30.4.25

Cảm nghĩ tháng Tư: Cuộc tiến quân nào sắp tới? và Đã đến lúc phải xây dựng tinh thần khởi nghiệp quốc gia

CUỘC TIẾN QUÂN NÀO SẮP TỚI

Để chiến thắng vòng kim cô của nghèo khó lạc hậu kéo dài dai dẳng?

Nguyễn Xuân Xanh

* * *

Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại / Nghèo khổ thì độc lập không ý nghĩa gì.

—Tô Lâm, Tổng Bí thư

Chính sách quốc gia của Nhật Bản “mở cửa đất nước” không chỉ là một hành động mở cửa đất nước để có quan hệ với nước ngoài. Nhiều quốc gia trên thế giới mở rộng cửa nhưng vẫn tiếp tục thực hành các tập quán man di, và bất lực trong cải cách, cũng như trong việc tu chỉnh các tập quán đó để có thể tiến lên trình độ văn minh.

—Itō Hirobumi, Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản Minh Trị

Nghèo khó không chỉ là sự thiếu tiền; mà là sự mất khả năng phát huy hết tiềm năng của mình như một con người.

—Amartya Sen, Nhà kinh học tế Ấn độ Giải Nobel

Hai trang của bài báo của tôi trên Số đặc biệt 30-4

Lời nói đầu

Xin chia sẻ với anh chị bài viết của tôi trên báo Tuổi Trẻ Số đặc biệt 30-4. Sau 50 năm đất nước hòa bình độc lập thống nhất tôi băn khoăn hơn bao giờ hết làm sao phát triển nhanh chóng đất nước một cách đột phá, Không thể nào nói hết làm sao để khát vọng của người Việt được thực hiện trong một bài báo. Chúng ta còn thiếu những đòn bẩy để bẩy đất nước lên cao nguyên giàu có. Chúng ta phải lấy nhân dân làm gốc, và học hỏi con đường các dân tộc xung quanh đã đi. Chúng ta đã từng vượt qua những khó khăn cao như núi tưởng chừng không vượt qua được. Lịch sử đất nước đã bao lần có tiếng trống hào hùng như thế của dân tộc. Thì chúng ta cũng nhất quyết vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, để tiến vào sân chơi của các quốc gia tiên tiến. Chúng ta đang lạc hậu, và khoảng cách với các quốc gia phát triển càng lớn hơn nếu chúng ta không có biện pháp phát triển bứt phá như tốc độ các quốc gia đi trước. Chúng ta đã chiến thắng chiến tranh bứt phá, thì cũng phải có năng lực chiến thắng hòa bình bứt phá. Chúng ta phải có lòng tự trọng nhiều hơn, và thức tỉnh nhiều hơn như người Nhật trước đây hơn 150 năm, người Hàn và Đài Loan nửa thế kỷ trước, và Trung Quốc gần đây. Chúng ta cần hiểu hiện trạng quốc gia, và sự thua kém sâu sắc, và phải tự vấn để tìm lối ra nhanh chóng.

Print Friendly and PDF

28.4.25

Xây dựng đối tượng (nghiên cứu) và Kiến tạo luận

XÂY DỰNG ĐỐI TƯỢNG (NGHIÊN CỨU)

Gaston Bachelard (1884-1962)

Xây dựng đối tượng khoa học không chỉ là trọng tâm của phương pháp luận của Pierre Bourdieu mà còn là của khoa học luận và lý thuyết của ông về thế giới xã hội. Mặc dù tập thứ hai của Le Métier de sociologue được dành cho việc xây dựng đối tượng xã hội học đã không bao giờ được xuất bản [MS: 5], Bourdieu sẽ không ngừng quay trở lại, trong những công trình này, tầm quan trọng của giai đoạn này [Invitation à la sociologie réflexive: 285]. Chủ đề này là di sản của trường phái khoa học luận lịch sử Pháp, trong đó Bourdieu được đào tạo khi theo học những khóa triết học của Georges Canguilhem, người thừa kế Gaston Bachelard, người đã viết, ngay trong chương đầu tiên của cuốn La Formation de l’esprit scientifique: “Khoa học, về nguyên tắc cũng như về yêu cầu hoàn thiện của nó, tuyệt đối chống lại những ý kiến thô” [a]. […] Ý kiến thô là suy nghĩ sai lầm, là không có suy nghĩ, là sự diễn tả các nhu cầu thành ra hiểu biết. Khi chỉ định sự vật qua tính hữu ích của chúng, thật ra các ý kiến thô đã tự cấm mình hiểu biết sự vật. Không thể xây dựng cái gì trên ý kiến thô được, trước hết phải phá bỏ nó đi. Nó là chướng ngại đầu tiên phải vượt qua […] Với một đầu óc khoa học thì hiểu biết nào cũng là một câu trả lời cho một câu hỏi. Nếu đã không có câu hỏi thì cũng không thể có hiểu biết khoa học. Không có gì tự nhiên thành. Không có gì cho sẵn, tất cả phải được xây dựng nên.

