29.4.15

Dò dẫm



Dò dẫm

Tatonnement à la Walras
® Giải Nobel: ARROW, 1972 DEBREU, 1983 SAMUELSON, 1970
Ở mỗi bước của việc xây dựng cân bằng chung, nghĩa là cho mỗi một lí thuyết nối tiếp nhau về trao đổi, sản xuất, vốn hoá và tiền tệ, Léon Walras trước tiên xác định cân bằng tương ứng như là nghiệm của một hệ thống có bao nhiêu ẩn số thì có bấy nhiêu phương trình, và điều này đối với ông đủ để khẳng định sự tồn tại của cân bằng này. Tiếp đó, ông cho thấy là thị trường cạnh tranh tự do, bằng một quá trình dò dẫm, hướng đến nghiệm này, và điều này cho phép ông kết luận rằng cân bằng là ổn định. Chúng tôi sẽ trình bày quá trình dò dẫm trong một nền kinh tế trao đổi thuần tuý rồi trong một nền kinh tế có sản xuất, bằng cách làm rõ những giả thiết làm cơ sở cho quá trình này, và tiếp đó nêu lên những vấn đề chính mà quá trình dò dẫm đặt ra. 
Dò dẫm trong một nền kinh tế trao đổi thuần tuý
Xét n người trao đổi và mỗi người có một số lượng nhất định của m hàng hoá, L. Walras chỉ ra là có một hệ thống giá, nghiệm của những phương trình trao đổi sao cho trên thị trường của mỗi hàng hoá cung bằng cầu và như thế thì các nhà trao đổi đạt được lợi ích tối đa của mình. Tiếp đó, ông còn phải chỉ ra là xuất phát một cách tiên nghiệm từ cùng những dữ liệu và giá bất kì, hoạt động của thị trường làm cho những giá này hội tụ về những giá cân bằng. 
Quá trình dò dẫm này đặt ra ba vấn đề:
Print Friendly and PDF

27.4.15

Thorstein Veblen, nhà tiên phong của học thuyết thể chế



Thorstein Veblen, nhà tiên phong của học thuyết thể chế

Là người phê phán nặng nề xã hội đương thời, Veblen mở đường cho phái phi chính thống chống lại sự thống trị của tư tưởng tân cổ điển.
Thorstein Veblen (1857-1929)
Thorstein Veblen. Cuộc đời và các tác phẩm của ông được đánh dấu bởi tinh thần phi tuân phục.
Thorstein Veblen là người bài báng truyền thống điển hình nhất. Cuộc đời của ông cũng như các tác phẩm của ông được đánh dấu bởi tinh thần phi tuân phục và li khai. Sinh năm 1857, ông lớn lên trong một cộng đồng nông dân người Na Uy di cư đến Hoa Kỳ, nhưng sống rất khép kín. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ lấy cảm hứng từ các ý tưởng của Kant và Spencer, ông rút lui trong bảy năm về trang trại của gia đình, nơi ông đắm chìm trong một biển sách và đọc chúng với một tốc độ phi thường. Ông chỉ bắt đầu kiếm sống từ năm 34 tuổi. Cách hành xử lạ thường của ông, cách ăn mặc của ông, phương pháp giảng dạy kém chính thống của ông, cuộc sống tình cảm đầy dông bão, và sự thù địch công khai đối với tôn giáo đã làm phức tạp thêm sự nghiệp học thuật của ông được đánh dấu bởi những hợp đồng lao động không được gia hạn và những thời kỳ thất nghiệp.

Phê phán lý thuyết kinh tế

Thế nhưng, các đồng nghiệp của ông đã biết nhận ra giá trị của một sản phẩm, kết hợp những lời phê phán mỉa mai cay độc với nghiên cứu phân tích độc đáo, ở ranh giới của kinh tế học, xã hội học và sử học. Năm 1925, khi ông gần 70 tuổi, Veblen được mời đảm nhận một chức vụ uy tín là chủ tịch Hiệp hội kinh tế học Mỹ, với điều kiện là ông đồng ý trở thành thành viên! Trung thành với chính mình, ông từ chối vinh dự ấy, cho rằng đáng lí ra người ta nên mời ông khi ông từng cần đến chức danh đó. Năm sau, ông lui về sống ẩn dật trong một căn chòi mộc mạc, mà tự tay ông đóng bàn ghế, trên một ngọn đồi ở bờ biển California.
Print Friendly and PDF

25.4.15

Phê phán kinh tế học kinh viện



Phê phán kinh tế học kinh viện[1]

