13.11.14

Jean Tirole: "Kinh tế học để cải thiện phúc lợi chung"

PTKT: Nhân dịp Jean Tirole trở thành chủ nhân giải kinh tế học của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel, PTKT đăng lại dưới đây bài phỏng vấn của Nicolas Chevassus-au-Louis trên nguyệt san La Recherche, năm 2007, số 414. Ngoài ra, PTKT cũng đăng một bài phỏng vấn khác tại đây và một bài tóm tắt sự nghiệp của ông tại đây.
Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm về các công trình của khôi nguyên giải năm nay tại: http://marginalrevolution.com/marginalrevolution/2014/10/2014-nobel-laureates-in-economics-are-jean-tirole.html

Khi kinh tế học gặp tâm lý học, hẹn hò với khoa học thần kinh và nuôi dưỡng mình bằng xã hội học, thì đó là một môn học đã ra khơi. Đối với Jean Tirole, huy chương vàng CNRS (Trung tâm nghiên cứu quốc gia), đây là lúc để nắm sát hơn nữa hiện thực của "con người kinh tế" trong xã hội.
Kinh tế học công nghiệp, những quy định đối với các ngành công nghiệp mạng như viễn thông, hệ thống ngân hàng, kinh tế môi trường, thị trường lao động, sự hình thành các hiện tượng bong bóng đầu cơ ... Ông đã nghiên cứu rất nhiều chủ đề vô cùng khác nhau. Vậy điểm chung trong tất cả các nghiên cứu đó là gì?
Jean Tirole: Điểm chung nằm trong phương pháp, trong các khái niệm và những điểm quy chiếu lí thuyết tham khảo lý thuyết: một mặt đó là lý thuyết trò chơi[1]; và mặt kia đó là lý thuyết thông tin[2]. Trong 30 năm qua, hai lý thuyết đó đã làm thay đổi sâu sắc kinh tế học, cho phép mô hình hóa tinh tế hơn các lựa chọn của các tác nhân kinh tế. Từ cá nhân đến nhà nước, mỗi tác nhân đều có thể được coi là một đấu thủ trong một trò chơi, đưa ra quyết định trên cơ sở dự đoán quyết định của các đấu thủ khác và trên cơ sở thông tin mà mình có được. Và những quyết định đó có thể được hình thức hóa bằng các mô hình toán học.
Print Friendly and PDF

“Không nên xem cạnh tranh là một tôn giáo”

PTKT: Nhân dịp Jean Tirole trở thành chủ nhân giải kinh tế học của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel, PTKT đăng lại dưới đây bài phỏng vấn của Xavier de la Vega trên Nguyệt san Sciences Humaines, số 189, tháng giêng 2008Ngoài ra, PTKT cũng đăng một bài phỏng vấn khác tại đây và một bài tóm tắt sự nghiệp của ông tại đây.
Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm về các công trình của khôi nguyên giải năm nay tại: http://marginalrevolution.com/marginalrevolution/2014/10/2014-nobel-laureates-in-economics-are-jean-tirole.html

Kinh tế học công nghiệp mới nghiên cứu chiến lược các doanh nghiệp cũng như việc điều tiết sự cạnh tranh. Trò chuyện với Jean Tirole, nhà kinh tế, huy chương vàng của CNRS năm 2007.
Có thể cáo buộc công ti Microsoft đã lạm dụng vị thế khống chế không? Các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động có vi phạm những nguyên lí của cạnh tranh bằng những cách thực hành câu kết không? Cung cấp một khuôn khổ lí thuyết để trả lời kiểu câu hỏi trên chính là lí do tồn tại của kinh tế học công nghiệp mà Jean Tirole, huy chương vàng của CNRS năm 2007, là một trong những đại diện người Pháp nổi tiếng nhất. Tiếp nối những tác giả được giả Nobel 2007 là Leonid Hurwicz, Eric Maskin – người hướng dẫn luận án của ông ở MIT – và Roger Myerson[1], nhà kinh tế ở Toulouse đã góp phần đổi mới kinh tế học công nghiệp bằng cách du nhập lí thuyết trò chơi và lí thuyết thông tin. Những đổi mới này lật đổ hai tiên đề mấu chốt của lí thuyết kinh tế: cạnh tranh hoàn hảo và thông tin hoàn hảo. Làm được như thế, “kinh tế học công nghiệp mới” đã cho phép kéo lí thuyết đến gần với những được thua cụ thể nhất. Jean Tirole và các nhà kinh tế của TSE (Toulouse-Sciences Économiques), do ông lãnh đạo, và của IDEI (Viện kinh tế học công nghiệp), mà ông là giám đốc khoa học, quan tâm đến chiến lược các doanh nghiệp của nền kinh tế mới cũng như đến sự điều tiết cạnh tranh, những lĩnh vực mà họ được Ủy ban châu Âu thường xuyên tham khảo.
Tác giả của những đóng góp đáng kể trong những lĩnh vực đa dạng như tài chính, lí thuyết tổ chức hay truyền thông, Jean Tirole còn tham gia vào sự phát triển gần đây của tâm lí học kinh tế, một trường nghiên cứu xét lại một tiên đề khác nữa của lí thuyết kinh tế: Homo oeconomicus.   
Print Friendly and PDF

