16.8.18

Lịch sử văn minh châu Âu (5): Phục Hưng – Khi đại bàng vỗ cánh


LỊCH SỬ VĂN MINH CHÂU ÂU (5): PHỤC HƯNG – KHI ĐẠI BÀNG VỖ CÁNH
Tác giả: Tôn Thất Thông, CHLB Đức
Bằng cách này hay cách khác, Phục hưng là thuật ngữ được dùng để diễn tả một khía cạnh đặc biệt của nền văn hóa châu Âu ở ngưỡng cửa năm 1500. Nền văn hóa đó khởi đầu cho lịch sử hiện đại châu Âu […]. Thời kỳ phục hưng tỏ ra là một khoảnh khắc đặc biệt trong số phận con người của xứ hoàng hôn, là tuyên ngôn mặc khải của người thế tục, là thời khắc sinh thành của thế giới hiện đại[1].
Sử gia kinh tế R. Romano và A. Tenenti, giáo sư đại học Paris
“Thời đại phục hưng” không phải là một thuật ngữ được sáng chế bởi người đương thời, mà được các nhà sử học thế kỷ 19 dùng để chỉ một giai đoạn lịch sử đặc thù ở cuối thời kỳ trung cổ châu Âu. Thuật ngữ tiếng Pháp “Renaissance” (có nghĩa là Hồi sinh – Rebirth) được nhà sử học Jules Michelet sử dụng lần đầu năm 1858. Hai năm sau, sử gia văn hóa Jacob Burckhardt người Thụy Sĩ thánh hóa nó trong tác phẩm kinh điển nổi tiếng với tựa đề “Văn hóa Phục hưng ở Ý”[2]. Dù sách được viết bằng tiếng Đức, Burckhardt cũng cố ý dùng lại thuật ngữ tiếng Pháp Renaissance trong toàn bộ nội dung và cả tựa đề[3]. Từ đó về sau, Renaissance dần dần trở thành ngôn ngữ quốc tế và phổ biến rộng trong các nước thuộc văn hóa la-tinh, mặc dù mỗi nước đều có thuật ngữ địa phương riêng và thỉnh thoảng cũng được sử dụng trong sách vở của họ. Riêng ở Ý, nơi sinh thành của phong trào phục hưng, thì thuật ngữ địa phương Rinascimento được lưu truyền phổ biến rộng.
Nói đến phục hưng, trước hết chúng ta cần phân biệt vài thuật ngữ vốn dĩ có nội dung tương đối khác nhau, nhưng rất dễ lẫn lộn với nhau.
Trước hết, trào lưu nghệ thuật phục hưng là tên gọi của trào lưu kế tiếp sau nghệ thuật Gothic vốn dĩ đã kéo dài từ thế kỷ 12 cho đến ngưỡng cửa năm 1500. Sau hơn một thế kỷ hưng thịnh, nghệ thuật phục hưng bắt đầu tàn lụi ở khoảng cuối thế kỷ thứ 16 và nhường chỗ cho trào lưu Baroque. Tuy chỉ là nghệ thuật nhưng trào lưu này là điểm khởi đầu cho một thời đại mới, thời đại phục hưng, chấm dứt xã hội trung cổ để bước vào thời hiện đại. Vì tầm quan trọng của trào lưu nghệ thuật này, chúng ta sẽ có một chương riêng cho nó.
Thứ hai, phong trào phục hưng hay còn được gọi là thời đại phục hưng hoặc thời kỳ phục hưng để chỉ một trào lưu rộng lớn bao gồm nhiều mặt: văn hóa, nghệ thuật, triết học, xã hội, chính trị và khoa học. Phong trào này phát triển mạnh mẽ nhất vào thế kỷ 15 và 16 nhưng nó không có một biên giới rõ rệt lúc khởi đầu và lúc suy tàn. Tinh thần phục hưng vốn đã có nguồn gốc từ phong trào dịch thuật từ thế kỷ 12, nó trở lại và phát triển hưng thịnh trong thế kỷ 15/16, sau đó phong trào phục hưng còn để lại ảnh hưởng lâu dài lên châu Âu trong những thế kỷ tiếp theo. Rõ rệt nhất là phong trào khai sáng thế kỷ 17/18, vốn dĩ là sự hồi sinh của phong trào khai minh Hy Lạp được bắt đầu từ thời đại Protagoras thế kỷ thứ 5 trước công nguyên[4], rồi bị chôn vùi trong lịch sử suốt gần 2000 năm, và được đánh thức dậy bởi phong trào phục hưng nhưng tự nó chưa tạo được một trào lưu sống động trong mọi tầng lớp xã hội, mà chỉ được lưu truyền ưa chuộng trong giới học giả. Phong trào khai sáng đã kế thừa tinh thần phục hưng, rồi tương thích với thời đại mới để kết tủa thành một trào lưu cách mạng, vừa có nội dung tư tưởng cao mang tính chất dẫn đường, vừa được hỗ trợ bằng sức mạnh của quãng đại quần chúng.
Thời kỳ phục hưng bắt đầu từ lúc nào? Mỗi sử gia có một cách định mốc thời gian khác nhau. Thí dụ, giáo sư Denys Hay lấy năm 1453 làm chuẩn, tức là năm Byzantine sụp đổ sau khi kinh đô Constantinople thất thủ vào tay đế chế Ottoman[5], cho nên các học giả chuyên về văn minh cổ đại ào ạt di tản về phương Tây, mang theo tài liệu, sách vở và các công trình văn hóa, góp phần cho trào lưu học thuật mới phát triển mạnh. Giáo sư Ilan Rachum thì xem 1415 là điểm khởi đầu khi chủ nghĩa nhân bản đang hưng thịnh, đồng thời cũng là năm quan trọng trong lịch sử thời trung cổ với trận đánh lớn ở Agincourt[6]. Tiến sĩ H. A. Stützer thì lấy thập niên 1420 làm mốc vì ông xem danh họa Masaccio (1401-1428) là kẻ khai sinh hội họa phục hưng[7]. Vài sử gia khác thì xem năm sinh của nhà nhân bản tiên phong Francesco Petrarca (1304-1374) là khởi điểm; thời gian đó cũng có một biến cố lịch sử đặc biệt khác: Dante Alighieri bắt đầu viết tác phẩm bất tử Hài kịch thần thánh[8], tập thơ quan trọng nhất của văn chương thơ phú được lưu truyền rộng rãi trong thời đại phục hưng.
Nhưng nếu chúng ta xem tiểu sử của ba đại danh họa, những người xứng đáng tiêu biểu cho trào lưu nghệ thuật phục hưng là Leonardo da Vinci (1452-1519), Raffaello Sanzio (1483-1520) và Michelangelo Buonarroti (1475-1564), thì điểm khởi đầu của thời kỳ phục hưng có thể định vị đâu đó ở hậu bán thế kỷ 15. Dù sao, lối định vị này chỉ mang tính chất tương đối, nhưng cũng có một mối liên quan với những biến cố lịch sử thời đó:
Trong hậu bán thế kỷ 15, khoa học và triết học cổ đại được dịch và phổ biến rộng trong giới học thuật ở Ý; về kinh tế, các cộng hòa Ý chứng kiến một sự hưng thịnh hiếm có với nhiều nghề nghiệp mới mẻ trong lĩnh vực tài chánh; kỹ nghệ đồ gốm phát triển đã nuôi dưỡng nhiều nghệ nhân có năng khiếu. Đó cũng là thời gian thành danh của nhà khoa học tiên phong Nicolaus Copernicus (1473-1543), những cuộc thám hiểm liên lục địa của Tây Ban Nha và Bồ đào Nha (1492-1519), và ý thức phản kháng trổi dậy ươm mầm cho phong trào cải cách tôn giáo (1517). Nhưng có một biến cố cần nói đến đã tác động vào quá trình phát triển lịch sử, ấy là kỹ thuật in ấn được phát minh tại Đức năm 1450 bởi Johannes Gutenberg song song với ngành sản xuất giấy được cải thiện trước đó bởi người Ý. Nhờ thế mà các nguồn văn chương, nghệ thuật và triết học du nhập từ Byzantine kể từ sau khi thất thủ năm 1453 được truyền bá nhanh chóng tại Tây Âu, góp phần vào việc phát triển trào lưu văn hóa mới.
Nếu ranh giới thời gian rất nhạt nhòa khó minh định, thì nguồn gốc hình thành nên thời đại phục hưng lại rất rõ rệt: đó là điểm hội tụ của một chuỗi sự kiện lịch sử đặc biệt chưa bao giờ có trước đó. Nội dung của phong trào phục hưng thì rất phong phú, nó bao gồm hầu hết các lĩnh vực quan trọng, tạo nên những thành tố cần thiết để giã từ nếp sống trung cổ lạc hậu và tiến đến một xã hội văn minh trong thời đại mới. Và sau cùng là hậu quả của nó: Phục hưng quả là một cơn địa chấn, nó để lại những dấu vết không thể xóa nhòa trong nhiều thế kỷ tiếp theo, trước hết là ở châu Âu và sau nữa là cho toàn nhân loại.
Để đi sâu bàn luận về thời đại phục hưng, chúng ta thử trả lời vài câu hỏi: Phục hưng là làm sống lại những gì, mang nội dung tư tưởng nào? Phục hưng được thành hình và phát triển trong bối cảnh nào? Tác động của phong trào phục hưng lên lịch sử châu Âu như thế nào?

Phục hưng – Hồi sinh những giá trị gì?

Phục hưng được khởi đầu bằng sự trở về với văn hóa Hy Lạp và La Mã thời cổ đại. Đó là thời kỳ hoàng kim với nhiều thành quả rất phong phú về mọi mặt triết học, toán học, y khoa, vật lý, thiên văn v.v… với rất nhiều học giả uyên thâm mà tri thức của họ vẫn còn được ca tụng trong thế kỷ 21. Sau hơn một thiên niên kỷ bưng bít, nhu cầu trao dồi tri thức trong giới học giả trung cổ được đánh thức dậy khi họ có cơ hội tiếp cận với sách vở tài liệu thời cổ đại, nhất là khi một số tác phẩm quan trọng được dịch ra tiếng la-tinh kể từ thế kỷ 12. Nhưng phải đợi đến thế kỷ 15, sáng kiến phục hồi nền văn minh cổ đại mới thực sự thành hình và bộc phát mạnh mẽ, khi nguồn tài liệu từ Byzantine ngày càng nhiều và đa dạng, và nhất là khi hệ thống giáo dục nhân bản đã trở thành một xu hướng rõ rệt trong xã hội Ý. Kể từ đây, phong trào phục hưng và chủ nghĩa nhân bản đi liền nhau như bóng với hình. Con người phục hưng và người nhân bản luôn luôn sát cánh nhau trong một thời kỳ, khi xu hướng chuyển hóa triệt để vẫn còn gặp nhiều rào cản xã hội, chính trị và tôn giáo.

