30.12.24

Sứ đoàn Iwakura đi tìm Khai sáng (Ian Nish)

SỨ ĐOÀN IWAKURA

CHUYẾN TÂY DU ĐI TÌM KHAI SÁNG CHO NHẬT BẢN

The Iwakura Mission to America and Europe: A New Assessment

Ian Nish chủ biên

Nguyễn Xuân Xanh chủ trương và dẫn nhập

“Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII, 2024”

Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế.

Năm điều thề ước 1868 của Hoàng Đế Minh Trị (1868)

Không có sự phồn vinh, văn hóa của nhân dân không thể phát triển. Để cho lòng ái quốc tăng trưởng, nó phải phục vụ sự tạo ra của cải. Người ta nói, chúng ta phải bảo vệ đất nước, nhưng ích lợi gì nếu đất nước chỉ là mảnh đất cằn cỗi?

Chính sách quốc gia của Nhật Bản “mở cửa đất nước” không chỉ là một hành động mở cửa đất nước để có quan hệ với nước ngoài. Nhiều quốc gia trên thế giới mở rộng cửa nhưng vẫn tiếp tục thực hành các tập quán man di, và bất lực trong cải cách, cũng như trong việc tu chỉnh các tập quán đó để có thể tiến lên trình độ văn minh.

Itō Hirobumi

Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản Minh Trị

Print Friendly and PDF

28.12.24

Giải thích và thông hiểu

GIẢI THÍCH VÀ THÔNG HIỂU

Một cách giản lược, có thể nói là chủ đề “giải thích” quy về việc làm hiển nhiên những nguyên nhân quyết định hành vi của các chủ thể, trong lúc ý niệm “thông hiểu” phản chiếu việc làm rõ ý nghĩa, động cơ hay các “lí do” mà các tác nhân gán cho hành động của họ vốn thường được xem là không thể rút gọn thành những nguyên nhân. Đương nhiên trong ngôn ngữ thường ngày, cụm từ giải thích xã hội học cũng có thể quy về việc làm rõ những lí do của các tác nhân. Nhưng một cách kĩ thuật hơn, ta sẽ dành ý niệm giải thích cho việc xác định nguyên nhân của hành vi và ý niệm thông hiểu cho việc mô tả những lí do tạo nên động cơ của hành vi.

Trong lĩnh vực các khoa học xã hội, sự đối lập giữa giải thích và thông hiểu phản ánh cương vị của hai thuật ngữ này đối với các khoa học tự nhiên. Thật vậy, ban đầu sự phát triển của các khoa học xã hội diễn ra trong sự nối tiếp của một cách tiếp cận mới tri thức về tự nhiên, được minh họa bằng biểu tượng là Newton. Điều này đã khiến một số triết gia xét đến khả năng áp dụng các mô hình nhân quả thống trị trong việc giải thích những hiện tượng của tự nhiên có thể áp dụng vào đời sống xã hội. Đó là trường hợp của Hume ([1739] 1973), người muốn làm Newton của xã hội. và như vậy công nhận nguyên tắc rút gọn về tính nhân quả. Trái lại, Kant, trong tác phẩm Phê phán lí tính thực hành (1788), lí thuyết hóa sự phân biệt giữa hai đặc tính, đặc tính của nhân quả vận động trong thế giới vật lí và đặc tính của tự do thắng thế trong lĩnh vực của hành động con người thông qua biểu hiện của đạo lí. Đối với Kant, quy chiếu về tính duy lí và tự do của hành động con người đưa vào một sự tách biệt trong trật tự các hiện tượng, và như vậy hành động của con người thoát khỏi sự thống trị của những nguyên nhân chi phối trật tự tự nhiên. Ta gặp lại cách đặt vấn đề này trong các khoa học xã hội, nhưng dưới một dạng có nhiều thay đổi.

Print Friendly and PDF

26.12.24

Cuộc sống ngắn ngủi và có lý do chính đáng – đây là cách khiến cuộc sống có ý nghĩa hơn

CUỘC SỐNG NGẮN NGỦI VÀ CÓ LÝ DO CHÍNH ĐÁNG – ĐÂY LÀ CÁCH KHIẾN CUỘC SỐNG CÓ Ý NGHĨA HƠN

Eyasu Utsub/Bapt

Năm 1605, tiểu thuyết gia vĩ đại người Tây Ban Nha, Miguel de Cervantes Saavedra, đã viết, qua nhân vật Don Quixote xứ La Mancha, rằng

người khôn ngoan sẽ giữ mình hôm nay cho ngày mai, và không nên đặt hết trứng vào một giỏ.

Nhưng liệu điều này có thực sự khôn ngoan? Tôi cho rằng hoàn toàn không.

