UÔNG HUY (WANG HUI) VÀ CÁNH TẢ MỚI
Những học thuyết ở
Trung Quốc thời Tập Cận Bình/Hồi 17
Lãnh đạo Cánh Tả Mới của
Trung Quốc và của tạp chí học thuật có ảnh hưởng nhất của đất nước, Wang
Hui/Uông Huy là một tiếng nói nổi bật trong các diễn ngôn học thuật, văn hóa và
chính trị ở Trung Quốc. Từng là một phái tư tưởng thể hiện sự chỉ trích đối với
các cải cách kinh tế của Đảng, Cánh Tả Mới đã phần lớn từ bỏ quan điểm phê phán
đối với Nhà nước để trở thành một ống loa khuếch
đại cho tư tưởng của chế độ hiện tại. Để phản ánh sự thay đổi mô hình này, trong
văn bản dưới đây Uông đề xuất một cách viết lại sự trỗi dậy của Trung Quốc
- gần với đường lối của Đảng hơn nhiều.
DAVID OWNBY[*]
|
IMAGE © ZHANG KECHUN, “THE
YELLOW RIVER” |
David Ownby: Ngay cả khi ông từ chối
danh hiệu này, Wang Hui/Uông Huy (汪晖, sinh năm 1959) vẫn được
coi là nhà lãnh đạo Cánh Tả Mới của Trung Quốc. Là giáo sư ngôn ngữ và văn
học Trung Quốc tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, ông đã nghiên cứu về Lỗ Tấn 鲁迅 (1881-1936), nhà văn hiện
đại nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Nhưng Uông cũng đã xuất bản về nhiều chủ đề,
bao gồm lịch sử, triết học, địa chính trị và kinh tế, cũng như văn học, giống
như các học giả hậu hiện đại dấn thân ở phương Tây. Lĩnh vực của ông, theo
nghĩa rộng nhất, là “diễn ngôn”. Đã có bản dịch tiếng Anh một số tác phẩm chính
của ông, nhưng vẫn còn nhiều tác phẩm cần được dịch, trong đó đặc biệt có tác
phẩm bốn tập có ảnh hưởng nhiều của ông: Sự trỗi dậy của tư tưởng
Trung Quốc hiện đại/The Rise of Modern Chinese Thought (现代中国思想的兴起).
|
Uông Huy (1959-) |
|
|
Cánh Tả Mới ra đời vào những
năm 1990 như một hình thức chống lại chủ nghĩa tân tự
do. Phần
lớn sự phản kháng này hoàn toàn mang tính chất trí tuệ, được thúc đẩy bởi sự
kiêu ngạo được nhận thức trong các tác phẩm như Sự kết thúc của lịch sử và
con người cuối cùng/The End of History and the Last
Man của Francis Fukuyama, vốn
cho rằng “chiến thắng” của phương Tây trong Chiến tranh Lạnh có nghĩa là chủ nghĩa tư
bản dân chủ tự do đã chiến thắng, rằng không còn có lựa chọn nào khác cho nhân
loại. Sự sỉ nhục càng trở nên thực tế hơn bởi các cuộc cải cách thị trường đang diễn ra của Trung Quốc
trong những năm 1990, những cuộc cải cách đe dọa gạt bỏ di sản
xã hội chủ nghĩa của đất nước để theo đuổi sự phát triển điên cuồng bằng mọi
giá. Đối với nhiều người, “chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Quốc” trông giống
chủ nghĩa tư bản một cách kỳ lạ, vốn dường như gây nguy hiểm cho cả đảng, bị
tha hóa bởi những cơ hội mới để kiếm tiền nhanh chóng, lẫn cho người dân, những người
thường bị bỏ rơi bên lề đường.
Cánh Tả Mới là “mới” ở chỗ
nó khác với “cánh tả” cũ hơn, bảo thủ hơn, chưa bao giờ thực sự tán thành
chương trình cải cách của Đặng Tiểu Bình hay sự mở cửa ra phương Tây. Cánh Tả Mới
- một biệt danh do các đối thủ theo chủ nghĩa tự do của họ chọn nhằm cố gắng
làm mất uy tín của họ - ngược lại là hiện đại, thậm chí là hậu hiện đại và được
quốc tế hóa. Hầu như tất cả các thành viên nổi bật của nhóm đã lợi dụng sự dấn
thân của Trung Quốc vào thế giới để sang nghiên cứu ở phương Tây - thường là ở
Hoa Kỳ - và họ đã bị thu hút bởi nhiều trào lưu lý thuyết phê bình phổ biến
trong giới học thuật cánh tả của thời kỳ ấy: chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa
hậu thực dân, chủ nghĩa hậu cấu trúc — thường được rút gọn thành “chủ nghĩa hậu”
ở Trung Quốc. Họ đã nhanh chóng chiếm lấy từ vựng này và áp dụng nó vào tình
hình của Trung Quốc.
|
Antonio Gramsci (1891-1937) |
|
James Meade (1907-1995) |
Ba đặc điểm cơ bản đã xác
định Cánh Tả Mới của Trung Quốc trong những năm 1990 và hầu hết những năm 2000.