Phục Hưng và văn chương triết học

Trước hết, khái niệm quan trọng nhất được “hồi sinh” trong thời đại phục hưng là gì? Câu trả lời: Ấy là sáng kiến đặt con người vào trung tâm của mọi suy nghĩ và hành động. Như triết gia Hy Lạp Protagoras đã nói trong thế kỷ thứ năm trước công nguyên: Con người là thước đo của vạn vật[9].
Trở về với Protagoras thời cổ đại cũng có nghĩa là giương cao khẩu hiệu trứ danh nói trên. Ông đã thực sự đặt cơ sở ban đầu cho vấn đề nhận thức, một bước tiến quan trọng trong tư duy triết học[10]. Điều đó có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, có sức mạnh lay chuyển hệ tư tưởng đã được bám rễ từ lâu trong thế giới Kitô. Mặc dù giới học giả trước sau vẫn là những tín đồ sùng đạo, nhưng họ đã bắt đầu từ giả thái độ thuần phục thần thánh, và tìm cách trở lại với chủ thể nhận thức có đầy đủ tinh thần tự do cá nhân, tư duy độc lập và năng lực hoạt động sáng tạo. Đó chính là gốc rễ của mọi sự phát minh và tiến bộ, thúc đẩy xã hội châu Âu tiến lên,  từ giả nếp sống trung cổ để bước vào kỷ nguyên hiện đại.
Suốt cả 1000 năm sau khi đế chế Tây La Mã sụp đổ, con người đã giao khoán mọi trách nhiệm về đời sống tinh thần của chính mình cho những người đại diện của Thượng Đế trên trần gian, tức là Giáo Hoàng ở Rome, các vị Giám Mục, linh mục và cha xứ. Điều đó xuất phát từ một xác tín bất di dịch rằng, chỉ như thế họ mới được cứu rỗi và được ban phép lành vĩnh viễn[11].
Cho nên khi các học giả phục hưng trở về với văn hóa cổ đại, với những điều phát hiện bất ngờ như tư tưởng của Protagoras, họ bỗng ngạc nhiên thấy rằng người Hy Lạp và La Mã hành xử một cách hoàn toàn khác, lo-gic hơn, gần gủi với con người thế tục hơn. Rõ ràng nhất là người La Mã, mặc dù vẫn có niềm tin vững chắc vào thần thánh, nhưng trước sau họ vẫn là những người có tinh thần trách nhiệm với chính bản thân mình, và sẵn sàng nhận lãnh mọi hậu quả của lỗi lầm do chính mình gây nên. Tuyệt vời biết bao khi con người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để nắm lấy vận mệnh của mình. Ở đây chúng ta thấy rõ hơn một điều: nền triết học trừu tượng của Hy Lạp kết hợp với tinh thần thực dụng của người La Mã đã để lại dấu ấn lâu dài lên nền văn hóa, mà xã hội châu Âu còn thừa kế cho đến hôm nay. 
Tư tưởng Hy Lạp – La Mã cổ đại ấy tất yếu ảnh hưởng lên cách nhìn của con người phục hưng đối với guống máy cai trị. Họ khước từ quan niệm về một nhà nước thần quyền. Thay vào đó, một nhà nước thế tục và một xã hội thế tục cần được xây dựng lại, trong đó những con người thế tục như họ phải được nắm lấy toàn bộ trách nhiệm. Họ chấp nhận các lãnh đạo tôn giáo như những cố vấn, chứ không thể như là các lãnh chúa.
Phải chăng chúng ta trong thế kỷ 21 hôm nay đã kế thừa tư tưởng của những người phục hưng để xây dựng các nhà nước dân chủ đang hiện hữu khắp nơi, dù rằng mỗi nước có những dạng thức dân chủ khác nhau, trình độ dân chủ cao thấp cũng khác nhau?  
Cũng cần nhận thức rằng, phong trào phục hưng trước hết là sự tôn vinh giá trị nghệ thuật và trí thức của thế giới cổ đại đa thần để mang vào áp dụng trong đời sống thực tế của xã hội Kitô, cho nên tính chất khoan dung của nó vô cùng lớn lao. Ngay cả một vài vị Giáo Hoàng không những cho phép mà còn trả công cho các nghệ sĩ phục hưng dùng các huyền thoại thời cổ đại đa thần để sáng tác nghệ thuật làm trang trí cho giáo đường và các công trình của giáo hội. Điều đó cũng nói lên sự nổi bật của các giá trị và sức thuyết phục cao trong nghệ thuật phục hưng[12].
Tiếc thay, khi cuộc cải cách tôn giáo bước vào thời kỳ cao điểm cuối thế kỷ 16 với hận thù tôn giáo và xung đột ý thức hệ, đi kèm với những cuộc chiến tranh vô nghĩa khắp mọi nơi trên lục địa, thì tinh thần phục hưng cũng không còn chất dinh dưỡng để tiếp tục phát triển, học giả phục hưng trở nên hoang mang và phong trào phục hưng cũng dần dần tàn lụi.
Trở lại vấn đề, phong trào phục hưng chưa tạo thành một trào lưu chính trị rộng lớn, mà chủ yếu là sản sinh ra những giá trị tinh thần, đặc biệt trong văn chương, nghệ thuật và luân lý đạo đức. Nhưng chính những giá trị ấy đã làm thay đổi tận gốc nhân sinh quan và vũ trụ quan của con người phục hưng, từ đó có tác dụng mạnh mẽ vào sự thay đổi lớn lao mọi lĩnh văn hóa, xã hội và chính trị: Nhận thức về vai trò của Giáo Hoàng và hàng giáo phẩm không còn như trước; nhà nước thế tục không thể tiếp tục tồn tại dưới hình thức như nó đã và đang ngự trị khắp nơi; triết học và khoa học cần tìm một hướng đi mới phù hợp với xu thế thời đại …
Những chuyển biến tư duy ấy đã ươm mầm cho việc nghiên cứu triết học nghiêm túc để lý giải các vấn đề nảy sinh trong xã hội đang trên bước đường chuyển hóa triệt để. Từ đó ý thức dân chủ tự do, vốn dĩ là những giá trị ưu việt của xã hội Hy Lạp cổ đại, dần dần tạo dáng trong xã hội trung cổ châu Âu, dù chưa rõ rệt nhưng đã trở thành biểu tượng cho giới trí thức hướng tới. Cho dù con đường đến dân chủ tự do còn dài và gập ghềnh sỏi đá, nhưng các nguồn lực xã hội cũng bắt đầu được giải phóng để tham gia vào công cuộc phát triển chung. Về khía cạnh này, châu Âu đã đi trước các lục địa khác một bước rất dài, cho nên những cuộc cách mạng tư tưởng trong thế kỷ 17/18 và hệ luận tất yếu của chúng là cách mạng công nghiệp và kinh tế cũng xảy ra sớm hơn so với những nơi khác. Những thay đổi làm rung chuyển thế giới trong thế kỷ 18/19, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều có gốc rễ từ phong trào phục hưng.
Về mặt văn chương triết học của phong trào phục hưng trên toàn lục địa, thời vàng son có thể được định vị ở thế kỷ 16. Mỗi nước có một tên gọi khác nhau. Ở Ý người ta gọi đó là “thời kỳ hóa bạc”, ở Tây Ban Nha vào giữa thế kỷ thì họ gọi là “thế kỷ vàng” (siglo de oro), Pháp và Anh thì gọi là “văn học phục hưng”, ở Ba Lan là “thời đại vàng son”[13].