“Một biểu trưng bi thảm … Những gì các nhà kinh tế bộc lộ rõ ràng nhất là sự tụt hậu trí tuệ to lớn của bộ môn họ”[2]. Chủ yếu, bài xã luận này của tuần san kinh tế được biết đến nhiều nhất (Business Week) – khi bình luận các công trình trình bày ở hội nghị năm 1981 của Hội kinh tế Mĩ – nói rằng “nhà vua cởi truồng”. Nhưng không ai trong số những người tham gia cuộc trình diễn long trọng và rất được mong muốn này của khoa học kinh tế của Hoa Kì có vẻ như không biết điều ấy, và những ai biết thì không dám nói.
John Stuart Mill (1806-1873)
Hai trăm năm trước, các nhà sáng lập kinh tế học hiện đại – Adam Smith, Ricardo, Malthus và John Stuart Mill – xây dựng một kiến trúc tri thức đồ sộ đặt cơ sở trên ý niệm về một nền kinh tế quốc gia được xem như một hệ thống tự điều tiết hợp thành bởi một số lớn những hoạt động khác nhau và nối kết với nhau và, vì thế, phụ thuộc lẫn nhau. Một quan niệm vững mạnh và phong phú đến độ đã thúc đẩy công trình sáng tạo của Charles Darwin về lí thuyết tiến hóa.
Ý tưởng trung tâm của điều được gọi là kinh tế học cổ điển được hai kĩ sư đặc biệt có năng lực toán học: Léon Walras và Vilfredo Pareto thể hiện một cách vô cùng tinh tế bằng một ngôn ngữ đại số súc tích và đặt tên là “lí thuyết cân bằng chung”. Ngày nay, dưới tên gọi kinh tế học “tân cổ điển”, lí thuyết này là cốt lõi của chương trình đại học trong đất nước này.
Print Friendly and PDF

23.4.15

Tổng năng suất các nhân tố



Tổng năng suất các nhân tố

Production factors set productivity

® Giải Nobel: SOLOW, 1987
Khái niệm năng suất xác lập một quan hệ định lượng giữa một sản lượng và những nhân tố được sử dụng để có được sản lượng này. Khái niệm này có thể được định nghĩa như là tỉ số giữa số lượng sản phẩm được sản xuất và số lượng những nhân tố được sử dụng; do đó đây là một năng suất vật chất, một khái niệm dễ hiểu. Khái niệm này giữ một vị trí quan trọng trong lí thuyết cận biên về công ti. Ngay từ cuối thế kỉ XIX ở Hoa Kì và chung hơn từ sau thế chiến thứ hai, đã có nhiều toan tính đo đạc khái niệm này, trước hết giới hạn ở năng suất của lao động ở cấp độ những đơn vị sản xuất nhỏ. Sau đó trường phân tích đã được mở rộng (doanh nghiệp, ngành sản xuất và cả đất nước), điều này buộc phải viện đến những ước lượng tiền tệ, do sản xuất và những nhân tố được sử dụng ngày càng đa dạng và song song đó, là việc thay thế độ đo năng suất riêng của một nhân tố ít nhiều tách biệt một cách giả tạo với những nhân tố khác bằng những chỉ số tổng năng suất của toàn bộ các nhân tố.
Lí thuyết cận biên về công ti dựa trên sự phân biệt giữa ngắn và dài hạn. Xin nhắc lại rằng ngắn hạn phải đủ ngắn để cho năng lực sản xuất đã thiết lập của doanh nghiệp có thể được xem là một dữ liệu cho trước: những công trình xây dựng, tư liệu và trang thiết bị hợp thành những nhân tố cố định và chi phí của chúng là một chi phí cố định, độc lập với khối lượng sản xuất. Có thể thay đổi khối lượng này bằng cách sử dụng những số lượng ít nhiều quan trọng của những nhân tố biến đổi (nhân công, nguyên liệu, năng lượng, v.v.), miễn là những nhân tố này là chia nhỏ được và thích nghi được để có thể được kết hợp theo những tỉ lệ khác nhau với những nhân tố cố định. Trong những điều kiện này, khi số lượng được sử dụng của một nhân tố biến đổi, ví dụ lao động, tăng dần thì tổng sản lượng trước tiên tăng theo một tỉ lệ lớn hơn rồi, khi vượt quá một ngưỡng, tăng theo một tỉ lệ nhỏ hơn. Nói cách khác, những năng suất trung bình và cận biên của lao động trước hết tăng dần rồi giảm dần.
Print Friendly and PDF

