31.7.19

Điều gì đã thật sự xảy ra ở Bretton Woods

ĐIỀU GÌ ĐÃ THỰC SỰ XẢY RA Ở BRETTON WOODS
Bảy mươi lăm năm trước, hiệp ước Bretton Woods năm 1944 đã ra đời không phải từ một quá trình hợp tác quốc tế tuyệt vời. Đó là kết quả của hai năm đàm phán và tranh đấu khốc liệt giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc, vì sự thống trị nền kinh tế thế giới.
Người ta lưu truyền một huyền thoại trong các giảng đường và các sách giáo khoa kinh tế: cách đây vừa đúng sáu mươi năm, 44 nước đã nhóm họp tại Bretton Woods, Hoa Kỳ, để điều tiết nền tài chính toàn cầu. Một cách thực hành tuyệt vời sự hợp tác quốc tế, một khoảnh khắc huyền thoại, đã tạo ra Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới. Và là thứ mà chúng ta nên tìm lại tinh thần đó để thực thi một “Bretton Woods mới” nhằm đối phó với những rối loạn hiện nay về sự toàn cầu hóa tài chính.
Thực ra, chưa hề xảy ra điều gì như thế. Hội nghị Bretton Woods chỉ là kết quả của những cuộc đàm phán kiên trì, được tiến hành từ năm 1942, giữa chỉ hai nước mà thôi, Hoa Kỳ và Anh Quốc. Kết quả đó là thành quả của những trận chiến, lớn nhỏ, mà hai siêu cường này đã lao vào vì sự thống trị nền kinh tế thế giới. Chúng ta thử quay trở lại với những gì đã thực sự xảy ra tại Bretton Woods.
Print Friendly and PDF

29.7.19

Lí thuyết hệ thống thế giới của Immanuel Wallerstein

Immanuel Wallerstein (1930-)

LÝ THUYẾT HỆ THỐNG THẾ GIỚI CỦA IMMANUEL WALLERSTEIN

Cosma Sorinel
Phân tích các hệ thống-thế giới không phải là một lý thuyết, mà là một cách tiếp cận để phân tích xã hội và thay đổi xã hội do nhiều học giả phát triển, trong đó có Immanuel Wallerstein lừng danh. Giáo sư Wallerstein phân tích các hệ thống-thế giới[1] theo 3 hướng: sự phát triển lịch sử của hệ thống-thế giới hiện đại; cuộc khủng hoảng đương đại của nền kinh tế-thế giới tư bản chủ nghĩa; các cấu trúc của tri thức. Nhà phân tích người Mỹ bác bỏ ý niệm “Thế giới Thứ ba”, ông cho rằng chỉ có một thế giới được kết nối bởi một mạng lưới quan hệ trao đổi kinh tế phức tạp. Hệ thống thế giới của chúng ta được đặc trưng bởi các cơ chế mang lại sự tái phân phối các nguồn lực từ khu vực ngoại vi đến khu vực trung tâm. Cách tiếp cận phân tích của ông đã tạo ra một tác động đáng kể và thiết lập một cơ sở về thể chế đóng góp cho cách tiếp cận chung.
Hệ thống thế giới, các khu vực trung tâm, bán-ngoại vi, ngoại vi, bên ngoài hệ thống
Lý thuyết hệ thống-thế giới là một quan điểm xã hội học vĩ mô nhằm tìm cách giải thích cơ năng (dynamics) của “nền kinh tế thế giới tư bản chủ nghĩa” là một “hệ thống xã hội tổng thể”. Lý thuyết hệ thống-thế giới là cả một nỗ lực chính trị và đầy trí tuệ. Lý thuyết này vừa thuộc về các lĩnh vực xã hội học lịch sử vừa thuộc về lịch sử kinh tế. Ngoài ra, vì nhấn mạnh vào sự phát triển và các cơ hội không đồng đều giữa các nhà nước, lý thuyết hệ thống thế giới đã được các nhà lý thuyết phát triển và những người thực thi lý thuyết phát triển theo đuổi.
Print Friendly and PDF

