André Orléan (1950-) |
“Tính đa nguyên trong kinh tế học là một mệnh lệnh dân chủ”
Phải tư duy lại việc giảng dạy kinh tế học. Trong cuộc phỏng
vấn dưới đây, André Orléan tố cáo sự thống trị của các lí thuyết tân cổ điển.
Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm quốc gia Pháp (CNRS) và
Trường cao cấp về khoa học xã học (EHESS), André Orléan là đồng chủ biên tuyên
ngôn vì một kinh tế học đa nguyên trong Dùng các nhà kinh tế vào việc gì nếu
họ đều nói giống nhau?
Ông là một nhà kinh tế phi
chính thống. Điều gì làm ông khác với nhà kinh tế chính thống, mà theo ông,
đang ở vị thế thống trị cả trong đại học lẫn trong việc hoạch định các chính
sách kinh tế?
Ý tưởng chính thống bắt nguồn từ tác phẩm của Keynes. Keynes gọi bằng chính thống những ai tin vào sự điều
tiết cạnh tranh của các nền kinh tế thị trường. Ông đối lập họ với những kẻ dị
giáo trong đó ông tự liệt mình vào. Trong lúc các nhà chính thống gán cho lương
quá cao nguyên nhân của thất nghiệp đại trà, Keynes xem thất nghiệp chủ yếu là
do thiếu cầu. Ngày nay, sự đối đầu giữa chính thống và phi chính thống chủ yếu
vẫn xoay quanh cũng bấy nhiêu đối lập về mặt khái niệm, ngoại trừ việc là các
lí thuyết đối mặt nhau tinh vi hơn và lí thuyết thống trị, gọi là “tân cổ
điển”, ngày càng trở nên thống trị hơn. Bằng cách tiếm đoạt độc quyền về khoa
học đích thực, lí thuyết này tự cho phép quyền bác bỏ tất cả những cách tiếp
cận cạnh tranh, được gọi là “phi khoa học”. Ta thấy rõ điều này ở Pháp, một
nước có truyền thống tiếp nhận một số lớn quan điểm và phương pháp khác nhau,
như chủ nghĩa Marx, lí thuyết điều tiết, kinh tế học về các quy ước, cách
tiếp cận gọi là hậu keynesian và lịch sử tư tưởng kinh tế.