21.4.15

Amartya Sen: Sự phát triển bị giam hãm


Amartya Sen (1933-)

Amartya Sen: Sự phát triển bị giam hãm 

Cuộc phỏng vấn nhà kinh tế lừng danh đoạt giải Nobel Amartya Sen: “Sự phát triển và bảo vệ năng lực con người là trọng tâm của những suy nghĩ về hoạch định chính sách. Sự hiểu biết đó làm sáng tỏ công việc của chúng ta. Nhưng đóng vai trò biện chứng hơn trong cuốn sách ‘Vinh Quang Bấp Bênh’ là sự nhận thức rằng rất nhiều nhà phân tích chính sách của Ấn Độ có thể đã bỏ qua yếu tố năng lực con người, vì nó không chỉ quan trọng cho bản thân mỗi người, mà sự phát triển năng lực con người còn là một cách tiếp cận cổ điển của Châu Á nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững.”
Jonathan Derbyshire: Lần đầu tiên chúng ta gặp nhau là 4 năm về trước. Khi đó, ông đã nói đến một điều mà tôi nghĩ có liên quan tới công việc chuẩn bị cho cuốn sách mới của ông, đồng tác giả với Jean Drèze: Vinh Quang Bấp Bênh (An UncertainGlory). Chúng ta đã nói về phe cánh tả của Ấn Độ. Ông nói: “Tôi đã từng phê phán rất nặng tình trạng cân bằng chính trị của phe tả ở Ấn Độ trong những năm gần đây. Một đảng phái có cam kết thực sự đối với những thành phần bị thua thiệt trong xã hội nên lo lắng nhiều hơn nữa so với những gì đang diễn ra, khi mà Ấn Độ có một tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao hơn bất cứ nơi nào trên thế giới”. Có phải nhận định sâu sắc đó, bất kể nhiều hay ít, chính là xuất phát điểm cho cuốn sách mới của ông hay không? Hay nói cách khác, ông quan tâm đến những thứ mà ông gọi là “mối quan hệ hai chiều” giữa “công bằng xã hội” (thuật ngữ của ông) và tăng trưởng kinh tế, điều vốn đã diễn ra rất ngoạn mục ở Ấn Độ trong 15 – 20 năm qua.
Amartya Sen: Chính xác là như vậy. Vào thời điểm đó, tôi không làm việc một cách hệ thống để xem xét các chỉ số phát triển khác như thế nào, nhưng tôi biết rằng chỉ số suy dinh dưỡng của chúng tôi [Ấn Độ] là ở mức rất thấp. Nhưng sau khi phát hiện ra rằng điều đó cũng xảy ra trên nhiều phương diện khác nhau – mức ổn định và an toàn y tế cho mọi người; hệ thống trường học vận hành tốt để mọi trẻ em có thể được đến trường thực sự; sự phổ cập tiêm chủng – trong mọi những lĩnh vực này, Ấn Độ dường như đang tụt hậu hơn so với nhiều quốc gia mà nước này đã vượt qua về thu nhập bình quân đầu người – ví dụ như Bangladesh. Vì vậy, bốn năm trước nảy ra một ý nghĩ làm tôi băn khoăn, luôn đeo bám tôi. Khi tôi cùng với người bạn và đồng cộng tác Jean Drèze tìm hiểu về chúng, vấn đề trở nên rõ ràng một cách có hệ thống, đó là Ấn Độ đang phát triển rất kém ở những phương diện này, ngay cả khi nó phát triển mạnh hơn các nền kinh tế lớn khác, với ngoại lệ là Trung Quốc (dù tỉ lệ tăng trưởng của nước này đã bị sụt giảm, tỉ lệ tăng trưởng vẫn ở mức thứ ba so với các nền kinh tế lớn, sau Trung Quốc và Indonesia).
Print Friendly and PDF

19.4.15

Walras Léon

Walras Léon, 1834-1910

Walras Léon, 1834-1910

Léon Walras là nhà sáng lập, được thừa nhận một cách phổ biến, của lí thuyết cân bằng chung được ông xây dựng trong năm lần xuất bản (1874-1877; 1889; 1896; 1900; 1926 sau khi ông mất) của tác phẩm Éléments déconomie politique pure (Khái luận về kinh tế chính trị học thuần tuý). Chính tại đại học Lausanne, nơi ông được bổ nhiệm làm giáo sư kinh tế chính trị học năm 1870, ông đã thực hiện phần chủ yếu của sự nghiệp của mình, trong khi ông đã dành toàn bộ thời gian cho kinh tế chính trị học kể từ 1858.