12.11.14

Jean Tirole, người được giải Nobel và nhà sư phạm

PTKT: Nhân dịp Jean Tirole trở thành chủ nhân giải kinh tế học của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel, PTKT đăng lại dưới đây bài của bloger Alexandre Delalgue tóm tắt sự nghiệp của ông. Ngoài ra, PTKT cũng đăng hai phỏng vấn Tirole, một của Nicolas Chevassus-au-Louis trên nguyệt san La Recherche, năm 2007, số 414 tại đây và một của Xavier de la Vega trên Nguyệt san Sciences Humaines, số 189, tháng giêng 2008 tại đây.
 

Jean Tirole, người được giải Nobel và nhà sư phạm

Jean Tirole, giải Nobel kinh tế năm 2014, trước tiên là một người lao động cật lực. Gần 200 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, hơn mười quyển sách, nhà đồng sáng lập cùng với Jean-Jacques Laffont – một tác giả sớm qua đời – và điều khiển Trường kinh tế Toulouse (TSE), giáo sư ở Hoa Kì lẫn ở Pháp, … Ít nhà nghiên cứu nào có khả năng làm một khối lượng lớn công việc đến thế. Vì vậy, khó mà mô tả và tóm tắt đơn giản sự nghiệp của ông.

Một nhà kĩ sư kinh tế

Jean Tirole là hậu duệ của một truyền thống đặc biệt Pháp, truyền thống kĩ sư-kinh tế. Ngay từ thế kỉ XIX, những kĩ sư như Jules Dupuit hay Antoine-Augustin Cournot phát triển một cách tiếp cận kinh tế học dựa trên việc áp dụng toán học. Những biểu đồ cung và cầu làm sinh viên ngày nay thích thú có từ thời đó. Có thể gắn kết cha con Walras và ngay cả những tác giả Pháp khác được giải Nobel kinh tế sau này (Gérard Debreu năm 1983 và Maurice Allais năm 1988) với cách tiếp cận trên mà ta có thể gọi là cách tiếp cận “toán học xã hội”.

Nhà kĩ sư xã hội Pháp là người dựa trên việc nắm vững toán học khi đề cập những vấn đề xã hội, vận dụng khoa học “thuần túy” để giải quyết những vấn đề xã hội. Có một liều lượng chủ nghĩa gia trưởng trong cách nhìn sự vật như thế: nhà kĩ sư-kinh tế theo kiểu Pháp là người vượt qua những cách biệt chính trị, tự đặt mình ở vị trí nhà kĩ trị sáng suốt, đứng trên mọi cuộc tranh chấp nhằm cung cấp một tầm nhìn duy lí có tác dụng giảm nhiệt – ngôn ngữ toán học là công cụ của việc hạ nhiệt này, vừa giới hạn sự hiểu biết chỉ trong một giới tinh hoa vừa né tránh khẩu ngữ vốn có thể chuyển tải quá nhiều lửa. 
Print Friendly and PDF

Nhưng những nhà kinh tế học đó, họ là ai?



Nhưng những nhà kinh tế học đó, họ là ai?

Trở lại vấn đề của những người đã đưa ra lời cảnh báo nhưng không được lắng nghe.
James K. Galbraith, 23 tháng 2 năm 2010
Cuộc khủng hoảng tài chính đã bộc lộ sự thất bại của các dòng tư tưởng chi phối ngành kinh tế học, khi không dự báo được sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng. Nhưng đó không phải là trường hợp của tất cả các nhà kinh tế học. Phản hồi lại bài viết của Paul Krugman trên tạp chí New York Times[1], James K. Galbraith đặt lại vấn đề của những công trình đã bị các nhà làm luật cũng như phần lớn cộng đồng khoa học bỏ qua. Những công trình nghiên cứu đó ngày nay tạo ra một khung khái niệm mới cho việc quy định hóa thị trường tài chính.