Print Friendly and PDF

27.4.25

Con đường đến một thời hoàng kim của công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển (Justin Yifu Lin)

CON ĐƯỜNG ĐẾN MỘT THỜI KỲ HOÀNG KIM CỦA CÔNG NGHIỆP HÓA Ở CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN

The Path to a Golden Age of Industrialization in the Developing World

Justin Yifu Lin (Lâm Nghị Phu)

Nguyễn Xuân Xanh chuyển ngữ và trình bày

Sự mong muốn cải thiện tình trạng của chúng ta, một mong muốn… đến với chúng ta từ trong bụng mẹ, và không bao giờ rời bỏ chúng ta cho đến khi chúng ta xuống mồ. 

—Adam Smith

Hai kinh nghiệm trên (của Đài Loan và Trung Quốc) đã thuyết phục tôi rằng nghèo đói không phải là định mệnh. Mặc dù có thể bị mắc kẹt trong nghèo đói trong nhiều thế kỷ, nhưng một quốc gia có thể thay đổi số phận mình và bắt đầu tiến bước trên một con đường năng động hướng tới sự biến đổi. […] Và ở bất kể nơi nào tôi từng đến trong phạm vi công việc của mình ở Ngân hàng Thế giới, tôi đều thấy những người nông dân và công dân mà tôi lớn lên cùng ở Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Tất cả họ đều hi vọng có một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và cho thế hệ trẻ bằng cách lao động chăm chỉ. 

— Justin Yifu Lin (Lâm Nghị Phu, trong sách Cuộc Truy cầu Sự Thịnh vượng, xi-xii)

Có rất nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy các nền kinh tế tiên tiến nhất ngày nay phụ thuộc rất nhiều vào sự can thiệp của chính phủ để kích thích và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cất cánh và bắt kịp của họ, cho phép họ xây dựng các cơ sở công nghiệp vững chắc và duy trì đà tăng trưởng trong thời gian dài. List (Friedrich, 1841), trong tập biên khảo nổi tiếng của ông về các chính sách thương mại và công nghiệp dẫn đến những chuyển đổi kinh tế ban đầu ở thế giới phương Tây, đã ghi lại nhiều công cụ chính sách mà các chính phủ sử dụng để hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp cụ thể — mà nhiều công cụ trong số đó đã trở nên thành công và cung cấp nền tảng ho sự phát triển công nghiệp quốc gia.

Tương tự như vậy, (kinh tế gia và học giả Hàn Quốc) Ha-Joon Chang đã xem xét sự phát triển kinh tế trong thời kỳ mà hầu hết các nền kinh tế tiên tiến ngày nay trải qua các cuộc cách mạng công nghiệp (từ khi kết thúc Chiến tranh Napoleon năm 1815 đến khi bắt đầu Thế chiến thứ Nhất năm 1914). Ông nhận thấy các mô hình can thiệp khác nhau của nhà nước cho phép các quốc gia này thực hiện các chiến lược bắt kịp của họ. Thành công công nghiệp của các nền kinh tế phương Tây cũng là do việc sử dụng các chính sách công nghiệp, thương mại và công nghệ. Các biện pháp can thiệp của chính phủ bao gồm từ việc thường xuyên sử dụng các chính sách thuế nhập khẩu và thậm chị cấm nhập khẩu để bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ đền khuyến khích công nghiệp thông qua trợ cấp độc quyền và nguồn cung cấp giá rẻ từ các nhà máy của chính phủ, các khoản trợ cấp khác nhau, quan hệ đối tác các công tư và đầu tư trực tiếp của nhà nước, đặc biệt là ở Anh khi nước này cố gắng bắt kịp Hà Lan và ở Mỹ khi nước này cố gắng bắt kịp Anh.