Lí thuyết tổng quát về xã hội

Nếu Léon Walras là lí thuyết gia của cân bằng chung thì cũng cần nói rõ rằng ý đồ của ông là rộng hơn nhiều: tầm nhìn này thật sự là một Théorie générale de la société (Lí thuyết tổng quát về xã hội). Tầm nhìn này bắt nguồn từ năm 1859 lúc đang viết L’économie politique et lajustice: Chính lúc bấy giờ tôi nhận ra rằng thặng dư của điạ tô và của đất tăng cùng với sự phát triển của dân số và của cải.. Trực giác này sẽ dẫn đến bài viết năm 1880: Théorie mathématique du prixdes terres et leur rachat par l’État (Lí thuyết toán học về giá đất và việc Nhà nước mua lại đất).
Print Friendly and PDF

17.4.15

Tiền không mua được gì?



Tiền không mua được gì?

Thị trường có mặt khắp nơi. Nó có mặt trong tổ chức kinh tế của chúng ta, và ngày càng xuất hiện trong các quan hệ xã hội. Thế mà ngược lại với những gì các nhà kinh tế muốn chúng ta tin tưởng, các quan hệ hàng hóa tác động đến những giá trị đạo đức của những xã hội phát triển các quan hệ này. Tìm hiểu chiều kích đạo đức của trao đổi hàng hóa và những giới hạn cần thiết phải áp đặt cho các trao đổi này là tham vọng của tác phẩm đáng chú ý của nhà triết học Mĩ Michael J. Sandel.

Sự bất công

Trong các sân bay, công viên hay ở siêu thị sách Fnac, ngày ta càng thấy có những khách hàng tránh xếp hàng nhờ sở hữu một thẻ đặc biệt. Họ đã trả đắt hơn để khỏi phải mất thời gian. Những hệ quả xã hội của điều này là không mấy quan trọng nếu chiến lược cắt đuôi không len lỏi cả vào lĩnh vực y tế: ở Hoa Kì, đổi lấy 15.000 đôla (25.000 cho một gia đình), bạn bạn có quyền tiếp cận ưu tiên tuyệt đối và không giới hạn một bác sĩ. Một ví dụ khác: ta biết là những đứa con của các bà mẹ sử dụng ma túy sinh ra đã ngộ độc, một hội đoàn đề nghị trả 300 đôla cho những phụ nữ nghiện để trở thành vô sinh. Ta còn có thể nhắc đến những cuộc đầu cơ trên cái chết, thông qua thị trường thứ cấp bảo hiểm nhân thọ hay những biển logo thương mại to đùng trang trí và đặt tên cho một số sân vận động.
Print Friendly and PDF

15.4.15

David Ricardo, công kích chủ nghĩa bảo hộ



David Ricardo (1772-1823)

David Ricardo, công kích chủ nghĩa bảo hộ

Kiến trúc sư của lý thuyết định lượng tiền tệ, cha đẻ của lý thuyết giá trị lao động và lợi thế so sánh, David Ricardo là hiện thân các tinh hoa của kinh tế học chính trị cổ điển. 
Đắm mình trong thế giới kinh doanh và tiền bạc từ thời thiếu niên, là đại biểu Quốc hội năng động vào cuối đời, để lại một cơ nghiệp lớn sau cái chết của ông, David Ricardo là một trong những nhà tư tưởng thực tế nhất trong số các nhà kinh tế học hàng đầu. Tự học là chính, ông không theo lộ trình của một nhà trí thức và giảng viên đại học như Adam Smith hoặc những người bạn của ông như Malthus và Say. Ông viết sách với rất nhiều khó khăn. Nếu không có sự giúp đỡ và áp lực từ James Mill, có lẽ ông không bao giờ hoàn thành tác phẩm Các nguyên lí của kinh tế học chính trị và thuế khóa. Tuy nhiên, tác phẩm của Ricardo là một trong những tác phẩm mang tính trừu tượng và lý thuyết nhất. Ông là một trong những người đầu tiên vận dụng một cách chặt chẽ phương pháp giả định-suy diễn, một phương pháp sẽ thắng thế trong kinh tế học vào thế kỷ XX. Vả lại, Joseph Schumpeter đã gọi bằng “khuyết tật Ricardo" xu hướng rút ra những kết luận thực tiễn thường thái quá từ những giả định trừu tượng và phi thực tế. Nhưng trong suốt một sự nghiệp ngắn, hoạt động với cường độ cao và trải dài trên mười bốn năm, thì chính vì muốn giải quyết những vấn đề cụ thể mà Ricardo đã thiết kế các mô hình của ông và tiến hành những cuộc tranh cãi không bao giờ chấm dứt với các đồng nghiệp cùng thời.

