PHAN CHÂU TRINH – VIỆT NAM – và NHẬT BẢN
Nguyễn Xuân Xanh
Lời nói đầu. Kinh tế Việt Nam đang chạm mức “to be or not to be”, tồn tại hay không tồn tại, có thể cất cánh hay không theo những con rồng châu Á? Không ai dám trả lời, hoặc sẽ trả lời không. Tại sao, đó là điều chúng ta cần suy nghĩ. Lịch sử thường giúp chúng ta soi sáng những câu hỏi tại sao. Quyển sách Phan Châu Trinh của cố học giả Vĩnh Sính, vừa được nhà xuất bản Trẻ cho ra mắt, quyển sách đã gây ấn tượng mạnh lên tôi chín năm trước, là cơ hội để chúng ta nhìn lại Việt Nam trong thời khó khăn nhất để giúp chúng ta có thể hiểu thêm tình hình hôm nay. Phan Châu Trinh chỉ ra rốt ráo những khuyết tật của người Việt Nam trong tinh thần hiểu biết, cảm thương và xây dựng. Diễn thuyết xong, có lần ông nói: “Anh em ta hãy gắng mà làm đi”, thay đổi đi.
Mặt khác, năm nay, 2018, cũng là năm kỷ niệm 150 năm Nhật Bản tiến hành cuộc đại cải cách Minh Trị Duy Tân (1868). Tại sao hai dân tộc “đồng văn, đồng chủng” lại phát triển hoàn toàn khác nhau? Có phải do “ngẫu nhiên” mà người Nhật thức tỉnh và thành công không? Thưa không. Nhật Bản có những nhân tố vô cùng thuận lợi do con người kiến tạo, khiến họ nhanh chóng thực hiện được cải cách, trong khi Việt Nam không. “Đồng văn, đồng chủng” nhưng không đồng phát triển. Sự khác biệt to lớn lắm. Câu hỏi: Tại sao?
Tại Hàn Quốc, năm 1962, khi lên nắm quyền, cựu tổng thống Park Chung Hee đã cho rằng đất nước đang lâm vào một cuộc khủng hoảng con người, và cần phải tiến hành một cuộc cách mạng con người (human revolution), làm lại con người, thì mới xây dựng được một xã hội mới. Con người đã bị hư hỏng quá rồi. Ông viết:
Không có cách nào cho cuộc hồi sinh quốc gia hay sao? Không có con đường nào để tu sửa tính cách quốc gia đang bị suy sụp và xây dựng lại một nhà nước phúc lợi, dân chủ và lành mạnh hay sao?
Không có cách nào sao để thực hiện cuộc “cách mạng con người” để cho dân tộc chúng ta có thể chấm dứt thói nói dối, vứt bỏ những thói quen nịnh bợ, lười biếng, và làm một sự khởi đầu mới như những người lao động siêng năng, thực hiện cải cách xã hội và xây dựng một quốc gia không có người nghèo, một đất nước phồn vinh và giàu có?
Phải có một cách nào. Trước mặt nhân dân chúng ta đang bị vây hãm bởi thống khổ và gian truân, phải có một sự khôi phục lại. “Hãy gõ cửa, và xem kia, cửa đang mở.”
Trước hết chúng ta phải suy nghĩ về những di sản độc hại của quá khứ, thủ tiêu thói tranh chấp bè phái từ triều đại Yi (Choson) và tâm tính nô lệ, hệ quả của sự cai trị thực dân của Nhật Bản, và thiết lập vững chắc một Bộ đạo đức quốc gia. Không có một cuộc cách mạng con người, không thể có sự tái thiết xã hội.
Thập niên hiện tại của lịch sử thế giới là một thời kỳ của “thức tỉnh cho các quốc gia chậm tiến”, một thời đại của sự cạnh tranh kinh tế quanh các khu vực này. Đối với nhân dân chúng ta, thời kỳ hiện tại cung cấp một cơ hội tuyệt vời để thực hiện một cuộc phục hưng quốc gia. (nhấn mạnh của tôi)
Một sự lựa chọn khó khăn đang chờ đón chúng ta − hoặc sử dụng cơ hội này cho lợi ích tốt nhất, hoặc để bị kéo về vùng nước xoáy của thảm họa quốc gia. Một bên là sự tái thiết, một bên là sự đổ nát. Làm một quyết định đúng đắn vào thời điểm này là phép thử sống còn cho vận mệnh quốc gia.
Nhất định phải có một con đường cho quốc gia chúng ta − một xa lộ rộng lớn và thênh thang.