Trước hết, các đại diện của nó chống lại chủ nghĩa tân tự do, cả trong diễn
ngôn bá quyền về “sự kết thúc của lịch sử” và trong thách thức mà nó tiêu biểu
đối với di sản của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc ở cấp cơ sở. Thứ hai, các nhà tư
tưởng Cánh Tả Mới đã rất sáng tạo trong việc tìm kiếm những khả năng mới trong
các chuẩn mực xã hội chủ nghĩa, ở Trung Quốc và những nơi khác. Tất nhiên, nếu
họ là những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, thì họ cũng đã đọc lại Marx, Proudhon, John Stuart Mill, James Meade, Antonio
Gramsci, Roberto Unger… và Mao Trạch Đông, trong nỗ lực gợi ý rằng các thế giới
quan khác với chủ nghĩa tân tự do không chỉ đáng mong muốn mà còn có thể có.
Các thử nghiệm quy mô lớn được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Bạc Hy Lai (薄熙来, b.1949) ở Trùng Khánh,
vốn tuyên bố kết hợp sự phát triển nhanh chóng với việc phục vụ “người dân” - tức
là những người kém may mắn hơn - vừa truyền cảm hứng cho vừa được truyền cảm hứng
từ Cánh Tả Mới. Thôi Chi Nguyên (崔之元,
sinh năm 1963), một thành viên nổi bật khác của Cánh Tả Mới, đã nghỉ việc với
tư cách là nhà khoa học chính trị tại Đại học Thanh Hoa để làm việc trong chính
quyền Trùng Khánh. Cuối cùng, Cánh Tả Mới trong thời kỳ này thường thực sự chỉ
trích kết quả của chính sách cải cách và mở cửa, tố cáo sự tham nhũng của cái
mà họ coi là chủ nghĩa tư bản thân hữu và nhấn mạnh đến sự xói mòn không ngừng
của các biện pháp bảo vệ người nghèo.
Chính
vào thời điểm này, từ một giáo sư, Uông Huy đã nổi tiếng trở thành một trí thức
của công chúng. Từ năm 1996 đến năm 2007, ông là biên tập viên của tạp chí văn
học quan trọng nhất của Trung Quốc, Độc Thư (读书).
Ông đã xuất bản về nhiều chủ đề đáng kinh ngạc, bao gồm cả văn học - với các
bài báo về Lỗ Tấn và Mao Thuẫn - lịch sử - với các bài viết về Lương Khải Siêu
và Phong Trào 4-Tháng 5 - bản chất của Tính hiện đại của Trung Quốc - và tính
hiện đại nói chung - và bản sắc của châu Á, cũng như các vấn đề liên quan đến
chương trình cải cách của Trung Quốc đương đại.
Tuy
nhiên, danh tiếng của Uông không được nhất trí thừa nhận. Tất nhiên ông đã gây
thù chuộc oán, và giọng điệu chỉ trích của ông trở nên sắc bén hơn sau những cuộc
tranh luận gay gắt với những người theo chủ nghĩa tự do trong những năm 1990 và
2000. Ông bị buộc tội tự trao giải thưởng Độc Thư Trường Giang về Văn học năm
2000, vì ông là tổng biên tập của tạp chí đã trao giải. Ông bị buộc tội đạo văn
và kém uyên bác.
Văn
bản được dịch ở đây báo hiệu một bước tiến quan trọng trong tư tưởng của Uông
Huy và của Cánh Tả Mới nói chung: trong thập kỷ qua, Cánh Tả Mới phần lớn đã từ
bỏ phần lớn quan điểm phê phán của mình đối với kinh tế chính trị và đối với
Nhà nước Trung Quốc và đã trở thành một loại cơ chế tiếp sức đơn giản cho chế độ
hiện tại và các chính sách của nó. Quá trình này đã không diễn ra suôn sẻ. Như
đã đề cập ở trên, Cánh Tả Mới đã bảo vệ mạnh mẽ mô hình Trùng Khánh, và khi Bạc
Hy Lai mất quyền lực vào năm 2012, Uông Huy đã xuất bản một bài báo phê bình vạch
trần các âm mưu của phe tân tự do đằng sau các sự kiện. Văn bản dưới đây được
xuất bản vào năm 2010, cho thấy rằng Uông đã giảng hòa với chế độ. Hai sự kiện
khiến Uông thay đổi ý kiến là việc Trung Quốc vươn lên vị thế cường quốc - và sự
suy giảm có thể nhận thấy của phương Tây - và việc Tập Cận Bình lên nắm quyền
chủ tịch nước.