Cuộc chiến vì vàng

Năm 1711, Isaac Newton, lúc đó là nhân viên của khách sạn Hôtel des Monnaies, xác định giá trị bằng vàng của đồng bảng Anh ở mức 3,17 bảng Anh 10,5 xu tương đương một ounce vàng. Bốn năm sau khi bắt đầu cuộc chiến giữa các nước châu Âu với nước Cộng hòa Pháp, đứng trước lạm phát và áp lực trên đồng bảng Anh, ngày 26/2/1797 chính phủ ban hành Đạo luật hạn chế hoạt động của ngân hàng, đình chỉ chuyển đổi tiền giấy, do Ngân hàng Anh Quốc phát hành, ra vàng. Biện pháp này và những hệ quả của nó gây ra một trong những cuộc tranh luận phong phú nhất trong lịch sử tiền tệ và sự can thiệp lần đầu tiên của Ricardo trong một cuộc tranh luận công khai năm 1809. Ông quy trách nhiệm của tình huống khó khăn nghiêm trọng lúc bấy giờ ở Anh cho việc phát hành quá mức giấy bạc của Ngân hàng và cho "quyền lực nguy hiểm dành cho ngân hàng trong việc làm giảm tùy thích giá trị tài sản của người có tiền" (Các bài viết về tiền tệ, xem mục "Để tìm hiểu thêm").
Print Friendly and PDF

13.4.15

Khi sinh viên Âu châu nhập cuộc


https://pepseco.wordpress.com/

Khi sinh viên Âu châu nhập cuộc

Nhiều sáng kiến vì việc giảng dạy khoa học kinh tế một cách đa nguyên, đa ngành và bám sát thế giới thực tế được nhân rộng. Và làn sóng huy động đang lan tỏa.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2007 đã khơi lên một sự vận động chưa có tiền lệ của các sinh viên kinh tế học tại châu Âu. Các hội đoàn sinh sôi nhanh chóng trong nhiều nước để tố cáo một nền giáo dục quá xa vời cho việc hiểu biết sự vận hành thực tế của các nền kinh tế và ít cởi mở về mặt trí tuệ. Nhưng còn hơn thế nữa: các nỗ lực này hội tụ về những cương lĩnh hợp tác quốc tế nhằm xác lập một chẩn đoán và những giải pháp được chia sẻ. Phải chăng tương lai của khoa học kinh tế trước tiên sẽ bắt đầu với sinh viên?

Những sáng kiến được nhân bội

Tại Pháp, phong trào sinh viên chống tự kỉ trong kinh tế học ra đời ngay từ tháng sáu năm 2000. Gần mười lăm năm sau, thế hệ trẻ tập hợp trong phong trào Peps-Economie tiếp tục cuộc chiến đấu vì một nền giáo dục đa nguyên trong kinh tế học ở đại học. Sinh viên Pháp đã mệt mỏi do buộc phải nhồi nhét những phương pháp của lí thuyết kinh tế thống trị, một lí thuyết mà, năm 2007 xuất phát từ nguyên lí cho rằng không thể nào có những bong bóng tài chính và những cuộc khủng hoảng kinh tế là những di vật của quá khứ!
Không cần phải đợi lâu để vô số những cuộc vận động tương tự trong toàn châu Âu hội tụ với các nhà kinh tế tương lai của Pháp. Trong một cuộc hội thảo của Ngân hàng (trung ương – ND) Anh năm 2011, nhiều nhà kinh tế danh tiếng, đến từ khu vực công cộng lẫn tư nhân, đã tự hỏi là, khi nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính, liệu sinh viên kinh tế học đã nhận được một sự đào tạo thích hợp chưa[1]. Chính từ cuộc hội thảo này đã xuất phát “làn sóng mới” những sáng kiến sinh viên trước tiên ở Vương quốc Anh trước khi lan sang toàn lục địa.
Print Friendly and PDF

11.4.15

Adam Smith, ít tự do hơn người ta nghĩ


Adam Smith (1723-1790)