Thật là đỉnh cao của sự ngớ ngẩn khi “giữ mình cho ngày mai” nếu ai đó đang mong muốn một sự tồn tại có ý nghĩa, và điều này chỉ dẫn đến một cuộc đời chưa được sống trọn vẹn, đầy rẫy những khả năng chưa được hiện thực hóa và những điều có thể đã xảy ra. Một người khôn ngoan chắc chắn nên sống một cuộc đời thực tế, phải vậy không?

Tuy nhiên, ít nhất là đối với xã hội thế tục, chúng ta dường như đã khắc cốt ghi tâm lời khuyên tưởng chừng như khôn ngoan này. Nó dường như trở thành nền tảng cho việc tối ưu hóa danh mục đầu tư tài chính, nơi nó xuất hiện dưới dạng câu châm ngôn rằng ta nên “đa dạng hóa danh mục đầu tư” và không nên đặt cược quá nhiều vào một khoản đầu tư cụ thể. Trên bề mặt, điều này có vẻ là một cách sống hợp lý: coi cuộc sống như một vấn đề kinh tế (cách tiếp cận này rõ ràng có giá trị về mặt lợi nhuận đầu tư) và trên hết là giảm thiểu thua lỗ. Càng ít lựa chọn, ta càng ít mạo hiểm. Dù sao đi nữa, việc cam kết thường liên quan đến việc từ bỏ những lựa chọn khác. Điều này mang nhiều rủi ro.

Print Friendly and PDF

25.12.24

Kỹ thuật số đang tái cấu trúc xã hội

 KỸ THUẬT SỐ ĐANG TÁI CẤU TRÚC XÃ HỘI

Phỏng vấn Roberta R. Katz

do Jules Naudet thực hiện ngày 8.6.2022

bản dịch tiếng Pháp của Ariel Suhamy

Ấn phẩm này là một phần trong quan hệ đối tác của chúng tôi (La Vie Des Idées/Collège de France) với Trung tâm Nghiên cứu Nâng cao về Khoa học Hành vi/Center for Advanced Study in the Behavioral Sciences (CASBS). Danh sách đầy đủ có thể được xem ở đây.

Ý tưởng hợp tác giữa CASBS (Đại học Stanford) và B&I/LVDI (La Vie des Idées/Collège de France) ra đời từ mục tiêu chung của hai tổ chức là làm phong phú thêm cuộc tranh luận công khai với sự trợ giúp của các công trình thực nghiệm tốt nhất trong Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong khi CASBS được thành lập ngay sau Thế chiến thứ hai, La Vie des Idées chỉ được thành lập vào năm 2008, năm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính về các khoản nợ bất động sản dưới chuẩn (subprime). Bất chấp khoảng thời gian sáu mươi năm kể từ khi hai tổ chức ra đời, cả hai đều được thiết kế với cùng tham vọng, cung cấp những chìa khóa mới để hiểu một thế giới đang gặp khủng hoảng và đang đối phó với sự biến đổi xã hội toàn diện. Cả hai đều cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông các ý tưởng do nghiên cứu ở các trường đại học tạo ra và đảm bảo phổ biến chúng trong mọi tầng lớp xã hội cũng như xuyên biên giới quốc gia. Những giá trị được chia sẻ này là trọng tâm của mối quan hệ đối tác của chúng tôi và chúng tôi hy vọng rằng các phân tích mà chúng tôi cùng xuất bản sẽ được phổ biến sâu rộng hơn nữa trong thế giới nói tiếng Pháp và thế giới nói tiếng Anh.

Sự hợp tác này bao gồm việc xuất bản đồng thời ba loại nội dung bằng tiếng Pháp và tiếng Anh: các bài tóm lược về những cuốn sách mới được bổ sung vào bộ sưu tập của Ralph W. Tyler; chân dung trí tuệ của các cựu Nghiên cứu sinh CASBS có ảnh hưởng và lỗi lạc; và cuối cùng là các cuộc phỏng vấn với các thành viên của cộng đồng CASBS.

Print Friendly and PDF

24.12.24

Noam Chomsky ở tuổi 96: nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục, nhà triết học và nhà tư tưởng đại chúng

NOAM CHOMSKY Ở TUỔI 96: NHÀ NGÔN NGỮ HỌC, NHÀ GIÁO DỤC, NHÀ TRIẾT HỌC VÀ NHÀ TƯ TƯỞNG ĐẠI CHÚNG VỚI TẦM ẢNH HƯỞNG TO LỚN VỀ TRÍ TUỆ VÀ ĐẠO ĐỨC

Noam Chomsky đã diễn thuyết và tranh luận tại nhiều diễn đàn về nhiều chủ đề trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình. Neilson Barnard/Getty Images

Noam Chomsky, một trong những trí thức nổi tiếng và được kính trọng nhất thế giới, sẽ tròn 96 tuổi vào ngày 7 tháng 12 năm 2024. Trong hơn nửa thế kỷ, vô số người đã đọc các tác phẩm của ông bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, và nhiều người đã dựa vào các bình luận và bài trả lời phỏng vấn của ông để có cái nhìn sâu sắc về các cuộc tranh luận trí thức và sự kiện đương thời.