Dù khác nhau về tên gọi, nhưng sự phát triển ở các nước đều đi theo một sơ đồ tương đối giống nhau. Đầu tiên là giai đoạn đấu tranh tư tưởng giữa một bên là những người nhân bản mới mẻ và bên kia là xu hướng kinh viện đã thành truyền thống từ lâu; tiếp đến là tranh luận về hướng đi cụ thể trên nền tảng chung là trở về nghiên cứu nền văn minh cổ đại, vì tự bản thân các nhà kinh điển Hy Lạp vẫn còn nhiều khác biệt về nguyên lý cần được làm sáng tỏ; và sau cùng khi nền giáo dục nhân bản đã trở thành xu hướng chủ đạo, hướng đi và nội dung đã rõ ràng, thì phong trào địa phương hóa nổi lên, tức là sáng tác văn thơ, triết học, diễn giải kinh thánh bằng tiếng mẹ đẻ. Điều này đã làm cho sự phát triển ngôn ngữ quốc gia đi vào một khúc quanh mới: Văn phạm ngày càng chính xác, ngôn ngữ diễn đạt ngày càng tao nhã, văn chương thơ phú ngày càng thanh lịch và dễ đi vào lòng người. Việc phát triển văn hóa ở các nước châu Âu đi vào một giai đoạn mới với ngôn ngữ, nội dung và phong thái quốc gia được phóng lên bức phông phía trước, đi kèm theo đó là những hậu quả tích cực và tiêu cực tất yếu của nó lên chính trị và xã hội trên lục địa.
Một trong những thành quả lớn của văn chương triết lý thời đại phục hưng là đã tạo nên một mẫu con người mới, với ý thức và phong cách sống vượt ra khỏi mọi khuôn phép truyền thống có sẵn. Đó là những con người hiểu biết sâu sắc chủ thể nhận thức của mình, lấy tự do cá nhân làm nền tảng cho mọi tư duy. Họ lấy cuộc đời thế tục làm điểm nhắm cho mọi cố gắng, đồng thời đưa thế giới thần thánh lùi vào sau hậu trường. Đấy là một thái độ chưa bao giờ có trong quá khứ. Văn nghệ sĩ thì đưa con người thế tục lên mặt tiền cuộc sống, sẵn sàng từ giã thế giới thần thánh với những đề tài nhàm chán không một chút sáng tạo. Giới học giả bình thường thì biết nhìn vào chiều sâu của tâm thức để định hướng cho suy nghĩ và hành động.
Sử gia văn hóa Jacob Burckhard có một sự so sánh rất sống động về sự phát triển con người thời phục hưng[14]. Trong thời trung cổ, hai mặt của nhận thức – nhìn thế giới bên ngoài và cảm nhận về nội tâm bên trong con người – giống như được ẩn dấu dưới một tấm màn thưa che mặt, được dệt bằng niềm tin tôn giáo, sự rụt rè từ lúc trẻ thơ, và những ảo tưởng mù quáng. Xuyên qua lớp màn che, thế giới bên ngoài được tô màu đẹp đẽ, trong lúc nội tâm là một khoảng trống rỗng chỉ biết có tập thể và đám đông: cùng chủng tộc, cùng giống dân, hoặc cùng đảng phái, cùng liên minh, gia đình, hoặc những gì tương tự mang tính chất cộng đồng. Trong lúc các nước khác chưa có gì thay đổi, thì lần đầu tiên ở Ý, tấm màn thưa che mặt được gió cuốn bay, thế giới hiện lên rõ rệt bằng tầm nhìn khách quan, cách hành xử của nhà nước và những vấn đề tương tự được soi rõ hơn. Trong lúc đó thì từ nội tâm, một cách nghĩ chủ quan được đánh thức dậy và con người bỗng trở thành một chủ thể độc lập vượt ra khỏi đám đông, một tình trạng mà chúng ta đã gặp trước đây ở người Hy Lạp đối với các giống dân man di, hoặc thế giới Ả Rập đối với các chủng tộc châu Á.
Chỉ trên góc nhìn từ chủ thể độc lập ấy mà ở Ý – chứ không phải nơi nào khác ở châu Âu – mới có thể xuất hiện những con người như Dante, Petrarca, Boccaccio với phong cách sáng tác văn chương thi phú mang dáng dấp mới, hướng về từng con người cụ thể trong xã hội, những con người thế tục biết yêu đương, biết để cho tâm hồn bay bỗng vào thế giới lãng mạn không tưởng, biết say đắm với nét đẹp huyền bí của thiên nhiên, biết phô diễn chủ thể tự do cá nhân và thách thức những khuôn thước gò bó trong chính trị, xã hội và tôn giáo. Nhân cách, phẩm hạnh mang tính chất tự do cá nhân cũng được rèn luyện dễ dàng hơn với một nhân sinh quan uyển chuyển như thế.
Tinh thần phục hưng đã tạo nên cho mỗi người trong xã hội một niềm tự tin mới vào chính bản thân. Đấy là những con người bắt đầu ý thức rằng, tính tự chủ là giá trị không thể bỏ quên trong một xã hội đầy rẫy hoang mang, bất công và tàn bạo như thời đại của họ đang sống, thời đại trung cổ. Trong các thế kỷ này, khái niệm tự do phổ quát trong tương quan với những diễn biến trong xã hội chưa được thành hình, huống hồ là khái quát hóa thành lý luận? Tuy nhiên tính tự chủ và ý thức tự do cá nhân là nền tảng đầu tiên để các nhà tư tưởng thời kỳ phục hưng đưa ra những khuôn mẫu mới, tạo tiền lệ cho phong trào khai sáng các thế kỷ sau dần dần hoàn thiện lý luận, góp phần thúc đẩy các cuộc cách mạng toàn diện về tư tưởng, về thể chế chính trị, về kinh tế cũng như về khoa học.  
Con người phục hưng đã tự giải thoát ra khỏi mọi khuôn thước rụt rè “đồng phục” trước đây, và sẵn sàng phô diễn nét đặc thù của cá nhân, sẵn sàng làm những điều khác với mọi người. Và cũng nhờ thế mà xã hội thời phục hưng mới có thể sản sinh ra những con người khác thường, tràn đầy năng lực để sáng tạo ra những tác phẩm khác thường có giá trị vượt thời gian, những con người sẵn sàng làm chuyện kinh thiên động địa, cho dù chỉ xuất phát từ động cơ cá nhân: ước vọng được giàu sang, tiếng tăm, danh vọng. Columbus, Megallan là những thí dụ điễn hình. Những người này chắc hẳn khó thành công trong một thời đại khác với thời kỳ phục hưng.
Hơn cả những tác động nói trên lên xã hội trung cổ, phong trào phục hưng đi kèm với chủ nghĩa nhân bản thế kỷ 15 cũng có đóng góp rất lớn vào sự phát triển bước đầu cho nền triết học châu Âu. Trước đó thì tư tưởng Aristotle chiếm lĩnh hàng đầu trong toàn bộ hệ thống giáo dục cấp cao. Với sự vươn dậy của chủ nghĩa nhân bản thời phục hưng, đặc biệt trong thời gian hậu bán thế kỷ 15, vai trò của Aristotle mặc dù vẫn còn quan trọng, nhưng đã bị thách thức nghiêm trọng bởi những gương mặt mới. Các trào lưu tư tưởng khác của thời cổ đại ngày càng có nhiều ảnh hưởng trong đời sống văn hóa châu Âu. Triết thuyết Plato, Epicurus, chủ nghĩa hoài nghi (Scepticism), chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicism) là một vài thí dụ[15]. Chúng ta chưa bàn vào nội dung, chỉ riêng sự đa dạng trong các trào lưu triết học đó đã là sự đóng góp quan trọng của phong trào phục hưng, là bước khởi đầu chuẩn bị cho sự thăng hoa về mặt tư tưởng trong các thế kỷ sau này.
Đặc biệt sự lên ngôi của Plato thay cho Aristotle, mà tư tưởng đã chiếm lĩnh châu Âu suốt hơn 1000 năm trước đó, là một bước ngoặc quan trọng, nó mở ra một phương hướng mới và chất lượng mới cho nghiên cứu triết học trong nhiều thế kỷ về sau. Không ít nhà nghiên cứu cho rằng “triết học Plato là cội nguồn tiến hóa của chính nền triết học châu Âu”, hoặc như Hegel: “triết học như là một khoa học được bắt đầu bằng Plato”[16].