27.7.19

Vật lý học giải cứu kinh tế học


VẬT LÝ HỌC GIẢI CỨU KINH TẾ HỌC
Damien Challet, CentraleSupélec
Sử dụng những hệ thống phức hợp để mô tả sự bất ổn của nền kinh tế, đề xuất những mô hình mới và ngăn ngừa một số cuộc khủng hoảng: đó là thách thức mà một số nhà kinh tế và nhà vật lý phải đối mặt. Để làm được việc đó, cách tiếp cận đa ngành của họ dẫn đến việc sử dụng những công cụ của tâm lý học, khoa học thần kinh và vật lý thống kê.
Các mô hình hiện tại không nắm bắt được sự phức hợp của kinh tế học.
Nếu có một lĩnh vực phức tạp, thì đó là kinh tế học. Các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đã góp phần làm giảm niềm tin của các chính trị gia và công chúng vào các mô hình kinh tế. Và vì một lý do đúng đắn: những mô hình các ngân hàng trung ương, vào thời điểm cuộc khủng hoảng năm 2008, đã không tính đến ảnh hưởng của các thị trường tài chính lên nền kinh tế thực và, dù thế nào đi nữa, các mô hình tài chính thường dùng cũng không mô tả các cuộc khủng hoảng. Phải nói rằng dòng chính kinh tế thống trị, được gọi là tân cổ điển, xóa bỏ tính phức tạp kinh tế và động thái của nó khi xem chúng ta như những chiếc máy tính tất cả giống hệt nhau và hoàn hảo. Nói tóm lại, chúng ta là những con người duy lý, đến đỗi kết quả những ngẫm nghĩ của chúng ta sẽ luôn luôn là kết quả tối ưu.
Print Friendly and PDF

25.7.19

Kinh tế học cú sốc


KINH TẾ HỌC CÚ SỐC

Một lý thuyết mới bắt nguồn từ vật lý học cổ điển cho phép các nhà khoa học dự đoán các nền kinh tế trên toàn thế giới phản ứng như thế nào trước những bất ổn lớn như Cuộc Đại Suy thoái năm 2008 hay trước các loại thuế quan của Trump.
TRUNG TÂM KHOA HỌC PHỨC HỢP VIENNA
[Vienna, tháng 4 năm 2019] Một cú sốc đẩy các nền kinh tế ra khỏi trạng thái cân bằng. Kinh tế học vĩ mô hiện đại vẫn dựa trên giả định cân bằng. Điều này khiến cho kinh tế học vĩ mô thất bại trong việc đối phó với các nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng. Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Khoa học Phức hợp Vienna (the Complexity Science Hub Vienna - CSH) hiện đang đề xuất một phương pháp mới mượn từ vật lý học, lần đầu tiên giúp tính toán được các tác động của những sự kiện lớn lên các nền kinh tế mất cân bằng. Bài báo của họ đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Phương pháp mới này đóng góp vào các mô hình kinh tế hiện tại theo nhiều cách.
Print Friendly and PDF

23.7.19

Các nhà kinh tế chia sẻ sự lên án chiều hướng ‘quái dị’ của Trung Quốc


CÁC NHÀ KINH TẾ CHIA SẺ SỰ LÊN ÁN CHIỀU HƯỚNG ‘QUÁI DỊ’ CỦA TRUNG QUỐC

Các trí thức Tây phương bây giờ phải tìm cách ngăn chặn Bắc Kinh

Janos Kornai[*]
Phong cách lãnh đạo của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ‘gợi nhớ thời Stalinist’. Ảnh: © AP
Các lãnh đạo Trung Quốc hiện đại sẽ không thoả mãn với việc biến nước họ thành một trong những cường quốc của thế giới đa cực. Mục tiêu của họ là trở thành lãnh đạo bá quyền của thế giới.
Ý tưởng, tất nhiên, không phải là đóng quân Trung Quốc ở mọi nơi. Các công cụ thống trị sẽ khác nhau ở mỗi nước, hệt như trong đế quốc Anh xưa kia. Một số nước theo nghĩa đen sẽ dưới sự chiếm đóng quân sự. Ở nơi khác sẽ là đủ để hình thành các chính phủ phục tùng các ý muốn Trung Quốc.
Những sự thay đổi gây ớn lạnh đang xảy ra bên trong Trung Quốc. Cựu lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đã né câu hỏi về chủ nghĩa tư bản đối lại chủ nghĩa cộng sản, bằng cách nói: “Mèo trắng mèo đen không quan trọng miễn là bắt được chuột.”
Nhưng nó là quan trọng cho lãnh tụ Trung Quốc hiện thời, Tập Cận Bình. Ông ta muốn Trung Quốc quay lại hệ thống cộng sản cổ điển. Phong cách của ông gợi nhớ lại thời Stalinist. Địa vị của Đặng với tư cách lãnh tụ tối cao đã không được luật hoá trong hệ thống pháp lý. Nhưng ông Tập đã thay đổi luật để cho phép ông làm chủ tịch suốt đời.
Print Friendly and PDF

21.7.19

Nghệ thuật kể chuyện định hình chiến lược kinh tế như thế nào?


NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN ĐỊNH HÌNH CHIẾN LƯỢC KINH TẾ NHƯ THẾ NÀO?
Johan Fourie
Việc kể chuyện đã có từ lâu đời như lịch sử của nền văn minh. Những câu chuyện được kể xung quanh ngọn lửa, trong các văn bản tôn giáo và những quyển sách dành cho thiếu nhi cho chúng ta biết căn tính (identity), và khắc ghi vào tâm khảm của chúng ta những chuẩn mực và giá trị để giúp chúng ta hiểu về thế giới xung quanh.
Những nhà kinh tế bắt đầu hiểu rằng các câu chuyện cũng định hình hành vi, và vì thế chúng định hình những kết quả kinh tế. Trong một bài báo cáo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Bureau of Economic Research-NBER), nhà kinh tế tài chính và là khôi nguyên của giải [về kinh tế học để tưởng nhớ] Nobel năm 2013 Robert Shiller kêu gọi nghiên cứu về ‘các tự sự kinh tế’. Ông cho rằng cách mà chúng ta nói về những sự kiện, ví dụ như cuộc Đại Khủng hoảng (những năm 1930), Đại Suy thoái (2007-09) hoặc các chính sách kinh tế của Tổng thống Trump ngày nay đã ảnh hưởng (hoặc sẽ ảnh hưởng) đến các kết quả của những sự kiện này. Ông giải thích rằng những chu kỳ kinh tế không thể chỉ được giải thích bằng tính duy lý của các con số. Những câu chuyện mà chúng ta kể, và cách mà những câu chuyện này lan truyền cũng rất quan trọng.
Print Friendly and PDF

19.7.19

Thời đại Khai sáng ở châu Âu (1): Trào lưu khai sáng xuất phát từ đâu?

Giới thiệu: Không có một thời đại nào trong lịch sử tư tưởng loài người cho đến hôm nay lại mang tính thời sự, đồng thời gây ra nhiều giải thích khác nhau thậm chí mâu thuẫn nhau như thời đại khai sáng. Nhưng dù với xu hướng nào, cũng không ai nghi ngờ rằng, thế giới hiện đại như chúng ta thấy hôm nay được bắt đầu bằng những thành quả của thời đại khai sáng. Đối với người Việt Nam, trong bối cảnh văn hóa và tư tưởng còn thuộc độc quyền nhà nước và nguồn tin tức về lịch sử văn minh phương Tây còn hạn chế, việc tìm hiểu thời đại khai sáng lại càng thú vị hơn. Cho đến cuối năm 2019, chúng tôi sẽ phổ biến chừng 10 bài về đề tài này. Xin giới thiệu với độc giả bài đầu tiên và mong được đón nhận nhiều góp ý, phê bình của độc giả.
THỜI ĐẠI KHAI SÁNG Ở CHÂU ÂU (1):
TRÀO LƯU KHAI SÁNG XUẤT PHÁT TỪ ĐÂU?
Tác giả: Tôn Thất Thông
Rồi sẽ đến một lúc, ánh mặt trời trên quả đất chỉ tỏa sáng cho những con người tự do, những người không thừa nhận bất cứ ai là chủ nhân, ngoại trừ lý tính của chính mình. Kẻ độc tài và người nô lệ, giáo sĩ và các công cụ của họ chỉ còn hiện hữu trong sử sách và trên sân khấu kịch nghệ[1]
Marquis de Condorcet (1743-1794)
Không có một thời đại nào trong lịch sử tư tưởng loài người cho đến hôm nay lại mang tính thời sự, đồng thời gây ra nhiều giải thích khác nhau như thời đại khai sáng. Nhiều người nhìn các tư tưởng mới lạ trong thời đại khai sáng như là phương thuốc thần diệu để giải quyết các vấn nạn của thời đại đó và định hướng cho cả xã hội tương lai sau này. Người khác thì cho rằng các sáng kiến trong thời đại đó, kể cả sáng kiến của các nhân vật hàng đầu, là ảo tưởng. Một số người khác trong hai thế kỷ tiếp theo, thế kỷ 19 và 20, thì phê phán rằng, các tính chất gọi là tiến bộ của thời đại khai sáng chính là mầm mống của các vấn nạn xã hội chưa tìm được lời giải.
Print Friendly and PDF