Cuộc tranh luận trong kinh tế học

Lời nói đầu của Wojtek Kalinowski
Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm rung chuyển một số niềm tin vững chắc và gây ra một làn sóng chỉ trích các nhà kinh tế học, vốn như người ta thường nói, là “không hề thấy nó tới". Tuy nhiên, người ta có thể tự hỏi về những kết quả cụ thể của sự xáo động này trên các phương tiện truyền thông: cuối cùng thì đã rút ra được những bài học gì? Vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009, sự thất bại của lý thuyết thị trường "tự điều tiết" đã quá rõ, và ảnh hưởng tai hại của nó đã bị các chính trị gia, các nhà báo và các chuyên gia đồng loạt chỉ trích. Một năm sau đó, người ta vẫn chờ đợi các quy chế tài chính mới, cuộc đấu tranh chống các thiên đường thuế khóa bị sa lầy – đặc biệt là ở Pháp – và cuộc tranh luận về kinh tế học quay trở lại chủ đề yêu thích là hạn chế mức chi tiêu công.
Phải đặt bài viết của James K. Clark trong bối cảnh trên và vì thế chúng tôi cho công bố bản dịch tiếng Pháp bài viết này của Emmanuel Fournier được Aurore Lalucq và Wojtek Kalinowski hiệu đính, với hy vọng mở ra một cuộc luận bàn về cơ sở lý thuyết của một qui định hóa tài chính khả thi, và rộng hơn, về mối quan hệ giữa kinh tế học vĩ mô, vấn đề vận dụng toán học và phân tích các tác nhân kinh tế thực tế. Hiếm khi có một cuộc tranh luận vừa cần thiết và vừa khó thực hiện như vậy, bị ngăn cản bởi nhiều hố sâu ngăn cách – mà nhìn từ bên ngoài, tưởng chừng như không thể vượt qua – giữa các quan điểm "chính thống" và "phi chính thống" trong kinh tế học hàn lâm. Vì vậy, trong bối cảnh này, bài viết của James K. Galbraith cố tình có tính luận chiến; nó được viết ra để đáp lại bài viết của Paul Krugman, một nhà kinh tế học nổi tiếng, trong đó ông chẩn đoán những sai lầm của lý thuyết thống trị, nhưng lại nhanh chóng lướt qua – quá nhanh theo Galbraith – những lời cảnh báo nhưng không được lắng nghe của những người khác. Nhưng xin chớ nhầm lẫn: ý định của Galbraith không phải là "gây thù chuốt oán" với các trào lưu tư tưởng thống trị, mà là giới thiệu những cách tiếp cận lý thuyết có khả năng – và luôn có khả năng – được sử dụng để xây dựng một quy chế quản lý hiệu quả trong lĩnh vực tài chính.
(Trích phần mở đầu của bản dịch tiếng Pháp trên tạp chí La Vie des Idées)
Print Friendly and PDF

11.11.14

Những nguy cơ của sự đồng thuận kinh tế



Những nguy cơ của sự đồng thuận kinh tế

PRINCETON – Tổ chức Sáng kiến ​​về thị trường toàn cầu thuộc trường Đại học Chicago, khảo sát định kỳ một nhóm các nhà kinh tế học hàng đầu, thuộc nhiều xu hướng chính trị khác nhau, về những vấn đề mang tính thời sự. Vòng khảo sát mới đây nhất đặt ra câu hỏi liệu gói kích cầu của Tổng thống Barack Obama có giúp làm giảm tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ hay không.
Với tên gọi chính thức là Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư nước Mỹ năm 2009, kế hoạch này tiêu tốn hơn 800 tỷ $ ngân sách chi tiêu của chính phủ cho các dự án về cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, năng lượng, ưu đãi về thuế và nhiều chương trình xã hội khác. Được triển khai vào giữa thời kỳ của một cuộc khủng hoảng kinh tế, đó là một phản ứng theo học thuyết Keynes cổ điển.
Đối với câu hỏi trên, các nhà kinh tế học trả lời gần như nhất trí. 36 trong số 37 nhà kinh tế học hàng đầu có hồi âm cuộc khảo sát đều cho rằng kế hoạch đã đạt được mục tiêu công khai là làm giảm tỷ lệ thất nghiệp. Nhà kinh tế học Justin Wolfers, thuộc trường Đại học Michigan, chào đón sự đồng thuận ấy trong blog của ông trên tờ New York Times. Ông than phiền rằng cuộc tranh luận công cộng ác liệt về tính hiệu quả của kích cầu tài chính hoàn toàn không liên quan gì đến những gì mà các chuyên gia biết được và đồng ý với nhau.
Print Friendly and PDF

