng hóa thạch, cũng như về tài trợ “những mất mát và thiệt hại” cho các nước đang phát triển, nạn nhân của những thảm họa khí hậu không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hai tuần diễn ra hội nghị này ở Scotland đã cho ra đời một thỏa thuận bất ngờ khác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu. Một thông cáo báo chí vừa cho biết sẽ có một hội nghị thượng đỉnh ảo sắp tới, đi đôi với hội nghị thượng đỉnh Glasgow, giữa Joe Biden và Tập Cận Bình dự kiến ​​diễn ra vào ngày thứ Hai, 15 tháng 11, bổ sung thêm cho một ngôn từ ít hung hăng hơn của Trung Quốc, so với thường lệ. Liệu mối quan hệ giữa hai siêu cường thế giới có hướng tới một sự hoà hoãn chăng?

Hội nghị COP26 đã khởi đầu tồi tệ giữa Washington và Bắc Kinh. Khi hiện diện tại Glasgow vào buổi đầu Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc vào tuần trước, Joe Biden đã gọi việc người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt tại COP26 là một “sai lầm lớn”, cáo buộc ông Tập đã “quay lưng” với cuộc khủng hoảng về khí hậu. Rồi thông báo vào hôm thứ Tư tuần này, ngày 10 tháng 11, đã khiến mọi người bất ngờ. Hai nước phát thải khí nhà kính lớn thứ nhất thế giới sẽ hợp lực cùng nhau. Đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc, Xie Zhenhua [Giải Chấn Hoa], đã thông báo với báo chí rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đồng ý về một “tuyên bố chung về tăng cường hành động vì khí hậu. Cả hai bên đều nhận thức rõ khoảng cách giữa các nỗ lực hiện tại và các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.”

Print Friendly and PDF

14.11.21

Cách khắc phục những thất hứa về tài chính khí hậu

CÁCH KHẮC PHỤC NHỮNG THẤT HỨA VỀ TÀI CHÍNH KHÍ HẬU

Cần có nhiều tiền hơn để giúp các nước khó khăn hơn giảm thiểu và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Tác giả: Jocelyn Timperley

Một căn nhà tạm bợ bị hư hại gần sông Meghna ở Bangladesh, trong một khu vực ven biển bị đe dọa bởi sạt lở và mực nước mặn dâng cao trong đất. Ảnh: Zakir Hossain Chowdhury / Barcroft Media / Getty

Mười hai năm trước, tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Copenhagen, các quốc gia giàu có đã đưa ra một cam kết quan trọng. Họ hứa sẽ chuyển 100 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho các quốc gia khó khăn hơn vào năm 2020, để giúp các nước này thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu sự gia tăng nhiệt độ.

Họ đã thất hứa. Số liệu cho năm 2020 vẫn chưa có và những người đàm phán cam kết đó không đồng ý về phương pháp kế toán, nhưng một báo cáo năm ngoái cho UN[1] kết luận rằng “các kịch bản thực tế duy nhất” cho thấy mục tiêu 100 tỷ đô la là ngoài tầm tay. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres thừa nhận: “Chúng ta vẫn chưa đạt đến đó”.

Thất vọng vì thất bại này đang góp phần làm gia tăng căng thẳng trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 quan trọng vào tháng tới ở Glasgow, Vương quốc Anh. Ông Saleemul Huq, Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Biến đổi Khí hậu và Phát triển tại Dhaka cho biết: “Vào thời điểm chúng ta đến Glasgow, nếu họ không cung cấp cho chúng ta 100 tỷ đô la nữa [cho năm 2021], thì họ hoàn toàn không thể hoàn thành các nghĩa vụ của họ”.

Print Friendly and PDF

12.11.21

Sinh thái của họ và sinh thái của chúng ta

“ĐỪNG VƯƠN LÊN ĐỨNG TRÊN NHỮNG NGƯỜI KHÁC

SINH THÁI CỦA HỌ VÀ SINH THÁI CỦA CHÚNG TA

Là người dự cảm tương lai, triết gia André Gorz đã dự đoán, trong bài báo này được công bố năm 1974, rằng các ngành công nghiệp, các nhóm tài chính – nói tóm lại là chủ nghĩa tư bản – sẽ sử dụng lại và chuyển hướng nội hàm ban đầu của từ sinh thái.

Tác giả: André Gorz

NÓI ĐẾN sinh thái, là như nói đến phổ thông đầu phiếu và sự nghỉ ngơi ngày chủ nhật: trong một giai đoạn đầu, tất cả những nhà tư sản và những người ủng hộ trật tự nói với bạn rằng bạn muốn họ bị phá sản, muốn chủ nghĩa vô chính phủ và chính sách ngu dân thắng lợi. Rồi trong một giai đoạn thứ hai, khi tình thế bắt buộc và áp lực của dân chúng trở nên không cưỡng lại được, họ ban cho bạn cái mà họ đã từ chối bạn trước đây, và một cách căn bản, không có gì thay đổi cả.

Việc tính đến những yêu cầu về sinh thái duy trì nhiều đối thủ trong giới chủ. Nhưng xu hướng này đã có khá nhiều người thuộc phe tư bản ủng hộ, do đó việc các các tập đoàn tài phiệt chấp nhận nó rất có khả năng xảy ra. Thế thì tốt hơn hết, ngay từ bây giờ, không chơi trò tốn tìm: cuộc chiến đấu vì sinh thái không phải là một cứu cánh tự thân, đó là một giai đoạn. Cuộc chiến đấu này có thể gây khó khăn cho chủ nghĩa tư bản và buộc nó phải thay đổi; nhưng, sau khi đã chống cự một cách lâu dài bằng sức mạnh và mưu mô, khi chủ nghĩa tư bản cuối cùng lại sẽ qui hàng vì ngõ cụt sinh thái sẽ là điều không tránh khỏi, nó sẽ tiếp nhận yêu cầu này như nó đã tiếp nhận tất cả những yêu cầu khác.

Do đó, phải đặt câu hỏi một cách thẳng thắn ngay từ đầu: chúng ta muốn gì? Một chủ nghĩa tư bản thích nghi với những yêu cầu về sinh thái hay một cuộc cách mạng kinh tế, xã hội và văn hóa hủy bỏ những bó buộc của chủ nghĩa tư bản, và cũng từ đó thiết lập một mối quan hệ mới giữa con người và tập thể, với môi trường của họ và với thiên nhiên? Cải cách hay cách mạng?

Nhất thiết đừng trả lời rằng câu hỏi này là phụ và điều quan trọng là không phá hỏng hành tinh đến độ không ở được. Bởi vì sự sống còn cũng không phải là một cứu cánh tự thân: có đáng để sống còn [như Ivan Illich đã tự hỏi] trong “một thế giới đã biến thành bệnh viện toàn cầu, trường học toàn cầu, nhà tù toàn cầu ở đó nhiệm vụ của những kỹ sư tâm hồn là tạo nên những con người thích nghi với điều kiện này”? (…)

Tốt hơn là nên cố gắng xác định, ngay từ đầu, ta chiến đấu điều gì chứ không chỉ chống lại điều gì. Và nên thử nhìn thấy trước chủ nghĩa tư bản sẽ bị tác động và thay đổi như thế nào do những bó buộc về sinh thái, hơn là tin rằng những bó buộc này sẽ làm cho chủ nghĩa tư bản biến mất, không gì khác hơn.

Print Friendly and PDF