Adam Smith, ít tự do hơn người ta nghĩ

Adam Smith không phải là người ủng hộ dữ dội thuyết kinh tế học tự do triệt để mà người ta thường giới thiệu. Ông tự nhận mình trước hết là một nhà đạo đức học và nhà triết học.
Adam Smith là nhà kinh tế học nổi tiếng nhất và được biết đến nhiều nhất trong số các nhà kinh tế học. Ngoài ra, ông thường được coi là người sáng lập ra ngành học này. Phải nói rằng tác phẩm Những nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân sự giàu có của các quốc gia vừa là cuốn sách chuyên luận vĩ đại đầu tiên và vừa là cuốn sách gặt hái nhiều thành công nhất. Adam Smith còn thường được coi là người bảo vệ không khoan nhượng của thuyết kinh tế học tự do triệt để qua ẩn dụ nổi tiếng của ông về bàn tay vô hình. Chính như vậy mà ông được những người ủng hộ thuyết tân tự do đương thời coi là bậc thầy của tư tưởng họ.
Một định kiến còn rất nhiều tranh cãi: Adam Smith hẳn sẽ tức lộn ruột trong mộ của ông nếu có thể thấy được ngày nay những luận đề của mình được sử dụng như thế nào. Thậm chí người ta cũng không chắc rằng ông sẽ thích được mô tả như là một nhà kinh tế học. Ông tự nhận mình là một nhà triết học hơn và xem cuốn Lý thuyết về những tình cảm đạo đức của ông, cuốn sách ông đã hiệu chỉnh lại đến hơi thở cuối cùng của mình, như là tác phẩm xuất sắc nhất của mình. Tựa của hai cuốn sách chính của ông đã được khắc đúng cùng một loại chữ trên bia mộ của ông trong một nghĩa trang nhỏ ở Edinburgh, nơi mà ông được chôn cất.
Print Friendly and PDF

9.4.15

If I Ruled The World



Michael Sandel (1953)

Nếu tôi thống trị thế giới

Đã đến lúc lập lại sự khác biệt giữa hàng hóa và vàng
Nếu tôi thống trị thế giới, tôi sẽ biên soạn lại sách giáo khoa kinh tế học. Đây có vẻ là một tham vọng tầm thường, không phù hợp với văn phòng làm việc thuộc chủ quyền của tôi. Nhưng đây thực sự sẽ là một bước tiến lớn đi đến cuộc sống dân sự hoàn mỹ hơn. Ngày nay, chúng ta thường hay lẫn lộn giữa lý lẽ thị trường và lý lẽ xã hội. Chúng ta rơi vào suy nghĩ cho rằng hiệu quả kinh tế - thể hiện ở việc phân bổ hàng hóa cho những người có mức sẵn lòng trả và có khả năng trả mức giá cao nhất cho hàng hóa đó – xác định hành hóa thông thường. Nhưng đây là một sai lầm.
Hãy xét trường hợp thị trường tự do mua bán nội tạng con người –như thận chẳng hạn. Theo lý lẽ kinh tế trong sách giáo khoa thì người ta không thể phản đối những đề xuất như vậy. Nếu người mua và người bán có thể nhất trí một mức giá nào đó cho một quả thận, giao dịch này phỏng chừng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai. Người mua có được một cơ quan nội tạng để cứu mạng sống, và người bán kiếm được đủ tiền để bù đắp xứng đáng cho sự hy sinh. Giao dịch như vậy là có hiệu quả về mặt kinh tế theo nghĩa quả thận được trao cho người đánh giá nó cao nhất.
Nhưng logic này không hoàn chỉnh vì hai lý do. Thứ nhất, điều tưởng chừng như tự do trao đổi có thể không thực sự tự nguyện. Trong thực tế, người bán thận có khả năng gồm những người bất lực tuyệt vọng trong việc kiếm tiền để nuôi sống gia đình hay cho con cái đi học. Lựa chọn bán thận của họ không thực sự là tự do, mà do bị ép buộc, bởi chính hoàn cảnh không còn hy vọng của họ.
Do vậy, trước khi chúng ta có thể tuyên bố một giao dịch thị trường nào đó là đáng mong đợi hay không, chúng ta phải xác định điều gì được xem là lựa chọn tự do thay vì lựa chọn ép buộc. Và đây là một vấn đề quy phạm, một chủ đề của triết học chính trị.
Print Friendly and PDF

7.4.15

Turgot, lý thuyết gia của chủ nghĩa tư bản, người bảo vệ chủ nghĩa tự do



Turgot, lý thuyết gia của chủ nghĩa tư bản, người bảo vệ chủ nghĩa tự do
Lý thuyết gia của chủ nghĩa tư bản tiên phong, Turgot được vua Louis XVI bổ nhiệm làm Tổng thanh tra tài chính, đã thất bại trong nỗ lực áp dụng chương trình kinh tế tự do vào nước Pháp.
Turgot là một trong số ít các nhà lý thuyết gia kinh tế đạt được quyền lực chính trị.
Có rất nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng, từ thời trọng thương đến thời điểm hiện tại, giữ chức cố vấn cho bậc Quân vương. Thông thường, nhiệm vụ của họ là biện minh cho những quyết định chính trị đã được chuẩn y. Đây là cách hành động thận trọng nhất để duy trì một vị trí có lương cao. Rất hiếm khi, các nhà kinh tế học vươn tới được quyền lực chính trị. Anne Robert Jacques Turgot, thường được gọi là Turgot, là một trong số những người đó, và là một trong số ít những người toan thực hiện các ý tưởng của mình.
Chính trong thời kỳ của ông mà ở Pháp xuất hiện tên gọi "nhà kinh tế học" để chỉ những người trọng nông, môn đồ của Quesnay. Turgot chịu ảnh hưởng của những người trọng nông, trước hết thông qua Vincent de Gournay (1712-1759), quan toàn quyền ở bộ thương mại, thương gia và nhà cải cách chống học thuyết trọng thương, người mà ông tháp tùng trong các chuyến thanh tra ở các tỉnh nước Pháp năm 1756 và 1757. Giống như nhiều nhà tư tưởng vĩ đại của thời ông, Turgot là một học giả đa tài, từ thần học đến luật học trước khi phục vụ trong mười ba năm với chức danh quan toàn quyền vùng Limousin, và sau đó tham gia vào Hội đồng cố vấn nhà vua, đầu tiên với chức danh là Bộ trưởng Bộ hàng hải và sau đó là Tổng thanh tra Tài chính từ năm 1774 đến 1776.
Print Friendly and PDF

5.4.15

Hàng hóa hóa xã hội


Hàng hóa hóa xã hội

Giáo sư triết học chính trị ở Harvard, Michael Sandel tra vấn cơ năng của thị trường vốn đang có xu hướng mở rộng ảnh hưởng đến tất cả mọi tầng lớp trong xã hội
Tuần báo Đức Die Zelt xem ông là “giáo sư nổi tiếng nhất thế giới”. Với bài giảng của ông về công bằng phát trên mạng và trên truyền hình, giáo sư triết học chính trị Michael Sandel của đại học Harvard đã chinh phục cả triệu người trên hành tinh, từ Trung Quốc đến Hoa Kì, ngang qua châu Âu. Tiền không mua được gì? Những giới hạn đạo đức của thị trường, quyển sách cuối cùng của ông là lời kêu gọi từ chối logic lệch lạc của thị trường và thổi một luồng sinh khí mới vào cuộc tranh luận công cộng vì nền dân chủ.   
Le Temps: Nên chăng phải lo ngại sự thống trị ngày ngày càng tăng của những giá trị của thị trường trên xã hội?
Michael Sandel: Trong ba thập kỉ qua, tôi đã nhận thấy một xu hướng nặng không chỉ giới hạn ở Hoa Kì. Hầu hết các nền dân chủ, vốn đã lấy nền kinh tế thị trường làm mô hình, đã tự biến đổi, mà chúng ta không nhận ra, thành những xã hội thị trường. Tự bản thân nó, kinh tế thị trường là một công cụ hiệu quả để tổ chức những hoạt động sản xuất. Một xã hội thị trường thì có vấn đề hơn. Trong xã hội này, mọi thứ đều có một giá. Những giá trị của thị trường bắt đầu xâm lấn vào mọi ngõ ngạch của cuộc sống, từ gia đình đến những quan hệ cá nhân, qua đến sức khỏe, giáo dục, chính trị và đời sống công dân.
Quyển sách của tôi đặt một câu hỏi đơn giản: nên chăng phải lo ngại sự thống trị của tư duy hàng hóa trên xã hội? Câu trả lời rõ ràng là vâng. Khi người ta càng có khả năng mua đồ vật thì điều kiện sống của người nghèo càng tồi tệ. Việc gán một giá cho gần như mọi thứ càng đào sâu hơn những bất bình đẳng. Nếu vấn đề chỉ là có thể mua một chiếc du thuyền hay một chiếc xe hơi đẹp, thì chuyện những bất bình đẳng không quan trọng đến thế. Nhưng khi đồng tiền quyết định việc tiếp cận một mức bảo hiểm y tế tàm tạm, một nền giáo dục tốt và khả năng gây ảnh hưởng chính trị thì phải bắt đầu gióng lên hồi chuông báo động.
Print Friendly and PDF