— Justin Yifu Lin (Lâm Nghị Phu, trong sách Cuộc Truy cầu Sự Thịnh vượng, Chương 4)

Print Friendly and PDF

26.4.25

Con đường đến thịnh vượng (Justin Yifu Lin)

CON ĐƯỜNG ĐẾN THỊNH VƯỢNG:

SỰ CHUYỂN ĐỔI SANG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG CỦA TRUNG QUỐC TRONG BỐN THẬP NIÊN QUA

Path to prosperity: China’s transition to market economy in the last four decades

Justin Yifu Lin (Lâm Nghị Phu)

Nguyễn Xuân Xanh chuyển ngữ và trình bày

“Nhưng các cơ hội và thách thức mà các nước phát triển phải đối mặt lại khác với các nước đang phát triển. Vì vậy, các lý thuyết được thiết kế riêng cho các nước phát triển không nhất thiết phải áp dụng cho các nước đang phát triển. Và vì các điều kiện và vấn đề kinh tế xã hội ở các nước phát triển không ngừng thay đổi, nên các lý thuyết thống trị của họ cũng thay đổi theo thời gian. Vì vậy, khi cố gắng áp dụng các lý thuyết từ các nước phát triển để định hướng cho các chính sách của mình, các nước đang phát triển có thể không biết nên chọn lý thuyết nào. Ngay cả khi họ chọn một lý thuyết, lý thuyết đó cũng có thể không phù hợp với điều kiện của họ.[…]

Do đó, các nhà trí thức ở Trung Quốc và các nước đang phát triển khác nên đào sâu hiểu biết về đất nước của họ ở mọi khía cạnh, bao gồm cả các khía cạnh chính trị, kinh tế và các khía cạnh xã hội khác. Thông qua đó, họ có thể xây dựng một cách sáng tạo một khuôn khổ lý thuyết nắm bắt được bản chất, thách thức và cơ hội của quá trình hiện đại hóa đất nước mình.”

– Justin Yifu Lin

Print Friendly and PDF

24.4.25

Địa chính trị của sự chết: lập bản đồ cuộc tranh luận về kết thúc cuộc sống

ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA SỰ CHẾT: LẬP BẢN ĐỒ CUỘC TRANH LUẬN VỀ KẾT THÚC CUỘC SỐNG

Nghiên cứuY tế công cộng

Ít có vấn đề phức tạp và đầy sóng gió bằng sự đồng hành cùng người bệnh và kết thúc cuộc sống – một vấn đề mà các nhà lập pháp Pháp đang chú tâm trong những ngày này.

Thay vì nói đến một cách quá trừu tượng hoặc chỉ lập luận từ một số trường hợp đặc biệt, sẽ ích lợi hơn nếu chúng ta bắt đầu từ những gì chúng ta biết: các dữ liệu và tình trạng pháp luật hiện hành ở quy mô toàn cầu.

Louis-Charles Viossat phác hoạ một vòng toàn cầu.

Tác giả: Louis-Charles Viossat[*]

Hình ảnh: “Mặt nạ Agamemmon” bảo tồn tại Bảo tàng khảo cổ học Athènes, số NM 624

Tại Pháp, những cuộc thảo luận của Quốc hội về dự luật đồng hành cùng người bệnh và hỗ trợ kết thúc cuộc sống – bị đột nhiên ngưng lại do việc giải tán Quốc hội đầy mạo hiểm – đã tiếp diễn trong uỷ ban các vấn đề xã hội vào ngày thứ ba 25 tháng ba (2025).

Thủ tướng Pháp François Bayrou cuối cùng đã chọn bỏ văn bản lúc đầu của chính phủ và chuyển hướng sang hai đề nghị tách biệt về luật – đề nghị thứ nhất là về chăm sóc giảm nhẹ, do nữ dân biểu Annie Vidal (thuộc đảng Ensemble pour la République – Liên minh các đảng phe Cộng Hoà –) nêu ra, và đề nghị thứ hai là hỗ trợ sự chết theo cách đặc thù của Pháp, do Olivier Faloni (Phe Dân chủ), đồng nghiệp của ông nêu ra.