Chomsky bị đột quỵ hồi tháng 6 năm 2023 nên khả năng vận động, nói chuyện và đi lại của ông bị suy giảm nghiêm trọng. Sinh nhật của Chomsky là dịp để xem xét lượng tác phẩm đồ sộ mà ông đã sáng tác nhiều năm qua cũng như suy ngẫm về nhiều cách mà các văn bảnbài nói chuyện của ông vẫn đóng góp sâu sắc tại các cuộc thảo luận đương đại rộng khắp các lĩnh vực và quốc gia.

Khối lượng công trình đồ sộ của Chomsky bao gồm nghiên cứu khoa học tập trung vào ngôn ngữ, bản chất con người và tâm trí, cùng các bài viết chính trị về chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ, Israel và Palestine, Trung Mỹ, Chiến tranh Việt Nam, các thể chế cưỡng chế, phương tiện truyền thông và vô vàn cách, mà theo đó, nhu cầu của con người bị gạt bỏ để nhường chỗ cho lợi nhuận và quyền kiểm soát.

Là một học giả về nhân văn và luật, tôi đã tiếp cận công trình của Chomsky từ nhiều góc độ khác nhau và là tác giả của cuốn tiểu sử “Noam Chomsky: A Life of Dissent” (tạm dịch: Noam Chomsky: Một cuộc đời bất đồng chính kiến)quyển sách về ảnh hưởng của Chomsky có tựa đề The Chomsky Effect: A Radical Works Beyond the Ivory Tower” (tạm dịch: Hiệu ứng Chomsky: Sự nghiệp cấp tiến vượt khỏi tòa tháp ngà). Một chủ đề quan trọng xuyên suốt lượng tác phẩm đồ sộ của ông là niềm say mê suốt đời đối với sự sáng tạo của con người, điều này giúp giải thích những cuộc tấn công dữ dội của ông vào những kẻ tìm cách kiểm soát quần chúng.

Print Friendly and PDF

22.12.24

Những lời nói dối của phương Tây

NHỮNG LỜI NÓI DỐI CỦA PHƯƠNG TÂY

Tác giả: Georg Diez, der Spiegel số 44/2013

Người dịch: Ninh Dương

Trong một ngôi làng ở độ cao 2100 mét trên dãy Himalaya, nhà trí thức Ấn Độ Pankaj Mishra cắt nghĩa cho thế giới phương Tây hiểu những gì phương Đông đánh giá họ: chẳng bao nhiêu.

Qua khung cửa sổ, Pankaj Mishra nhìn thấy những cây táo, anh dõi mắt theo suốt con dốc dẫn đến những ngọn núi xanh bên kia thung lũng, đằng sau đó là dãy Himalaya với những ngọn núi khổng lồ tỏa sáng khi chúng không bị gió mùa nuốt chửng.

Anh đã đến đây, đến Mashobra, năm 1992, anh lấy xe buýt, đi không màng đích đến, anh muốn tìm hiểu đất nước Ấn Độ của mình, muốn đi du lịch, muốn thấy, hiểu và khi xe buýt ngừng ở Mashobra, vừa xuống xe anh đã cảm thấy khoan khoái dễ chịu và đi bộ xuống sườn đồi đến ngôi nhà nằm giữa rừng táo, nơi anh sống cho đến nay, bấm chuông, thuê một căn phòng và ở lại: ít nhất là nửa khoảng thời gian trong năm anh ở đó, xa hẳn thế giới bên ngoài và sự ồn ào náo động.

Anh hiện có hai phòng, một ban công nhô ra thung lũng, một phòng rộng chất đầy sách mà anh đã mang dần đến, một kính viễn vọng. Anh ngủ trong gian nhỏ bên cạnh, nơi để máy tính xách tay. Bên trái là một nhà bếp hiếm khi được dùng vì anh đặt phần ăn của mình ở một trong hai cái gọi là quán ăn tại Mashobra: một nhà kho không cửa ở bên đường, một con bò bới thùng rác, một người đàn ông ngồi lom khom trên cầu thang đánh răng. 2000 người sống ở đây, tại độ cao 2146 mét, mùa hè thì cao thêm vài mét. Mùa đông, tuyết đổ làm con đường trở nên lầy lội và sau đó đóng băng. Ít ra thì ở đó cũng có internet.

Print Friendly and PDF

20.12.24

Chiến thắng của Donald Trump: Tin vui cho Trung Quốc?

