Ý HỆ VỀ “DỮ LIỆU LỚN” (“BIG DATA”), MỘT TAI HỌA ĐƯỢC BÁO TRƯỚC CHO ĐẠO ĐỨC VỀ NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG
Tác giả: Jean-Pierre Dupuy
Giáo sư triết học, Stanford University
Những người cổ súy cho trí tuệ nhân tạo và các Dữ Liệu Lớn muốn bỏ qua những quan hệ nhân quả và hài lòng chấp nhận những quan hệ tương quan. Quay lưng với những nguyên tắc và khái niệm căn bản về nhận thức luận, ý hệ của họ tỏ ra vô cùng nguy hiểm về phương diện đạo đức.
Warren McCulloch (1898-1969) |
Walter Pitts (1923-1969) |
Trí tuệ nhân tạo (sau đây sẽ viết tắt là AI), đã trở thành một vấn đề thời sự tương đương với chiến tranh ở Ukraine hay sự nổi dậy của nông dân Pháp. Những người có hiểu biết uyên thâm nhất cho rằng AI khởi đầu mới đây, vào năm 2018. Vì tôi đã làm việc trong nhiều năm về lịch sử triết học của các khoa học nhận thức, từ ngành điều khiển học cho đến AI[1], riêng tôi nghĩ rằng AI đã khởi đầu từ năm 1943, khi một nhà tâm thần học thần kinh tên là Warren McCulloch và một nhà toán học xuất chúng, Walter Pitts, sáng tạo ra khái niệm mạng nơ-ron hình thức. Họ đã chứng minh về vấn đề này những tính chất nổi bật có thể tạo niềm hy vọng sẽ xuất hiện một khoa học vật chất và logic-toán học của trí tuệ con người.
Khoảng cách chừng tám mươi năm giữa chúng ta và hành động khai phá này rõ ràng đã chứng kiến những bước tiến triển phi thường. Đặc biệt là nhờ những công trình của Yann LeCun, người Pháp, và Geoffrey Hinton, người Anh, mô hình lúc khởi đầu đã trở thành một hệ thống có khả năng tự học nhờ vào một hệ thống cấp bậc các lớp nơ-ron hình thức chồng chéo nhau - từ đó có thành ngữ “học sâu”, tiếng Anh là deep learning -, và bằng cách đối chiếu với các dữ liệu của thế giới thực.