MƯỜI ĐIỂM VỀ CÁC KIM LOẠI CHIẾN LƯỢC
Trong các công nghệ có khả năng đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng, nguyên liệu trọng yếu đóng vai trò then chốt. Vào thời điểm mà châu Âu đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào các chuỗi giá trị nước ngoài, vì sao các kim loại này lại là chất xúc tác đối với mọi tình hình căng thẳng?
Quay trở lại 10 điểm tổng hợp về các nguồn tài nguyên này ở trung tâm cuộc đối đầu giữa các chủ nghĩa tư bản chính trị.
Emmanuel Hache và Valérie Mignon
1 — Các loại kim loại khác nhau là gì?
Ngay cả khi không có sự phân loại địa chất hoàn hảo nào về kim loại, chúng ta có thể gộp các kim loại đó thành bốn loại chính:[1]
• Kim loại cơ bản: nhôm, crom, đồng, thiếc, sắt, ma-giê, mangan, chì, niken, titani, kẽm;
• Kim loại quý: bạc, iridi, vàng, osmi, palađi, bạch kim, rhodi, rutheni;
• Actini, tương ứng với các kim loại năng lượng hạt nhân: plutoni, thori, urani;
• Kim loại chuyên biệt: tất cả các kim loại khác.
Chúng ta cũng có thể phân biệt các kim loại đó theo sự tồn tại của chúng trong lớp vỏ trái đất, được đo bằng đơn vị phần triệu (ppm). Về mặt này, chúng ta phân biệt:
• Kim loại dồi dào: là những kim loại có hàm lượng lớn hơn 1000 ppm (0,1%) như nhôm, canxi, sắt, ma-giê, kali, silic, natri và titani;
• Kim loại hiếm hoặc ít dồi dào: đây là những kim loại có số lượng nhiều nhất, có hàm lượng tồn tại trong lớp vỏ trái đất nằm trong khoảng từ 1 đến 1000 ppm (coban, đồng, molypden, niken, chì, vonfram, kẽm);
• Kim loại rất hiếm: hàm lượng dưới 1 ppm; loại này bao gồm các kim loại quý (bạc, vàng và sáu kim loại thuộc platinoid – iridi, osmi, palađi, bạch kim, rhodi và rutheni), cũng như antimon, indi và seleni.
Điều quan trọng nữa là không nên nhầm lẫn giữa kim loại hiếm với đất hiếm. Thực vậy, đất hiếm là loại nguyên liệu ít hiếm hơn so với tên gọi của nó, do mật độ của nó trong lớp vỏ trái đất cao hơn mật độ của vàng hoặc bạc; tính hiếm của nó xuất phát từ sự khó khăn kinh tế trong việc khai thác nó và những hậu quả về môi trường của việc khai thác nó. Đất hiếm liên quan đến một tập hợp gồm 17 nguyên tố hóa học (scandi, ytri và mười lăm lanthanide) có phản ứng hóa học khá mạnh và có những thuộc tính điện từ khiến nó trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong việc chế tạo các sản phẩm công nghệ cao. Đất hiếm thường được coi là vitamin của các nền kinh tế hiện đại, vì việc khai thác nó cho phép đạt được một hiệu quả sản phẩm cao hơn đối với những công nghệ sử dụng nó.
Đất hiếm thường được coi là vitamin của các nền kinh tế hiện đại, vì việc khai thác nó cho phép đạt được một hiệu quả sản phẩm cao hơn đối với những công nghệ sử dụng nó.
Emmanuel Hache và Valérie Mignon