17.7.19

Pierre Bourdieu (1930-2002)

Pierre Bourdieu (1930-2002)

PIERRE BOURDIEU (1930-2002)

Nathalie Bulle-Schmidt
Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS), Paris
Sinh tại Denguin (Pyrénées-Atlantiques), cựu sinh viên Trường đại học sư phạm (ENS), thạc sĩ triết, Bourdieu từng dạy trung học tại các đại học Alger, Paris và Lille. Ông từng là giám đốc nghiên cứu tại Trường cao học các khoa học xã hội (EHESS) và giáo sư xã hội học tại Collège de France (1981).
Xã hội học của Bourdieu có những điểm neo ở Marx, Max Weber và Durkheim. Đây là một dạng văn hoá luận (culturaliste) của tư tưởng marxist. Những đối tượng của thế giới xã hội được giả định là do những cấu trúc quan hệ được các tác nhân xã hội nội hiện hoá xác định. Các tác nhân này kết hợp các đối tượng trên trong các cấu trúc tâm trí của mình thông qua văn hoá, nghĩa là qua trung gian của tất cả các hệ thống biểu tượng: ngôn ngữ, kiểu cách, hình dạng, phong thái và tất cả những dấu hiệu thể hiện các sở thích, ý tưởng và tình cảm. Do đó họ có thiên hướng cảm nhận thực tại xã hội là tự nhiên. Thế mà khuynh hướng tâm trí của họ gắn với những vị thế nhất định và với những lợi ích đặc biệt trong không gian xã hội. Cũng như đối với Freud, cá thể “không phải là trung tâm của bản thân”. Xã hội học phải bộc lộ ý nghĩa thật sự của hành động cá nhân vốn do các cấu trúc xã hội bên ngoài xác định. Trên điểm này, động cơ của hành động xã hội là các cuộc đấu tranh, không ý thức về đối tượng thật sự của chúng, về quyền lực và sự thống trị về những khác biệt và xếp hạng cấu thành các hệ thống biểu tượng.
Print Friendly and PDF

15.7.19

Chiến tranh thương mại: sau thỏa thuận đình chiến ở Osaka là sự xói mòn của Chinamerica


CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI: SAU THỎA THUẬN ĐÌNH CHIẾN Ở OSAKA LÀ SỰ XÓI MÒN CỦA CHINAMERICA
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka ngày 29/6/2019. (Nguồn: Politico)
Một thỏa thuận đình chiến mới, và sau đó là gì? Nếu Donald Trump và Tập Cận Bình đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại, thì hình ảnh đó khó che giấu được những trở ngại để kết thúc cuộc chiến tranh thương mại. Trong khi sự đan xen giữa nền kinh tế của hai siêu cường có vẻ như khó phá vỡ, thì sự kết hợp này đang phân rã.
Tháng 5 năm 2019, phản ứng trước sự thất bại của các cuộc đàm phán song phương, Donald Trump đã tăng 25% thuế quan lên 200 tỷ US$ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Biện pháp này, được đề cập đến một năm trước đó, đã được trì hoãn vào tháng 12 năm 2018 nhân dịp Donald Trump gặp Tập Cận Bình ở Buenos Aires bên lề hội nghị G20. Cùng lúc với quyết định tăng 25% thuế quan này, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Bộ Thương mại chuẩn bị mở rộng việc tăng thuế quan lên 300 tỷ US$ các mặt hàng nhập khẩu bổ sung. Danh sách mới này bao gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng, mà cho đến giờ đã thoát được sự tăng thuế quan – như giày dép, quần áo, đồ chơi, điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính. Danh sách này ảnh hưởng đến hàng triệu mặt hàng được các đại siêu thị của Wal Mart phân phối và thường được các hộ gia đình nghèo sử dụng, những cử tri đã bầu cho Trump.
Print Friendly and PDF