CHIẾN THẮNG CỦA DONALD TRUMP: TIN VUI CHO TRUNG QUỐC?

Pierre-Antoine Donnet[*]

Donald Trump, trong bài phát biểu chiến thắng sau khi tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, ngày 5 tháng 11 năm 2024. (Nguồn: CBS)

Chiến thắng của Donald Trump, tái đắc cử vào Nhà Trắng cho 4 năm, là một tin tuyệt vời đối với các chế độ độc tài trên toàn thế giới. Kể cả đối với chính quyền ở Trung Quốc, ngay cả khi nền kinh tế nước này sẽ phải hứng chịu các biện pháp bảo hộ sắp tới, nhiều chuyên gia về Châu Á tin rằng Trung Quốc sẽ không bỏ lỡ cơ hội để được hưởng lợi từ chiến thắng này.

Đối với Zhang Junhua, nhà nghiên cứu liên kết tại Viên Nghiên Cứu về Châu Á của Châu Âu, về mặt chính trị, sự thoái lui này là một món quà quý giá cho phe độc tài trên toàn cầu. Tập Cận Bình và Vladimir Putin chắc chắn sẽ vui mừng trước kết quả của cuộc bầu cử này, đến tận đấy lòng.

Nhà nghiên cứu được Deusche Welle trích dẫn tiếp tục: Bởi vì họ biết rằng bốn năm tới sẽ không chỉ đẩy nền dân chủ Mỹ vào thời kỳ kịch phát mà còn tạo nhiều cơ hội hơn cho những người ở Hoa Kỳ ủng hộ việc giảm bớt đến mức tối đa phạm vi hoạt động của Nhà nước pháp quyền, dân chủ và công bằng. Các liên minh dân chủ ở Châu Á mà Tổng thống Joe Bien đã dày công xây dựng, như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và tổ chức Quad[**] sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp một cách tai hại.

Zhang Junhua giải thích: Nói cách khác, điều này sẽ mang lại cho Trung Quốc, cùng với Nga, cơ hội áp đặt ý chí của mình ở Đông Á, eo biển Đài Loan và Biển Đông”. Đối với ông, nhiệm kỳ của Donald Trump còn có hệ quả là tách xa Châu Âu với Châu Á-Thái Bình Dương do sự gia tăng những mối nguy hiểm có thể xảy ra ở biên giới của Châu Âu với nỗi ám ảnh về chiến thắng của Nga ở Ukraine. Zhang Junhua lưu ý: Tóm lại, bề ngoài, đây là một chiến thắng vĩ đại của chủ nghĩa bảo thủ ở Mỹ, nhưng trên thực tế, nó còn là một chiến thắng vĩ đại hơn nữa của chủ nghĩa độc tài toàn cầu. Tất cả những điều này rất có hại cho tình hình an ninh ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Print Friendly and PDF

18.12.24

Bí mật ngớ ngẩn của AI: Chúng ta vẫn chưa chắc chắn cách đánh giá mức độ thông minh của con người

BÍ MẬT NGỚ NGẨN CỦA A.I.: CHÚNG TA VẪN CHƯA CHẮC CHẮN CÁCH ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ THÔNG MINH CỦA CON NGƯỜI

Bạn có thông minh như bạn nói không? Hakinmhan

Hai trong số những công ty dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo tại San Francisco đã thách thức công chúng đưa ra những câu hỏi có khả năng kiểm tra năng lực của các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như Google Gemini và o1 của OpenAI. Scale AI, chuyên về việc chuẩn bị lượng dữ liệu khổng lồ dùng để huấn luyện các LLM, đã hợp tác với Trung tâm An toàn Trí tuệ Nhân tạo (CAIS) để khởi động sáng kiến Bài kiểm tra cuối cùng của nhân loại [Humanity’s Last Exam].

Với giải thưởng trị giá 5.000 đô la Mỹ (3.800 bảng Anh hay khoảng 127 triệu đồng) dành cho những người đưa ra 50 câu hỏi hay nhất được chọn cho bài kiểm tra này, Scale và CAIS cho biết mục tiêu là kiểm tra xem chúng ta đã tiến gần việc đạt được “các hệ thống AI cấp chuyên gia” đến mức nào bằng cách sử dụng “liên minh chuyên gia lớn nhất và rộng khắp nhất trong lịch sử”.

Sao phải làm điều này? Các LLM hàng đầu đã vượt qua nhiều bài kiểm tra đã được thiết lập về trí thông minh, toán học và luật, nhưng khó có thể khẳng định điều này có ý nghĩa như thế nào. Trong nhiều trường hợp, chúng có thể đã học trước các câu trả lời nhờ được huấn luyện trên lượng dữ liệu đồ sộ, mà phần lớn trong đó là mọi thứ trên internet.

Print Friendly and PDF

16.12.24

Địa chính trị của quá trình chuyển đổi năng lượng: cơ hội cho “phía Nam toàn cầu”

ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG:

CƠ HỘI CHO PHÍA NAM TOÀN CẦU

Trần Quốc Hùng[*]

Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu đã báo cáo rằng Mùa hè năm 2024 là mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu và mười hai tháng trước đó đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục cao hơn 1,64 độ C (2,95 độ F) so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn tiền công nghiệp 1850-1900. Điều này được kích hoạt bởi sự kết hợp giữa chu kỳ El Nino ấm hơn và tác động của sự nóng lên do con người gây ra. Mặc dù phải mất nhiều thập kỷ với nhiệt độ toàn cầu nóng như vậy để xác nhận rằng thế giới đã không thể giữ mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C, nhưng thời tiết nóng hiện tại đã đưa ra một cảnh báo rõ ràng rằng cần phải thúc đẩy nhanh các nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu chính là giữ mức tăng dưới 2 độ C (3,6 độ F) như đã đồng ý tại COP21 ở Paris năm 2015 - việc vượt quá mức tăng 1,5 độ C hiện có vẻ là không thể tránh khỏi.

Nhiệt độ kỷ lục gần đây đã làm tăng tính cấp thiết trong các nỗ lực của thế giới nhằm giảm dần than, loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch kém hiệu quả và chuyển đổi sang năng lượng sạch bao gồm việc sử dụng rộng rãi xe điện (EV), tấm pin mặt trời và tua bin gió - như đã đồng ý tại COP28 gần đây ở Dubai. Đã là một đề xuất khó khăn nhằm thay đổi nền kinh tế toàn cầu gắn liền với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, sự cạnh tranh địa chính trị gia tăng đã khiến quá trình chuyển đổi năng lượng trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, việc Donald Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ đã làm tăng khả năng leo thang căng thẳng với Trung Quốc và sự lúng túng trong các nỗ lực khí hậu quốc tế vì Trump vẫn tiếp tục phủ nhận biến đổi khí hậu. Ông đã tuyên bố sẽ đưa Hoa Kỳ ra khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 một lần nữa.

Print Friendly and PDF

14.12.24

Abdus Salam – Vinh quang và khổ nạn

ABDUS SALAM – VINH QUANG VÀ KHỔ NẠN

Bất chấp vinh quang mà Abdus Salam đem về cho Pakistan, nhà khoa học Hồi giáo đầu tiên giành giải Nobel này đã bị hắt hủi và lãng quên trên chính quê hương mình.

Abdus Salam sau khi nhận giải thưởng Nobel. Ảnh: Gettyimages

Vào năm 1980, không lâu sau khi Abdus Salam được trao giải Nobel do những đóng góp của ông vào phát triển lý thuyết thống nhất điện yếu trong vật lý hạt, ông được mời tới dự một buổi lễ tại trường Đại học Quaid-e-Azam (QAU) ở Islamabad. “Buổi lễ đó là để vinh danh Abdus Salam, và được tổ chức tại Khoa Vật lý QAU, một khoa do chính cựu học trò của ông, TS. Riazuddin, thành lập”, Pervez Hoodbhoy, một nhà vật lý Pakistan tên tuổi từng tham gia chuẩn bị cho buổi lễ, nhớ lại vào năm 2016.

Những tưởng sự có mặt của ông khiến ai nấy đều tự hào thì thật bất ngờ, quyết định này đã làm thổi bùng sự phản đối dữ dội. Abdus Salam đã về tới Islamabad để tham dự buổi lễ nhưng không vào được khuôn viên trường do có lời đe dọa của những sinh viên là thành viên của Jamaat-e-Islami, phong trào Hồi giáo chính thống được thành lập vào năm 1941 tại Ấn Độ thuộc Anh. “Tình trạng leo thang đến mức vô cùng căng thẳng; tôi vẫn còn nhớ là họ đã đe dọa chặt gẫy chân Abdus Salam nếu ông bước chân vào trường; chúng tôi đành phải thông báo ngừng tổ chức chương trình”, TS. Hoodbhoy kể.

Có phải số phận quá nghiệt ngã với Abdus Salam, dẫu chưa có người Pakistan thứ hai nào giành thêm một giải Nobel khoa học?

Print Friendly and PDF

12.12.24

Kỹ thuật chuỗi khối, tiền ảo, tài sản ảo và chính sách của Việt Nam

KỸ THUẬT CHUỖI KHỐI, TIỀN ẢO, TÀI SẢN ẢO VÀ CHÍNH SÁCH CỦA VIỆT NAM

Vũ Quang Việt (kinh tế gia) và Hồ Văn Tiến (kỹ sư phần mềm)

12/11/2024

Bài này đặt câu hỏi chính là tại sao Việt Nam lại muốn trở thành trung tâm của kỹ thuật chuỗi khối và lý do cho việc đặt câu hỏi. Phần phụ lục dành cho độc giả muốn biết thêm chi tiết về nguyên tắc của công nghệ chuỗi số, dù còn sơ lược.

Tại sao lại đặt vấn đề?

Công nghệ chuỗi khối (blockchain) dùng làm gì và tại sao chính phủ Việt Nam lại bỗng nhiên đặt nặng vấn đề công nghệ chuỗi khối ở Việt Nam. Công nghệ chuỗi khối chính là công nghệ dùng để ghi (chứa) và cập nhật trong sổ cái (ledger) tất cả thông tin về các giao dịch (transaction) của một tài sản gì đó (có thể là tiền ảo, chứng chỉ sở hữu tài sản nhà, bằng lái xe hay thông tin gì đó). Hệ thống này có khả năng xác minh tính trung thực của mã địa chỉ từng túi thông tin, thông tin chứa trong túi, tính khả thi của từng trao đổi nếu là tiền ảo (như có đủ tiền không). Xác minh không được làm tập trung, mà làm phân tán ở khối, ở địa chỉ liên quan, rồi cuối cùng ở địa chỉ chứa sổ cái (full node). Một khối ghi một số trao đổi mới nhất trong một thời gian nhất định, và đóng lại với mã thời gian sau khi được kiểm định. Toàn bộ các giao dịch, có thể vượt biên giới, nhanh chóng, không qua trung gian, được máy kiểm chứng, được ghi trong sổ cái (ledger), nhưng chính vì thế người thứ ba (như chính phủ hay bất cứ ai) không thể biết được chủ sở hữu thật của các trao đổi và số chung kết về tài sản của một túi tiền là ai và ở đâu.

Tiền ảo với công nghệ chuỗi khối

Tại sao kỹ thuật chuỗi số lại được nói tới nhiều như hiện nay? Đó là vì kỹ thuật này được dùng để tạo ra tiền ảo như Bitcoin, cho phép trao đổi trực tiếp giữa một sở hữu chủ và đối tác, tránh sự nhòm ngó của bất cứ ai. Mà cơ bản là chính quyền không biết người sở hữu thực là ai (có nghĩa là có địa chỉ thực để bị đánh thuế hay xem xét tính hợp pháp) và mục đích trao đổi của họ là gì. Do đó cơ bản Bitcoin dùng để đầu cơ là chính và sau đó có thể là buôn lậu và tài trợ các hoạt động bất chính khác, vượt biên giới quốc gia.

Print Friendly and PDF

10.12.24

Brics+ có thể định hình một trật tự thế giới mới, nhưng nó thiếu các giá trị chung và bản sắc thống nhất

BRICS+ CÓ THỂ ĐỊNH HÌNH MỘT TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI, NHƯNG NÓ THIẾU CÁC GIÁ TRỊ CHUNG VÀ BẢN SẮC THỐNG NHẤT

Một số nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh Brics ở Kazan vào ngày 24 tháng 10 năm 2024. Ảnh: Maxim Shemetov/pool/AFP, Getty Images

Hai hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của các nước Brics đã đặt ra câu hỏi về bản sắc và mục đích của liên minh. Điều này bắt đầu được chú ý tại hội nghị thượng đỉnh do Nam Phi tổ chức vào năm 2023 và càng rõ nét hơn tại hội nghị thượng đỉnh năm 2024 tại Kazan, Nga.

Tại cả hai sự kiện, liên minh đều đã cam kết mở rộng thành viên. Năm 2023, năm thành viên đầu tiên của Brics – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – đã mời Iran, Ai Cập, Ethiopia, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất gia nhập. Tất cả các nước này, ngoại trừ Ả Rập Xê Út, hiện đã tham gia. Hội nghị thượng đỉnh năm 2024 cam kết sẽ kết nạp thêm 13 nước nữa, với tư cách là thành viên liên kết hoặc “quốc gia đối tác”.

Trên lý thuyết, chín thành viên Brics+ tạo một ấn tượng mạnh mẽ. Tổng dân số của khối rơi vào khoảng 3,5 tỷ người, hay 45% dân số thế giới. Tổng giá trị kinh tế của khối này là hơn 28,5 nghìn tỷ đô la Mỹ – khoảng 28% nền kinh tế toàn cầu. Với Iran, Ả Rập Xê Út và UAE là thành viên, Brics+ sản xuất khoảng 44% dầu thô của thế giới.

Dựa trên nghiên cứu và lời khuyên chính sách của tôi cho những nhà hoạch định chính sách đối ngoại của châu Phi, tôi cho rằng có ba cách giải thích khả dĩ về mục đích của Brics+.

Print Friendly and PDF

8.12.24

Biến đổi khí hậu và Nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ NÔNG DÂN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Biến đổi khí hậu buộc nông dân đồng bằng sông Cửu Long phải thay đổi suy nghĩ. Giờ đây họ sản xuất tôm – và trả giá đắt cho bài học.

Tác giả: Matthias Müller, NZZ Thụy Sĩ

Người dịch: Ninh Dương

Từ nghìn năm nay, sông Mekong là huyết mạch của Đông Nam Á. Thế nhưng, ở vùng đồng bằng châu thổ dòng sông hùng vĩ, biến đổi khí hậu đã có mặt ở khắp mọi nơi. Việc canh tác lúa bị hạn chế một cách đáng kể vì lý do đất bị nhiễm mặn.

Nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long có thể kiếm được thu nhập từ nuôi tôm cao hơn là trồng lúa. Tuy nhiên, do thiếu chuyên môn về ngành này nên họ phải trả giá đắt cho bài học. [Roberto Schmidt/AFP]

Trịnh Hoàng Cung chèo thuyền trên một cái hồ nhỏ với nhịp gõ đều đặn vào chiếc gậy nhô lên khỏi mặt nước. Ông ta kéo lưới lên và bỏ mẻ tôm đánh bắt được vào thùng chứa. Những con tôm sú và một con cua đang giãy giụa trong xô. Hoàng[*] quan sát mớ thu hoạch, cười mãn nguyện nói: “Mẻ này được đấy”.

Nguồn hy vọng đã trở lại. Trước đây, Hoàng  và gia đình trồng mía và trồng lúa quanh năm để mưu sinh. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã phá vỡ chu trình khiến Hoàng rơi vào tình trạng quẫn bách. Ông không bỏ cuộc. Trong tình thế nguy cấp, ông đã cùng với những người đồng cảnh ngộ đánh liều làm một cái gì mới và chuyển sang nghề nuôi tôm trong mùa khô và trồng lúa vào mùa mưa.

Print Friendly and PDF

6.12.24

Mãnh lực của Ý tưởng: Di sản của Serge Moscovici

MÃNH LỰC CỦA Ý TƯỞNG: DI SẢN CỦA SERGE MOSCOVICI

Tác giả: Sandra Jovchelovitch

Serge Moscovici (1925-2014)

1 Lý thuyết của Moscovici về các ý tưởng được định hình một cách toàn diện trong cuốn Tâm phân học, Hình ảnh và Công chúng |Psychoanalysis, Its Image and Its Public| (Moscovici, 2008), mặc dù chúng ta cũng có thể thấy điều đó rất rõ trong lý thuyết của ông về sự ảnh hưởng của nhóm thiểu số |minority influence| (Moscovici, 1976). Trong nghiên cứu của mình về tâm phân học, Moscovici bắt đầu nghiên cứu cách tâm phân học xâm nhập vào công chúng và trở thành một nhân tố văn hóa. Ở đó, ông nghiên cứu việc một tập hợp các ý tưởng, giả định và cách thực hành di chuyển như thế nào vào lĩnh vực xã hội và được biến đổi khi gặp gỡ với số đông. Đây là một cuốn sách bàn về việc một ngành khoa học, tức tâm phân học, xâm nhập như thế nào vào công chúng, và trong quá trình này, được biến đổi thành một thứ gì đó khác. Điểm mấu chốt của vấn đề là làm thế nào để một hình thái tri thức, tức khoa học, trở thành một thứ gì đó khác, tức lẽ thường |common sense|. Kết quả mà chúng ta biết rõ: một cuốn sách trở thành tác phẩm kinh điển của ngành tâm lý học xã hội nghiên cứu về tri thức và là nền tảng ban đầu cho lý thuyết những biểu trưng xã hội |social representations|. Những biểu trưng xã hội là những ý tưởng mà ta đang sống theo chúng và đôi lúc cũng sẽ chết vì chúng. Được tạo ra và biến đổi qua quá trình tương giao trong công chúng, những biểu trưng xã hội xuất hiện xuyên qua các lịch sử và những câu chuyện, các nền văn hóa và những thế hệ. Chúng thay đổi, chứ không biến mất. Những biểu trưng xã hội tham gia vào các lãnh địa mới song vẫn giữ liên kết với các lãnh địa gốc của chúng và, quan trọng là, với các cộng đồng khởi phát của chúng. Chúng tạo ra sự phá cách nhưng cũng làm quen với sự xa lạ. Trong lý thuyết của Moscovici, những biểu trưng xã hội cung cấp một sự liên tục giữa cuộc sống và tri thức, giữa khoa học và lẽ thường, giữa một ngành tâm lý học về tính duy lý và nhận thức với một ngành tâm lý học về kinh nghiệm, cảm xúc và xã hội (Jovchelovitch, 2007; Marková, 2003).