Việc hợp pháp hoá, với một số điều kiện, sự hỗ trợ việc tự tử và an tử theo yêu cầu của người đó[1], - trong trường hợp người yêu cầu không có khả năng về thể chất tự mình sử dụng chất gây chết người – nếu được Quốc hội thông qua và được hợp pháp hoá bởi Hội đồng hiến pháp, sẽ là một thay đổi quan trọng trong tiếp cận việc kết thúc cuộc sống tại Pháp.

Print Friendly and PDF

22.4.25

Chúng ta cần ngừng giả vờ rằng AI thông minh – bằng cách sau đây

CHÚNG TA CẦN NGỪNG GIẢ VỜ RẰNG A.I. THÔNG MINH – BẰNG CÁCH SAU ĐÂY

Kundra/Shutterstock

Chúng ta liên tục được nhồi nhét một phiên bản AI trông có vẻ, nói năng và hành động giống ta một cách đáng ngờ. Nó nói những câu văn trau chuốt, bắt chước cảm xúc, thể hiện sự tò mò, tuyên bố cảm thấy đồng cảm, thậm chí còn học đòi làm cái mà nó gọi là sự sáng tạo.

Nhưng sự thật là: nó không sở hữu bất kỳ phẩm chất nào trong số này. Nó không phải là con người. Và thể hiện AI như thể nó là con người? Thật nguy hiểm. Bởi vì nó trông rất thuyết phục. Và không có gì nguy hiểm hơn một ảo ảnh đầy thuyết phục.

Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo tổng quát — loại AI huyền thoại được cho là bắt chước được tư duy của con người — vẫn chỉ là khoa học viễn tưởng và có lẽ sẽ mãi như vậy.

Những gì chúng ta gọi là AI ngày nay không khá hơn một cỗ máy thống kê: một con vẹt kỹ thuật số nhai lại các mẫu được khai thác từ vô số dữ liệu của con người (tình hình chẳng thay đổi mấy kể từ khi được thảo luận ở đây cách đây năm năm). Khi AI viết câu trả lời cho một câu hỏi, nó chỉ đoán chữ cái và từ nào sẽ xuất hiện tiếp theo trong một chuỗi – dựa trên dữ liệu mà nó đã được huấn luyện.

Print Friendly and PDF

20.4.25

Khi Trump nỗ lực để đưa … Trung Quốc vĩ đại trở lại

KHI TRUMP NỖ LỰC ĐỂ ĐƯA … TRUNG QUỐC VĨ ĐẠI TRỞ LẠI

Tác giả: Pierre-Antoine Donnet 

Nhân viên Trung Quốc đang điều chỉnh cờ Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Mục tiêu của Donald Trump là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again), nhưng các quyết định của ông đang gây ra sự khó hiểu trên toàn thế giới. Nhiều nhà phân tích và quan sát tin rằng quyết định sau cùng, bao gồm việc áp đặt mức thuế quan cao ngất ngưởng lên toàn bộ hành tinh, có thể có tác dụng “khiến Trung Quốc vĩ đại trở lại”.

------------------------------------------------------

“Người ta có thể nghĩ rằng đây là thời điểm lo âu ở quốc gia mà Hoa Kỳ coi là đối thủ chính của mình. Trên thực tế, các phóng sự của chúng tôi ở Bắc Kinh cho thấy một tình hình rất khác. Chương trình MAGA gây áp lực trên các nhà lãnh đạo Trung Quốc để buộc họ sửa chữa những sai lầm kinh tế tồi tệ nhất của họ. Nó cũng tạo ra cơ hội để vẽ lại bản đồ địa chính trị của Châu Á theo hướng có lợi cho Trung Quốc”, tuần báo The Economist nhấn mạnh.

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc vốn đã yếu kém sẽ phải chịu ảnh hưởng từ mức thuế quan mà Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ áp đặt, “Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên MAGA mới mạnh mẽ hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump”, tuần báo Anh này giải thích vào ngày 4 tháng 4 trong bài xã luận có tựa đề “Cách nước Mỹ có thể khiến Trung Quốc vĩ đại trở lại bằng một cơ hội lớn và tuyệt vời”.