Phục hưng và khoa học tự nhiên

Không có gì nghi ngờ rằng, một trong những bước nhảy vọt về chất lượng trong lịch sử phát triển khoa học là thời kỳ giữa thế kỷ 15 và giữa thế kỷ 16 – bước nhảy vọt không chỉ trên bình diện lý thuyết, mà nhất là trên phương diện thực hành và cách đặt các vấn đề thực tiễn[17].
Sử gia kinh tế R. Romano và A. Tenenti, giáo sư đại học Paris 
Nhà nhân bản tiên phong Francesco Petrarca là người đầu tiên diễn đạt cái đẹp và sự huyền bí của thiên nhiên một cách xuất thần bằng văn chương thơ phú. Năm 1333, Petrarca leo lên ngọn đồi Mont Ventoux, nhìn về phía tây là thung lũng màu mỡ sông Rhône, phía đông là rặng núi Alps trong nắng vàng rực rỡ. Tim ông gần như ngưng đập. Cái đẹp choán ngợp tâm hồn đã tạo nên một cảm giác mới lạ về cuộc sống. Ông viết “Tôi đứng đó, xúc động ngập tràn trong làn gió thoảng và khung trời mênh mông chung quanh. Tôi nhìn xuống dưới, mây như bao phủ tới chân. Tôi nhìn lên trên, rặng núi Alps dường như với được trong tầm tay”[18].
Bức thư của Petrarca không chỉ là sự diễn đạt một cảm giác từ nội tâm, mà nó mở ra một cách nhìn mới về cuộc đời thế tục với ý thức hưởng thụ cái đẹp trong cuộc đời thực. Điều này đã trở thành điểm thu hút trong mọi quan tâm của con người về sau. Xu hướng đó ngày càng được văn thi sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ tạc tượng tiếp nhận và phổ biến trong đời sống văn hóa nghệ thuật. Tác phẩm về thiên nhiên và ca tụng thẩm mỹ ngày càng nhiều. Sự kiện đó đã đánh thức một đam mê mới lạ của những người yêu khoa học. Khám phá những bí mật huyền diệu của thiên nhiên trở thành một giá trị mới trong cuộc sống những nhà khoa học.
Lần đầu tiên trong lịch sử trung cổ, phương pháp nghiên cứu khoa học tự nhiên trở thành một khái niệm thời thượng rất được ngưỡng mộ trong giới học giả quan tâm đến khoa học. Với tinh thần tự do cá nhân và tư duy độc lập, con người không còn dễ dàng chấp nhận những mặc khải thần thánh về chân lý tuyệt đối, mà họ nhận thức rằng, việc quan sát chính xác và thử nghiệm sẽ mang lại cho họ hiểu biết về bản chất sự vật trong thiên nhiên. Khoa học đã bắt đầu tách rời khỏi thần học. Càng bỏ công nhiều vào việc tìm hiểu thiên nhiên, càng đào sâu vào việc phân tích các hiện tượng thiên nhiên, con người càng thấy rõ hơn cấu trúc bên trong của nó. Và thật huyền diệu biết bao, khi người ta có thể dùng công cụ toán học để biểu diễn những qui luật tự nhiên bên trong của chúng. Người Hy Lạp đã nhận thấy điều này trước đó 2000 năm[19]. Dù rất muộn màng, con người phục hưng đã học được từ thế giới cổ đại rằng, việc tìm tòi nghiên cứu các hiện tượng đang hiện hữu trong thiên nhiên có tính hấp dẫn hơn là tưởng niệm u hoài về một thế giới khác bên ngoài cuộc đời thế tục.
 Hình 1. Người Vitruvius (Sáng tác khoảng năm 1492 theo diễn giải của kiến trúc sư Hy Lạp Vitruvius: đặc tính cơ thể con người biểu diễn bằng những khái niệm toán học). Tác giả: Leonardo da Vinci
Nguồn: Gallerie dell’Accademia, vùng công cộng
Suốt nhiều thế kỷ trong quá khứ, giới trí thức trung cổ tương đối thỏa mãn với những nguồn kiến thức có sẵn, dựa trên các tài liệu rất hiếm hoi, chủ yếu từ các bản dịch sách kinh điển của Aristotle kèm theo diễn giải từ tu viện và các đại học theo truyền thống kinh viện. Nhưng bắt đầu từ thế kỷ 14 và 15, nguồn tài liệu đến từ Ả Rập và Byzantine ngày càng nhiều, tri thức ngày càng phong phú và đa dạng được lưu truyền từ các tác giả thuộc nhiều ngành khác nhau, đại biểu cho nhiều xu hướng khác nhau, và may mắn thay, nhiều lúc mâu thuẫn nhau. Điều này càng kích thích tính tò mò và óc phê phán của học giả phục hưng. Họ tiếp nhận tri thức mới không bằng thái độ “học” như trước, mà nghiên cứu chúng một cách khách quan như nguồn tham khảo, rồi so sánh với những quan sát riêng để đưa ra phán đoán cuối cùng. Họ dần dần từ bỏ phong cách làm khoa học thời trung cổ, thậm chí phản biện và từ chối tri thức của một vài thần tượng đã chiếm ngự thế giới học giả suốt nhiều thế kỷ. Sự xuống ngôi của Aristotle và Ptolemy chỉ là vài thí dụ.
Điều đó có tác động rõ ràng nhất trong lĩnh vực khoa học tự nhiên như thiên văn, động vật, thực vật, khoáng chất, giải phẩu, y khoa, toán và vật lý. Trong các lĩnh vực này, chúng ta chứng kiến sự phát triển không ngừng về kiến thức và tiến bộ trong suốt một thế kỷ. Từ Copernicus, Tycho Brahe, Paracelsus, Vesalius, Kepler và cuối thế kỷ 16 là Galileo Galilei, người khai sinh ra nền khoa học hiện đại với phương pháp tổng hợp giữa toán học và vật lý. Những học giả này đạt đến các phát minh quan trọng cũng nhờ lòng dũng cảm và phong cách tự do, biết chọn lọc để từ giã những nhân vật đầy ảnh hưởng của văn minh cổ đại. Lấy thí dụ sự từ giã tư tưởng Aristotle. Các nhà nhân bản [mà trước hết là Francesco Petrarca] đã dọn đường một phần từ thế kỷ 14. Đến thời kỳ phục hưng thì Plato nghiễm nhiên chiếm ngự vị trí huy hoàng này[20].
Tinh thần khoa học bắt đầu từ lúc con người từ bỏ việc nhận thức sự vật bằng cảm nhận và niềm tin mà phải xem xét thật sự bản chất của hiện tượng, tìm mối liên hệ và qui luật chuyển động của chính bản thân sự vật, nếu cần thì thử nghiệm để chứng minh. Mục đích cuối cùng là đưa ra những kết luận có căn cứ. Tinh thần này khuyến khích nhà khoa học từ bỏ những tiên tri trừu tượng của thần học. Dù sùng đạo hay không, người khoa học có xu hướng từ bỏ thế giới thần thánh và trở về với đời sống thế tục và con người thế tục.
Cho nên cũng là điều dễ hiểu, khi tinh thần nghiên cứu khoa học tự nhiên bắt đầu bằng sự phản biện các học thuyết thiếu căn cứ đã bám rễ trong giới học thuật cả thiên niên kỷ trước, kết hợp với lòng dũng cảm, sẵn sàng thách thức sự chống đối thậm chí đe dọa cấm đoán cũng như kết án của giáo hội và hàng giáo phẩm. Trước hết, chúng ta phải kể đến nhà học giả Ba Lan Nicolaus Copernicus (1473-1543), người khai sinh cho tinh thần nghiên cứu khoa học trên lục địa châu Âu. Ông đưa ra luận thuyết cho rằng, vũ trụ bao gồm nhiều hành tinh kể cả quả đất, và chúng chuyển động chung quanh mặt trời.
Câu hỏi mặt đất phẳng hay cong, quả đất hình khối hay hình cầu, điều đó thì không có gì để bàn cãi, nhất là sau khi đoàn thám hiểm Magellan đi hết vòng quanh quả địa cầu. Nhưng câu hỏi khác quan trọng hơn chưa đi đến chung cuộc là, quả đất đứng yên hay chuyển động? mặt trời xoay quanh quả đất hay trái đất xoay quanh mặt trời? Aristotle, Ptolemy và hệ thống triết lý thần học Kitô đều có phán đoán chắc chắn về lý thuyết địa tâm: Quả đất là trung tâm của vũ trụ, mọi hành tinh khác kể cả mặt trời đều xoay quanh quả đất. Điều đó được xem như chân lý, không ai dám bàn cãi từ hơn 1000 năm trước.
