THỜI ĐẠI THÁI CỰC 1914 – 1991 (12)
THE AGE OF EXTREMES
Tác giả: Eric J. Hobsbawm; Người dịch: Nguyễn Ngọc Giao
PTKT: Kể từ tháng 8.2021, chúng tôi lần lượt đăng tiếp các chương còn lại của tác phẩm Thời đại thái cực 1914-1991. Để có một cái nhìn chung giới thiệu tác giả và tác phẩm, mời bạn đọc lại bài Nhà sử học của hai thế kỷ.
MỤC LỤC
Hình ảnh minh họa
Chú thích các hình ảnh
Phần thứ nhất - THỜI ĐẠI TAI HỌA
chương 1 Thời đại chiến tranh toàn diện
chương 3 Dưới đáy vực thẳm kinh tế
chương 4 Sự suy sụp của chủ nghĩa liberal
chương 6 Nghệ thuật, 1915-1945
chương 7 Sự cáo chung của các Đế chế
Eric J. Hobsbawm (1917-2012) |
Phần thứ hai - THỜI ĐẠI HOÀNG KIM
chương 10 Cách mạng xã hội, 1945-1990
chương 12 Thế giới thứ Ba
chương 13 “Chủ nghĩa xã hội hiện tồn”
Phần thứ ba: SỤP ĐỔ
chương 14 Những thập niên Khủng hoảng
chương 15 Thế giới thứ Ba và cách mạng
chương 16 Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội
chương 17 Tiền phong hấp hối: nghệ thuật sau 1950
chương 18 Phù thủy và đồ đệ tập việc: các ngành khoa học tự nhiên
chương 19 Tiến tới thiên niên kỉ mới
* * *
THỜI ĐẠI HOÀNG KIM
Chương 12
THẾ GIỚI THỨ BA
“[Tôi gợi ý], nếu không có sách để đọc, thì buổi tối ở các đại trang trại [Ai Cập] nặng nề quá, ngược lại, một cái ghế bành và một cuốn sách hay, ngồi dưới hàng hiên gió mát, cuộc đời dễ chịu biết bao. Bạn tôi đáp lời ngay: “Bộ anh tưởng, ở vùng này, buổi tối sau bữa ăn, một tay điền chủ có thể ngồi yên dưới mái hiên, đèn sáng rọi trên đầu, mà không bị bắn chết ngay à?”. Điều ấy, lẽ ra tôi phải nghĩ ra trước mới phải”.
Russel PASHA, 1949
“Trong làng mỗi lần câu chuyện bàn tới sự tương trợ và cho vay tiền giúp dân làng, lập tức sẽ có người than thở sao bây giờ người ta khó hơn trước nhiều […]. Lần nào cũng như lần nào, có người nói thêm bây giờ chuyện tiền nong người dân làng tính toán dữ lắm. Rồi người ta nhắc chuyện “thời xưa”, thời xưa người ta sẵn sàng giúp đỡ đùm bọc nhau”.
M. B. ABDUL RAHIM, 1973 (trong Scott, 1985, tr. 188)
I
Quá trình phi thực dân hóa và cách mạng đã làm đảo lộn hoàn toàn bản đồ chính trị thế giới. Con số các quốc gia châu Á độc lập được cộng đồng quốc tế thừa nhận đã nhân lên 15 lần. Ở châu Phi năm 1939 chỉ có một nước, nay năm chục. Ngay ở châu Mỹ, cuộc giải thực đầu thế kỉ XX đã để lại khoảng hai chục nước cộng hòa “latino”, nay có thêm mươi, mười hai nước. Song điều quan trọng không phải ở con số các nước, mà ở sức nặng của họ, ở áp lực dân số rất lớn và ngày càng tăng của tổng thể các nước này.
Đó chính là hậu quả của sự bùng nổ dân số trên thế giới sau Thế chiến thứ Hai. Điều này đã và đang làm thay đổi thế quân bình dân số toàn cầu. Từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, có lẽ trước nữa, từ thế kỉ XVI, thế quân bình nghiêng về dân cư châu Âu và gốc Âu. Năm 1750, nhóm dân cư này chưa tới 20% dân số toàn cầu; đến năm 1900, lên tới xấp xỉ 1/3. Thời đại Tai họa đã làm đóng băng tình hình, nhưng bắt đầu từ giữa thế kỉ XX, dân số thế giới đã tăng trưởng với nhịp độ chưa từng có, và sự tăng trưởng này diễn ra chủ yếu ở những khu vực trước đó nằm dưới quyền cai trị (hoặc sắp sửa) của một nhúm đế quốc. Nếu ta coi các nước giàu trong OECD hợp thành “thế giới phát triển”, thì dân số các nước này mới gần tới 15% dân số thế giới: con số phần trăm này cứ giảm dần, nếu không kể tới luồng di dân, vì tại nhiều nước “phát triển”, số sinh đẻ không bù lại được số tử vong.