Sự
vươn lên vị thế cường quốc của Trung Quốc đã mang lại một nội dung vững chắc
cho khái niệm vốn một thời bị coi là kỳ quặc về “mô hình Trung Quốc”. Nếu mô
hình Trung Quốc là hiện thực, thì quyền bá chủ của chủ nghĩa tân tự do, cũng
như sự Đồng thuận Washington và trường phái
Chicago về kinh tế thị trường
không còn là những mô hình phổ quát nữa. Đối với Uông, đây là một sự thay đổi
triệt để, một sự thay đổi hệ chuẩn, một
thời khắc lịch sử. Hơn nữa, Tập Cận Bình dường như quyết tâm rằng chủ nghĩa xã
hội sẽ vẫn là một yếu tố mấu chốt của giấc mơ Trung Quốc trong tương lai, ngay
cả khi ý nghĩa của chủ nghĩa xã hội của ông không được rõ ràng. Với những thay
đổi này, việc bảo vệ Trung Quốc khỏi chủ nghĩa tân tự do không còn là mục tiêu
chính của Uông, và văn bản của ông nên được đọc như là một nỗ lực để trình bày
một cách hiểu mới về quá khứ, hiện tại và tương lai của Trung Quốc dưới ánh
sáng của sự suy tàn của hiểm họa tân tự do.
Theo
tôi, điều này giải thích giọng nghiêm trang kỳ lạ của văn bản của Uông, của những
khoảng lặng và những chỗ ngắt của nó. Uông chân thành cố gắng tìm ra một cách
nhìn mới về thế giới sau cuộc khủng
hoảng của chủ nghĩa tân tự do. Tất nhiên, phần
lớn nội dung của văn bản vẫn là sự tố cáo chủ nghĩa tân tự do, nhưng đó là bởi
vì nó phải trình bày một câu chuyện mới về sự thành công của Trung Quốc trong bối
cảnh của hệ chuẩn cũ.
|
Cường Thế Công (1967-) |
Uông
khẳng định, thành công của Trung Quốc phụ thuộc trên hết vào việc Trung Quốc đã
giành được chủ quyền, điều đã cho phép Trung Quốc đi theo con đường riêng của
mình, bất chấp áp lực từ các thế lực bá quyền cánh tả và cánh hữu. Jiang Shigong (Cường Thế Công) đưa ra lập
luận tương tự trong cuốn sách Triết học và Lịch sử/Philosophie et histoire của
mình. Thứ hai, tầm quan trọng của lý thuyết và thực tiễn. Ở đây, Uông khẳng định
nguồn gốc Mác-xít và Maoít của mình, đồng thời nhấn mạnh rằng lịch sử chính trị
của phong trào cộng sản ở Trung Quốc không thể được đọc như một lịch sử của một
cuộc đấu tranh bè phái, mà là một loạt các cuộc tranh luận lý thuyết được giải
quyết bằng “thực tiễn – một uyển ngữ để nói về Bước Đại nhảy vọt… Thứ ba, ở một
cấp độ diễn ngôn khác, Uông nhắc lại Vương Thiếu Quang khi trích dẫn bằng chứng
rằng giới lãnh đạo thời hậu Mao, sau khi tán tỉnh chủ nghĩa tân tự do, đã quay
trở lại với nhân dân. Cụ thể, điều này đề cập đến một số cải cách thường gắn liền
với thời Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo (2002-2013): ba vấn đề nông thôn, cải cách
chăm sóc sức khỏe, cải cách hệ thống doanh nghiệp Nhà nước. Những biện pháp này
cho thấy một cam kết xã hội chủ nghĩa đổi mới, và khi được kết hợp với kỹ năng
mà chế độ đã chứng tỏ trong sự quản lý cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – cộng
thêm vào trận động đất ở Mân Xuyên và các cuộc bạo động ở Tây Tạng — theo Uông,
chúng mang lại hy vọng lớn về tương lai.
Uông
duy trì tinh thần phê phán và từ chối công bố một hệ chuẩn mới táo bạo. Tuy
đúng, những phê phán của ông đều quen thuộc. Trung Quốc cần rời xa nền kinh tế định hướng xuất khẩu và
tạo ra một thị trường nội địa. Trung Quốc nên đặc biệt chú ý đến các vấn đề môi trường của mình, đây cũng
là những vấn đề toàn cầu. Khi Uông hỏi “Trung Quốc nên có loại hình dân chủ nào?”
giọng điệu của ông rất nghiêm túc. Từ lâu, ông đã cảnh báo rằng nền dân chủ tân tự do không
dân chủ chút nào, nhưng tố cáo đối thủ là một chuyện, còn quảng
bá mô hình của chính bạn lại là một chuyện khác. Khi hình dung lại quá khứ, hiện
tại và tương lai của Trung Quốc dưới ánh sáng của sự thất bại của chủ nghĩa tân
tự do, ông vẫn chưa biết sự cam kết của Cánh Tả Mới đối với nền dân chủ nên có
hình thức cụ thể nào. Nhưng rõ ràng ông đã quyết định rằng ông sẽ có nhiều ảnh
hưởng hơn trong các cơ quan của Đảng — bằng cách trở thành một thành viên trong
đội ngũ của Tập Cận Bình — và thực hiện giấc mơ Trung Hoa từ bên trong.