Chưa hề biết thế nào là kính viễn vọng, mà chỉ bằng trực giác, Copernicus trước hết đã phát hiện trạng thái mà ông gọi là “dường như chuyển động” của các hành tinh. Bằng sự tò mò, óc quan sát, qua thử nghiệm và lòng kiên nhẫn cao độ, Copernicus tiếp tục tìm hiểu và đi đến một kết luận chấn động rằng, thực sự có một chuyển động tương đối giữa các hành tinh và chúng chuyển động chung quanh mặt trời, điều mà lý thuyết cơ học của Isaac Newton (1642-1726) hơn 100 năm sau mới có một định nghĩa chính xác. Nhưng con đường dẫn đến cơ học Newton cũng xuất phát từ tư tưởng tiên phong của Copernicus[21], mà giới khoa học thường gọi là cuộc cách mạng Copernicus.
Ngày hôm nay, chúng ta khó hình dung những khó khăn nào của các khoa học gia có tư tưởng cách mạng như Copernicus trong một xã hội, nơi mà thế giới học giả xem Aristotle là thần tượng, con người thế tục thì xem lời Giáo hoàng là chân lý tuyệt đối, trong một xã hội như thế mà lại có một người học giả không có quyền thế dám đưa ra một lý thuyết mới mẻ đi ngược lại học thuyết Aristotle và đi ngược tinh thần của Thánh Kinh.
Thật thế, Giáo hoàng Clemens VII[22] không thừa nhận học thuyết của Copernicus, khi nghe ông thuyết giảng rằng mặt trời, chứ không phải quả đất là trung tâm của vũ trụ. Cả vị Giáo hoàng kế nhiệm Paul III cũng thế. Nhà thần học tin lành Martin Luther thì phản bác với trích dẫn lời nguyền của đấng sáng tạo Joshua theo diễn giải Thánh Kinh. Đặc biệt là mục sư Philipp Melanchthon xem lý thuyết của Copernicus là tà giáo, chứa đựng những tư tưởng mới lạ, tội lỗi và vô thần. Tác phẩm kinh điển “Về sự chuyển động vòng của các hành tinh[23] của Copernicus bị giáo hội Thiên Chúa Giáo cấm phổ biến kể từ 1616, và mãi 200 năm sau, lệnh cấm mới được thu hồi vào năm 1822[24].
Sự vươn lên của trào lưu nghiên cứu khoa học tự nhiên cũng là sự khởi đầu đi xuống của giáo hội. Các học giả nghi ngờ kiến thức và vai trò đại diện Thượng Đế của các vị giáo hoàng, họ cũng nghi ngờ tính chính danh của giáo hội trong vai trò phục vụ cộng đồng và quãng bá phúc âm. Ngay cả những lời tiên tri trong Thánh Kinh cũng không còn giá trị tuyệt đối như trước. Tinh thần phê phán, phương pháp tư duy và lòng dũng cảm của Nicolaus Copernicus đã mở ra một chân trời mới cho nền khoa học hiện đại. Khám phá của Nicolaus Copernicus về vũ trụ với việc phản bác lý thuyết địa tâm của Aristotle và Ptolemy có giá trị cao hơn một cuộc cách mạng về khoa học tự nhiên.
Nicolaus Copernicus chết năm 1543, nhưng cuộc cách mạng Copernicus vẫn mở ra cho nhân loại khả năng tiếp tục khám phá vũ trụ, một loại hoạt động khoa học kéo dài đến thế kỷ 21 ngày nay vẫn chưa chấm dứt. Nhưng đấy là chuyện không trung, vũ trụ. Ở dưới đất và ngay trong vùng tận cùng bí mật mà con người chưa bao giờ nhìn thấy cũng mở ra một cánh cửa mới, cũng trong năm 1543: Lần đầu tiên, vị bác sĩ giải phẩu người Hà Lan Andreas Vesalius (1514-1564) công bố một hình vẽ chi tiết về cấu trúc bên trong và hoạt động của cơ thể con người. Tác phẩm của Vesalius “Cấu tạo cơ thể con người” xuất bản năm 1543 đã mở đầu cho ngành phẩu thuật hiện đại[25], một cuộc cách mạng lớn trong ngành y khoa, vừa mang tính chất khoa học thực nghiệm, vừa có ý nghĩa nhân văn, triết học và tôn giáo. Bác sĩ nổi danh thế kỷ 19 người Canada, Sir William Osler gọi đó là tác phẩm vĩ đại nhất về y khoa từng được xuất bản[26]. Tác phẩm đó xứng đáng là một cuộc cách mạng vì nó chấm đứt vai trò huyền thoại Galenus của Hy Lạp trong ngành phẩu thuật, điều chỉnh lại toàn bộ nền khoa học phẩu thuật đã có từ trước, và hoàn tất nền móng vật lý cho ngành y học hiện đại[27]. Tất cả được bắt đầu bằng tác phẩm tuyệt diệu của vị bác sĩ 29 tuổi Andreas Vesalius, đúng vào những thập niên hưng thịnh của nền khoa học phục hưng.
Sau hàng ngàn năm thụ động và duy tâm, con người phục hưng bỗng nhiên tìm thấy trong bản thân mình sức mạnh mới và một ý chí mới với niềm khát khao thay đổi thế giới. Sự giao thông rộng rãi kết hợp với những tri thức mới về toán và vật lý đã làm mọi ước mơ trở thành hiện thực, biến tư tưởng mạo hiểm trở thành những hành động hữu ích cho mình và cho xã hội.
Các cuộc thánh chiến trong hai thế kỷ 12 và 13 đã đưa người Tây Âu đến tận cửa ngõ Trung Đông và Ả Rập, tiếp cận với những nền văn hóa khác. Các đoàn thương gia đi xa hàng vạn cây số để giao thương buôn bán với các nước ở tận Đông Á. Họ không những mua bán gia vị, tơ lụa mà còn mang về sáng kiến mới, phát minh mới mà họ quan sát được từ những vùng xa xôi đó. Kết hợp với những kiến thức mới về toán và vật lý đi kèm với năng khiếu kỹ thuật, họ biến những sáng kiến từ xa trở thành sản phẩm có ích cho cuộc sống, cải thiện chúng để trở thành công cụ phục vụ cho tiến bộ và giàu có.
Vài thí dụ. Người Trung Hoa đã phát minh ra đại bác tầm nhỏ từ thế kỷ 12, và phải đợi đến lúc kỹ sư Urban[28] người Hungary sử dụng tri thức vật lý, cơ khí và luyện kim để biến nó thành đại bác công nghiệp để công phá và triệt hạ Constantinople năm 1453, thành lũy kiên cố nhất của đế chế Byzantine. Biến cố này đã vĩnh viễn thay đổi mọi chiến lược quân sự trước đó trong lịch sử loài người. Trung Hoa cũng đã phát minh kỹ thuật in mộc bản từ thế kỷ thứ chín, nhưng chỉ sử dụng cho các cáo thị triều đình và một ít sách vở không đáng kể. Phải đợi đến lúc Johannes Gutenberg sử dụng kiến thức cơ khí để phát minh máy in, phát minh kỹ thuật đúc chữ bằng chì và kẽm với độ chính xác cao và kết hợp với một ý chí đổi đời mãnh liệt để làm cuộc cách mạng vĩ đại ngành in ấn, góp phần tham gia vào việc quãng bá tri thức rộng rãi với giá thành thấp phù hợp cho mọi người từ giàu tới nghèo. Kim nam châm vốn không xuất xứ từ châu Âu, nhưng với ý chí mạo hiểm của người đi biển kết hợp với kiến thức mới về cơ khí, họ đã chế tạo được các thiết bị viễn dương, nhờ thế mà Columbus mới đến được châu Mỹ năm 1492, và đoàn tàu Magellan có thể đi được vòng quanh trái đất những năm 1519-1522[29], chấm dứt những cuộc tranh luận nhàm chán về quả đất hình khối hay hình cầu.
Ngoài những phát minh quan trọng của các vĩ nhân như Copernicus, Vesalius, chúng ta còn chứng kiến trong thời đại phục hưng rất nhiều phát minh và sáng kiến độc đáo phục vụ cho đời sống con người. Thế kỷ 16 là thế kỷ của phát minh khoa học, dẫn dắt châu Âu vào kỷ nguyên mới. Ngành thực vật học đã đến tận người dân giản dị nhất: Trong các nhà tư nhân đã xuất hiện những khu vườn có các loại rau quả sử dụng hàng ngày. Kính soi mặt được phát minh năm 1503 tại Venice, đồng hồ bỏ túi đầu tiên được Peter Henlein người Đức sáng chế năm 1508, khóa số được phát minh tại Ý năm 1550, bác sĩ Ambroise Paré người Pháp phát minh tay chân giả năm 1564, Nhà quang học Hà Lan Sacharias Jansen khám phá kính hiển vi năm 1590, thuốc nổ được đưa vào sử dụng thành công trong ngành khai thác khoáng sản[30] v.v…
Nghiên cứu khoa học tự nhiên đã đưa ra những giả thuyết đôi khi xuất phát từ những quan sát tình cờ, rồi được chứng minh để tổng kết thành các định luật toán học, vật lý. Từ đó những bộ óc thông minh đi kèm với năng khiếu kỹ thuật đã dẫn dắt người châu Âu bước vào kỷ nguyên hiện đại. Tất cả những biến cố vĩ đại nói ở trên đều xảy ra trong thời đại phục hưng, mà nếu không có tinh thần khoa học và sáng kiến kỹ thuật thì cũng khó lòng trở thành hiện thực.  