Print Friendly and PDF

4.12.24

Trước khi có trí tuệ nhân tạo, các cuộc “cách mạng” tin học có thực sự làm đảo lộn nghiên cứu trong kinh tế học không?

TRƯỚC KHI CÓ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO, CÁC CUỘC “CÁCH MẠNG” TIN HỌC CÓ THỰC SỰ LÀM ĐẢO LỘN NGHIÊN CỨU TRONG KINH TẾ HỌC KHÔNG?

Các tác giả: Francesco SergiPierrick Dechaux

Máy tính EDSAC (Electronic Delay Storage Automatic Calculator ), một trong những mẫu máy tính đầu tiên đặt tại Bộ môn Kinh tế học ứng dụng, Đại học Cambridge. WikimediaCC BY

Theo các tạp chí có uy tín, trí tuệ nhân tạo sẽ là “tiềm năng làm cách mạng trong nghiên cứu” về kinh tế học. Nhưng chuyện gì đã xảy ra với những đổi mới trước đây trong tin học được nêu ra theo cách tương tự?

Ngày nay, bạn có thể nêu tên một nghề không thể được thực hiện, ít nhất là một phần, bởi một robot hay một trí tuệ nhân tạo? Cách đây không lâu, nghiên cứu khoa học là một ứng viên thích hợp. Ngày nay không còn như vậy nữa: trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu, các công cụ của trí tuệ nhân tạo tham gia viết những nội dung khoa học, thiết lập các giả thuyết… những hoạt động mà trước đây ta nghĩ là dành riêng cho trí tuệ con người.

Trong kinh tế học, tạp chí có uy tín Journal of Economic Literature báo trước rằng những công cụ như ChatGPT có “tiềm năng làm cách mạng trong việc nghiên cứu”. Nếu điều ấy có vẻ là hiển nhiên, thì còn phải nhấn mạnh sự kết hợp thuật ngữ tiềm năng với biện pháp tu từ cách mạng – vì có nhiều trở ngại giữa những mong đợi và thực tế.

Print Friendly and PDF

2.12.24

Sự thống trị và Sự thống trị của nam giới

DOMINATION [Sự thống trị]

Tác giả: François Denord

Nếu xã hội học của Pierre Bourdieu thường được coi là xã hội học về sự thống trị thì khái niệm này chỉ dần dần xuất hiện trong sự nghiệp của ông, mặc dù thuật ngữ này đã xuất hiện trong tác phẩm của ông về xã hội Algérie. Bourdieu sử dụng nó, không chỉ để xác định các mối quan hệ nam/nữ [Xã hội học về Algérie/Sociologie de l’Algérie], mà còn để mô tả tính đặc thù của hệ thống thuộc địa, cụ thể là cán cân quyền lực giữa một “xã hội Châu Âu thống trị” và “một xã hội Algérie bị thống trị” [PB 1961a]. Quá trình thuộc địa hóa “ép buộc người thuộc địa phải áp dụng luật pháp của người thực dân, trong các vấn đề kinh tế và thậm chí cả trong lối sống” [PB 1966i: 130]. Ngầm dựa đến Karl Marx, Bourdieu cũng đề cập đến giai cấp thống trị trong một số tác phẩm của ông về xã hội học giáo dục và văn hóa vào cuối những năm 1960 [PB 1967c; 1968a]. Nhưng chính việc đọc kỹ Max Weber, cũng như những bài giảng và buổi hội thảo mà ông dành cho Max Weber [Gemperle 2008], đã khiến ông hệ thống hóa việc sử dụng thuật ngữ thống trị vào đầu những năm 1970.

Tiếp sau Max Weber, sự thống trị có thể được định nghĩa là khả năng một mệnh lệnh được chấp hành mà người ra lệnh không nhất thiết phải sử dụng thể lực. Thật vậy, qua thuật ngữ “sự thống trị”, chúng tôi muốn nói đến một ý chí đã được khẳng định (một “mệnh lệnh”) của “(những) người thống trị” tìm cách gây ảnh hưởng đến hành động của những người khác (của những người “bị thống trị”) và thực sự ảnh hưởng đến hành động này, khi mà, ở một mức độ có ý nghĩa về mặt xã hội, hành động này diễn ra như thể kẻ bị thống trị đã biến nội dung của mệnh lệnh này thành châm ngôn cho hành động của họ (“sự phục tùng”).” [Weber 2013: 49] Sự thống trị đòi hỏi sự phục tùng nhanh chóng và tự động “nhờ một khuynh/thiên hướng sở đắc”, “ý chí tuân theo tối thiểu, tức là một lợi ích từ bên ngoài hoặc từ bên trong để tuân theo” [Weber 1995: 285]. Do đó, không có sự thống trị nào mà không có sự đồng lõa tích cực của kẻ bị thống trị.

Print Friendly and PDF