13.7.19

Giá trị khai phóng của Khoa Học

GIÁ TRỊ KHAI PHÓNG CỦA KHOA HỌC

Nguyễn Xuân Xanh
Chính tính khí của bộ phận nóng nảy và mê tín của nhân loại trong những vấn đề tôn giáo luôn luôn thích thú những điều huyền bí, và vì lý do này, họ thích nhất những gì họ ít hiểu nhất.
Isaac Newton
Tương lai của nền văn minh của chúng ta tùy thuộc vào sự truyền bá rộng rãi và sự bám sâu thói quen khoa học của tinh thần.
John Dewey
Khoa học hiện đại, cũng như đại học, là sản phẩm độc nhất vô nhị của nền văn minh phương Tây không nơi nào khác có. Đó là điều vẫn còn làm ngạc nhiên với đầy cảm hứng cho những ai suy nghĩ về nó. Nếu nói rằng nền khoa học có cái nôi ở Hy Lạp cổ đại, điều đó đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Bởi vì, tuy Hy Lạp có một nền văn minh khoa học sáng chói hơn bất cứ nơi đâu, nhưng không phải nền văn minh đó đã phát triển suôn sẻ theo đường thẳng từ Cổ đại qua Trung cổ, đến Phục Hưng và Hiện đại, mà nó đã phải trải qua những giai đoạn chấn động, được “thương yêu và ghét bỏ”. Nhưng cuối cùng, những con người được lớn lên trong truyền thống yêu chân lý, đi tìm chân lý không khoan nhượng, luôn luôn gìn giữ lý tính trong sáng không để nó bị “mua chuộc” hay thối nát, đã khám phá ra được khoa học hiện đại.
Print Friendly and PDF

11.7.19

Trung Quốc trong bão táp


TRUNG QUỐC TRONG BÃO TÁP
Trung Quốc muốn thách thức ưu thế vượt trội của Hoa Kỳ trong các ngành công nghệ mũi nhọn, nhưng môi trường kinh tế đã kém thuận lợi hơn so với trước đây để họ vươn lên thành cường quốc.
Ngày 22 tháng năm vừa qua, khi gợi lại viễn cảnh một cuộc trường chinh mới, Chủ tịch Tập Cận Bình rõ ràng đã nhấn mạnh đến cường độ của những thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt ngày nay. Thật vậy, những biện pháp quyết liệt của chính quyền Trump trong lĩnh vực thuế quantăng 25% thuế quan lên phân nửa các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ –, cùng với việc chống lại Huawei, doanh nghiệp hàng đầu thế giới về các thiết bị viễn thông và triển khai mạng 5G trong tương lai, đang đe dọa không chỉ các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc mà còn cả sự tham gia của các doanh nghiệp Trung Quốc trong chuỗi các giá trị toàn cầu[1].
Nói một cách cơ bản hơn, chủ nghĩa tân trọng thương của Mỹ[2] có vẻ như được thúc đẩy bởi mong muốn duy trì ưu thế vượt trội về công nghệ của Hoa Kỳ hơn là các động cơ thương mại. Một tham vọng mà, đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng nghĩa với việc muốn kiềm chế sự trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc.
Print Friendly and PDF

9.7.19

Sự hình thành của giai cấp siêu tư sản

Một giai cấp mới đang chiếm lĩnh những đòn bẩy của quyền lực
SỰ HÌNH THÀNH CỦA GIAI CẤP SIÊU TƯ SẢN
Denis Duclos
Khi đề cập đến chế độ tư bản toàn cầu hóa, ta thường hay nghĩ đến một nhúm tỷ phú thống trị toàn cầu. Tuy nhiên, những người này không thể nào nắm toàn bộ những đòn bẩy của quyền lực. Sự toàn cầu hóa đi đôi với sự hình thành một thành phần tư sản mới làm thuê mà những tham vọng đe dọa những giai cấp trung lưu dân tộc. Nhưng giai cấp mới này có thể đảm bảo cho sự tồn vong của chế độ không nếu không được nuôi dưỡng bởi cái nền văn hóa chính trị và công dân của những thành phần tư sản truyền thống?
Khi mà 90% dân số trên trái đất sẽ lệ thuộc cùng những người chủ được biết đến, những người này sẽ phải sống trong sự sợ hãi về một cuộc nổi dậy không thể tránh được. Do đó vấn đề cốt tử đối với chế độ tư bản, ở thời điểm của sự toàn cầu hóa, là sự lớn mạnh của một thành phần siêu tư sản tương ứng với thế lực mới của họ, và thế lực mới này sẽ phải xác lập những quan hệ hòa nhã với những thành phần khác của xã hội.
Print Friendly and PDF