9.11.14

Kinh tế gia như là một nhà hiền triết



Kinh tế gia như là một nhà hiền triết

Tóm tắt
Trong khi những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong thời kỳ đầu của lịch sử ngành kinh tế học nhận thức được mối quan hệ bền chặt giữa triết học và các khoa học nhân văn khác, thì, đặc biệt là trong những thập kỷ gần đây, kinh tế học lại có xu hướng trở thành một bộ môn về cơ bản mang tính kỹ thuật với những lĩnh vực nghiên cứu rất chuyên biệt. Hẳn nhiên là chuyên biệt hóa tạo điều kiện cho khoa học kinh tế tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, những sự kiện liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính gần đây minh chứng cho luận cứ của một số tác giả cho rằng kinh tế học cần phải thiết lập diễn đàn tương tác liên ngành và cần có tham vọng vươn tới tầm nhìn bao quát hơn.

Nội dung

Trong quyển sách có sức ảnh hưởng lớn viết năm 1953, The Worldly Philosophers: The Lives, Times And Ideas Of The Great Economic Thinkers (tạm dịch: Các nhà hiền triết: Cuộc sống, Thời gian và Suy nghĩ của những nhà tư tưởng kinh tế vĩ đại), Robert Heilbroner đã giải thích đầy cảm hứng về những gì mà các kinh tế gia thực hiện, một cách trình bày, trong nhiều thập niên, được xem là tài liệu đọc thêm bắt buộc cho vô số sinh viên mới vào học kinh tế. Heilbroner cho biết sở dĩ ông chọn thuật ngữ “các nhà hiền triết” là do phạm vi rộng và sâu về mặt đạo đức trong các vấn đề nghiên cứu của các kinh tế gia. Danh xưng ấy lại gắn chặt và trong một thời gian dài người ta thường xem các kinh tế gia là các nhà hiền triết. Tác phẩm của Heilbroner đã truyền cảm hứng cho nhiều người tiếp tục con đường trở thành kinh tế gia và theo đuổi cuộc sống phong phú của chuyên gia nghiên cứu.
Print Friendly and PDF

Kinh tế học có phải là môn khoa học hay không?

Về Robert J. Shiller
Robert J. Shiller, người được trao giải Nobel kinh tế năm 2013, là giáo sư kinh tế học công tác tại trường Đại học Yale và là người đồng sáng lập chỉ số Case-Shiller cho giá nhà ở Mỹ. Ông là tác giả cuốn Irrational Exuberance (Sự hồ hởi phi lý trí), mà lần tái bản thứ hai của cuốn sách này đã dự báo được sự sụp đổ đang gần kề của hiện tượng bong bóng bất động sản, và gần đây nhất là cuốn Finance and the Good Society (Tài chính và xã hội thiện mỹ).

KINH TẾ HỌC CÓ THỰC SỰ LÀ MỘT MÔN KHOA HỌC

New Haven - Tôi là một trong những người giành được giải Nobel kinh tế năm nay, sự kiện này khiến tôi nhận thức rõ sự phê phán đối với giải thưởng từ phía những người cho rằng kinh tế học – không giống như hóa học, vật lý hay y học, là những môn khoa học cũng được trao giải Nobel – không phải là một môn khoa học. Liệu rằng nhận định của họ có đúng không?
Một vấn đề của kinh tế học là ở chỗ kinh tế học nhất thiết phải tập trung vào chính sách hơn là khám phá ra các nguyên lý. Không một ai quan tâm đến dữ liệu kinh tế trừ khi dữ liệu kinh tế được dùng như các chỉ báo cho chính sách: tự thân các hiện tượng kinh tế không có sự quyến rũ đối với chúng ta như hiện tượng cộng hưởng bên trong một nguyên tử hay chức năng của các bào quan của cơ thể hay của một tế bào sống. Chúng ta đánh giá kinh tế học thông qua sản phẩm mà bộ môn này có thể tạo ra. Do đó, kinh tế học có sự tương đồng với công việc của ngành kỹ thuật hơn là của nhà vật lý học, có tính thực tiễn hơn là tinh thần.
Print Friendly and PDF

