Giới thiệu


GIỚI THIỆU

Bức xúc trước vấn nạn của việc học và dạy kinh tế ở Việt Nam, nhưng không cam chịu bó tay bất lực, trang Phân tích kinh tế ra đời với mong muốn chia sẻ và trao đổi, trong tinh thần tự do học thuật, những thông tin cần thiết giúp người dạy cùng người học ưa thích kinh tế tự đào tạo, cập nhật, củng cố, hệ thống hóa và bổ sung kiến thức để tự tin hội nhập thế giới.
Hướng đến người học, trang cung cấp bản dịch những bài ngắn, nhẹ nhàng và có minh họa, trang bị những kiến thức nền. Tuy thích kinh tế học nhưng bạn ngần ngại bước vào lĩnh vực này do nghe đồn đó là một “khoa học buồn thảm”? Vậy xin mời bạn lướt qua bài Lời kêu gọi vì tính đa nguyên trong kinh tế học của sinh viên quốc tế hay hai bài đầu trong mục Những nhân vật lớn trong tư tưởng kinh tế, rồi chắc bạn sẽ xét lại nhận định trên khi thấy những vấn đề đề cập trong đó không những mang tính thời sự mà đôi lúc rất sát sườn với những vấn đề bạn từng trăn trở, và những nhà tư tưởng lớn không phải lúc nào cũng suy nghĩ trên trời mà còn quan tâm đến những chuyện cơm áo gạo tiền trong cõi nhân sinh.
Bạn lưỡng lự có nên tiếp tục học lên cao nữa không vì chưa rõ có đủ tài liệu và thuật ngữ tiếng Việt để tham khảo làm luận văn? Mời bạn đọc nhanh hai bài Kinh tế học có phải là môn khoa học khôngKinh tế gia như là một nhà hiền triết cùng đôi bài tập hợp trong bốn mục tiếp theo là Phỏng vấn các nhà kinh tế, Lịch sử, triết học và xã hội học về các khoa học, Khoa học luận và phương pháp luận kinh tế, Thống kê kinh tế để thử xem “tạng” của mình có hợp để làm nghiên cứu không.
Kinh với tế, thất nghiệp đến nơi rồi mà còn nghiên với cứu! Ấy chết, mời bạn nán lại ít phút và bấm vào mục Kinh tế gia cười để thấy chúng tôi vẫn biết tự trào lắm, và hình như trong mục này còn có một chuyện vận vào trường hợp của bạn đó. Nếu lỡ phải chia tay ở đây chăng nữa, thì chúng tôi xin được tiễn bạn trong tiếng cười như khi đã chào đón và cảm ơn bạn đến thăm bằng bức tranh biếm họa đầu trang!
Hướng đến người dạy, trang xin mời bạn đọc ngay bản dịch hai bài phỏng vấn người đồng nghiệp vừa được giải Nobel kinh tế năm nay ở đâyở đây và một bài tóm tắt sự nghiệp tác giả này ở đây. Cũng vì chức năng cập nhật thông tin và mối quan tâm đến sư phạm, trang mời bạn tham khảo tiếp hai bài Kinh tế học vi mô cho mọi người, Kinh tế học hậu khủng hoảng. Với các mục Một số bài kinh điển, Một tác giả, một tác phẩm, Kinh tế học và các khoa học khác trang mong muốn phục vụ công tác nghiên cứu của quý thầy cô.    
Trước lạ sau quen, nhưng vì tự biết tài hèn sức mọn nên mấy dòng giới thiệu này cũng đồng thời là lời mời bạn nhập cuộc cùng chung tay nỗ lực gom góp cho hành trang tối thiểu ngày càng thêm phong phú để cuộc hành trình gian khổ trên đường khám phá miền kinh tế học bớt nhọc nhằn.
Hẹn sớm gặp lại tất cả các bạn online lẫn offline và chúng tôi háo hức chờ đón nhận những góp ý, trao đổi và đề nghị cộng tác qua địa chỉ email: phantichkinhte123@gmail.com hoặc đăng ký cộng tác viên trực tiếp ở đây.
Nhóm khởi xướng
Nguyễn Minh Cao Hoàng
Phạm Văn Minh
Trần Thị Minh Ngọc
Nguyễn Đôn Phước
Huỳnh Thiện Quốc Việt
Những kênh thông tin khác của chúng tôi:
- Trang song hành: http://phantichkinhte123.wordpress.com/ (dùng cho trường hợp khó vào trang này)
- Địa chỉ Facebook: https://www.facebook.com/kinhte.phantich.3 
Print Friendly and PDF