8.7.19

Kinh tế học hậu chủ nghĩa tân tự do (1)


KINH TẾ HỌC HẬU CHỦ NGHĨA TÂN TỰ DO (1)
Kinh tế học đương thời cuối cùng cũng thoát khỏi chủ nghĩa tôn sùng thị trường, cung cấp nhiều công cụ mà chúng ta có thể sử dụng để làm cho xã hội trở nên cởi mở hơn.
Suresh Naidu, Dani Rodrik, Gabriel Zucman
Ghi chú của ban biên tập: Diễn đàn này là một phần của của dự án đặc biệt của Boston Review mang tên Democracy’s Promise (Triển vọng của nền dân chủ).
Chúng ta sống trong thời đại bất bình đẳng đáng kinh ngạc. Chênh lệch về thu nhập và của cải ở nước Mỹ đã chạm những mốc cao chưa từng thấy kể từ Thời Đại Kim Tiền (Gilded Age)[*] và tình trạng chênh lệch này ở nước Mỹ thuộc nhóm cao nhất trong thế giới các nước phát triển. Tiền lương trung vị của người lao động Mỹ dậm chân tại chỗ trong gần 40 năm. Ngày càng ít người Mỹ trẻ tuổi có thể kỳ vọng rằng đời họ sẽ khởi sắc hơn đời cha mẹ họ. Chênh lệch về của cải và sự thịnh vượng giữa các chủng tộc tồn tại dai dẳng khó vãn hồi. Vào năm 2017, tuổi thọ ở Mỹ đã giảm liên tục trong ba năm liền, và sự phân bổ nguồn lực chăm sóc sức khỏe có vẻ vừa không hiệu quả vừa thiếu công bằng. Những tiến bộ về tự động hóa và số hóa hăm he những xáo trộn ở thị trường lao động thậm chí còn to tác hơn trong những năm tới. Thiên tai do biến đổi khí hậu ngày càng làm xáo trộn cuộc sống thường nhật.
Print Friendly and PDF

5.7.19

Campuchia và "Con đường tơ lụa mới": cơ sở hạ tầng được trả bằng giá của một chủ nghĩa tư bản trục lợi

CAMPUCHIA VÀ “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA MỚI”: CƠ SỞ HẠ TẦNG ĐƯỢC TRẢ BẰNG GIÁ CỦA MỘT CHỦ NGHĨA TƯ BẢN TRỤC LỢI
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường [Li Keqiang] tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 22/1/2019. (Nguồn: AsiaTimes)
Về nghệ thuật thích nghi với sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Hun Sen hoan nghênh việc ông tham gia diễn đàn lần thứ hai về các “Con đường tơ lụa mới, tại Bắc Kinh vào ngày 25 và 26 tháng 4 vừa qua. Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc Trung Quốc đóng góp vào sự phát triển của Campuchia, khi đặc biệt dẫn ra Đặc khu kinh tế Sihanoukville và con đường cao tốc sẽ kết nối Sihanoukville với Phnom Penh trong tương lai. Ngăn ngừa trước sự phản đối, ông đã gạt bỏ nguy cơ Campuchia rơi vào bẫy nợ. Trong thực tế, Campuchia là nước hưởng lợi quan trọng trong sáng kiến ​​này của Trung Quốc, ngay cả khi Campuchia không có được một vị trí chiến lược trên những con đường này, vì các lý do về mặt địa lý.
Print Friendly and PDF

