Từ khoá: Sách
báo – Xuất bản và Phổ biến – tk 18;
Voltaire – Trích đoạn
VỀ MỐI NGUY KINH KHỦNG CỦA NẠN ĐỌC SÁCH (1765)
Tác giả: Voltaire*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Mặc dù máy in được Johannes Gutenberg [người gọi Ả Rập
gọi là Aywan Kutanbark] phát minh từ năm 1440 tại Mainz, nó chỉ
được phổ biến trên Đế Chế của Uthman (Osman, Ottoman) từ khoảng 1727. Đây
là một sự chậm trễ (khoảng 3 thế kỷ!) đã làm tốn khá nhiều giấy mực, nhưng giới
sử gia không đạt được đồng thuận về nguyên nhân của hiện tượng. Có chăng một
đạo luật ngăn cấm việc sử dụng và phổ biến máy in, nghề in trên lãnh thổ này?
Về sự kiện, một quyển sách đầu tiên bằng tiếng Ả Rập đã được
in năm 1514, nhưng tại Fano, một thành phố Ý. Cũng đã có nhiều nhà máy in xuất
hiện trên Đế Chế của Uthman từ thế kỷ thứ XV, nhưng chủ nhân là người nước
ngoài (Hy Lạp, Armenia, Do Thái), và chỉ in sách bằng ngôn ngữ của họ. Đến năm
1587, Sultan Murat III mới ký một sắc lệnh chính thức cho phép bán loại sách Ả
Rập in ở nước ngoài trên lãnh thổ của Đế Chế. Ibrahim Müteferrika (kẻ cải đạo,
gốc Hung) là người Hồi Giáo đầu tiên mở nhà in năm 1727 tại Stamboul (Istanbul)
để in sách bằng tiếng Ả Rập, nhưng bên ngoài lĩnh vực tôn giáo; để rồi sau khi
xuất bản được khoảng 17 tác phẩm khoa học, nhà in phải đóng cửa năm 1742 vì sự
phản đối bạo lực từ các phường hội của giới sao chép sách thủ công (copistes).
Tuy nhiên, không có dấu vết nào về một đạo luật cấm đoán máy in và nhà in ban
xuống từ Nhà Nước. Ý kiến trung dung, được cho rằng có xác suất đúng nhất, là nếu
có sự chậm trễ, thì sự kiện này có thể được giải thích bằng các lý do tôn giáo,
văn hoá, mỹ thuật (mỗi sách chép tay là một tiểu phẩm mỹ thuật độc đáo có thể
đem trưng bày, hợp với thị hiếu của các gia đình giàu sang, vốn là lượng độc
giả chủ yếu trên Đế Chế), hơn là chính trị. Hơn nữa, nếu có sự cấm đoán chính
thức bằng pháp luật, hẳn Voltaire đã không ngần ngại nêu tên kẻ đã ký đạo luật,
thay vì phải đặt ra một nhân vật tưởng tượng là Joussouf-Chéribi.
Thật ra, Đế Chế của Uthman chỉ là bối cảnh bên ngoài của văn
bản được dịch dưới đây. Ở Voltaire (1694-1778), bài văn thể hiện thuật viết
lách (vừa viết, vừa lách), mượn chuyện người để nói chuyện ta của ông. Bối cảnh
bên trong mới là đối tượng đả kích thực sự của tác giả. Đương thời, trong nhận
thức của đại chúng, Đông phương vẫn là một đề tài hấp dẫn, còn đầy nét huyền
bí, khác lạ, tuy đã có vẻ tụt hậu so với phương Tây, trừ trong hai lĩnh vực
quan trọng còn tệ hại ngang nhau là tôn giáo và chính trị. Ở Pháp, bất chấp đối
kháng Nhà Nước - Nhà Thờ (Giáo Hội), cả hai bắt tay nhau trước đe doạ chung là
bọn người mà đời sau gọi là “các triết gia (les philosophes)”, trong đó Voltaire, Rousseau là những
ngôi sao sáng chói.
Về tôn giáo, Voltaire quan niệm một Thượng Đế mà sự tồn tại
được biểu lộ trong thế giới tự nhiên như nguyên lý tạo lập vũ trụ, hoàn toàn
dựa trên tư tưởng thuần lý (“L’univers m’embarrasse, et je ne puis songer que cette
horloge existe et n’ait point d’horloger” – Les Cabales, 1772),
chứ không phải trên sự tiết lộ của các tôn giáo mặc khải (Ki-tô Giáo, Hồi Giáo,
Do Thái Giáo), một Thượng Đế của lý tính chứ không phải của đức tin hay phụng
thờ. Vì vậy: một mặt, ông căm ghét sự cuồng tín ở các thiết chế tôn giáo đương
thời (Giáo Hội, giáo quyền, giáo điều…); mặt khác, không có lý do gì để tin
rằng ông đánh giá Ki-tô Giáo cao hơn Hồi Giáo, hoặc ngược lại. Về chính trị,
đời sau cho rằng Voltaire đã có thể chấp nhận một nền quân chủ ôn hoà và tự do
hơn, được “các triết gia” soi sáng.
Dù sao, với tuyên ngôn “Tôi viết để hành động = J’écris pour
agir” và hành động là mệnh lệnh “Nghiền nát những bỉ ổi = Écrasez
l'Infâme” (bỉ ổi = mê tín, cuồng tín, bất dung), ông giễu cợt
những tồi tệ chính trị và xã hội, bênh vực những nạn nhân của sự độc đoán tôn
giáo và chính trị trên đất nước ông, bằng mọi hình thức (thơ, văn, kịch, kiến
nghị, tố cáo, châm biếm, đả kích, phỉ báng…), với những cái giá không nhỏ từng
phải trả (đòn hội chợ ngoài đường, đối tượng của vài chiếu tống giam (lettre de
cachet), nằm ngục Bastille 11 tháng, phải tránh khỏi Paris, phải trốn ra nước
ngoài, nhiều tác phẩm bị tịch thu, cấm hoặc đốt…
Khi mất năm 1778, Voltaire để lại hai dòng chữ sau: “Tôi ra đi, trong
sự tôn kính Thượng Đế (với nghĩa ở trên), yêu thương bạn hữu, không oán giận kẻ
thù, và căm ghét mê tín”. Linh cữu của ông được đưa vào điện Panthéon năm
1791.