Kinh tế học hậu khủng hoảng


KINH TẾ HỌC HẬU KHỦNG HOẢNG
Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng trước, phe chống Liên minh châu Âu và phe cực đoan (euroskeptic and extremist parties) giành được 25% số phiếu phổ thông, với những thắng lợi lớn nhất được ghi nhận tại Pháp, Anh và Hy Lạp. Những kết quả này được giải thích một cách rộng rãi và đúng đắn như một minh họa cho mức độ phân cách giữa tầng lớp tinh hoa châu Âu kiêu ngạo và những công dân bình thường.
Sự bất bình trong giới tri thức ngày nay ít được chú ý, bởi nó ít mang tính chính trị rõ ràng. Cuốn tư bản thế kỉ XXI (Capital in the Twenty-First Century) của nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty[1], một bản cáo trạng nẩy lửa về tình trạng gia tăng của sự bất bình đẳng, là biểu hiện mới nhất. Có lẽ chúng ta đang chứng kiến buổi đầu sự kết thúc của đồng thuận tư bản chủ nghĩa tân tự do. Sự đồng thuận này đã thịnh hành ở khắp các nước phương Tây từ những năm 1980, và nhiều người cho rằng nó là nguyên nhân dẫn đến thảm họa kinh tế 2008- 2009.
Print Friendly and PDF

8.11.14

Kinh tế vi mô dành cho tất cả mọi người


KINH TẾ VI MÔ DÀNH CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

Trong suốt nữa thế kỉ qua, các trường đại học hàng đầu thế giới đã giảng dạy kinh tế vi mô thông qua lăng kính của mô hình cân bằng cạnh tranh tổng quát (general competitive equilibrium) của Arrow-Debreu. Nó mô hình hóa một ý tưởng trung tâm của Adam Smith trong The Wealth of Nations, và là hiện thân của sự mỹ miều, sự đơn giản và tính thiếu thực tế của hai định lý cơ bản về sự cân bằng cạnh tranh. Mô hình này tương phản với tính phức tạp và hỗn độn của những thay đổi mà các nhà kinh tế học đã đưa thêm vào trong một nỗ lực nhằm nắm bắt tốt hơn cách vận hành thật sự của thế giới. Nói một cách khác, trong khi các nhà nghiên cứu cố gắng tìm hiểu những trạng thái phức tạp của thế giới hiện thực, thì các sinh viên buộc phải vật lộn với các giả định phi thực tế.
Cách tiếp cận giáo dục này một phần lớn bắt nguồn từ ý tưởng hợp lí cho rằng một khung khổ để suy nghĩ về các vấn đề kinh tế sẽ hữu ích cho các sinh viên hơn là một mớ hổ lốn những mô hình khác nhau. Nhưng một ý niệm tai hại hơn dần dần len lỏi làm biến dạng ý tưởng ban đầu: do những biến thể khác nhau của mô hình Arrow-Debreu ngày càng thực tế hơn, và do đó trở thành phức tạp hơn, nên chúng không còn phù hợp với các lớp học nữa. Nói một cách khác, phải dành riêng tư duy “thực thụ” kinh tế vi mô cho các chuyên gia nghiên cứu.
Print Friendly and PDF

6.11.14

Hệ chuẩn (Paradigm)