3.7.19

Thị trường tranh chấp được


THỊ TRƯỜNG TRANH CHẤP ĐƯỢC
Contestable market
Giải Nobel: STIGLER, 1982
Mọi thị trường còn đón nhận được những nhà sản xuất mới có khả năng cạnh tranh về mặt kĩ thuật trên một thế hoàn toàn bình đẳng với những nhà sản xuất đã có mặt trước đó, là một thị trường tranh chấp được, nghĩa là một thị trường trên đó giá không thể được xác lập lâu dài trên mức chi phí cận biên, miễn là mỗi bên tham gia cũng có thể rút ra khỏi thị trường mà không phải gánh chịu những chi phí được gọi là không thu hồi được (sunk costs).
Bằng cách chứng minh là, trong những điều kiện trên, cường độ của cạnh tranh không tất yếu phụ thuộc vào số những doanh nghiệp đối thủ, không thể phủ nhận là W. Baumol, J. C. Panzar và R. Willig (sau đây được viết tắt là BPW) đã góp phần làm phong phú phân tích lí thuyết về hoạt động của các thị trường và đẩy mô hình của lí thuyết tân cổ điển truyền thống xuống hàng trường hợp đặc biệt của một cách tiếp cận tổng quát hơn của lí thuyết tĩnh về cạnh tranh. Nếu, tất nhiên, thiết kế tri thức này không tránh được nhiều phê phán nghiêm trọng thì nó cũng cung cấp được nhiều điểm mốc cho những giới chức, trong hầu hết những nước phát triển, được giao trách nhiệm theo dõi việc duy trì một mức độ cạnh tranh đủ trên các thị trường.
Print Friendly and PDF

1.7.19

Sự kiện xã hội và sự kiện tâm lý (1895)


SỰ KIỆN XÃ HỘI VÀ SỰ KIỆN TÂM LÝ (1895)
Tác giả: Émile Durkheim*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
Émile Durkheim (1858-1917)

[…] Một giải thích thuần túy tâm lý về các sự kiện xã hội không thể tránh làm thất thoát tất cả những gì là đặc trưng của chúng, nghĩa là tính chất xã hội[i]. Điều đã che mắt từng ấy nhà xã hội học về sự bất cập của phương pháp này là bởi họ thường gán cho các hiện tượng xã hội một số trạng thái tâm lý tương đối xác định và đặc biệt như điều kiện quyết định, trong khi trên thực tế chúng chỉ là kết quả – nghĩa là do họ thường lấy hậu quả làm nguyên nhân. Chính do cách xử lý này mà một ý thức nào đó về tôn giáo, một sự ghen tuông tính dục tối thiểu, lòng hiếu thảo, tình yêu gia đình, v.v. đã được cho là bẩm sinh nơi con người; hơn thế nữa, cũng chính qua chúng mà người ta muốn giải thích tôn giáo, hôn nhân, gia đình. Nhưng lịch sử cho thấy rằng, khác xa với bản chất con người, các khuynh hướng này hoặc hoàn toàn vắng mặt trong một số hoàn cảnh xã hội nhất định, hoặc phơi bày nhiều biến thể khi chuyển từ xã hội này sang xã hội khác, tới mức là sau khi đã loại bỏ tất cả những khác biệt ấy, cái còn giữ lại được và duy nhất có thể được cho là có nguồn gốc tâm lý, bị giảm sút xuống tầm một thứ gì đó rất mơ hồ và sơ sài, cách biệt với những sự kiện cần giải thích một khoảng vô tận. Như vậy chính những tình cảm này là kết quả của tổ chức tập thể, chứ không phải là cơ sở của nó. Thậm chí, cái xu hướng sống hòa đồng thành xã hội ngay từ đầu cũng chưa hề được chứng minh như một bản năng bẩm sinh của loài người. Nhìn thấy ở đấy một sản phẩm của đời sống xã hội đã dần dần được tổ chức trong ta còn tự nhiên hơn nhiều, bởi vì sự quan sát cho ta thấy rằng sự kiện động vật sống hòa đồng được hay không còn tùy thuộc vào việc bố trí môi trường sống của chúng; nó buộc chúng phải sống chung hay khiến chúng sống biệt lập với nhau. [...] Sự đóng góp của tâm lý là quá tổng quát để quy định trước tiến trình của các hiện tượng xã hội. Và bởi vì nó chẳng bao hàm một hình thức xã hội này hơn là hình thức xã hội khác, nó không có khả năng giải thích bất kỳ hình thức nào cả. [...]
Print Friendly and PDF