Print Friendly and PDF

18.4.25

Hãy biết mình – thật thấu tỏ: Tại sao các bài hát của Taylor Swift lại đậm chất triết học

HÃY BIẾT MÌNH – THẬT THẤU TỎ: TẠI SAO CÁC BÀI HÁT CỦA TAYLOR SWIFT LẠI ĐẬM CHẤT TRIẾT HỌC

Tác giả: Jessica Flanigan

[Swift biểu diễn bài hát] ‘Đừng sợ hãi’ trên sân khấu − và trong sự quán xét nội tâm. Nguồn ảnh: Ashok Kumar/TAS24/Getty Images for TAS Rights Management

Taylor Swift không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn và nhà soạn nhạc tỷ phú. Mà cô còn là một triết gia.

Là một Swiftie [người hâm mộ cuồng nhiệt Taylor Swift - ND] và đồng thời là một triết gia, tôi thấy tuyên bố này khiến các Swiftie và những triết gia đều tỏ ra ngạc nhiên. Nhưng một khi người hâm mộ cô tìm hiểu thêm một chút về triết học – và các triết gia cũng tìm hiểu thêm một chút về tác phẩm của Swift – cả hai nhóm này đều có thể ghi nhận phong cách soạn nhạc của cô theo những phương thức mới mẻ.

Hãy tự soi mình trong gương

Khi Socrates, một trong những triết gia vĩ đại nhất, nói “cuộc đời mà không tự vấn thì chẳng đáng sống”, thì ông đang muốn nói rằng mỗi người thậm chí chẳng thể biết liệu họ có đang sống một cuộc đời có ý nghĩa hay không trừ khi họ suy xét kỹ lưỡng các lựa chọn và những giá trị của bản thân.

Giống như những người viết [nhạc] vĩ đại khác, phong cách soạn nhạc của Swift luôn luôn bao gồm sự quán xét nội tâm |introspection| về những lựa chọn và các giá trị, như Socrates nghĩ. Một vài bài hát của cô đề cập tới giá trị của việc hiểu bản thân, ngay cả khi điều đó thật chẳng dễ.

Print Friendly and PDF

16.4.25

Thuộc địa hóa, một lịch sử của Pháp

THUỘC ĐỊA HÓA, MỘT LỊCH SỬ CỦA PHÁP

Giới thiệu phim hay của FRANCE.TV, ngày 2/2/2025

Bộ phim tài liệu đặc biệt “Colonisation, une histoire française” vẽ lại lịch sử thực dân Pháp, từ Algiers đến Madagascar và từ Dakar đến Sài Gòn trong khoảng thời gian từ năm 1830 đến năm 1945. Câu chuyện này đúng là của chúng ta, câu chuyện về một cuộc đối đầu dữ dội giữa các dân tộc sẽ tạo nên một cộng đồng vận mệnh không thể đảo ngược.

Liệu cuối cùng chúng ta có thể đối mặt với quá khứ thuộc địa này, quá khứ vẫn còn ám ảnh ký ức cho đến ngày nay và làm trầm trọng thêm bản sắc đến mức gây nguy hiểm cho nền cộng hòa đa dân tộc? Đây chính là thách thức của dự án đầy tham vọng thể hiện qua bộ phim này, được kể lại thông qua sự đắm chìm vào thời đại đầy biến động đó.

Sử dụng những tài liệu lưu trữ đặc biệt, những bộ phim này cho chúng ta thấy cách nước Pháp xây dựng một đế chế thuộc địa rộng tới 11 triệu km vuông như thế nào. Một đế chế nơi hàng chục triệu cư dân sinh sống, nơi mà, trái ngược với những gì người ta thường tin, họ đã chống lại thực dân ngay từ đầu và không bao giờ ngừng đấu tranh để giải phóng mình. Những dân tộc mà nước Pháp, mặc dù đã nhiều lần nỗ lực cải cách hệ thống thuộc địa, nhưng vẫn không có khả năng tìm ra giải pháp trả lại độc lập khi vẫn còn cơ hội. Việc đó đã dẫn đến sự tan rã dữ dội của đế chế này từ năm 1946.