Hệ chuẩn

Paradigm
Giải Nobel: SAMUELSON, 1970
Sự đột nhập của khái niệm hệ chuẩn vào lịch sử và triết học các khoa học diễn ra tiếp theo sau thành công lạ lùng của tác phẩm tạo lập của Thomas Kuhn, Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học, xuất bản năm 1962. Trước khi tác phẩm của Kuhn ra đời, có một sự phân công lao động giữa triết học các khoa học mà mục đích là xác định những tiêu chí của khoa học tốt, xã hội học về các khoa học, nghiên cứu việc các nhà khoa học vận dụng một cách ít nhiều tốt đẹp những tiêu chí này và lịch sử các khoa học mô tả sử thi của tiến bộ liên tục của tri thức trong những bộ môn khác nhau. Lí thuyết của Kuhn về khoa học chuẩn định đã đảo lộn sự sắp xếp êm thấm này.
Tính đặc thù của cách tiếp cận của Kuhn nằm ở sự tầm thường của cách tiếp cận này. Để hiểu sức bật của động thái khoa học, Kuhn tìm cách trừu tượng hóa bằng cách tách biệt những phương thức cụ thể của lao động của các nhà khoa học trong những bộ môn khác nhau để khôi phục những đặc điểm chung và thiết yếu của lao động này. Điều này đã dẫn ông đến kết luận về tính quyết định của những phản xạ mà nhà khoa học đã thụ đắc, một cách có ý thức hay không, trong quá trình tập huấn chuyên nghiệp. Những phản xạ này được thể hiện dưới dạng một số những cách làm và cách suy nghĩ trong thực tiễn hằng ngày tạo thành hệ thống. Kuhn gọi bằng hệ chuẩn hệ thống những thực hành đã được tự nhiên hoá và đồng xác định công việc thông thường của nhà khoa học. Có thể coi là chính hệ chuẩn công cụ hoá nhà khoa học chứ không phải ngược lại. Nói cách khác, một nhà khoa học không làm việc với một hệ chuẩn mà sống trong hệ chuẩn ấy.
Print Friendly and PDF

Kinh tế học: đối tượng và phương pháp


Kinh tế học: đối tượng và phương pháp

Economics: Scope and Methods
Giải Nobel: FRISCH, 1969 HAAVELMO, 1989 HARSANYI, 1994 KANTOROVICH, 1975 KOOPMANS, 1975 LEONTIEFF, 1973 NASH, 1994 SELTEN, 1994 STONE, 1984 TINBERGEN, 1969

Khoa học kinh tế thường được định nghĩa bởi đối tượng của khoa học này, tức việc nghiên cứu những quan hệ giữa con người với nhau liên quan đến các sản phẩm, được thể hiện trong những hoạt động sản xuất, trao đổi và tiêu dùng. Khoa học này còn được định nghĩa một cách truyền thống bằng mục tiêu của nó, tức việc phân bổ tối ưu những nguồn lực hiếm hoi của cộng đồng, liên quan đến quyền lợi của các tác nhân kinh tế hợp thành cộng đồng này. Cũng giống như các khoa học khác về xã hội, kinh tế học khác với vật lí học hay với sinh học ở việc nắm bắt những hệ thống phức tạp hơn và bất ổn định hơn, dẫn đến những qui luật thực nghiệm mong manh và phù du hơn. Cũng giống như các khoa học khác về tự nhiên, kinh tế học khác với ngôn ngữ học và nhân học ở quyết tâm biến đổi những hệ thống mà kinh tế học nghiên cứu, dựa trên những công cụ can thiệp kĩ thuật hay thể chế.
Căng thẳng này giữa tính tinh tế của đối tượng bộ môn và tham vọng của mục tiêu của kinh tế học tác động sâu sắc đến phương pháp của kinh tế học dựa trên việc vận dụng những mô hình được nắm bắt theo ba chiều kích. Liên quan đến ngôn ngữ qua đó các mô hình được diễn đạt, cú pháp kinh tế được đặc trưng bằng một cách tiếp cận hình thức, tính chặt chẽ của những lập luận bù đắp cho tính mờ của các khái niệm. Liên quan đến quan hệ giữa các mô hình với hiện thực kinh tế, ngữ nghĩa học kinh tế theo một cách tiếp cận lí thuyết, sức mạnh của các giải thích bù đắp cho tính không thực tế của các qui luật. Liên quan đến những chức năng mà các mô hình phải đảm nhận, ngữ dụng học kinh tế được thể hiện bằng một cách tiếp cận có mục đích, việc thích nghi với các mục tiêu làm cân bằng tính xấp xỉ của những mô tả. 
Print Friendly and PDF

5.11.14

Lí thuyết tổng quát về việc làm



Lí thuyết tổng quát về việc làm

J. M. Keynes


[...] Tôi quan tâm nhiều đến những ý tưỏng cơ bản tương đối đơn giản đặt nền móng cho lí thuyết của tôi hơn là những dạng đặc biệt tôi đã dùng để gói ghém chúng. Và ở thời điểm này của cuộc thảo luận tôi không hề muốn định hình những dạng ấy. Nếu những ý tưởng cơ bản và đơn giản ấy trở nên quen thuộc và được chấp nhận thì thời gian và kinh nghiệm cùng với sự cộng tác của nhiều bộ óc sẽ tìm ra cách tốt nhất để biểu đạt chúng. [...]

