CÁC CON ĐƯỜNG TƠ LỤA MỚI TỚI ĐÂU RỒI, NÓI MỘT CÁCH CHÍNH XÁC?
Jean-Raphaël Chaponnière
Các quan chức Iran hoan nghênh chuyến tàu lửa đầu tiên nối Trung Quốc với Iran từ con đường tơ lụa cũ vào ngày 15 tháng 2 năm 2016 tại ga đường sắt Tehran (Ảnh: AFP PHOTO / STRINGER) |
Vào năm 2013, Tập Cận Bình đã công bố ở Kazakhstan “phiên bản đường bộ” của “Các con đường tơ lụa mới” (“Vành đai”). Vài tháng sau, ông trình bày “phiên bản đường biển” (“Con đường”) ở Jakarta. Kể từ khi có những tuyên bố đó, tên gọi tắt bằng tiếng Anh đã biến đổi. Đầu tiên, là OBOR (ký hiệu những chữ đầu của One Belt One Road – Một vành đai, một con đường), tên gọi này quá tập trung vào lợi ích của Trung Quốc và, đối với những kẻ độc mồm, cụm từ OBOR được dịch thành “Our Bulldozers, Our Rules [Xe ủi đất của chúng tôi, luật chơi của chúng tôi]”. Vì thế, Bắc Kinh đã chuyển dần sang một tên gọi khiêm tốn hơn Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, Belt and Road Initiative). Có giá trị đối với tất cả các phương thức – đường sắt, hàng hải, đường bộ, kỹ thuật số và hàng không – BRI phát triển dọc theo hai trục, mỗi trục có các biến thể khác nhau. Trục thứ nhất đi qua Trung Á và đi tiếp đến châu Âu, qua Nga hoặc qua Iran, và đồng thời với Tuyến đường phía Bắc (Bắc cực). Trục thứ hai chia thành ba hành lang (Pakistan đến cảng Gwadar, Miến Điện đến cảng Kyaukphyu, Lào đến Singapore), và được mở rộng bằng một tuyến đường biển đến Piraeus, để từ đó tiếp tục đến Trung Âu. BRI không giới hạn ở các cơ sở hạ tầng mà còn kết hợp xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất điện và thậm chí cả các dự án khách sạn.