Phục Hưng và giáo hội Kitô

Người châu Âu nói chung rất sùng đạo. Không chỉ trong thời đại của chúng ta sau này, mà cả ngàn năm trước, Kitô giáo luôn luôn là chỗ dựa tinh thần cho mọi người trong xã hội, không phân biệt học giả hay người dân bình thường ít học. Dù mỗi người có một cách nhìn khác nhau về giáo hội, nhưng đạo đức Kitô vẫn là chuẩn mực cho mọi người noi theo. Trong các thánh lễ cho đến thế kỷ 15, Thánh Kinh và giáo lý được diễn giải bằng tiếng la-tinh, nhưng cũng không ngăn cản mọi người đến nghe và tin tưởng tuyệt đối, kể cả những tín đồ ít học không hiểu tiếng la-tinh. Niềm tin tuyệt đối vào Thượng Đế là lẽ sống, là kim chỉ nam cho hành động. Văn chương thơ phú nhiều lúc lấy Thượng Đế làm niềm cảm hứng để sáng tác những áng văn bất tử. Nhiều nhà khai sáng thế kỷ 17/18 khi luận giải về tự do bẩm sinh vẫn lấy những khái niệm liên quan đến Thượng Đế làm tiêu chuẩn để so sánh. Hegel, Adam Smith là những thí dụ.
Niềm tin vào Kitô giáo trước sau vẫn là tinh thần quán xuyến trong đời sống xã hội. Chỉ trừ sau những đại họa thiên nhiên, lòng tin có ít nhiều suy giảm. Điều này chúng ta thấy rõ sau các tai họa lớn nhỏ xảy ra suốt thế kỷ 14: mất mùa hạn hán đi kèm với nạn đói chết chóc vào đầu thế kỷ, cái chết đen[31] ở giữa thế kỷ, bắt đầu từ năm 1347 và kéo dài đến 1353 làm cho 1/3 dân số châu Âu bị tử vong[32], và tiếp theo những cơn đại dịch sau đó trong hậu bán thế kỷ 14. Sau mỗi đại họa như thế, người ta đặt câu hỏi, tại sao Chúa sáng tạo ra loài người mà có thể nhẫn tâm sinh ra đại họa để thử thách tín đồ. Lòng tin vào Chúa vì thế có suy giảm, nhưng khi đại họa qua đi, mọi chuyện vẫn đâu vào đấy, ít người đặt lại vấn đề niềm tin.
Nhưng điều đó không ngăn cản những nhà phục hưng âm thầm hoặc công khai phê phán giáo hội Kitô. Họ không đặt lại niềm tin vào Thượng Đế, mà dưới nhiều khía cạnh khác nhau, họ phê phán giáo hội đã đóng sai vai trò của tổ chức đại diện cho Thượng Đế trên trần gian, và cả Giáo Hoàng cũng không tránh được cách nhìn phê phán của người phục hưng. Vài thí dụ tiêu biểu: Nhà thần học Martin Luther, người phê phán giáo hội La Mã và mở đầu cho phong trào cải cách tôn giáo đầu thế kỷ 16. Cùng thời gian đó, nhà nhân bản Desiderius Erasmus dù cực kỳ sùng đạo cũng không ngần ngại sử dụng các tác phẩm văn học của mình để chế diễu cay độc những tội lỗi bên trong giáo hội và mang các vị trong hàng giáo phẩm cao cấp ra làm trò cười[33]. Nhưng kẻ mở đầu cho mọi phê phán công khai có lẽ là Dante Alighieri trước đó trong thế kỷ 14. Dante dùng văn chương thơ phú để diễn đạt tinh thần phê phán. Ông không nhẹ lời chút nào với giáo hội và Giáo Hoàng, mặc dù trước sau, ông vẫn là người rất sùng tín, sẵn sàng “để cho người yêu [Beatrice] dẫn linh hồn về Thượng Đế và đạt đến một viễn tượng huyền bí, nơi mọi sáng tác thi phú đều chấm dứt[34]”.
Dante là người tiên phong làm chuyện không ai có thể hình dung được trong thế kỷ 13/14, là đánh thức lòng tự tin của người Ý và xem Ý như một đơn vị thống nhất về văn hóa, dù rằng quốc gia Ý lúc ấy chưa hiện hữu mà chỉ là vùng địa lý bao gồm hàng chục nhà nước thành phố độc lập và tranh chấp lẫn nhau. Theo Dante, giáo hội với nhà nước thần quyền ở trung tâm là tổ chức tạo ra bất ổn. Trong văn chương, Dante không ngần ngại đẩy Giáo Hoàng xuống địa ngục và đưa vào lò lửa để bắt sám hối[35]. Tác phẩm “Monarchia(Chế độ quân chủ) bị giáo hội đưa vào danh sách cấm lưu hành[36] cho đến cuối thế kỷ 19, vì trong sách đó, Dante đưa ra luận thuyết về quốc giáo và sự tách biệt rõ ràng giữa nhà nước thế tục và giáo hội. Dante nói rằng, Chúa Jesus thanh bạch và triết học của Aristotle đòi hỏi một giáo hội kiểu khác. Phê phán của Dante nhắm tới một tổ chức giáo hội đầy quyền lực và sẵn sàng thực thi bạo lực. Điều quan trọng trong phê phán đó là sự nghèo đói. Ngày nào giáo hội còn giàu có, ngày đó giáo hội còn liên minh với quyền lực, biện hộ cho những đặc ân, và đó không phải là giáo hội của Jesus Christ.
Dante là một trong số rất ít thiên tài, mà sự nghiệp văn học ngay trong lúc còn sống đã thành một khái niệm mang tính biểu tượng. Mọi người đều ngưỡng mộ, và mỗi cộng hòa trên đất Ý, mỗi thành phố lớn nhỏ đều mong muốn được tiếp đón Dante như thượng khách, dù rằng lúc đó, Dante đã bị Florence kết án tử hình vắng mặt. Là nhân vật tiên phong khai sinh ra luồng văn hóa nhân bản, nhất là khi tư tưởng phản kháng của Dante đối với giáo hội đã được thánh hóa trong các tác phẩm bất hủ của ông, thì sự phản kháng ấy dễ dàng trở thành một định hướng cho những nhà nhân bản và giới học giả thời phục hưng.
Xu hướng đó đặt ra cho giáo hội nhiều vấn đề, nhất là khi tư tưởng nhân bản đã xâm nhập vào mọi tầng lớp, kể cả hàng giáo phẩm cao cấp. Vấn đề nhức nhối nhất cho giáo hội Kitô vào thế kỷ 14/15 là sự phân hóa nội bộ về niềm tin. Vì phong trào phục hưng, mà dẫn đầu là các nhà nhân bản, nghi ngờ sáng kiến về một nhà nước thần quyền. Tư tưởng mới mẻ đó tất nhiên có lợi cho nhà nước thế tục vốn dĩ đang có xung khắc quyền lực với giáo hội về câu hỏi ai có thẩm quyền thống trị người dân? Nhưng rồi chính những vương quyền độc đoán, sau khi thống nhất các lãnh địa nhỏ để trở thành vương quốc rộng lớn hơn, cũng mất dần quyền lực và ảnh hưởng, vì khi tư tưởng phổ biến đặt con người chứ không phải thần thánh vào vị trí trung tâm, thì nhà nước thế tục cũng sẽ bị suy yếu và có thể bị phá sản dễ dàng[37]. Thế cộng sinh giữa chế độ quân chủ và giáo hội Kitô bắt đầu đi vào giai đoạn mới, một cuộc khủng hoảng mới dường như không có lối ra.
Thêm vào đó, sự vươn dậy của trào lưu nghiên cứu khoa học tự nhiên trong thời đại phục hưng cũng vô hình trung làm cho uy tín của giáo hội ngày càng đi xuống trong giới học giả, nhất là trong thế kỷ 16 và 17, khi giáo hội chính thức phản bác, cấm lưu hành các công bố khoa học hoặc tài liệu phản biện về tôn giáo và chính trị, thậm chí lên án và trừng phạt một số nhà khoa học tiếng tăm. Nicolaus Copernicus, Galilleo Galilei chỉ là vài thí dụ. Đấy là chưa kể, Dante Alighieri trước đó đã phải sống lưu vong hơn 20 năm, cũng do tác động ít nhiều của vị Giáo Hoàng đương thời.
Sự giảm sút niềm tin của giới khoa học vào giáo hội có nguyên do rất sâu xa: Thánh Kinh và giáo lý Kitô đã đặt một ranh giới không thể vượt qua cho những người muốn tìm tòi nghiên cứu: Khoa học phải ưu tiên phục vụ cho niềm tin, còn chuyện đi tìm chân lý chỉ đóng vai trò thứ yếu. Giờ đây người thế tục tự giải phóng mình ra khỏi ràng buộc đó, và câu hỏi về tôn giáo bị đẩy lùi vào hậu trường. Họ đặt cho khoa học nhiệm vụ phải phá vỡ chiếc cầu nối đến niềm tin tôn giáo, chứ họ không thể thuần phục niềm tin và từ bỏ khát vọng tìm tòi khám phá tri thức mới. Lý tưởng của người sùng đạo nhiệt thành về cuộc đời khổ hạnh không còn là một giá trị cho con người có học thức trong thời đại phục hưng noi theo[38].
Tóm lại, ngay từ cuối thế kỷ 13 và trong thế kỷ 14, giáo hội đã bị các nhà thần học cấp tiến phê phán, thậm chí có những phê phán quyết liệt hơn cả Martin Luther vào đầu thế kỷ 16, thí dụ như trường hợp của hai nhà thần học nổi tiếng đương thời là John Wiclif người Anh (1330-1384) và Jan Hus người Bohemia vùng Tiệp (1369-1415). John Wiclif cho rằng, lối sống của hàng giáo phẩm là nguồn gốc của đói khổ nhân loại. Chỉ riêng những lãnh đạo tinh thần đang sống xa hoa trong đền đài tráng lệ, đã tích lũy một tài sản khổng lồ, tài sản đó đủ để đáp ứng đòi hỏi về nhu cầu hàng ngày của tất cả người nghèo khó trên thế gian[39]. Giáo hội đã sa đọa đến độ mà John Wiclif còn cho rằng thế giới Kitô sẽ thiêng liêng hơn, nếu không có Giáo Hoàng và các Đức Hồng Y.
Dù cực đoan như thế, John Wiclif cũng được nhiều nhà thần học khác và giới quí tộc ủng hộ, nhưng lúc ấy, hệ thống giáo hội còn quá mạnh, không những còn có ảnh hưởng chính trị lên các vương triều địa phương, mà đối với giáo dân, Giáo Hoàng vẫn là biểu tượng thần thánh, là đại diện cho Thượng Đế trên trần gian. Thuở đó, giáo dân vẫn chưa có ý thức về sự khác nhau giữa một giáo hội trong thực tế họ gặp hàng ngày và giáo hội trong biểu tượng lý tưởng mà Chúa Jesus Christ và các tông đồ đã phác họa. Phía giáo hội thì các Giáo Hoàng đầy quyền lực vẫn chưa có biểu hiện gì tỏ ra sẵn sàng cải thiện.
Điều đó cũng có thể cắt nghĩa được. Tôn giáo là một hệ thống mang tính chất văn hóa và ý thức hệ của xã hội. Một hệ thống như thế khó lòng chuyển hóa triệt để, nếu không có những biến cố chấn động từ bên trong và sự trợ lực từ bên ngoài của các lực lượng mới thành hình có đầy đủ sức mạnh và ý chí hành động. Châu Âu trong thế kỷ 14 và 15 vẫn còn trong quá trình củng cố và phải đối phó với nhiều vấn đề có thể đe dọa sự tồn tại của các quốc gia[40], cho nên họ chưa có ý chí mạnh mẽ để thúc đẩy một cuộc cải cách toàn diện trong giáo hội, mặc dù họ đã thấy rõ sự cần thiết. Vì thế, hệ thống giáo hội mang tính chất và thế giới quan của giáo sĩ, mà chúng ta có thể gọi là tinh thần giáo hoàng hơn là đạo đức Kitô, vẫn còn tiếp tục tồn tại không hề thay đổi suốt hơn một thế kỷ sau[41].
Sức mạnh của giáo hội và uy tín của Giáo Hoàng bắt đầu lung lay sau khi giới học giả tiếp cận ngày càng nhiều triết học Hy Lạp cổ đại, vốn dĩ được phát triển trong xã hội đa thần và xem “con người là thước đo của vạn vật” (Protagoras), chứ không phải thần thánh hướng dẫn cuộc sống trên trần thế. Khi chủ nghĩa nhân bản trở thành một trào lưu văn hóa sống động kể từ đầu thế kỷ 15, con người suy nghĩ độc lập hơn, hành động theo lý tính chứ ít thiên về niềm tin. Bước sang thời đại phục hưng, hệ thống triết học phong phú hơn, tinh thần nghiên cứu khoa học phát triển mạnh hơn, ý thức phản kháng cao hơn, cho nên vai trò Giáo Hoàng ngày càng lu mờ và sức mạnh của giáo hội dường như bắt đầu sụp đổ. Phong trào phục hưng đã hoàn tất những bước chuẩn bị sau cùng. Cuộc cải cách tôn giáo do Martin Luther khởi động chắc hẳn không phát triển mạnh mẽ như chúng ta biết, nếu không có những thành quả của phong trào phục hưng đi trước lót đường.  
Từ một giáo hội xa hoa, đầy quyền lực và sa đọa cho đến lúc phải cải cách, quá trình cũng kéo dài mất nhiều thế kỷ. Thực thể đó cho chúng ta một bài học muôn thuở rằng, không có một tổ chức thoái hóa nào có thể tự cải cách, xuất phát từ lòng tốt của những con người trong đó, mà áp lực từ bên dưới là yếu tố cần thiết để thúc đẩy quá trình chuyển hóa. Những con người phục hưng đã tạo được sức ép cần thiết để buộc giáo hội phải cải cách. Nhưng vì cuộc cải cách đến quá chậm, cho nên cuối cùng thế giới Kitô bị phân hóa làm nhiều tông phái khác nhau cùng thờ một Chúa. Đấy là chưa kể bao nhiêu cuộc chiến tranh đẫm máu sau đó vì hiềm khích tôn giáo, mà thảm khốc nhất là cuộc chiến tranh hủy diệt trên toàn châu Âu kéo dài 30 năm từ 1618 đến 1648. Nguồn gốc đưa đến hậu quả chia rẽ này và những thảm họa đi kèm không phải là ý muốn từ bỏ niềm tin Kitô, mà là sự phản kháng chống lại đời sống xa hoa sa đọa và sự lạm dụng quyền lực của giáo hội La Mã. Sau thời đại phục hưng, người ta chỉ gọi là giáo hội Thiên Chúa Giáo. Trong thực tế thì vẫn còn một thế giới Kitô với nhiều tông phái, nhưng nếu hiểu giáo hội là tổ chức có vai trò lãnh đạo tinh thần cho giáo dân, thì cụm từ giáo hội Kitô không còn ý nghĩa và trên thực tế nó cũng không còn tồn tại kể từ cuối thế kỷ 16.