I.

Phân tích của Ricardo thường được công nhận là liên quan đến điều ngày nay ta gọi là cân bằng dài hạn. Đóng góp của Marshall chủ yếu là đã ghép thêm vào đó nguyên lí cận biên và nguyên lí thay thế cùng với việc xem xét sự chuyển dịch từ một vị thế cân bằng dài hạn sang một vị thế cân bằng dài hạn khác. Song cũng giống như Ricardo, ông đã giả định rằng số lượng các nhân tố sản xuất được sử dụng là cho trước và vấn đề là xác định cách thức sử dụng chúng và số tiền tương đối trả cho chúng. Edgeworth và giáo sư Pigou, và sau họ là những tác giả đương đại đã tinh tế hóa và cải tiến lí thuyết này bằng cách xem xét là những đặc trưng khác nhau của những hàm cung các nhân tố sản xuất tạo nên những hiệu ứng gì, những gì sẽ xảy ra trong điều kiện độc quyền và cạnh tranh hoàn hảo, trong chừng mực nào lợi thế xã hội và lợi thế cá nhân trùng khớp với nhau, việc trao đổi trong một hệ thống mở đặt ra những vấn đề gì đặc biệt, và những vấn đề tương tự. Nhưng giống như những người đi trước, các tác giả hiện đại này vẫn xét một hệ thống trong đó trị giá các nhân tố sử dụng là cho trước và những sự kiện thích đáng khác ít nhiều được biết một cách chắc chắn. Điều này không có nghĩa rằng họ xét đến một hệ thống không thừa nhận sự đổi thay hay ngay cả một hệ thống ngay từ đầu loại trừ khả năng những dự kiến sẽ tỏ ra là sai lầm. Nhưng ở bất kì thời điểm nào thì những sự kiện và dự báo đều được giả định là cho trước dưới một dạng nhất định và tính toán được; và rủi ro, dù được thừa nhận và không được quan tâm hơn nữa, được giả định là có thể tính toán một cách chính xác thể theo phép tính bảo hiểm. Phép tính xác suất, tuy chỉ bị ngầm ám chỉ, được giả định là có khả năng quy bất trắc về một vị thế tính toán được như thể đó là một tình trạng chắc chắn. Điều này giống với phép tính Bentham về nhọc nhằn và vui thú, thuận lợi và bất lợi, qua đó triết lí của Bentham giả định rằng phép tính này chi phối hành vi đạo đức của con người.
Tuy nhiên thật ra ta thường có một ý niệm mơ hồ về những hệ quả trực tiếp của hành động chúng ta, nếu không kể đến những hệ quả tức thì nhất. Đôi lúc chúng ta chẳng quan tâm mấy đến những hệ quả xa xôi của hành động, cho dù với thời gian và do ngẫu nhiên chúng trở nên quan trọng hơn. Nhưng đôi lúc ta lại quan tâm đến những hệ quả trong dài hạn này hơn là đến những hệ quả tức thì. Trong tất cả những hoạt động của con người chịu nỗi quan tâm xa vời này thì hoạt động quan trọng nhất là hoạt động có tính kinh tế, tức là việc tích lũy của cải. Mục đích của việc tích lũy là sản xuất ra kết quả hoặc kết quả tiềm tàng ở một thời điểm xa hơn hay đôi lúc ở một thời điểm lùi xa mãi trong tương lai. Vì thế do hiểu biết của chúng ta về tương lai là bấp bênh, mơ hồ và không chắc chắn nên việc ứng dụng các phương pháp của lí thuyết kinh tế cổ điển đối với của cải là không thích hợp. Lí thuyết này có thể là rất tốt cho một thế giới mà các sản phẩm kinh tế tất yếu được tiêu dùng một thời gian ngắn sau khi được sản xuất. Nhưng tôi gợi ý rằng lí thuyết này cần phải được tu chỉnh nhiều nếu muốn ứng dụng nó vào một thế giới trong đó sự tích lũy của cải cho một thời điểm bất định trong tương lai là một yếu tố quan trọng. Và vai trò tương đối của sự tích lũy của cải này càng quan trọng bao nhiêu thì việc tu chỉnh lí thuyết càng thiết yếu bấy nhiêu.
Print Friendly and PDF