Print Friendly and PDF

14.4.25

Mô hình mới tiết lộ toàn bộ tác động của các mức thuế quan 'Ngày giải phóng' của Trump – Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

MÔ HÌNH MỚI TIẾT LỘ TOÀN BỘ TÁC ĐỘNG CỦA CÁC MỨC THUẾ QUAN 'NGÀY GIẢI PHÓNG' CỦA TRUMP – HOA KỲ CHỊU ẢNH HƯỞNG NẶNG NỀ NHẤT

Getty Images

Giờ đây chúng ta đã có bức tranh rõ ràng hơn về các mức thuế quan "Ngày giải phóng" [Liberation Day] của Donald Trump và cách chúng sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia thương mại khác, tính cả chính Hoa Kỳ.

Chính quyền Hoa Kỳ tuyên bố các thuế quan đánh vào hàng nhập khẩu này sẽ làm giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ và giải quyết những gì mà họ coi là các hoạt động thương mại không công bằng và không “có đi có lại”. Trump cho biết điều này sẽ

mãi mãi được nghi nhớ  ngày tái sinh của ngành công nghiệp Mỹ, ngày nước Mỹ giành lại vận mệnh của mình.

Thuế quan “có đi có lại”, hay còn gọi là thuế quan đối ứng, được thiết kế để áp đặt các khoản phí lên các quốc gia khác (với mức phí) tương đương một nửa chi phí mà họ được cho là gây ra cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ thông qua thuế quan, thao túng tiền tệ và các rào cản phi thuế quan đánh vào hàng hóa Hoa Kỳ.

Mỗi quốc gia nhận được một con số thuế quan để áp dụng cho hầu hết các mặt hàng. Các ngành đáng chú ý được miễn thuế bao gồm thép, nhôm và xe cơ giới, vốn đã phải chịu mức thuế quan mới từ trước.

Mức thuế quan cơ sở tối thiểu cho mỗi quốc gia là 10%. Nhưng nhiều quốc gia nhận được con số cao hơn, bao gồm Việt Nam (46%), Thái Lan (36%), Trung Quốc (34%), Indonesia (32%), Đài Loan (32%) và Thụy Sĩ (31%).

Con số 34% của Trung Quốc là số thuế được cộng thêm vào thuế quan hiện hành vốn đã là 20%, do đó tổng mức thuế quan áp dụng cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ là 54%. Các quốc gia được áp dụng mức thuế quan 10% gồm có Úc, New Zealand và Vương quốc Anh.

Hiện tại, Canada và Mexico được miễn áp dụng thuế quan đối ứng, nhưng hàng hóa từ hai quốc gia này phải chịu mức thuế 25% theo một sắc lệnh hành pháp riêng biệt.

Mặc dù một số quốc gia thực sự áp mức thuế cao hơn đối với hàng hóa của Hoa Kỳ so với mức thuế mà Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng xuất khẩu của họ, và mức thuế "Ngày giải phóng" được cho là chỉ bằng một nửa mức thuế suất đối ứng đầy đủ, nhưng những tính toán đằng sau các con số này vẫn còn nhiều tranh cãi.

Ví dụ, theo một nghiên cứu gần đây, các biện pháp phi thuế quan rất khó đo lường và “có nhiều bất trắc”.

Tác động đến GDP khi có sự trả đũa

Các quốc gia khác hiện có khả năng sẽ đáp trả bằng thuế quan trả đũa đối với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Canada (điểm đến lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ), EU và Trung Quốc đều tuyên bố họ sẽ đáp trả tương tự.

Để ước tính tác động của cuộc đối đầu thương mại ăn miếng trả miếng này, tôi sử dụng một mô hình toàn cầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ. Các công cụ mô phỏng tương tự – được gọi là “mô hình cân bằng tổng thể có thể tính toán” – được các chính phủ, học giả và công ty tư vấn sử dụng rộng rãi để đánh giá các thay đổi chính sách.

Mô hình đầu tiên mô phỏng một kịch bản trong đó Hoa Kỳ áp đặt thuế quan đối ứng và các loại thuế quan mới khác, và các quốc gia khác đáp trả bằng thuế quan tương đương đối với hàng hóa của Hoa Kỳ. Những thay đổi ước tính về GDP do thuế quan có đi có lại của Hoa Kỳ và thuế quan trả đũa của các quốc gia khác được thể hiện trong bảng dưới đây.

