31.12.18

CHÚC MỪNG NĂM MỚI, 2019!

Print Friendly and PDF

29.12.18

Lời tựa cho Cuộc Cạnh Tranh Chất Xám Vĩ Đại

GIỚI THIỆU và CẢM NGHĨ
Cho quyển Cuộc Cạnh Tranh Chất Xám Vĩ Đại[1]
Nguyễn Xuân Xanh
Lời nói đầu. Dưới đây là bài viết giới thiệu quyển Cuộc cạnh tranh Chất xám vĩ đại của tác giả Ben Wildavsky, người dịch: Tô Diệu Lan, của Đại học Hoa Sen và nxb Tri Thức, trong khuôn khổ kỷ niệm 200 năm Kỷ yếu Đại học Humboldt về đại học thế giới. Nay xin giới thiệu lại với độc giả. NXX (Nov2017)
(1)


Cuộc Cạnh Tranh Chất Xám Vĩ Đại (The Great Brain Race) của tác giả Ben Wildavsky, một học giả có tiếng Hoa Kỳ, là một quyển sách rất hay nếu không muốn nói là tuyệt vời, rất súc tích và uyên bác, đã vẽ lên từ rất nhiều góc cạnh khác nhau, từ những thông tin tản mạn, một bức tranh tổng thể cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút tài năng trí tuệ từ mọi miền thế giới, và sự chạy đua nâng cấp hệ thống giáo dục đại học thế giới. Quyển sách ra đời trong sự đón nhận nồng nhiệt của nhiều học giả, các tạp chí tên tuổi và giới truyền thông đại chúng. Ben Wildavsky đã cho mọi người thấy xuyên suốt và thấu đáo “toàn cầu hoá đang biến đổi nền giáo dục đại học thế giới như thế nào” (Richard Levin). Cạnh tranh kinh tế là động lực phát triển của giáo dục đại học thế giới. Cuộc chạy đua kinh tế thực chất là cuộc chạy đua khoa học công nghệ (KHCN). Các đại học tạo ra tri thức và tinh hoa cho xã hội, do đó sẽ ảnh hưởng quan trọng lên việc định hình thế giới trong thế kỷ 21. Hai trăm năm qua thực tế đã như thế, kể từ lúc đại học nghiên cứu Đức của Humboldt ra đời. Hệ thống đại học cạnh tranh còn là yếu tố “an ninh kinh tế”, và an ninh quốc phòng của một quốc gia nữa. Mất đại học cạnh tranh sẽ là một sự thua thiệt lớn lao cho kinh tế và quốc phòng.
Bản đồ đại học và KHCN thế giới sẽ từng bước được vẽ tiếp. Khắp nơi, các chính phủ đều lao vào đầu tư những số tiền khổng lồ nâng cấp các đại học thành những thể chế học thuật ‘đẳng cấp thế giới’: từ các quốc gia của châu Âu, cái nôi của đại học, như Đức, Pháp; đến các quốc gia mới nổi lên như Saudi Arab, Trung Quốc; từ châu Á đến châu Phi, châu Mỹ. Các đại học đẳng cấp thế giới có nhiệm vụ vừa đào tạo tinh hoa, tránh thất thoát chất xám, vừa thu hút chất xám thế giới. Nhiều quốc gia đã bị thất thoát chất xám, brain drain, kể cả những nước phát triển, nhưng họ cố gắng bù đắp lại bằng cách thu hút chất xám, brain gain, hay bằng cách ‘đảo ngược brain drain’ với những chiêu thức thu hút hấp dẫn.
Print Friendly and PDF

27.12.18

Ba huyền thoại của sự bùng nổ kinh tế Trung Quốc


BA HUYỀN THOẠI CỦA SỰ BÙNG NỔ KINH TẾ TRUNG QUỐC
Nhà máy sản xuất đồ chơi ở Lianyungang, tỉnh Giang Tô ở miền đông Trung Quốc.
ẢNH: Si Wei - Xinhua/Réa?
Ngày 29 tháng 12 năm 1978, cách nay gần đúng bốn mươi năm, Hội nghị toàn thể lần ba của Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 11 đã ra thông cáo chính thức. Bằng một ngôn ngữ mới (newspeak) chỉ người trong cuộc mới có thể giải mã được, các nhà lãnh đạo đất nước, từ nay phải phục tùng Đặng Tiểu Bình, người đã sống sót sau khi Mao Trạch Đông qua đời, thông báo với dân tộc và thế giới, qua giọng nói của đồng chí Hoa Quốc Phong, rằng họ quyết tâm đưa Trung Quốc tiến hành bốn hiện đại hóa chưa từng có tiền lệ. Cuộc thí nghiệm lớn nhất về sự tăng trưởng kinh tế trong lịch sử nhân loại vừa mới bắt đầu.
Trong bốn thập kỷ, Trung Quốc, một trong những nước kém phát triển nhất hành tinh, sẽ trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới (họ giành lấy vị trí này của Hoa Kỳ vào năm 2014). Tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người (GDP) của họ sẽ được nhân lên gấp 58 lần (vào năm 2018, GDP chỉ còn thấp hơn 3,4 lần so với Hoa Kỳ trong khi đại lượng gộp này thấp hơn gấp 40 lần vào năm 1980). Tóm lại: 15% nhân loại được phóng lên tới 10% mức tăng trưởng trung bình hàng năm trong bốn mươi năm.
Tất cả các mô hình lý thuyết và tất cả các cuộc tranh luận thực nghiệm của thế giới sẽ không bao giờ đạt được sức mạnh chứng minh của thí nghiệm Trung Quốc. Chúng ta học được điều gì từ kinh nghiệm đó? Nói một cách đơn giản, Trung Quốc là sự minh họa sáng tỏ nhất và rõ ràng nhất về các giới hạn cơ bản của tăng trưởng kinh tế. Nói một cách chính xác hơn, quỹ đạo phát triển chóng mặt của Trung Quốc có thể xua tan, hi vọng là vĩnh viễn, ba huyền thoại kinh tế.
Print Friendly and PDF

25.12.18

Chúng ta biết nên truyền đạo đức cho AI. Nhưng đạo đức nào?


CHÚNG TA BIẾT NÊN TRUYỀN ĐẠO ĐỨC CHO AI. NHƯNG ĐẠO ĐỨC NÀO?


 
Các máy móc có khả năng nhận thức đặt ra nhiều vấn đề đạo đức cần xem xét cẩn thận. Hình ảnh: hãng tin REUTERS

Trí tuệ nhân tạo (AI) dựa vào nguồn dữ liệu lớn và học máy cho vô số ứng dụng của nó, từ các phương tiện tự hành đến giao dịch thuật toán, và từ các hệ hỗ trợ ra quyết định lâm sàng đến khai phá dữ liệu. Sự sẵn có của dữ liệu dồi dào là điều thiết yếu cho sự phát triển của AI. Với dân số và khu vực kinh doanh lớn, mà cả hai đều sử dụng các nền tảng và công cụ số hóa đến một mức độ chưa từng có, Trung Quốc có thể tận hưởng một lợi thế trong AI. Thêm vào đó, Trung Quốc có ít ràng buộc trong việc sử dụng thông tin thu thập được từ dấu chân điện tử mà mọi người và các công ty lưu lại hơn. Ấn Độ cũng đã thực hiện một loạt các bước tương tự để số hóa nền kinh tế của mình, bao gồm mã thông báo nhận dạng sinh trắc học, phi tiền tệ hoá và một hệ thống thuế hàng hóa và dịch vụ tích hợp.

Nhưng vụ bê bối gần đây về việc sử dụng dữ liệu cá nhân và xã hội của Facebook và Cambridge Analytica đã đưa những cân nhắc đạo đức trở nên đáng chú ý. Và đó mới chỉ là khởi đầu. Khi các ứng dụng AI yêu cầu lượng dữ liệu lớn hơn để giúp máy học và thực hiện các nhiệm vụ cho tới nay được dành riêng cho con người, các công ty đang phải đối mặt với sự giám sát công khai ngày càng tăng, ít nhất là ở một số nơi trên thế giới. Tesla và Uber đã giảm bớt những nỗ lực của mình trong việc phát triển các phương tiện tự hành sau những tai nạn được mô tả rộng rãi. Làm thế nào để chúng ta đảm bảo việc sử dụng AI có đạo đức và có trách nhiệm? Làm thế nào để chúng ta làm tăng nhận thức về các trách nhiệm như vậy, khi thế giới chưa có một quy chuẩn chung về AI?
Print Friendly and PDF

23.12.18

Bản chất và nguyên nhân sự giàu có của rượu whisky Scotland


BẢN CHẤT VÀ NGUYÊN NHÂN SỰ GIÀU CÓ CỦA RƯỢU WHISKY SCOTLAND
Adam Smith, tác giả cuốn Recherches sur la nature et les causes de la richesse des nations [Những nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân của cải của các dân tộc] (1776), là người Scotland. Ông không uống Johnnie Walker, Glenlivet, hay Laphroaig. Khi đó whisky chỉ là một loại rượu mạnh không màu, uống giống như vodka. Nhưng nếu xem của cải như là “toàn bộ những thứ cần thiết và tiện lợi cho cuộc sống”, thì ông có thể xếp vào số đó Scotch của ngày nay. Và như thế ông có thể quan tâm đến quá trình sản xuất, giao dịch thương mại, giá trị và thuế suất của chai whisky. Hãy thử khiêm tốn đặt mình vào vị trí của ông, để giúp chúng ta có được một lựa chọn tốt nhất chai whisky làm quà tặng nhân dịp Giáng sinh.
Print Friendly and PDF

21.12.18

Đọc Karl Marx! Một cuộc trao đổi với Immanuel Wallerstein


ĐỌC KARL MARX! MỘT CUỘC TRAO ĐỔI VỚI IMMANUEL WALLERSTEIN
Marcello Musto
Trong ba thập kỉ qua, các chính sách và hệ tư tưởng tân tự do gần như không bị thách thức trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, cùng với những bất bình đẳng sâu sắc tồn tại trong lòng xã hội chúng ta – đặc biệt giữa phương Bắc và phương Nam– và các vấn đề môi trường đầy thảm họa của thời đại chúng ta đã thúc giục nhiều học giả, nhà phân tích kinh tế và chính trị gia mở lại cuộc tranh luận về tương lai của chủ nghĩa tư bản và sự cần thiết của một đối chọn khác. Chính trong bối cảnh này, hầu như ở khắp nơi trên thế giới, nhân dịp sinh nhật lần thứ 200 của Marx, đã có “sự hồi sinh của Marx”; trở về với vị tác gia trong quá khứ vốn thường bị gắn kết một cách sai trái với chủ nghĩa giáo điều Marx – Lenin, và sau đó nhanh chóng bị bác bỏ sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin [tháng 11/ 1991].
Trở lại với Marx không chỉ là cần thiết để hiểu được lô gíc và cơ năng của chủ nghĩa tư bản. Công trình của ông cũng là một công cụ rất hữu ích, cung cấp một cuộc thẩm tra nghiêm ngặt giải thích tại sao các thử nghiệm kinh tế xã hội trước đó thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một phương thức sản xuất khác lại thất bại. Sự giải thích về những thất bại này là điều rất quan trọng để chúng ta tìm kiếm những lựa chọn thay thế hiện nay.
Print Friendly and PDF

19.12.18

Một “cuộc chiến tranh thương mại kỳ lạ”: tìm hiểu thỏa thuận đình chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ


MỘT “CUỘC CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI KỲ LẠ”: TÌM HIỂU THỎA THUẬN ĐÌNH CHIẾN GIỮA TRUNG QUỐC VÀ HOA KỲ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã thống nhất một thỏa thuận đình chiến trong cuộc chiến tranh thương mại tại bữa tiệc tối ở Buenos Aires vào ngày 1 tháng 12 năm 2018, bên lề hội nghị G20. (NguồnCGTN)
Tại Buenos Aires, Donald Trump và Tập Cận Bình đã đồng ý một thỏa thuận đình chiến trong cuộc chiến tranh kỳ lạ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc kể từ tháng Bảy. Cuộc chiến bắt đầu ở Washington bằng một đợt tăng thuế quan đầu tiên, tiếp theo là một đợt tăng thuế quan thứ hai vào tháng Chín. Bắc Kinh đã đáp trả bằng các mức tăng tương đương lần lượt đối với cả hai đợt tăng thuế quan. Cho đến nay, cuộc xung đột kỳ lạ này đã có ít thương vong. Phải hiểu điều này như thế nào? Liệu đây có phải là một lối thoát khủng hoảng hay là một lệnh ngừng bắn mong manh?
Print Friendly and PDF

17.12.18

Xã hội không phân tán thành những cá nhân



XÃ HỘI KHÔNG PHÂN TÁN THÀNH NHỮNG CÁ NHÂN (1851)

Tác giả: Auguste Comte
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Theo truyền thống học thuật, Auguste Comte là cha đẻ của khoa xã hội học, vì ông là người đã đặt ra từ “sociologie” để chỉ môn học này (mà trước năm 1839 ông còn gọi là “physique sociale” = vật lý học xã hội), đồng thời là một trong những lý thuyết gia đầu tiên của nó.
Thật ra, người đầu tiên đã sử dụng từ sociologie (trong một trước tác không công bố, khoảng thập niên 1780[1]), là Emmanuel-Joseph Sieyès (1748-1836)*, một trong những nhân vật mấu chốt của cuộc Cách mạng 1789 ở Pháp. Mặt khác, nếu giới hạn xã hội học vào phần lý thuyết, hình thức tồn tại ưu thắng của nó trong thế kỷ thứ XIX, thì xã hội học đương thời thực chất chỉ là triết lý xã hội, một loại hình triết học có thể đã khởi nguồn từ Hy Lạp cổ đại[2].
Nhưng hãy để vấn đề này lại cho giới sử gia khoa học, và tập trung trên trích đoạn dịch dưới đây. Nó cho ta thấy một số đặc trưng của xã hội học lý thuyết kiểu Auguste Comte.
Print Friendly and PDF

15.12.18

Hai nhà kinh tế đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu (2): Các chính sách khí hậu ở cấp độ quốc gia và khu vực

CÁC CHÍNH SÁCH KHÍ HẬU Ở CẤP ĐỘ QUỐC GIA VÀ KHU VỰC
Trong một thời gian dài, khi các cá nhân hoặc doanh nghiệp thải khí nhà kính trong khí quyển, họ không phải trực tiếp trả một chi phí nào cả: thải khí là miễn phí. Tuy nhiên, vấn đề khí thải nhà kính có một chi phí đối với tập thể: nó góp phần làm tăng nồng độ [cacbon] trong khí quyển, và bản thân các nồng độ [cacbon] này góp phần làm thoái hóa khí hậu. Khi một tác nhân không trực tiếp thanh toán các chi phí mà hoạt động của nó đã gây ra cho xã hội, thì các nhà kinh tế nói đến yếu tố ngoại ứng”.
Câu hỏi mà các nhà kinh tế đặt ra khá đơn giản: làm thế nào để điều chỉnh hệ thống giá cả sao cho nó phản ánh tốt hơn chi phí của tình trạng sử dụng mạnh mẽ cacbon đối với xã hội chúng ta? Chúng ta có thể xem xét ba giải pháp dưới đây.
Thứ nhất, việc quy định hoá: Nhà nước có thể ban hành các quy định để ngăn chặn một số tác nhân thải khí nhà kính. Chính thông qua các quy định, ví dụ, mà cơ quan công quyền đã đấu tranh chống lại những lượng khí thải chịu trách nhiệm về lỗ thủng của tầng ozone (khí chlorofluorocarbons).
Kế đến là thuế cacbon. Thuế có một hiệu lực chủ yếu: nó khiến các cá nhân và các doanh nghiệp tiến hành tất cả các biện pháp cắt giảm khí thải có chi phí đơn vị, ở cận biên, thấp hơn mức thuế suất được áp dụng, và được thực hiện một cách phi tập trung. Chúng ta có thể dựa vào một thuế suất tối ưu: đó là thuế suất phản ánh chính xác giá trị những thiệt hại đã gây ra cho môi trường do lượng khí thải nhà kính. Mức thuế tối ưu này – mức thuế làm cho các tác nhân phải nội hiện hóa hoàn toàn chi phí của các ngoại ứng gây ra cho xã hội – được gọi là thuế Pigouvian”, được đặt theo tên của nhà kinh tế học người Anh, người đã đề xuất khái niệm đó, Alfred Pigou. (Tuy nhiên, cần lưu ý đến những khó khăn của việc tính toán một thuế suất như vậy, bởi nó phụ thuộc vào lộ trình hay “con đường” trong tương lai, bởi vì các thiệt hại từ lượng khí thải phụ thuộc chặt chẽ vào lộ trình đó.)
Cuối cùng, cơ quan công quyền có thể phân bổ các quyền, và cho phép các tác nhân chia sẻ các quyền đó. Giải pháp này, dựa trên các công trình của nhà kinh tế học người Mỹ Ronald Coase, được thể hiện, trong khuôn khổ cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu, bằng việc phân bổ các hạn ngạch khí thải và thành lập các thị trường trên đó những hạn ngạch đó có thể được giao dịch. Một hạn ngạch khí thải tượng trưng cho quyền phát tán một khối lượng khí nhà kính nhất định. Thành lập một thị trường giấy phép có nghĩa là xác định một sản phẩm mới (quyền thải một tấn khí nhà kính), quyết định số lượng các quyền khí thải cho các tác nhân (trên thị trường sơ cấp) và cho phép giao dịch các quyền khí thải (trên thị trường thứ cấp). Xin lưu ý rằng, cũng giống như đối với thuế, số lượng giấy phép được cấp phát vào mỗi thời điểm cũng đòi hỏi một hình ảnh đúng đắn của lộ trìnhphải tuân thủ.
Print Friendly and PDF

13.12.18

Kinh tế học công cộng (lí thuyết)

KINH TẾ HỌC CÔNG CỘNG (LÍ THUYẾT)
Public Economics Theory
® Giải Nobel: BUCHANAN, 1986 SAMUELSON, 1970 STIGLER, 1982 VICKREY, 1996
Kinh tế học công cộng là một ngành của phân tích kinh tế xử lí hoạt động của Nhà nước. Hoạt động này trước tiên là một hoạt động phi thị trường (sản phẩm và dịch vụ được cung cấp miễn phí hay không có liên quan đến chi phí cận biên, tài trợ độc đoán bằng trưng thu thuế, những qui định và can thiệp tuỳ nghi). Nhưng hoạt động này cũng mang tính thị trường (doanh nghiệp công cộng bán trên thị trường, mua sắm sản phẩm và dịch vụ – “thị trường công cộng” – và những giao dịch tài trợ trên các thị trường vốn).
Nếu ta tự giới hạn ở định nghĩa tổng quát trên thì mọi sự can thiệp, thực tế hay tiềm tàng, của Nhà nước đều nằm trong diện của kinh tế học công cộng. Ta hiểu được vì sao bộ môn này luôn gặp rất nhiều khó khăn trong việc vạch rõ ranh giới của bộ môn và vì sao những mối quan tâm trọng yếu của bộ môn biến hoá nhiều với thời gian. Nhưng dù sao trong những năm gần đây, dường như tập quán đã công nhận một sự chuyên môn hoá nhất định các nhiệm vụ. Khi một vấn đề chính sách kinh tế liên quan đến một lĩnh vực được bao trùm bởi một thân lí thuyết khá phát triển (ví dụ kinh tế học quốc tế hay kinh tế học tiền tệ) thì người ta có xu hướng xem là vấn đề này thuộc về trách nhiệm của các chuyên gia của lĩnh vực đó. Mặt khác việc ưu tiên viện đến phân tích kinh tế vi mô đã cho phép phân biệt hoá tốt hơn kinh tế học công cộng với những phân tích chính sách riêng của lí thuyết kinh tế vĩ mô. Nhưng sự cân bằng đạt được trong việc phân công lao động trên là mong manh vì: 1) lí thuyết kinh tế vĩ mô có xu hướng đào sâu những cơ sở kinh tế vi mô của mình; 2) sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các nước làm nảy sinh nhiều vấn đề lí thuyết mới, đặc biệt liên quan đến sự cạnh tranh giữa những khu vực công cộng của các quốc gia và ranh giới của những bộ môn vẫn chưa được xác định nếu giả định là nên vạch ra những ranh giới như thế; 3) mối quan tâm của kinh tế học công cộng đã dịch chuyển dần những năm gần đây. Cho dù ngành này vẫn còn mang nặng tính chuẩn tắc (tìm kiếm điều gì Nhà nước phải làm những chính sách kinh tế tối ưu) thì kinh tế học công cộng ngày càng trở nên thực chứng hơn (nghiên cứu Nhà nước như là nó, giải thích và dự báo những chính sách kinh tế được thật sự áp dụng). Nội dung của điều ngày nay được gọi là kinh tế học công cộng do đó còn thay đổi nhiều trong những năm tới.
Print Friendly and PDF

11.12.18

Xã hội học ở Trung Quốc trước 1949


XÃ HỘI HỌC Ở TRUNG QUỐC TRƯỚC 1949[1]
Bùi Thế Cường
(Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ)
SOCIOLOGY IN CHINA BEFORE 1949. Modern sociology in China before 1949 was once a “big” sociology in the context of world sociology at the time. The article introduces the formation and development of modern sociology in China from the beginnings to the social revolution by 1949. After 20 years of slowly cultivation, mainly with translations and introductions of European-American sociology, after the Xinhai Revolution of 1911, sociology in China developed rapidly in terms of institutionalization, teaching sociology in universities, establishing sociology departments, setting up professional association, and publishing journals. At the same time, a number of empirical researches have carried out, resulting in impressive publications. Collaboration between American and Chinese sociology has deeply developed in training, research, scholarly exchanges, and publication.
Tóm tắt: Xã hội học hiện đại ở Trung Quốc trước 1949 đã từng là một nền xã hội học lớn trong bối cảnh xã hội học thế giới khi ấy. Bài viết giới thiệu sự hình thành và phát triển của xã hội học hiện đại ở Trung Quốc từ ban đầu đến trước khi có sự thay đổi chế độ xã hội năm 1949, về mặt định chế và nghiên cứu. Sau 20 năm hình thành chậm rãi chủ yếu dịch thuật và giới thiệu xã hội học Âu-Mỹ, sau Cách mạng Tân Hợi 1911, xã hội học ở Trung Quốc phát triển nhanh về mặt định chế, đưa xã hội học vào dạy đại học, mở các khoa xã hội học, thành lập hội nghề nghiệp, ra tạp chí. Đồng thời, xuất hiện hàng loạt công trình nghiên cứu thực nghiệm, dẫn đến nhiều công bố đầy ấn tượng. Hợp tác giữa xã hội học Mỹ và Trung Quốc sớm diễn ra sâu sắc trong đào tạo, nghiên cứu, trao đổi học giả, và xuất bản. 
Từ khóa: lịch sử xã hội học, xã hội học Trung Quốc, xã hội học quốc tế.
Print Friendly and PDF

9.12.18

William Nordhaus, Paul Romer, Giải Nobel Kinh tế năm 2018

WILLIAM NORDHAUS, PAUL ROMER, GIẢI NOBEL KINH TẾ NĂM 2018
Alexandre Delaigue, giáo sư kinh tế tại Lille.
Giải Nobel kinh tế năm 2018 đã được trao cho William Nordhaus và Paul Romer “vì đã tích hợp, theo thứ tự, sự biến đổi khí hậu và sự thay đổi công nghệ vào sự phân tích kinh tế vĩ mô dài hạn”. Điều đó có nghĩa là gì?
Mô hình kinh tế là gì?
Các nhà kinh tế thường lý luận dựa vào các mô hình. Mô hình, trong kinh tế học cũng như trong tất cả các ngành khoa học khác, là một biểu trưng được giản lược của thực tế để hiểu rõ vấn đề hơn. Mô hình có thể được hiểu như là một bản đồ địa lý: nó trình bày thực tế dưới dạng sơ đồ, bằng cách giản lược một số yếu tố, và mô tả một số yếu tố khác. Bản đồ không phải là thực tế: nó là một biểu trưng, giúp chúng ta hiểu được thực tế và vận động trong thực tế đó. Bản đồ luôn luôn sai, bởi vì nó giản lược thực tế, nhưng không được “sai quá nhiều”.
Vì vậy, nếu tôi chỉ có duy nhất một bản đồ tàu điện ngầm của Paris, thì tôi có thể đi bộ tham quan thành phố: các trạm tàu ​​điện ngầm là các mốc nhận diện. Ngược lại, bản đồ nói trên sẽ không giúp ích gì nếu tôi ở trong tàu điện ngầm của London, ngay cả khi bản đồ đó rất chi tiết và chính xác. Nếu muốn đi bộ tham quan, thì tôi sẽ rất cần một bản đồ với tỷ lệ nhỏ, chỉ rõ địa hình, nhưng nếu tôi muốn lái xe tham quan thì bản đồ đó không giúp ích gì nhiều. Một mô hình phù hợp là mô hình được giản lược khá đủ để có thể dễ sử dụng, để hiểu được thực tế.
Paul Romer và William Nordhaus đã được trao thưởng vì đã thiết kế những mô hình mà đối tượng là vấn đề kinh tế lớn nhất của mọi thời đại.
Print Friendly and PDF

7.12.18

Ngoại ứng (hiệu ứng ngoại lai)


NGOẠI ỨNG (HIỆU ỨNG NGOẠI LAI)
Externality
® Giải Nobel: BUCHANAN, 1986 COASE, 1991 MEADE, 1977
Một ngoại ứng, hay hiệu ứng ngoại lai, theo định nghĩa, là tác động một tác nhân phải gánh chịu (tác nhân này là người tiếp nhận ngoại ứng) và không được bù đắp trong khuôn khổ của một trao đổi hay của một thị trường, của một hành động sản xuất hay tiêu dùng của một tác nhân kinh tế khác (người phát ra ngoại ứng). Ngoại ứng có thể là tiêu cực (âm) hay tích cực (dương) đối với lợi ích của tác nhân tiếp nhận. Ví dụ, một tác hại hay một ô nhiễm do một hành động sản xuất hay tiêu dùng gây ra là một ngoại ứng tiêu cực nếu nó làm phương hại đến sự thoả mãn của một tác nhân khác, không liên quan đến hành động trao đổi hay sản xuất này. Một loại ngoại ứng quan trọng là những ngoại ứng liên quan đến môi trường thiên nhiên (ngoại ứng môi trường). Thật vậy, môi trường thiên nhiên gồm có những sản phẩm có ích, nhưng không được phân phối bằng thị trường: môi trường được sử dụng một cách miễn phí, hoặc như là nơi tiếp nhận chất thải, hoặc là như chỗ dựa của những dịch vụ môi trường, ví dụ những dịch vụ giải trí. Như vậy, mọi hành động sản xuất hay tiêu dùng có thể dẫn đến một ngoại ứng môi trường, một ngoại ứng tiêu cực nếu làm tổn hại đến những dịch vụ môi trường này và là một ngoại ứng tích cực nếu củng cố chúng.
Print Friendly and PDF

6.12.18

Khí hậu: Châu Á xác định tương lai của chúng ta


KHÍ HẬU: CHÂU Á XÁC ĐỊNH TƯƠNG LAI CỦA CHÚNG TA
Đường bị ngập lụt ở Manila vào ngày 14 tháng 9 năm 2018, vì cơn bão Mangkhut. (NguồnNew York Times)
Các báo cáo báo động đang dầy lên: hiện tượng thời tiết nóng lên đang tăng tốc. Chính trong bối cảnh đen tối này mà COP 24 được tổ chức tại thành phố Katowice của Ba Lan, vào chủ nhật này, ngày 2 tháng 12 [năm 2018]. Những cam kết được đưa ra vào năm 2015 tại COP 21 nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình lên 1,5 hoặc 2 độ rõ ràng là chưa đủ. Thế nhưng, mục tiêu trung tâm của những năm tới là phải đảo ngược đường cong gia tăng phát thải khí. Châu Á nằm ở trung tâm của thách thức này: châu Á chiếm gần một nửa lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu hiện nay và 2/3 lượng gia tăng phát thải CO2 trong năm 2017, một tỷ lệ có thể được duy trì trong thập niên tới. Người Á Châu – đặc biệt là Trung Quốc – đã tiến hành những đầu tư to lớn vào các nguồn năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, nhưng các đầu tư hiện tại của họ chưa đủ sức để đảo ngược xu hướng. Đặc biệt châu Á cũng là một lục địa hứng chịu nhiều hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu, những hậu quả có thể đặt lại vấn đề những triển vọng tăng trưởng kinh tế mà cho đến nay vẫn rất vững chắc.
Print Friendly and PDF

3.12.18

Một vấn đề Địa chính trị mới về Trí tuệ Nhân tạo

MỘT VẤN ĐỀ ĐỊA CHÍNH TRỊ MỚI VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

Sophia là một robot có hình dạng con người có thể trò chuyện và thực hiện các biểu cảm thật trên khuôn mặt
Hình ảnh: REUTERS / Valentyn Ogirenko

Hệ thống đa phương cần ngay lập tức chung tay xây dựng một khế ước xã hội mới nhằm đảm bảo rằng sự đổi mới công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), phải được triển khai một cách an toàn và phù hợp với các yêu cầu đạo đức trong thế giới đang toàn cầu hoá.

Hằng hà sa số các chương trình tự động, các bài đăng ẩn trên Facebook và các trang web tin tức giả mạo đã xâm chiếm thế giới trực tuyến, với các hậu quả đáng kể trên toàn cầu. Chỉ việc xem qua một vài sự kiện gần đây: trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Nga đã ủng hộ một ứng cử viên [tổng thống] vượt qua người kia bằng một chiến dịch khổng lồ bao gồm quảng cáo trả phí, tài khoản mạng xã hội giả và nội dung phân cực.
Print Friendly and PDF

1.12.18

Cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sau cuộc bầu cử “giữa nhiệm kỳ”: dừng lại hay tiếp tục?


CUỘC CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI TRUNG-MỸ SAU CUỘC BẦU CỬ “GIỮA NHIỆM KỲ”: DỪNG LẠI HAY TIẾP TỤC?
Một thỏa thuận thương mại giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp tổng thống Mỹ Donald Trump là điều có thể nhưng vẫn là điều không chắc do sự cạnh tranh về công nghệ giữa hai cường quốc. (Nguồn: AP News)
Cuộc chiến chống lại Trung Quốc không phải là cuộc chiến đầu tiên mà Washington khởi động ở châu Á. Nhưng khác với cuộc xung đột thương mại với Nhật Bản vào những năm 1980, Hoa Kỳ đang đối mặt với một quốc gia có thể nói không. Liệu chúng ta có đang ở giai đoạn đầu của một cuộc chiến tranh thương mại hai mươi năm, như dự đoán của Jack Ma, ông chủ của Alibaba, hay không? Hay đang ở buổi bình minh của một cuộc chiến tranh lạnh mới, như dự báo của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence?
Đây cũng không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc khơi mào một cuộc xung đột. Nhưng Trung Quốc từng tấn công những đối thủ nhỏ hơn: Hàn Quốc, bị buộc tội vì đã chấp nhận việc triển khai hệ thống phòng thủ của Mỹ, hay Thụy Điển, bị công khai sỉ nhục vì đã trao giải thưởng Nobel cho Lưu Hiểu Ba. Trong các trường hợp này, tương tự đối với Nhật Bản, chính phủ Trung Quốc đã tấn công vào các công ty con của các quốc gia này. Khi từ bỏ những lời khuyên thận trọng của Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình đã tăng sức các biện pháp đánh trả của mình. Liệu ông ta có nhắm vào các công ty con của Mỹ ở Trung Quốc không?
Print Friendly and PDF