3.4.15

François Quesnay, nhà sáng lập thuyết trọng nông



François Quesnay, nhà sáng lập thuyết trọng nông

Vào cuối thế kỷ XVIII, François Quesnay phát triển mô hình kinh tế vĩ mô đầu tiên: "Biểu kinh tế". Những ý tưởng của ông đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử tư tưởng kinh tế và tác động đến nhiều tác giả, trong đó có Marx và Keynes.
François Quesnay qua cuốn "Biểu kinh tế" của ông cho thấy tiền bạc và hàng hóa phải lưu thông như thế nào để đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Trong số những nhà kinh tế học vĩ đại trong quá khứ, François Quesnay (1694-1774) ít nổi tiếng hơn Adam Smith. Nhưng công trình của ông là một trong những công trình quan trọng nhất. Công trình đó đã tác động đến Smith và nhiều người kế thừa lừng lẫy nhất của ông ấy. Là người sáng lập trường phái kinh tế học đích thực đầu tiên, trường phái trọng nông, với "biểu kinh tế", Quesnay đã cho ra đời mô hình kinh tế học vĩ mô đầu tiên.
Giống như tất cả các nhà kinh tế học vĩ đại, nổi tiếng cho đến thế kỷ XX, Quesnay trước hết là một nhà tư tưởng xã hội. Ông có một tầm nhìn toàn diện về hoạt động của xã hội. Tầm nhìn này được dựa trên niềm tin triết học được rút ra từ việc đọc những triết gia Hy Lạp, Descartes, Malebranche và Shaftesbury, kết hợp thuyết chủ trí của Descartes với thuyết duy cảm của người Anh. Dành phần lớn sự nghiệp của mình trong ngành phẫu thuật và y học, ông đã viết nhiều cuốn sách trong các lĩnh vực này. Thích tranh luận, ông can thiệp vào cuộc tranh cãi lúc bấy giờ đối lập thầy thuốc với nhà phẫu thuật, các bác sĩ xem các nhà phẫu thuật là như những kỹ thuật viên giống như thợ cắt tóc.
Print Friendly and PDF

1.4.15

Lí thuyết thống trị giống như một hệ thống tín ngưỡng


Steve Keen (sinh năm 1953)

“Lí thuyết thống trị giống như một hệ thống tín ngưỡng”

Từ những xét lại về mặt lí thuyết trong nhiều thập kỉ đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, dường như không gì có thể làm lung lay niềm tin của lí thuyết tân cổ điển thống trị.
Giáo sư nói rằng về mặt nghiên cứu kinh tế, các nhà kinh tế nào không chấp nhận kinh tế học tân cổ điển thống trị đều bị thanh trừng khỏi đại học. Việc này xảy ra lúc nào và bằng cách nào?
Chuyện bắt đầu từ những năm 1960, khởi động với cuộc chiến giữa “hai trường đại học Cambridge”, giữa đại học ở Vương quốc Anh và đại học cùng tên ở bang Massachusetts, ở Hoa Kì. Đối với người không chuyên, cuộc tranh luận có vẻ bí hiểm, vì nó nhắm vào cách định nghĩa “tư bản” (xem khung). Lời qua tiếng lại căng thẳng đến mức là sự tức giận của các nhà kinh tế thống trị đối với những người phê phán họ gia tăng mạnh mẽ. Đến độ là nếu các nhà kinh tế ở bên kia bờ biển Manche đã giành thắng lợi trong cuộc chiến trí tuệ, như nhà kinh tế Mĩ Paul Samuelson đã thừa nhận, thì lí thuyết thống trị đã đơn giản không thèm biết đến luận chứng của những người chống đối trong việc xây dựng cách nhìn thế giới của lí thuyết này.
Sau này, mọi đề xuất bài nghiên cứu toan nghiêm túc đặt lí thuyết thống trị thành vấn đề lần hồi bị các tạp chí có ảnh hưởng nhất bác bỏ một cách triệt để. Những người chủ trương các tạp chí này còn không cung cấp những lập luận để phản bác cách tiếp cận của các bài nghiên cứu ấy: đơn giản là các bài này không được đưa vào quy trình đánh giá để được gởi đến lấy ý kiến của những chuyên gia khác!
Print Friendly and PDF