Phục hưng và ý thức quốc gia

Khi thế kỷ 14 chấm dứt, châu Âu bắt đầu bước vào con đường dẫn đến chế độ tập trung. Thế kỷ 15 tiếp nối và hoàn thiện xu hướng đó, một xu hướng còn tiếp tục phát triển suốt vài thế kỷ tiếp theo. Thế kỷ 15 đã làm sống dậy những sáng kiến và quan tâm về các giá trị phổ quát, đồng thời các tính chất đặc thù địa phương dần dần biến mất, để nhường chỗ cho sự hợp nhất thành một tổng thể rộng lớn hơn chưa bao giờ có trước đó, ấy là ý thức về quốc gia và nhà nước. Quá trình này được hoàn tất trong thế kỷ 16 và 17, nhưng các bước chuẩn bị đã được bắt đầu từ thế kỷ 15[42].
François Guizot, giáo sư sử học đại học Sorbonne, Paris
Trong một dịp khác, chúng ta sẽ giành nguyên một chương cho đề tài này. Ở đây trong khuôn khổ báo mạng, chúng tôi chỉ xin sơ lượt một vài nét chấm phá.
Khái niệm quốc gia và hình thái nhà nước quốc gia như chúng ta hiểu hôm nay mới xuất hiện tại châu Âu kể từ sau cuộc cách mạng Pháp năm 1789, khi quốc hội đầu tiên (Assemblée Nationale) được thành lập, một cơ quan đại diện cho toàn dân Pháp, không phân biệt giai tầng nào trong xã hội. Kể từ đó, xu hướng thành lập quốc gia và nhà nước quốc gia mang tính chất hiện đại như điển hình Pháp đã nhanh chóng phổ biến rộng trên lục địa châu Âu.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc hình thành khái niệm quốc gia ở mỗi nước có ít nhiều khác biệt. Nhưng đặc tính chung của châu Âu thế kỷ 15 là nhận thức rằng, đất nước càng rộng thì càng có nhiều lợi thế, cho nên quốc gia ngày càng mở rộng bao gồm nhiều đơn vị chính trị, trong đó các lãnh địa lớn thâu tóm các lãnh địa lân cận nhỏ hơn để tạo thành một tổng thể có quyền lực tập trung. Cả trong lĩnh vực kinh tế cũng thế, hệ thống tập trung mang lại lợi thế về quyền lực. Và thực thế là trong thế kỷ 15, ngày càng có nhiều sức mạnh kinh tế tập trung trong tay của ngày càng ít giòng họ nổi tiếng[43]. Medici của Ý hoặc Fugger của Đức là vài thí dụ.
Chúng ta thử lướt qua vài đặc trưng trong quá trình phát triển ý thức quốc gia ở một vài nước lớn của châu Âu.
Ở bán đảo Ý, tư tưởng quốc gia xuất phát từ sáng kiến xây dựng thế mạnh về thương mại đạt được từ các cộng hòa đang dẫn đầu châu Âu, đồng thời duy trì vị trí lãnh đạo của các trung tâm văn hóa nghệ thuật đang còn nằm rải rác ở nhiều cộng hòa khác nhau, mỗi nơi có một nhà nước thành phố khác nhau. Với dân số chưa tới một triệu người, các cộng hòa riêng lẻ đó không tạo được sức mạnh cần thiết, đủ để đối chọi với với các thế lực lớn đang bắt đầu ngoi lên trên lục địa. Thống nhất nước Ý là một xu hướng tất yếu, được bắt đầu khởi dậy từ cuối thế kỷ 15. Sáng kiến này trong các cộng hòa nhỏ ngày càng rõ nét, giúp cho các vùng khác của châu Âu tìm đường thoát khỏi gọng kìm của một bên là hệ thống phong kiến của nhà nước thế tục và bên kia là bóng mây của hệ thống quyền lực sa đọa trong nhà nước thần quyền. Riêng tại Ý, sự chuyển hóa đến quá chậm cho nên một vài vùng của Ý bị Pháp và Tây Ban Nha thôn tính cuối thế kỷ 15, và Ý phải đợi thêm vài thế kỷ nữa để giấc mơ thống nhất quốc gia mới trở thành hiện thực.
Ở Pháp và Anh, ý thức quốc gia đặc biệt phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn chiến tranh 100 năm[44] để Pháp giành lại các vùng đất đã mất vào tay vương quốc Anh. Nguyên do của cuộc chiến tranh dai dẳng này là sự tranh giành quyền thừa kế ngai vàng sau khi vua Pháp Charles IV mất trong lúc chưa có người kế vị. Khi các cuộc xung đột vũ trang chấm dứt vào năm 1453, và vùng đất cuối cùng Calais được Anh trao trả năm 1459, Pháp vẫn còn là một vương quốc bao gồm nhiều lãnh địa không ai thuần phục ai, nằm dưới quyền cai trị của nhiều giòng họ, trong đó lớn nhất là giòng họ Capétiens (Capetian), kế tiếp là Bourgogne (Burgundy) và một vài giòng họ khác cai quản các lãnh địa nhỏ ở tây nam của Pháp. Ở Anh, Scotland và nhất là Ireland thì vẫn còn vài lãnh địa độc lập và họ chỉ thuần phục vương triều Anh trên danh nghĩa.
Hình 2: Vương triều Pháp và các lãnh địa năm 1477
Tác giả: Zigeuner, bản quyền CC-BY-SA 3.0
Cuộc chiến tranh 100 năm là một trong những bước ngoặc quan trọng trong lịch sử châu Âu. Nó đánh dấu sự thành hình một tư tưởng mới về quyền lực, nhằm mục đích bảo vệ cũng như bành trướng lãnh thổ. Việc đoàn kết các lãnh địa nhỏ để thống nhất thành một quyền lực tập trung là chiến lược của các nhà cai trị của Pháp và Anh trong những thế kỷ tiếp theo. Ý thức quốc gia đã định hình rõ rệt và nhà nước quốc gia có quyền lực tập trung là mối bận tâm hàng đầu của họ. Các vương triều Anh và Pháp biết khơi dậy tinh thần yêu nước, kêu gọi người dân gạt bỏ tầm nhìn địa phương để đưa tinh thần yêu nước lên quy mô quốc gia, thực chất là tiến đến việc phục tòng vương triều trung ương, trên cơ sở san sẻ quyền lực cho các lãnh chúa địa phương. Một đặc trưng khác trong giai đoạn này là, các vương triều Anh và Pháp dần dần thoát ra khỏi sự giám hộ của giáo hội Kitô, giảm bớt ảnh hưởng của hàng giáo phẩm trong các cơ cấu nhà nước thế tục, dần dần tiến đến việc kiểm soát ảnh hưởng của tôn giáo lên đời sống xã hội.
Ở Tây Ban Nha, ý thức quốc gia dù phát triển rất sớm từ lúc khởi đầu phong trào Reconquista vào thế kỷ thứ 10 để giành lại bán đảo Iberia đã bị khối Islam xâm chiếm, nhưng khi hầu hết đất đai đã lấy lại được khoảng giữa thế kỷ 13, phong trào Reconquista chững lại, một phần vì văn hóa bản địa chưa đủ mạnh để chiếm lại trái tim của người dân đã sống suốt nhiều thế kỷ dưới nền văn hóa khá cao của khối Islam, phần khác tính đoàn kết của các vương quốc nhỏ bắt đầu lỏng lẻo sau nhiều thế kỷ mệt mỏi vì chiến tranh. Tính đoàn kết và ý thức quốc gia giảm xuống, Tây Ban Nha trở thành một bán đảo gồm sáu vương quốc[45] độc lập nhau. Phải đợi đến 1492, khi hai vợ chồng Ferdinand II (Vua xứ Aragon) và Isabella I (Hoàng hậu xứ Castilla) đánh bạt đội quân Islam ra khỏi lãnh địa cuối cùng là Granada, chấm dứt gần 800 năm hiện diện của khối Islam trên bán đảo Iberia, Vương quốc Tây Ban Nha mới trở thành một nước thống nhất với tên gọi Kingdom of Spain cho tới hôm nay. Mặc dù các ngôn ngữ địa phương như Catalian, Galician, Basque vẫn còn tồn tại ở các địa phương đó cho đến bây giờ, ngôn ngữ Castillian mà chúng ta quen gọi là Spanish trở thành ngôn ngữ quốc gia thống nhất.
Qua lịch sử của các nước kể trên trong thế kỷ 15, chúng ta có thể kết luận rằng, ý thức quốc gia và tinh thần yêu nước phát triển mạnh mẽ nhất khi họ phải tiến hành chiến tranh chống ngoại xâm. Đoàn kết là tính chất cần thiết để tạo nên sức mạnh đối kháng. Nhưng khi chiến tranh chống ngoại xâm chấm dứt thành công, không ai bảo đảm rằng ý thức quốc gia sẽ tiếp tục tồn tại và một quốc gia thống nhất sẽ thành hình. Giữa những vùng gần gũi nhau, cùng chung tiếng nói và phong tục tập quán giống nhau, họ cần một chất keo vững chắc hơn để nối kết các thành viên lại với nhau. Chất keo đó chính là kho tàng văn hóa tích lũy được từ nhiều thế hệ. Ngôn ngữ và phong tục tập quán phải được thể hiện thành những tác phẩm đọc được, thấy được, sờ mó được. Đó là kho tàng văn chương, thơ phú bằng tiếng mẹ đẻ, là hội họa, điêu khắc của người “đồng hương” sáng tác, là các công trình kiến trúc xuất hiện lồ lộ trong địa phương. Kho tàng văn hóa ấy là chiếc gương soi để người dân có thể nhìn thấy bóng mình phản chiếu trong các tác phẩm. Văn hóa nghệ thuật phục hưng đã đặt nền móng vững chắc ban đầu để làm tròn chức năng đó.
Ý thức quốc gia được đánh thức lần đầu nhưng vô cùng mạnh mẽ từ những áng văn thơ sáng tác bằng tiếng Ý của Dante Alighieri và sau đó là Francisco Petrarca và Giovanni Boccaccio. Hai tập thơ bất tử của Dante – Cuộc đời mới (Vita Nova) và Hài kịch thần thánh (Divina Commodia) – và những tác phẩm nổi danh khác của Petrarca và Boccaccio là những biểu tượng cho trào lưu sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ không những trên nước Ý mà dần dần lan tỏa lên các nước khác trên lục địa châu Âu.
Kể từ thế kỷ 15, la-tinh cổ điển trở thành ngôn ngữ ngoại giao thống nhất tại châu Âu, thậm chí có những tác giả thành danh – thí dụ như nhà thơ Anh John Milton[46] – cho rằng phải viết bằng tiếng la-tinh thì tác phẩm mới hy vọng đạt được danh vọng khắp thế giới.  
Nhưng theo thời gian, ảnh hưởng của Dante, Petrarca, Boccaccio và hậu duệ của họ đã nâng cao giá trị của ngôn ngữ địa phương trong văn chương thơ phú, dần dần thay thế vị trí của la-tinh trong lĩnh vực văn học. Xu hướng này nhanh chóng lan tỏa ra các vùng khác trên lục địa châu Âu. Khi số người biết đọc ngày càng nhiều, thì ngôn ngữ địa phương bình dân càng nhanh chóng trở thành ngôn ngữ của văn chương. Số người biết đọc thì tăng trưởng nhảy vọt sau khi kỹ thuật in ấn được khám phá và phát triển mạnh mẽ trong thị trường văn chương chữ nghĩa châu Âu kể từ hậu bán thế kỷ 15.
Song song với sự phát triển đó, các tác phẩm bằng tiếng mẻ đẻ càng được quãng bá rộng rãi và nhanh chóng hơn. Kể từ tiền bán thế kỷ 16, các tác phẩm bằng tiếng Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức dần dần chiếm đa số trong các sách lưu hành trên thị trường địa phương. Hiện tượng đó làm cho ý thức quốc gia dễ dàng phát triển và đến ngưỡng cửa 1600, tiếng la-tinh mất dần vị trí ưu tiên, trong lúc tiếng địa phương trở thành ngôn ngữ chủ yếu của văn học châu Âu. Những áng văn nổi danh nhất là các tác phẩm được sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ: Ở Pháp có Clement Marot, François Rabelais, Pierre de Ronsa, Michel de Montaign; ở Anh có Geoffrey Chaucer, Edmund Spencer, Shakespeares; hoặc Oswald von Wolkenstein của Đức, Miguel de Cervantes của Tây Ban Nha[47].
Kể từ đây, mỗi nước có một nền văn hóa độc đáo riêng để người dân hãnh diện, có tiếng nói riêng, chữ viết riêng. Ý thức quốc gia đã định hình rõ rệt trong thế kỷ 17, một xu hướng không thể nào đảo ngược trên mọi vùng châu Âu. Từ đó về sau, lịch sử cho chúng ta thấy rằng, nước nào mà ý thức quốc gia và tinh thần dân tộc không đủ mạnh, nước đó không trước thì sau cũng sẽ bị kẻ khác đến dòm ngó và thôn tính.
Nhưng dù ý thức quốc gia với biên giới rõ ràng của nó ngày càng cao, và cho dù tiếng nói cũng khác nhau, điều đó cũng không ngăn cản sự giao lưu văn hóa giữa các vùng xa xôi trên lục địa nhờ sự gắn kết từ lâu thông qua một ngôn ngữ học thuật giống nhau là tiếng la-tinh và một niềm tin Kitô giáo giống nhau. Chất keo gắn kết tạo được trong thế kỷ 15 và 16 rõ ràng được chắt lọc từ các thành quả của phong trào phục hưng.
Tác giả: Tôn Thất Thông, CHLB Đức
(Độc giả có quyền đăng lại hoặc trích dẫn không giới hạn, nhưng cần ghi rõ nguồn. Để theo dõi nội dung này một cách đầy đủ hơn, xin mời quí vị tham khảo các sách về “Văn minh châu Âu” của cùng tác giả)

Tài liệu tham khảo

1.   Böckle, Franz & Franz-Xaver Kaufmann, Karl Rahner, Bernhard Welte chủ biên
Niềm tin Kitô trong xã hội hiện đại, Tập 19 (Christlicher Glaube in moderner Gesellschaft, Teilband 19). ISBN 3-451-19219-5  
2.   Brucker, Gene
Florence trong thời kỳ phục hưng (Florenz in der Renaissance – Claudia Preuschoft dịch từ tiếng Anh: Renaissance Florence). ISBN 3-499-55480-1
3.   Bùi Văn Nam Sơn
Trò chuyện triết học. Nhà xuất bản Tri Thức, 2012
4.   Burckhardt, Jacob
Văn hóa phục hưng ở Ý (Die Kultur der Renaissance in Italien). ISBN 3-933-20389-9
5.   Burke, Peter
Thời kỳ Phục hưng ở Ý. Lịch sử xã hội của nền văn hóa giữa truyền thống và phát minh (Die Renaissance in Italien. Sozialgeschichte einer Kultur zwischen Tradition und Erfindung – Reinhardt Kaiser dịch từ tiếng Anh: Culture and Society in Renaissance Italy). ISBN 3-8031-3521-4
6.   Challoner, Jack
1001 phát minh thay đổi thế giới (1001 Inventions that changed the world). ISBN 978-1-84403-611-0
7.   Durant, Will
Lịch sử văn minh 6: Thời đại cải cách (The story of civilization 6: The Reformation). ISBN 1-56731-017-6
8.   Durant, Will
Huy hoàng và sụp đổ của phong trào phục hưng Ý (Glanz und Verfall der italienischen Renaissance – Margrit Lang dịch từ tiếng Anh). ISBN 3-548-36108-0
9.   Fischer, Ernst Peter
Aristotle, Einstein và những người khác (Aristoteles, Einstein & Co.). ISBN 3-492-03778-X
10.        Flasch, Kurt
Đọc và hiểu Dante (Endlich, Dante lesen und verstehen. Marc Reichwein phỏng vấn GS Kurt Flasch). www.welt.de ngày 25.5.2015
11.        Guizot, François
Lịch sử Văn minh châu Âu (The History of Civilization in Europe – William Hazlitt dịch từ tiếng Pháp: Histoire Générale de la Civilisation en Europe). Penguin Books 1997
12.        Hay, Denys
Phục hưng - Trở về thời cổ đại (Die Renaissance – Die Rückwende zur Antik – Siglinde Summerer dịch từ tiếng Anh). ISBN 3-426-03630-4
13.        Höffe, Otfried
Những nhà kinh điển của triết học, Tập I (Klassiker der Philosophie I). ISBN 3-406-08048-0
14.        Jardine, Lisa
Sự huy hoàng của Phục Hưng (Der Glanz der Renaissance. Anne Spielmann dịch từ tiếng Anh: Wordly Goods. A new history of the Renaissance). ISBN 3-471-79360-7
15.        Johnson, Paul
Thời Phục Hưng - Một lịch sử tóm tắt (The Renaissance – A short history). ISBN 978-0-8129-6619-0
16.        Kuester, Hildegard chủ biên & nhiều tác giả
Thế kỷ 16 - Thời phục hưng ở châu Âu (Das 16. Jahrhundert – Europäische Renaissance). ISBN 3-7917-1468-6
17.        Maddison, Angus
Kinh tế thế giới - Tập I và II (The World Economy – Volume I & II). ISBN 92-64-02261-9
18.        Rachum, Ilan
Từ điển tường giải phong trào phục hưng (Enzyklopädie der Renaissance – Hermann Teifer dịch từ tiếng Anh: The Renaissance: An Illustrated Encyclopaedia. ISBN 3-7611-0725-0
19.        Romano, Ruggiero & Tenenti, Alberto
Thành tố cơ bản của thế giới hiện đại (Die Grundlegung der Modernen Welt – Helga Brissa, Heinz Wismann và Egbert Türk dịch từ tiếng Ý: Alle origini del mondo moderno). ISBN 3-828-90400-9
20.        Samhaber, Ernst
Lịch sử châu Âu (Geschichte Europas). ISBN 3-771-30169-6
21.        Schmid, Marion chủ biên & nhiều tác giả
Nhân bản, Phục hưng, Cải cách – các nhà nghiên cứu và triết gia (Humanismus, Renaissance und Reformation – Forscher und Philosophen). ISBN 3-596-17023-0
22.        Stevenson, Leslie; Haberman, David L. & Wright, Peter M.
Mười hai học thuyết về bản tính con người (Lưu Hồng Khanh dịch từ tiếng Anh: Twelve Theories of Human Nature). ISBN 978-604-956-006-4
23.        Stützer, Herbert Alexander
Phong trào phục hưng ở Ý (Die Italienische Renaissance). ISBN 3-7701-0990-2
24.        Van Doren, Charles
Lịch sử của tri thức (Geschichte des Wissens – Anita Ehler dịch từ tiếng Anh: A history of knowledge). ISBN 3-764-35324-4
25.        Vorländer, Karl
Triết học thời kỳ phục hưng (Philosophie der Renaissance). ISBN 3-499-55242-6




Chú thích:
[1] Xem tài liệu [19], R. Romano và A. Tenenti, trang 144. “Xứ hoàng hôn” (Abendland - Occident) là thuật ngữ quen thuộc để chỉ vùng văn hóa Tây Âu để phân biệt với “Xứ rạng đông” (Morgenland – Orient).

[2] Xem tài liệu [15], P. Johnson trang 3

[3] Xem danh mục sách tham khảo số [4], J. Burckhardt: “Die Kultur der Renaissance in Italien”

[4] Xin xem thêm tài liệu [3], Bùi Văn Nam Sơn trang 46-50

[5] Xem tài liệu [12], D. Hay trang 93

[6] Xem tài liệu [18], I. Rachum trang 442-443

[7] Xem tài liệu [23], H. A. Stützer trang 24

[8] Bản gốc tiếng Ý là “Commodia” (Hài kịch). Sau khi Dante mất, nhà nhân bản Giovanni Boccaccio thêm tĩnh từ Divina và trở thành “Divina Commodia” để tôn vinh tác phẩm là thần thánh bất tử. Divina không liên quan gì đến nội dung tác phẩm.

[9] Xem tài liệu [24], C. Van Doren trang 219-220. Câu nói của Protagoras là: “Der Mensch ist das Maß aller Dinge (Man is the measure of all things)”.

[10] Xem tài liệu [3], Bùi Văn Nam Sơn trang 49

[11] Xem tài liệu [24], C. Van Doren trang 219

[12] Xem tài liệu [15], P. Johnson trang 179-180

[13] Xem tài liệu [16], H. Kuester và B. K. Vollmann, trang 11-12

[14] Xem tài liệu [4], J. Burckhardt trang 161

[15] Xem tài liệu [1], F. Böckle & Alexander Schwan trang 9 (Humanismen und Christentum)

[16] Xem tài liệu [13], O. Höffe & Jürgen Mittelstraß, trang 38

[17] Xem tài liệu [19], R. Romano và A. Tenenti, trang 177

[18] Xem tài liệu [20], E. Samhaber trang 314

[19] Xem tài liệu [20], E. Samhaber trang 315

[20] Xem tài liệu [16], H. Kuester và Benedikt Konrad Vollmann, trang 10-11

[21] Xem tài liệu [21], M. Schmid và Pascual Jordan, trang 97

[22] Giáo hoàng Clement VII thuộc xu hướng tiến bộ, ủng hộ trào lưu phục hưng và chính ông đã mời Copernicus trình bày khám phá mới về chuyển động của các hành tinh.

[23] “Über die Kreisbewegungen der Himmelskörper” (nguyên tiếng la-tinh: De revolutionibus orbium coelestium)

[24] Xem tài liệu [21], M. Schmid và Pascual Jordan trang 93-103.

[25] Xem tài liệu [9], E. P. Fischer trang 71-72. Tựa đề tác phẩm tiếng la-tinh của Vesalius là “De humani corporis fabrica” (On the Structure of the Human Body)..

[26] Xem tài liệu [7], W. Durant trang 869

[27] Xem tài liệu [7], W. Durant trang 871

[28] Xem thêm tài liệu [14], L. Jardine, trang 45-49 về những cuộc thương lượng lý thú giữa anh kỹ sư Urban với Hoàng đế Konstantin XI của đế chế Byzantine và sau đó với Sultan Mehmed II của đế chế Ottoman. Có những tình cờ nhỏ nhặt cũng có thể đưa đến biến cố lịch sử vĩ đại.

[29] Ferdinand Magellan dẫn đầu đoàn thuyền 5 chiếc với 237 người để thám hiểm vòng quanh quả đất. Cuối cùng, Magellan chết trong một cuộc xung đột với dân bản xứ ở Phi Luật Tân, nhưng phó đoàn Sebastian Del Cano đã đưa được chiếc tàu cuối cùng Victoria với 31 thủy thủ đi đúng một vòng quả đất trở về khởi điểm Sevilla, Tây Ban Nha.

[30] Xem thêm tài liệu [9], E. P. Fischer trang 72-73 và tài liệu [6], J. Challoner trang 166-176

[31] Cái chết đen (Black Death) là cơn đại dịch xảy ra bởi một loại vi khuẩn mà sau này người ta phỏng đoán là xuất xứ từ Trung Hoa, rồi lan đến vùng Hồng Hải (Red Sea) và đầu tiên đến Messina, Sicily năm 1347 từ hải cảng Kaffa vùng Crimea, lúc ấy thuộc quyền cai trị của cộng hòa Genua, Ý.

[32] Thật ra, không có một thống kê nhất quán về số người chết. Người ta phỏng đoán bằng những số liệu tượng trưng đâu đó giữa 1/4 đến 1/2 dân số bị tử vong.

[33] Xem tài liệu [18], I. Rachum trang 149-150 tham khảo từ “Morias enkomion” và “Colloquia” của Erasmus

[34] Xem tài liệu [24], C. Van Doren trang 170. Câu trên là ý tưởng của Dante trong “Divina Commedia”

[35] Xem tài liệu [10], K. Flasch. Giáo sư Flasch là tác giả bản dịch “Commodia” ra tiếng Đức (Commodia. In deutscher Prosa) xuất bản năm 2011, Fischer Verlag.

[36] Index Librorum Prohibitorum, hay gọi tắt là Index Romanum là danh mục các sách bị giáo hội cấm phổ biến.

[37] Xem tài liệu [24], C. Van Doren trang 208

[38] Xem tài liệu [20], E. Samhaber trang 318

[39] Xem tài liệu [19], R. Romano và A. Tenenti, trang 111

[40] Trong thời gian đó, quốc gia với những định chế cần thiết của chúng chưa hiện hữu, nhưng ý thức quốc gia thì đã rõ rệt trong các vùng có cùng những truyền thống giống nhau.

[41] Xem tài liệu [19], R. Romano và A. Tenenti, trang 115

[42] Xem tài liệu [11], F. Guizot trang 183

[43] Xem tài liệu [24], C. Vandoren trang 207

[44] Cuộc chiến tranh kéo dài từ 1337 đến 1453. Trong cuộc chiến đó, Jeanne d’Arc vươn lên như một thiên thần, góp phần xây dựng bản sắc dân tộc Pháp trong thế kỷ 15. Jeanne d’Arc sau này được phong Thánh và tôn vinh là “huyền thoại quốc gia” Pháp.

[45] Sáu vương quốc là: Portugal, Léon, Navarra, Aragon, Castilla và Cordoba. Riêng Portugal đã trở thành Kingdom of Portugal độc lập từ năm 1139.

[46] Xem tài liệu [24], C. Van Doren trang 191

[47] Xem tài liệu [24], C. Van Doren trang 191-192

Print Friendly and PDF