Thuế quan làm giảm 438,4 tỷ đô la Mỹ (1,45%) GDP của Hoa Kỳ. Chia cho 126 triệu hộ gia đình của quốc gia này, GDP của mỗi hộ gia đình giảm 3.487 đô la Mỹ (khoảng 90 triệu đồng - ND) mỗi năm. Con số này lớn hơn mức giảm tương ứng ở bất kỳ quốc gia nào khác. (Tất cả các số liệu trong bảng đều tính bằng đô la Mỹ.)

Tỷ lệ giảm GDP lớn nhất là ở Mexico (2,24%) và Canada (1,65%) vì các quốc gia này xuất hơn 75% hàng xuất khẩu của họ sang Hoa Kỳ. Các hộ gia đình Mexico thiệt hại 1.192 đô la (khoảng 31 triệu đồng - ND) mỗi năm và các hộ gia đình Canada thiệt hại 2.467 đô la (khoảng 64 triệu đồng - ND).

Các quốc gia có mức giảm GDP tương đối lớn khác bao gồm Việt Nam (0,99%) và Thụy Sĩ (0,32%).

Một số quốc gia hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại. Thông thường, các quốc gia này phải đối mặt với mức thuế quan tương đối thấp từ Hoa Kỳ (và do đó cũng áp dụng mức thuế quan tương đối thấp đối với hàng hóa của Hoa Kỳ). New Zealand (0,29%) và Brazil (0,28%) là hai nước có mức tăng GDP lớn nhất. Các hộ gia đình ở New Zealand được hưởng lợi 397 đô la (khoảng 10 triệu đồng - ND) mỗi năm.

Tổng GDP cho phần còn lại của thế giới (tất cả quốc gia ngoại trừ Hoa Kỳ) giảm 62 tỷ đô la.

Ở cấp độ toàn cầu, GDP giảm 500 tỷ đô la (0,43%). Kết quả này xác nhận quy tắc nổi tiếng rằng các cuộc chiến thương mại thu hẹp (quy mô) nền kinh tế toàn cầu.

Tác động GDP không có sự trả đũa

Trong kịch bản thứ hai, mô hình mô tả những gì xảy ra nếu các quốc gia khác không phản ứng với thuế quan của Hoa Kỳ. Những thay đổi trong GDP của các quốc gia được chọn được trình bày trong bảng dưới đây.

Các quốc gia phải chịu mức thuế quan tương đối cao của Hoa Kỳ và xuất phần lớn hàng xuất khẩu của mình sang nước này sẽ phải chịu mức giảm GDP theo tỷ lệ lớn nhất. Những quốc gia này bao gồm Canada, Mexico, Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan, Thụy Sĩ, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Các quốc gia áp dụng mức thuế mới tương đối thấp sẽ được hưởng lợi, trong đó Vương quốc Anh có mức tăng GDP lớn nhất.

Thuế quan làm giảm 149 tỷ đô la (0,49%) GPD của Hoa Kỳ vì thuế quan làm tăng chi phí sản xuất và giá tiêu dùng trong nước.

Tổng GDP của phần còn lại của thế giới giảm 155 tỷ đô la, nhiều gấp đôi mức giảm tương ứng khi có hành động trả đũa. Điều này cho thấy phần còn lại của thế giới có thể giảm tổn thất bằng cách trả đũa. Đồng thời, hành động trả đũa dẫn đến kết quả tồi tệ hơn cho Hoa Kỳ.

Các thông báo thuế quan trước đây của chính quyền Trump đã làm trì trệ "cơ chế của thương mại quốc tế. Thuế quan đối ứng khiến cơ chế này bắt đầu bị hỏng hóc. Cuối cùng, Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với thiệt hại lớn nhất.

Tác giả

Niven Winchester

Niven Winchester

Giáo sư Kinh tế, Đại học Công nghệ Auckland

Tuyên bố công khai

Niven Winchester trước đây đã nhận được tài trợ từ Ủy ban Năng suất và Bộ Ngoại giao và Thương mại để ước tính tác động của các chính sách thương mại tiềm năng. Ông có liên kết với Motu Economic & Public Policy Research.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: New modelling reveals full impact of Trump’s ‘Liberation Day’ tariffs – with the US hit hardest, The Conversation, April 3, 2025.

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF